Bí Thư Tỉnh Ủy - Quyển 3 - Chương 91
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
24


Bí Thư Tỉnh Ủy


Quyển 3 - Chương 91


Lịch xuống xe đạp trước cổng cơ quan tỉnh ủy. Trời hơi se lạnh nhưng do đạp xe gần ba chục cây số người Lịch ướt đẫm mồ hôi. Cả đời chưa một lần đặt chân đến cơ quan công quyền cấp tỉnh nên khi nhìn thấy người bảo vệ đi đi lại lại trong cổng cơ quan thì bao nhiêu dự định, bao nhiêu lời lẽ sắp xếp trong đầu Lịch đều tan biến đâu mất. Đắn đo và có phần sợ hãi nữa, mãi Lịch mới dám dắt xe đạp đi vào. Bác bảo vệ gầy nhăng nhẳng nhìn thấy Lịch dắt xe đi qua cổng bước đến hỏi:

– Này, anh kia. Anh định đi đâu đấy?

Lịch đáp giọng run run:

– Tôi xin vào cơ quan tỉnh ủy bác ạ.

– Anh vào gặp ai?

Lịch đã trấn tĩnh được phần nào:

– Tôi xin vào gặp bí thư tỉnh ủy ạ.

Bác bảo vệ nhìn Lịch với đôi mắt dò xét, hỏi:

– Bí thư tỉnh ủy có hẹn gặp anh không?

– Dạ không. Tôi là chủ nhiệm Hợp tác xã Gia Đạo, xã Đạo Thắng, huyện Tam Bình muốn lên gặp bí thư báo cáo một số việc thôi ạ.

Bác bảo vệ cười dễ dãi:

– Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp à? Thế thì đúng là bạn tâm giao với bí thư tỉnh ủy rồi. Anh đứng đây để tôi vào xem bí thư có ở nhà không nhé. Nghe nói có chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp đến là bí thư tỉnh ủy mừng lắm đấy.

– Bác cứ làm việc đi, để em tự vào là được rồi.

Bác bảo vệ chần chừ giây lát rồi bảo:

– Thế cũng được. Anh đi theo con đường ven đầm kia, gặp dãy nhà đầu tiên là phòng làm việc của bí thư tỉnh ủy ở đấy đấy.

– Vậy em đi bác nhé – Đi được mấy bước, Lịch làm bộ vô tình hỏi – À, bác ơi. Thế nhà của mấy ông phái viên của trên Trung ương cử xuống tỉnh ta làm việc ở chỗ nào hả bác?

– Định gặp cả mấy ông phái viên nữa kia à?

Lịch đáp một cách khôn khéo:

– Cũng muốn gặp để hỏi xem các ông ấy đi làm việc với các Hợp tác xã trong tỉnh xem nơi nào có phong trào gì hay không để học tập bác ạ.

– Phải đấy. Các ông ấy đi khắp cả sáu huyện của tỉnh ta thế nào cũng biết được nhiều cách làm ăn hay. Nhà của các ông phái viên lát nữa chú đi theo dãy cây cao cao kia kìa. Dãy nhà có bốn gian ở cuối đoạn đường.

Lịch bắt đầu thấy yên tâm phần nào nên vui vẻ chào bác bảo vệ:

– Cám ơn bác. Em đi đây.

Lịch dắt xe đi về hướng nhà các phái viên theo hướng bác bảo vệ vừa chỉ. Thấy vậy bác bảo vệ gọi theo Lịch:

– Nhà làm việc của bí thư tỉnh ủy ở hướng này kia mà.

– Em định ghé qua chỗ mấy bác phái viên một lát rồi xuống gặp bí thư sau cho rộng thời gian.

Bao đang đứng vươn vai làm động tác thể dục thư giãn trước phòng mình thì Lịch dắt xe đi qua. Thấy bộ dáng to béo ục ịch của Bao, Lịch thấy rờn rợn. Anh ta cất tiếng hỏi rụt rè:

– Bác ơi. Bác cho hỏi nhà của mấy bác phái viên của Trung ương phái xuống ở đâu ạ?

– Gặp có việc gì không?

– Em là Chủ nhiệm Hợp tác xã Gia Đạo muốn lên gặp có chút việc cần ạ.

Bao biết Chủ nhiệm Hợp tác xã lên tìm gặp phái viên chắc là có chuyện gì quan trọng nên vồn vã:

– Tôi là Bao. Phái viên của Ban bí thư Trung ương đây. Có việc gì mời đồng chí vào phòng làm việc của tôi ta trao đổi.

Lịch dựng xe vào một gốc cây sấu xù xì theo Bao đi vào phòng.

– Mời đồng chí ngồi – Bao chỉ vào chiếc ghế mời Lịch – Tỉnh ủy bố trí cho chúng tôi mỗi người mỗi phòng, vừa ở, vừa làm việc. Còn họp hành thì có một phòng riêng. Đồng chí tên là gì?

– Em tên là Lịch.

– Làm chủ nhiệm Hợp tác xã lâu chưa?

– Báo cáo bác đã làm được hai nhiệm kỳ. Đến nhiệm kỳ thứ ba mới làm được nửa thời gian thì bị giải tán để bầu người khác ạ.

Bao tỏ vẻ quan tâm:

– Sao chưa hết nhiệm kỳ mà phải giải tán là thế nào?

– Chính vì chuyện ấy mà hôm nay em thay mặt cho các cán bộ trong Ban quản trị cũ cầm lá đơn tố cáo những việc làm sai trái, đi chệch đường lối chủ trương của Đảng của một số cán bộ lãnh đạo lên đây gặp các bác để các bác xem xét.

Lịch mở xắc cốt lấy lá đơn đưa cho Bao. Bao cầm lấy rồi đặt xuống bàn:

– Đơn từ để đấy tôi đọc sau. Bây giờ đồng chí hãy kể cho tôi nghe chuyện gì đã xảy ra ở Hợp tác xã của đồng chí?

– Báo cáo đồng chí có nhiều chuyện lắm ạ.

Bao hỏi dồn:

– Nhiều chuyện là chuyện gì?

Lịch thấy cơ hội trả thù của mình đã đến nên tuôn một mạch:

– Ở đó đang tự tiện thay đổi hết mọi quy trình, quy cách làm ăn từ trước đến giờ bác ạ. Chúng tôi là những đảng viên kiên trì với chủ trương đường lối của Đảng, cản trở đường đi của họ nên họ mới tìm cách gạt chúng tôi ra và thay vào đó những người ngoan ngoãn nghe theo lời họ.

Bao hỏi:

– Họ, theo như đồng chí nói là gồm những ai?

– Báo cáo bác, đó là đồng chí Chi, bí thư huyện ủy và đồng chí Luận bí thư đảng ủy xã Đạo Thắng. Ngoài ra còn một số đảng viên trong chi bộ Gia Đạo cũng tích cực ủng hộ chủ trương của những người này.

Bao mừng như bắt được vàng khuyến khích Lịch:

– Bây giờ đồng chí thong thả lần lượt kể cho tôi nghe những chuyện xảy ra ở Hợp tác của đồng chí. Đồng chí bảo họ làm trái với chủ trương đường lối. Vậy họ làm trái những chuyện gì?

– Việc thứ nhất là họ chia đất của Hợp tác xã về cho từng tổ, từng nhóm trồng khoai tây và ngô trong vụ xen canh vừa rồi và chia sản phẩm trực tiếp cho hộ xã viên chứ không thông qua sự quản lí của Hợp tác xã.

Bao tỏ vẻ ngạc nhiên:

– Làm ra bao nhiêu đều đem chia hết cho mọi người à?

Lịch đáp:

– Sau khi trả công cày bừa, phân bón và thủy lợi cho Hợp tác xã, còn lại bao nhiêu đem chia hết cho xã viên. Do khối lượng thu được của khoai tây quá lớn, xã viên dùng không hết nên huyện ủy chủ trương cho nông dân gánh đi bán tự do ở các nơi trong tỉnh…

Bao hỏi dồn:

– Có đúng như vậy không?

– Đúng như thế đấy ạ.

Bao kêu lên:

– Thế thì loạn to rồi. Chủ trương của Nhà nước là từng bước độc quyền về lương thực và các nông sản hàng hóa, triệt để loại trừ tư sản thương nghiệp ra khỏi thị trường nông thôn và thành thị. Thế mà dám khôi phục lại thị trường tự do thì đúng là coi trời bằng vung. Đây rõ ràng là nhận thức hết sức mơ hồ về cuộc đấu tranh giữa hai con đường. Còn gì nữa không?

Lịch hoan hỉ trả lời:

– Tuần vừa rồi, Ban quản trị mới được bầu quyết định giải tán trại chăn nuôi tập thể chuyển về khoán cho các đội sản xuất nuôi để chia cho xã viên. Ngoài ra còn sử dụng đất của Hợp tác khoán cho các hộ xã viên nuôi lợn để cân bán cho Nhà nước.

Bao hỏi:

– Những việc đồng chí vừa kể đều viết kỹ trong đơn tố cáo rồi chứ?

– Vâng. Riêng việc giải tán trại lợn để khoán cho đội sản xuất và lấy đất nông nghiệp khoán cho xã viên nuôi lợn vì Ban quản trị mới quyết định vừa rồi nên em chưa ghi vào đơn tố cáo.

Bao vớ lấy cuốn sổ để trước mặt hí húi ghi chép. Lát sau ngẩng đầu lên hỏi:

– Tôi hỏi câu này đồng chí phải nói thật nhé. Trong những việc làm trên có sự chỉ đạo của tỉnh ủy mà trực tiếp là đồng chí bí thư không?

Lịch ngập ngừng một lát rồi trả lời:

– Những việc sau này thì em hoàn toàn không biết. Riêng chủ trương làm vụ xen canh và khoán về cho tổ, cho nhóm thì có sự chỉ đạo của đồng chí bí thư tỉnh ủy. Vì lúc đó em còn làm chủ nhiệm.

Bao hỏi:

– Anh Kim xuống trực tiếp chỉ đạo?

– Đồng chí bí thư đảng ủy và đồng chí Côn, thường vụ tỉnh ủy, trưởng Ban nông nghiệp trực tiếp chỉ đạo theo chỉ thị của bí thư tỉnh ủy.

– Người ta lấy lí do gì để giải tán Ban quản trị do đồng chí làm chủ nhiệm vào giữa nhiệm kỳ?

Lịch đáp:

– Lí do chủ yếu họ đưa ra là chúng tôi không chịu thay đổi cách thức làm ăn khiến Hợp tác xã sa sút. Nhưng thực ra chúng tôi kiên quyết không làm theo ý họ là muốn bảo vệ chủ trương đường lối của Đảng về tập thể hóa Xã hội chủ nghĩa.

– Đồng chí làm như vậy là đúng. Nếu không nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng là dễ đi đến thủ tiêu đấu tranh.

Lịch nói hùa theo:

– Đúng như thế đấy ạ. Đại bộ phận bà con xã viên cũng tán thành con đường tập thể hóa Xã hội chủ nghĩa. Vì vậy mặc dù dưới sức ép của một số cán bộ lãnh đạo ngồi dự Đại hội, bà con vẫn bầu lại chúng em. Nhưng do Đại hội không làm đúng ý đồ chỉ đạo của họ nên Huyện ủy chỉ đạo đảng ủy hủy bỏ kết quả bầu cử để bầu lại, mặc dù đồng chí phó bí thư đảng ủy và hai đồng chí thường vụ phản đối quyết định độc đoán này.

Bao hỏi:

– Dư luận của bà con xã viên ra sao?

– Đại bộ phận bà con tỏ ra bất bình. Họ bảo lãnh đạo thiếu tôn trọng nhân dân. Đã bảo dân đi bầu Ban quản trị. Đến khi dân bầu xong lại không công nhận. Coi thường dân quá.

Bao lắc đầu:

– Đúng là bậy bạ thật. Còn gì nữa không?

Lịch đáp:

– Còn chuyện này em cũng xin báo cáo nốt. Trong số năm cán bộ chủ chốt của Ban quản trị mới được bầu chỉ có hai đảng viên. Ba người còn lại là quần chúng. Tính ra hơn năm mươi phần trăm quần chúng tham gia lãnh đạo Hợp tác xã.

Bao hỏi dồn:

– Ai chỉ đạo cuộc bầu Ban quản trị?

– Trực tiếp là bí thư đảng ủy. Nhưng trong Đại hội lần này có bí thư huyện ủy, chủ tịch huyện và bác Côn cùng dự.

– Một việc làm vô nguyên tắc như vậy mà một thường vụ tỉnh ủy, một bí thư huyện ủy và một chủ tịch huyện không ai có ý kiến gì thì lạ thật. Đồng chí có đề nghị gì không?

Lịch chẳng cần nghĩ ngợi nói luôn:

– Em xin thay mặt bà con nông dân Hợp tác xã Gia Đạo đề nghị với Trung ương là kiên quyết chặn đứng những việc làm sai trái, đi ngược lại đường lối tập thể hóa của Đảng. Những người sai phạm phải bị kiểm điểm và có hình thức kỷ luật thích đáng với những người này.

Bao gật đầu:

– Tôi ghi nhận những lời đề nghị của đồng chí để phản ánh lên trên. Đồng chí đảm bảo những điều đồng chí viết trong đơn tố cáo là chính xác chứ?

Lịch nói dứt khoát:

– Làm sao em dám viết sai.

– Tôi hỏi thêm đồng chí chỗ này. Số lợn Ban quản trị lấy ở trại chăn nuôi đem khoán cho đội sản xuất nuôi để chia nhau có tất cả bao nhiêu con. Tổng trọng lượng bao nhiêu tạ?

Lịch tỏ ra lúng giây lát rồi trả lời:

– Số lượng lợn ở trại phân công cho một phó chủ nhiệm theo dõi nên em không nắm được cụ thể nhưng áng chừng vừa lớn vừa bé khoảng bảy, tám chục con gì đó và tổng trọng lượng chắc cũng vào khoảng trên ba tấn lợn hơi.

Bao thắc mắc:

– Tôi tưởng chủ nhiệm phải nắm chắc tình hình chăn nuôi chứ cứ nói áng chừng như vậy thì làm sao mà chỉ đạo được?

Lịch chống chế:

– Đã phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng cán bộ trong Ban quản trị rồi nên cần thì hỏi chứ làm sao mà nắm hết mọi mặt của Hợp tác xã được ạ.

– Tôi hiểu rồi. Tôi xin thay mặt các đồng chí trong tổ phái viên cám ơn đồng chí đã vì trách nhiệm đối với sự nghiệp tập thể hóa Xã hội chủ nghĩa của Đảng, đã phản ánh cho chúng tôi biết những việc làm sai trái của một số cán bộ địa phương. Chúng tôi sẽ nghiên cứu và trao đổi lại với đồng chí bí thư tỉnh ủy để chấn chỉnh những việc làm sai trái như đồng chí đã phản ánh.

Lịch hốt hoảng:

– Nếu bác trao đổi lại với bí thư tỉnh ủy những điều em tố cáo thì chết em.

Bao bảo:

– Mình làm đúng thì việc gì mà sợ?

Lịch nói giọng run run:

– Không đơn giản như thế đâu ạ. Em biết tính tình của bí thư tỉnh ủy chúng em lắm. Thấy sai mà không nói với ông ấy, lại đi phản ánh với người khác thì chỉ có việc ôm quần áo xéo ra khỏi làng.

– Đồng chí làm đúng thì dân sẽ bảo vệ đồng chí chứ sợ gì.

– Dân làm sao mà bảo vệ em được ạ. Em tha thiết mong bác đừng đem chuyện em tố cáo nói lại với bí thư tỉnh ủy. Nếu bác làm thế thì chẳng có ai dám tố cáo những việc làm sai trái với bác nữa đâu.

Bao tỏ vẻ thông cảm:

– Thôi được rồi. Tôi không đưa việc đồng chí tố cáo ra trao đổi với anh Kim nữa. Nếu thấy ở đó có những việc làm sai với đường lối, đồng chí mạnh dạn lên phản ánh với tôi nhé. Tôi tên là Bao. Nếu lên đây mà tôi đi vắng thì không được phản ánh với bất kỳ ai. Đồng chí nhớ chưa?

– Em nhớ rồi ạ. Bây giờ em xin phép bác em về đây.

– Vâng, đồng chí về. Lần nữa tôi xin cám ơn đồng chí.

Lịch lủi thủi dắt xe đạp ra khỏi cơ quan tỉnh ủy, tránh cả cái nhìn của bác bảo vệ.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN