Báu Vật Của Đời - Chương 16
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
163


Báu Vật Của Đời


Chương 16


Chúng tôi cho rằng, về đến nhà là trông thấy thi thể của chị Lãnh Đệ và bà nội, nhưng quang cảnh trước mắt hoàn toàn khác với dự đoán.

Trong sân cực kỳ ồn ào. Hai người đàn ông đầu cạo trọc, ngồi tựa lưng vào tường của gian chính, căm cúi vá quần áo đường khâu rất thành thạo. Hai người nữa, ngồi liền kề hai người vá quần áo, cũng đầu cạo trọc bóng loáng, cũng thái độ nghiêm chỉnh như thế, lúi húi lau hai khẩu súng đen bóng. Lại còn hai người nữa, một người đứng dưới cây ngô đồng, tay cầm lưỡi lê sáng loáng, người kia ngồi trên ghế đẩu, đầu cúi xuống, trên đầu đầy bọt xà phòng. Người cầm lưỡi lê nhún chân, liếc lưỡi lê vào quần mấy cái, rồi một tay giữ lấy cái đầu đầy xà phòng, tay kia giơ lưỡi lê ướm thử như tìm vị trí mở đầu. Rồi anh ta đặt lưỡi lê vào giữa đỉnh đầu, cạo một nhát từ đỉnh xuống gáy. Một mảng tóc đẫm bọt xà phòng rơi xuống, một mảng da đầu trắng hếu lộ ra. Còn một người nữa, tay cầm chiếc búa có cán dài ở chỗ nhà tôi vẫn cất lạc, trước mặt anh ta là một gốc cây du. Sau lưng là một đống củi đã bổ. Anh ta dạng chân, giơ cao chiếc búa, dừng lại trên không một thoáng rồi bổ mạnh xuống cùng với tiếng hự thốt ra từ miệng. Lưỡi búa cắm ngập vào gốc cây. Anh ta dùng một chân chặn gốc cây cố súc rút lum búa, lùi lại hai bước, chuẩn bị tư thế, nhổ nước bọt vào lòng bàn tay rồi lại giơ búa lên. Cái gốc cây du nút toác một mảnh gỗ văng ra như vỏ đạn pháo, bắn trúng ngực Phán Đệ khiến chị hét toáng lên. Những người đang may vá và lau súng đều ngẩng đầu lên. Những người cạo đầu và bổ củi đều quay lại. Người ngồi cạo đầu ngẩng đầu lên nhưng bị người cạo đầu hộ dùng tay ấn xuống.

– Đừng cựa? – anh ta nói.

Người bổ củi nói:

– Ăn mày đến kìa! ăn mày đến kìa? Anh Trường ơi, những người đi ăn xin đây này!

Một người mặc tạp dề trắng, đội mũ xám, mặt đầy vết nhăn từ trong nhà chạy ra. Tay áo anh ta xắn rất cao, tay dính đầy bột, vẻ thân thiện:

– Chào bác Bác đi cửa khác mà xin, bộ đội chúng tôi ăn theo định suất, không bớt ra để cho được!

Mẹ điềm nhiên nói: – Đây là nhà của tôi!

Những người trong sân đứng ngẩn ra. Người đầy bọt xà phòng trên đầu nhảy dựng lên, kéo vạt áo lau những vết bẩn trên mặt, ú a ú ớ với chúng tôi. Anh ta là Tôn câm, con cả nhà họ Tôn.

Tôn câm chạy đến trước mặt chúng tôi, miệng ú ớ, tay làm hiệu rất nhiều điều mà chúng tôi không hiểu. Chúng tôi ngượng ngập nhìn khuôn mặt thô kệch như đẽo bằng rìu, trong lòng vẩn lên một nỗi lo. Tôn câm chớp chớp con người màu vàng xỉn, cằm dưới bạnh ra, miệng lập bập liên hồi. Anh ta chạy vào chái phía đông, cầm chiếc bát sứ men xanh và bức họa con chim ra khoe với chúng tôi. Người cạo đầu cho anh ta, cầm lưỡi lê đi tới, vỗ vai Tôn câm hỏi:

– Tôn câm, anh quen họ hả? Tôn câm đặt chiếc bát xuống, cầm mẩu củi viết nguệch ngoạc trên mặt đất hàng chữ xiên xẹo, thiếu cả nét:

– Bà ấy là mẹ vợ tôi!

– Thì ra bác đã trở về!

Người cạo đầu nhiệt tình nói:

– Chúng tôi là tiểu đội Năm, trung đội Một, đại đội phá đường sắt. Tôi là tiểu đội trưởng, họ Vương. Đại đội tôi về chỉnh quân ở đây, chiếm dụng nhà của bác, thật không phải quá. Con rể bác, chính ủy chúng tôi đã đặt ột cái tên: Tôn Bất Ngôn. Anh là một chiến sĩ giỏi, anh dũng chiến dấu không sợ chết, là tấm gương cho chúng tôi học tập. Bác ơi, chúng tôi dọn khỏi buồng chính ngay bây giờ. Lão Lã, Tiểu Đỗ, Triệu Đại Ngưu, Tôn Bất Ngôn, Tần Tiểu Thất, dọn đồ đạc mau, để cho bác thu xếp giường chiếu!

Binh lính bỏ dở việc đang làm, đi vào gian chính. Họ đeo trên lưng những chiếc chăn gập vuông vức, quấn xà cạp vào chân, xỏ giày – loại giày vải đế nhiều lớp, khoác súng trường lên vai, cổ đeo mìn, xếp hàng ngay ngắn ngoài sân. Tiểu đội trưởng nói với mẹ:

– Mời bác vào nhà. Mọi người đợi ở đây, tôi đi thỉnh thị chính ủy.

Các chiến sĩ rất có kỷ luật, ngay cả anh chàng Tôn câm mà bây giờ gọi là Tôn Bất Ngôn cũng đứng thẳng đơ như một cây thông. Tiểu đội trưởng xách súng chạy đi. Chúng tôi vào trong nhà. Trong chảo đã bắc thêm hai ngăn bằng tre và cây sậy. Củi trong lò cháy rừng rục. Nước trong chảo sôi ùng ục, hơi nước bốc lên mờ mịt. Chúng tôi ngủi thấy mùi thơm của bánh bao. Bác cấp dưỡng gật đầu chào mẹ với vẻ biết lỗi. Bác rất hiền. Bác cho củi vào lò.

– Tha lỗi cho chúng tôi về việc đã tự tiện cải tạo cái bếp.

Bác chỉ cái rãnh sâu trước cửa lò, nói:

– Hàng chục cái quạt cũng không bằng một cái rãnh này! Ngọn lửa phần phật, chỉ e trôn chảo bị nung chảy.

Chị Lãnh Đệ mặt đỏ hồng ngồi trên ngưỡng cửa, mắt lim dim, chăm chú nhìn hơi nước phụt qua kẽ nắp cuồn cuộn bay lên, càng nhìn càng thấy đẹp

– Lãnh Đệ! – Mẹ thử gọi.

– Chị Ba ơi, chị Ba! – Chị Năm, chị Sáu gọi.

Chị Lãnh Đệ thờ ở nhìn chúng tôi, làm như chưa hề quen nhau, chưa hề có đợt xa nhau vừa rồi.

Mẹ nhìn căn buồng thu dọn sạch sẽ, cảm thấy áy náy, lại kéo chúng tôi ra sân.

Tôn câm đứng trong hàng, nhăn mặt làm trò với chúng tôi. Thằng nhóc Tư Mã mạnh dạn sờ chân quấn xà cạp cứng như gỗ của các chú lính.

Tiểu đội trưởng dẫn về một người đàn ông tuổi trung niên, giới thiệu với mẹ:

– Thưa bác, đây là chính ủy Tưởng.

Chính ủy có khuôn mặt trắng trẻo, không để râu, thân hình tầm thước, thắt lưng da to bản, túi ngực cài chiếc bút máy. Ông lịch sự gật đầu chào chúng tôi, lấy trong xắc cốt một nắm kẹo xanh đỏ, nói:

– Các cháu ăn kẹo đi.

Rồi ông chia kẹo cho chúng tôi, con bé bọc trong áo lông điêu cũng được chia hai cái do mẹ nhận hộ. Đây là lần đầu tiên tôi được biết mùi vị của kẹo. Chính ủy nói:

– Bác ơi, xin bác cho tiểu đội này ở nhờ hai chái đông và tây?

Mẹ gật đầu, đờ đẫn.

Chính ủy vén tay áo xem đồng hồ, hỏi to:

– Lão Trương, bánh bao được chưa?

Lão Trương chạy ra:

– Chín rồi ạ.

Chính ủy nói:

– Anh lấy bánh cho các cháu ăn. Cứ để các cháu ăn thỏa thích.

– Lát nữa tôi bảo Tư vụ trưởng bổ sung mức ăn cho các anh.

Lão Trương dạ luôn miệng.

Chính ủy bảo mẹ:

– Đại đội trưởng của chúng tôi muốn gặp bác. Mời bác đi cùng tôi.

Mẹ định trao con bé cho chị Năm. Chính ủy giơ tay ngăn lại, nói:

– Không, bác cứ bế cháu bé đi.

Chúng tôi, thực ra là chỉ mẹ tôi, đi theo chính ủy. Mẹ địu tôi trên lưng, bế con bé đằng trước, đi dọc theo ngõ ra phố, đến nhà Phúc Sinh Đường. Hai lính gác vội đứng nghiêm, bồng súng chào. Chúng tôi đi qua các phòng thông nhau, cuối cùng vào đến đại sảnh, chính giữa bày bàn bát tiên màu huyết dụ, trên bàn bày hai đĩa lớn, một đĩa là thịt gà rừng, đĩa kia là thịt thỏ rừng, một làn đầy bánh bao. Một người râu quai nón tươi cười ra đón, nó:

– Xin chào, xin chào!

Chính ủy giới thiệu:

– Thưa bác, đây là đại đội trưởng Lỗ!

Đại đội trưởng Lỗ nói:

– Nghe nói bác cũng họ Lỗ. Năm trăm năm trước chúng ta là một nhà!

Mẹ hỏi:

– Thưa quan lớn, chúng tôi phạm tội gì?

Đại đội trưởng ngớ ra, cuối sảng khoái, bảo mẹ:

– Bác hiểu lầm rồi? Mời bác đến đây chăng có ý gì khác. Mười năm trước, tôi và Sa Nguyệt Lượng là bạn nối khố. Sa Nguyệt Lượng là con rể bác. Vì vậy nghe tin bác trở về, cho đặt tiệc tây trần mời bác.

Mẹ nói:

– Anh ta không phải con rể tôi.

Chính ủy nói:

– Bác giấu làm gì? Bác đang bế con của Sa Nguyệt Lượng đấy thôi!

Mẹ nói:

– Đây là cháu tôi.

Đại đội trưởng Lỗ nói:

– Hãy ăn đã. Xem chừng bà cháu đói cả rồi.

Mẹ nói:

– Thưa quan lớn, chúng tôi về đây?

Đại đội trưởng Lỗ nói:

– Bác đừng vội đi, Sa Nguyệt Lượng có nhờ tôi giúp anh ta trong việc nuôi cháu bé. Anh ta biết bác có khó khăn. Cô Đường đâu rồi?

Một nữ binh xinh đẹp nhanh nhẹn bước ra.

Đại đội trưởng Lỗ nói:

– Bế lấy em bé cho bác, để bác xơi cơm!

Cô nữ binh bước tới trước mặt mẹ, giơ hai tay ra. Mẹ kiên quyết:

– Đây không phải con gái Sa Nguyệt Lượng. Đây là cháu tôi!

Chúng tôi đi trở lại các phòng thông nhau, ra phố, rẽ vào ngõ trở về nhà.

Liên tiếp mấy ngày sau, cô nữ binh có tên là Đường nhiều lần đem thực phẩm, quần áo đến nhà tôi. Những thùng bánh bích qui, mà mỗi cái bánh là một hình con vật: chó, mèo, hổ…, sữa bột đựng trong bình thủy tinh, mật ong trong suốt đựng trong vò sành. Quần áo bằng tơ lụa, vải bông viền dăng ten, mũ bằng lông thỏ còn nguyên cả hai tai dài dài. Những thứ này cô nói, đều là của đại đội trưởng Lỗ và chính ủy Tưởng gửi cho cháu gái. Cô chỉ vào con bé mẹ đang bế:

– Đương nhiên, em bé trai có thể cùng ăn – cô lại chỉ vào tôi nói vậy.

Mẹ thản nhiên nhìn cô Đường quá nhiệt tình, mặt hồng hào như quả táo, mắt như hai hạt hạnh. Mẹ nói:

– Cô đem những thứ này đi. Chúng tôi con nhà nghèo, không xài được của tốt đến thế!

Mẹ cầm hai đầu vú, một đầu nhét vào miệng tôi, một đầu nhét vào miệng con gái Sa Nguyệt Lượng. Nó đắc ý rên hừ hừ, tôi căm giận rên lên hừ hừ. Nó đập tay vào đầu tôi, tôi đạp cho nó một cái vào mông, nó ề à khóc. Tôi còn loáng thoáng nghe thấy tiếng khóc dai dẳng, mảnh như sợi tơ của chị Ngọc Nữ, tiếng khóc mà mặt trời và mặt trăng đều lắng nghe vì nó ngọt hơn ánh nắng và thơm như ánh trăng.

Cô Đường nói rằng, chính ủy Tưởng đã đặt cho cô bé một cái tên. Ông ta là trí thức, tốt nghiệp đại học Triều Dương Bắc Bình, văn hay vẽ giỏi, rất giỏi tiếng Anh. Tên là Sa Tảo Hoa được đấy chứ!

– Bác ơi, bác đừng nghi ngại gì hết. Đại đội trưởng Lỗ là con người tốt. Nếu các ông ấy định cướp con bé thì dễ như trở bàn tay.

Cô Đường lấy trong bọc ra chiếc bình sữa bằng thủy tinh trên miệng có núm cao su màu vàng nhạt. Cô đổ mật ong và sữa bột màu trắng vào cái bát, đổ nước sôi vào, khuấy đều. Tôi đã có lần ngửi thấy mùi sữa này, đó là mùi ở vú bà ngoại quốc hôm bà đem chị Tưởng Đệ đi. Cô đổ sữa vào bình, nói với mẹ:

– Bác đừng cho nó bú chung với em trai, bác sẽ kiệt sức mất! Để cháu cho nó ti chai. Cô vừa nói vừa bế lấy Sa Tảo Hoa. Sa Tảo Hoa mút dài vú mẹ như cái dây cung của Hàn Chim. Cuối cùng núm vú tuột ra, co lại từ từ y hệt con đỉa bị nước đái, rất lâu mới trở lại hình dáng cũ. Tôi đau khổ là vì bầu vú, tôi căm giận Sa Tảo Hoa cũng là vì bầu vú. Nhưng con tiểu yêu này đã ti như điên, uống ừng ực từ cái bầu vú giả, ti ngon lành nhưng tôi không thèm. Một lần nữa, bầu vú của mẹ lại thuộc về tôi. Đã lâu tôi chưa bao giờ ngủ yên và ngủ ngon đến thế. Giấc mơ đã thay cho cái miệng của tôi, đắm đuối và hạnh phúc, toàn một mùi thơm của sữa! Tôi ngủ liền một mạch ba ngày.

Do vậy, tôi vô cùng cảm kích cô Đường. Hai bầu vú đội ngực áo quân phục khiến tôi cảm thấy cô vô cùng khả ái, tuy rằng vú của cô là loại vú bánh dầy, nhưng hình dáng vẫn là vú. Cho Tảo Hoa ăn xong, cô Đường mở cái bọc bằng áo lông điêu, một mùi khai như mùi lông chồn xông lên. Tôi nhìn thấy là da Sa Tảo Hoa trắng như sữa. Không ngờ con bé mặt đen như than mà da lại trắng đến thế. Cô Đường mặc quần áo, đội mũ, trang điểm cho Sa Tảo Hoa thành một cô bé xinh xắn. Cô Đường gạt cái áo lông điêu sang một bên, hai tay xốc nách Sa Tảo Hoa tung lên trời rồi đón lấy. Sa Tảo Hoa cười khanh khách. Thật không ngờ, tôi cảm thấy cô cháu ngoại này cũng có phần đáng yêu.

Cơ thể mẹ căng lên, chuẩn bị tư thế cướp lại Sa Tảo Hoa bất cứ lúc nào. Cô Đường trao trả Sa Tảo Hoa ẹ, nói:

– Bác ơi, Tư lệnh Sa mà nhìn thấy con bé thì chắc là vui lắm.

– Tư lệnh Sa? Mẹ ngỡ ngàng nhìn cô Đường.

– Bác ơi, bác chưa biết đấy thôi. Con rể bác bây giờ là Tư lệnh cảnh vệ thành phố Bột Hải, hơn ba trăm người dưới quyền, có cả một chiếc xe Jeep Mỹ! – Cô Đường nói.

(đoạn đánh dấu dưới đây, không ăn nhập với bất kỳ tình tiết nào trong bài, có thể người dịch đã bỏ sót một đoạn dài hoặc nhà xuất bản có lỗi khi in- LENA)

Sa Nguyệt Lượng xé vụn bức thư, gầm lên:

– Lỗ-đại-bác, Tưởng-bốn-mắt, dùng tưởng bở!

Sứ giả của đại đội bộc phá từ tốn nói:

– Thưa ông Tư lệnh, thiên kim tiểu thư của ông, chúng tôi rất mến! Giam giữ con tin, vậy bản lãnh ở đâu?

Sa Nguyệt Lượng nói:

– Bảo Lỗ-tướng có giỏi thì đem quân đến đánh Bột Hải?

Sứ giả nói:

– Ông Tư lệnh không nên quên quá khứ vẻ vang của mình?

Sa Nguyệt Lượng nói:

– Ta đây thích đánh Nhật thì đánh, thích hàng Nhật thì hàng, thằng nào dám làm gì ta, còn lảm nhảm thì chớ trách!

Cô Đường lôi ra chiếc lược nhựa đỏ, chải đầu cho chị Năm, chị Sáu. Khi chải đầu cho chị Sáu, chị Năm nhìn cô với vẻ say mê. ánh mắt chị Năm như chiếc lược, chải tù đầu xuống chân, rồi chải từ chân lên đầu cô Đường. Khi cô Đường chải đầu cho chị Năm, thì trên mặt trên cổ chị Sáu nổi da gà. Chải xong, cô Đường ra về. Chị Năm bảo mẹ:

– Mẹ, con muốn đi bộ đội?

Hai hôm sau, chị Năm mặc quân phục, công tác chủ yếu của chị là cùng cô Đường thay tã lót và cho Sa Tảo Hoa bú sữa.

Đây là thời kỳ đẹp nhất trong cuộc đời tôi, như bài hát lưu hành lúc bấy giờ. Em ơi buồn làm chi, Hãy cùng đồng chí ra đi, Rau cải thìa nấu cùng thịt lợn, Chảo bốc hơi đầy ắp màn thầu…. Rau cải thìa nấu với thịt lợn không thường xuyên, màn thầu trắng cũng không thường xuyên, nhưng củ cải om cá khô thì lúc nào cũng có, bánh bột ngô to bự thì lúc nào cũng có. Hạn hán không thể chết đói, đói không đến lính tráng!

Mẹ than thở:

– Tưởng Đệ ơi, Cầu Đệ ơi, các con tội nghiệp của mẹ…

Mẹ rơi nước mắt khi nghe tiếng hát của chị Năm và tiếng cười vui vẻ của chị Sáu. Trong thời gian này, sữa của mẹ đặc biệt tốt và nhiều, Kim Đồng từ trong túi vải nhảy ra ngoài, đã đi được hai mươi bước, đi được năm mươi bước, đi được một trăm bước, không bò nữa. Miệng tôi cũng không ngượng ngập nữa, chửi người như ranh. Khi Tôn câm nắm lấy chim, tôi chửi liền:

– Đ. mẹ mày!

Chị Sáu theo học lớp xóa nạn mù chữ, hát: Mười tám, chị đi bộ đội, đi bộ đội vẻ vang biết mấy! Cắt đánh soạt vứt bỏ đuổi sam, chải lật tóc rẽ thành hai mái? Canh gác tuần tra khắp nẻo đường. Hán gian đặc vụ chạy té đái.

Lớp học đặt trong nhà thờ. Những ghế băng được sửa chữa ngay ngắn, những đống phân lừa được dọn sạch. Thiên sứ có cánh đã bay đi. Tượng Chúa Giêsu bằng gỗ táo đã bị lấy cắp. Trên tường treo bảng đen, trên bảng viết chữ trắng. Cô Đường gõ thước lên bảng cồm cộp, chống… Nhật… chống… Nhật. Các bà phụ nữ vừa cho con bú vừa khâu đế giày hoặc bện thừng. Chống Nhật… chống Nhật…. Tôi nhảy cà chớn giữa các bà phụ nữ, len lỏi giữa bầy vú đủ các loại. Chị Năm nhảy lên bục, nói:

– Nhân dân là nước, bộ đội con em của dân là cá, đúng không nào?

– Đúng. – Cá sợ nhất gì nào?…

– Cá sợ gì nhỉ? Cá sợ lưỡi câu? Cá sợ chim bói cá? Cá sợ rắn nước?…

– Cá sợ lưới! Đúng rồi, cá sợ nhất là lưới? Sau gáy các bà các chị là cái gì vậy?

– Là cái búi tó.

– Trên búi tó có gì vậy?

– Là cái lưới.

Đám phụ nữ chợt tỉnh ngộ, mặt đỏ ửng, ghé tai nhau thì thào, cười rúc rích. Cắt phăng mái tóc, vút bỏ lưới, bảo vệ đại đội trưởng Lỗ và chính ủy Tưởng, bảo vệ đội bộc phá do hai người chỉ huy.

– Ai xung phong nào?

Chị Phán Đệ giơ cao cái kéo, còn dùng những ngón tay búp măng mở đóng kéo xoành xoạch như hàm con cá mập đang đói. Cô Đường nói:

– Thử nghĩ coi, các bà các bác, các cô các dì, các chị các em thử nghĩ coi, phụ nữ chúng ta bị ba ngàn năm áp bức, giờ đây đã đến lúc vùng lên! Hồ Tần Liên, chị cho biết, tên ma men Nhiếp-Nửa-Hũ chồng chị, còn dám đánh chị nữa không?

Một nữ thanh niên mặt vàng như nghệ bế con đứng dậy ngó nữ binh Đường và nữ binh Thượng Quan hiên ngang trên bục, rồi vội vàng cúi xuống, nói:

– Không đánh nữa.

Nữ binh Đường vỗ tay:

– Các bà các chị nghe rõ chưa, ngay cả Nhiếp-Nửa-Hũ cũng không dám đánh vợ nữa. Hội Phụ nữ cứu quốc là nhà của phụ nữ chúng ta, giải trừ những nỗi bất bình cho chúng ta. Hỡi chị em phụ nữ, cuộc sống bình đẳng hạnh phúc của ta hiện nay do đâu mà có? Từ trên trời rơi xuống chăng? Từ dưới đất đùn lên chăng? Không phải, quyết không phải. Nguyên nhân đích thực chỉ có một: Đó là từ khi đội bộc phá về đây xây dựng căn cứ địa vững chắc như tường đông vách sắt ở thị trấn Đại Lan, ở Cao Mật. Chúng ta đã tự lực cánh sinh, phấn đấu gian khổ để cải thiện cuộc sống, nhất là cuộc sống của phụ nữ. Chúng ta không mê tín kiểu phong kiến, nhưng chúng ta phải gỡ bỏ mọi trói buộc, không chỉ vì đội bộc phá mà vì bản thân chúng ta. Chị em phụ nữ, hãy cắt tóc ngắn, vút bỏ lưới bọc tóc, nhất loạt để tóc rẽ ngôi!

– Mẹ, mẹ xung phong đi! Chị Phán Đệ đưa kéo ẹ.

– Phải rồi, bà chị Thượng Quan cắt tóc ngắn thì chúng tôi cũng cắt tóc ngắn. Đám phụ nữ đồng thanh kêu lên.

– Mẹ ơi, mẹ xung phong đi, cho con gái mẹ mở mày mở mặt! – Chị Năm nói.

Mẹ đảo mắt, đưa đầu về phía chị, nói:

– Cắt đi, Phán Đệ! Miễn là có lợi cho đại đội bộc phá thì đừng nói cắt bím tóc, ngay cả chặt đứt hai ngón tay, mẹ cũng dám chặt.

Chị Năm gỡ búi tóc của mẹ ra. Một cuộn lớn tóc đen thả dần trên cổ trên lưng mẹ như một dòng suối. Mẹ có những nét giống hoàn toàn Đức mẹ Ma ria trên tường, nghiêm trang, u sầu, lặng lẽ, dâng hiến với vẻ cam chịu và tự nguyện. Đó chính là tôn giáo, một đứa trẻ bụ bẫm hồng hào sinh trong máng cỏ. Ngôi nhà thờ mà tôi từng chịu lễ rửa tội có mùi phân vừa mục, cảnh tượng tôi nằm trong bồn nước cùng chị Tám lại hiện ra trước mắt. Đức mẹ chưa bao giờ giấu cặp vú, còn vú của mẹ tôi thì lại nửa che nửa đậy.

– Phán Đệ, cắt đi con, còn chần chừ gì nữa? Mẹ nói.

Thế là chị Năm mở rộng lưỡi kéo ngoạm vào suối tóc của mẹ. Soạt soạt, bím tóc rơi xuống. Mẹ ngẩng đầu lên, tóc mẹ trở thành hai mái chấm đái tai, cái cổ thon dài của mẹ hoàn toàn lộ rõ. Đột nhiên mất đi sức nặng của mái tóc dày, đầu mẹ trở nên linh hoạt, có phần nhanh nhẹn như Tiên Chim, thoắt ngoảnh sang bên này, thoắt ngoảnh sang bên kia. Mặt mẹ đỏ bừng, nữ binh Đường lấy ra chiếc gương nhỏ hình tròn đưa tới trước mặt để mẹ soi, nhưng mẹ ngượng, quay mặt đi, chiếc gương đưa theo, mẹ thẹn thùng khi nhìn thấy mái tóc của mình trong gương thu nhỏ đến chục lần mái đầu cũ. Mẹ lại vội quay mặt đi.

– Đẹp không bác? – Cô Đường hỏi.

– Xấu chết đi được! – Mẹ trả lời khẽ.

– Ngay cả bác Thượng Quan còn cắt tóc ngắn, các vị còn chần chờ gì nữa? – Nữ binh Đường nói to.

Cắt đi vậy thì cắt đi. Cắt đi cho hợp thời. Mỗi khi thay đổi triều đại là lại thay đổi đầu tóc. Triều Thanh, nam giới đều để bím. Cách mạng của ông Tôn Trung Sơn, trước tiên là cắt phăng cái bím. Tóc ngắn rẽ ngôi là sản phẩm của thời đại. Sản phẩm thời đại chính là mốt, mốt chính là cái đẹp. Cắt hộ tôi. Soạt soạt. Tiếng than. Tiếng tặc lưỡi. Tôi cúi xuống nhặt lên một lọn tóc. Tóc rải rác trên mặt đất, đen có, vàng có, thô có, mảnh có. Thô thì vừa cứng vừa đen, mảnh thì vừa mềm vừa vàng. Tóc đầy dưới đất, nhưng chỉ tóc mẹ tôi là đẹp nhất. Tóc mẹ tôi là một loại tóc tiết ra dầu.

Những ngày ấy vui nổ trời, ầm ĩ hơn những ngày Tư Mã Khố triển lãm chiến lợi phẩm đánh cầu đường sắt. Đại đội đường sắt là nơi tập trung nhân tài, hát hay, múa giỏi, thổi tiêu thổi sáo, chơi đàn, có tất. Tất cả những bức tường trong thôn đều kẻ khẩu hiệu chữ to. Mỗi sáng, đều có bốn thiếu sinh quân trèo lên vọng gác, ngoảnh về phía mặt trời mà luyện kèn báo thức. Lúc đầu thổi như bò rống, dần dà nghe như chó sủa óc ách, cuối cùng nghe khúc chiết, lên bổng xuống trầm, làn diệu hẳn hoi. Các tiểu binh hít đầy lồng ngực, ngửa mặt, cổ vươn dài, phồng miệng lấy hơi. Kèn vàng chóe, dải lụa điều, vừa oai phong vừa đẹp mắt. Trong số bốn lính kèn, một chú đẹp trai nhất tên là Mã Đồng, miệng chúm chím, má lúm đồng tiền, hai vành tai tròn trịa. Chú nhanh nhẹn hoạt bát, môi ngọt như bôi mật ong. Chú triển khai một đợt nhận hơn hai mươi mẹ nuôi. Những bà mẹ nuôi ấy trông thấy chú là cặp vú rung động, chỉ hiềm nỗi không thể nhét núm vú vào miệng chú để chú cắn chú xé. Mã Đồng từng đến nhà tôi, truyền đạt mệnh lệnh gì đó cho tiểu đội trưởng. Hôm ấy tôi đang ngồi xổm dưới gốc cây thạch lựu xem đàn kiến trèo lên cây. Vì tò mò, chú cũng ngồi xuống xem. Chú còn chăm chú hơn tôi, giết kiến thành thạo hơn tôi, chú còn dẫn tôi đến đái vào tổ kiến. Trên đầu chúng tôi là cây lựu nở đầy hoa như những ngọn lửa. Lúc này là tiết đương xuân, tháng Tư, trời xanh xanh, mây trắng như bông, én lượn từng đàn trong gió nam lười nhác.

Mẹ linh cảm rằng, con trai mà đẹp và linh hoạt như Mã Đồng thì đa phần là chết yểu, Thượng đế ban phát cho nó nhiều quá, nó chiếm hết những thuận lợi của giống người, khó có thể đạt tới một kết cục thọ tỉ Nam sơn con cháu đầy đàn. Quả như lời mẹ đoán, một đêm, trời đã về khuya, sao dày đặc, ngoài phố bỗng có tiếng kêu của một thiếu niên:

– Xin đại đội trưởng Lỗ, chính ủy Thắng tha cho cháu lần này… Nhà cháu ba đời độc đinh, ông bà cháu chỉ có mỗi mình cháu là cháu nội, bố mẹ cháu chỉ có mình cháu là con… Cháu bị bắn chết thì gia đình cháu tuyệt tự?.. Mẹ Tôn ơi, mẹ Lý ơi, mẹ Thôi ơi, các mẹ nuôi ơi, ra xin cho cố!… Mẹ Thôi ơi, mẹ là chỗ giao tình với đại đội trưởng, mẹ hãy cứu con!…

Mã Đồng vừa kêu gào vừa đi ra khỏi thôn. Một tiếng nổ rất đanh, rồi tất cả yên lặng. Chú lính kèn đẹp như tiên đồng từ đó mất tăm. Mẹ nuôi nhiều như thế mà vẫn không thoát chết. Tội của chú là lấy trộm đạn đem bán.

Hôm sau, trên đường phố xuất hiện một cỗ quan tài màu đỏ son, một cỗ xe ngựa. Một đám binh sĩ khiêng quan tài lên xe. Cỗ quan tài rất nặng, dày năm tấc bằng gỗ bách, phủ chín lần véc ni, lót chín lần vải lót, ngâm nước mười năm không thấm, súng trường 3.8 bắn không thủng, chôn dưới đất nghìn năm không mục. Mười mấy bình sĩ nâng đáy quan tài, một tiểu đội trưởng hô khẩu lệnh, mới lẩy bẩy nâng lên khỏi mặt đất đưa lên xe. Quan tài lên xe rồi, một không khí căng thẳng trùm lên đại đội bộ, binh sĩ chạy ra chạy vào như mắc cửi, người nào người ấy nét mặt căng thẳng. Sau đó, một ông già râu bạc cưỡi lừa đi đến. Ông già xuống lừa, đến bên cỗ quan tài, vịn vào áo quan mà khóc rống lên, nước mắt chảy như suối, ướt đầm cả chòm râu. Đó là ông nội của Mã Đồng, đỗ cử nhân đời Thanh, trình độ văn hóa rất cao.

Đại đội trưởng Lỗ và chính ủy Tưởng bước tới, ngượng nghịu đứng bên cạnh ông già. Ông già khóc chán, quay lại nhìn như nuốt chủng Lỗ và Tưởng. Tưởng nói:

– Thưa cụ Mã, cụ đọc làu kinh thư, hiểu sâu đạo nghĩa. Chúng toi đành gạt nước mắt mà tử hình Mã Đồng.

Lỗ tiếp lời:

– Gạt nước mắt mà tử hình Mã Đồng.

Ông già nhổ bãi nước bọt đầy máu vào mặt Lỗ, nói:

– Mèo ăn vụng miếng mỡ thì giết, hổ bắt cả con lợn thì tha? Chống Nhật mà rượu thịt chảy như suối!

Ông già ngửa mặt cả cười rồi bỏ đi, con lừa cúi đầu đi theo, cỗ xe chở quan tài đi sau con lừa, lặng lẽ. Tiếng xà ích quát ngựa nghe như tiếng ve sầu, như tiếng chuông bị bịt miệng không cho ngân. Sự kiện Mã Đồng như một trận động đất, làm lưng lay nền móng của đại đội bộc phá. Cái cảm giác giả tạo về hạnh phúc bị tiêu tan, tiếng súng hành quyết Mã Đồng bảo chúng tôi rằng, thời buổi loạn lạc, tính mạng con người như con sâu cái kiến! Sự kiện Mã Đồng thoạt nghe có vẻ biết cách rèn quân, chấp pháp nghiêm minh, nhưng nó lại phát sinh tiêu cực trong nội bộ đại đội bộc phá. Mấy ngày nay có đến mười mấy binh sĩ say rượu, có những vụ ẩu đả, tiểu đội ở nhà tôi đã bộc lộ dần tâm trạng bất mãn. Tiểu đội trưởng Vương nói công khai:

– Mã Đồng chẳng qua chỉ là vật hi sinh! Nó là thằng bé con, làm sao biết bán trộm đạn? Ông nội người ta là cử nhân, ruộng tốt nghìn khoảnh, lừa ngựa hàng đàn, thiếu gì mấy đồng tiền còm? Theo tôi, nó chết là vì hai trâu húc nhau dập đầu con muỗi. Chả trách lão cử nhân nói: Chống Nhật mà rượu thịt chảy như suối?

Tiểu đội trưởng nói câu này vào giữa trưa thì buổi chiều chính ủy Tưởng dẫn hai vệ binh đến nhà tôi. Chính ủy mặt sa sầm, nói:

– Vương Mộc Căn, lên đại đội bộ với tôi!

Vương Mộc Căn tròn mắt nhìn các chiến sĩ của mình, chửi:

– Đ. mẹ thằng chó chết nào bán đứng ông?

Các binh sĩ nhìn nhau mặt tái nhợt, duy chỉ có Tôn Bất Ngôn là cười khanh khách đi tới trước mặt chính ủy, hoa chân múa tay kể lại chuyện Sa Nguyệt Lượng cướp vợ của mình.

Chính ủy nói:

– Tôn Bất Ngôn, chỉ định anh làm quyền tiểu đội trưởng.

Tôn Bất Ngôn ngoẹo đầu nhìn miệng chính ủy. Chính ủy túm tay anh ta, rút bút máy viết mấy chữ to tướng. Tôn Bất Ngôn ngoẹo bàn tay lại, ngây người ra nhìn, con người vàng sáng rục, hoa chân múa tay mùng rỡ. Vương Mộc Căn cười nhạt nói:

– Cứ những trò này còn tiếp diễn, thằng câm sẽ mở miệng nói được.

Chính ủy vẫy tay, hai vệ binh hùng hổ tiến đến, áp sát hai bên Vương Mộc Căn. Vương Mộc Căn nói to:

– Các người ăn cháo đá bát, không còn nhớ khi ta đánh đoàn tầu bọc thép nữa rồi!

Chính ủy không thèm đếm xỉa những lời quát tháo của Vương Mộc Căn, vỗ vai Tôn câm. Tôn câm được sủng ái giật mình, đứng nghiêm chào chính ủy. Từ ngoài ngõ vọng lại tiếng gầm của Vương Mộc Căn:

– Trêu vào ông, ông sẽ cài mìn dưới gối chúng mày!

Công việc đầu tiên của Tôn câm sau khi được đề bạt làm tiểu đội trưởng là đòi mẹ tôi trả người. Lúc này, mẹ tôi đang nghiền lưu huỳnh cho đội bộc phá ở chỗ cối xay bột, nơi Tư Mã Khố ẩn nấp khi bị thương. Cách cối xay khoảng trăm thước, chị Phán Đệ trông nom mấy phụ nữ dùng búa nhỏ đập sắt vụn. Cách chỗ chị Phán Đệ khoảng trăm thước, viên kỹ sư của đại đội bộc phá chỉ huy bốn đội viên khỏe mạnh thụt cái bễ to tướng, đẩy gió vào lò nung. Bên cạnh họ, các khuôn đã vùi trong cát. Mẹ bịt miệng bằng chiếc khăn mặt, đi vòng quanh cối cùng với con lừa nhỏ. Mùi lưu huỳnh cay xé mũi, nước mắt mẹ chảy ròng ròng. Con lừa hắt hơi liên tục. Tôi và thằng con trai Tư Mã Khố ngồi trên bụi nhân trần, chị Phán Đệ giám sát chúng tôi nghiêm ngặt theo lời dặn của mẹ, không cho chúng tôi lại gần cái cối xay. Tôn câm khoác trên vai khẩu súng trường thô kệch do Hán Dương sản xuất, tay cầm thanh đao của báu gia truyền, khệnh khạng bước tới chỗ cối xay. Chúng tôi thấy hắn chặn con lừa lại, giơ đao chém vút một cái vào không khí ngay trước mặt mẹ. Mẹ dừng lại sau con lừa, nhìn hắn không chớp. Hắn chìa bàn tay có chữ ra, cười hô hố. Mẹ gật gật tỏ ý chúc mừng hắn. Tiếp đó, nét mặt hắn thay đổi nhiều kiểu, mẹ lắc đầu quầy quậy, hình như không chấp thuận yêu cầu gì đó của hắn. Hắn vung tay đấm một quả vào đầu con lừa. Con lừa từ từ khuỵu hai chân trước rồi gục xuống. Mẹ quát to: Đồ súc sinh? Hắn cười, miệng méo xệch rồi khệnh khạng bỏ đi. Phía bên kia, cửa đáy đã chọc thủng, dòng thép sáng chói chảy vào khuôn, từng cụm hoa lửa bắn tung tóe. Mẹ nắm hai tai con lừa giúp nó đứng dậy. Rồi mẹ bước tới chỗ chúng tôi, bỏ khăn bịt miệng vàng khè ra, vén áo nhét đầu vú bị lưu huỳnh hun trắng nhợt vào miệng tôi. Tôi đang phân vân xem có nên nhả đầu vú đắng ngắt ra không thì mẹ đẩy tôi ra, mạnh đến nỗi suýt nữa tôi bị gãy răng cửa mới mọc. Tôi nghĩ đầu vú mẹ đau kinh khủng, nhưng không phải, mẹ hoàn toàn không quan tâm tới đầu vú, mà chạy như bay về nhà, chiếc khăn mặt phất phơ theo nhịp chạy. Tôi hình dung bầu vú đầy bột lưu huỳnh của mẹ cọ xát dữ dội sau lần vải thô. Mẹ như mụ đi trong một cảm giác quái gở. Nếu là hạnh phúc thì đây là thứ hạnh phúc trong đau khổ tột cùng nên mẹ mới điên lên như vậy.

Băn khoăn của tôi được giải đáp ngay lập tức.

– Lãnh Đệ ơi, Lãnh Đệ! Con ở đâu? – Mẹ gọi to, từ gian chính chạy sang gian chái.

Bà nội từ trong nhà bò ra, phục trên lối ngoài sân, đầu ngỏng lên như con ếch ộp. Chái tây của bà nội đã bị các binh sĩ chiếm. ở đó, năm chú lính chụm đầu vào nhau bên bàn xay, đang xem một cuốn sách cũ đóng bằng giấy lề. Họ ngẩng lên, ngạc nhiên nhìn chúng tôi. Súng treo trên tường, địa lôi treo dưới xà nhà, đen xỉn, tròn tròn như những trứng nhện khổng lồ.

– Tôn câm đâu rồi? – Mẹ hỏi.

Các binh sĩ lắc đầu. Mẹ chạy vào chái đông. Bức tranh Nàng Tiên Chim để trên mặt bàn gãy chân, chặn bằng miếng bánh bao ăn dở và nửa củ hành đại, lá xanh biếc. Cái bát men xanh cũng ở trên bàn, trong bát có một nhúm xương, không rõ là xương chim hay xương thú. Khẩu súng của Tôn Câm treo trên tường, địa lôi treo dưới xà nhà.

Mẹ đứng giữa sân, gào lên một cách tuyệt vọng. Các binh sĩ từ gian chái chạy ra, dồn dập hỏi mẹ đã xảy ra chuyện gì.

Tôn câm từ dưới hầm củ cải chui lên, người bám đầy đất và mốc trắng, nét mặt hắn mệt mỏi nhưng đầy vẻ thỏa mãn.

Mẹ dậm chân, gào lên:

– Tôi lú lẫn mất rồi!

ở đoạn cuối hầm ngầm trong nhà, chỗ đống cỏ mục, thằng câm đã cưỡng dâm chị ba Lãnh Đệ.

Chúng tôi lôi chị dưới hầm lên đặt nằm trên giường. Mẹ vừa khóc vừa lấy khăn bám đầy bụi lưu huỳnh, thấm nước trong chậu, lau rửa từng li từng tí trên người chị. Nước mắt mẹ rơi trên mình chị, trên những vệt răng ở vú nhưng chị lại nở một nụ cười mê hồn, ánh mắt rạng rỡ đầy quyến rũ.

Chị Năm nghe tin chạy về, trố mắt nhìn chị Ba. Chị chẳng nói chẳng rằng chạy ra sân, móc quả lựu đạn ở thắt lưng, giật nụ xòe ném vào chái đông. Quả lựu đạn bị thối, không nổ.

Nơi xử bắn thằng câm cũng chính là nơi xử bắn Mã Đồng: bên bờ hố nước bẩn đầy rác rưởi, giữa hố mọc đầy cỏ bô, ở phía nam của thôn. Thằng câm bị trói theo kiểu trói trọng phạm ngay bên hố nước, mấy chục binh sĩ tay xách súng đứng thành hàng ngang, chính ủy diễn giải bằng lời lẽ hùng hồn trước quần chúng. Diễn thuyết xong, các binh sĩ lên cơ bẩm, đẩy đạn lên nòng… Chính ủy đích thân hô khẩu lệnh. Khi những viên đạn sắp sửa bay khỏi nòng thì chị Lãnh Đệ quần áo trắng tinh, phiêu diêu đi tới nhẹ nhàng như một Nàng Tiên. Nàng Tiên Chim đến rồi? Có người kêu lên. Mọi người lập tức nhớ lại thân thế kỳ lạ và những sự tích thần kỳ của Tiên Chim, quên bẵng thằng câm. Đây là giờ phút đẹp đẽ nhất trong cuộc đời Tiên Chim, chị nhảy múa trước mặt mọi người như một con tiên hạc, khuôn mặt tươi tắn như bông sen hồng, sen bạch. Thân hình cân xứng, cặp môi mọng đầy quyến rũ. Chị vừa múa vừa tiến lại gần thằng câm rồi đột nhiên dừng lại nghiêng đầu ngắm khuôn mặt hắn. Thằng câm nở một nụ cười ngơ ngẩn. Chị đưa tay vuốt nhe mái tóc dày như thảm, véo nhẹ cái mũi củ hành của thằng câm. Cuối cùng, chị công khai nắm lấy bộ sậu giữa hai chân, cái bộ sậu đã gây oan nghiệt, rồi nghiêng đầu nhìn quần chúng mà cười khúc khích. Đám phụ nữ vội quay mặt đi, đám đàn ông thì nhìn mê mẩn, nhếch mép cười hóm hỉnh. Chính ủy húng hắng ho, rất không tự nhiên, ra lệnh:

– Lôi cô ta ra! Thi hành lệnh xử bắn!

Thằng câm ngửa mặt lên, kêu ú ớ, hình như muốn kháng nghị.

Nàng Tiên Chim ta, y vẫn nắm cái của ấy, cặp môi mọng đầy vẻ ham muốn, phản ánh một dục vọng lành mạnh, tự nhiên. Không ai muốn chấp hành mệnh lệnh của chính ủy.

Chính ủy hỏi to:

– Cô kia, hắn cuồng dâm cô hay cô thuận tình?

Nàng Tiên Chim không trả lời.

Chính ủy lại hỏi:

– Cô có thích hắn không?

Nàng Tiên Chim vẫn không trả lời.

Chính ủy tìm mẹ trong đám đông, vẻ khó xử:

– Bác xem nên thế nào!… Theo tôi nghĩ, hay là cho chúng nó lấy nhau cho xong. Tôn Bất Ngôn tuy có sai lầm, nhưng không đáng tội chết, đó là điều chắc chắn!

Mẹ không nói gì, rẽ đám đông đi về. Mẹ bước rất chậm, vẻ nặng nhọc như cõng trên lưng một tấm bia. Mọi người nhìn theo, khi thấy mẹ kêu gào, mới không để ý nữa.

– Cởi trói cho anh ta. – Chính ủy mệt mỏi buông ra câu này, rồi bỏ đi.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN