Biểu Tượng Thất Truyền - Chương 6
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
141


Biểu Tượng Thất Truyền


Chương 6


– Thế nây là đã vào gần hết mức chưa? – Robert Langdon chợt cảm thấy lo lắng khi người lái xe đỗ lại trên phố Số 1, còn cách Điện Capitol những một phần tư dặm.

– Gần hết mức rồi đấy ạ – người lái xe đáp – Do quy định An ninh Nội địa, không xe cộ nào được lại gần các toà nhà quan trọng nữa. Tôi rất lấy làm tiếc, thưa ông.

Langdon nhìn đồng hồ, giật mình vì thấy đã 6 giờ 50 phút. Chỉ còn mười phút nữa là đến giờ diễn thuyết. Một công trường xây dựng quanh Công viên Quốc gia đã làm chậm hành trình của họ.

– Trở trời rồi – người lái xe nói, bước ra và mở cửa cho Langdon – Chắc ông sẽ phải nhanh lên đấy.

Langdon móc ví định boa cho người lái xe, nhưng anh ta khoát tay.

– Chủ nhà của ông đã tính một khoản thưởng rất hậu hĩ vào tiền cước rồi.

Đúng là Peter, Langdon nghĩ bụng, đoạn thu dọn đồ đạc của mình.

– Xong, rất cảm ơn anh về chuyến đi.

Khi Langdon tới tầng trên cùng của phòng đợi có mái vòm trang nhã dẫn xuống lối vào “ngầm” dành cho khách tham quan, trời bắt đầu lác đác vài giọt mưa.

Trung tâm du khách điện Capitol là một công trình tốn kém và gây nhiều tranh cãi. Được mô tả như một thành phố ngầm lớn ngang ngửa với Disney World, không gian dưới mặt đất này dành hẳn một diện tích rộng 45.000 mét vuông cho các hiện vật trưng bày, nhà hàng và phòng họp.

Langdon vẫn mong tới lúc được nhìn ngắm nơi đây, nhưng anh không lường nổi là phải đi bộ xa đến thế. Trời có vẻ sẽ đổ mưa bất kỳ lúc nào, và anh buộc phải bước rảo chân, đôi giày mềm gần như trượt đi trên nền xi măng ướt. Mình ăn mặc để lên diễn thuyết chứ có phải để chạy bổ xuống dốc cao mấy trăm thước trong mưa đâu.

Xuống đến bên dưới, Langdon đã mệt đứt hơi. Anh đẩy cánh cửa xoay, dừng lại một lát trong phòng giải lao để điều hoà nhịp thở và giũ bớt nước mưa, đồng thời ngước mắt nhìn không gian mới hoàn thành vừa hiện ra trước mặt mình.

Chà, quả là ấn tượng

Nơi này khác hẳn với hình dung của anh. Biết rằng người ta xây dựng trung tâm dưới lòng đất, Langdon đã từng ngại ngần khi nghĩ đến việc phải đi qua đây. Thuở bé, có lần anh bị mắc kẹt dưới đáy giếng sâu suốt một đêm, tai nạn ấy khiến anh trở nên dị ứng với những không gian khép kín. Nhưng cái thế giới dưới lòng đất này lại, rất thoáng đãng. Sáng sủa. Rộng rãi.

Trần nhà là một khoảng không mênh mông bằng kính gắn hàng loạt cụm đèn lộng lẫy, trải ánh sáng êm dịu khắp phần nội thất màu ngọc trai.

Kể như bình thường, Langdon sẽ tha thẩn cả tiếng đồng hồ để chiêm ngưỡng kiến trúc nơi này, nhưng vì chỉ còn năm phút nữa là đến giờ nên anh đành dẹp ý muốn ấy và lao qua sảnh chính để sang chỗ kiểm tra an ninh và thang máy. Cứ bình tinh nào, anh tự nhủ.

Peter biết là mình đang trên đường đến mà. Thiếu mình thì chương trình chưa bắt đầu đâu.

Tại quầy kiểm tra an ninh, khi Langdon moi đồ đạc khỏi các túi và tháo chiếc đồng hồ cũ rích của mình ra, tay bảo vệ gốc Tây Ban Nha liền gợi chuyện với anh.

– Chuột Mickey à? – gã ta hỏi, giọng khá hào hứng.

Đã quá quen với những phản ứng tương tự, Langdon gật gật đầu.

Chiếc đồng hồ Chuột Mickey này là món quà cha mẹ tặng anh nhân sinh nhật lần thứ 9.

– Tôi đeo nó để nhắc mình biết thong thả và đơn giản hoá cuộc sống đi.

– Tôi nghĩ nó vô tác dụng rồi, – gã bảo vệ cười – Trông ông đang cuống quít cả lên ấy!

Langdon mỉm cười và đẩy túi xách của mình qua máy chiếu X quang.

– Đi đường nào tới Sảnh Tượng đài nhỉ?

Tay bảo vệ ra hiệu về phía thang máy.

– Có biển chỉ dẫn đấy ạ!

– Cảm ơn – Langdon nhấc túi xách khỏi băng chuyền và vội vã bước đi.

Trong khi thang máy chạy lên. Langdon hít một hơi thật sâu và cố gắng tập hợp những ý nghĩ của mình. Anh ngước mắt, nhìn xuyên qua trần nhà bằng kính lấm tấm mưa lên vòm Điện khổng lồ đang ngập trong ánh đèn chiếu sáng. Quả là một toà nhà kỳ vĩ. Tít trên nóc, ngót 90 mét trong không trung, Tượng thần Tự do vươn cao giữa trời đêm mù sương như một tên lính gác ma quái. Cứ nghĩ chính các nô lệ là người nâng từng mảnh của bức tượng đồng cao gần 6 mét kia tới vị trí chót vót đó, Langdon lại cảm thấy thật chua chát. Việc thi công pho tượng này là một bí mật của Điện Capitol, hiếm khi xuất hiện trong bài giảng lịch sử ở bậc trung học.

Thực ra thì toàn bộ toà nhà cũng là một kho tàng chứa vô khối bí mật kỳ lạ, chẳng hạn cái “bồn tắm sát nhân” khiến Phó Tổng thống Henry Wilson viêm phổi mà chết, cái cầu thang với vết máu vĩnh viễn không phai làm bao nhiêu người vấp ngã, và một phòng hầm có niêm phong đựng con ngựa chết nhồi rơm của tướng John Alexander Logan, được các công nhân phát hiện ra vào năm 1930…

Tuy nhiên, không có câu chuyện nào tồn tại lâu như những lời đồn về mười ba bóng ma lang thang trong toà nhà. Người ta hay kháo nhau rằng linh hồn của Pierre L’Enfant – Kiến trúc sư thiết kế thành phố – vẫn thơ thẩn trong các đại sảnh, tìm cách thanh toán tờ hoá đơn tính đến nay đã quá hạn hai trăm năm của mình. Bóng ma của một công nhân ngã từ Vòm điện Capitol xuống trong lúc thi công thì thường lang thang ở các hành lang với một khay dụng cụ trên tay, và dĩ nhiên không thể thiếu con mèo đen chết yểu luôn lảng vảng trong cái mê cung kỳ quái gồm toàn những lối đi và phòng ngủ hẹp ở tầng hầm, đây cũng là bóng ma nổi tiếng nhất, xuất hiện rất nhiều lần trong tầng hầm Điện Capitol.

Langdon bước ra khỏi thang máy và lại nhìn đồng hồ. Còn ba phút. Anh vội vã đi xuống hành lang lớn, theo các biển chỉ dẫn để tới Đại sảnh Tượng đài Danh nhân và dượt lại phần phát biểu mở màn ở trong đầu. Langdon phải thừa nhận rằng viên trợ lý của Peter nhận xét rất có lý: chủ đề diễn thuyết hôm nay cực kỳ phù hợp với sự kiện do một thành viên quan trọng của Hội Tam điểm chủ trì, nhất là lại tổ chức tại Washington D.C.

Ai nấy đều biết thủ đô nước Mỹ có một lịch sử phong phú liên quan đến hội kín này. Chính George Washington đặt viên gạch đầu tiên cho toà nhà Quốc hội trong một nghi lễ hoàn chỉnh của Hội Tam điểm. Rồi cũng chính ông cùng các Huynh trưởng khác của Hội như Ben Franklin và Pierre L’Enfant lại ấp ủ ý tưởng và thiết kế nên thành phố, những trí tuệ tuyệt vời ấy đã trang hoàng cho thủ đô mới của họ toàn bằng những biểu tượng, kiến trúc và nghệ thuật theo phong cách Hội Tam điểm.

– Dĩ nhiên, người thường sẽ nhận thấy đủ loại ý tưởng kỳ cục trong những biểu tượng như vậy.

Lắm kẻ đa nghi phàn nàn rằng các bậc tiền bối trong Hội Tam điểm đã che giấu nhiều bí mật lớn lao ở khắp Washington cùng với những thông điệp mang tính biểu tượng lẩn khuất trong bố cục đường phố của thủ đô. Langdon chẳng bao giờ chú ý đến giả thuyết ấy Thông tin thất thiệt quanh Hội Tam điểm phổ biến đến mức ngay cả những sinh viên có học vấn của Harvard cũng quan niệm rất sai lệch về tổ chức này.

Năm ngoái, một tân sinh viên hốt hoảng lao bổ vào lớp Langdon với một bản in tải từ web. Thì ra là một tấm bản đồ thủ đô, theo đó vài tuyến phố nhất định đã được bôi đậm để tạo thành nhiều hình dạng khác nhau, chẳng hạn dấu ấn của quỷ Satan, biểu tượng com pa và thước thợ của Hội Tam điểm, rồi cái đầu của Baphomet 1 … cốt chứng tỏ rằng các thành viên Hội Tam điểm tham gia kiến tạo Washington D.C. ngày trước có liên quan đến một âm mưu bí mật và đen tối nào đó.

– Thú vị đấy, – Langdon trả lời – nhưng không đủ sức thuyết phục. Nếu em vẽ cho hết mọi đường giao cắt trên bản đồ, chắc chắn em sẽ tìm được tất cả các loại hình dạng.

– Nhưng đây không thể là một sự trùng hợp được! – cậu sinh viên kêu lên.

Langdon kiên nhẫn chứng minh cho cậu ta thấy rằng có thể tạo ra những hình tương tự trên bản đồ đường phố Detroit.

– Cậu sinh viên vô cùng thất vọng.

– Đừng vội nản! – Langdon nói – Đúng là ở Washington có một số bí mật khó lòng tưởng tượng… chỉ hiềm chúng không nằm trên tấm bản đồ đường phố này mà thôi.

– Cậu sinh viên trở nên phấn chấn:

– Bí mật ạ? Kiểu kiểu thế nào, thưa thầy?

– Cứ xuân sang tôi lại dạy một khoá gọi là Các biểu tượng Huyền hoặc. Tôi giảng rất nhiều về thủ đô. Em nên tham gia khoá học đó.

– Biểu tượng huyền hoặc – Cậu tân sinh viên lại được phen kích động – Vậy đúng là có những biểu tượng của quỷ sứ ở thủ đô!

Langdon mỉm cười.

– Xin lỗi, nhưng cái từ huyền hoặc, mặc dù gợi ra những hình ảnh liên quan đến việc tôn thờ quỷ sứ, trên thực tế lại có nghĩa là “được che giấu” hoặc “bí ẩn”. Vào thời kỳ tôn giáo bị đàn áp, người ta phải giấu giếm hoặc che đậy những tri thức bị xếp vào loại phản chính thống. Những tri thức ấy khiến nhà thờ lo ngại, họ bèn định nghĩa lại rằng bất kỳ thứ gì “thần bí” thì đều xấu xa, và vì thế mới sinh ra thiên kiến.

– Ồ – Cậu sinh viên cụt hứng.

Tuy nhiên, mùa xuân năm đó, Langdon nhận ra cậu sinh viên ngồi ở hàng ghế đầu trong khi năm trăm sinh viên đang chen chân vào Thính phòng Sanders của Đại học Harvard, một giảng đường rất cũ với những băng ghế gỗ kêu cọt cà cót kẹt.

– Xin chào tất cả các bạn. – Langdon nói to từ trên bục giảng: Anh bật máy chiếu, và một hình ảnh hiện ra phía sau lưng anh – Trong khi mọi người đang ổn định chỗ ngồi, xin hỏi có bao nhiêu bạn nhận ra toà nhà trong bức hình này?

– Điện Capitol! – hàng chục giọng nói đồng thanh vang lên – Thủ đô Washington!

– Đúng. Trong mái vòm này, có tới hơn 4.000 tấn sắt thép. Một thành tích phi thường chứng tỏ trình độ kiến trúc của những năm 1850.

– Ghê thật! – ai đó nói to.

Langdon đảo mắt, hy vọng sẽ có người phản đối cái từ đó.

– Và bao nhiêu người trong số các bạn đã từng tới Washington?

Lác đác những cánh tay giơ lên.

– Ít quá nhỉ? – Langdon giả vờ ngạc nhiên – Thế bao nhiêu người đã tới Rome, Paris, Madrid hoặc London?

Hầu như tất cả các cánh tay trong phòng đều giơ cao.

Chẳng có gì là lạ. Một trong những nghi thức trưởng thành cho sinh viên Mỹ là tấm vé tàu hoả đi châu Âu nghỉ hè trước khi bước ra thực tế nghiệt ngã của cuộc đời.

– Xem ra các bạn đi châu Âu nhiều hơn là tới thủ đô của chúng ta. Theo các bạn tại sao lại như vậy?

– Ở châu Âu không quy định độ tuổi được uống bia rượu! – ai đó ở phía cuối lớp nói to.

Langdon mỉm cười.

– Cứ làm như quy định về độ tuổi uống bia rượu ở đây ngăn trở nổi các bạn ấy!

Mọi người phì cười.

Đó là ngày đầu tiên của khoá học, và sinh viên mất nhiều thời gian hơn so với bình thường để ổn định chỗ ngồi, đổi chỗ và gây ra những tiếng cọt kẹt trên các băng ghế gỗ. Langdon rất thích giảng bài trong thính phòng này, bởi chỉ cần nghe xem sinh viên nhấp nhổm trên ghế ra sao, anh sẽ biết họ quan tâm đến bài giảng tới mức độ nào.

– Nói cho đúng, – Langdon nói – Washington D.C. có một số công trình kiến trúc, tác phẩm nghệ thuật và biểu tượng tuyệt vời nhất thế giới. Tại sao các bạn lại ra nước ngoài trước khi tới thăm thủ đô của mình nhỉ?

– Những thứ cổ xưa cuốn hút hơn – ai đó đáp.

– Nhân nhắc đến những thứ cổ xưa – Langdon nói rõ thêm – tôi cho rằng ý bạn chỉ những toà lâu đài, hầm mộ, đền thờ, đại loại như thế, phải không nào?

Sinh viên đồng loạt gật đầu.

– Tốt. Giờ nếu tôi nói rằng Washington D.C. có tất cả những thứ đó thì các bạn nghĩ sao? Nào là lâu đài, hầm mộ, nào là kim tự tháp, đền thờ… đủ hết.

Tiếng cọt kẹt giảm hẳn.

– Thưa các bạn – Langdon nói, hạ thấp giọng và bước lên phía trước bục giảng – trong tiết tới, các bạn sẽ thấy rằng đất nước chúng ta có rất nhiều bí mật và lịch sử được giấu kín, và cũng y hệt như ở châu Âu tất cả những bí mật hay nhất đều được giấu ở những chỗ ai cũng trông thấy.

Các băng ghế im phăng phắc.

Thế đấy.

Langdon giảm bớt ánh sáng và chuyển sang hình chiếu thứ hai.

– Ai nói cho tôi biết George Washington đang làm gì ở đây nào?

Trên hình chiếu là một bức bích hoạ nổi tiếng tả cảnh George Washington vận bộ lễ phục của Hội Tam điểm, đang đứng trước một cỗ máy trông rất kỳ dị – một cái kiềng khổng lồ bằng gỗ đỡ hệ thống ròng rọc có treo khối đá to tướng. Một nhóm người ăn bận chỉnh tề đứng quanh ông.

– Chắc là đang nâng tảng đá tổ chảng ấy ạ? – ai đó đánh bạo lên tiếng.

Langdon không bình luận vội. Anh thích để sinh viên tự đính chính nếu có thể được.

– Thật ra, – tiếng một sinh viên khác – em nghĩ Washington đang hạ tảng đá. Ông ấy mặc y phục Hội Tam điểm. Em đã từng nhìn thấy vài bức tranh vẽ các hội viên Tam điểm đặt móng rồi. Nghi thức này luôn phải dùng đến những cái giá ba chân để hạ viên đá đầu tiên xuống.

– Rất chính xác – Langdon nói – Trong bức bích hoạ này, Người cha của đất nước ta đang sử dụng cái giá ba chân và ròng rọc để đặt viên đá móng cho Điện Capitol. Đó là ngày 18 tháng Chín năm 1793, trong khoảng thời gian từ 11 giờ 15 phút đến 12 giờ 30 phút – Langdon dừng lại, nhìn khắp lớp học một lượt – Ai có thể cho tôi biết ý nghĩa của ngày tháng đó nào?

Im lặng.

– Vậy nếu tôi nói với các bạn rằng thời gian chính xác đó là do ba hội viên Tam điểm nổi tiếng George Washington, Benjamin Franklin và Pierre L’Enfant ấn định thì sao?

Càng im lặng.

– Rất đơn giản, viên đá móng được đặt vào ngày giờ ấy vì đó là lúc Đầu Rồng cát tường nằm trong cung Xử Nữ, tất nhiên là còn nhiều yếu tố khác nữa.

Tất cả ngơ ngác nhìn nhau.

– Thưa thầy, – giọng một người vang lên – Thầy muốn nói việc đó liên quan đến chiêm tinh học phải không ạ?

– Đúng. Mặc dù là một dạng chiêm tinh khác hẳn những gì chúng ta biết ngày nay.

Một cánh tay giơ lên.

– Ý thầy là những người sáng lập đất nước ta đã tin vào chiêm tinh?

Langdon cười.

– Cừ lắm. Các bạn nghĩ sao nếu tôi cho các bạn biết rằng kiến trúc của thành phố Washington chứa nhiều biểu tượng chiêm tinh hơn bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới – hoàng đạo này, tinh đồ này, đá móng được đặt vào ngày giờ chiêm tinh thật chính xác này? Quá nửa số người soạn thảo bản Hiến pháp của chúng ta là hội viên Tam điểm, họ đều tin rằng các ngôi sao có liên hệ chặt chẽ với số phận, và rất chú ý tới bố cục của bầu trời khi kiến thiết thế giới mới của mình.

– Nhưng ai cần bận tâm đến sự thật là viên đá móng điện Capitol được đặt xuống đúng lúc Đầu Rồng nằm trong cung Xử Nữ chứ? Biết đâu đó chỉ là sự trùng hợp thì sao?

– Thế thì sự trùng hợp ấy quá ấn tượng. Bởi đá móng của ba công trình tạo nên Tam giác Liên bang – Điện Capitol. Nhà Trắng, và Tượng đài Washington – tuy đặt xuống vào những năm khác nhau nhưng đều được tính toán giờ giấc kỹ càng để diễn ra trong điều kiện chiêm tinh giống hệt nhau đấy.

Khắp giảng đường, những cặp mắt mở to. Rồi rất nhiều cái đầu cúi xuống hí hoáy ghi chép.

Một cánh tay giơ lên cuối lớp.

– Tại sao họ lại làm như thế ạ?

Langdon bật cười.

– Phải trả lời bằng tài liệu của cả một học kỳ cơ đấy. Nếu muốn tìm hiểu, các bạn nên tham dự khoá học về chủ nghĩa thần bí của tôi. Thật tình thì, tôi nghĩ tinh thần các bạn chưa sẵn sàng để nghe câu trả lời.

– Sao cơ ạ? – anh chàng kia kêu lên – Thầy nói đi mà!

Langdon tỏ ra trầm ngâm và sau đó lắc đầu, cố tình đùa bỡn họ.

– Xin lỗi, tôi không làm thế được. Một số bạn mới chỉ là sinh viên năm thứ nhất. Tôi e điều đó có thể lung lạc tinh thần các bạn.

– Thầy nói cho chúng em biết đi! – cả lớp ồ lên.

Langdon nhún vai.

– Có lẽ các bạn nên gia nhập Hội Tam điểm hoặc Đông Tinh Hộ 2 để biết rõ câu trả lời ngay từ nguồn gốc.

– Chúng em làm sao xin vào được, – một chàng trai lý sự – Hội Tam điểm giống như một hội kín siêu hạng ấy!

– Hội kín siêu hạng ư? Thật thế à? – Langdon nhớ tới chiếc nhẫn Tam điểm to tướng mà ông bạn Peter Solomon vẫn đeo một cách tự hào bên tay phải – Vậy tại sao hội viên Tam điểm lại công khai đeo nhẫn, kẹp cà vạt, hoặc ghim cài áo có biểu tượng của hội? Tại sao những toà nhà của Hội Tam điểm đều được làm dấu rất rõ ràng? Tại sao thời gian hội họp của họ lại được đăng sờ sờ trên báo? – Langdon mỉm cười trước tất cả những khuôn mặt đầy bối rối – Thưa các bạn, Hội Tam điểm không phải là một hội kín… đó là một hội chứa đựng nhiều điều bí mật.

– Cũng thế cả thôi ạ, – ai đó thốt lên.

– Thật ư? – Langdon gặng hỏi – Vậy bạn có coi Coca-Cola là một hội kín không?

– Dĩ nhiên là không ạ, – chàng sinh viên đáp.

– Được rồi, vậy sẽ thế nào nếu bạn gõ cửa trụ sở chính của hãng và hỏi xin công thức sản xuất Coke?

– Họ sẽ chẳng bao giờ tiết lộ đâu.

– Chính xác. Để biết được bí mật lớn nhất của Coca-Cola, bạn cần phải gia nhập công ty, làm việc trong nhiều năm, chứng tỏ mình là người đáng tin cậy và cuối cùng len được vào hàng ngũ tinh tuý, nơi bạn có thể được chia sẻ thông tin ấy. Sau đó bạn sẽ phải thề giữ gìn bí mật.

– Ý thầy là Hội Tam điểm giống như một công ty?

– Chỉ ở khía cạnh hệ thống tầng bậc chặt chẽ và nguyên tắc giữ bí mật ngặt nghèo của họ thôi.

– Chú em là hội viên Tam điểm, – một cô gái nói to – Và thím em rất khó chịu vì chú chẳng bao giờ kể chuyện về hội với thím. Thím bảo rằng Hội Tam điểm là một dạng tôn giáo kỳ lạ.

– Một quan niệm sai lầm phổ biến!

– Hội Tam điểm không phải là một tôn giáo ư?

– Chúng ta làm một phép thử nhé! – Langdon nói – Ai ở đây đã từng học khoá học tôn giáo so sánh của Giáo sư Witherspoon?

Vài cánh tay giơ lên.

– Tốt. Hãy cho tôi biết ba điều kiện tiên quyết để một hệ tư tưởng được coi là một tôn giáo?

– ABC, – một cô gái lên tiếng – An lòng, Buộc chặt, Cải đạo 3.

– Rất đúng, – Langdon nói – Tôn giáo an lòng người ta bằng sự cứu rỗi; tôn giáo buộc chặt người ta vào một thuyết thần học chính xác, và tôn giáo cải đạo cho những người phi tín ngưỡng – Anh ngừng lại – Hội Tam điểm không có ba điều kiện này. Hội viên Tam điểm chẳng hề hứa hẹn gì về sự cứu rỗi, không có thuyết thần học nhất định và không tìm cách cải đạo ai. Trên thực tế, ngay trong các địa điểm hội họp của Hội, việc thảo luận về tôn giáo cũng bị cấm ngặt.

– Vậy Hội Tam điểm là phản tôn giáo?

– Ngược lại. Một trong những điều kiện tiên quyết để trở thành hội viên Tam điểm là bạn phải tin vào một đấng tối cao. Điểm khác biệt giữa duy linh Tam điểm và tôn giáo có tổ chức là ở chỗ hội viên Tam điểm không áp đặt định nghĩa hay tên gọi cụ thể cho một đấng tối cao nào. Thay vì những nhân vật xác định như Thượng đế, thánh Allah. Đức Phật, hay Jesus, hội viên Tam điểm sử dụng các thuật ngữ khái quát hơn như Đấng Toàn năng hoặc Kiến trúc sư vĩ đại của Vũ trụ. Điều này giúp hội viên Tam điểm thuộc mọi tín ngưỡng có thể tập hợp lại với nhau.

– Nghe hơi xa vời, – ai đó lên tiếng.

– Ồ có lẽ thế, nhưng nên chăng gọi là đầu óc phóng khoáng? – Langdon tiếp tục – Trong thời buổi các nền văn hoá khác biệt đang sát phạt nhau để xem định nghĩa về Chúa của ai tốt hơn thì có thể nói truyền thống khoan dung và phi thành kiến của Hội Tam điểm là rất đáng khen – Langdon sải bước trên bục giảng – Hơn nữa, Hội Tam điểm chào đón thành viên thuộc mọi chủng tộc, màu da, tín ngưỡng, và đối đãi với nhau bằng tinh thần huynh đệ công bằng bình đẳng.

– Công bằng bình đẳng ạ? – một hội viên Hội Phụ nữ của trường đứng lên – Có bao nhiêu phụ nữ được nhận vào Hội Tam điểm rồi, thưa Giáo sư Langdon?

Langdon giơ tay trong tư thế đầu hàng.

– Câu hỏi rất hay. Theo chuyện xưa kể lại, Hội Tam điểm bắt nguồn từ các hội nghề nghiệp của những người thợ nề ở châu Âu và do đó là một tổ chức của nam giới, vài trăm năm trước, có người nói là từ năm 1703, một chi nhánh dành cho nữ giới gọi là Đông Tinh Hội được thành lập. Họ có hơn 1 triệu hội viên.

– Thế nhưng Hội Tam điểm vẫn là một tổ chức hùng mạnh loại trừ phụ nữ, – cô gái khăng khăng.

Langdon không rõ Hội Tam điểm thực sự hùng mạnh đến mức nào, nhưng anh không định đi theo hướng đó. Hội viên Tam điểm hiện đại phân bố từ mấy ông già vô hại thích ăn mặc chải chuốt đến những phe đảng môi giới bí mật đủ quyền năng khuynh đảo cả thế giới. Sức mạnh của họ chắc chắn nằm đâu đó giữa khoảng này.

– Giáo sư Langdon, – một cô gái tóc quăn ở hàng ghế sau lên tiếng, – nếu Hội Tam điểm không phải hội kín, không phải doanh nghiệp, cũng chẳng phải tôn giáo, vậy thì nó là gì ạ?

– Chà, nếu em hỏi một hội viên Tam điểm, người đó sẽ đưa ra định nghĩa thế này: Hội Tam điểm là một hệ thống đạo đức ẩn giấu trong những biểu tượng và thể hiện qua các ký hiệu.

– Nghe như lối diễn tả văn hoa cho khái niệm “giáo phái quái đản” ấy thôi.

– Em bảo sao, quái đản?

– Vâng! – cô gái đáp, và đứng lên – Em đã nghe nói về những trò họ làm bên trong các toà nhà bí mật! Những nghi thức thắp nến kỳ cục với quan tài, thòng lọng, rồi uống rượu trong những cái đầu lâu. Như thế là quái đản!

Langdon nhìn lướt cả lớp.

– Còn ai thấy quái đản nữa không?

– Có ạ! – Tất cả đồng thanh.

Langdon vờ thở dài buồn bã.

– Tệ quá? Chỉ thế mà đã thấy quái đản thì chắc chẳng bao giờ các bạn muốn gia nhập tôn giáo của tôi đâu.

Cả khán phòng chìm vào im lặng. Cô sinh viên ở Hội Phụ nữ có vẻ băn khoăn.

– Thầy cũng đi theo một giáo phái nào đấy à?

Langdon gật đầu và hạ thấp giọng ra chiều bí mật.

– Đừng tiết lộ với ai nhé, vào ngày của thần mặt trời Ra, tôi quỳ xuống trước một công cụ tra tấn cổ xưa và nhấm nháp những biểu tượng máu thịt mang tính nghi thức.

Cả lớp lộ vẻ khiếp hãi.

Langdon nhún vai.

– Nếu có bạn nào muốn tham gia cùng tôi, hãy đến nhà nguyện Harvard vào Chủ nhật, quỳ dưới thánh giá và nhận lễ ban thánh thể.

Cả lớp vẫn im phăng phắc.

Langdon nháy mắt.

– Hãy mở mang đầu óc của các bạn đi. Tất cả chúng ta đều sợ những gì chúng ta không hiểu.

° ° °

Tiếng chuông đồng hồ bắt đầu vang vọng trong các hành lang Điện Capitol.

7 giờ

Giờ thì Robert Langdon guồng chân chạy. Hãy nói về một cổng vào đầy kịch tính. Lao qua Hành lang Liên kết, anh nhận ra lối đi sang Đại sảnh Tượng đài Danh nhân Quốc gia và tiến thẳng về phía đó.

Khi tới gần cửa. anh bước chậm lại như đi dạo và hít vài hơi thật sâu.

Rồi anh cài cúc áo khoác, ngẩng cao đầu, rẽ vào vừa đúng lúc tiếng chuông cuối cùng ngân vang.

Đến giờ trình diễn rồi.

Vào tới Đại sảnh Tượng đài Danh nhân Quốc gia, Giáo sư Robert Langdon ngước mắt và mỉm cười thân thiện. Nhưng chỉ trong khoảnh khắc nụ cười của anh biến mất. Anh đứng sững lại.

Có điều gì đó rất, rất tệ.

— —— —— —— ——-

1 Baphomet là một thần dị giáo, bị xem là hình ảnh của quỷ Satan. Baphomet có hình dáng thân người, đầu dê, và đôi chân dê. Khuôn mặt, cặp sừng và đôi tai của Baphomet khi cách điệu tạo thành một ngôi sao lộn ngược, biểu tượng của tín ngưỡng thờ quỷ Satan – ND.

2 Order of the Eastem Star (Đông Tinh Hội) là tổ chức huynh đệ lớn nhất thế giới, kết nạp cả nam và nữ giới. Hội được thành lập năm 1850 bởi Rob Morris, một luật sư kiêm nhà giáo dục ở Boston. Massachusetts, một nhân vật cao cấp trong Hội Tam điểm. Đông Tinh Hội lấy nền tảng là những lời răn trong Kinh thánh, nhưng cũng đón nhận người từ tất cả các tín điều đơn thần. Hội có khoảng 10.000 tăng hội tại 20 quốc gia và xấp xỉ 1 triệu hội viên thuộc Tổng Tăng hội. Các thành viên của Đông Tinh Hội có độ tuổi từ 18 trở lên; nam giới phải là Huynh trưởng trong Hội Tam điểm còn nữ giới phải có quan hệ đặc biệt với các hội viên Tam điểm – ND.

3 Nguyên gốc trong tiếng Anh, cụm từ ABC là viết tắt của 3 chữ “Assure, Believe, Convert”. Để giữ nguyên được cụm viết tắt này, người dịch không dịch nguyên văn đúng nghĩa của từng từ mà lựa dịch ý – ND.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN