Bộ Bộ Kinh Tâm - Chương 125
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
89


Bộ Bộ Kinh Tâm


Chương 125


Thập Tứ hễ nhắc đến Tây Bắc thì rất hào hứng, cứ huyên thuyên mãi không ngừng. Một chuyện nhỏ như hạt đậu qua miệng hắn cũng thành cả giai thoại, khiến ta chỉ biết ôm bụng cười lăn trên giường. Bóng đêm tịch mịch nhờ có tiếng cười khúc khích của hai người mà êm ái trôi qua.

Trầm Hương chẳng biết rõ nội tình, lại lấy làm vui mừng khấp khởi, khẽ khều Xảo Tuệ: “Chúng ta chắc là sắp được chăm tiểu chủ tử rồi phải không?” Xảo Tuệ thoáng chốc tái mặt, nạt ngay: “Chớ có nói lung tung, cẩn thận bị tát miệng bây giờ!” Ta bình thản ngăn nàng: “Xảo Tuệ!”, rồi nhẹ giọng an ủi Trầm Hương, “Đừng để tâm, Xảo Tuệ nhất thời buột miệng thôi!” Trầm Hương bị dọa xanh mặt, rụt rè lí nhí nói: “Nô tỳ không dám nữa”, từ đó cũng hiểu ra con cái là một đề tài cấm kỵ.

Xảo Tuệ lát sau lại đưa đẩy với ta, không ngừng tán dương Thập Tứ khéo kể chuyện, nói một hồi giọng điệu thật sự như muốn khuyên ta sinh con. Ta vốn không muốn khiến nàng thêm áy náy, nên chuyện không thể có con nữa chưa hề hé răng kể một lời, đành mỉm cười bảo: “Chuyện của ta, trong lòng ta tự biết. Chúng ta không phải đã nhất trí rồi sao? Ta chỉ cần được vui vẻ an nhàn thôi.” Xảo Tuệ nghe xong cau mày nhưng không nói thêm gì nữa.

Hoa mai vừa rụng hết, có vài cành hạnh hoa sốt ruột, đã nở sáng rực dưới màn mưa. Cánh hoa trắng nõn khoe nhị vàng nhạt, êm dịu lại tươi mát. Có lẽ là nhờ nguồn nước nóng, không khí ấm áp, vài gốc hạnh hoa ven hồ nở đặc biệt đẹp mắt hơn. Dòng nước xuân vẫn còn vương khí lạnh nên mới chỉ âm ấm, soi sắc hoa tuyết ven bờ, trong mưa bụi bảng lảng tựa như đang được phủ một tầng lụa mỏng, ý xuân tràn trề.

Xảo Tuệ vừa mở ô che cho ta ngắm hoa vừa nằn nì: “Tiểu thư, gần đây tinh thần của người kém trước rất nhiều, không đứng lâu trong mưa được đâu, quay về nghỉ ngơi đi! Hoa tàn rồi còn có thể nở lại mà.” ta thở dài thầm than: “Năm năm tháng tháng hoa chẳng đổi, tháng tháng năm năm người khác rồi”(1). nhưng vẫn cười đáp: “Đi thôi!”

Ta vào phòng lại bảo Xảo Tuệ mài mực, tập trung luyện vài trang giấy, nỗi nhớ trong lòng mới dần nguôi. Tay giữ bình thuốc hít, mình đắp một tấm chăn mỏng, người cứ thế lặng yên ngắm nhìn mưa khói mịt mờ ngoài ô cửa. Ngày đó mưa còn lớn hơn bây giờ nhiều, hắn – giữa gió mưa vần vũ – một thân áo choàng đen lừng lững đi tới, không biết tự lúc nào đã gỡ được rất nhiều khúc mắc trong lòng ta. Những chi tiết tưởng như đã nhạt nhòa theo màn mưa hôm đó giờ từng chi tiết một lại hiển hiện rõ ràng trong hồi ức. Ta thậm chí mường tượng được cả từng nét hoa văn trên cổ tay áo hắn, lấp ló sau tấm áo choàng trĩu nước.

Mân mê bình thuốc đang cầm trên tay, ta không nhịn được cười rộ một tràng. Tiếng cười chưa dứt, tâm tình lại chợt như mưa bụi ngoài cửa , mê man lạc vào làn sương. Ba con chó nhỏ đánh nhau, một đã qua đời, một bị giam cầm, một lại ở chỗ này ngồi yên chờ hoa rụng.

“Chủ tử” Trầm Hương khẽ lay ta nói “Chủ tử mệt mỏi thì lên giường nghỉ tạm đi ạ! Người đứng đầu gió thế này, dễ cảm lạnh lắm!”. Ta lắc đầu nói: ” Ta không mệt”. Trầm Hương nhìn ta trù trừ, muốn nói lại thôi. Ta cười bảo nàng: “Có chuyện gì cứ nói thẳng đi!” Trầm Hương ngần ngừ nói: “Có nên mời thầy thuốc tới khám một chút không ạ? Nô tỳ thấy chủ tử gần đây thường xuyên ngủ gật, có lúc mới nói xong, vừa quay đầu người đã ngủ rồi. Nô tỳ nghe nói… nghe nói có thai thì hay buồn ngủ.”

Ta khẽ cười nói: “Ta biết ngươi quan tâm ta, nhưng thôi chỉ cần làm tốt việc của mình là được rồi.” Trầm Hương vội đáp: “Vâng, nô tỳ hiểu rồi ạ.”

Xảo Tuệ dựng ô lại ngoài cửa, cầm một cành hạnh hoa lớn bước vào. Trầm Hương xởi lởi khen mấy lời rồi vội vàng đi tìm bình đựng. Ta quở: “Cần gì phải thế? Lại còn cất công đi thêm chuyến nữa!” Xảo Tuệ cười nói: “Ta thấy tiểu thư thích nên bẻ một cành mang về cho người ngắm. Đỡ phải dầm mưa xem hoa.” Trong đầu lại thoắt hiện về bóng hình một cô gái tay cầm hạnh hoa dịu dàng cười, ta vội lắc đầu xua đi, chuyên tâm nhìn Xảo Tuệ cùng Trầm Hương cắm hoa.

Người ta càng lúc càng mệt mỏi. Buổi tối cứ chập chờn lúc tỉnh lúc mơ đến tận bình minh, ban ngày thì lại vật vờ, có khi đang nói đó quay đi đã ngủ mất, chính mình cũng không rõ, đến Thập Tứ cũng nhận thấy khác thường, vội sai mời thầy thuốc tới. Ta cứ lần lữa mấy bận, cuối cùng không thể lay chuyển được hắn, mới đành để cho thầy thuốc tới khám.

Ba bốn thầy thuốc lần lượt tới đi, đều phán như nhau: “Dầu hết đèn tắt.” Thập Tứ lúc đầu kinh sợ, không thể tin là thật, cuối cùng chỉ đành đau xót tiếc thương. Xảo Tuệ vừa quay lưng về ta lén lau nước mắt, xoay đầu lại liền cố nặn một nụ cười tươi. Ta nắm tay Xảo Tuệ, thấy áy náy vô cùng, nàng ngày trước tiễn tỷ tỷ, hôm nay lại phải nhìn ta ra đi, đau đớn không phải chỉ một lần.

Tay ta ngày càng yếu đi, mỗi bữa chẳng luyện được mấy chữ. Nỗi tương tư thành không nơi gởi gắm, từ trong lồng ngực lan chảy toàn thân, ngày ngày đêm đêm, tâm tâm niệm niệm đều trôi về người đó. Xa hắn rồi mới biết trên người mình chỉ còn toàn dấu vết của hắn, chữ viết ra là chữ hắn, trà uống là thứ hắn thích, đồ sứ dùng là kiểu hắn ưa, thích hoa mà hắn yêu, ghét nắng gay gắt, thích mưa lâm thâm…

Trong ánh sáng tinh mơ, giữa làn sương trắng xóa, Dận Chân một thân trường bào đen tuyền, đứng trên đỉnh núi phóng mắt xuống cả Tử Cấm Thành. Ta mừng rỡ, chạy vội đến chỗ hắn, vừa chạy vừa không ngừng gọi lớn: “Dận Chân”… Hắn vẫn không quay đầu lại, còn ta thì chạy thế nào cũng không thể tới gần được, mãi chỉ đối diện một bóng lưng lạnh lùng cô độc.

Ta nửa nôn nóng nửa buồn bã, không biết làm sao . Xảo Tuệ khẽ lay ta tỉnh lại, vừa lau mặt cho ta, vừa hỏi: “Gặp ác mộng sao?”

“Khởi từ tham ái sinh ra

Sinh lo, sinh sợ khó mà tránh đi

Khi mà tham ái xa lìa

Chẳng còn lo sợ chút gì nữa đâu.

Đừng yêu đến độ say mê

Kẻo khi ly biệt não nề héo hon

Nếu mà yêu ghét không còn

Chẳng chi ràng buộc, tâm hồn thảnh thơi” *

*(Kinh pháp cú – 210,216- Bản dịch của Tâm Minh Ngô Tằng Giao)

Ta vốn nghĩ từ bỏ yêu thương có thể tìm được thanh thản, chẳng lẽ lại sai sao? Cớ gì từ bỏ rồi lòng lại càng sinh ra quyến luyến nhiều hơn. Là tiếc nuối ư? Cuối cùng chỉ thấy tấc lòng xáo loạn không lúc nào yên.

Ta ngơ ngẩn hồi lâu, mới gọi người mài mực. Xảo Tuệ cười khuyên: “Hôm nay đừng luyện nữa, chờ mai khoẻ hơn hãy lại viết .” Ta nói cần thảo một phong thư, giục nàng nhanh chuẩn bị giấy mực.

Trầm Hương đỡ ta đứng dậy. Ta yên lặng suy nghĩ một lúc, cầm bút bắt đầu viết, ngừng rồi lại viết, viết rồi lại ngừng, hơn nửa ngày mới xong. Thư rằng:

“Dận Chân: Đời người như mộng, biến đổi khôn lường. Đúng đúng sai sai, ân ân oán oán, đến cuối cũng chỉ còn lại tháng năm im lìm, nước trôi mải miết mà thôi. Có chăng tận cùng vấn vương sót lại, là chút tình si chấp niệm! Ngày người đạm nhiên nói ra một chữ “Muốn”, là ngày chạm tới chìa khoá mở tim ta. Lúc người dang tay ném ô đứng cạnh ta dưới gió mưa vần vũ, một nỗi đau cùng chia, hai tâm tình cùng chịu, trái tim ta vốn đã rộng mở vì người. Khoảnh khắc người vì ta lấy chính lưng mình làm bia đỡ tiễn, ta đã biết rằng cả đời này chẳng thể quên người được nữa. Sau dù có bao nhiêu dùng dằng dây dưa, cũng chỉ là càng lún càng sâu, vốn không cách chi thoát được.

“Nói đến đó rồi, chàng thật còn phải hỏi ta với Bát gia thế nào chăng?

Vì yêu mà giận, vì yêu mà hận, vì yêu mà khờ, vì yêu mà chấp. Rời xa rồi mới thấy, giận khờ hận chấp, tấc tấc đều hoá thành nỗi nhớ tương tư. Chẳng biết chàng lúc này, có còn oán ta hận ta, buồn ta giận ta? Dưới bóng tử đằng, trăng lạnh gió nhẹ, mượn giấy và bút, muốn nói rằng Nhược Hi trong lòng không có hoàng thượng, chẳng có Tứ a ka, nhất nhất chỉ có một người, Dận Chân mà thôi.

Cùng nhớ cùng trông cùng chẳng thấy

Nặng lòng chi quạnh quẽ tơ chùng

Giấy hồng chữ nhỏ thương mờ lệ

Khúc Lan đêm sâu có trùng phùng

Ngày ngày mong chàng tới

Nhược Hi.”

Ta cẩn thận đọc bức thư mấy lượt, phong lại, đề mấy chữ ngoài: “Hoàng thượng thân khải”(*)

———–

1) Niên niên tuế tuế hoa tương tự

Tuế tuế niên niên nhân bất đồng

Bạch đầu ông vịnh- Lưu Hy Di

2) Bạc tình chuyển thị đa tình luy, khúc khúc nhu tràng toái. Hồng tiên hướng bích tự mô hồ, khúc lan thâm xử trọng tương kiến – nằm trong bài Khúc Lan thâm xứ trọng tương kiến và Thu tịch tín bộ của Nạp Lan Tĩnh Đức, đều nói về nỗi nhớ người xưa.

(*) Thân khải: tự mở

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN