Bắt Trẻ Đồng Xanh - Chương 13
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
127


Bắt Trẻ Đồng Xanh


Chương 13


Tôi cuốc bộ về tận ngôi khách sạn thổ tả đang trọ. Qua những bốn mốt dãy phố, chứ đâu phải đùa! Tôi cuốc bộ, chẳng phải vì thích hóng mát, mà chỉ vì chán cái cảnh phải ngồi taxi. Lắm lúc bạn chẳng thiết đi taxi, thậm chí cả đến thang máy cũng thế. Bỗng dưng bạn muốn cuốc bộ hoặc leo thang gác, dù xa đến mấy hoặc cao đến mấy, mặc lòng. Hồi nhỏ, tôi thường leo bộ lên tận phòng mình. Tít trên tầng mười hai. Nhưng tôi thích thế. Tuồng như tuyết đã ngừng rơi từ lâu. Hè phố không còn một bông tuyết nào. Nhưng rét như cắt, nên tôi đành phải lôi chiếc mũ săn trong túi ra, chụp lên đầu, bất chấp diện mạo mình lúc ấy ra sao. Thậm chí tôi còn phải kéo sụp cả hai cái tai che xuống. Chà, ước gì biết được thằng ôn nào đã thó mất đôi găng của tôi trên Pencey! Hai tay tôi đang tê cóng trong túi áo khoác. Nói thế chứ dẫu có biết đích xác đứa ăn cắp, tôi cũng chẳng biết dám làm gì. Tôi vốn nhát gan lắm. Không dám để lộ ra, nhưng tôi non gan. Chẳng hạn, nếu biết đích xác cái đứa thó đôi găng, tôi cũng chỉ dám đến bảo thằng bịp ấy câu này là cùng: “Này, trả tao đi!”. Và nếu thằng bịp ấy đáp: “Găng nào?” bằng giọng bình thản, thì tôi cũng chỉ dám mở tủ, lục tìm đôi găng ấy. Còn nếu nó giấu trong ủng đi tuyết, mà tôi moi ra được, thì tôi cũng chỉ dám bảo: “Đôi này mà mày dám nói là của mày, hả?”. Lúc đó, chắc thằng vịt ấy sẽ làm ra vẻ như trẻ mới đẻ, đáp rằng: “Tao chưa từng thấy đôi găng ấy bao giờ. Nếu đúng của mày, thì mày cứ việc lấy đi. Ngữ ấy, mày tưởng báu lắm hả?”.

Còn tôi, chắc sẽ đứng đực trước mặt nó chừng năm phút. Giữ đôi găng trong tay, và cảm thấy phải quại cho nó vỡ mõm ra và chừa cái thói đó đi. Nhưng tôi không có gan làm. Chỉ đành đứng yên đó, cau mắt giận dữ. May lắm, tôi cũng chỉ dám mắng thẳng vào mặt nó một câu thật cay độc thay vì nện nó vỡ mặt. Nhưng nếu bị tôi mắng, mà thằng ấy lại đứng phắt dậy, tiến thẳng đến trước mặt tôi, quát to: “Này, Caulfield, mày vừa bảo tao là thằng ăn cắp hả?”, thì thay vì mắng tiếp: ‘Đúng đấy, tao bảo mày là thằng súc sinh đấy, thằng khốn!” – chắc tôi chỉ dám thốt lên: “Thì tao vừa tìm thấy đôi găng phải gió của tao trong ủng đi tuyết của mày là gì”. Thằng bịp ấy lập tức hiểu ngay tôi không dám đánh nó, nên sẽ gân cổ lên quát: “Này, nói thật đi, mày đổ thừa tao là đồ ăn cắp, đúng không?”. Lúc ấy, chắc tôi sẽ đấu dịu: “Chả ai gọi ai là đồ ăn cắp. Tao chỉ bảo: đôi găng của tao nằm trong ủng đi tuyết của mày thế thôi”. Và cuộc đấu khẩu sẽ cứ thế mà tiếp diễn.

Rốt cục, chắc tôi đành bước ra khỏi phòng thằng bịp ấy, mà chẳng dám làm gì, chứ đừng nói tới chuyện quại nó vỡ quai hàm. Rồi chắc tôi sẽ lẻn vào phòng vệ sinh, hút vụng một điếu thuốc, vừa soi gương, thử ngắm gương mặt giận dữ của mình ra sao. Đại để tôi đã nghĩ thế suốt dọc đường về, cho tới lúc mò tới khách sạn mình trọ. Làm kẻ nhút nhát, tôi chẳng thích gì lắm. Có lẽ, tôi chưa hẳn đã là đứa như thế. Đúng sai thế nào, tôi chưa biết thật đích xác. Cũng có thể tôi chỉ nhát gan một phần, còn một phần nữa, tôi nhổ toẹt vào chuyện đôi găng mất hay còn. Đó là tật xấu nghiêm trọng nhất, tôi nhổ toẹt vào mọi thứ mình đã đánh mất. Tật ấy đã khiến mẹ tôi rất điên tiết ngay từ hồi còn ở nhà. Bởi lẽ những đứa trẻ khác có thể bỏ ra cả mấy ngày trời để tìm những thứ bị thất lạc. Còn tôi, quả thật tôi chưa bao giờ có một thứ gì đáng gọi là quí giá để đến nỗi phải tiếc rẻ, một khi đã đánh mất. Có lẽ vì thế nên tôi đâm ra non gan. Vả chăng, cũng không thể gọi thế là non gan, nếu phải quại vào mõm đứa nào đó mà bạn thì lại không muốn. Với tôi, thà cứ quẳng ai đó qua cửa sổ hoặc chém bay đầu hắn bằng rìu còn hơn là đấm vào giữa mặt hắn. Tôi chúa ghét chuyện trừng trị nhau bằng quả đấm, cho sướng tay. Thôi thì thà cứ để cho người ta đánh mình, tuy rằng chuyện đó chẳng thích chút nào, như các bạn biết đấy, tôi rất ngại chuyện đấm vào mặt kẻ khác, tôi sợ bộ mặt kẻ đó.

Tôi không thể nhìn thẳng vào mặt kẻ đó, khốn khổ thế đấy. Vì khi đã chịu nhìn vào mắt nhau, thì tức là đã chẳng ghét bỏ gì nhau nữa rồi. Một lối sợ đến là lạ đời, nếu ngẫm cho cùng, nhưng đã sợ thì dẫu sao cũng tức là nhát gan. Gì chứ chuyện đó tôi chẳng bao giờ nên dối mình, tôi biết.

Rồi càng nghĩ nhiều về chuyện đôi găng và thói nhút nhát, tôi càng thấy ngao ngán thêm, nên bụng bảo dạ phải ghé vào đâu đó tìm chút gì nhấm nháp cho khuây. Ở đằng Ernie tôi chỉ mới uống ba cốc, và lại, cốc thứ ba tôi còn chưa kịp uống nốt. Có thể nói chắc điều này, tửu lượng tôi rất khá. Tôi có thể uống suốt đêm mà đầu óc vẫn tỉnh, nhất là đang phấn chấn. Hồi còn đi học dưới Whooton, tôi với một đứa bạn, thằng Raymond Goldfarb, đã mua cả nửa lít Scotch, rồi lôi vào nhà nguyện thù tạc suốt cả buổi tối thứ bảy mà chẳng bị ai bắt gặp hết. Nó thì say lử cò bợ, nhưng tôi vẫn tỉnh như không. Chỉ thấy người lâng lâng và tay chân như nhẹ hẳn đi. Tôi đã nôn thốc nôn tháo lúc lên giường đi nằm, nhưng đó là cố ý, chứ kể cố nhịn, chắc cũng chẳng làm sao.

Tóm lại, trên đường về khách sạn, tôi đã toan ghé vào một cái bar nào đó làm thêm vài ly, nhưng bỗng gặp hai người say bí tỉ từ trong đó bước ra, hỏi tôi ga tàu điện ngầm ở ngả nào. Một người, trông thì đích thị là dân Tây Ban Nha, cứ phả vào mặt tôi hơi rượu chua lòm trong lúc tôi chỉ đường cho ông ta. Thành thử tôi chẳng thèm ghé vào cái bar trời đánh đó nữa, mà cứ xăm xăm cuốc bộ về khách sạn.

Dưới đại sảnh không còn một bóng người. Ngự trị trong phòng chỉ có cái mùi tởm lợm của hơn năm chục triệu đầu thuốc xì gà hạng bét vứt đi. Khó ngửi kinh khủng. Tôi vẫn chưa thấy buồn ngủ nhưng mệt bã người. Tâm trạng chán ngán không biết để đâu cho hết. Chẳng thiết sống nữa. Đúng lúc ấy, tôi bỗng vướng phải một chuyện khó chịu kinh khủng. Tôi chưa kịp lách người vào thang máy, thì lão gác thang máy đã gọi giật lại:

– Này, muốn giải buồn chút không, anh bạn trẻ? Hẳn anh bạn tưởng khuya quá rồi chứ gì?

– Ông định nói gì? – Tôi hỏi lão, chẳng hiểu chút gì điều lão ám chỉ.

– Có thích được một thiếu nữ đầu ấp tay gối qua đêm không?

– Tôi ấy à? – Câu hỏi thật ngốc nghếch. Nhưng ai mà chẳng ngớ người ra thế, khi bị hỏi thẳng cái chuyện vớ vẩn ấy, như chuyện lão hỏi tôi.

– Cậu bao nhiêu tuổi rồi, cậu cả? – Lão bất chợt hỏi.

– Gì kia? – Tôi nói. – Hăm hai.

– Thế rồi kia à? Gật chứ? Chỉ chốc lát thôi, 5 “đô”. Còn 15 “đô” thì suốt từ giờ tới sáng. 5 tờ – chốc lát – 15 tờ – suốt đêm. Lão nhắc lại.

– Được thôi. Về nguyên tắc, tôi chống lại những trò bẩn thỉu kiểu ấy. Nhưng tôi đang chán tới mức chẳng còn thiết để đầu óc phải bận tâm tới chuyện đó. Tai họa là ở chỗ: khi đã ngao ngán, thì đến nghĩ ngợi, bạn cũng chả muốn chút nào.

– Được là thế nào? Chốc lát hay suốt đêm?

– Chốc lát thôi.

– Xong ngay. Anh bạn trọ phòng nào đấy?

Tôi nhìn hàng chữ số đỏ chót chạm trên chuôi chìa khóa:

– Mười hai – hăm hai – Nói xong, tôi đâm ân hận ngay, vì đã để cho cơ sự xoay chuyển ra thế này. Nhưng hối thì đã muộn.

– Được, mười lăm phút nữa, cô ấy sẽ có mặt trên phòng anh. – Lão mở cửa thang máy cho tôi bước vào trong. Nhưng tôi gọi giật lão lại liền.

– Này, khoan đã, cô ấy mặt mũi có kháu không hả? Tôi không cần bà già đâu đấy, hiểu chưa!

– Già là thế nào! Đừng lo, anh bạn trẻ!

– Thế tiền thì trả cho ai?

– Cô ấy, – lão đáp. – Thôi, lên phòng đi, cậu cả! – Rồi lão đập mạnh cửa thang máy ngay trước mũi tôi.

Tôi trở lên phòng, dấp nước lên tóc, nhưng tóc tôi cứng quá lông nhím, nên có chải mấy cũng chẳng chịu mượt cho. Rồi tôi thử hà hơi, xem mồm miệng có còn mùi thuốc lá với Whitsky pha soda đằng Ernie không. Tôi áp tay vào miệng, cho hơi thở bay lên mũi. Mùi rượu với thuốc lá chẳng còn mấy nữa, nhưng tôi vẫn cứ đánh răng. Rồi thay sơmi sạch vào cho tươm tất.

Tôi chẳng biết có cần phải sửa soạn mẽ ngoài không, mỗi khi đi chơi gái, nhưng dẫu sao cũng lăng xăng thế cho đỡ bồn chồn. Của đáng tội, tôi không hồi hộp lắm, nhưng dẫu sao vẫn cứ lo lo. Chẳng giấu gì các bạn, tôi đã mười sáu, nhưng vẫn trong trắng. Thật đấy. Đã bao lần, tôi cố tìm cơ hội để đánh mất sự trong trắng đó, nhưng chẳng ăn thua. Chẳng hạn, sợ bố mẹ con bé ấy về không đúng lúc, đúng hơn là sợ họ về đúng lúc. Còn nếu đang ngồi với một đứa khác đằng ghế sau xe hơi, thì ghế trước lại có một đứa khác, chốc chốc cứ ngoái lại xem hai đứa đằng sau đang làm gì. Tóm lại, cứ trắc trở hoài, không thế này thì thế nọ. Dẫu sao tôi cũng đã gặp hai dịp khá may mắn, suýt nữa thì đã thành công, nhất là cái lần mà tôi còn nhớ như in sau đây. Vẫn bị trắc trở, có điều tôi quên biến đi là bị cái gì cản mũi. Cái chính là khi sắp sửa hành sự, thì con bé thế nào cũng bảo bạn: “Đừng, anh”, – nếu nó không phải là đứa ************** tính hoặc phường bán phấn buôn hương. Và khốn khổ cho tôi là bao giờ tôi cũng lập tức chấp thuận lời cầu xin đó. Với bọn con trai khác thì đừng hòng nhé, chúng cứ mặc tất! Nhưng tôi không nỡ lòng nào. Tôi đã ngoan ngoãn vâng theo. Và chẳng bao giờ biết rõ – con bé ấy không thích thực, hay nó chỉ sợ thế thôi, hoặc cố ý bảo “đừng” để nếu cơ sự xảy đến thì người có lỗi là tôi, chứ chẳng phải nó. Tóm lại, tôi ngoan ngoãn vâng theo tức khắc, khi nó vừa mở miệng cầu khẩn. Cái chính là bao giờ tôi cũng thấy thương hại bọn con gái. Bọn chúng vốn rất ngốc nghếch, khổ thế đấy, chuyện đó chắc các bạn chẳng lạ. Hễ được hôn một cái là mụ đầu mụ óc đi ngay. Thì bạn cứ thử âu yếm một đứa mà xem thì khắc biết chúng ngốc đến mức nào: hễ được vuốt ve chút đỉnh là đã phát cuống phát cuồng, y như một con mụ dại! Tôi không biết chúng bảo “đừng” là vờ hay thực, nhưng bao giờ tôi cũng thôi ngay.

Rồi tíếc ngẩn tiếc ngơ, sau khi tiễn chúng về nhà, nhưng dẫu sao vẫn tiếp tục ngoan ngoãn nghe theo lời bọn chúng.

Như vậy là vừa thay áo, tôi vừa nghĩ: rốt cục, cơ hội rồi cũng đã tới tìm tôi. Tôi nghĩ, dẫu ả là gái giang hồ thì cũng chẳng sao vì đằng nào mình cũng phải học ít nhiều, biết đâu mai mốt mình lại chẳng lấy vợ? Chuyện đó lắm lúc khiến tôi thấy băn khoăn. Hồi còn học dưới Whooton, tôi có vớ được một cuốn sách mỏng nói về một gã rất trác táng nhưng rất sành điệu về khoản làm tình. Tên gã là Monsieur Blanchard, bây giờ tôi vẫn nhớ rất rõ. Cuốn sách rất đáng tởm, nhưng lão Blanchard ấy thì không sao cả. Lão có một lâu đài khá bề thế ở Rivera, bên châu Âu, và những lúc rảnh rỗi lão chẳng còn biết làm gì ngoài chuyện dùng batoong nện hết bà này tới bà khác. Nhìn đại thể, lão rất can đảm này nọ, nhưng cũng rất hay đánh đàn bà, con gái đến quẫn trí. Trong sách có một đoạn lão nói về đàn bà. Thân thể đàn bà, theo lời lão cũng như một chiếc violon, phải vào tay một nhạc sĩ điêu luyện mới khiến được nó réo rắt. Cuốn sách thổ tả đó nói chung rất dở, tôi biết, nhưng hình ảnh chiếc violon ấy thì chẳng lúc nào rời khỏi tâm trí tôi. Vì thế, tôi muốn tập sự chút đỉnh, để phòng ít nữa còn có cái đem ra thi thố lúc lập gia đình. Caulfield và chiếc violon thần kỳ, trời ạ! Đại để, tôi cũng là đứa rất lớ ngớ, nhưng chắc cũng chưa đến nỗi vứt đi. Thành ra tôi muốn mình thật sành sỏi trong bất cứ thứ gì động vào. Bằng không, khi gặp một đứa con gái, thực tình tôi vẫn chưa biết phải xoay sở thế nào với nó. Chẳng hạn, tôi đã phải chật vật cả tiếng đồng hồ với cô ả mà tôi sắp kể, cô ả tôi sắp ăn nằm tại khách sạn, mà vẫn chẳng đi đến đâu, cho tới lúc lão gác thang máy chết rấp ấy mò tới lôi ả đi. Cuối cùng, trước khi cuốn xéo đi, ả ta thiếu đường muốn nhổ toẹt nước bọt vào mặt tôi cho hả giận.

Trở lại chuyện tôi thay xong chiếc áo rồi đi đi lại lại trong phòng chờ cô gái giang hồ nọ mò lên. Tôi cứ khấn thầm suốt, cầu mong sao cho ả thật kháu khỉnh. Nhưng rồi lại bất chấp tuốt. Chỉ mong sao mọi chuyện sớm kết liễu cho rảnh nợ đi. Rốt cục rồi cũng có tiếng gõ cửa phòng. Tôi tiến vội ra mở cửa nhưng lại vấp phải chiếc vali nằm ngay giữa đường, suýt nữa thì gãy đời nó một cẳng. Số tôi thật hẩm, toàn chọn những lúc như thế để vấp ngã!

Tôi mở cửa thì thấy ả giang hồ nọ đã đứng đấy rồi. Đầu không mũ, người choàng một chiếc áo măng-tô thể thao, tóc sáng màu, nhưng chắc đó là tóc nhuộm. Và chẳng già lão chút nào hết.

– Xin chào! – Tôi dùng cái giọng đài các nhất mà mình có được chào ả ta.

– Anh là người Moris bảo tôi lên gặp? – Ả hỏi, chẳng lấy gì làm niềm nở.

– Ông giữ thang máy?

– Đúng, – ả đáp.

– Phải, chính tôi. Cô vào đi! – Giọng tôi rất ỡm ờ, nói có trời chứng giám!

Càng nói, càng ỡm ờ kinh khủng.

Ả tiến vào, cởi phăng áo măngtô, vất lên giường. Trên người chỉ còn độc chiếc áo dài xanh. Ả gieo người đánh phịch xuống chiếc xalông kê sát bên bàn viết, và bắt đầu đung đưa một bên chân, lúc xuống, lúc lên. Có vẻ hồi hộp, chẳng giống chút nào với gái bán hoa. Chắc vì ả chỉ là gái mới lớn, quỉ thần ạ. Tuồng như còn ít tuổi hơn cả tôi. Tôi bèn ngồi xuống chiếc ghế lớn kế bên và, rút thuốc mời ả.

– Tôi không biết hút, – ả nói, giọng thanh kinh khủng. Nói khẽ nghe cũng rõ ràng. Ả thậm chí cũng chẳng thèm cảm ơn, khi tôi rộng rãi mời điếu thuốc thơm. Hẳn ả chưa được ai dạy về chuyện đó.

– Cho phép giới thiệu, – tôi nói, – tôi là Jim Stale.

– Anh hẳn có đồng hồ đấy chứ? – Ả nhổ toẹt vào chuyện tôi là Jim hay John – Anh bao tuổi, anh bạn?

– Tôi ấy à? Hăm hai.

– Nói dối nhé!

Câu ả nói khiến tôi sững sờ. Nghe như từ miệng một nữ sinh chính tông chứ chẳng phải từ miệng đám gái làm tiền trơ tráo: “Bịp đời, đồ quỉ đói!” hoặc: “Thôi đi, đừng phịa, ranh con!”

– Thế thì cô bao nhiêu? – Tôi hỏi.

– Anh muốn chừng nào, được chừng nấy! – ả đáp. Thậm chí mồm mép nữa là khác! – Anh có đồng hồ đấy không? – Ả hỏi, rồi đứng bật dậy, cởi nốt chiếc áo màu xanh nọ qua đầu, vứt bừa bên cạnh chiếc áo khoác.

Tôi phát hoảng khi thấy ả cởi nốt chiếc áo cuối cùng. Tôi biết con trai đứa nào cũng phải thấy thèm muốn, nhột nhạt hoặc một cảm xúc gì đại để thế, khi được chứng kiến một thiếu nữ tốc áo, kéo ngược vạt qua đầu. Thế nhưng tôi chẳng hề có một cảm xúc nào loại đó trước cảnh tượng xảy ra kia. Trái lại tôi chỉ thấy bối rối và cụt hứng.

– Anh có đồng hồ đấy chứ?

– Không, không, tôi không mang theo. – Tôi đáp ngay. Trời, tôi thấy lúng túng kinh khủng! – Cô tên gì? – Tôi hỏi. Trên thân thể ả chỉ còn trơ một chiếc áo lót cánh sen. Lúng túng kinh khủng.

– Sunny, – ả đáp nhanh. – Thôi, mau lên nào, để người ta còn đi làm ăn nữa…

– Thế cô không muốn trò truyện chút đỉnh trước khi vào cuộc? – Đến là trẻ nít, dĩ nhiên. Nhưng khốn nỗi tôi cứ rối tung cả đầu. – Việc gì cô lại phải hấp tấp vậy? Ả nhìn tôi, như nhìn một gã hoá rồ.

– Nhưng biết nói chuyện gì bây giờ? – Ả hỏi.

– Tôi cũng chẳng biết nữa. Chỉ muốn trò chuyện chốc lát. Tôi nghĩ, chắc cô cũng thích vậy.

Ả lại gieo người xuống chiếc ghế bên bàn. Nhưng trông cũng biết ả chẳng thích thế. Lại đung đưa chân, đích thị là một cô ả nóng nảy.

– Chắc cô thích hút thuốc? – Tôi hỏi. Quên biến là ả vừa bảo không biết hút.

– Tôi có biết hút đâu. Này, nếu anh có chuyện cần nói, thì nói nhanh đi, tôi nghe đây. Chứ tôi ít thì giờ lắm.

Nhưng khốn nỗi tôi không còn biết nói gì hơn với ả. Tính tôi hỏi ả sao lại đi làm gái giang hồ; nhưng lại sợ ả khùng lên. Mà dù không nổi khùng, thì chắc gì ả đã chịu tâm sự.

– Cô hình như chẳng phải người New York? – Tôi chẳng còn nghĩ được chuyện gì thú vị hơn.

– Đúng, tôi quê tận Hollywood kia, ả nói. Rồi đứng dậy, bước lại giường cạnh chỗ chiếc áo dài đang vứt chơ chỏng. – Anh còn chiếc mắc áo nào rảnh rỗi không nhỉ? Kẻo áo tôi lại nhàu nát mất bây giờ. Tôi vừa lấy đằng hiệu giặt là về xong.

– Có chứ, dĩ nhiên.

Tôi mừng quýnh bởi có việc để làm. Tôi cầm ngay chiếc áo lên lồng vào một cái mắc trong tủ. Kể cũng lạ, nhưng chẳng hiểu sao tôi bỗng thấy buồn quá khi treo giúp ả chiếc áo dài. Tôi hình dung cảnh ả ghé vào đó là gái ăn sương. Người bán áo chắc nghi ả là con gái nhà lành, đi mua sắm. Buồn kinh khủng, mà chẳng hiểu tại sao.

Rồi tôi lại ngồi xuống ghế, cố khơi chuyện. Nhưng gặp một cô gái như ả, mời các bạn cứ thử trò chuyện?

– Tối nào cô cũng phải đi làm cả sao? – tôi hỏi tiếp, và thấy ngay câu vừa hỏi là thất sách.

– Ừm, – ả đáp giữa lúc đang đi tới đi lui trong phòng. Rồi ả cầm tờ thực đơn lên lẩm nhẩm đọc chơi.

– Thế ban ngày thì cô làm gì?

Ả nhún vai. Đôi vai gầy, ngọn hoắt.

– Ngủ. Đi xem chiếu bóng. – Ả đặt tờ thực đơn xuống, rồi ngước nhìn tôi –

Này, sao anh cứ đà đận mãi vậy? Tôi chẳng có nhiều thời giờ để mà cà kê dê ngỗng với anh…

– Mong cô hiểu cho… Tôi cảm thấy hơi khó ở trong người. Suốt ngày hôm nay, tôi toàn vướng phải chuyện rất dở. Nói có trời làm chứng. Nhưng tôi sẽ trang trải mọi thứ cho cô. Chỉ xin cô đừng bực mình, nếu ta không làm chuyện đó. Cô không bực mình chứ?

Khốn khổ cho tôi là tôi chẳng thấy tí chút hứng thú nào. Thực thà mà nói, tôi đang bị xâm chiếm bởi nỗi buồn bã, chứ chẳng phải sự thèm muốn. Ả khiến tôi buồn rầu rĩ. Nhất là lúc nhìn thấy chiếc áo dài màu xanh lục treo trong tủ. Vả lại, làm sao vui thú nổi với một kẻ suốt từ sáng tới tối cứ ngồi lì trong các rạp chiếu bóng ngu xuẩn và mê mải xem phim? Ai chẳng biết, chứ phải thú thực tôi là xin hàng đấy.

Ả bước tới và ngước nhìn tôi với ánh mắt kỳ dị, như thể không còn tin nổi mắt mình.

– Sao vậy, anh bạn? – Ả hỏi.

– Chả sao cả, – tôi đáp. Và tới lượt tôi phát hoảng. – Nhưng của đáng tội, tôi vừa mới mổ xong.

– Thế à? Thế anh có bị cắt mất thứ gì không, hả?

– Chính thế đấy – bị cắt mất một thứ gọi là clavicorde!

– Thật chứ? Thế thứ đó nó nằm ở đâu trong người?

– Cái clavicorde ấy à? Ồ, cô biết đấy, thứ ấy vốn nằm rất sâu, tận đáy tuỷ sống kia. Sâu lắm, cô biết đấy, tít trong tiểu não.

– Thế hả? Thế thì phiền thật! – Rồi thình lình ả ngả người, sà vào tôi. – Kể ra anh ngộ thật đấy! Tôi phát hoảng. Nên lại nói dối tràn lan.

– Tôi vẫn chưa bình phục hẳn, – tôi bảo.

– Anh trông giống một diễn viên điện ảnh quá đi mất. Anh biết chứ? Sao không nhớ à? Anh phải biết chứ, tên anh ta là gì ấy nhỉ anh chàng tài tử ấy mới phải chứ nhỉ.

– Chịu, tôi không tài nào nhớ nổi. Thực tình, tôi gần như chẳng đi xem phim bao giờ… Nghe câu ấy, ả lập tức phá lên cười. Dáng điệu trông sỗ sàng hết chỗ nói.

– Thôi đi, tôi van cô. Tôi đang thấy mệt trong người. Tôi vừa bảo cô ấy: Tôi mới bị mổ.

Thế nhưng ả vẫn chẳng chịu đứng dậy, mà còn lườm tôi, hai mắt long lên sòng sọc.

– Này, nghe tôi bảo đây: tôi đã ngủ rồi, nhưng lão Moris quỉ sứ cứ một hai lôi tôi dậy, bắt đi. Nếu anh mà giở…

– Thì tôi đã bảo sẽ trả tiền sòng phẳng rồi còn gì! Tiền, tôi hiện còn cả đống, chứ có nghèo túng gì cho cam. Ác cái tôi vừa bị mổ, nên chưa lại sức hẳn.

– Đã thế sao còn mở mồm bảo lão Moris ngu ngốc là đang cần gái, hả? Nếu đã bị cắt mất cái của nọ gì đó… trong tuỷ sống… thì còn sai hắn đi kiếm làm gì?

– Tôi tưởng sức khoẻ sẽ khấm khá lên. Nào ngờ chỉ hy vọng hão huyền. Tôi nói tử tế đấy. Cô đừng giận. Bây giờ, cô làm ơn đứng dậy một phút! Nào…

Ả lồng lộn như con quỉ cái, nhưng rồi vẫn đứng dậy, để tôi chạy đi lấy chiếc ví, vất trong cái tủ đứng đằng góc phòng. Rồi tôi rút ví, lôi ra năm tờ, trao tận tay.

– Cảm ơn – tôi nói – Đa tạ, cô bạn.

– Sao đây có 5? Giá những 10 “đô” kia mà.

Trông cũng biết ả đang tính giở quẻ. Tôi đã lo từ ban nãy, biết tỏng thế nào rồi cũng gặp chuyện tương tự.

– Lão Moris bảo: chỉ 5 ” đô” thôi. Lão nói: 15 – thì suốt đêm, còn chốc lát – chỉ 5 “đô” là cùng.

– Không, giá cả xưa nay vẫn là 10.

– Lão chỉ bảo 5 thôi. Nói cô bỏ quá, chứ tôi không thể nào đưa hơn cái mức đó. Ả lại nhún vai, nhưng lần này đầy vẻ khinh bỉ.

– Làm ơn lấy giúp tôi cái áo. Nếu anh không thấy quá vất vả, dĩ nhiên!

Một cô ả thật xấu. Nói năng thì thánh thót, mà hay cáu gắt kinh khủng. Giá là một mụ già phì nộn, mặt trát bự phần, chắc ả chẳng đến nỗi bẳn tính thế! Tôi lôi chiếc áo dài lụa ra. Ả thong thả mặc vào, rồi cầm nốt chiếc măng tô trên giường.

– Thôi, anh bạn ngốc, tôi chuồn nhé!

– Đi nhé! – tôi nói. Tôi cũng chẳng buồn cảm ơn. Cũng may là tôi đã chẳng cảm ơn…

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN