Bắt Trẻ Đồng Xanh - Chương 24
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
140


Bắt Trẻ Đồng Xanh


Chương 24


Vợ chồng thầy Antolini sống trong một căn hộ rất sang ở Setton Blace, trong phòng khách của họ chỉ cần bước xuống hai bậc thang, thậm chí còn có cả bar riêng nữa. Tôi đến nhà họ vài lần vì từ khi tôi rời khỏi Elkton Hills, thầy Antolini hay đến nhà tôi xem tôi sống ra sao và thường ăn trưa ở đó luôn. Khi đó thầy còn độc thân, khi thầy đã lấy vợ, tôi thường chơi quần vợt với cả hai người ở Long Irland, ở câu lạc bộ quần vợt Forest Hills. Cô Antolini là thành viên câu lạc bộ này vì cô rất lắm tiền. Cô ấy già hơn thầy Antolini đến cả trăm tuổi, nhưng dường như họ rất yêu nhau. Thứ nhất, cả hai đều là những người có học thức, nhất là thầy Antolini, mặc dù nói chuyện thông thái tựa như anh D.B của tôi. Cô Antolini thì nghiêm nghị hơn và thường bị lên cơn hen suyễn. Cả hai đều đọc tất cả truyện ngắn của anh D.B- cô ấy cũng đọc, và khi anh sửa soạn đến Hollywood, thầy Antolini gọi điện thuyết phục anh ấy đừng đi. Nhưng D.B. cứ đi. Thầy Antolini nói nếu biết viết như anh D.B. thì chẳng có việc gì để làm ở Hollywood. Cả tôi cũng nói hệt như vậy.

Tôi đã định đi bộ đến nhà họ vì chẳng muốn tiêu tốn vô ích tiền quà của Phoebe, nhưng khi ra khỏi nhà tôi thấy khó ở quá. Đầu óc quay cuồng nên đành phải gọi taxi. Không muốn nhưng buộc phải. Lại còn khó nhọc lắm mới tìm nổi taxi nữa chứ.

Thầy Antolini đích thân mở cửa khi tôi gọi điện, gã gác thang máy đểu cáng nhất định không cho tôi vào. Thầy mặc áo khoác ở nhà và đi giầy, tay cầm chiếc cốc vại. Thầy là người tinh tế sành sỏi, nhưng mỗi tội uống rượu như ngựa nốc nước ao.

– Holden, cậu bé của tôi! – Thầy nói, – lạy Chúa, nó đã cao lên dễ đến nửa mét. Rất hân hạnh gặp cậu!

– Còn thầy ra sao? Cô Antolini thế nào?

– Ồ, chỗ chúng tôi mọi sự đều tuyệt vời! Đưa áo khoác của cậu đây, – thầy cầm áo của tôi rồi treo lên – Vậy mà tôi cứ nghĩ, cậu sẽ đến với đứa trẻ mới đẻ trên tay cơ đấy. Chả còn nơi nào để rúc vào. Tuyết thì đang tan trên mi mắt cậu. Nói chung, thầy rất thích đùa. Sau đó thầy quay về phía bếp và gào lên:

– Lilian! Cà phê sao rồi?- Vợ thầy tên là Lilian.

– Xong rồi! – Cô kêu lên. – Holden phải không? Chào cậu.

– Chào cô Antolini!

Trong nhà họ luôn phải gào lên vì cả hai thường xuyên láng cháng ở các phòng khác nhau. Kỳ quặc thật, dĩ nhiên rồi.

– Ngồi xuống, Holden, – thầy Antolini nói, thấy rõ là thầy đã hơi say. Căn phòng trông giống như vừa có khách. Khắp nơi đầy những cốc và đĩa hồ đào – Cậu thứ lỗi vì cảnh lộn xộn này nhé, – thầy Antolini nói. – Chúng tôi vừa tiếp bạn bè của Lilian từ Barbison đến. Vợ chồng Bison từ Barbison.

Tôi phá lên cười, còn cô Antolini gào lên với tôi gì đó từ trong bếp, nhưng tôi không nghe rõ.

– Cô ấy bảo em gì ạ?

– Bảo đừng có nhìn khi cô bước ra. Cô ấy vừa mới ra khỏi giường. Cậu có muốn làm một điếu xì gà không? Cậu hút thuốc đấy chứ?

– Cám ơn thầy. – Tôi lấy một điếu trong hộp. – Thỉnh thoảng em cũng hút, nhưng vừa thôi.

– Tôi tin, tôi tin. – Thầy đưa cho tôi chiếc bật lửa khổng lồ – Như vậy, có nghĩa là cậu từ giã Pencey như tàu ra biển phải không?

Thầy thích diễn đạt cầu kỳ như vậy. Đôi lúc, tôi thấy nực cười, còn đôi lúc thì không. Thầy thường trích dẫn, vay mượn. Tôi không thể nói thầy kém thông minh, không, thầy rất sắc sảo, nhưng đôi khi tôi thấy bực mình khi mọi người lúc nào cũng nói giống nhau “Từ giã như tàu ra biển!”. Anh D.B. thỉnh thoảng cũng vay mượn.

– Thế chuyện gì xảy ra nào? – Thầy Antolini hỏi. – Môn tiếng Anh của cậu ra sao? Nếu cậu trượt nó, tôi sẽ tống cậu ra khỏi cửa ngay. Cậu viết luận hay nhất trong những người giỏi nhất kia mà.

– Không, em thi môn tiếng Anh khá. Thật ra, bọn em học văn học nhiều hơn.

Nhưng em bị trượt môn trần thuyết. Bọn em có một môn, môn nói. Em bị rớt môn đó.

– Sao vậy?

– Chính em cũng không biết. Tôi không muốn kể. Tôi cảm thấy người rất khó chịu, lại còn nhức đầu như búa bổ. Nhức kinh khủng. Nhưng rõ ràng là thầy rất muốn biết tất cả, thế là tôi chậm chạp – Thầy biết không, trong những giờ học đó, ai cũng phải đứng lên nói một bài. Tựa như ngẫu hứng theo đề tài ấy, và đại loại như vậy. Còn nếu ai lạc đề tất cả lập tức hét lên: “Lạc đề rồi!”. Mà em thì lại cứ thích lạc đề vì như thế thú vị hơn nhiều.

– Chả lẽ cậu lại không muốn người ta theo đúng vấn đề đang kể cho cậu ư?

– Không, em muốn chứ. Dĩ nhiên là em muốn họ lần lượt kể. Nhưng em không thích khi mọi người lúc nào cũng nói đúng một chuỵên. Tự em cũng không biết nữa. Dĩ nhiên, những đứa lúc nào cũng theo đúng một đề tài thường nhận điểm cao nhất – hợp lý thôi. Nhưng lớp em có thằng Richard Kinsella. Nó không sao nói theo đề tài được và tứ thời nó bị kêu: “Lạc đề rồi!”. Cái đó thật khủng khiếp, trước hết là vì thần kinh nó cực yếu, thầy hiểu không, môi nó thậm chí run lên bần bật khi bị gọi lên, và nó nói nhỏ đến mức không thể nghe thấy gì, ngay cả khi ngồi ngay đằng sau nó. Nhưng khi môi đã hết run, nó lại kể hay hơn tất cả. Nhưng nó cũng bị rớt thẳng cẳng. Mà chỉ vì bọn trong lớp cứ gào suốt: “Lạc đề rồi!”. Ví dụ như nó đang kể về một trang trại cho nó mua ở Vermont. “Lạc đề rồi!”, còn thầy giáo của bọn em, ông Vison, cho nó điểm chót trượt vì nó không kể về gia súc và thế giới thực vật ở trại đó. Còn chính cái thằng Richard Kinsella ấy thì nó bắt đầu từ trang trại, những gì có ở đó, sau đó tự nhiên nó kể đến lá thư mẹ nó nhận được do ông bác gửi và kể về căn bệnh viêm tuỷ hồi năm bốn mươi tư nhưng không cho ai đến bệnh viện thăm nom vì không muốn mọi người thấy mình tàn phế. Dĩ nhiên, chuyện đó chẳng liên quan gì đến trang trại, em đồng ý! Nhưng lại rất thú vị. Thú vị khi người ta kể về bác mình. Nhất là khi nó bắt đầu bày đặt nhảm nhí gì đó về trang trại của cha rồi tự nhiên lại ngoắc sang ông bác. Và gào lên: “Lạc đề rồi!” mới thật đê tiện, khi nó vừa mới bắt đầu kể đến đoạn ông bác hồi phục lại…Em không biết… Em rất khó giải thích điều đó.

Mà tôi cũng không muốn giải thích. Tôi nhức đầu quá chừng và chỉ ước cô Antolini mau chóng mang cà phê lại. Tôi bị kích động gần chết khi họ kêu cà phê xong rồi, mà mãi vẫn chưa có.

– Nghe đây, Holden… Tôi có thể hỏi em một câu lỗi thời, mang tính sư phạm được không? Em có nghĩ rằng cái gì cũng có lúc và có chỗ của nó không. Em có tính đến chuyện, nếu bắt đầu kể về trang trại của cha thì phải theo đúng đề tài đó, còn về căn bệnh của ông bác là đề tài hay thì tại sao diễn giả lại không chọn đúng đề tài này mà lại nói về trang trại?

Tôi không muốn nói, mà cũng chẳng muốn trả lời. Nhức đầu kinh khủng, và tôi cảm thấy rất khó chịu. Nói thật ra, tôi bị đau bụng.

– Vâng, có lẽ vậy. Có lẽ cần phải lấy ông bác chứ không phải trang trại làm đề tài, thầy cũng hiểu đấy, nhiều khi chính ta cũng chưa biết mình hứng kể gì hơn khi còn chưa bắt đầu kể về điều không thú vị. Thường là điều ấy không phụ thuộc vào ta. Nhưng theo em nên để yên cho người ta nói hết một khi anh ta đang tiếp tục rất hay và bị lôi cuốn vào chuyện. Em rất thích khi người khác kể chuyện với một niềm say mê, hào hứng. Cái đó thật tuyệt. Thầy còn chưa biết ông thầy Vison đâu. Ông ấy sẽ làm thầy phát điên, cùng với lũ đê tiện trong lớp. Ông ấy cứ lặp đi, lặp lại suốt, cần phải quy nạp và lược giản. Không lẽ cái gì cũng quy nạp và lược giản được sao? Không, thầy không biết ông thầy Vison này đâu. Dĩ nhiên ông ấy là người có học và vân vân, nhưng óc ông ấy không đủ chất xám.

– Đây cà phê của các ngài đây, những chàng quân tử! – Cô Antolini mang một mâm cà phê cùng bánh bích quy và đồ ăn các loại. – Holden, đừng có nhìn cô đấy! Cô trông rất khiếp!

– Xin chào cô Antolini! – Tôi muốn đứng dậy, nhưng thầy Antolini túm áo khoác tôi kéo xuống. Cô Antolini quấn lô đầy đầu cho quăn tóc, môi không tô, nói chung, trông rất luộm thuộm. Cô đã già rồi.

– Tôi mang tất cả cho các anh đây. Hãy tự thết nhau nhé, – cô nói rồi đặt mâm xuống bàn hút thuốc và đẩy cốc chén sang một bên. – Mẹ em thế nào, Holden?

– Không sao ạ. Cám ơn cô. Lâu rồi em cũng không gặp me, nhưng lần cuối…

– Anh yêu, tất cả những gì Holden cần đến ở tủ ăn ấy. Ngăn trên cùng. Em đi nằm đây. Mệt quá chừng, – cô Antolini nói. Nhìn cũng thấy rõ điều đó. – Này các cậu bé, có biết tự trải giường chiếu không đấy?

– Bọn anh sẽ làm được hết. Em đi nằm đi, nhanh lên! – Thầy hôn vợ, cô tạm biệt tôi rồi bỏ về phòng ngủ. Họ thường hôn nhau trước mặt người khác.

Tôi uống hết nửa chén cà phê rồi ăn món bích quy cứng như đá, còn thầy Antolini lại uống whisky, không pha thêm gì. Thầy có thể trở thành kẻ nát rượu thực thụ nếu không kiềm chế.

– Tôi mới ăn sáng với bố cậu hai tuần trước đây, – bỗng thầy nói. – Cậu biết điều đó chứ?

– Không, em không biết.

– Nhưng, chắc cậu phải biết là ông ấy đặc biệt lo lắng cho số phận cậu chứ?

– Vâng. Dĩ nhiên là em biết.

– Rõ ràng là trước khi gọi điện cho tôi, thầy nhận được một bức thư rất đáng lo ngại của ông hiệu trưởng cũ của cậu, kể rằng cậu không tỏ ra cố gắng chút nào trong tất cả các giờ học. Cậu bỏ giờ nghe giảng, không học bài, tóm lại, tuyệt đối trong mọi…

– Không, em không bỏ giờ nào hết. Bọn em bị cấm nghỉ học. Thỉnh thoảng em không đi học, ví dụ như vào giờ môn nói, nhưng nói chung em không bỏ gì hết.

Tôi rất không muốn kể về việc mình. Nhờ cà phê, tôi bớt đau bụng một chút, nhưng đầu tôi cứ lắc lư thực sự.

Thầy Antolini hút điếu thứ hai. Thầy hút như tàu thuỷ chạy hơi ấy. Sau đó thầy nói.

– Nói thật tình, có quỷ mới biết được cần phải nói gì với cậu, Holden ạ!

– Em hiểu. Trò chuyện với em rất khó. Em biết

– Tôi cảm thấy cậu đang bị trượt xuống vực thẳm khủng khiếp nào đó. Nhưng nói thật, chính tôi cũng không biết… mà cậu có nghe tôi không đấy?

– Có ạ.

Thấy rõ là ông đang rất cố tập trung.

– Có thể, cậu sẽ xuống đến độ: ở tuổi 30, cậu sẽ là khách thường xuyên của quán bar nào đó và sẽ căm thù tất cả những ai thoạt nhìn giống nhà vô địch đội bóng đá của trường tổng hợp. Mà cũng có thể cùng với năm tháng, cậu sẽ trở thành người đủ học thức và sẽ căm ghét ai nói câu: “Chúng ta hình như đã cùng nhau từng trải”… Và cũng có khi, cậu sẽ làm việc trong một văn phòng nào đó và tương kẹp lia lịa vào cô ghi tốc ký không làm vừa lòng cậu, tôi cũng không biết nữa. Cậu hiểu tôi nói gì không?

– Vâng, dĩ nhiên rồi, – tôi nói. Và hiểu thầy rất rõ. – Nhưng thầy không đúng ở chỗ em sẽ căm thù tất cả. Các nhà vô địch bóng đá và những gì đại loại. Em rất ít ghét một ai đó, chẳng hạn như thằng Stradlater sống cùng em ở Pencey, hay thằng Robert Ackley. Dĩ nhiên, cũng có lúc em căm chúng kinh khủng, em tự nhận thức được, nhưng điều đó bao giờ cũng qua nhanh, thầy hiểu em không? Đôi lúc, lâu không nhìn thấy chúng đến phòng mình hoặc không gặp chúng ở nhà ăn, thiếu chúng lại thấy buồn. Em thậm chí còn buồn khi thiếu chúng.

Thầy Antolini im lặng hồi lâu, đứng dậy bỏ một cục đá vào cốc whisky và lại ngồi xuống. Rõ là thầy đang nghĩ ngợi. Giá thầy tiếp tục câu chuyện vào buổi sáng chứ không phải lúc này thì tốt hơn, nhưng thầy đã bị cuốn hút vào chuyện rồi. Mọi người thường bị lôi cuốn vào cuộc tranh cãi khi bạn chả còn tâm trạng nào hết.

– Thôi được. Bây giờ, hãy chăm chú nghe tôi nói hết đây. Có thể, lúc này tôi chưa hình thành được chính xác ý nghĩ của mình, nhưng tôi sẽ viết thư cho cậu sau một vài ngày nữa. Khi đó cậu sẽ hiểu rõ mình tường tận. Nhưng tạm thời cứ nghe đã. Tôi thấy thầy lại đang cố sức tập trung.

– Cái vực thẳm mà cậu đang rơi xuống thật khủng khiếp và tai hại. Ai rơi vào đó sẽ không bao giờ thấy đáy. Cứ rơi, rơi mãi. Điều đó thường xảy ra với những người, ở một thời điểm nào đó trong đời mình, bắt đầu tìm kiếm cái mà môi trường xung quanh quen thuộc không thể đem đến cho họ được. Đúng hơn là họ nghĩ rằng trong môi trường quen thuộc, họ không thể tìm được bất cứ cái gì cho mình. Và họ ngừng tìm kiếm. Ngừng tìm kiếm ngay, thậm chí không buồn tìm thêm lấy một cái gì đó. Cậu có dõi theo ý tôi không đấy?

– Thưa thầy, có ạ.

– Thật không?

– Thật ạ.

Thầy đứng lên rót thêm whisky. Rồi lại ngồi xuống. Và im lặng hồi lâu, rất lâu.

– Tôi không muốn doạ cậu, – cuối cùng thầy tiếp tục – nhưng tôi hoàn toàn hình dung rõ cậu đang hy sinh hữu ích đời mình cho những việc rỗng tuếch và vô dụng nào đó. – Thầy nhìn tôi bằng đôi mắt kỳ quặc – Hãy nói đi, nếu tôi viết thư cho cậu, cậu hứa sẽ đọc thật chăm chú, được không? Và sẽ gìn giữ nữa?

– Vâng, dĩ nhiên rồi, – tôi nói. Thực tế tôi vẫn giữ tờ giấy thầy đưa cho tôi hồi ấy. Nó vẫn còn ở chỗ tôi.

Thầy lại gần bàn viết, đứng viết gì đó lên cọc giấy. Sau đó thầy quay trở lại, ngồi xuống tay giữ một tờ giấy.

– Thật kỳ lạ, chả phải nhà văn, cũng không phải nhà thơ viết câu này. Mà là nhà phân tích tâm lý mang tên Wilhem Stekel. Đây là ông ta… cậu nghe tôi đấy chứ?

– Dĩ nhiên rồi.

– Đây, ông ta nói thế này: “Dấu hiệu thiếu chín chắn của con người là ở chỗ, anh ta muốn chết cho sự nghiệp chính nghĩa, còn dấu hiệu chín chắn là anh ta muốn sống yên bình vì sự nghiệp chính nghĩa”.

Thầy cúi người xuống đưa tôi tờ giấy. Tôi đọc lại lần nữa, sau đó cảm ơn thầy và nhét nó vào túi. Dẫu sao, thầy cũng rất tốt bởi đã cố gắng vì tôi đến thế. Tiếc là tôi không sao có thể tập trung được. Tôi mệt quá chừng, thật đấy. Còn thầy thì chẳng mệt chút nào. Cái chính là thầy đang uống rượu rất vào.

– Sẽ đến ngày, – tự nhiên thầy nói, – cả cậu cũng phải quyết định đi đâu. Và ngay lập tức sẽ đến nơi cậu định đến. Không chậm trễ. Cậu không có quyền phí mất một phút. Không được như vậy.

Tôi gật đầu vì thầy nhìn thẳng vào mắt tôi, nhưng tôi không hiểu lắm những gì thầy nói. Tôi chỉ hơi mường tượng ra, nhưng dẫu sao vẫn không tin mình hiểu đúng. Tôi đã quá mệt.

– Không muốn nhắc đi nhắc lại mãi một điều, – thầy nói, – nhưng tôi nghĩ rằng, cậu chỉ vừa mới xác định được cho mình con đường tương lai thì việc đầu tiên là buộc phải có thái độ nghiêm túc đối với những giờ học ở trường. Đúng, buộc phải vậy. Cậu là một ngưòi biết tư duy, chẳng biết cậu có thích tên gọi đó hay không. Cậu ham thích khoa học. Và tôi có cảm tưởng rằng cậu sẽ vượt qua tất cả các thầy Vindsi cùng môn bố cục nói của họ, cậu…

– Vinson – tôi nói. Có lẽ, ông ấy nghĩ về thầy Vinson chứ không phải Vindsi.

Nhưng tôi cũng chỉ hoài công ngắt lời ông ấy.

– Thôi được, tất cả các thầy Vinson. Khi cậu vượt qua được tất cả cậu sẽ bắt đầu tiến ngày càng gần hơn, đúng ra nếu cậu muốn cậu sẽ vươn tới cái đó, mong đợi cái đó đến với những giờ học mà lúc đó chúng sẽ trở nên rất quý giá, đối với cậu. Và khi đó cậu sẽ phát hiện ra rằng, cậu không phải là người đầu tiên mà mọi người, với thái độ của họ đã gây ra sự lúng túng, nỗi sợ hãi hoặc thậm chí cả sự ác cảm. Cậu sẽ hiểu, rằng không chỉ có mình mới cảm thấy như vậy, và điều đó sẽ làm cậu vui sướng, nâng đỡ cậu. Có nhiều, rất nhiều người cùng phải chịu lúng túng trong các vấn đề đạo đức, tinh thần như cậu đang chịu đựng hiện giờ. Thật may, một vài người trong số họ đã ghi chép lại những dằn vặt của mình. Cậu có thể học được nhiều trong đó – dĩ nhiên, nếu muốn. Cũng sẽ như thế đối với người khác, một lúc nào đó họ sẽ học ở cậu, nếu cậu có điều gì đó nói với họ. Sự giúp đỡ lẫn nhau thật tuyệt diệu. Và nó không chỉ có trong kiến thức. Nó có trong cả thơ ca, lịch sử. – Thầy dừng lại, hớp một ngụm trong cốc và lại bắt đầu nói. Thầy bị lôi cuốn đến khủng khiếp. May mà tôi không ngắt lời, không ngăn thầy lại.

– Tôi không muốn gợi cho cậu, rằng chỉ những người uyên bác, có học vấn mới có thể góp phần quý giá cho đời. Không phải vậy. Nhưng tôi khẳng định rằng những người như vậy, trong điều kiện họ cũng là những người tài năng, đầu óc sáng tạo (nhưng đáng tiếc là họ rất hiếm), những con người này để lại cho đời sau di sản quý giá gấp bội so với những người chỉ tài ba và có óc sáng tạo. Họ diễn giải ý nghĩ của mình dễ hiểu hết mức, họ kiên trì và bền bỉ tiến hành ý định của họ đến cùng. Và điều quan trọng nhất là cả mười trường hợp trong số mười người của khoa học bao giờ cũng khiêm tốn gấp bội so với người không có học mặc dù biết tư duy. Cậu có hiểu tôi nói gì không?

– Có, thưa thầy.

Thầy im lặng khá lâu. Tôi không biết bạn có thường gặp phải trường hợp này không, nhưng ngồi chờ người khác suy nghĩ điều gì đó một lúc lâu rồi lại bắt đầu nói thì khó kinh khủng, nói có Chúa chứng giám. Tôi cố hết sức để khỏi ngáp. Và không phải vì tôi chán nghe, tuyệt nhiên không, nhưng tự nhiên bị cơn buồn ngủ khủng khiếp ập đến.

– Còn có một lợi thế nữa mà khoa học đem đến cho cậu. Nếu cậu chuyên tâm đủ trong các giờ học, cậu sẽ nhận được khái niệm về khả năng trí tuệ của mình. Những gì cậu đã rõ, những gì chưa. Và sau một thời gian, cậu sẽ hiểu được cách suy nghĩ nào hợp với cậu, cách nào không. Và cái đó sẽ giúp cậu không phung phí nhiều thời giờ vào việc gán cho mình một cách suy nghĩ nào đó mà cậu hoàn toàn không thấy có lợi hoặc không hợp. Cậu sẽ nhận biết được thước đo chuẩn mực nhất của mình, và sẽ lựa chọn bộ trang phục trí tuệ của cậu theo đúng thước đo đó.

Bỗng tôi ngáp một cái rộng đến tận mang tai. Đồ súc vật thô bỉ, tôi biết vậy, nhưng tôi có thể làm được điều gì? Vậy mà thầy Antolini chỉ phá lên cười.

– Thôi được! – Thầy đứng dậy. – Ta đi dọn giường cho cậu đi.

Tôi theo thầy đến tủ áo, thầy cố với lấy vải trải giường và chăn cho tôi ở ngăn trên cùng, nhưng còn vướng chiếc cốc ở tay. Thế là thầy uống cạn cốc, đặt nó xuống sàn, rồi mới lấy tất cả những đồ cần thiết. Tôi giúp thầy lôi chúng ra đi văng và cùng sắp xếp chỗ ngủ. Không thể nói là thầy tỏ ra khéo léo cực kỳ. Thầy chẳng biết gì trong công việc dọn giường chiếu. Nhưng tôi thì thế nào cũng xong. Tôi sẵn sàng lên giường, dù có phải ngủ đứng đi nữa, tôi mệt quá chừng.

– Thế các sở thích của cậu thế nào rồi?

– Không sao ạ. – Tôi đúng là thằng tiếp chuyện đáng bỏ đi, nhưng tôi đã hết muốn mở miệng.

– Sally sống ra sao? – Thầy biết Sally Hayes. Tôi đã từng giới thiệu nó với thầy.

– Tốt ạ. Em vừa gặp cô ấy trưa hôm nay. Quái quỷ thật, tôi có cảm tưởng như có đến hai chục năm trôi qua từ lúc ấy! – Nhưng em với cô ấy bây giờ ít có điều tâm đầu hợp ý lắm.

– Một cô bé đẹp kì lạ. Thế còn cô kia, cậu đã kể cậu làm quen với cô ta ở Maine không?

– À, – à, Jane Gallagher. Cô ấy cũng chả sao hết. Có lẽ, mai em sẽ gọi điện cho cô ấy, – cuối cùng chúng tôi cũng thu xếp xong chỗ ngủ.

– Nằm xuống đi! Thầy Antolini nói – không biết cậu sẽ nhét đôi cẳng dài thượt của cậu vào đâu!

– Không sao đâu, em quen ngủ giường cộc rồi. Cám ơn thầy nhiều. Thầy và cô thực đã cứu sống em hôm nay!

– Cậu biết buồng tắm đâu rồi chứ. Nếu cần cứ gọi nhé. Tôi còn ngồi thêm chút nữa ở bếp. Đèn không ảnh hưởng đến cậu chứ?

– Không đâu thầy. Cảm ơn thầy nhiều!

– Thôi đi! Chúc cậu ngon giấc, cậu bạn!

– Chúc thầy ngủ ngon! Cám ơn thầy rất nhiều.

Ông bước vào bếp, còn tôi vào buồng tắm, cởi quần áo, tắm rửa. Tôi không đánh răng vì không mang theo bàn chải, cả áo ngủ tôi cũng không có, mà thầy Antolini lại quên lấy cho tôi. Tôi trở về phòng khách, tắt đèn trên đi văng, bò vào chăn, mình mặc độc quần đùi. Đi văng hơi ngắn, khỏi nói, nhưng tôi cũng không hề tỉnh giấc. Tôi nằm khoảng hai giây, nghĩ đến những gì thầy Antolini nói. Về khoảng cách giữa ý thức và tư duy. Thầy rất thông thái, thực tế. Nhưng mắt tôi cứ tự sụp xuống, và tôi thiếp đi. Sau đó xảy ra một chuyện. Nói thực, tôi chẳng muốn kể ra chút nào. Tự nhiên tôi tỉnh giấc, không biết là mấy giờ. Tôi cảm thấy có gì đó trên trán mình. Một bàn tay ai đó. Lạy Chúa, tôi hoảng quá chừng! Hóa ra là tay của thầy Antolini. Thầy ngồi dưới sàn nhà cạnh đi văng và không chỉ vỗ trán tôi mà còn vuốt đầu tôi nữa. Tôi văng ra có đến nghìn cây số, thực thế!

– Thầy làm gì vậy?

– Có gì đâu, chỉ nhìn cậu… ngắm…

– Không, thầy đang làm gì ở đây vậy? – Tôi lại nói. Tôi hoàn toàn không biết nói gì và luýnh quýnh như một thằng ngu.

– Khẽ thôi, cậu sao vậy! Tôi chỉ lại gần.

– Dù sao em cũng phải đi thôi. Lạy Chúa, tôi đã hoảng sợ đến mức nào! Tôi bắt đầu mặc quần dài trong bóng tôi nhưng không sao xỏ vào được, tôi mất bình tĩnh quá chừng. Tôi đã thấy quá nhiều trong cách trường học đã phải gặp số kẻ tâm thần chết dẫm nhiều hơn ai hết, trước mặt tôi chúng như hoàn toàn mất trí.

– Cậu phải đi đâu lúc này? – Thầy Antolini hỏi. – Thầy cố nói thật bình tĩnh, thản nhiên, nhưng thấy rõ là thầy lúng túng. Các bạn có thể tin lời tôi.

– Em để vali ở nhà ga. Có lẽ đã đến lúc phải đến lấy về. Tất cả đồ đạc của em đều để ở đó.

– Từ giờ đến sáng đâu cần đến đồ đạc. Cậu nằm ngủ đi. Tôi cũng đi ngủ đây.

Không hiểu cậu làm sao vậy?

– Không có gì đâu, đơn giản là tất cả đồ đạc và tiền bạc đều ở trong vali. Em sẽ về ngay bây giờ. Em gọi taxi và sẽ về ngay. Quái quỷ, chút nữa thì tôi gãy đầu trong bóng tối – vấn đề là không phải tiền của em. Đó là tiền của mẹ em, và em phải…

– Đừng có ngốc, Holden. Nằm ngủ đi. Tôi cũng đi ngủ đây. Tiền cậu chẳng biến đi đâu được từ giờ đến sáng…

– Không không, em phải đi thật đấy.

Tôi gần như đã mặc xong quần áo, chỉ không tìm được cà vạt. Không tài nào nhớ nổi tôi đã quẳng cái chết dẫm ấy ở đâu, tôi đành mặc áo khoác không đeo cà vạt. Thầy Antolini ngồi xuống ghế bành cách xa, nhìn tôi. Tôi không thấy rõ thầy vì tối, nhưng cảm thấy thầy quan sát tôi và nốc rượu. Thế mà vẫn không rời tay khỏi cái cốc vại trung thành của mình.

– Cậu là thằng bé kì quặc, rất ư kì quặc!

– Em biết, – tôi nói. Thậm chí tôi cũng không thèm tìm cà vạt nữa. – Chào thầy! – Tôi nói – Cảm ơn thầy nhiều, thật đấy.

Thầy theo tôi đến tận cửa, còn khi tôi vào thang máy, thầy dừng lại ở ngưỡng cửa. Và lặp lại rằng tôi là một thằng bé rất ư kì quặc. Phải, kì quặc, còn sao nữa! Ông ấy đợi cho đến khi cái thang máy ngàn đời đáng nguyền rủa ấy đến. Chưa bao giờ trong đời, tôi lại phải đợi thang máy lâu đến thế, quỷ tha ma bắt nó! Cả một thế kỉ, thề có Chúa!

Tôi thậm chí không biết nói gì trong lúc chờ thang máy, còn ông ấy cứ đứng ở cửa, thế là tôi nói:

– Em sẽ bắt đầu đọc sách đứng đắn, thật đấy, em sẽ bắt đầu! – Cần phải nói gì đó. Tóm lại, chẳng tiện chút nào.

– Cậu lấy vali rồi bay ngay về đây nhé. Tôi để cửa ngỏ đấy.

– Cảm ơn thầy nhiều! – Tôi nói, – chào thầy, – cuối cùng thang máy đến. Tôi đóng cửa, đi xuống. Lạy Chúa, tôi bị xáo động quá. Mồ hôi đầm đìa. Khi gặp phải những trò đê tiện, mồ hôi tôi cứ vã ra như tắm. Ở trường tôi đã chạm trán với những trò chết dẫm này đến cả hai chục bận rội. Ngay từ nhỏ. Tôi căm thù nó!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN