Bí Thư Tỉnh Ủy - Quyển 4 - Chương 130
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
44


Bí Thư Tỉnh Ủy


Quyển 4 - Chương 130


Nghị quyết 68 ra đời đã được gần hai năm. Năng suất lúa vụ sau cao hơn vụ trước. Từ chỗ chỉ đạt một tấn rưỡi, tấn tám trên một héc-ta thì giờ đây bình quân toàn tỉnh đã đạt năm tấn. Hồng Vân trở thành ngọn cờ đầu đạt đến bảy tấn trên một héc-ta. Gia Đạo cũng xấp xỉ sáu tấn. Chỉ mới bốn vụ lúa, hai chiêm hai mùa và hai vụ xen canh đã làm bộ mặt nông thôn Phước Vĩnh thay đổi hẳn. Người nông dân không những đủ ăn đủ mặc mà bắt đầu tính đến chuyện xây dựng nhà cửa. Nhiều tỉnh nghe nói Phước Vĩnh nhờ có khoán hộ mà năng suất lúa tăng lên gấp đôi gấp ba nên tổ chức đến tham quan và về tổ chức thực hiện khoán theo cách riêng của mình. Không ngờ việc làm đó đã làm hại ông Hoàng Kim. Một buổi chiều ông đang ngồi làm việc thì anh nhân viên cơ yếu của tỉnh ủy bước vào.

– Thưa bí thư, có điện tối mật của Ban bí thư Trung ương, chúng em vừa nhận và dịch xong.

Ông Kim cầm lấy bức điện xem rồi ngẩng đầu lên hỏi anh nhân viên:

– Có ai biết chưa?

– Dạ chưa. Chúng em giữ nguyên tắc của cơ yếu, điện gửi cho ai, chỉ người ấy được xem.

– Cám ơn cậu.

Anh nhân viên cơ yếu chào ông Kim rồi lui ra. Đúng lúc đó bà Thường bước vào. Thấy ông Kim cầm tờ giấy trên tay với dáng vẻ suy nghĩ, bà Thường hỏi:

– Chú đang đọc gì mà có vẻ suy nghĩ thế?

– Bên cơ yếu vừa đưa điện sang báo anh Trung Chính về làm việc với tỉnh ủy.

Thế là điều dự cảm của mình đã thành sự thật. Bà Thường nghĩ và hỏi:

– Bao giờ anh ấy về?

– Ngày mồng sáu tháng này. Anh Trung Chính sẽ về trước nửa ngày để làm việc với thường vụ. Anh ấy yêu cầu triệu tập từ bí thư huyện ủy trở lên và các cán bộ đầu ngành của tỉnh để nghe anh ấy nói chuyện vào ngày hôm sau.

– Tôi đoán không sai. Sấm sét sắp đổ xuống đầu chú rồi đấy.

– Cái gì đến rồi sẽ đến có gì mà lo hả chị – ông Kim điềm tĩnh nói – Có lẽ phải triệu tập thường vụ họp đột xuất để bàn công tác bảo vệ chứ anh ấy ở lại qua đêm là phức tạp lắm.

Bà Thường hỏi:

– Chú định bố trí chỗ ăn ở ra sao? Anh Trung Chính là người rất kỹ tính.

– Có lẽ phải dọn dẹp lại cho thật sạch sẽ mấy gian nhà dành cho các ông phái viên ở trước đây cho anh Trung Chính và đoàn tùy tùng ở chứ chẳng có chỗ nào hơn. Việc bảo vệ phải gọi tay Thạch qua để giao nhiệm vụ cho nó. Ta họp thường vụ ngay bây giờ nhé.

Bà Thường bảo:

– Tôi thấy chẳng cần triệu tập thường vụ họp làm gì. Ăn ở thì gọi chú Phương, chánh văn phòng lên giao nhiệm vụ. Còn việc bảo vệ thì nói với chú Quốc gọi Trưởng Ty Công an đến bàn bạc công tác bảo vệ vòng trong vòng ngoài như thế nào, thế là xong. Tôi nghĩ lần này anh Trung Chính lên đây mục đích là để nói về Nghị quyết 68 và những việc làm của các Hợp tác xã đang diễn ra lâu nay. Chú nên dành thời gian suy nghĩ về vấn đề này để nếu nhỡ anh Trung Chính có hỏi còn trình bày với anh ấy.

Ông Kim nói nhẹ bẫng:

– Có gì mà phải suy nghĩ. Mình nghĩ thế nào, cứ thế mà nói. Đừng nói dối thì thôi. Tôi đồng ý là không phải họp thường vụ nữa. Để tôi qua báo cậu Đô cho gọi cậu Phương để giao cho việc chuẩn bị ăn ở.

– Để đấy tôi đi gọi cho.

– Vậy tôi nhờ chị.

Bà Thường đứng lên đi ra.

Được bà Thường báo tin, ông Côn vội vã đến chỗ ông Kim. Hỏi loanh quanh một lúc, ông Côn bảo:

– Tự nhiên tôi thấy lo quá anh ạ. Tôi có linh cảm sẽ có chuyện chẳng lành đối với anh cũng như thành quả vừa đạt được qua hai năm thực hiện Nghị quyết 68.

– Vì sao ông lại có cái linh cảm kỳ quặc như vậy? – Ông Kim hỏi.

– Tôi chẳng biết giải thích thế nào với anh. Nhưng những gì mà ông Bao và ông Đỗ đã làm trong thời gian qua đã báo hiệu cơn sóng gió sẽ đến với anh cũng như tỉnh ủy chúng ta.

Ông Kim ngồi nghĩ ngợi sau câu nói của ông Côn. Lát sau ông nói:

– Có lẽ ông nói đúng. Việc rút anh Ẩn về để thay ông Đỗ vào đó đã nói lên thái độ kiên quyết của anh Trung Chính buộc chúng ta trở về con đường làm ăn như cũ. Nếu vậy thì tội cho nông dân quá ông ạ.

Phương vào cắt đứt câu chuyện giữa ông Kim và ông Côn:

– Bí thư cho gọi tôi ạ? – Phương hỏi.

– Ừ. Cậu ngồi uống nước rồi tớ sẽ giao nhiệm vụ cho cậu.

Ông Côn đứng lên lẳng lặng ra khỏi phòng.

Ông Kim nói với Phương:

– Có hai việc tớ giao cho cậu phải làm ngay từ hôm nay đây. Việc thứ nhất là triệu tập các bí thư huyện ủy, các tỉnh ủy viên và cán bộ đầu ngành của tỉnh sáu rưỡi sáng ngày mồng bảy phải có mặt ở hội trường tỉnh ủy để họp. Không ai được vắng mặt. Việc thứ hai là cho quét tước, dọn dẹp dãy nhà của các ông phái viên ở trước đây cho sạch sẽ đàng hoàng để tiếp khách. Thứ ba là sửa sang hầm trú ẩn quanh nhà khách cho sạch sẽ. Thường xuyên kiểm tra xem có rắn rết gì ở trong hầm không. Bộ bàn ghế sa-lông để ở trong phòng ông Đỗ còn để đó hay đưa trả lại phòng khách rồi?

– Tôi đã cho nhân viên đưa về phòng khách của tỉnh ủy rồi.

– Cho đem đặt lại như cũ và đánh vécni lại cho đàng hoàng. Đây là phòng của vị lãnh đạo cao cấp ở nên cậu cần để mắt tới một chút. Vị này khó tính lắm đấy.

Phương tò mò:

– Ai đấy ạ?

– Chỉ được báo là có cán bộ lãnh đạo về làm việc với tỉnh ủy chứ tớ không biết ai về.

Phương cười:

– Bí thư vừa nói vị này khó tính lắm sao lại bảo không biết ai. Khách ở lại bao nhiêu ngày và ăn uống thế nào ạ?

– Trước mắt mới biết ở đây một buổi chiều, một đêm và cả ngày hôm sau. Còn có ở thêm nữa hay không khi khách lên mới biết được. Không biết ăn uống sẽ tính sao đây? Cũng chẳng biết đoàn có bao nhiêu người để mà tính toán.

– Tôi cứ cho chuẩn bị thực phẩm cho khách đặc biệt gồm mười người, thiếu thừa gì đó tính sau có được không ạ?

– Thế cũng được. Cậu nhớ là trong đoàn có một khách đặc biệt phải ăn riêng một mâm đấy nhé.

– Vâng. Còn gì nữa không ạ?

– Nhớ ra việc gì tớ sẽ xuống nói với cậu sau. Chỉ nhắc cậu là phòng gian bảo mật cho tốt. Không để anh chị em nhân viên bàn tán, đoán non đoán già đấy nhé.

Phương ra khỏi phòng. Ông Kim hút một điếu thuốc lào rồi cũng đứng lên đi ra khỏi phòng về nhà lấy xe đạp nhảy lên đạp đi.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN