Bí Mật Một Gia Tài
Chương 17
Cô gái chỉ đi qua vài phố và bước qua hai ngưỡng cửa, thế mà nội tâm và ngoại cảnh đã thay đổi biết bao!… Những khối đá móng của ngôi nhà cổ xưa đài các đã cách xa, cùng với chúng là sự nặng nề của cách đối đãi tàn tệ… Nhìn chỗ nào cô cũng chỉ thấy ánh sáng và mặt trời. Cô không phải va chạm những nét mặt cuồng tín tối tăm, giống như những con chim đêm hung ác lượn trên nóc nhà Hêluy và tìm cách quắp lấy mọi linh hồn thiếu thận trọng đến gần nó… Triết lý tự do và lành mạnh, tính vô cùng ưa thích vẻ đẹp và cảnh lộng lẫy của thiên nhiên trên trái đất, sinh hoạt gia đình thân thiết và thanh tịnh, đó là cái nổi bật trong gia đình Frăngcơ. Fêlixitê ở đúng môi trường của mình. Cảm xúc dịu dàng và buồn buồn cùng đến với cô khi cô được nghe gọi bằng mọi thứ tên âu yếm mà bà cô Coocđula đã rộng rãi tặng cô, cô trở thành con cưng trong gia đình Frăngcơ.
Đấy là vẻ bên ngoài của hoàn cảnh thay đổi diễn ra với cô; trước sự thay đổi trong nội tâm, cô cảm thấy hoang mang nhè nhẹ… Tối hôm ấy, sau khi giáo sư bảo cô đi, cô đã không ngần ngại để lại mấy thứ đồ cũ trong phòng phía trước, cô đã đặt bàn tay bé nhỏ của cô trong tay anh rồi đi theo không cần hỏi đi đâu… Và nếu anh có dẫn cô đi xa hơn dãy phố tối tăm, cô cũng sẽ đi vòng quanh thế giới không một lời phản đối hay nghi ngại. Con người lạ lùng này, tuy nhiên lại đòi hỏi một cơ sở vững chắc cho mọi hành động và cử chỉ. Những cam kết âu yếm về tình yêu, những lời cầu khẩn lo âu, đau khổ của anh như cấu xé tâm can cô, nhưng cũng không làm cô nao núng để đi đến quyết định thay đổi điều đã tâm nhiêm, cần phải bộc lộ được một điều gì rất khác mới chinh phục được cô bé này, và anh đã làm được điều ấy mà không biết, thật thế. Khi từ chối không trả lại cuốn sách, anh đã nói với cô: “Anh không thể làm cách nào khác được, dù có được phần thưởng là đảm bảo em sẽ là của anh ngay lập tức, anh cũng phải từ chối”. Mặc dầu tình trạng của cô đầy đau buồn, cô vẫn tỏ ra hớn hở vui sướng. Sức mạnh của sự cương quyết này, cô vẫn tỏ ra hớn hở vui sướng. Sức mạnh của sự cương quyết này, nghị lực làm cho anh khẳng định như thế, đã tạo ra giải pháp duy nhất cho vấn đề; và lòng tin đã đến, không có lòng tin ấy cô không thể hình dung nổi cuộc sống chung với anh có thể trở thành hiện thực.
Ngày nào giáo sư cũng đến nhà Frăngcơ. Anh rất nghiêm trang và ít nói. Nhiều mối lo âu nặng nề dồn đến với anh. Thời gian ở nhà mình anh không thể chịu được. Có lẽ tình trạng liên tục quá kích động rốt cuộc đã làm rung chuyển hệ thần kinh sắt thép của bà Hêluy, bà lăn ra ốm, nằm liệt giường. Bà từ chối không gặp con trai. Bác sĩ Buêơm phải đến chăm sóc bà, nhưng hoàn cảnh bắt buộc giáo sư ở lại X…
Cũng lúc này, anh nói cho luật sư Frăngcơ, với tư cách là người trợ quản những người thừa kế họ Xecbông biết điều bí mật của gia đình, và tỏ ý cương quyết sửa lại việc làm xấu. Mọi ý bắt bẻ về mặt luật pháp bạn anh nêu ra cố làm cho anh ít nhất cũng hạn chế bớt việc sửa sai ấy, anh đều bác bỏ bằng câu hỏi dứt khoát rằng anh có coi đây là tiền kiếm được một cách lương thiện không, và chính luật sư cũng không trả lời được một cách quả quyết. Hơn nữa, luật sư cũng tin như bà Hêluy, dù quan điểm khác, rằng đây là vấn đề tranh cãi viển vông, vì gia đình Xecbông chắc không ai còn sống. Nhưng theo ý anh, không nên né tránh việc kích động đến người họ hàng chính giáo bên sông Ranh, đến ngài Pôn Hêluy rất kính mến, và người tiên phong quả cảm của Chúa bị thôi thúc phải trả lại sáu mươi nghìn mác đã lấy cắp. Nhà sùng đạo trả lời không cảm động, vẫn dịu dàng như mọi lúc, rằng đúng ông ta có nhận được một món nợ cũ của gia đình, vì cha của ông ta đã bị ngành trưởng họ Hêluy làm tổn thiệt. Món tiền ấy từ đâu mà ra, ông ta không quan tâm và bây giờ cũng không gợi cho ông ta một chút áy náy nào, vì đấy không phải là việc của ông ta. Số tiền kia đã vào tay người tốt; ông ta không coi mình là chủ, nhưng như người quản lý tài sản của mình, và dùng để phục vụ “Chúa”. Vì lý do ấy ông ta sẽ kiên quyết bảo vệ quyền sở hữu món tiền đó và vững vàng chờ vụ kiện.
Đanien, cậu sinh viên, cũng có câu trả lời tương tự. Cậu ta cũng chẳng cần biết đến tội lỗi mà người đàn ông đã mốc meo từ lâu dưới đất đã phạm vì bao nhiêu năm trôi qua rồi, cậu ta cho rằng không hề bị bắt buộc chuộc lại tội lỗi của người khác và không chấp nhận bớt mọt xu ở phần thừa kế của cậu ta: Cậu ta cũng rất yên tâm đợi vụ kiện đến, và rất sung sướng trông chờ lúc những người thừa kế giả định kia trả tiền phí tổn lúc ông anh của cậu, một người gàn dở, sẽ hy sinh thêm vào đấy sự quý trọng của ông ấy đang được hưởng.
Vừa ném xuống bàn những biểu lộ về tính lương thiện của nhà Hêluy, giáo sư vừa mỉm cười chua cay: “Vậy thì mình chỉ còn cách hy sinh tất cả những gì mình có do thừa kế và do tiết kiệm, nếu không muốn đồng loã với việc xấu!”.
Thời gian nghỉ hè dần dần chấm dứt trong tình trạng ấy. Bà Hêluy không liệt giường nữa nhưng bà đã tuyên bố rõ ràng bà chỉ gặp lại con trước khi anh ra đi với điều kiện duy nhất là không còn bàn cãi gì về cái “việc lố lăng” nhà Xecbông nữa và anh phải từ chối việc cưới Fêlixitê; những yêu sách này đủ cho hai mẹ con xa nhau mãi mãi.
Fêlixitê ở trong một trạng thái tinh thần khó tả. Trong suốt thời gian ở nhà Frăngcơ, các buổi chiều cô ngồi bên cửa sổ, vào giờ nhất định, trống ngực đập thình thình và kín đáo nhìn ra phố. Rồi anh từ góc phố hiện ra, mạnh mẽ, rắn rỏi, thái độ bình thản. Mỗi lần như thế cô gái đều phải cố gắng phi thường để khỏi đứng dậy ra đón anh tận ngoài phố… Anh tiến dần lại, không nhìn phải, nhìn trái, không chào người đi qua, mắt anh không rời khuôn cửa sổ phía sau có cô gái như đang cúi xuống đồ khâu đan cho đến lúc họ có thể ngước lên bốn mắt gặp nhau. A, cuộc sống chứa đựng quá nhiều hạnh phúc mà trái tim trẻ trung kia chưa bao giờ biết dù trong giấc mơ. Giáo sư không hề đả động đến tình yêu của anh: Fêlixitê có thể tưởng rằng các sự kiện vừa xảy ra đã đẩy lùi tình cảm ấy vào vị trí thứ yếu trong anh, nếu không có đôi mắt của anh. Và đôi mắt màu thép ấy luôn bám theo cô, khi cô đi qua phòng hoặc làm một việc gì trong nhà, đôi mắt ấy sáng lên khi cô bước vào, khi cô ngẩng đầu lên, lúc đang làm việc, hoặc quay mặt về phía anh. Cô biết cô vẫn là “Fê của anh, người ở nhà luôn đợi anh và nghĩ đến anh”, và cô đã đón anh theo đúng ý nghĩ ấy mỗi chiều anh đến thăm. Cô gái xưa kia sắt đá là thế, với đôi mắt căm ghét, thái độ lạnh lùng, xa xôi là thế, không ngờ lúc này lại có cái duyên dáng tuyệt diệu ấy; tính nết khó khăn, nghiệt ngã do trải qua những thử thách tàn nhẫn đã biến mất trong sự dịu dàng khiêm tốn và ngọt ngào của người phụ nữ.
Ngày mai sẽ là ngày cô đợi anh sau cửa sổ này mà không thấy. Vào giờ mong đợi mỗi buổi chiều, anh đã đi xa, rất xa cô, biết bao khuôn mặt lạ sẽ chen vào giữa anh và cô. Fê của anh, một năm trời dài đằng đẵng sẽ qua mà cô không đươc gặp anh. Thời gian sắp tới sẽ ra sao?… Fêlixitê nhìn thấy một không gian bao la, trống rỗng và hoang vắng, trong nơi ấy cô không tìm được lối đi, vì cô đã mất địa bàn của mình.
Hôm trước ngày giáo sư ra đi, lúc gia đình Frăngcơ và Fêlixitê ăn bữa trưa, người hầu gái vào đưa một tấm thiếp cho luật sư. Mặt anh bỗng đỏ lên vì ngạc nhiên, anh ném tấm thiếp xuống bàn rồi đi ra. Trên tờ bìa trắng ghi rõ: Lut Đờ Xecbông, nghiệp chủ ở Kien. Có tiếng đàn ông bên ngoài, trong phòng phía trước, nói tiếng Đức thật lịch sự, giọng ung dung của một quý tộc lớn, rồi hai người lên phòng giấy của luật sư.
Trong lúc ông bà Frăngcơ mải nói chuyện sôi nổi về sự xuất hiện của người thừa kế đã bị xếp chỗ gọi là vương quốc hoang đường, Fêlixitê ngồi im lặng tâm trạng vô cùng rối bời… Đứa con tội nghiệp của người diễn trò không có ai là người nhà, phải sống đơn độc giữa những người lạ, bỗng thấy cùng ở dưới một mái nhà với một người không quen biết nhưng mang cùng một dòng máu với mình… Đấy là ông ngoại hay anh em của mẹ? Giọng nói bình thản và trịnh trọng ở ngoài kia với âm sắc làm cô rùng mình, trước kia có nguyền rủa người con gái bướng bỉnh của họ Xecbông không?
Người mới đến mang đúng họ của người ông đã di cư. Cái tên có âm vang gần như từ thời tiền hồng thuỷ phơi bày một cách phô trương trên tờ thiếp nhỏ. Người ta thích rút từ đổ nát và cát bụi của các thế kỷ đã qua những cái tên chiến trận cổ lỗ, những tên ấy dù muốn hay không, làm nảy sinh vài hiệp sĩ khoác lác và làm nổi bật dòng máu quý tộc, dù họ tạo ra một nét kỳ lạ cho dòng dõi tầm thường hiện tại mặc lễ phục đen… Ngành họ Xecbông này rõ ràng gán cho ông cha họ một tầm quan trọng đặc biệt; có thể thấy trước một cách chắc chắn rằng con gái người diễn trò mà nhận họ hàng với ông quý tộc kia sẽ không thể không hề gì. Nghĩ đến khả năng bị cự tuyệt làm cho Fêlixitê nổi nóng lên: Cô cắn chặt môi như để ghìm lại những lời nói khinh suất có thể thốt ra trong lúc quá kích động. Ngược lại cô không khỏi cảm thấy rằng muốn gặp người đàn ông kia và cô cũng sắp có dịp ấy.
Ngay sau khi người lạ mặt đến, luật sư cho người đi mời giáo sư. Ba ngời bàn luận kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ. Trong khoảng thời gian căng thẳng cùng cực ấy, Fêlixitê thường ngay thấy tiếng giáo sư đi qua đi lại, bước chân bình tĩnh và chậm rãi. Cô hình dung thấy con người của khoa học đang lặng lẽ đưa bàn tay dài và đẹp lên vuốt râu trong khi hiến dâng cho người quý tộc kia tiền bạc và của cải của mình để xoá sạch vết nhơ trên danh dự của họ tên anh.
Một lúc sau, luật sư Frăngcơ cho người xuống xin mẹ chuẩn bị cà phê; sau khi giải quyết xong công việc, anh sẽ xuống phòng khách cùng với mọi người. Fêlixitê làm các thứ cần thiết, trong khi cô đi lấy chén cà phê ở dưới bếp, cô nghe tiếng họ xuống cầu thang. Cô cảm thấy lòng can đảm yếu dần khi trông thấy người lạ đi qua tiền sảnh đang nói chuyện sôi nổi với giáo sư. Đây là một người đàn ông quá cao, ngực lép, cách ăn mặc và cử chỉ lộ ra là người lịch thiệp hoàn hảo, nhưng cũng là người hách dịch, người có ý thức về địa vị đặc quyền của mình… Dù sao thì người lạ kia cũng không phải bậc ông cha của Fêlixitê. Cái đầu nhỏ có những dường nét tao nhã với bộ tóc đen cắt ngắn làm cho anh ta quá trẻ so với vị trí kia. Lúc này đôi môi mỏng ấy có thể tạo ra một nụ cười lịch thiệp, nhưng bộ mặt đẹp rất rõ nét với nước da hơi vàng rõ ràng quen tỏ vẻ nghiêm khắc, áp chế hơn là lòng tốt và tính nhân hậu.
Fêlixitê đưa bàn tay run rẩy lên vuốt tóc rồi bước vào phòng khách sau khi chị bếp đã bưng cà phê lên. Mọi người ngồi bên khuôn cửa sổ lớn, quay lưng lại người vừa bước ào. Cô rót cà phê và chén không một tiếng dộng và đưa khách lạ cùng lời chào mời. Nghe giọng nói, người kia quay phắt lại nhưng loạng choạng lùi lại ngay như bị một cái đánh mạnh vào mặt, trong khi mắt ông ta kinh ngạc ngơ ngác nhìn người mới vào.
– Mêta! – Ông ta thốt lên.
– Mêta Đờ Xecbông là mẹ tôi, – cô nói bằng giọng trầm và êm ái của mình, bề ngoài cô có vẻ đìem tĩnh nhưng cô đặt khay cà phê xuống bàn, vì các chén dang va vào nhau một cách đáng ngại.
– Mẹ ư?… Tôi không hề biết bà ta để lại một người con. – Ông Đờ Xecbông nói và cố chế ngự nỗi xúc động của mình.
Fêlixitê có một nụ cười cay đắng và khinh miệt, dù rất cương quyết nhưng cô đã yếu đuối để cho mình bị lôi cuốn đến nỗi nói rõ nguồn gốc của mình với người kia, ông ta kinh ngạc đến nỗi hốt hoảng nhưng cũng không bật ra được một lời thân yêu hay thương xót, đau đớn; cô cảm thấy ngay cô đã tự khơi ra nỗi nhục nhã cho mình; bây giờ cô phải chịu đựng và chấp nhận trước mặt những người bạn đang im lặng và kinh dị và chờ đợi cảnh lạ lùng này tiếp diễn.
Tuy nhiên, ông Đờ Xecbông hết bối rối, nhưng thay thế vào đó là vẻ lúng túng vô cùng. Ông ta đặt hai tay vào mắt rồi khẽ nói ngập ngừng:
– Phải rồi, đúng thế, đúng là thành phố X nhỏ này… thần Nêmêdix(1) đã đánh vào con người khốn khổ ấy, vị thần Nêmêdix kinh khủng nhưng đáng tiếc lại thật công bình.
Hình như với lời cảm thán ấy ông ta đã lấy lại được uy thế của mình. Ông ta đứng lên và nói một cách lưu loát đầy vẻ lịch thiệp của người quý tộc hoàn hảo:
– À, xin lỗi, tôi bị lôi cuốn trong mối xúc cảm nhất thời nên quên mất đang ngồi với các ngài!… Vậy ra cô là con gái nhà ảo thuật Ooclôpxki? – Ông ta nói tiếp với Fêlixitê, rõ ràng cố làm cho giọng nói có vẻ ân cần.
– Vâng, – cô trả lời vắn tắt và cũng đứng thẳng lên đối diện và ngang tầm với ông ta. Lúc này, vẻ giống như đúc của những người trong gia đình, giữa hai người, nổi bật lên rất rõ. Cái trội nhất trong các đường nét của vẻ đẹp quý tộc ấy là sự kiêu hãnh, dù nó được xây dựng trên cơ sở của những ý kiến bản chất khác nhau.
– Cha cô để cô ở thành phố này sau khi người vợ chết? Cô đã lớn lên ở đây ư? – Ông khách nói tiếp, rõ ràng rất sửng sốt vì thái độ đường hoàng của cô gái.
– Vâng.
– Người ấy không có bao nhiêu thời gian để chăm nom cô, như tôi nhớ lại thì ông ta đã chết tám chín năm trước đây ở Hămbua.
– Chỉ bây giờ tôi mới biết là ông không còn nữa, – Fêlixitê cảm động trả lời, trong khi khoé môi cô hơi co lại và giật lên, nước mắt nóng bỏng ứa ra. Dù bị xúc động do tin ấy, cô vẫn cảm thấy hài lòng một cách đau đớn: bà Hêluy đã chẳng nói rằng cha cô đi lang thang khắp nơi như người phóng đãng không cần biết người khác tốn kém thế nào để nuôi dạy con mình là gì.
– Chà, tôi rất tiếc phải báo cho cô cái tin không vui ấy! – Ông Đờ Xecbông nói và lắc lư cái đầu. – Mất ông ta, cô đã mất nốt người cha còn lại sau khi mẹ cô chết… Đã một thời gian tôi tìm hiểu về quá khứ của người này, ngay từ lúc thơ ấu ông ta đã chỉ có một mình trên trái đất, thật đáng tiếc, bây giờ cô không còn ai trong gia đình nữa.
– Ông Đờ Xecbông, có thể xin hỏi ông, mẹ cô gái này liên quan với gia đình ông như thế nào không? – Bà Frăngcơ tham gia câu chuyện, phản ứng trước thái độ người kia nhất thiết gạt bỏ Fêlixitê ra ngoài giới quý tộc của hắn.
Người qúy tộc ấy đỏ ửng mặt. Màu đỏ trên đôi gò má sạch sẽ có hàng nghìn vẻ hấp dẫn, nhưng nó làm ta ghê tởm khi ở trên mặt một người ngạo mạn đang chống chọi với mình xem có nên che giấu hay không một vấn đề nhục nhã cho họ.
– Người phục nữ ấy, xưa kia là chị tôi, – ông ta trả lời giọng trầm xuống như nhấn mạnh tiếng “xưa kia”, – tôi cố ý tránh không nhấn mạnh mối quan hệ này, – ông nói tiếp giọng vững lại sau một lúc lặng lẽ, – trong tình hình hiện nay tôi đành phải nói rõ những điều có thể làm cho tôi có vẻ tàn nhẫn… Cũng đành phải nói cho cô đây biết những gì về mẹ cô ấy, dù tránh cho cô ấy thì vẫn hơn… Bà Đờ Ooclôpxca, từ khi kết hôn với người Ba Lan, đã vĩnh viễn không còn là thành viên trong gia đình Đờ Xecbông. Gia phả của chúng tôi, theo quy định, không ghi tên ông ta sau tên người con gái của gia đình; lúc bà ấy ra khỏi cửa nhà chúng tôi lần cuối cùng, cha tôi đã tự tay xoá tên người con gái ấy; thật nghìn lần đau khổ cho ông khi đã buộc lòng ghi vào đấy dấu chữ thập, coi như đã chết… Từ đấy tên Mêta Đờ Xecbông không tồn tại với chúng tôi nữa; không một người bạn, không một người tôi tớ dám thốt ra cái tên ấy nữa; các con tôi không biết chúng có một người cô, người ấy bị truất quyền thừa kế, bị từ bỏ; với chúng tôi người ấy đã chết từ lâu trước sự kết thúc khủng khiếp kia.
Ông ta im lặng một lúc. Trong khi nhứng lời bộ lộ ấy diễn ra ghê gớm như vậy, bà Frăngcơ đã quàng tay qua cổ Fêlixitê kéo cô lại gần bà bằng cử chỉ thương yêu như của người mẹ… Và ở chỗ kia, giáo sư… anh không nói nhưng cặp mắt âu yếm không rời khuôn mặt xanh xao của cô gái một lần nữa lại buộc phải đau đớn cho người mẹ kính yêu… Một lúc im lặng nặng nề. Sự im lặng ấy tỏ rõ thái độ chê trách rõ ràng và nghiêm khắc người vừa nói, chính ông ta cũng không tránh khỏi cảm giác ấy; ngập ngừng, ông ta nói tiếp một cách mơ hồ:
– Xin hãy tin rằng đây là một nhiệm vụ nặng nề cho tôi khi phải miễn cưỡng làm phiền lòng các vị như thế, chính tôi cũng thấy mình không có vẻ gì là hào hiệp, nhưng lạy Chúa, tôi phải nói đến những sự việc kia như thế nào chứ?… Tôi cũng muốn giúp cô được điều gì… Cô ở trong ngôi nhà danh giá này với tư cách nào?
– Cô ấy là con gái nhỏ bé của chúng tôi, – bà Frăngcơ trả lời thay Fêlixitê và chăm chú nhìn cô.
– Cô đã rút được một số cực tốt cho cuộc đánh số rồi đấy! – Ông ta nói với cô gái và lễ độ cúi đầu trước bà Frăngcơ. – Thật rủi ro là tôi không đua tranh được với người che chở cao quý của cô; quyền là con gái trong gia đình của cô tôi không được phép chấp thuận vì cha mẹ tôi vẫn còn; với các cụ, việc cô mang họ Đ’Ooclôpxki cũng đã để các cụ dứt khoát không muốn nhìn mặt cô.
– Thế nào, ông bà cụ ruột thịt mà như thế à? – Bà Frăngcơ phẫn nộ kêu lên. – Họ có thể biết tin có một đứa cháu gái mà chết không nhìn thấy cháu hay sao? Ông không thể làm tôi tin như thế được.
– Thưa bà kính mến, – ông Đờ Xecbông đáp, mỉm cười lạnh lùng, – ý thức quý tộc sâu sắc, chủ định cao để duy trì danh dự gia đình không vết bợn là các đặc điểm của gia đình Xecbông, chính tôi cũng không tránh khỏi những đặc điểm ấy, tình yêu đối với chúng tôi thuộc hàng thứ yếu. Tôi rất hiểu cách nhìn của cha mẹ tôi và tôi cũng hành động đúng như các cụ nếu một đứa con gái nào của tôi có lúc nào đã sống buông thả.
– Những người đàn ông trong gia đình ông nghĩ thế nào về điểm ấy tùy họ, nhưng người bà, chỉ có bằng đá khi nghe nói đến cô bé này…
– Chính bà cụ lại ít tha thứ nhất, – ông ta ngắt lời bà Frăngcơ với thái độ cực kỳ tự tin. – Cây truyền hệ của mẹ tôi có nhiều thành viên thuộc các gia đình bá tước thời xưa và cụ chăm nom cho danh giá của gia đình ít phụ nữ bì kịp… Vả lại, thưa bà, bà hoàn toàn tự do, – ông ta nói không phải không thoáng vẻ chế giễu, – can thiệp vào việc này vì lợi ích của người che chở. Tôi xin đoán chắc với bà rằng tôi không phản đối mà còn hỗ trợ dự kiến của bà trong chừng mực có thể.
– Xin đừng nói một lời nào nữa! – Fêlixitê kêu lên trước khổ hình ấy và gỡ khỏi vòng tay bà Frăngcơ rồi nắm lấy tay bà. – Xin ông hãy tin rằng, – cô nói với ông Đờ Xecbông điềm tĩnh đến lạnh lùng, dù đôi môi run lên, – tôi không bao giờ nghĩ đến vịêc cầu xin quyền lợi của mẹ tôi khi xưa, mẹ tôi đã coi khinh, và xét đoán qua những điều ông vừa bày tỏ thì được những thứ ấy để làm gì… Tôi lớn lên trong niềm tin là chỉ có một mình trên đời này, và bây giờ tôi vẫn tự bảo mình rằng tôi không có ông bà.
– Những lời thật cay độc và chua chát! – Ông khách nói không phải không bối rối. – Nhưng, – ông hơi nhún vai nói tiếp, – trong hoàn cảnh như thế này tôi buộc phải để cô cứ hiểu sự việc theo cách ấy… Nhưng tôi muốn giúp cô trong phạm vi tôi có thể. Tôi không hề nghi ngờ rằng tôi có thể xin được cha mẹ tôi chấp thuận cấp cho cô một khoản niên kim xứng đáng và trọn đời.
– Xin cảm ơn! – Cô gay gắt thốt lên. – Tôi vừa nói rõ với ông rằng tôi không có ông bà; tại sao ông có thể cho rằng tôi sẽ nhận của bố thí của người lạ?
Ông khách lại đỏ mặt, nhưng lần này đấy là màu đỏ của hổ thẹn có lẽ hiện ra lần đầu tiên trên bộ mặt đài các kia. Ông ta lúng túng trông thấy và đi lấy mũ, không ai ngăn trở ông ta cả. Quay về phía luật sư, ông lại nói nhưng sơ qua về công việc bằng mấy lời gần như thì thầm; rồi như tuân theo một thôi thúc đột ngột nào đó, ông ta chìa tay cho Fêlixitê, nhưng cô cúi chào ông rất thấp và thong thả buông hai tay xuống bên cạnh… Đây là một bài học thật đau mà con gái người diễn trò giáng cho ông Đờ Xecbông kiêu ngạo! Ông ta bối rối lùi lại; mất hết điệu bộ cao ngạo khinh người của giới quý tộc trong giây lát, ông ta cúi chào mấy người kia rồi ra khỏi phòng khách, luật sư tiễn ông ta.
Khi cửa vừa đóng lại sau họ, Fêlixitê vùng đưa tay lên che mặt.
– Fê! – Giáo sư gọi và giơ hai tay. Cô nhìn và… chạy đến ẩn trong tay anh. Cô quàng tay ôm lấy cổ anh và áp mặt vào ngực anh… Con chim nhỏ chưa thuần thế là đã đầu hàng vĩnh viễn, nó sẽ không bao giờ vỗ cánh bay đi nữa; thật êm ái khi đựơc nghỉ ngơi an toàn trong hai cánh tay khoẻ mạnh, sau khi đã vùng vẫy gần chết trong một chuyến bay đơn độc qua bão táp.
Trông thấy thế, bà Frăngcơ ra hiệu cho ông chồng đang mỉm cười hoan hỷ và hai người lảng đi không một tiếng động.
– Giôhanex, em đồng ý! – Cô gái nói và ngước mắt lên, ở mi mắt còn long lanh đọng những giọt lệ đau buồn của tuổi trẻ.
– Đây rồi! – Anh thở dài và siết chặt thân hình mảnh khảnh của cô trong tay; những lời kia làm cho cô thành của anh. Tình yêu say đắm lấp lánh trong đôi mắt xám đang cúi nhìn bộ mặt hân hoan của cô gái! – Anh đợi từng giờ lời nói cứu rỗi này. Anh nói tiếp: – ơn chúa, lời nói ấy đã được thốt ra một cách tự nhiên! Nếu không anh cũng sẽ phải làm cho nó bật ra tối hôm nay và không chắc nó có vang lên bên tai anh êm ái như bây giờ không?… Fê ác nghiệt, có cần anh phải qua những thử thách gay go như thế trước khi em có thể quyết định làm anh sung sướng không?
– Không! – Cô phản đối và gỡ mình ra. – Không phải ý nghĩ toàn cảnh bên ngoài ông thay đổi đã thuyết phục em; chính lúc ông từ chối thẳng, không trả lại cuốn sách, lòng tin bỗng đến với em…
– Và mấy phút trước, khi bí mật bị lộ, – anh ngắt lời cô và lại ôm cô vào lòng, – anh đã nhận ra rằng dù cách nói bốp chát, tính hay phản kháng và thái độ kiêu căng ngạo mạn, trong thâm tâm em vẫn có tình yêu chân thật và say sưa của người phụ nữ. Em muốn từ chối hơn là để anh phải đau khổ vì một phát hiện đau đớn… Cả hai chúng ta đều đã qua các cuộc thử thách gian khổ và… đừng ảo tưởng về nhiệm vụ sắp thuộc về em! Anh đã bị mẹ từ bỏ, lòng tin vào nhân loại của anh đã bị lay chuyển mạnh, và cũng phải nói điều này, hiện tại anh gần như không có gì ngoài khoa học của anh!
– Ồ, em rất sung sướng được ở bên ông! – Cô ngắt lời và khẽ để tay lên môi anh. – Tất nhiên em không dám hi vọng có thể thay thế tất cả, nhưng điều gì mà một người vợ khiêm nhường có thể làm và suy nghĩ để làm êm dịu cuộc sống của người chồng cao thượng, điều đó chắc chắn em sẽ làm được!
– Khi nào thì cái miệng kiêu căng kia chịu gọi anh bằng anh? – Anh mỉm cười hỏi.
Khuôn mặt trắng nõn như hoa huệ của cô đỏ bừng lên.
– Giôhanex, đừng xa em lâu quá! – Cô thì thầm giọng năn nỉ.
– A, em tưởng anh ra đi không có em thật à? – Anh nói và cười thích thú – Nếu hoàn cảnh không thuận lợi được như lúc này, tối nay em mới biết là sáng mai, vào lúc tám giờ, em sẽ đi Bon với anh và bà Frăngcơ kính mến. Bà mẹ nhân hậu diễn kịch với em một chút thôi, cô bé ạ; Trên kia, trên căn phòng dành cho bạn bè để các hòm rương của em chuẩn bị từ hôm qua, và nhờ bà góp ý anh đã tự chọn chiếc mũ đi đường mà anh muốn nhìn thấy được đặt trên vầng trán ngạo mạn này… Em sẽ ở nhà bà Đuymông một tháng sau lễ đính hôn của chúng ta, rồi sau đấy… một người phụ nữ nhỏ nhắn sẽ dọn đến ở cạnh phòng làm việc của người giáo sư nghiêm khắc thường đem về nhà những nếp nhăn trên trán và mắt nhìn cau có.
Ông Đờ Xecbông đã chứng minh được nguồn gốc của mình, của người cha còn sống như hai người thừa kế duy nhất. Và họ được trao di sản của bà Coocđula. Ông ta tuyên bố quyền lợi của nhà Xecbông liên quan đến một trăm tám mươi nghìn mác bị lấy cắp, và hoàn toàn thoả mãn khi giáo sư lấy tiền riêng của mình bù vào số tiền chín mươi nghìn mác của bà cô để lại.
Còn bản thảo nhạc kịch nhỏ của Bach, bà Hêluy phải trả ba nghìn mác tiền mặt. Bà phải cắn răng mà chịu, vì mọi người đảm bảo với bà nếu xảy ra kiện tụng bà sẽ tốn kém nhiều hơn nữa.
– Tại sao mình lại phủ nhận điều này nhỉ, – luật sư đỏ mặt và vô cùng cảm động nói với bạn sáng hôm khởi hành, lúc giáo sư đã sẵn sàng để ra đi, đang đứng cạnh khung cửa sổ đợi hai người phụ nữ cùng đi với anh, – mình muốn ganh tị với Fêlixitê của cậu!… Mới thoạt nhìn mình đã nhận ra những giá trị hiếm có của cô ấy, và mình phải có thời gian để… quên. Nhưng điều an ủi mình là cô ấy đã làm cho cậu trở thành một người khác và đưa một môn đồ mới đến với những quyền lợi tinh thần của con người, với mục đích tốt lành không chối cãi được của nó. Quan niệm tự do và tất nhiên là lành mạnh của mình về các bất bình đẳng xã hội chỉ có thể được chứng minh bằng chứng cứ là sự việc – thứ lỗi cho mình nhé – người mang họ Hêluy kiêu ngạo đã phạm lỗi nặng với bà con của cô gái con người diễn trò bị khinh rẻ… Người nọ ngạo mạn miệt thị người kia, và xã hội mù quáng không ngờ rằng các thể chế mà nó rất tự hào đã mục ruỗng từ nền tảng, cần phải có luồng gió mát của tự do để quét những thứ ấy đi, các thể chế kia hỗ trợ cho tính xấc xược, nhẫn tâm và cùng với những tính này là hàng loạt tội lỗi xấu xa khác.
– Cậu nói đúng, mình thừa nhận không xúc động lời kết luận cay đắng ấy, – giáo sư trịnh trọng nói, – vì mình đã mắc một sai lầm lớn. Nhưng con đường mình đã phải qua đầy sỏi đá, vì thế cậu đừng ganh tị với mình cái phần thưởng mình đã gian khổ mới có được.
Giáo sư đã đưa người vợ trẻ của mình vào hội “chọn lựa” của các bà “vợ giáo sư”, và sắc đẹp lý tưởng ấy đã được đón tiếp một cách thân thiết và thán phục dù có những lời bóng gió độc ác của bà nghị. Viễn cảnh tươi đẹp anh hằng nghĩ đến đã được thực hiện: Fêlixitê đã xoá được những vết nhăn trên trán do lo âu trong nghề nghiệp bằng lời nói và cử chỉ dịu dàng của mình và buổi tối, trong không khí thân mật giữa bốn bức tường của anh, anh yêu cầu: “Fê, hát cho anh nghe một bài dân ca”, tức thì một giọng nữ cao huyền diệu ngân vang, giọng hát ấy đã xua đuổi anh ra khỏi nhà bà mẹ để vào khu rừng Tuyringơ, anh trốn đi vì giọng ấy thu hút anh đến với người con gái diệu kỳ của người diễn trò bằng một sự quyến rũ không cưỡng lại được.
Anh cho đưa đến Bon tất cả đồ đạc của gian nhà trên tầng thượng. Đàn dương cầm và các bức tượng bán thân với những bức rèm bằng dây trường xuân lúc này trang trí cho phòng khách của Fêlixitê. Trong ngăn bí mật của tủ kính, người đàn bà trẻ vẫn để đồ bạc quý của gia đình; còn cái hộp xám, giáo sư đã ném vào lửa ngay hôm nhà Xecbông lĩnh đủ số tiền đền bù. Cuốn sách nợ có thể làm được, và linh hồn bà Coocđula có thể tiếp tục bay cao hơn mà không phải băn khoăn gì nữa.
Hăngri sống ở Bon với đôi vợ chồng trẻ. Họ rất quý bác, và bác cảm thấy sung sướng vô kể. Nhưng mỗi khi bác gặp bà nghị ngoài phố – bây giờ mặc theo kiểu mới nhất, toàn nhung lụa và không chút băn khoăn – bà ta quay mặt đi như chưa bao giờ nhìn thấy bộ mặt lương thiện của bác, bác khoan khoái cười thầm: “Bông hoa nhỏ xin đừng quên tôi vậy là không có ích lợi gì, thưa bà nghị!”.
Và bà nghị cũng không thể trang điểm cho cánh tay trắng trẻo đẹp đẽ của bà bằng chiếc vòng được nữa; ông thân sinh của bà nghị đã “vì lương tâm ” mà trả lại cho những người thừa kế họ Xecbông với sự lưu ý là vòng ấy thuộc sở hữu của ông ta do “lầm lẫn và tình cờ”. Ông ta giữ quan hệ rất căng thẳng với con gái, vì con ông đã phạm phải một hành động “ngu dại không lường được” là xác nhận ông có tham gia vụ lấy cắp… Từ lâu rồi, bà nghị đã đánh mất vầng hào quang nhân đức và từ thiện, nhưng bà tiếp tục quan tâm một cách phô trương đến những dự án kính tín trong khi Annet héo hắt đi trong tay những người không thân thiết và đi dần đến chỗ chết… Còn ông thân sinh của bà, người họ hàng bên bờ sông Ranh ư?… Có lẽ sự trừng phạt từ trên trời sẽ không đến với hắn ở dưới này; với vẻ nhẫn nhục kính tín, hắn sẽ gọi là thử thách tất cả mọi sự có thể đến với hắn. Vì thế, ta cần tố cáo hắn trước sự trừng phạt của công chúng; trừng phạt thấm thía nhất với kẻ đạo đức giả là lột mặt nạ hắn trước mặt mọi người.
Bà Hêluy, sau này cũng như trước kia, vẫn ngồi bên cửa sổ. Tai ương rốt cuộc cũng bước qua ngưỡng cửa thiêng liêng của bà; bà mất cả hai đứa con: Giôhanex, bà đã từ bỏ, và một hôm bà nhận được tin Đanien đấu kiếm chết. Hắn để lại nhiều nợ nần và tiếng tăm rất xấu… Nét cứng đơ trên mặt bà nhão xuống và đầu bà trước kia dấu vết của kiêu căng và lòng vững tin là không sai lầm, hình như mệt mỏi gục xuống ngực… Giáo sư vừa báo tin anh đã có con trai. Thế là, trong giỏ đan trước đây chỉ có mấy cuộn len thô sợi to màu xanh và trắng bây giờ có một thứ đồ đan màu hồng dịu. Bà Hêluy đan một cách kín đáo. Vêrônic thề rằng đấy không phải là tất cho hội từ thiện mà là chiếc giày trẻ con xinh xắn. Không biết đến bao giờ những thứ hồng hồng đáng yêu ấy sẽ bọc quanh đôi chân nhỏ đang múa may của thành viên nhỏ nhất trong gia đình Hêluy, nhưng cần phải nói với danh dự của loài người là: một tâm hồn chai cứng đến đâu cũng phải có một sợi dây nhạy cảm nghĩ trong nó. Có lẽ tâm hồn ấy không biết có cái kho báu ấy bên trong nếu sự thức tỉnh của nó không toả ra đến bên ngoài. Có lẽ tình bà cháu đang còn là điểm tối, nhưng nóng, trong tim người đàn bà ấy, một điểm nếu bỗng nhiên được khơi lên, sẽ toả ra một thứ ánh sáng ấm áp và làm tan hết những gì còn băng giá ở bên trong.
Chúng ta hãy hy vọng như thế!
Chú thích:
(1) Némésis: Thần Công lý (cổ Hy Lạp)
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!