Biệt Thự Hà Lan - Chương 8: Me-grêvà các cô gái
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
138


Biệt Thự Hà Lan


Chương 8: Me-grêvà các cô gái


Thay vì băng qua thị trấn để từ văn phòng ty cảnh sát trở về khách sạn Van Hát-xen, viên chỉ huy trưởng đã vòng qua các bến tàu, Giăng Đuy-clô đi theo ông dù bước đi, dáng điệu đến gương mặt đều toát ra vẻ khó chịu.

– Ông biết rằng ông làm cho mình thành ra khả ố chứ? Cuối cùng ông ta lúng búng, vừa nói vừa nhìn cái cần cẩu bạc đang hoạt động, móc của nó vừa quệt vào đầu hai người.

– Bởi vì?…

Đuy-clô nhún vai, bước mấy bước và không trả lời.

– Dẫu sao thì ông cũng không hiểu! Hoặc giả ông không muốn hiểu! Ông cũng giống như mọi người Pháp.

– Tôi thấy hình như chúng ta cùng một quốc tịch thì phải…

– Chỉ có điều tôi thì tôi đã đi đây đi đó nhiều… Tôi có một vốn văn hóa thế giới… Tôi biết nhập gia tùy tục. Còn ông, từ lúc ông đến đây, ông cứ lao thẳng tới, chẳng hề lo đến nhữnh điều có thể xảy ra.

– Không cần biết…, chẳng hạn như,… người ta có muốn khám phá ra thủ phạm hay không?

Đuy-clô hăng lên:

– Sao lại không? Đây không phải là một tội ác động cơ trộm cắp. Vậy thì kẻ gây ra nó không phải là một tên giết người và trộm cắp chuyên nghiệp… Đó không phải là một kẻ cần thiết phải bỏ tù để bảo vệ xã hội.

– Trong trường hợp ấy thì….

Me-grê có một kiểu cách vui thích trong việc hút tẩu và chắp tay sau lưng.

– Ông hãy nhìn xem… Đuy-clô vừa thì thầm vừa chỉ cái khung cảnh xung quanh hai người. Cái thị trấn sạch sẽ trong đó tất cả đều được xếp đặt ngăn nắp như trong cái tủ chè của một bà nội trợ đảm đang, cái hải cảng quá nhỏ để không khí ở đó có thể gay gắt, những con người chân chất đứng trên những đôi guốc màu vàng.

Rồi ông ta tiếp lời:

– Mỗi người kiếm sống phần mình… Mỗi người dân hầu như là hạnh phúc. Và nhất là mỗi người đều kiềm chế bản năng của mình, bởi vì đó là luật lệ, đó là sự cần thiết để sống thành xã hội… Pi-pê-kam sẽ khẳng định với ông rằng trộm cắp là chuyện cực kì hiếm hoi. Sự thật là kẻ ăn trộm một cái bánh mì nặng hai bảng cũng không thoát khỏi ít ra là vài tuần lễ ngồi tù… ông có thấy chỗ nào lộn xộn?… Không có bọn du đãng! Không có ăn mày. Đó lá sự sạch sẽ có tổ chức…

– Và tôi đến xô đổ lọ độc bình?

– Hãy khoan! Những ngôi nhà ở bên tay trái cạnh sông Am-tec-đi-ep, là những vị thân hào, những người giàu có, những người nắm giữ một quyền lực nào đó. Tất cả mọi người đều biết họ… Ở đó có ông thị trưởng, các mục sư, các giáo sư, các viên chức, tất cả những người trông nom cho thị trấn không bị quấy phá, cho mỗi người giữ đúng vị trí của mình không va chạm với kẻ láng giềng. Những con người ấy, tôi tin là tôi đã nói với ông, không cho mình ngay cả cái quyền được đi đến quán cà-phê, vì như thế là nêu gương xấu… Vậy mà, một tội ác đã xảy ra… Ông cảm thấy một tấn thảm kịch gia đình…

Me-grê nghe, mắt vẫn nhìn những con tàu mà mặt boong cao hơn hẳn bến tàu, đứng vươn mình như những bức tường sặc sỡ, vì đó là lúc triều lên.

– Tôi không biết ý kiến của Pi-pê-kam, một viên thanh tra rất được trọng nể. Tôi chỉ biết, điều hay nhất cho tất cả mọi người là ngay tối nay, thông báo rằng kẻ giết giáo sư là một thủy thủ nước ngoài và công việc tìm kiếm sẽ tiếp tục… Hay cho tất cả mọi người! Cho bà Pô-pin-ga! Cho gia đình bà ta! Cho người cha của bà, một nhà trí thức danh giá! Cho cô Bét và cho ông Li-ê-ven… Nhưng trước hết là cho tấm gương!… Cho những kẻ sống trong những ngôi nhà nhỏ bé ở thị trấn luôn luôn nhìn ngó những gì xảy ra trong các ngôi nhà lớn bên sông Am-xtec-đi-ep và sẵn sàng làm theo đúng như thế… Ông, thì ông muốn chân lí vì chân lí, vì cái vinh quang hão là phá được một vụ án khó…

– Đó là những điều Pi-pê-kam nói với ông sáng nay chứ gì?.. Ông ta cũng nhân dịp ấy hỏi ông làm thế nào cho nguội cái nhiệt tình gây rối của tôi… Và ông đã bảo ông ta rằng ở bên Pháp, những người như tôi có thể mua được với một bữa ăn ngon, kể cả với một món tiền chè nước…

– Chúng tôi không nói những câu chính xác như thế.

– Ông có biết tôi nghĩ đến cái gì không ông Giăng Đuy-clô?

Me-grê dừng lại để thưởng thức dễ hơn toàn cảnh bến cảng. Một chiếc thuyền nhỏ xíu được lắp đặt thành tiệm hàng hóa, đi từ tàu này sang tàu khác, áp mạn những xà lan và những tàu buồm bán bánh mì, bánh ngọt, thuốc lá, tẩu và rượu đỗ tùng, cái động cơ chạy xăng của nó nổ giòn và nhả khói.

– Tôi nghe ông đây.

– Tôi nghĩ rằng ông có cái may là đã ra khỏi phòng tắm với khẩu súng lục trên tay.

– Thế nghĩa là?…

– Chẳng có nghĩa gì! Ông hãy nhắc lại cho tôi nguyên một điều là ông không nhìn thấy ai trong cái buồng tắm ấy chứ?

– Tôi không thấy ai cả.

– Ông cũng không nghe thấy gì sao?

Ông ta quay mặt đi.

– Tôi không nghe thấy gì chính xác… Có thể tôi có cảm tưởng là có cái gì động đậy dưới nắp bồn tắm…

– Ông cho phép?… Tôi thấy có người nào đợi tôi kìa.

Và ông tiến từug bước dài về phía cửa khách sạn Van Hát-xen, ở đó ông thấy Bét Li-ê-ven đang sải chân trên vỉa hè đợi ông tới.

Cô cố gắng mỉm cười với ông như những lần trước, nhưng nụ cười của cô thiếu hào hứng. Người ta cảm thấy cô đang bứt rứt. Cô tiếp tục quan sát con phố như thể sợ thấy một người nào đó nhào ra.

– Tôi đợi ông có đến nửa giờ rồi.

– Cô vào chứ?

– Không phải vào tiệm cà-phê chứ ông?

Vào đến hành lang, ông do dự một giây, ông cũng không thể tiếp cô ta trong buồng. Thế là ông đẩy cửa gian phòng nhảy, rộng rãi và trống trơn, trong đó tiếng nói vang dội như trong một ngôi đền.

Trong ánh sáng ban ngày, cái phòng trang trí sân khấu trông xỉn màu, bụi bặm. Chiếc đàn pi-a-nô mở nắp. Có một cái trống đại để trong một góc phòng và những chiếc ghế chồng chất nhau cao đến tận trần nhà.

Phía đằng sau, những tràng hoa giấy chắc là đã được dùng cho một vũ hội.

Bét vẫn giữ được vẻ khỏe mạnh. Cô mặc một bộ quần áo xanh và bộ ngực cô trông lẳng hơn bao giờ hết dưới làn áo lót bằng lụa trắng.

– Cô đã ra được khỏi nhà rồi à?

Cô không trả lời ngay lập tức. Hiển nhiên là cô có nhiều điều để nói, nhưng cô không biết bắt đầu từ đâu.

– Tôi tự trốn ra! Cuối cùng cô tuyên bố. Tôi không thể ở lại được nữa. Tôi sợ! Chính bà người ở đã báo cho tôi là bố tôi đang nổi giận, là ông cụ có thể giết tôi… Mà ông cụ đă nhốt tôi trong buồng, chẳng nói chẳng rằng… Vì lúc đang giận dữ thì khôg bao giờ ông cụ mở miệng. Đến hôm nọ, bố con tôi trở về không ai nói gì với ai. Ông cụ đã khóa trái cửa lại. Chiều hôm nay bà người ở đã nói với tôi qua lỗ khóa… Hình như ông cụ về nhà lúc giữa trưa, mặi tím ngắt… Ông ăn trưa rồi đi bách bộ từng bước dài xung quanh trại…

Cuối cùng ông đi ra mộ mẹ tôi…

Mỗi lần phải quyết định một việc lớn, ông lại ra đấy. Thế là tôi đập vỡ một ô cửa kính, bà người ở đưa cho tôi một cái vít và tôi đã tháo ổ khóa… Tôi không muốn quay lại nơi ấy nữa… ông không biết bố tôi đấy…

– Một câu hỏi! – Me-grê ngắt lời cô.

Và ông nhìn cái xắc nhỏ bằng da dê bóng lộn mà cô cầm trong tay:

– Cô mang theo bao nhiêu tiền?

– Tôi không biết nữa… Có thể 500 phlô-ranh.

– Để ở trong buồng cô à?

Cô đỏ mặt, ấp úng:

– Để trong bàn làm việc..Đầu tiên tôi định ra ga. Nhưng trước mặt tôi có một người sát.. Tôi liền nghĩ đến ông.

Hai người đứng đó như đứng trong một phòng đợi, ở đấy không thể tạo được một không khí thân mật và ngay cả việc lấy hai chiếc ghế trong số ghế chồng chất để ngồi họ trong không nghĩ tới.

Bét đang bứt rứt nhưng cô không hoảng hốt. Có thể vì thế mà Me-grê nhìn cô với một sự thù nghịch nhất định, tình cảm ấy rõ nhất trong giọng ông khi ông hỏi:

– Bao nhiêu người đàn ông đã được cô đề nghị đem cô đi?

Cô nàng chới với. Cô quay mặt đi, lắp bắp: – Ông nói gì cơ?

– Trước hết với Pô-pin-ga… Đấy có phải người đầu tiên không?

– Tôi không hiểu.

– Tôi hỏi cô phải chăng đó là người tình đầu tiên của cô?

Một sự im lặng khá dài. Rồi:

– Tôi không tin rằng ông độc ác với tôi đến thế…

Tôi đến đây…

– Đó có phải ngưởi đầu tiên không? Tóm lại, chuyện ấy kéo dài đã hơn một nửa… Nhưng trước đó..

– Tôi… tôi đã ve vãn ông thầy dạy thể dục ở trường trung học ở Grô-nin-gen…

– Ve vãn.

– Chính ông ta… ông ta đã..

– Được, vậy là cô đã có một người tình trước Pô-pin-ga… Không còn ai khác?…

– Không! – Cô kêu lên một cách bất bình.

– Và cô đã là người tình của Ba-renx?

– Cái đó không đúng… Tôi xin thề…

– Cô đã có những cuộc hẹn hò với anh ta…

– Tại vì cậu ấy si… Cậu ấy chỉ mới dám ôm hôn tôi…

– Và, trong lần hẹn cuối cùng, cái lần bị gián đoạn vì tôi và bố cô đến, cô đã đề nghị cậu ấy là cả hai người ra đi…

– Làm sao ông biết?…

Suýt nữa thì ông phá ra cười! Cái bộ ngây thơ lừa người! Cô nàng đã lấy lại được được phần nào bình tĩnh! Cô nói những chuyện nọ với một sự thật thà đặc biệt!

– Cậu ấy không muốn à?

– Cậu ấy sợ… Cậu ấy bảo là không có tiền.

– Và cô đề xuất lấy tiền ở nhà cô? Nói gọn, từ lâu rồi cô đã nung nấu cái ý muốn đi trốn… Mục tiêu lớn trong đời cô là rời bỏ Ben-phơ-di đi theo một người đàn ông nào đó…

– Không phải bất kì người nào! – Cô chỉnh lại, phật ý. – Ông ác lắm! Ông không muốn hiểu.

– Hiểu chứ! Hiểu chứ! Thậm chí đơn giản như chuyện con nít! Cô yêu cuộc sống! Cô thích đàn ông! Cô thích tất cả những niềm vui mà người ta có thể được hưởng thụ…

Cô cụp mắt xuống, lục lọi chiếc xắc tay.

– Cô phiền muộn trong cái trại kiểu mẫu của ba cô! Cô thèm muốn cái khác! Cô bắt đầu ở trường học, lúc mười bảy tuổi, bằng ông thầy dạy thể dục… Không thể làm cho ông ta quyết định ra đi… Ở Đen-phơ-di, cô điểm mặt suốt lượt đàn ông và cô tìm ra một người có vẻ can đảm hơn những người khác. Pô-pin-ga đã đi đây đi đó… Ông ta cũng yêu cuộc sống… Những thành kiến làm ông ta khó chịu… cô nhào vào lòng ông ta…

– Tại sao ông nói…

– Có thể tôi nói quá! Hãy cho là, vì cô là một cô gái xinh xắn, ngon lành quá sức, ông ta liền tán tỉnh. Nhưng tán tỉnh một cách rụt rè, vì ông ta sợ những sự rắc rối, sợ vợ, sợ A-ni, sợ ông hiệu trưởng, sợ học trò…

– Nhất là sợ A-ni!

– Chốc nữa ta sẽ nói về việc đó… Ông ta ôm hôn cô trong những xó xỉnh… Tôi đánh cuộc rằng ông ta thậm chí không có can đảm thèm muốn nhiều hơn… Có điều là cô lại tin rằng đã đến lúc… Ngày nào cô cũng chắn lối ông ta… Cô đem hoa quả đến nhà… Cô nhảy vào việc nội trợ… Cô đòi được đưa tiễn về bằng xe đạp và hai người dừng lại đằng sau đống gỗ… Cô viết cho ông ta những bức thư nói lên ý nguyện đi trốn của cô…

– Ông đã đọc rồi?

– Phải!

– Và cô tin rẳng không phải ông ta là người khởi đầu chứ?

Cô ta lồng lên.

– Thoạt đầu anh ấy bảo tôi rằng anh ấy thật bất hạnh, rằng bà Pô-pin-ga không hiểu anh ấy, bà ta chỉ nghĩ đến miệng tiếng thế gian, rằng sống như thế thật ngu xuẩn, và tất cả…

– Đúng thế!

– Ông thấy rõ là…

– Trong một trăm người đàn ông có vợ thì có sáu mươi anh nói thế với cô gái quyến rũ đầu tiên mà họ gặp… – Chỉ có điều, kẻ bất hạnh sẽ lao vào cô nào tin ngay tắp lự câu nói ấy.

– Ông ác lắm, ác lắm…

Cô sắp sửa phát khóc. Cô tự kiềm chế, dậm chân để nhấn mạnh cái từ Ác.

– Tóm lại, ông ta cứ lui mãi cái ngày lên đường trứ danh ấy và cô đã cảm thấy rất đúng là ông ta sẽ chẳng bao giờ thực hiện nó..

– Nói thế không đúng!

– Đúng chứ! Và chứng cớ là, có thể nói, trước cái khả năng không chắc chắn ấy, cô đã tự bảo hiểm bằng cách chấp nhận sự ngưỡng mộ của Ba-renx… Một cách cẩn trọng… Bởi vì cậu ấy là một chàng trai nhút nhát có giáo dục, lễ phép, mà người ta không nên trêu tức…

Khủng khiếp thật!

– Đó là một câu chuyện nho nhỏ có thật…

– Ông ghét tôi phải không?

– Tôi ấy à?… Không hề.

– Ông ghét tôi! Tuy nhiên tôi thật bất hạnh… Tôi yêu Côn-rát.

– Thế còn Cor-nê-li-uýt? Còn ông thầy dạy thể dục?

Lần này thì cô khóc, cô dậm chân

– Tôi cấm ông…

– Nói rằng cô không yêu họ! Sao lại không? Cô yêu họ trong chừng mực, đối với cô, họ tiêu biểu cho một cuộc đời khác, cho cuộc lên đường lớn lao lúc nào cũng ám ảnh cô.

Cô không nghe nữa. Cô rên rỉ

– Lẽ ra tôi không nên đến.. Tôi cứ tin..

– … Là tôi sẽ đặt cô dưới sự bảo trợ của tôi? Thì tôi làm việc ấy đây!… Chỉ có điều tôi không coi cô như một nạn nhân cũng không như một nữ anh hùng. Cô là một cô gái nhỏ phàm ăn, hơi ngốc nghếch, hơi ích kỉ, chỉ có thế!… Một cô gái nhỏ như nhiều cô trên đời này…

Cô ngước lên, cặp mắt ẩm ướt trong đó đã có ánh hi vọng.

– Tất cả mọi người đều ghét tôi. – Cô lầm bầm.

– Tất cả mọi người là ai?

– Bà Pô-pin-ga trước hết, bởi vì tôi không giống bà ta! Bà muốn tôi suốt ngày may vá quần áo cho thổ dân châu úc hay đan lát cho người nghèo… Tôi biết rằng bà đã bảo các cô gái ở nhà nữ tế bần đừng có bắt chước tôi… Và thậm chí bà còn tuyên bố rằng tôi sẽ đi đến chỗ chẳng ra gì nếu không tìm được ngay một tấm chồng… Người ta đã nói lại với tôi thế…

Lại như thấy một làn hương ôi oai của cái thị trấn nhỏ: nhà nữ tế bần, những chuyện tán nhảm, những cô gái nhà lành quây quần quanh một bà trưởng hội từ thiện, những lời khuyên răn và những câu tâm sự trí trá.

– Nhưng trước hết là A-ni..

Cô ấy ghét cô.

– Vâng!… Thậm chí phần lớn lúc tôi đến, cô ta bỏ phòng khách lên buồng… Tôi bảo đảm là cô ta đã đoán biết sự thật từ lâu… Bà Pô-pin-ga, dẫu sao cũng là một người phụ nữ tử tế.. Bà chỉ tìm cách làm tôi thay đổi phong thái, thay đổi kiểu áo. Và nhất là làm tôi đọc những thứ sách khác ngoài tiểu thuyết…

Nhưng bà không ngờ vực tý gì. Chính bà bảo Côn-rát đưa tôi về…

Một tràng cười kì cục phảng phất trên gương mặt Me-grê.

– A-ni thì là chuyện khác!… ông đã thấy cô ta đấy!… Cô ta xấu xí!… Răng thì khập khểnh!… Chẳng bao giờ cô được đàn ông nào tán tỉnh!.. Cô ta biết lắm!.. Cô ta biết mình sẽ thành gái già… Và chính vì thế mà cô ấy học hành, mà cô ấy muốn có một cái nghề… Cô ta làm bộ ghét đàn ông!

Bét trở lại hăng hái. Người ta cảm thấy một mối oán thù lâu ngày cuối cùng đang bùng ra.

– Vì thế, lúc nào cô ta cũng rình mò trong nhà, canh giữ Côn-rát… Bị buộc phải làm người đức hạnh, cô ta muốn mọi người cũng phải thế… Ông hiểu chứ?… Cô ta đã đoán ra, tôi chắc chắn như vậy. Cô ta chắc đã tìm cách làm cho ông anh rể quay lưng với tôi.

Và cả Cor-nê-li-uýt nữa!… Cô ta biết rõ ràng tất cả bọn đàn ông đều nhìn tôi, kể cả ông Vi-é-nan, ông ấy tuy không bao giờ dám nói gì với tôi, nhưng lúc nhảy với tôi là mặt mũi đỏ nhừ. Vợ ông ấy cũng ghét tôi vì thế… Có thể A-ni đã không nói gì với chị cô… Có thể là cô ấy đã nói… Thậm chí có thể chính cô ấy đã tìm thấy những lá thư của tôi.

– Vậy thì ai giết? – Me-grê hỏi một cách cộc cằn.

Cô ấp úng:

– Xin thề là tôi không biết… Tôi không nói chuyện ấy. Nhưng A-ni là một thứ thuốc độc. Phải chăng lỗi tại tôi mà cô ấy xấu xí?

– Cô có chắc là cô ta không bao giờ có người yêu?

Ái chà! Lại là cái nụ cười, đúng hơn là tiếng cười khúc khích của Bét, tiếng cười đắc thắng một cách bản năng của người phụ nữ được người đời thèm muốn – nó nghiền nát một cô gái xấu xí.

Nên tin rằng đó chỉ là chuyện những cô gái nhỏ ở kí túc xá tranh chấp nhau vì một cái vặt vãnh nào đó.

– Dù thế nào thì cũng không có ở Đen-phơ-di…

– Cô ấy cũng ghét cả ông anh rể ư?

– Tôi không biết… Đó là chuyện khác!… Anh ấy là người trong gia đình… Và tất cả gia đình chẳng thuộc về cô ta ít nhiều đó sao?… Vậy thì cô ta phải canh phải giữ anh ấy.

– Nhưng không phải giết anh ấy chứ?

– Ông cho là sao? Ông cứ nói thế mãi!

– Tôi không cho là cái gì hết! Hãy trả lời tôi. Ôx-tinh có nắm được quan hệ của cô với Pô-pin-ga không?

– Người ta cũng đã nói với ông chuyện ấy à?

– Hai người cùng đi với nhau trên tàu của lão ấy đến tận những dải cát của đảo Uốc-kum… Lão để hai người riêng một chỗ chứ?

– Vâng! Lão điều khiển trên boong.

– Và để hai người trong ca-bin…

– Đó là lẽ tự nhiên… ở ngoài mát mẻ…

– Cô không gặp lại lão kể từ… từ khi Côn-rat chết?

– Không!… Tôi thề…

– Lão có bao giờ tán tỉnh cô không?

Cô cười nhếch mép.

– Lão ấy?…

Tuy nhiên cô lại thấy muốn khóc, muốn rã rời. Bà Van Hát-xen, rốt cuộc nghe thấy có tiếng động, thò đầu qua một cái cửa mở hé, ấp ủng máy lời xin lỗi và trở lại bên két. Rồi một sự lặng im.

– Cô tin là bố cô thực tình có khả năng giết cô?

– Vâng! Ông cụ sẽ làm việc ấy…

– Vậy thì ông cũng có thể giết người tình của cô?

Cô trợn tròn hai mắt một cách kinh hoàng, đột ngột phản đối:

– Không!… Không đúng thế!… Không phải ba…

– Tuy nhiên tối hôm án mạng, khi cô về đến nhà thì ông ấy không có nhà…

– Làm sao ông biết?

– Ông ấy về sau cô một lúc phải không?

– Sau ngay lập tức… nhưng..

– Trong những lá thư cuối cùng cô ta ra nôn nóng. Cô cảm thấy rằng Côn-rat thoát khỏi tay cô, cuộc phiếu lưu bắt đầu làm anh ấy sợ, rằng dù Mathll anh ấy cũng sẽ chẳng đời nào bỏ gia đình để đi ra nước ngoài với cô…

– Ông muốn nói gì thế?

– Chẳng có gì. Tôi làm một việc hiệu chỉnh nho nhỏ. Cha cô chắc chắn là sắp đến đây…

– Cô nhìn ngó xung quanh, khắc khoải. Cô như muốn tìm một lối thoát.

– Đừng sợ gì hết… Tối nay tôi cần đến cô..

– Tối nay?

– Phải. Chúng ta sẽ dựng lại những sự việc và cử chỉ của mỗi người trong cái đêm án mạng…

– Ông ấy sẽ giết tôi!

– Ai?

– Cha tôi!

– Tôi sẽ ở đó. Không sợ gì hết.

– Nhưng…

Cửa mở, Giăng Đuy-clô bước vào, đóng sập cửa lại, vặn chìa khóa, tiến tới với một vẻ bận rộn.

– Chú ý, ông chủ trại đến đấy… ông ta..

– Ông đưa ông ta vào phòng…

– Phòng tôi?

– Thì phòng tôi nếu ông thích? Người ta nghe tiếng những bước chân trong hành lang.

Gần sân khấu có cái cửa ăn ra cầu thang phục vụ. Hai người đi qua lối ấy. Me-grê mở khóa, chạm trán ông chủ trại Li-ê-ven, ông này nhìn qua vai viên chỉ huy trưởng.

– Bét đâu?

Lại diễn ra vấn đề ngôn ngữ. Họ không thể hiểu nhau. Me-grê tự bằng lòng với việc dùng tấm thân dày cộp của mình làm vật cản để gỡ được vài phút mà vẫn tránh làm cho ngườỉ đối thoại với mình nổi giận.

Giăng Đuy-clô trở xuống không chậm trễ, ra vẻ thoải mái một cách giả tạo.

– Ông bảo ông ta rằng tối nay cô con gái ông ấy sẽ được trả về, rằng người ta cũng cần cả ông ta để dựng lại vụ án…

– Có cần phải?…

– Nhưng ông cứ dịch đi, khỉ ạ, bởi vì tôi bảo ông thế!

Đuy-clô dịch, bằng một giọng ngọt ngào. Ông chủ trại nhìn cả hai người.

– Nói thêm với ông ta là tối nay kẻ giết người sẽ bị tống giam…

Câu nói được dịch lại. Lúc đó Me-grê vừa vặn kịp chồm lên, xô ngã Li-ê-ven, ông này đã vớ lấy một khẩu súng lục và tìm cách quay nòng súng vào thái dương mình.

Cuộc vật lộn ngắn ngủi. Me-grê nặng đến nỗi địch thủ của ông lập tức nằm bất động, bị tước vũ khí, trong khi một chồng ghế bị hai tấm thân xô phải, sụp đổ xầm xầm, làm viên chỉ huy trưởng bị thương ở trán.

– Khóa trái cửa lại! – Me-grê kêu lên với Đuy-clô. – Đừng để người ta vào mất công…

Và ông đứng dậy, thở hổn hển.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN