Biểu Tượng Thất Truyền - Chương 20
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
153


Biểu Tượng Thất Truyền


Chương 20


Robert Langdon lén nhìn đồng hồ một cách lo lắng: 7 giờ 58 phút tối. Gương mặt cười của chú chuột Mickey cũng chẳng làm anh vui lên bao nhiêu. Mình phải đi tìm Peter. Mình đang lãng phí thời gian.

Sato đã tránh sang bên một lát để gọi điện, nhưng giờ bà ta quay trở lại chỗ Langdon.

– Thưa Giáo sư, tôi đang làm ông nhỡ việc gì đó phải không?

– Không, thưa bà, – Langdon đáp, kéo ống tay áo phủ trùm lên đồng hồ – Tôi chỉ đang rất lo lắng cho Peter.

– Tôi hiểu, nhưng tôi quả quyết rằng hiện giờ điều tốt nhất ông làm được cho bạn ông là giúp tôi tìm hiểu ý đồ của kẻ bắt giữ Peter.

Langdon không dám chắc, nhưng anh cảm thấy anh chẳng thể đi đâu được cho tới khi vị Giám đốc OS có được thông tin mà bà ta muốn.

– Ban nãy, – Sato lên tiếng – ông nói rằng Nhà Tròn này có phần thiêng liêng hợp với ý tưởng về các Bí ẩn cổ xưa?

– Vâng, thưa bà.

– Hãy giải thích cho tôi xem nào?

Langdon biết anh sẽ phải lựa chọn ngôn từ thật đơn giản. Anh đã dạy nhiều học kỳ về các biểu tượng huyền bí của Washington D.C., chỉ riêng toà nhà này thôi đã đủ liệt kê một danh sách bất tận những chi tiết tham khảo.

Quá khứ của nước Mỹ còn chứa khá nhiều bí mật

Mỗi lần Langdon giảng về biểu tượng học của nước Mỹ, đám sinh viên lại ngạc nhiên vì biết rằng ý định thực sự của các vị tiền bối lập quốc chẳng mảy may liên quan với những điều mà nhiều chính trị gia ngày nay tuyên bố.

Vận mệnh tiền định của nước Mỹ đã chìm nghỉm trong lịch sử

Thoạt đầu, các vị tiền bối sáng lập đặt tên thành phố này là “Rome”, đặt tên con sông chảy qua đây là Tiber và dựng lên một thủ đô với nhiều đền thờ và thánh điện, tất cả đều được trang trí bằng hình ảnh của các vị thần vĩ đại trong lịch sử như Apollo, Minerva, Venus, Helios, Vulcan, Jupiter. Ở trung tâm thành phố, giống như nhiều thành phố cổ đại khác, họ xây dựng một cột tháp Ai Cập để làm lễ vật vĩnh cửu dâng hiến cổ nhân. Cột tháp ấy còn đồ sộ hơn cả cột tháp ở Cairo hay Alexandria, vươn tới độ cao 166,5 mét với hơn 30 tầng, thể hiện lời cảm tạ và kính trọng đối với vị cha già mà thành phố thủ đô này đang mang tên.

Washington.

Giờ đây, sau nhiều thế kỷ, bất chấp sự phân chia tôn giáo và thành bang của nước Mỹ, Nhà tròn vẫn lấp lánh những biểu tượng tôn giáo cổ xưa. Có cả tá thần thánh ở đây, nhiều hơn cả Đền Pantheon nguyên bản bên Rome. Dĩ nhiên, đền Pantheon của người La Mã đã bị cải sang Thiên Chúa giáo từ năm 609… nhưng đền Pantheon Hoa Kỳ thì chẳng bao giờ bị cải giáo cả, mọi dấu tích về lịch sử đích thực của nó vẫn nguyên vẹn như xưa.

– Có thể bà đã biết, – Langdon nói – Nhà tròn được thiết kế như vật hiến tế cho một trong những thánh điện huyền bí tôn nghiêm nhất thành Rome. Đền thờ Vesta 1.

– Như các vũ nữ ấy hả? – Xem ra Sato không tin nổi những trinh nữ canh giữ ngọn lửa lại có gì đó liên quan đến Điện Capitol ở Hoa Kỳ.

– Đền Vesta ở Rome mang hình tròn, – Langdon đáp – với một lỗ to trên sàn nhà, nơi các vũ nữ canh giữ ngọn lửa khai sáng linh thiêng. Nhiệm vụ của họ là giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt.

Sato nhún vai.

– Nhà tròn này quả đúng là hình tròn, nhưng tôi chẳng thấy cái lỗ nào trên sàn nhà cả.

– Không, làm gì còn nữa, nhưng có thời chính giữa căn phòng này có một cái lỗ lớn. Ở đúng vị trí bàn tay của Peter bây giờ – Langdon trỏ xuống sàn – Thực ra, bà vẫn tìm thấy trên sàn các dấu vết của hàng rào chắn bảo vệ mọi người khỏi bị ngã xuống lỗ đấy.

– Sao cơ? – Sato hỏi, chăm chú ngó sàn nhà – Tôi chưa bao giờ nghe nói đến điều đó.

– Có lẽ ông ấy nói đúng – Anderson trỏ một vòng núm sắt từng là vị trí các cọc lan can – Tôi trông thấy những thứ này đã bao lần, nhưng chẳng hiểu nổi tác dụng của chúng là gì.

Đâu phải chỉ riêng ông, Langdon nghĩ, hình dung ra hàng nghìn người, kể cả những nghị sĩ tiếng tăm, hằng ngày qua lại trung tâm Nhà tròn mà không hề biết rằng đã có thời, nếu đi như thế thì họ sẽ rơi tõm xuống Hầm ngầm Điện Capitol ngay bên dưới.

– Cái lỗ hổng trên nền bị lấp rồi – Langdon giải thích – Nhưng trước đây khách tới thăm Nhà tròn có thể nhìn thẳng xuống ngọn lửa cháy sáng ở bên dưới.

Sato quay lại.

– Lửa à? Ngay trong Điện Capitol ư?

– Giống như một ngọn đuốc khổng lồ ấy mà. Một ngọn lửa vĩnh cửu cháy sáng ở hầm ngầm ngay dưới chân chúng ta đây. Lổ hổng nhìn xuống ngọn lửa, khiến gian phòng giống một Đền thờ Vesta hiện đại. Thậm chí còn có hẳn một Vu nữ ở toà nhà này, một nhân viên liên bang gọi là Vu nữ Nhà hầm. Bà ta trông nom cho ngọn lửa cháy sáng suốt năm mươi năm trời, tới tận khi chính trị, tôn giáo và tác hại của khói khiến người ta buộc phải chấm dứt việc đốt lửa.

Cả Anderson và Sato đều tỏ ra ngạc nhiên.

– Ngày nay, thứ duy nhất gợi nhớ ngọn lửa một thời cháy sáng là chiếc la bàn hình ngôi sao bốn cánh gắn trên sàn nhà hầm, ở tầng dưới nơi họ đứng, tượng trưng cho ngọn lửa vĩnh cửu từng toả ánh sáng ra cả bốn hướng Tân Thế giới của nước Mỹ.

– Theo luận điểm của Giáo sư thì cái gã đã để bàn tay của Peter ở đây biết tất cả những tình tiết đó? – Sato chất vấn.

– Rõ ràng là như vậy, và còn biết hơn thế. Trong phòng này, có rất nhiều biểu tượng thể hiện niềm tin về những Bí ẩn cổ xưa.

– Tri thức bí mật, – Sato nói tiếp, giọng pha sự châm chọc – Kiến thức dẫn dắt con người tới những sức mạnh thần thánh, phải không?

– Vâng thưa bà.

– Nhưng điều đó không thích hợp lắm với nền tảng Thiên Chúa giáo của nước ta.

– Có lẽ thế, nhưng nó vẫn cứ đúng. Quá trình biến cải một con người thành một vị thần được gọi là phong thánh. Cho dù quý vị có biết về chủ đề biến cải người thành thần hay không thì nó vẫn là yếu tố cốt lõi trong hệ thống biểu tượng của Nhà tròn.

– Phong thánh ư? – Anderson vọt miệng, với vẻ mặt thảng thốt thừa nhận.

– Phải – Anderson làm việc ở đây. Ông ta biết rõ – Từ phong thánh (apotheosis) theo nghĩa đen là “quá trình biến cải thần thánh” quá trình một người thường trở thành thần linh. Nó xuất phát từ ngôn ngữ Hy Lạp cổ: apo là “trở thành” và theos là “thần thánh”.

Anderson có vẻ rất ngạc nhiên.

– Phong thánh nghĩa là “trở thành thần” à? Vậy mà tôi không biết.

– Còn gì nữa thế? – Sato chất vấn.

– Thưa bà, – Langdon đáp – bức vẽ lớn nhất trong toà nhà này có tên Sự phong thánh của Washington, và nó mô tả rất rõ George Washington đang được biến cải thành một vị thần.

Sato tỏ vẻ không tin.

– Tôi chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì tương tự.

– Thực lòng, tôi tin chắc bà đã thấy rồi – Langdon chỉ ngón trỏ thẳng lên trên – Nó ở ngay trên đầu bà đấy.

— —— —— —— ——-

1 Trong thần thoại La Mã. Vesta là nữ thần đồng trinh của lò sưởi, nhà và gia đình. Vesta thường được hình tượng hoá bằng ngọn lửa thiêng cháy tại các đền thờ của bà – ND.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN