Bí Mật Một Gia Tài - Chương 13
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
134


Bí Mật Một Gia Tài


Chương 13


Ra khỏi nghĩa trang, Fêlixitê không muốn về ngôi nhà phố chợ. Annet và Rôda đợi cô ở ngoài vườn, buổi chiều bà Hêluy cũng sẽ ra vườn để dùng bữa dưới bóng rặng râm bụt… Người đàn bà to lớn hình như đã lấy lại được bình tĩnh, nhưng thật kỳ lạ, bà hay đi hơn trước. Có thể nói rằng bà cảm thấy cần phải giải trí khi chờ con trai về, cũng có lẽ để cho khuây nỗi phiền muộn bằng những câu chuyện phiếm.

Bà có vẻ như muốn ngơ đi việc gặp Fêlixitê trên tầng thượng. Rõ ràng bà không nghĩ cô có quan hệ với bà cô già. Bà đơn giản cho rằng Fêlixitê chen vào đấy chỉ do tò mò, trong trường hợp khác bà sẽ không bao giờ bỏ qua không trừng phạt. Nhưng, chiều theo các sự kiện tối hôm ấy, có lẽ bà muốn quên nhanh những gì đã xảy ra.

Fêlixitê đi vội vàng, quanh thành phố nhỏ bé và dừng lại ở cửa vườn. Cô nghỉ lấy hơi rồi quả quyết nắm vào then cửa và mở ra. Đấy là khu vườn thuộc nhà Frăngcơ.

Cô gái lúc này chỉ còn cách duy nhất là tự quyết định cho mình. Dù tâm hồn cô đau đớn, do buồn nội tâm vẫn không làm ảnh hưởng đến nghị lực của tính cách đã được tôi luyện trong sự vật lộn. Đầu óc cô minh mẫn lạ lùng, sau sự rủi ro cực độ ấy, cô vẫn nhanh chóng nhìn thẳng vào điều không né tránh được; Không bao giờ sương mù của tình cảm hoặc phấn khích làm ảnh hưởng được sự tiến triển hợp luận lý trong ý nghĩ của cô.

Một bà rất lịch sự đội mũ mềm trắng đã tiếp xúc với Fêlixitê mấy hôm trước đang ngồi vẽ dưới một giàn cây rợp bóng mát. Bà nhận ra người đang bước vào và ra hiệu cho cô đã lại gần.

– A, cô láng giềng nhỏ tuổi của tôi, cô muốn một lời khuyên tốt phải không? – bà hỏi giọng thân mật và bảo cô ngồi xuống bên. Fêlixitê nói với bà rằng cô bắt buộc phải rời nhà Hêluy trong ba tuần lễ nữa và cần tìm việc làm.

– Hãy nói cho tôi biết đại khái cháu biết làm gì, – bà nói và đôi mắt thông minh nhìn vào mặt cô, đôi mắt rất giống mắt con trai bà. Cô gái đỏ mặt… Cô phải nói đến những kiến thức giấy giếm kỹ và phô bày ra một cách trắng trợn, như người đi buôn phô bày hàng hoá của mình. Thật nặng nề nhưng phải làm thế.

– Cháu nghĩ mình có thể dạy tiếng Pháp, tiếng Đức, địa lý, lịch sử một cách nghiêm chỉnh.

– Cô ngập ngừng trả lời, – cháu cũng được rèn luyện về môn vẽ; Cháu được giáo dục về âm nhạc không toàn diện nhưng cháu hiểu biết những gì cần thiết để dạy tốt những bài hát cổ điển, – bà mở to mắt vì ngạc nhiên – sau nữa cháu nấu bếp, giặt là và nói cho cùng thì quét dọn cũng được.

– Cháu không muốn ở lại đây, trong thành phố X tốt lành của chúng tôi phải không… – bà vội hỏi.

– Đúng thế. Cháu không muốn ở lại quá lâu, nhưng tại đây cháu có những ngôi mộ thân thiết, cháu chưa muốn xa rời quá sớm…

– Này cháu, tôi muốn nói với cháu điều này. Cô tuỳ nữ của chị tôi ở Đrexđơ đi lấy chồng; trong sáu tháng nữa chỗ ấy không có ai, tôi sẽ gửi gắm cháu vào đấy, và cho đến lúc ấy, cháu sẽ ở lại đây với tôi. Như thế được không, cháu?

Fêlixitê ngạc nhiên và biết ơn, hôn tay bà. Nhưng sau cô đứng lên ngay và qua cái nhìn cảm động cô nhìn bà, bà biết có còn một ước nguyện cần nói ra lời, bà đã không lầm.

– Cháu còn có điều băn khoăn, phải thế không? Nếu chúng ta muốn cùng sống với nhau một thời gian, trước hết cần phải thành thật với nhau. Vậy cháu nói đi! – Bà sốt sắng nói.

– Cháu muốn xin bà quyết định một hình thức rõ ràng cho vị trí của cháu trong nhà bà, dù nó thấp kém và trong thời gian ngắn, – Fêlixitê trả lời ngay và tự tin.

– À, tôi hiểu rồi! Cháu đã chán ngấy không muốn ăn thứ bánh kiếm được quá cực nhọc. Cứ cho là thế nhé, và dù như vậy họ vẫn nói rằng đó là thứ bánh cho không vì lòng từ thiện.

Fêlixitê ra hiệu là đúng.

– Vậy thì ở nhà tôi cháu sẽ không ở tình trạng nặng nề như thế, cô bé kiêu hãnh thân mến ạ. Tôi nhận cháu làm tùy nữ của tôi. Dĩ nhiên là cháu sẽ không phải giặt giũ dọn dẹp hoặc là quần ào, có lẽ đôi khi cháu cần để mắt đến bếp núc, vì bà già Đôra và tôi, cả hai chúng tôi bắt đầu cảm thấy mình già yếu rồi; Cháu có đồng ý thế không?

– Ôi, cháu đồng ý và vui thích biết chừng nào! – Lần đầu tiên từ khi bà cô Coocđula mất đi, nét mặt ưu tư của cô gái sáng lên với một nụ cười thoáng qua.

Một tia mặt trời mỏng manh luồn qua rặng bạch anh vừa tắt đột ngột. Trời sắp tối, Fêlixitê nhớ rằng cô phải về vị trí của mình trước khi bà Hêluy ra vườn. Cô xin phép ra về. Bà Frăngcơ nồng nhiệt siết tay cô và giây lát sau cô đã ở bên vườn bên kia với Annet trên tay. Vêrônic đến ngay, bác xách một giỏ bát đĩa nặng và có vẻ rất nóng nực.

– Họ về đã một giờ đồng hồ rồi! – Bác vừa nói vừa thở hổn hển và rõ ràng là đang tức giận khi đặt giỏ nặng trĩu xuống, – Thật thế, chưa bao giờ trong nhà ta lại lộn xộn như thế!… Bà chủ bảo là mọi người sẽ ăn ở nhà; Tôi chuẩn bị theo mục đích ấy, rồi họ lại đột ngột đổi ý kiến, giáo sư muốn ăn ở vườn, và hãy chịu khó gói ghém cả cửa hàng lại mà mang ra đây. – Nói đến đây, bác chạy ra luống đất bên vườn cắt vài cây xà lách.

– Ở đấy đang ầm ĩ lên, ầm ĩ kinh khủng! – Bác khẽ nói trong lúc Fêlixitê ngồi cạnh bác trong bếp nhặt rau xà lách. Bà chủ hầu như chưa hỏi gì, cậu ấy đã nói đến chuyện chúc thư… Này, Carôlin, bác chưa bao giờ thấy bà chủ nổi hung lên như hôm nay! Cậu chủ nói những cái gì tức cười lắm. Cậu ấy lo lắng đến bà ấy, cậu không thể hiểu được vì sao bà cô lại nhét tiền vào túi những người đã khinh bà… rằng về phần mình, cậu ấy không bao giờ nghĩ đến việc hưởng gia tài kia… rồi chẳng chuyển tiếp gì cả, khi bà chủ vừa kịp nghỉ lấy hơi, cậu ấy hỏi thăm mọi người ở nhà có khoẻ không. Cậu có vẻ kỳ lắm, và bà nghị tội nghiệp kia mặt cứ như bị gà mổ mất bánh ấy!

Như thường lệ, Fêlixitê không một tiếng trả lời câu chuyện tọc mạch của bác bếp già lắm điều. Một lúc sau cô ra ngồi dưới gốc cây hồ đào với một thứ đồ đan trong tay khi Annet chơi cạnh cô trên bãi cỏ.

Cô giật mình. Bà Hêluy vịn tay con trai, bà nghị theo sau, bước vào vườn. Tại sao cô lại hốt hoảng như thế? Có gì phải sợ những người này? Bà Hêluy không bận tâm đến cô. Còn anh ta đã từ bỏ không cải hoá theo quan điểm của anh, con gái người làm ảo thuật, đối vợi họ, cô đã và vẫn là một đứa con gái hạ đẳng.

Vêrônic nói anh ta có vẻ rất kỳ lạ và Fêlixitê phải xác nhận rằng có sự thay đổi đáng kinh ngạc trong dáng dấp anh ta. Ý nghĩ “vội vàng” không hài hoà với các cử chỉ trễ nải và thái độ đặc biệt thản nhiên của Giôhanex trong sinh hoạt thường ngày, vậy mà trong lúc này cô gái không thể nào gọi tên cử chỉ của anh theo cách khác… Anh cố rảo bước một cách nóng nảy rõ rệt. Bước chân nặng nề và đều đặn của bà Hêluy làm anh không đi nhanh được. Anh ngẩng cao đầu và đôi mắt tìm tòi sục sạo khắp vườn, chắc là muốn tìm con bé.

Rôda chạy qua khoảng vườn tròn để tìm Annét, và Fêlixitê dõi theo hai người đến tận rặng thủy tùng đầu tiên để xem hai mẹ con gặp lại nhau như thế nào. Bà nghị ôm lấy con bé và vỗ vào má nó trong khi mắng Rôda thậm tệ vì đã mang chìa khoá phòng bà đi, bắt buộc bà phải diễu khắp thành phố trong cái áo khủng khiếp này. Thực thế, bộ áo đi đường mỏng mảnh màu xanh thanh nhã đã ố nhạt mấy chỗ và nhẽo ra rủ xuống người.

– A! Cuộc đi chơi này, từ đầu đến cuối, cháu phải ghi vào danh mục các chuyến đi rủi ro không chịu được của cháu, – người thiếu phụ cau có nói và ghim lại một chỗ áo bị móc rách. – Tại sao cháu lại không ở nhà, bác nhỉ, ở trong căn phòng êm ả của bác! Hàng nghìn cái khó chịu, cháu phải nói với bác như thế. Chúng cháu đi đến đâu, mưa giông đuổi theo đến đó và bên cạnh đấy là tính xấu không tưởng được của ông anh gấu biển của cháu nữa.

Fêlixitê không nghe rõ tiếng đáp của giáo sư. Cô quay lại gốc hồ đào tiếp tục công việc của mình, với hy vọng không ai quan tâm đến mình. Mọi sự đã diễn biến không tốt ở phía kia. Mặt bà Hêluy còn đỏ lên vì bị khích động mạnh, và tính nết khó chịu của con trai bà nảy sinh trong chuyến đi chơi vẫn chưa khá lên chút nào do cuộc tiếp đón lúc về.

Người ngồi khâu đơn độc dưới gốc hồ đào không bị quấy rối trong một lúc. Nhưng không thể kéo dài được. Nhìn qua khe hở của hàng thuỷ tùng cô thấy giáo sư đang đến gần. Anh lững thững đi, tay chắp sau lưng, qua khu vườn tròn. Tuy nhiên, nét mặt anh chứng tỏ mối băn khoăn, căng thẳng tinh thần, trái ngược với bộ mặt trễ nải, và đôi mắt lo lắng của anh sục tìm trên các lối đi giữa các rặng thuỷ tùng.

Fêlixitê quan sát anh không động đậy, cô đã vô thức để tay lên chỗ trái tim đang xúc động, cô cảm thấy bối rối một cách mơ hồ, cô sợ cái lúc anh nhìn vào cô… Anh tiến bước chậm chạp hơn trên lối đi hẹp trải cát vòng quanh bãi cỏ lớn. Đầu anh để trần. Có phải vì cái vẻ khác thường kỳ lạ, hay sắc diện trên mặt anh kém tươi mà cô gái cảm thấy anh đã đổi khác!

Anh dừng lại trước cô. Thái độ anh để lộ tất cả nghị lực của người đàn ông có ý chí mạnh mẽ. Anh giơ hai tay cho Fêlixitê:

– Chào cô, – anh nói.

Tiếng đơn giản ấy được thốt ra bằng giọng run run. Nếu xưa kia anh có giọng nói này, anh đã biện minh được cho mình trước đứa bé gái chín tuổi đòi hỏi lòng thương yêu và tình đồng cảm với tất cả sức mạnh của một trái tim nồng nhiệt với tâm hồn u ám của cô gái, vì anh mà bị ngược đãi từ lâu. Cô không hiểu được lời chào xúc động phản ánh rõ ràng niềm vui được gặp lại. Tuy vậy cô cũng đưa tay ra; Cô, tầng lớp hạ đẳng, lại muốn đưa tay vào một mối nguy hiểm cùng cực, thế mà do một sức mạnh nào xui khiến, cô đã nhẹ nhàng đặt bàn tay mình vào tay anh. Đây là một điều phi thường và anh hiểu rõ như thế. Cho nên anh giữ không để lộ ra dù chỉ bằng một cử chỉ, nỗi ngạc nhiên thích thú của mình… Anh kiềm chế mình, và với sức tự chủ mạnh mà người thầy thuốc có được, anh chuyển sang vấn đề khác.

– Annet có quấy rầy cô không? – anh hỏi giọng thân mật.

– Trái lại. Con bé trìu mến làm tôi cảm động, tôi thật sự hài lòng trông nom nó.

– Nhưng cô xanh hơn trước, nét buồn bên môi cô hằn rõ hơn bao giờ hết… Cô vừa nói sự trìu mến của một đứa bé làm cô cảm động… những người khác, cả họ nữa, cũng có thể có sự trìu mến. Tôi có thể chứng tỏ điều ấy ngay lập tức. Chắc cô không một lần nghĩ đến những người đã trốn khỏi thành phố X… nhỏ bé để tôi luyện tâm hồn và ý chí trong không khí bổ ích của các khu rừng?

– Tôi không có thì giờ, cũng không có những mối liên hệ mong muốn – cô đỏ mặt trả lời, vẻ phiền muộn.

– Đấy là điều tôi đã thấy trước. Còn tôi, tôi thiện ý hơn, tôi nghĩ đến cô. Cô sẽ biết là ở chỗ nào và vào lúc nào… tôi cũng thấy một cây sồi xanh đơn độc đứng trên mỏm núi đá… có thể nói là cây sồi ấy đã bị xúc phạm và tổn thương trong rừng thông dưới chân nó, nó lánh xa, lên tầng cao tách biệt ấy. Nó đứng đấy, vững vàng và trầm mặc, trí tưởng tượng của tôi cho nó mượn một bộ mặt người với vẻ kiêu hãnh và khinh khi rất quen thuộc. Một trận mưa giông ập tới, mưa quất vào cành lá sồi, gió lay quật không thương xót, nhưng sau mỗi lần rung chuyển cây sồi lại vươn lên và càng vững vàng hơn trước.

Fêlixitê nửa như kinh hoàng, nửa như thách đố, ngước mắt lên nhìn anh… anh trở về thay đổi lạ lùng! Người đàn ông có cặp mắt lạnh giá, màu xám như thép, người xưa kia theo chủ nghĩa khắc khổ và thần bí, người bảo thủ chai đá, ở người ấy luật lệ và quy tắc chắc phải bóp chết đến tia sáng bé nhỏ cuối cùng của tự do trong thơ ca, người mô phạm rởm mà tiếng hát cũng làm cho khó chịu, chính người ấy đang kể cho cô nghe, nói với cô bằng một giọng trầm phục vụ rất kết quả cho một ngành khoa học nghiêm túc, một câu chuyện tự bịa đặt ra, ý nghĩa câu chuyện ấy cô không thể nào nhầm được.

– Và cô nghĩ thử xem, – anh nói tiếp, – tôi cứ đứng ở trong thung lũng phía dưới, các bạn tôi coi anh giáo sư như người kém thực tiễn, vì anh ta để cho mưa ướt sũng người trong khi có thể tuỳ ý tìm chỗ trú. Họ không biết cái anh bác sĩ khô khan và tầm thường kia bỗng nhiên bị một hình ảnh giữ lại mà các trận mưa rào giá lạnh cũng như giông bão công kích cũng không thể làm tan được… Anh ta trông thấy một người gan dạ lao ra khỏi rừng, trèo lên núi đá, vòng tay ôm lấy cây sồi, anh ta nghe rõ tiếng người kia nói: “em là của tôi!…” Sau đó sẽ như thế nào nhỉ?

– Tôi biết, – cô gái thốt lên bằng giọng ác cảm sâu sắc, – cây sồi đơn độc trung thành với chính mình và sử dụng vũ khí của mình.

– Cũng vẫn như thế sau khi nó hiểu rằng anh ta sẽ dành cho nó một chỗ vững vàng và chắc chắn trong trái tim? Khi nó thừa nhận rằng trong trái tim ấy nó có thể nghỉ ngơi một cách tin tưởng sau những cơn giông tố đã chịu đựng, rằng anh ta sẽ âu yếm chăm sóc nó như chăm sóc con ngươi của mắt mình, trong suốt cuộc đời anh ta?

Người kể chuyện rõ ràng đang bị thu hút một cách say mê bởi số phận của hai sự kiện xuất hiện kia, vì anh nói với đôi môi run run, và trong giọng anh lại trỗi dậy những âm thanh đã làm cho trái tim Fêlixitê xốn xang lúc ở đầu giường người ốm. Nhưng lúc này chúng không có tác dụng.

– Cây sồi đơn độc có khá đủ kinh nghiệm để biết rằng anh ta kể chuyện cổ tích cho nó nghe, – cô trả lời bằng một giọng tàn nhẫn. – Chính ông nói rằng nó đã thách thức sự công kích của giông tố, đúng thế, nó đã tự tôi luyện, và không cần sự nương tựa nào khác.

Cô thấy mặt anh xanh đi, giây lát sau trở nên xám xịt. Anh có vẻ muốn ngoảnh mặt rồi đi chỗ khác, khi tiếng chân đi đến. Anh đứng lại bên cạnh Fêlixitê và bình thản đợi mẹ ló ra giữa hai rặng thủy tùng, tay vịn vào bà nghị.

– Giôhanex, – bà quở, – ra con ở đây à! Con ngăn cản Carôlin làm việc và bắt chúng ta đợi con bên bàn ăn! Con tưởng mẹ thích món trứng tráng biến thành da hay sao?

Bà nghị buông tay bà Hêluy ra và đi vào bãi cỏ. Bà không còn nét mặt xinh đẹp mọi khi; các búp tóc vàng hoe rủ lộn xộn và tuột xuống má, trong cặp mắt chim cu của bà ấp ủ một ánh sáng của điềm xấu.

– Ta chưa cảm ơn cô được, Carôlin, là đã trông nom Annet trong khi ta đi vắng, – bà ta nói và giọng cố làm ra ôn hoà.

Nhưng tiếng nói ngọt ngào ấy chua dần, vang lên hơn lúc thường rồi biến thành sắc bén.

– Bởi vì cô tránh ra tận đây như một ẩn sĩ, làm thế nào mà tìm được cô? Cô có thường chơi cái trò người ẩn dật lý thú này không?… Trong trường hợp này ta thật dễ hiểu khi gặp lại Annet, thấy nó bị bỏ lơi tới mức ấy! Ta đã sửa cho Rôda một trận rồi; không ai để ý đến đầu tóc nó, da nó cháy nắng đến nỗi người ta tưởng nó là trẻ con ở Cafrơ và ta sợ rằng nó không được cho ăn đầy đủ.

– Cô còn lời trách móc nào nữa để nói với người đã trông nom con cho cô không. Nghĩ đi!

– Giáo sư nhận xét bằng một giọng châm biếm cay độc. – Có lẽ cô ta cũng là nguyên nhân làm cho con cô bị bệnh tràng nhạc; có thể cũng cô ấy đã đưa nhiều đợt mưa giông đến rừng Tuyringơ làm cho cô mất vui, biết thế nào được?…

Anh dừng lời, quay đi và phác một cử chỉ khinh miệt.

– Phải rồi, anh đừng nói nữa thì tốt hơn, Giôhanex – Goá phụ trẻ đáp lại và cố chống chọi với một cơn khóc nức nở. Em nghĩ rằng anh không biết anh đã nói gì với em… – Ta không muốn làm cô giận đâu, Carôlin ạ, – bà nói tiếp và quay lại phía cô gái – và để cô thấy rằng ta không hề giận cô, ta sẽ yêu cầu cô lại trông Annet cho ta chiều hôm nay nữa, ta cảm thấy người khó chịu, chuyến đi chơi này làm ta mệt mỏi rã rời.

– Sẽ không như thế! – Giáo sư gay gắt nói. – Thời kỳ tận tâm không giới hạn đã qua rồi. Ađen, cô rất hiểu cách khái thác sức lực của người khác; kể từ bây giờ cô sẽ tự trông nom, che chở lấy con cô.

– Được… tôi cũng không đòi hỏi gì hơn! – Bà Hêluy kêu lên ở phía ngoài bãi cỏ. – Nếu thế, con kia sẽ phải phạt cỏ suốt chiều hôm nay; công bình mà nói, tôi không thể đòi hỏi Hăngri hay Vêrônic làm việc này vì họ già yếu rồi.

Một ánh đỏ sẫm thoáng qua như màu lửa trên mặt giáo sư. Đọc được nét mặt của anh không dễ dàng, nhưng lúc này nét mặt ấy lộ rõ, không chối cãi được, vẻ hổ thẹn và bối rối. Có lẽ chưa bao giờ anh thấy xuất hiện điều đáng phẫn nộ như thế trong tình trạng chính anh đã đẩy cô gái tư chất phong phú thế này vào đấy.

Fêlixitê rời ngay chỗ ngồi dưới gốc hồ đào. Cô biết mấy lời ấy là mệnh lệnh đối với cô, mệnh lệnh phải tuân theo vô điều kiện, nếu cô không muốn phải nghe những lời nhận xét độc ác ào ào tuôn ra. Nhưng giáo sư đã chặn cô lại.

– Tôi cho rằng tôi phải có ý kiến ở chỗ này, nhân danh người bảo trợ, – anh nhận xét bằng một giọng bề ngoài nghe rất bình thản, – và, với tư cách ấy, tôi không muốn cô làm loại việc này.

– A! Hay anh ngẫu nhiên muốn đặt nó vào trong tủ kính? – Bà Hêluy hỏi và đặt cái bàn chân to bè của bà xuống bãi cỏ rồi bước đến dáng dấp nhanh hơn hẳn mọi khi. – Nó được nuôi dạy đúng như quy tắc của anh, rất đúng như thế!… Tôi có cần đưa cho anh xem những bức thư trong ấy anh nhắc lại chán chê rằng nó sẽ phải là người hầu, rằng kiềm chế nó thế nào cũng không quá nghiêm khắc không?

– Con không hề có ý muốn chối một tí gì trong những điều con chủ tâm yêu cầu mẹ – giáo sư trả lời giọng nặng nề nhưng vững vàng – con cũng không tiếc vì đã hành động xuất phát từ niềm tin sâu sắc, thành thật mong muốn là dùng các phương sách duy nhất ích lợi và hợp lý, nhưng con cũng sẽ không phạm các lỗi như nhu nhược bám mãi vào điều sai lầm đã nhận thức ra, chỉ vì sợ mình khinh suất, cho nên bây giờ con tuyên bố con nghĩ khác rồi, và do đó con sẽ hành động theo cách khác.

Nghe những lời ấy, bà nghị cúi đầu. Bà hái một bông hoa ba cánh hình lưỡi liềm còn bỏ sót và bứt ra từng mảnh. Còn bà Hêluy bật ra một tiếng cười giễu cợt.

– Đừng có lố lăng, Giôhanex! – Bà châm biếm. – Ở tuổi anh, không ai thay đổi cách nhìn nữa, ai cũng giữ vững những nguyên tắc đầu tiên nếu họ không muốn làm hỏng đời mình… Hơn nữa, anh không hành động đơn độc trong việc này, tôi đã cộng tác trong ấy, và cả cuộc đời tôi đã chứng tỏ rằng ơn Chúa, tôi luôn hành động đúng… Tôi sẽ rất buồn nếu đến bây giờ mà sự nhu nhược trong tính cách của họ Hêluy còn lộ ra ở anh… trong trường hợp ấy, tôi khẳng định với anh rằng chúng ta sẽ xa nhau… Chừng nào đứa con gái này còn ở trong nhà tôi, nó vẫn là đầy tớ của tôi và cấm không được lười biếng một phút nào, đây là lời nói cuối cùng của tôi!… Sau đó nó rơi vào chỗ ti tiện hay đóng vai bà lớn và ngồi khoanh tay, đối với tôi cũng thế thôi!

– Nó sẽ không bao giờ đi đến chỗ ấy đâu, thưa bà Hêluy! – Fêlixitê nói và thoáng mỉm cười nhìn hai bàn tay đen xạm và đầy chai vì lao động. – Xin bà chỉ cho tôi những chỗ tôi phải bắt đầu làm?

Giáo sư đang thản nhiên nghe lời khiển trách nặng nề của bà mẹ, anh quay ngay lại phía Fêlixitê và nhìn cô một cách bực tức.

– Một lần nữa tôi cấm cô làm việc ấy! – Anh ra lệnh, lông mày cau lại, giọng khẩn thiết. – Nếu sự phản đối của người bảo trợ không lay chuyển được tính phản kháng bất trị của cô, tôi nhân danh thầy thuốc kêu gọi lý trí của cô… Trong khi trông nom Annet cô đã phải làm việc quá sức, nét mặt cô chứng tỏ điều đó. Cô muốn rời khỏi nhà mẹ tôi trong một ngày gần đây, nhiệm vụ của chúng tôi bắt buộc phải để cô mạnh khoẻ bước vào nghề nghiệp mới.

– Đấy là lý do chấp nhận được, – bà Hêluy chêm vào. Có lẽ cho đến lúc ấy tai bà đợi mãi không được nghe một lời chê trách của con trai nên mấy tiếng “tính phản kháng bất trị” vang lên như một nhạc điệu. – Tôi bằng lòng cho nó về nhà hôm nay dù tôi không hiểu nổi làm thế nào mà việc chăm sóc kia lại làm nó kiệt sức được. Nó đang độ tuổi trẻ lại ăn uống có chất bổ… Anh chỉ cần nhìn thấy mấy đứa con gái ở địa vị nó mà xem, Giôhanex, chúng phải làm việc vất vả ngày đêm mà vẫn cứ hồng hào!

Bà vịn vào cánh tay bà nghị rồi đi qua bãi cỏ, tưởng con trai bà sẽ đi theo; bà nghị cố ý không ngoảnh lại phía anh, rõ ràng vì giận dỗi. Lúc đầu đúng là anh định đi theo họ, nhưng sau mấy bước, anh quay lại, và trong khi bóng chiếc áo xanh nhàu nát kia đi khuất sau rặng thuỷ tùng, anh chậm rãi quay lại chỗ cây hồ đào. Anh đứng lặng lẽ giây lát bên cạnh Fêlixitê đang buộc dải chiếc mũ rơm dưới cằm… Bỗng anh cúi xuống nhìn vào mắt cô gái dưới chiếc vành mũ rộng che khuất trán. Mắt anh vẫn còn đầy cay đắng lúc ấy tan đi ngay.

– Cô không cảm thấy là hôm nay cô đã làm tôi rất đau khổ ư? – anh vừa hỏi vừa lắc đầu và tiếng anh nói ngọt ngào như nói với một đứa bé.

Cô lặng im.

– Fêlixitê, tôi không thể nghĩ được rằng cô sẽ thuộc loại phụ nữ coi lời năn nỉ xin lỗi từ miệng người đàn ông thốt ra là điều vui sướng mong muốn. – Anh nói giọng rất nghiêm nghị nhưng không phải không đượm màu cay đắng.

Cô giật mình. Khuôn mặt trắng trẻo thật thanh khiết đỏ lên đến tận chân tóc.

– Câu hỏi như thế đối với tôi có một cái gì nặng nề cho người bị xúc phạm, – cô trả lời sau một lúc im lặng, dịu dàng hơn lúc cô thường nói với anh, – nhưng bằng bất cứ giá nào tôi cũng không muốn nghe lời xin lỗi của những người mà một thứ phẩm giá thuộc đẳng cấp đặc biệt đã rơi vào họ trong xã hội… Các con phải xin lỗi cha mẹ, tôi không thể hiểu được sự ngược lại. Tuy vậy…

Cô im lặng nhưng mặt cô lại hơi đỏ lên.

– Tuy vậy, cô cũng muốn thấy người đàn ông khúm núm trước mặt cô, phải không Fêlixitê? – anh vội vàng khẽ nói nốt câu nói ngắt quãng anh rung lên niềm vui – nhưng cách nhìn độ lượng ấy cũng gây ra hậu quả, – anh nói tiếp sau khi lặng im một lúc. – Còn bây giờ thì cô hãy độ lượng cho một lần, và bình tĩnh nữa, hãy tự hỏi mình xem có phải phụ nữ có nhiệm vụ giơ bàn tay cứu giúp cho người đàn ông sẵn lòng sửa chữa lỗi lầm không… Tôi sẽ kiên trì chờ đợi… Có thể một ngày nào đó cây sồi tức giận trên núi đá sẽ không dùng vũ khí của nó nữa.

Anh bỏ đi.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN