Bí Thư Tỉnh Ủy - Quyển 1 - Chương 10
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
186


Bí Thư Tỉnh Ủy


Quyển 1 - Chương 10


Mấy cán bộ trong Ban quản trị ngồi uống nước tán phét với nhau cười nói ầm ĩ. Ông Mẫn cầm tờ đơn trong tay bước vào. Thấy có mặt đầy đủ mọi người, ông mừng rỡ:

– May quá. Có mặt đầy đủ lãnh đạo ở đây rồi.

Lịch, chủ nhiệm Hợp tác xã hỏi:

– Có việc gì thế bác?

– Ngày kia nhà tôi sang cát cho cụ tôi. Cũng định làm mấy mâm, trước là cúng cụ tôi cùng ông bà tổ tiên, sau nữa có cái để mời bà con trong họ, trong làng. Tôi có lá đơn trình với Ban chủ nhiệm xin mổ con lợn, mong các ông xét cho – Nói xong ông Mẫn đưa lá đơn cho Lịch. Lịch cầm lấy đọc qua rồi hỏi:

– Bác đã làm xong nghĩa vụ với Nhà nước chưa? Tôi nhớ không biết có nhầm không. Hình như năm ngoái bác còn nợ lợn nghĩa vụ hơn ba mươi cân thì phải.

– Quả có thế. Đáng ra năm ngoái tôi vẫn bán đủ lợn nghĩa vụ cho Nhà nước. Không ngờ giữa năm, con lợn nhà tôi đang béo tròn béo quay ăn phải lá sắn bị say lăn đùng ra chết. Vì thế tôi mới nợ chứ có khi nào tôi nợ của Nhà nước đâu.

Lịch nhếch mép cười:

– Có người bảo bác cho lợn sục mồm vào nước cho ngạt thở rồi mổ thịt đem bán chợ đen, sau đó báo cho Hợp tác là lợn say lá sắn có đúng thế không?

Ông Mẫn làm bộ tức giận:

– Con nào thằng nào lại ác mồm nói với các ông như thế? Tôi mà biết thì găng mồm nó ra đổ cứt vào đấy cho ngạt như… nhà bố chúng nó.

Ông Mẫn định nói cho nó ngạt như con lợn nhà tôi nhưng may ông kịp dừng lại. Tuy vậy vẫn không qua mắt mấy vị trong Ban quản trị. Doanh, Lịch rồi đến Ngọ đua nhau cười hô hố. Ông Mẫn biết mình lỡ lời tỏ ra ngượng ngập đưa tay gãi gãi lên đầu. Doanh, phó chủ nhiệm vừa cười vừa hỏi:

– Đầu ông lâu nay không gội hay sao mà gãi ghê thế?

Lại một trận cười nữa nổi lên. Ông Mẫn thấy cơn giận ngùn ngụt bốc lên đầu. Chúng nó chỉ đáng tuổi con, tuổi em ông mà dám đưa ông ra làm trò đùa để cười với nhau thì đúng là cứt lộn đầu tôm. Giận thì giận nhưng khi nghĩ đến việc lớn của mình, ông Mẫn vẫn nhún nhường:

– Chẳng hiểu làm sao mà mấy hôm nay đầu tôi nó ngứa quá thể. Có khi do trời hanh nên da đầu bị khô.

Doanh nói sổ toẹt:

– Tôi biết bệnh ngứa của bác rồi. Chỉ tại bác nhỡ lời định nói đổ cứt vào mồm cho ngạt nước như con lợn của bác nhưng chưa hết câu bác đã kịp dừng lại đột ngột nên đầu bác mới ngứa như thế đấy.

Ông Mẫn cười như mếu:

– Anh chỉ có cái đoán mò là giỏi. Ban chủ nhiệm có cho tôi mổ lợn không ạ?

Nhận ra sự bất nhã của mấy anh em nên Lịch đổi giọng:

– Thế này bác ạ. Sang cát cho ông cụ là việc hệ trọng. Với lại cùng hàng xóm láng giềng với nhau thì việc xin mổ lợn chúng tôi nhất trí thôi. Nhưng có cái khó là thế này. Năm ngoái bác còn nợ ba mươi cân lợn nghĩa vụ chưa trả được. Năm nay bác lại chưa cân cho Nhà nước cân nào. Chúng tôi mà duyệt cho bác mổ lợn sợ bà con xã viên người ta phê bình chúng tôi vì cảm tình riêng mà làm sai nguyên tắc.

– Miễn sao các anh cứ duyệt cho tôi là được. Ai thắc mắc tôi sẽ chịu trách nhiệm giải thích cho họ.

– Không đơn giản như vậy đâu bác ạ. Bác hứa giải thích được thì người khác cũng xin mổ lợn rồi hứa sẽ giải thích, chúng cháu làm sao mà giải thích được với trên.

– Tôi có việc sang cát cho ông cụ nhà tôi, tôi mới xin mổ lợn chứ những người khác lấy lí do gì mà xin mổ lợn?

Lịch vẫn từ tốn:

– Theo chỗ cháu biết thì năm nay còn bốn, năm nhà gì đó có kế hoạch sang cát cho bố mẹ hoặc ông bà.

Ông Mẫn đứng thừ ra một lát rồi van lơn:

– Thế này thì ngặt quá. Thôi, các anh nghĩ đến tình hàng xóm láng giềng duyệt cho tôi mấy chữ. Nếu các anh không tin thì tôi xin làm tờ cam đoan sang năm tôi trả lợn nghĩa vụ cả mới lẫn cũ không thiếu một cân.

Lịch hỏi Doanh và Ngọ:

– Thế nào đây các ông?

Doanh đáp:

– Mình nghĩ tình làng xóm cho bác Mẫn mổ lợn nhưng trong ủy ban có ai là người thôn mình đâu mà họ nghĩ đến tình làng xóm? Theo tôi, để giữ được cả tình lẫn lí, Ban quản trị kí xác nhận bác Mẫn có công việc nên xin mổ lợn rồi bác cầm đơn lên xã trình bày thêm. Cho mổ hay không là quyền của ủy ban. Bác thấy làm thế có được không bác?

Ông Mẫn phấn chấn:

– Thế cũng được. Các anh cứ xác nhận thật chi tiết vào, thiếu đâu tôi trình bày thêm với Ủy ban.

Lịch đưa lá đơn của ông Mẫn cho Doanh.

Doanh ký xoẹt một cái rồi đưa lá đơn cho ông Mẫn:

– Ban quản trị đã xác nhận nhà bác có việc xin mổ lợn rồi đây. Bác cầm lên ủy ban và trình bày thêm để họ thông cảm.

Ông Mẫn cầm lấy lá đơn Doanh đưa đọc lướt qua. Mặt ông Mẫn đột nhiên đỏ rựng:

– Các anh xác nhận như thế này có khác gì bảo với ủy ban không cho tôi mổ lợn.

– Vừa rồi bác chẳng bảo chúng cháu là xác nhận cho thật chi tiết vào, thiếu đâu bác trình bày thêm. Bây giờ lại đi trách chúng cháu – Doanh nói lạnh lùng.

Ông Mẫn cố nén bực tức:

– Nhưng các anh bảo tôi còn nợ ba mươi cân lợn nghĩa vụ năm ngoái chưa trả, năm nay chưa cân được cân nào thì có khác gì bảo tôi không được mổ lợn không?

Doanh chống chế:

– Không xác nhận như thế sau này có ai đó tố cáo với ủy ban là bác chưa làm đủ tiêu chuẩn lợn nghĩa vụ mà chúng cháu cho bác mổ lợn, chúng cháu biết ăn nói với ủy ban thế nào. Bác phải thông cảm với chúng cháu mới được. Thôi, bác cầm đơn lên nói khó với ủy ban. Cháu nghĩ ủy ban sẽ đồng ý thôi.

Không còn cách nào khác, ông Mẫn cầm lá đơn ra khỏi trụ sở Hợp tác mồm cằn nhằn:

– Sao mà thời buổi này sinh ra lắm chuyện nhiễu nhương thế không biết. Thế này có khi ra khỏi mẹ cái Hợp tác, muốn ăn thế nào thì ăn, muốn làm thế nào thì làm, chẳng phải chiều lụy con nào, thằng nào hết.

Ngọ nhìn theo ông Mẫn:

– Kể ra mình cứ đồng ý để cho ông Mẫn mổ lợn thì hay hơn. Nhà người ta có việc mà mình thẳng thừng quá sau này gặp nhau đâm ra khó ăn khó nói.

– Có sao mình nói vậy. Nếu ủy ban không cho ông ấy mổ lợn thì ông ấy trách ủy ban chứ trách gì ban quản trị. Thôi, chuyện ấy cho qua. Ông Ngọ ra đánh kẻng cho bà con về nghỉ đi rồi vào con mụ Hoang kiếm chai rượu về uống với nhau, thế là xong.

Ngọ hỏi:

– Mấy giờ rồi mà đã đánh kẻng?

– Mọi hôm thích lúc nào ông đánh lúc ấy chứ có giờ giấc gì đâu, sao hôm nay hỏi giờ nghiêm chỉnh thế?

– Tôi hỏi thế thôi. Này, có chuyện này tôi nói kẻo sợ lát nữa lại quên.

– Chuyện gì thế? – Lịch hỏi.

– Có khi ban quản trị bỏ tiền ra sắm cho tôi một cái đồng hồ “Bôn dốt” để tôi còn biết thì giờ mà đánh kẻng chứ cứ áng chừng thế này thì gay lắm.

– Đánh mấy hồi kẻng mà đòi mua đồng hồ Pôn-dốt. Đến tôi là chủ nhiệm đây mà còn đeo cái đồng hồ tróc hết cả lớp vỏ mạ vàng còn chưa tính chuyện mua đồng hồ khác nữa là.

– Thì thay đi làm mỗi anh một chiếc. Bất quá một tạ thóc một chiếc chứ bao nhiêu.

– Ông có chịu xuất thóc của nhà ông ra không?

– Thế thì nói đếch gì. Tôi đi vào con mụ Hoang lấy rượu rồi ra đánh kẻng là vừa.

Đi qua cửa hàng mua bán của Hợp tác xã, Ngọ dừng lại hỏi Giang:

– Vẫn chưa thấy phân phối hàng nhôm à cô Giang?

– Chưa thấy thương nghiệp huyện thông báo gì anh ạ.

– Cô nhớ lời tôi dặn đấy nhé. Hàng về phải cất riêng cho tôi chiếc mâm.

– Thương nghiệp quy định hàng về phải báo cáo công khai với xã viên rồi đưa về các đội cho bà con bình bầu. Bán cho anh để cho bà con xã viên xé xác tôi ra à.

– Cô làm như tôi không biết mấy lần trước cô cất để dành cho những ai ấy. Nhớ cất dành cho tôi chiếc mâm đấy. Tôi đi làm việc đây.

– Đi làm việc hay vào nhà chị Hoang? – Giang trêu Ngọ.

Ngọ mắng:

– Nói bậy. Ai người ta tưởng thật thì tôi còn gì uy tín nữa.

Giang tiếp tục nói giọng đùa cợt:

– Anh cất kỹ cái uy tín của anh vào trong chai rồi lấy lá chuối khô nút lại thật chắc chẳng mất đâu mà sợ.

Ngọ đi loanh quanh mấy ngõ rồi đứng nhìn vào nhà Hoang. Từ nóc nhà trên, có mấy ngọn khói bay phơ phất. Ngọ nhìn chăm chú một lúc rồi lặng lẽ bước vào sân. Con mẹ này chắc chắn là đang nấu rượu đây, Ngọ nghĩ rồi nhìn nghiêng ngó, sau đó rón rén như một con mèo rình chuột, men theo tường đi về phía sau nhà. Từ hai cánh cửa sổ bằng ván gỗ tạp đã mục, khói tuôn ra từng luồng mỏng mảnh. Ngọ nhón chân đến bên cửa sổ rồi bất ngờ kéo bật hai cánh cửa mở toang ra. Hoang đang ngồi nấu rượu bên trong giật mình mắng:

– Thằng nào định phá cửa nhà bà đây?

Ngọ ló đầu qua cửa sổ nhăn nhở:

– Thằng Ngọ đây. Bắt quả tang nấu rượu lậu hết đường chối cãi nhé.

Biết không chối cãi vào đâu được, Hoang ỡm ờ:

– Bắt quả tang thì làm gì nhau nào. Đóng cửa sổ hộ em vào đây uống ly rượu cho ấm bụng rồi muốn bắt, muốn trói hay làm gì nữa thì tùy.

Ngọ vòng trở lại, nhìn quanh quẩn rồi chui tọt vào trong nhà. Ngọ làm bộ nghiêm sắc mặt:

– Cô liều thật, chẳng coi ai ra gì. Nhà nước đã ban bố lệnh không được nấu rượu để tiết kiệm lương thực mà cô dám không chấp hành. Cô tưởng cô nấu trộm trong buồng nhà cô là không ai biết hay sao. Thế mà từ trước đến giờ mồm cứ xoen xoét là em đi cất rượu người khác. Bây giờ thì lòi đuôi rồi nhé.

Hoang cười nịnh:

– Gớm, ông anh trai em sao hôm nay lắm lời thế? Không có những người nấu rượu lậu như em thì mấy cái mồm như lỗ cống của các anh lấy gì mà đổ vào hả?

– Ăn nói cho cẩn thận nhé. Chuyện này không phải là chuyện đùa đâu.

– Thì em đã nói gì đâu mà anh bảo đùa với không đùa. Anh muốn làm gì em nào?

– Tôi chẳng có quyền hành gì. Bây giờ tôi mời cô ra gặp Ban quản trị Hợp tác, họ muốn làm gì cô thì làm.

Không ngờ vừa nghe Ngọ nói xong, Hoang nổi đóa tam bành:

– Anh dọa tôi đấy à? Gặp Hợp tác hay ủy ban gì con này cũng sẵn sàng đi gặp tất. Đừng có dở giọng dọa nạt ra đây. Muốn bắt muốn giam gì cũng được. Miễn sao ủy ban và Hợp tác nuôi hộ ba đứa con của tôi, tôi càng khỏe.

– Con cô, cô nuôi. Sao bắt Hợp tác và ủy ban nuôi?

– Tôi lấy gì mà nuôi ba đứa con, hai đứa đi học một đứa gửi trẻ? Anh thử nhìn vào cái gia đình anh xem. Hai vợ chồng và một đứa con lớn đều tham gia lao động Hợp tác. Anh còn làm phó chủ nhiệm kiêm đội trưởng sản xuất xà xẻo bên này một tí, bên kia một tí mà anh thử xem gia đình anh có của ăn của để chưa hay chỉ đủ nhét vào mồm.

– Cô vừa bảo ai xà xẻo?

– Nói nhỡ mồm. Có phải đi ra hầu Ban chủ nhiệm chưa để tôi dẹp củi lửa rồi theo anh ra một thể.

Ngọ lúng túng đấu dịu:

– Thôi, tôi nói để cô biết thôi. Có nấu thì giữ cho kín đáo. Để khói phủ kín cả nóc nhà kia có khác gì lạy ông tôi ở bụi này.

Hoang cười lả lướt:

– Lời lẽ vừa rồi mới đúng là lời lẽ của anh Ngọ phó chủ nhiệm. Anh chờ đấy, em lấy chai rượu cầm ra biếu mấy ông trong Ban quản trị. Cứ nói thẳng ra là các anh làm ngơ để cho em làm ăn nuôi con. Cần rượu lúc nào em cấp cho lúc ấy chẳng tính tiền nong gì đâu. Cứ cưa đứt đục suốt như vậy có phải dễ nghe không.

Hoang quay vào trong buồng. Lát sau xách ra một chai rượu đưa cho Ngọ:

– Rượu hai nước không pha trộn gì, em dành bán cho khách quen đấy.

Ngọ ỡm ờ:

– Chỉ có rượu thôi à?

– Chuyện khác để sau. Em còn bận trông nồi rượu, để nó bị khê là mẹ con em treo niêu.

Ngọ cầm chai rượu, đánh vào mông Hoang một cái, nháy mắt cười với Hoang rồi ra khỏi nhà.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN