Tết năm nay đến sớm, vừa qua lễ Giáng Sinh ngoảnh đi nghoảnh lại thoáng cái đã đến Tết nguyên đán.
Đương nhiên năm nay phải về quê ăn Tết. Thành phố Y cách thành phố A không xa, đi xe hơi chỉ khoảng hơn ba giờ đồng hồ, nhưng đường ngày tết đông, Dĩ Thâm và Mặc Sênh xuất phát từ sớm vậy mà về đến nhà đã hơn một giờ chiều.
Cảm thấy người bên cạnh im lặng hơi lâu, Dĩ Thâm đưa mắt nhìn sang. Từ tối hôm qua Mặc Sênh đã bắt đầu lo lắng, không hiểu sao khi sắp về đến nhà lại có vẻ bình thường?
Mặc Sênh nhìn ngoài của sổ, không nhìn thấy Dĩ Thâm đang nhìn mình.
Dĩ Thâm ngạc nhiên nhìn vợ, gọi:
– Mặc Sênh!
– Gì thế? – Chị quay đầu lại – Gì thế anh?
– Em có biết chơi mạt chược không?
– Chơi mạt chược? – Mặc Sênh tưởng mình nghe nhầm.
– Cô Hà rất thích chơi mạt chược, nếu em không biết chơi thì sẽ làm cô ấy mất hứng – Dĩ Thâm cố tình làm ra vẻ quan trọng.
Mặc Sênh băn khoăn, ý nghĩ trong đầu bỗng biến mất, chỉ còn lại hai chữ “mạt chược”.
– Làm thế nào bây giờ, sao anh không nói trước, em chẳng chuẩn bị gì cả.
– Bây giờ chuẩn bị vẫn kịp – Dĩ Thâm mỉm cười, dừng xe – Mặc Sênh, chúng ta đến nơi rồi.Đã bao nhiêu năm Mặc Sênh không được hưởng không khí đón Tết vui vẻ đầm ấm như thế này.
Bên ngoài tuyết rơi lả tả, tiếng pháo tép từ xa vọng lại, cả nhà quây quần bên bàn ăn, nghe bà Hà ca cẩm.
– Hai đứa này càng lớn càng hư, một đứa đã cưới vợ, một đứa sắp lấy chồng, vậy mà không đứa nào báo với bố mẹ một câu…
Dĩ Văn nhăn mặt với Dĩ Thâm:
– Mẹ, mẹ đã nói suốt buổi chiều rồi còn gì.
– Lâu lắm các con mới về chơi ăn Tết, bà để cho chúng nó yên, đừng có làu bàu mãi thế – Ông Hà lườm vợ.
– Ông chán tôi rồi hả?
Ông Hà cả đời sợ vợ, nghe bà nói vậy lại nhăn nhó:
– Là tôi nói vậy thôi, bà thích thì cứ nói cho thỏa, nay mai chúng nó đi rồi không nói được nữa.Trương Mại không hiểu tiếng địa phương, bắt Dĩ Văn phiên dịch, Dĩ Văn không chịu, vậy là anh chàng hờn dỗi, ngồi yên không nói.
Mặc Sênh mỉm cười ngồi nghe, nhiều năm nay chị đã quen ăn tết một mình, chị thèm khát không khí gia đình đấm ấm như thế này. Chị xúc động không nói được gì, dường như sợ nếu mình lên tiếng, bầu không khí tuyệt diệu này sẽ tan biến.
Sau bữa ăn, bà Hà tổ chức chơi mạt chược. Dĩ Thâm lẻn lên phòng sách, Dĩ Văn nhận trách nhiệm rửa bát. Vậy là Mặc Sênh, Trương Mại cùng chơi với ông Hà vốn chưa bao giờ dám trái ý vợ phải vào trận theo yêu cầu của bà Hà.
Bà Hà có kinh nghiệm mấy chục năm chơi mạt chược đã trở thành tay chơi lão luyện, ông Hà rèn luyện mấy chục năm, bản lĩnh cũng không kém, Trương Mại là nhà kinh doanh nên các món cờ bạc cũng khá rành, chỉ khổ cho Mặc Sênh mấy năm ở nước ngoài chỉ còn nhớ mang máng, giờ đây lâm trận đã thua thảm bại.
Dĩ Thâm từ trong phòng sách đi ra không tin vào mắt mình:
– Mới chưa đầy một giờ mà em đã thua thế này ư?
Mặc Sênh xấu hổ, ấp úng:
– Vận xấu thôi…
Dĩ Thâm vỗ vai Mặc Sênh, ra hiệu bảo đứng lên:
– Để anh…
Bây giờ mới gọi là kì phùng địch thủ, Mặc Sênh ngồi bên xem, càng xem càng thấy mê, không hề buồn ngủ. Dĩ Thâm giục mấy lần không được phải trợn mắt, Mặc Sênh mới chịu đi ngủ.
Đêm khuya, nửa mơ, nửa tỉnh, nghe thấy có tiếng mở cửa, đèn bật sáng:
– Xong rồi hả? Thắng hay thua?
Dĩ Thâm vén màn chui vào, vẻ mệt mỏi:
– Chỉ có một mình cô Hà thua.
Mặc Sênh trợn mắt:
– Ba người đàn ông bắt nạt một phụ nữ.
– Họ Hà có một qui định, trên bàn mạt cược không có chuyện nể nang nhường nhịn. Vả lại chưa thua sạch cô Hà chưa chịu thôi – Rồi anh ôm chị vào lòng – Ngủ thôi, mệt chết được. Tất cả là tại em.
Mặc Sênh rất ân hận, bình thường anh luôn bận rộn, về nhà ăn Tết lại phải vì mình mà mệt mỏi như vậy, thương quá. Vậy là ngoan ngoãn nằm gọn trong lòng anh, không dám quấy rầy.Nhưng lát sau, Mặc Sênh thấy cặp môi ấm nóng của anh xê dịch trên cổ mình, chị trách:
– Anh đang mệt cơ mà?
– Ừ… nhưng anh vẫn có thể mệt thêm chút nữa – Dĩ Thâm thầm thì.
Sáng mồng một Tết, Mặc Sênh tỉnh dậy đã hơn bảy giờ, vừa ngồi dậy mặc quần áo lại bị Dĩ Thâm kéo vào trong chăn.
– Còn sớm, dậy làm gì? – Dĩ Thâm nói giọng ngái ngủ.
– Em phải dậy nấu cơm. Buông em ra – Chị cố gỡ tay Dĩ Thâm đang ôm chặt mình, nhưng không sao gỡ được, chị nhăn mặt rên rỉ – Dĩ Thâm…
– Nằm với anh thêm lát nữa – Dĩ Thâm nói, mắt vẫn nhắm.
– Đúng là! – Mặc Sênh lẩm bẩm – Dĩ Thâm, hôm nay anh lạ lắm.
Người Dĩ Thâm như cứng lại trong một thoáng im lặng mấy giây, anh hỏi giọng hơi thiếu tự tin:
– Lạ thế nào?
– Anh giống như đứa trẻ vậy! – Mặc Sênh mỉm cười thì thầm vào tai anh.
Tay Dĩ Thâm vẫn ôm chặt chị:
– Đừng làm ồn, ngủ đi.
Hình như cả nhà chưa ai dậy cả, Mặc Sênh đành nhượng bộ, đằng nào cũng không thể thoát khỏi vòng tay Dĩ Thâm:
– Ngủ tiếp vậy.
Nhưng… nằm thế này khó chịu lắm.
Vừa nhắm mắt chưa đầy một phút, Mặc Sênh bắt đầu cựa quậy, muốn nhấc đầu ra khỏi cánh tay Dĩ Thâm.
– Sao mà bướng thế không biết? – Dĩ Thâm mở mắt – Em đừng cựa quậy nữa được không?
Mặc Sênh nhăn mặt, chị muốn nằm gối bông, như vậy sẽ dễ chịu hơn.
– Dĩ Thâm – Mặc Sênh lại bắt đầu cựa quậy – Như thế này anh sẽ bị tê tay.
“Lại còn biết nghĩ cho người khác cơ đấy! Nếu không ôm chặt cô ta thì cả hai có nguy cơ cảm lạnh, cứ ôm chặt thế này là an toàn nhất”.
Dĩ Thâm dứt khoát giả bộ không nghe thấy, cứ nhắm mắt ngủ.
Mặc Sênh cựa quậy một hồi không kết quả, lại không ngủ được, mắt nhìn lên trần nhà, cuối cùng dừng lại trên khuôn mặt tuấn tú kề sát mình.
Dĩ Thâm quả rất đẹp trai!
Lặng lẽ hôn vào má anh, Mặc Sênh bắt đầu buồn ngủ, đầu vẫn nghĩ sẽ dậy sớm giúp cô nấu ăn.Kết quả khi chị mở mắt đã hơn mười một giờ, không thấy Dĩ Thâm bên cạnh, vội trở dậy mặc quần áo ra ngoài, Dĩ Thâm và bác trai đang đánh cờ cạnh cái bàn rộng ở gian giữa.
Chị đến bên Dĩ Thâm nói nhỏ:
– Sao anh không đánh thức em?
Dĩ Thâm đang tập trung vào bàn cờ, sau khi đi xong một nước mới ngẩng đầu giục chị:
– Mau xuống bếp làm cơm đi.
Mặc Sênh thò đầu vào bếp, chỉ có một mình bác gái làm bữa.
Thấy Mặc Sênh ở cửa bác cười nói:
– Tiểu Sênh, dậy rồi hả, có lạ nhà không?
Chị lắc đầu, chị là người dậy muộn nhất, ngủ say như vậy lại còn lạ nhà gì nữa:
Cô để cháu giúp
Rồi cầm con dao trong tay bà Hà, chị bắt đầu thái thịt.
Bà Hà đi rửa rau, vừa rửa vừa nói chuyện cới Mặc Sênh, một lát sau như nhớ ra chuyện gì bà Hà nói:
– Ôi trời! bác hồ đồ quá, Tiểu Sênh, nhà cháu cũng ở thành phố Y này đúng không, khi nào tiện hai nhà gặp nhau ăn bữa cơm thân mật.
Mặc Sênh giật mình suýt cứa vào tay, chị mím môi, có nên nói ra không? Ngẩng đầu thấy nụ cười thân thiết của bà, mình không nên lừa dối bác, chị quyết định nói ra:
– Cha cháu…
– Mặc Sênh!
Vừa mở miệng thì Dĩ Thâm xuất hiện ở cửa, mặt anh nghiêm nghị, sắc mặt hơi tái.
– Cái thằng, làm người ta giật mình – Bác Hà trách yêu Dĩ Thâm.
Dĩ Thâm nhìn chị:
– Mặc Sênh áo khoác của anh đâu, sao anh tìm mãi không thấy?
Mặc Sênh rửa tay ra khỏi bếp.
Áo khoác Dĩ Thâm treo ngay cái giá áo đầu giường, vừa vào phòng chị đã nhìn thấy. Mặc Sênh ngẩn người trước giá áo, không hiểu thế nào.
Dĩ Thâm giơ tay với chiếc áo từ phía sau chị:
– Em đừng có suy nghĩ lung tung. Anh không muốn có ý nghĩ khác về em – Dĩ Thâm nói giọng nghiêm túc – Mặc Sênh, em phải tin anh.
Có một chút cay đắng trong giọng nói Dĩ Thâm, chị đã nhận ra và chị thấy đau lòng.
– Dĩ Thâm…
– Em cứ như vậy, đừng nghĩ nhiều.
Mặc Sênh ngước mắt nhìn Dĩ Thâm:
– Nhưng như thế anh sẽ trách em lắm chuyện.
– Em cũng hơi lắm chuyện – Anh vuốt tóc chị – Đúng thế, em rất lắm chuyện!
Tự dưng cảm thấy lòng nhẹ nhõm.
– Ra ăn cơm thôi, có lẽ bác đã làm xong rồi.
Lúc ăn cơm, bà Hà lại nhắc đến cha mẹ Mặc Sênh. Chị nói, cha chị đã mất, mẹ chị đang ở nước ngoài. Bà Hà thở dài không hỏi thêm. Bà định mời mọi người cơm xong chơi vài ván mạt chược để thư giãn, nhưng mọi người không mấy hào hứng. Ông Hà muốn đi ngủ, Dĩ Văn muốn đưa Trương Mại tham quan thành phố, bà đành từ bỏ ý định.
Tối hôm trước Dĩ Thâm ngủ ít, sau bữa trưa muốn ngủ bù. Mặc Sênh sáng dậy muộn nên không hề buồn ngủ. Nhân lúc Dĩ Thâm ngủ trưa, chị xem các đồ vật cũ của anh.
Một bài kiểm tra cũ kỹ chị cũng ngắm nghía hồi lâu, chị muốn nhìn kỹ nét chữ hồi nhỏ của Dĩ Thâm. Chị đọc từng trang cuốn vở tập làm văn của anh. Dĩ Thâm viết văn rất hay, toàn được điểm 9. Nghĩ đến các bài văn của mình phần lớn được điểm 6, họa hoằn mới có bài được điểm 7, Mặc Sênh không khỏi ghen tỵ. May mà phần văn bình luận anh viết không hay lắm, coi như cũng được an ủi.
Dĩ Thâm tỉnh dậy thấy Mặc Sênh ngồi trên nền, đang giở các đồ đạc của của mình. Anh “hừ” một tiếng cảnh báo:
– Hà phu nhân, bà đang xâm phạm đời tư của tôi.
– Dĩ Thâm, anh dậy rồi à? – Mặc Sênh ngẩng đầu, mắt sáng lên – Còn gì cho em xem nữa không?
Mặc Sênh say sưa ngắm nghía những kỷ vật cũ của chồng. Dĩ Thâm kéo chị đứng lên:
– Đừng ngồi trên nền.
Anh cầm lên một cuốn vở trong đống đồ trên nền:
– Sao cô Hà vẫn còn giữ những thứ này nhỉ?
– Bức ảnh này anh chụp lúc mấy tuổi? – Mặc Sênh chìa trước mặt Dĩ Thâm một tấm ảnh cũ, trong ảnh Dĩ Thâm mặc đồng phục, rất khôi ngô, tay nâng bằng khen
– Có lẽ trong cuộc thi vật lý toàn quốc năm lớp Bảy.
– Vật lý ư? Nhưng anh học luật cơ mà?
– Nhưng đến trung học anh thích các môn xã hội.
– Nếu biết anh học trường Trung Nhật, em cũng đến đấy học – Mặc Sênh nói vẻ tiếc nuối – Lúc đầu em cũng định học ở trường đó, nhưng trường quá xa nhà, buổi sáng chắc em không dậy sớm được.
– May mà em lười – Dĩ Thâm âu yếm nhìn chị – Cho nên anh mới yên ổn học hết trung học.
Mặc Sênh lườm anh:
– Còn ảnh nào không?
Dĩ Thâm lấy tập ảnh trong tủ:
– Không nhiều lắm, người nhà anh không thích chụp ảnh.
Tập album kiểu cũ, bìa đã ố vàng. Trang đầu tiên là ảnh đứa bé sơ sinh, bên dưới có hàng chữ nhỏ: “Dĩ Thâm hơn ba tháng”.
Đứa bé trong ảnh béo mũm mĩm, cau mày, vẻ mặt đăm chiêu, cương nghị hứa hẹn trở thành chàng trai giàu ý chí, nghị lực. Mặc Sênh ngắm nghía hồi lâu, chợt phát hiện điều gì, chị reo lên:
– Dĩ Thâm, thì ra ngay từ nhỏ anh luôn cau có.
– Bé tý đâu đã biết gì – Dĩ Thâm cau mày.
– Thật mà! – Mặc Sênh khẳng định – Bố em bảo lúc em còn nhỏ, vừa nhìn thấy máy ảnh là em cười tít mắt.
Những bức ảnh sau đó đều là ảnh chụp chung. Một thiếu phụ trẻ tay bế đứa con trai, ngồi bên người đàn ông trẻ, nụ cười rạng rỡ hạnh phúc nhìn vào ống kính. Mặc dù hồi đó kỹ thuật chụp chưa tốt nhưng vẫn chớp được vẻ tuấn tú, trang trọng của người đàn ông và nét xinh đẹp yêu kiều của người phụ nữ. Có thể thấy ngoại hình Dĩ Thâm rất giống cha.
Mặc Sênh lặng lẽ xem kỹ từng bức ảnh, thỉnh thoảng ngẩng đầu mỉm cười âu yếu nhìn chồng.
– Thôi – Dĩ Thâm lấy lại cuốn album trong tay Mặc Sênh, để lại vào chỗ cũ trong tủ – Lâu rồi, tất cả đều đã phai mờ.
Mặc Sênh nhìn vào mắt Dĩ Thâm hồi lâu, chị ôm chặt lấy anh. Lát sau chị nói:
– Chúng mình đi thăm họ được không?
– Đợi đến Tết thanh minh – Dĩ Thâm nhẹ nhàng vuốt mái tóc lởm chởm của chị – Đợi cho tóc em mọc dài thêm chút nữa, nếu không em sẽ là nàng dâu rất xấu.
Thời gian nghỉ Tết không nhiều, phần lớn thời gian của Mặc Sênh đều bị bác gái lôi kéo vào bàn mạt chược, nhưng tiếc rằng liên tục huấn luyện trong mấy ngày cũng không mấy hiệu quả. Mặc Sênh vẫn nhìn thấy quân bài trên bàn là quên quân bài trong tay, nhìn thấy bài của mình thì không biết người khác đánh quân gì.
Dĩ Thâm chỉ biết lắc đầu thở dài, không biết nên xấu hổ vì tư chất bà vợ của mình hay nên vui vì sau này ít nhất cô ta không làm khuynh gia bại sản vì mạt chược?
Ngày mai phải rời thành phố Y, tối đó Mặc Sênh trằn trọc không ngủ được. Dĩ Thâm ôm chị vào lòng khi chị trở người lần thứ ba
– Em nghĩ gì thế?
– Dĩ Thâm – Mặc Sênh im lặng, lúc sau mới nói – Em chưa kể với anh về mẹ phải không?
Dĩ Thâm xoa lưng chị:
– Chưa
– Quan hệ giữa bố mẹ em rất lạ… – Sắp xếp lại ký ức, chị nói tiếp – Lúc nhỏ, em luôn cảm thấy mẹ không thích em, có lẽ là do mâu thuẫn với bố, nhưng em không để ý. Về sau bố em xảy ra chuyện, em ở Mỹ, hai mẹ con mất liên lạc, mấy năm sau một người bạn của bố em cho biết, bố mẹ em đã ly hôn một tháng trước khi sự việc xảy ra. Chuyện bố tự vẫn trong tù thực ra mẹ em cũng có liên quan, bố không muốn liên lụy đến mẹ cho nên nhận hết tội về mình – Người chị run lên.
Dĩ Thâm vỗ về:
– Chuyện đã qua đừng nên nghĩ nhiều.
Mặc dù có tài ăn nói nhưng về mặt an ủi người khác, Dĩ Thâm rất kém, chỉ biết vỗ nhẹ vào má chị như dỗ trẻ con.
Mặc Sênh tưởng tượng ra cảnh Dĩ Thâm dỗ trẻ con bất giác bật cười, cảm giác nặng nề bỗng vơi đi
– Em không muốn buồn, chỉ là vừa rồi em nghĩ, bây giờ em đã nghĩ thoáng hơn trước nhiều. Mẹ ăn tết một mình không biết thế nào?
Dĩ Thâm nhìn lên trần nhà, trong đêm tối mắt anh càng tăm tối, nhưng giọng nói lại dịu dàng như màn đêm:
– Nếu em không yên tâm, sáng mai chúng mình đi thăm mẹ.
Mặc Sênh bắt đầu buồn ngủ, vùi mặt vào ngực chồng, nói giọng mệt mỏi:
– Ít nhất cũng cho mẹ biết cuộc sống hiện nay của em rất tốt.
Sáng hôm sau, Mặc Sênh và Dĩ Thâm lưu luyến từ biệt ông bà Hà, Dĩ Văn và Trương Mại được nghỉ ít hơn nên đã đi từ hôm trước.
Trước khi rời thành phố Y, họ đến khu mới Thanh Hà. Nhưng lần này họ cũng không gặp may, Mặc Sênh gõ cửa mấy lần mà nhà không có ai mở cửa.
– Có đợi không? – Dĩ Thâm hỏi
Mặc Sênh lắc đầu:
– Thôi, mình đi.
Chiếc cầu thang lộ thiên kiểu cũ vừa dốc vừa hẹp, lúc xuống lầu Mặc Sênh tỏ ra rất có kinh nghiệm:
– Loại cầu thang này phải đi chậm, nếu không sẽ va vào người khác ở chỗ ngoặt.
Dĩ Thâm nhìn chị bằng ánh mắt tinh nghịch:
– Em va vào người ta bao nhiêu lần rồi?
Mặc Sênh ấp úng:
– Không, mới có mấy lần.
– Chắc chắn là rất nhiều lần, vẫn tật cũ, đi không nhìn đường – Dĩ Thâm nắm chặt cằm chị, ngắm má bên phải, bên trái, đoạn thở dài – May vẫn chưa có bên nào bị lệch.
Mặc Sênh nhăn mặt với anh.
Ngồi vào xe ngoảnh nhìn ngôi nhà cũ, cảm thấy buồn, lần này vẫn không gặp, có lẽ hai mẹ con chị không có duyên với nhau.
Xe qua cổng khu, Mặc Sênh vô tình nhìn ngoài cửa, giật mình gọi Dĩ Thâm:
– Dĩ Thâm, dừng xe!
Dĩ Thâm phanh gấp, chiếc xe dừng lại tức thì. Mặc Sênh mở cửa xe chạy ngược lại, Dĩ Thâm không xuống xe, từ trong gương chiếu hậu anh nhìn thấy Mặc Sênh đuổi kịp một người phụ nữ trung niên người gầy gò.
Trong lòng đột nhiên cảm thấy bất yên, anh bất giác thò tay vào túi tìm thuốc lá nhưng không thấy, mới sực nhớ là mình đã bỏ thuốc, hoàn toàn không mang thuốc theo người. Anh nhắm mắt ngả đầu vào thành ghế, mở nhạc, điệu nhạc du dương vang lên. Đang nghe bỗng có tiếng gõ cửa, Dĩ Thâm mở mắt thấy Mặc Sênh đứng ngoài cửa xe ra hiệu cho anh mở cửa.
– Em vừa nói với mẹ, em đã cưới. Anh có đến gặp mẹ một lát được không? – Mặc Sênh hỏiDĩ Thâm lặng lẽ gật đầu.
Bà Phương Mai mẹ Mặc Sênh từ xa ngắm nhìn con gái cùng một người đàn ông trẻ dáng cao to đi đến. Mắt bà không tốt, chưa nhìn rõ người đứng đó nhưng trực giác mách bảo bà đó là người đàn ông ưu tú, xem ra Tiểu Sênh rất có mắt.
Chỉ có điều… bà cau mày… vừa rồi Tiểu Sênh nói tên anh là Hà Dĩ Thâm?
Hà Dĩ Thâm! Cái tên sao quen thế?
Thoáng cái hai người đã đứng trước mặt bà. Chăm chú quan sát người đàn ông trẻ, bà Phương Mai rất hài lòng, quả nhiên một người đàn ông điển trai khí chất sung mãn.Mặc Sênh giới thiệu hai người với nhau:
– Mẹ em. Anh ấy là Hà Dĩ Thâm con đã nói với mẹ
Ánh mắt nghi hoặc của bà Phương Mai dừng trên người chàng rể lần đầu gặp mặt, cảm giác bất yên mỗi lúc càng hiện hữu, bà cố mỉm cười:
– Thì ra anh là Hà Dĩ Thâm, Tiểu Sênh nhà tôi coi như cũng có mắt.
– Mẹ – Mặc Sênh lúng túng.
Hai người đều im lặng, Mặc Sênh cũng không nói. Những điều chị muốn hỏi mẹ lại không thể. Sau mấy câu thăm hỏi, hai người dường như không biết nói gì nữa.
– Dĩ Thâm, anh có mang theo danh thiếp không? – Mặc Sênh hỏi
Dĩ Thâm gật đầu:
– Có, trên xe, để anh đi lấy.
Mặc Sênh ghi vội số điện thoại di động của mình lên danh thiếp của Dĩ Thâm, đưa cho mẹ:
– Mẹ liên lạc với con theo số máy này. Có việc gì mẹ cứ gọi cho con.
Bà Phương Mai nhận tấm thiếp nhìn lướt:
– Nếu các con vội đi, mẹ không giữ nữa.
Mặc Sênh do dự một lát, nói:
– Chúng con đi đây.
Vội vã từ biệt mẹ lên xe, Mặc Sênh cảm thấy dễ chịu hơn nhiều:
– Được như vậy là tốt lắm rồi.
Hai mẹ con xa cách nhau bảy, tám năm trời, còn nhiều điều chưa nói hết với nhau. Lần đầu diễn ra một cách khách khí như vậy, trái lại khiến Mặc Sênh cảm thấy nhẹ nhõm.
Dĩ Thâm không chú ý câu nói của Mặc Sênh. Ánh mắt dò xét của người đàn bà hướng vào anh khiến anh bỗng thấy cảnh giác: “Có lẽ bà ấy nhớ ra điều gì”.
Thấy Dĩ Thâm mãi không nổ máy, không biết anh đang nghĩ gì, lát sau không kìm được, Mặc Sênh kéo tay áo anh:
– Tài xế Dĩ Thâm, đã trở về mặt đất chưa?
Ánh mắt trong veo của Mặc Sênh nhìn anh tinh nghịch. Bóng ma của quá khứ vừa thoáng hiện bỗng tiêu tan. Ngước nhìn Mặc Sênh, Dĩ Thâm bật cười, thầm hỏi tại sao gần đây càng ngày càng cảm thấy một con người, một cá tính từng khiến anh đau đầu, bỗng quay trở lại? Lẽ nào giang sơn dễ cải, bản tính nan di?
Sự thật chứng minh câu nói của cổ nhân rất có lý và dự cảm của Dĩ Thâm cũng rất chính xác. Một Mặc Sênh hai mươi sáu tuổi đương nhiên từng trải hơn một Mặc Sênh mười chín tuổi, nhưng có vài cố tật mà Dĩ Thâm đã quen thuộc vẫn không hề thay đổi theo thời gian hay tuổi tác, ví dụ khi tranh luận với anh không được thì quay ra giận dỗi, ví dụ món ăn nào không thích thì gắp cho anh, ví dụ…
Không sao, Hà luật sư âm thầm thừa nhận, tuy nhiên anh cảm thấy mình đang hưởng thụ. Vả lại, nuôi dưỡng trở lại những tật đó của cô ấy đâu có dễ?
***
Lễ cưới đã định vào nửa tháng sau đó. Dĩ Thâm dự định sau lễ cưới họ sẽ dành ít thời gian nghỉ ngơi, cho nên thời gian này anh cố gắng hoàn tất công việc. Việc nào làm được thì cố làm cho xong, không kịp làm thì giao cho người khác, chương trình “Pháp luật và cuộc sống” đành từ chối không thể tiếp tục, còn công việc chuẩn bị cho lễ cưới, lên danh sách khách mời, lựa chọn khách sạn… Mọi việc đều do một mình Dĩ Thâm lo liệu. So với anh, Mặc Sênh quá ung dung nhàn hạ, thực ra việc đó có thể giao cho công ty dịch vụ hôn lễ lo liệu nhưng Dĩ Thâm thích đích thân chuẩn bị.
Đương nhiên Mặc Sênh cũng có chuyện đau đầu, chị không tìm được phù dâu.
Dĩ Văn không được, vừa qua Tết họ vội vàng đăng ký kết hôn.
Tiểu Hồng càng không được. Khi được báo về lễ cưới của Mặc Sênh, Tiểu Hồng giận dỗi trách chị đã đánh lừa cô ta, vì chuyện đó Mặc Sênh đã phải chiêu đãi cô ta mấy bữa để xoa dịu. Khi Mặc Sênh muốn Tiểu Hồng làm phù dâu cho mình, cô ta dãy nảy:
– Không được, nếu làm phù dâu nữa em mãi ế ẩm mất.
Chưa tìm được phù dâu, Mặc Sênh rất lo lắng.
Còn Tiêu Tiêu, sau khi được Dĩ Thâm cho biết tin về lễ cưới, Tiêu Tiêu lập tức gọi điện cho Mặc Sênh, bảo hai người có kết quả tốt đẹp như vậy là do công của cô ta, nhất định phải trả công cho bà mối.
Tóm lại Tiêu Tiêu cũng không muốn làm phù dâu.
Cuối cùng đã tìm được phù dâu, hoàn toàn bất ngờ.
Tối hôm đó, Dĩ Thâm nằm trên giường nghiên cứu tài liệu, anh đã ra lệnh cho Mặc Sênh không được quấy rầy anh.
Mặc Sênh nằm trên giường viết thiệp mời, chỉ cần viết ngay ngắn rõ ràng là được. Nhưng “chữ này là chữ gì?”, Dĩ Thâm viết láu quá.
Mặc Sênh ngẫm nghĩ hồi lâu…
Không thể đoán ra!
Cắn bút, “có nên hỏi Dĩ Thâm không?”. Ngẩng đầu lên thấy anh đang chăm chú đọc…
“Hình như anh bảo không được quấy rầy anh…”
“Thôi không cần hỏi, tạm thời để cái tên này lại!”
Đương nhiên, Mặc Sênh không phải là người luôn vâng lời. Học đại học, mỗi khi bị quấy rầy, Dĩ Thâm thường nghiêm mặt, thậm chí quát chị rất dữ. Mỗi lần bị mắng tuy có giận và cũng thấy tủi thân nhưng Mặc Sênh cảm thấy bình thường, sau đó chị lại chủ động làm lành. Nhưng bây giờ lại là chuyện khác.
Hôn nhân không phải chuyện đùa, chị không muốn làm anh phật ý cho nên tối kỵ làm trái lời anh. Nói thật, Mặc Sênh hơi sợ anh.
Nghĩ lại chuyện cũ, Mặc Sênh xấu hổ đỏ mặt, một Dĩ Thâm như bây giờ, trước đây chị không sao tưởng tượng ra
Nhưng chán quá… chép mãi chép mãi… Không chịu nổi, chị vớ lấy tờ giấy, viết mấy chữ:
“Dĩ Thâm, tại anh làm em bất hòa với đồng nghiệp”
Viết xong chìa cho Dĩ Thâm, như vậy không thể coi là quấy rầy anh.
Dĩ Thâm đang đọc tài liệu, cau mày liếc nhìn mấy chữ Mặc Sênh vừa chìa ra, cảm thấy tình hình nghiêm trọng liền viết hai chữ bên dưới:
“Thế nào?”
“Đào Nghị Thanh, anh biết rồi mà, bây giờ cô ấy biết anh và em trước đây quen nhau, cô ấy bực lắm, cho rằng em cố tình giấu cô ấy, nhưng tình hình của anh và em lúc đó, em có thể nói được gì?”
Dĩ Thâm dụi mắt, viết tiếp:
“ Nghiêm trọng lắm phải không?”
“Rất nghiêm trọng! Em và Nghị Thanh đã nói chuyện với nhau, em đã giải thích cho cô ấy hiểu, còn mời cô ấy làm phù dâu, cô ấy cũng đã đồng ý, nhưng Nghị Thanh bảo cô ấy sẽ không có quà mừng đâu” (tiếp đó vẽ một khuôn mặt đang khóc, rất buồn cười)
Quả nhiên rất nghiêm trọng!
Dĩ Thâm vứt mảnh giấy vào thùng rác, kéo chị vào lòng:
– Anh thấy em quá vô duyên!
Chị vùi vào ngực anh, bị anh tóm chặt eo, chị cười khanh khách, hai tay chống vào ngực anh muốn nhổm dậy. Mùi nước hoa sau khi tắm vấn vít quanh mặt anh, trong phút chốc đầu Dĩ Thâm như ngấm hơi men.
Đây là điều anh đã từng khao khát. Từ giờ trở đi bất luận thế nào anh cũng không buông!
***
Trước lễ cưới mấy hôm, văn phòng Luật sư Viêm Hướng Hà có một vị khách không mời mà đến.
Hôm đó Dĩ Thâm từ viện kiểm sát trở về, Mỹ Đình thấy anh nói ngay:
– Luật sư Hà, có một bà chờ anh đã lâu.
Nhìn theo tay chỉ của Mỹ Đình, Dĩ Thâm nhận ra một người quen quen. Vị khách thấy anh vội đứng lên chào một cách lịch sự. Đó chính là Bà Phương Mai, mẹ Mặc Sênh.
– Mời dùng trà – Mỹ Đình để hai tách trà lên bàn rồi lui ra.
– Cảm ơn – Bà Phương Mai lặng lẽ đưa tách trà lên miệng. Vốn là phu nhân thị trưởng, rõ ràng bà rất quen nghi lễ xã giao.
Mỹ Đình nhẹ nhàng khép cửa, phòng làm việc chìm trong yên lặng.
Bà Phương Mai ngắm nhìn người đàn ông trẻ ngồi sau bàn làm việc, lên tiếng trước:
– Lần trước vội quá, có lẽ anh đã nhớ ra tôi là ai?
– Tất nhiên – Dĩ Thâm nói với giọng thản nhiên – Triệu phu nhân!
Cách xưng hô lạnh nhạt càng khiến bà thêm hoài nghi, bà tỏ ra ôn tồn nói:
– Anh cũng không nên quá khách sáo, anh và Tiểu Sênh đã cưới nhau, anh cũng nên gọi tôi là nhạc mẫu mới phải.
Dĩ Thâm cười nhạt, không nói.
Bà Phương Mai mỉm cười:
– Nếu anh không quen có thể gọi tôi là bà Phương Mai.
– Bà Mai – Dĩ Thâm nhắc theo – Tôi rất tò mò. Bà đến đây có việc gì?
Bà Mai lại nhấp ngụm trà, thái độ có vẻ tự nhiên hơn:
– Lần trước chỉ trao đổi vài câu ngắn ngủi, Tiểu Sênh lại một mực ca ngợi anh, tôi hôm nay đến đây chẳng qua xem thưc hư thế nào. Hà luật sư không nên quá đề phòng.
– Nếu Mặc Sênh biết bà quan tâm đến cô ấy như vậy, chắc cô ấy sẽ cảm động lắm.Bà nhìn khuôn mặt lạnh lùng của chàng trai, cười thân mật:
– Có phải anh cảm thấy tủi thay cho Mặc Sênh?
Thái độ Dĩ Thâm vẫn lạnh lùng:
– Mặc Sênh xưa nay chưa bao giờ cảm thấy tủi thân, tại sao tôi phải làm việc đó thay cô ấy?
– Quả có thế! – Bà nhướng mày vẻ khinh thị, đoạn thở dài nói – Tiểu Sênh từ nhỏ đến giờ tôi chưa làm tròn trách nhiệm của một người mẹ đối với nó. Phần vì bận công tác, phần vì quan hệ giữa tôi và cha nó không được tốt nên không mấy quan tâm đến nó. May nó không phải đứa trẻ quá mẫn cảm, nó vẫn lớn lên khỏe mạnh.
Trước lời lẽ khẩn thiết của bà ta, Dĩ Thâm vẫn không động lòng:
– Nếu bà Mai muốn thể hiện tình mẫu tử, việc gì phải vòng vo như vậy? Bà nên nói trực tiếp với Mặc Sênh thì hơn.
Bà ta chăm chú quan sát Dĩ Thâm:
– Hình như anh có vẻ ác cảm với tôi?
– Có lẽ bà nhầm – Dĩ Thâm đáp gọn
Im lặng…
Bà Phương Mai lại nhấc tách trà lên, nhưng lại im lặng, một lúc nói tiếp:
– Tôi không biết song thân của Hà luật sư làm nghề gì, nếu có thời gian hai gia đình nên gặp nhau một lần.
– Có lẽ không thể, cha mẹ tôi đã mất từ lâu – Dĩ Thâm vẫn giọng thản nhiên.
– Quả đáng tiếc. Tôi thành thực xin lỗi – Giọng bà ta bắt đầu thiếu tự nhiên, nhưng không có vẻ ngạc nhiên, giống như bà ta đã sớm biết chuyện. Bà ta thở dài hỏi – Ông bà mất vì bệnh ư?
Dĩ Thâm tái mặt.
Thực ra mục đích chuyến đi của bà ta, Dĩ Thâm rất hiểu. Bà ấy có lẽ đã biết mình là ai, nhưng không biết anh có biết chuyện cũ hay không, cho nên mới lặn lội đến đây hỏi vòng vo thăm dò. Dĩ Thâm đương nhiên có thể giả bộ không biết, nhưng bây giờ anh thấy chán ghét kiểu thăm dò vòng vo đó.
– Bà Mai – Dĩ Thâm nói dằn từng tiếng – Vì sao phải vòng vo như vậy? Tại sao không hỏi thẳng tôi có biết đến cái chết của cha tôi là có liên can đến ngài thị trưởng Triệu Thanh Nguyên?.
Dĩ Thâm vừa dứt lời, cái mặt nạ từ bi ôn tồn của bà ta lập tức rơi xuống. Bà hấp tấp dứng dậy, mặt biến sắc:
– Nếu anh đã biết, tại sao còn cưới Tiểu Sênh, có phải để báo thù chúng tôi không? – Nhìn chằm chằm vào mặt anh, bà dằn giọng – Tôi không tin anh!
Mắt Dĩ Thâm lóe lên:
– Bà tin hay không chẳng liên quan gì đến tôi.
Bà ta sững người, đoạn dịu giọng hỏi:
– Tiểu Sênh có biết chuyện này không?
– Cô ấy không thích hợp để biết chuyện này, cũng vĩnh viễn không cần biết.
Từ lâu anh đã quyết dịnh cho dù không ở bên nhau, anh cũng không bao giờ cho Mặc Sênh biết chuyện. Chuyện này mình anh chịu đựng là đủ.
– Thực ra chuyện năm xưa chỉ là không may, không ai ngờ kết cục như vậy. – Bà Mai nói, có vẻ thực sự cảm thấy hối tiếc.
Năm xưa cái chết bất đắc kỳ tử của ông Hà khiến bà có ấn tượng sâu sắc về gia đình họ. Mười mấy năm sau, khi Mặc Sênh nhắc đến Hà Dĩ Thâm, bà cảm thấy quen quen. Khi nhìn thấy anh, bà càng hoài nghi, bà không yên tâm quyết định đi tìm hiểu. Quả nhiên ra anh chính là đứa con trai mười tuổi của nhà họ Hà năm xưa. Nhưng bà không biết đứa trẻ mười tuổi đó có biết chuyện về cái chết của cha nó hay không, cho nên mới có chuyến đi này.
Câu nói của bà Mai khiến Dĩ Thâm không muốn tranh luận nữa. Anh đứng dậy mở cửa sổ, không khí lạnh từ bên ngoài tràn vào, từ cửa sổ tầng mười nhìn ra một khoảng không bao la khoáng đạt hiện ra trước mắt Dĩ Thâm, làm vơi đi tâm trạng nặng nề do câu chuyện bà Mai gợi lại. Khi cha chết, Dĩ Thâm mới hơn mười tuổi, còn nhỏ tuy thông minh nhưng anh sao có thể hiểu được những ngoắt ngoéo phức tạp của cuộc đời.
Chỉ nhớ một hôm đi về học về thấy cha buổi sáng còn khỏe mạnh đã nằm trong bệnh viện, người đầy máu, đã tắt thở. Sau đó mẹ anh vốn khỏe mạnh cũng lâm bệnh, anh bỗng chốc trở thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. May người hàng xóm, đồng thời là bạn của cha anh nhận nuôi anh. Câu chuyện bi thảm sau này lớn lên anh mới biết. Khoảng những năm 80, cha Dĩ Thâm vay tiền ngân hàng đầu tư bất động sản, nhưng khi công trình xây dựng mới được một nửa thì ngân hàng thay đổi chính sách cho vay, vì vậy ông phải trả nợ trước thời hạn. Ông Triệu Thanh Nguyên chính là giám đốc ngân hàng thành phố Y hồi đó, giám đốc ngân hàng địa phương có quyền quyết định có thu hồi vốn cho vay hay không. Cha Dĩ Thâm sau nhiều lần tác động, cuối cùng đã khiến ông Triệu Thanh Nguyên đồng ý gian hạn cho thời gian trả nợ. Tuy nhiên ông Triệu Thanh Nguyên chỉ hứa suông mà không có hành động cụ thể, vậy là công sức, tiền bạc của cha Dĩ Thâm coi như đổ xuống sông xuống biển. Ông vẫn phải trả nợ theo chính sách mới, công trình xây dựng của ông đành bỏ dở, chủ xây dựng và bên vật liệu đòi nợ ráo riết, trong khi chạy trốn con nợ, ông bị ngã từ trên tầng đang xây dở và chết tại chỗ. Trong khi đó, ông Triệu Thanh Nguyên vẫn ung dung thăng tiến, lên tới chức thị trưởng. Mặc dù không trực tiếp gây ra cái chết của cha Dĩ Thâm, nhưng rõ ràng ông là nguyên nhân của bi kịch này. Cô Hà mỗi khi nhìn thấy ông ta phát biểu trên truyền hình, đều chỉ tay vào tivi nói với Dĩ Thâm:
– Dĩ Thâm, chờ xem, con người này nhất định sẽ bị quả báo.
Dĩ Thâm không thể nào quên được tâm trạng của anh khi được biết Triệu Mặc Sênh là con gái của Triệu Thanh Nguyên. Sự căm hận, sự phẫn nộ, đau đớn, nực cười lẫn lộn dày vò khiến anh không thể kiềm chế, nên đã trút tất cả lên đầu Mặc Sênh. Có lẽ trong đó còn có cả chút căm ghét chính bản thân, bởi vì ngay cả lúc đó anh cũng không có ý định chia tay Mặc Sênh.Những lời anh nói ra khi đó chính anh cũng cảm thấy đau lòng, huống hồ Mặc Sênh? Thực tế, anh đã hối hận ngay sau đó.
Dĩ Thâm cau mày, chăm chú nhìn vào chậu hoa móng rồng màu đỏ ở ban công nhà bên cạnh. “Đúng vậy, chuyện cũ không nên khơi lại”, lúc đó anh còn trẻ, suy nghĩ không khỏi ấu trĩ, mới hơn hai mươi tuổi đầu anh không biết kiềm chế tình cảm của mình, bây giờ càng không nên đi vào vết xe cũ.
Thấy chủ nhân có ý đuổi khách, bà Phương Mai chợt nhận ra việc bà đến đây là hoàn toàn sai lầm. Nếu anh ta không có ý định báo thù, sự xuất hiện của bà chẳng phải nhắc anh ta nhớ đến chuyện cũ hay sao? Nếu anh ta có ý định báo thù, sự có mặt của bà liệu có ngăn cản được anh ta?
Nhưng dù sao bà vẫn không muốn chuyến đi vô ích. Bà trở lại vẻ ôn tồn như lúc mới đến:
– Tôi mong anh hứa với tôi một điều, mặc dù tôi không thân thiết với Tiểu Sênh, nhưng vẫn là mẹ nó.
Mãi không có câu trả lời…
Bà đến đây trong tư thế đầy kiêu hãnh, vậy mà vì Tiểu Sênh bà đã hạ mình. Bà đứng lên nói:
– Tôi đi đây.
Ra đến cửa, khi bà vừa cầm nắm đấm định mở, con người trẻ tuổi kia lại lên tiếng:
– Họ cho tôi mười năm, tôi cần Mặc Sênh cả đời! – Giọng nói chất chứa sự mệt mỏi, không quay đầu lại, anh tiếp – Tôi đầu hàng hiện thực.
Bà Phương Mai lúc đầu rất đỗi ngạc nhiên, chợt hiểu đó chính là lời hứa bà mong muốn ở anh ta. Bà quay đầu lại, cả người chàng trai bị bao phủ bởi nắng chiều hắt qua cửa sổ rộng, khuôn mặt nhìn nghiêng của anh giống như tạc đá. Bà chưa kịp nói gì thì người đó đã tiếp:
– Mặc Sênh hay suy nghĩ, chuyện này nhất định không nên cho cô ấy biết.
Văn phòng trở lại yên tĩnh, nhưng Dĩ Thâm không thể nào tiếp tục làm việc. Nhìn đồng hồ cũng sắp hết giờ làm việc, anh thu xếp tài liệu để mai làm tiếp.
Điện thoại di động trong túi đổ chuông, đó là tín hiệu tin nhắn. Chắc chắn là Mặc Sênh!
Mở máy, đúng là cô ấy: “Dĩ Thâm, hôm nay em lĩnh tiền thưởng, em mời anh đi ăn cơm, em sẽ đến chỗ anh ngay”.
Dĩ Thâm mỉm cười, trong đầu hiện ra cái vẻ đắc thắng của Mặc Sênh. Đang chuẩn bị trả lời thì điện thoại bàn réo vang. Nghe xong điện thoại lại có tin nhắn: “Sao không nhắn lại cho em? Anh không thể không mở máy. Điện thoại đáng thương, Dĩ Thâm đã vứt mày ở xó xỉnh nào rồi?”Đúng là không có chút nhẫn nại nào cả! Dĩ Thâm bất giác lắc đầu, anh chỉ trả lời điện thoại khoảng một phút.
Anh nhanh chóng hồi âm: “Không cần lên, ở bên dưới chờ anh”.
Dĩ Thâm đứng bên cửa sổ, chờ Mặc Sênh xuất hiện. Hình như Dĩ Thâm cũng tự hỏi, vì sao anh có thể chờ lâu như vậy?
Thực ra chờ đợi và thời gian chẳng có gì liên quan đến nhau, đó là một thói quen, nó tự nảy sinh, còn anh không thể cưỡng lại.
Mặc Sênh đeo máy ảnh lủng lẳng trước ngực đã xuất hiện trong tầm mắt Dĩ Thâm. Chị đứng dưới bóng cây bên kia đường, cúi đầu bấm phím di động.
Lát sau, mẩu tin nhắn xuất hiện trong điện thoại của anh: “Dĩ Thâm em đến rồi, anh mau xuống đi, vẫn quy định cũ, em đếm đến một nghìn…”.
hết chương 12
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!