Bí Thư Tỉnh Ủy
Quyển 3 - Chương 96
Ăn xong bát mì sợi chan với xì dầu, ông Kim vội vàng xách điếu cày đi lên phòng làm việc. Hôm nay sẽ là một ngày trọng đại mà ông đã ấp ủ và chờ đợi bao lâu nay. Đó là bàn cách ra cho được Nghị quyết đổi mới trong việc quản lí Hợp tác xã nông nghiệp. Đêm qua ông trằn trọc gần như suốt đêm để cân nhắc mọi nhẽ. Tính toán từng đường đi nước bước cho Nghị quyết. Ông biết sẽ có người không đồng tình và cả phản đối gay gắt với những suy nghĩ và quyết định của ông. Ông tính tới cả việc thế nào cũng sẽ động chạm đến cấp trên. Thậm chí cái ghế bí thư tỉnh ủy của ông cũng mất khi ông dám đứng ra đương đầu với chủ trương đường lối đã trở thành nguyên tắc bất di bất dịch mà mọi đảng viên phải tuân thủ và chấp hành vô điều kiện. Nhưng nếu chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không nghĩ đến cuộc sống của người nông dân ngày nối ngày sống chính ngay trên đồng đất của mình mà phải chịu cảnh cơ hàn thì lời thề suốt đời trung thành với sự nghiệp của Đảng của nhân dân chỉ là lời thề suông. Lời thề cầu lợi cho bản thân mình.
Vào phòng họp, ông Kim thông báo:
– Tay Đình đi Thạch Sơn, tay Minh lên họp ở quân khu. Ông Dần vợ đánh điện lên báo con ốm nặng nên xin về nhà xem con đau ốm thế nào. Hôm nay chỉ là cuộc trao đổi sơ bộ chứ chưa phải họp hành gì nên không nhất thiết phải có mặt đầy đủ Ban thường vụ. Các ông ngồi uống nước đi rồi ta bắt đầu làm việc. Tuy chưa có đủ mặt Ban thường vụ nhưng tớ tranh thủ thông báo luôn. Theo đề nghị của Ban thường vụ tỉnh ủy, trên đã có quyết định bổ nhiệm chị Thường giữ cương vị phó bí thư kiêm trưởng Ban kiểm tra tỉnh ủy. Hôm nay tôi mời chị Thường cùng hai ông Quốc và ông Côn đến để trao đổi sơ bộ về việc tiến hành ra Nghị quyết cải tiến quản lí lao động trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Để có cơ sở thực tế khi trao đổi để ra Nghị quyết, vừa qua ông Côn đã đi khảo sát gần hai chục Hợp tác xã trong tỉnh. Bây giờ ông Côn báo cáo lại cho chị Thường và ông Quốc cùng nghe.
Ông Côn lật cuốn sổ tay ghi chép của mình ra:
– Vừa qua tôi nhận nhiệm vụ của đồng chí bí thư giao cho đi khảo sát tình hình các Hợp tác xã trong tỉnh, tôi đã chọn mười tám Hợp tác xã thuộc các vùng sản xuất khác nhau như đồng bằng, trung du và miền núi. Trọng tâm khảo sát hai vấn đề: Lực lượng lao động sản xuất nông nghiệp và tình hình sản xuất nông nghiệp. Qua thời gian đi khảo sát, tôi rút ra một số điểm sau đây. Về lực lượng lao động sản xuất nông nghiệp, qua khảo sát 18 Hợp tác xã kết quả như sau: Lực lượng lao động trong độ tuổi quy định hiện còn chiếm 36% dân số. Trong đó nữ chiếm 57%…
– Nữ chiếm nhiều thế cơ à? – Ông Kim hỏi.
– Vâng. Tôi xin nói tiếp. Số người ngoài tuổi có khả năng tham gia lao động chiếm 8% dân số, bằng 20% số lao động…
Ông Quốc nói chen ngang:
– Như vậy là nguồn lao động ở nông thôn hao hụt rất đáng kể. Chiến tranh mà còn kéo dài thêm năm, bảy năm thì cái tỉ lệ này còn biến động nữa.
Ông Côn bảo:
– 8% dân số ngoài tuổi lao động nếu biết sử dụng thì đây cũng là một lực lượng lao động đáng kể.
Bà Thường hỏi:
– Vấn đề quản lí ngày công lao động như thế nào?
Ông Côn nhìn vào cuốn sổ rồi đáp:
– Đây là vấn đề đáng quan tâm nhất. Qua khảo sát mười tám Hợp tác xã thì thấy thế này. Lao động thường xuyên cho Hợp tác xã có 72% số lao động. Lao động một phần có 17%, nữ gấp hai lần nam. Sở dĩ như vậy là vì lao động nữ thường bận con mọn và việc nhà. Lao động trong độ tuổi không tham gia sản xuất nông nghiệp chiếm 7,8% số lao động. Tóm lại sự biến động giảm càng nhanh và đang có xu hướng tiếp tục giảm. Nhìn chung lao động ở các độ tuổi còn khá lớn. Nhưng do nhiều nguyên nhân, mỗi lao động chỉ làm được 240 công trong một năm. Như vậy nếu biết tổ chức và quản lí tốt thì vẫn đảm bảo được nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Kim suy nghĩ rồi nói:
– Như vậy đã rõ. Lực lượng lao động chưa đến mức phải báo động. Vấn đề là quản lí. Ông báo cáo tiếp về tình hình sản xuất đi.
Ông Côn nói tiếp:
– Tình hình sản xuất không báo cáo thì chị Thường và hai anh chắc cũng đã nắm được rồi. Mỗi năm không phải chỉ tụt xuống một nấc thang mà tụt những hai, ba nấc. Trong số 18 Hợp tác xã tôi chọn để khảo sát có 6 cái làm ăn khá mới nổi lên gần đây như Hồng Vân, An Lưu, Đằng Xá. Sáu Hợp tác trung bình và 6 yếu kém cỡ Gia Đạo.
Ông Kim ngồi thẳng lên nói giọng sôi nổi:
– Thằng Gia Đạo không còn là Hợp tác xã yếu kém nữa đâu nhé. Tối hôm qua ông Sắc kể lại cho tớ nghe chuyện ông ấy và ông Ẩn xuống làm việc với huyện ủy Tam Bình, sau đó cùng cô Chi đi xuống Gia Đạo. Những gì mà ông Sắc kể lại cho tớ nghe chứng tỏ nó đang chuyển mình mạnh lắm.
Bà Thường quan tâm hỏi:
– Ông Ẩn có nhận xét gì những việc làm của Hợp tác xã Gia Đạo không?
Ông Kim nở nụ cười thoả mãn:
– Ông Sắc bảo ông Ẩn đang dao động.
Ông Quốc vui lây với nụ cười của ông Kim:
– Gỗ đá như ông Ẩn mà dao động là tín hiệu vui đấy.
– Trước đây mấy lần va chạm với ông Ẩn, tớ cũng nghĩ về ông Ẩn như ông. Nhưng qua những lần nói chuyện sau này, tớ nghĩ ông ấy là con người chịu nghe và chịu nhìn chứ không bảo thủ, giáo điều như tay Bao.
Ông Côn bảo:
– Chẳng có lời nói hay ho nào thuyết phục bằng thực tế. Ông Ẩn đã xuống Hồng Vân, Đằng Xá, An Lưu để xem tận mắt, nghe tận tai những việc làm được coi là đi ngược lại đường lối tập thể hóa. Đi ngược nhưng đưa lại cho nông dân một cuộc sống khấm khá lên không thể không suy nghĩ. Với một con người chịu khó nghe, chịu khó nhìn như ông Ẩn, thực tế làm cho ông ấy dao động trong cách nhìn nhận, đánh giá là lẽ đương nhiên.
Ông Kim giục:
– Ông báo cáo tiếp tục đi.
– Vâng. Tôi đã có các buổi làm việc với lãnh đạo các huyện để đánh giá tình hình chung và tìm nguyên nhân của sự sút kém trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Quốc nói giọng phân vân:
– Việc gì cũng vậy, nếu tìm được nguyên nhân thì khắc phục, sửa chữa không thành vấn đề. Nhưng trong trường hợp sản xuất nông nghiệp sa sút hiện nay nhìn thấy nguyên nhân rồi đấy, nhưng khắc phục sửa chữa không phải dễ. Nó còn bị ràng buộc nhiều thứ lắm.
Ông Côn tán thành:
– Đúng là như thế. Nhưng nếu chúng ta khéo léo tìm cách vẫn thoát ra được.
– Ông Côn nói đúng đấy. Sở dĩ tôi cử ông Côn đi khảo sát tình hình các Hợp tác xã một lượt là muốn nắm thật chắc tình hình. Trên cơ sở những số liệu có được, chúng ta sẽ chuẩn bị ra một Nghị quyết phát triển nông nghiệp trong tình hình mới.
Bà Thường thắc mắc:
– Trong tình hình hiện nay, ra Nghị quyết về việc đổi mới quản lí Hợp tác xã và hình thức khoán thì khác gì tuyên chiến với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp đang hiện hành?
– Phải tìm cách đi chị ạ – Ông Kim bảo – Tường xây chắc đến đâu cũng có chỗ mạch yếu. Ban đầu khoét một lỗ nhỏ mà chui qua. Đi mãi nó sẽ mòn và rộng dần thành đường.
Ông Côn ngồi nhìn vào cuốn sổ của mình để trên bàn trầm ngâm một lúc rồi ngẩng đầu lên nói:
– Tôi đề nghị thế này. Để tiến tới có một Nghị quyết hoàn chỉnh, chúng ta nên soạn một văn bản hướng dẫn việc chấn chỉnh lại sản xuất trong các Hợp tác xã nông nghiệp. Gọi là văn bản hướng dẫn, nhưng thực chất đây là những vấn đề mà nội dung Nghị quyết sẽ đề cập tới. Chúng ta gửi văn bản này cho các đồng chí trong Ban thường vụ tỉnh ủy, tỉnh ủy viên, các bí thư huyện ủy và bí thư đảng ủy xã và Chủ nhiệm Hợp tác xã, đề nghị nghiên cứu kỹ. Sau đó ta tổ chức một hội nghị gồm những người đã được nghiên cứu văn bản góp ý kiến để hoàn chỉnh thành văn bản chính thức. Tiếp đó chúng ta sẽ đưa những điều đề cập trong văn bản xuống áp dụng cho một số hợp tác xã ở các vùng đất khác nhau. Từ thực tiễn, chúng ta sẽ có một Nghị quyết chính thức.
Ông Quốc đồng tình với ông Côn:
– Tôi thấy ý kiến của ông Côn hay đấy. Chúng ta đi dần từng bước vừa thăm dò, vừa rút kinh nghiệm để tiến tới có một Nghị quyết hoàn chỉnh.
Ông Kim tỏ ra kiên quyết:
– Nếu nói đến thời điểm, thời cơ thì chính lúc này ra Nghị quyết là thích hợp nhất. Thận trọng là cần thiết. Nhưng dám làm và dám chịu trách nhiệm lại cần thiết hơn.
Bà Thường biết tính của ông Kim nên nói nhỏ nhẹ để thuyết phục:
– Chú nghĩ tôi, chú Côn, chú Quốc không dám làm, dám chịu trách nhiệm hay sao? Điều chúng ta cần bàn là làm sao cho kín kẽ. Hiện nay trong các phái viên của Ban bí thư có lão Bao. Hễ nghe đâu có chuyện làm ăn khác đi là lao đến vồ ngay. Nếu lão ta biết tỉnh ủy có một Nghị quyết đi ngược lại với những gì đã làm từ trước đến nay rồi báo cáo với Ban bí thư thì coi như xôi hỏng bỏng không. Chú có nghĩ đến hậu quả của nó như thế nào không?
Ông Côn cũng biết không dễ gì thay đổi suy nghĩ của ông Kim nên đưa ra ý kiến dung hòa:
– Tôi đề nghị thế này. Chúng ta sẽ soạn thảo nguyên văn Nghị quyết rồi lấy ý kiến như tôi đã đề xuất. Trước mắt coi đây chỉ là bản hướng dẫn một số điểm trong quản lí lao động nông nghiệp ở các Hợp tác xã. Đặt ra yêu cầu đảng ủy các cấp từ huyện ủy xuống tận chi bộ phải quán triệt và Hợp tác xã nào đủ điều kiện thì cho triển khai bản hướng dẫn ngay trong vụ chiêm này. Từ đó chúng ta rút ra những điểm được và chưa được để đi đến một Nghị quyết chính thức có tính lâu dài trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta.
Ông Kim cầm cái điếu cày nhưng không rít mà nghĩ một lúc rồi nói:
– Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ông Côn. Qua chuyến khảo sát vừa rồi của ông Côn thấy nổi lên một vấn đề. Đó là quản lí lao động hết sức lỏng lẻo dẫn đến lãng phí sức lao động một cách trầm trọng. Trong khi lao động nông nghiệp có xu hướng giảm, vấn đề tổ chức hợp lí hóa sản xuất trở nên cấp thiết. Một trong những vấn đề tổ chức hợp lí hóa sản xuất có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động là tổ chức thực hiện tốt chế độ khoán. Ngoài khoán việc cho nhóm, cho từng lao động như một số Hợp tác xã đã làm, còn cần mạnh dạn cho khoán đến hộ xã viên. Khoán từng khâu canh tác và cả vụ sẽ có tác dụng tăng năng suất lao động, kích thích được tính tích cực, tránh được ỷ lại, dựa dẫm, lười biếng, tự do tùy tiện. Đồng thời khắc phục tình trạng tiêu cực của cán bộ Hợp tác xã.
Ý kiến của ông Kim khiến mọi người quan tâm và cuộc thảo luận trở nên sôi nổi.
Ông Côn nói:
– Đặt vấn đề của các anh các chị về dự thảo Nghị quyết như vậy là chính xác và khá đầy đủ. Nó phù hợp với hoàn cảnh hiện nay cả nước đang có chiến tranh nên số nhân lực huy động cho tiền tuyến ngày một lớn mà số nhân lực ấy chủ yếu là đội ngũ lao động trẻ, khỏe ở nông thôn. Mặt khác, để quản lí và sử dụng lao động một cách có hiệu quả, chỉ có thể dùng biện pháp ba khoán cho lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp. Thực ra vấn đề ba khoán đã áp dụng từ trước. Nhưng dự thảo Nghị quyết lần này chỉ ra rằng ba khoán, tập trung khoán việc cho từng lao động, cho nhóm và cho hộ xã viên mới bảo đảm hiệu quả của khoán mới.
Thấy ông Quốc cứ cầm ngòi bút máy gõ gõ xuống bàn có vẻ như đang suy nghĩ điều gì đó nên ông Kim hỏi:
– Ý kiến ông Quốc thế nào?
Ông Quốc giật mình:
– À, tôi đang nghĩ vấn đề chữ nghĩa cũng cần bàn. Nói rằng đây chỉ là một số điểm hướng dẫn quản lí lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp, nhưng thực chất là Nghị quyết. Vậy nên đặt tên cho nó như thế nào để lọt qua được rào cản của cơ chế hiện nay?
Ông Kim nói luôn:
– Tôi đề nghị cứ để nguyên tên dự thảo là “Hướng dẫn một số điểm về quản lí lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp” thì chẳng ai có cớ gì mà bắt bẻ cả. Tôi muốn nói thêm chỗ này. Việc xác định số lao động để giao khoán trên cơ sở từng hộ gia đình xã viên, vì hộ là đơn vị để xác định quy mô khi xây dựng Hợp tác xã. Bản chất khoán việc dài ngày cho lao động chính là khoán cho hộ. Đây là điểm mới của dự thảo Nghị quyết. Khoán cho hộ sẽ giải phóng triệt để sức sản xuất của nông dân. Nếu sau này có gặp rắc rối cũng chính là ở chỗ này. Bởi nếu không nhìn sâu vào bản chất của khoán hộ thì sẽ nhầm tưởng chúng ta đưa nông dân trở về con đường làm ăn cá thể. Tội tày đình đấy. Một tuần nữa thường vụ có thông qua dự thảo Nghị quyết được không ông Côn?
Ông Côn đáp:
– Tôi sẽ viết phần trọng tâm. Còn các phần khác phân cho anh em trong Ban viết, chắc là xong.
– Tay Đô thường xuyên đi với tớ xuống cơ sở nên hắn nắm khá chắc tình hình của Hợp tác xã, tớ giao hẳn hắn cho ông sử dụng đấy. Một tuần nữa thông qua thường vụ. Ông muốn làm thế nào đó thì làm.
Ông Kim nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát như ra lệnh. Ông Côn chỉ còn biết lắc đầu.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!