Bí Thư Tỉnh Ủy
Quyển 4 - Chương 112
Bản dự thảo về quản lí lao động ở các Hợp tác xã nông nghiệp dù chưa hoàn thiện nhưng đã thổi một luồng gió mới vào mọi ngõ ngách của làng quê xơ xác. Khi biên soạn bản dự thảo, ông Kim bảo ông Côn ghi thêm chú thích ở bên dưới: “Tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể, lãnh đạo các cấp có thể vận dụng những phương pháp khoán đã ghi trong bản dự thảo vào sản xuất, rút ra những điểm được và chưa được để khi biên soạn lại được hoàn chỉnh hơn”. Nhiều Hợp tác xã đã dựa vào điều này đưa vào trong sản xuất nhiều phương pháp khoán phong phú. Phương pháp khoán được bà con xã viên hưởng ứng nhiều nhất là khoán hẳn diện tích cho xã viên trong suốt cả vụ. Với lối khoán này, người nông dân thấy thực sự mình được làm chủ. Vì vậy từ sáng sớm tinh mơ cho đến lúc nhọ mặt người mọi nhà đã huy động sức lao động hiện có trong nhà lăn lưng ra trên đồng ruộng. Cây mạ chiêm vừa cắm xuống chưa đầy tháng mà các cánh đồng đã mướt một màu xanh mát mắt. Tuy vậy không ít những nơi do lười biếng, ngại khó và sợ làm sai chủ trương đã lợi dụng coi đây chỉ là bản dự thảo, làm cũng được, không làm cũng chả sao nên cuộc sống của xã viên ở các Hợp tác xã này không mảy may thay đổi. Sau những lần đi khảo sát và thăm dò ý kiến của một số Ban quản trị hợp tác xã, các bí thư huyện ủy, ông Kim bàn với một số người trong Ban thường vụ chỉnh sửa, bổ sung lại bản dự thảo thành Nghị quyết chính thức.
Vừa thấy ông Kim bước vào phòng mình, ông Côn nói ngay:
– Tôi định qua chỗ anh để trao đổi việc này, may quá anh lại qua chỗ tôi.
– Có việc gì thế?
– Có vấn đề này tôi còn phân vân không biết có nên đưa vào văn bản chính thức của Nghị quyết hay không?
Ông Kim kéo ghế ngồi rồi hỏi:
– Vấn đề gì?
Ông Côn đáp:
– Việc để cho dân khai phá tự do đất chân rừng và gò đồi. Đây là vấn đề cần cân nhắc kỹ.
– Theo tớ đây là vấn đề lớn mang nhiều ý nghĩa cả về kinh tế lẫn tư tưởng đổi mới nên cần phải được chính thức đưa vào Nghị quyết.
– Nhưng đây cũng có thể là cái cớ để cấp trên kết tội chúng ta trả ruộng đất về cho nông dân làm ăn cá thể.
Ông Kim nói dứt khoát:
– Ông không phải sợ. Về điều này ông cứ viết rõ: Hợp tác xã để cho hộ tự do khai phá và trồng trọt đất chân rừng, gò đồi trong thời hạn ba năm, không phải nộp thuế nông nghiệp cho Nhà nước và sản lượng cho Hợp tác xã. Sau ba năm, Hợp tác xã thu đất về để sản xuất theo kế hoạch của Hợp tác xã. Hộ nào muốn tiếp tục làm phần đất khai phá của mình thì Hợp tác sẽ giao khoán làm theo kế hoạch và nộp thuế cho Nhà nước và sản lượng cho Hợp tác. Phân minh rõ ràng như vậy việc gì mà ông sợ nào.
Ông Côn cười:
– Các cụ bảo miệng quan có gang có thép. Bây giờ không còn quan nhưng còn cấp trên. Mà đã làm cấp trên thì có ba bảy đường nói. Đôi khi nhỡ nói sai không bao giờ dám cải chính vì sợ thiên hạ cho mình dốt.
– Tớ là cấp trên của huyện, của xã. Ông nói thế hóa miệng tớ cũng có gang, có thép à? – Hỏi đùa xong ông Kim cười.
– Anh thuộc vào loại số cán bộ trong như ngọc trắng như ngà nên không thể xếp anh vào cái loại tiện quan ấy được.
– Ông dùng hai tiếng tiện quan nghe hay đấy nhỉ. Nhưng ông bảo tớ trong như ngọc, trắng như ngà là nhầm to. Tớ còn ối khuyết điểm ông ạ. Đặc biệt là thói quân phiệt, nóng nảy, tớ đã khắc phục nhiều lắm nhưng đôi khi nó vẫn tái diễn khiến cấp dưới nhiều lúc sợ hơn là phục.
Ông Côn bào chữa cho ông Kim:
– Tôi thấy anh nóng nảy phần lớn là do sốt ruột với công việc. Còn cái số tiện quan mà tôi vừa nói không phải là nhiều, nhưng nó nằm rải rác trong các cấp. Số này thì lắm tật lắm. Giáo điều, bảo thủ, ức hiếp quần chúng và tham ô nhũng nhiễu. Tuy chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong Đảng, nhưng nó cản trở rất lớn.
Ông Kim đồng tình:
– Đúng thế. Dạng người như tay Đình và ông Bao rõ ràng là chiếm tỉ lệ thấp nhưng tác hại thì lại lớn. Đứng trước những người này mà yếu bóng vía thì chỉ có nhắm mắt buông tay chứ chẳng muốn làm gì.
Ông Côn khuyên chân tình:
– Tôi nghĩ anh cũng nên sắp xếp công việc cho khoa học để có thì giờ nghỉ ngơi. Dạ dày anh không ổn lắm. Anh mà làm việc kiểu ấy thì có ngày lại phải đi cấp cứu như dạo nọ thì nguy.
Ông Kim sực nhớ đến ý định của mình nên nói giọng hân hoan:
– Nhân ông nói chuyện nghỉ ngơi tớ mới nhớ. Ngày mai chủ nhật, tớ đang định rủ ông đi cùng tớ lên Đầm Voi ở xã Du Thượng bắn chim sếu. Mùa này sếu bắt đầu về nhiều rồi đấy. Tớ cũng định cho cô Lê nhà tớ cùng đi du ngoạn lên miền núi một chuyến. Thủa thanh niên còn ở nhà, cô ấy gắn bó với đồng bào thiểu số cứ như người nhà. Còn mặc cả áo chàm nữa kia ông ạ. Nhưng từ khi biến thành thị dân đến nay chẳng có dịp nào sống lại với núi rừng, với đồng bào thiểu số. Lần này cho cô ấy đi một chuyến. Ông có đi không?
Ông Côn hưởng ứng:
– Tôi cũng đang muốn thư giãn đầu óc một chút, nếu được đi thì hay quá.
– Lên đấy, tớ và tay Đô đi bắn sếu, còn ông và cô Lê ở nhà ông Tào chơi. Cái lão người Dao này có lắm chuyện lắm. Ông có nhớ có lần tớ kể cho ông nghe lão Tào bảo tỉnh ủy cứ làm địa chủ giao đất cho nông dân làm, nông dân sẽ nộp thóc cho tỉnh ủy không?
Ông Côn cười:
– Hay đấy nhưng đố anh nào dám làm, kể cả anh.
– Đúng thế thật. Trường hợp này cái ranh giới giữa tập thể và cá thể rất khó phân định. Mặt khác trình độ quản lí của cán bộ Hợp tác xã của ta hiện nay không kham nổi một vấn đề phức tạp như vậy. Quay lại bản dự thảo nhé. Ông cứ đưa việc cho dân khai phá đất chân rừng, gò đồi vào văn bản. Có gì tớ chịu trách nhiệm.
– Không phải tính đến chuyện ai chịu trách nhiệm mà đưa một vấn đề liên quan đến đường lối tập thể hóa vào Nghị quyết là cần phải cân nhắc cẩn thận. Theo tôi cứ lẳng lặng để cho dân tự làm. Coi đây chỉ là hiện tượng tự phát của nông dân.
Ông Kim ngẫm nghĩ một lát rồi bảo:
– Việc có đưa vấn đề để cho nông dân khai phá đất chân rừng và gò đồi vào Nghị quyết hay không để tớ suy nghĩ thêm đã. Sáng mai đi Du Thượng nhé. Chỉ cần một ngày quanh quẩn chuyện trò với bà con trên ấy, ông sẽ thu nhận rất nhiều điều bổ ích đây.
Ông Côn hỏi:
– Cơm nước thế nào?
– Đã lên đấy cả ngày không thể không ăn cơm nhà ông Tào. Nếu mang theo gạo lên thì lần sau đừng tính chuyện vác mặt lên đấy. Để tớ bảo cô Lê nhà tớ chuẩn bị mấy cân mì sợi và sáng mai ghé mua thêm một ít bánh mì lên làm quà, thế là xong. Đi sớm đấy. Chim sếu chỉ về khi sáng sớm, khoảng tám, chín giờ là chúng đã bay đi nghỉ rồi. Chiều bốn, năm giờ mới tiếp tục đi kiếm mồi cho đến khi mặt trời lặn. Ông làm việc đi, tớ sang bảo tay Đô chuẩn bị súng đạn.
Nói xong ông Kim đi ra khỏi phòng ông Côn.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!