Bộ Bộ Kinh Tâm
Chương 42
Tháng Chín năm Khang Hy thứ bốn mươi chín. Sướng Xuân viên.
Từ tháng Tám, sau khi đi tái ngoại trở về, nhiều việc liên tiếp xảy ra khiến Khang Hy nhọc lòng lo nghĩ. Hai phủ Chương, Tuyền ở Phúc Kiến gặp hạn hán, mùa màng thất bát, quan lại địa phương thì tư túi thực phẩm cứu tế đến nỗi nạn dân chết đói đầy đường. Nghe báo, Khang Hy nổi trận lôi đình, sắc Phạm Thời Sùng làm Tổng đốc Phúc Kiến – Chiết Giang để lo việc phát chẩn, lại điều ba mươi vạn thạch lương thu tô từ Giang Tô, Chiết Giang đến Chương, Tuyền, đồng thời miễn hết số sưu thuế chưa tận thu trong năm cho hai phủ.
Dư âm sự việc chưa lắng xuống, tháng Chín lại nổ ra vụ bộ Hộ làm thất thoát tiền thu mua lương thực. Sau mười mấy năm, tổng số tiền thâm hụt đã lên tới hơn bốn mươi vạn lượng bạc, đương sự tính từ Thượng thư, Thị lang các đời xuống tới nhiều quan viên lớn nhỏ khác, tổng cộng phải đến một trăm hai mươi người. Nghe tấu xong, Khang Hy ngồi chết điếng trên ghế hồi lâu, không hé được lời nào.
Trước tình cảnh ấy, Nhược Hi và những người thị hầu đều bảo nhau phải rón rén cẩn thận, tránh xảy ra sơ suất mà rước hoạ sát thân.
Một hôm, sắp xếp thu dọn đồ trà xong xuôi, Nhược Hi rời phòng trà, đi chưa bao xa thì bắt gặp Thập Tam a ca đang cuống cuồng dặn dò Vương Hỉ và vài thái giám nữa. Nghe phân phó xong, mấy thái giám lập tức toả đi.
Chuyện gì khiến Thập Tam lo lắng đến vậy? Nhược Hi bất giác rảo chân nhanh hơn, thỉnh an rồi hỏi:
– Sao đấy?
Thập Tam nói vội:
– Hoàng a ma muốn gặp Tứ ca, nhưng chẳng ai thấy Tứ ca đâu cả.
Nhược Hi trầm giọng:
– Đến anh cũng không biết hành tung của vương gia sao?
Sắc mặt thoáng nét bi phẫn, Thập Tam a ca khẽ đáp:
– Hôm nay cô không trực ở điện nên không biết chuyện vừa xảy ra. Trong lúc thảo luận cách xử trí vụ thất thoát của bộ Hộ, Tứ ca bất đồng ý kiến với Hoàng a ma. Hoàng a ma liền nổi giận mắng “hành sự tàn độc, khắc nghiệt nhẫn tâm, uổng công đọc sách thánh hiền bao năm, thiếu hẳn phong phạm nhân nghĩa của người quân tử”, rồi quát đuổi hai anh em ta về.
Nhược Hi kinh ngạc “Ồ” một tiếng, tự nhủ Tứ a ca xưa nay vẫn ngấm ngầm giấu tài, kiềm chế kín đáo, sao lại xung đột trực diện với Khang Hy thế này?
Thập Tam a ca kể:
– Cùng ta lui ra xong, Tứ ca bảo muốn được yên tĩnh một mình, nên ta đi trước. Mới rời khỏi vườn thì Vương công công đuổi theo, cho biết Hoàng a ma triệu kiến Tứ ca. Thị vệ canh cửa đều báo chưa thấy Tứ ca đi qua, ta đoán chắc vẫn ở trong vườn, vì vậy vừa phái người đi tìm – Gã hấp tấp ngó quanh – Cũng chẳng biết bao giờ bọn họ tìm được, ta phải đi xem thế nào.
Nói rồi dợm bước.
Yên tĩnh một mình? Nhược Hi sực nghĩ ra, bèn níu Thập Tam a ca lại:
– Anh đi với tôi.
Thập Tam a ca trở gót theo nàng:
– Đi đâu?
Nhược Hi không đáp, chỉ thoăn thoắt bước, đến bờ hồ thì cúi mình nhòm xuống dưới mố cầu, quả nhiên chiếc thuyền nhỏ không còn neo ở đấy nữa. Nàng thở phào, quay lại cười bảo Thập Tam:
– Chắc vương gia đang ở ngoài hồ.
Rồi nhướng mắt nhìn, khác với nền lá xanh mướt điểm búp sen thuôn thuôn mới hé lần trước, hồ bây giờ ngập toàn sắc hoa, tuy đã chớm úa, trông có hơi hướm tàn tạ, nhưng phong cảnh nhìn chung vẫn đẹp.
Chẳng buồn hỏi vì sao Nhược Hi biết Tứ a ca đang ở trên hồ, Thập Tam phóng lên cầu cong ngó ra sen tràn bát ngát, thở dài:
– Tìm bằng cách nào đây?
Nhược Hi bối rối đáp:
– Đành kiếm cái thuyền đi tìm hú hoạ thôi – Nói đoạn, nàng chạy về gọi người lấy thuyền.
Bọn thái giám vừa khiêng thuyền đến, Thập Tam liền giằng ngay lấy mái chèo, nhảy tót lên khoang. Nhược Hi cũng vội vàng trèo vào theo. Chẳng đợi nàng ngồi vững, Thập Tam a ca đã đẩy mạnh mái chèo. Gã lo di chuyển, Nhược Hi thì luôn miệng: “Tứ vương gia! Tứ vương gia!”. Thuyền nhỏ luồn qua lách lại, mãi không nghe tiếng ai hồi đáp, cả hai người đều sốt ruột sốt gan. Thập Tam a ca chèo nhanh hẳn lên, Nhược Hi dồn hết hơi gọi: “Tứ vương gia! Tứ…” Thoắt trông thấy Tứ a ca đang chèo thuyền trôi ra từ đám lá sen sau lưng Thập Tam, Nhược Hi vội bảo:
– Dừng, dừng! – Và trỏ ra đằng sau gã.
Thập Tam a ca ngoảnh lại mừng rỡ:
– Tìm được thật rồi! Hoàng a ma muốn gặp anh đấy!
Tứ a ca thong thả dừng lại bên thuyền bọn họ. Nhược Hi cúi mình thỉnh an. Chàng liếc mắt qua nàng, điềm tĩnh bảo Thập Tam:
– Thế thì về thôi! – Và bơi thuyền đi trước.
Thập Tam a ca vẫn bất động. Nhược Hi toan nhắc gã chèo, gã bỗng nắm tay dộng mạnh xuống lòng khoang khiến chiếc thuyền nhỏ đảo đưa một hồi, Nhược Hi vội bấu lấy mạn thuyền. Thập Tam a ca cứ siết chặt nắm đấm, gân xanh nổi phập phồng, sắc mặt sa sầm, một lát sau mới thả lỏng tay, nhấc mái chèo lặng lẽ quạt nước đi theo.
Nhược Hi chăm chú ngắm Thập Tam a ca một lúc, lại ngoái đầu nhìn theo bóng người phía trước. Lưng chàng thẳng đừ, tựa hồ mọi sự trên đời đều không thể đè lún chàng xuống được, nhưng từ cái dáng se sắt ấy, vẫn toát lên lạc lõng buồn đau.
Buổi tối, sau khi ngồi ngẫm nghĩ chán chê trong phòng, Nhược Hi sang tìm Ngọc Đàn, nhẹ nhàng hỏi:
– Vì sao hôm nay Vạn tuế gia khiển trách Tứ vương gia vậy?
Ngọc Đàn nhỏ giọng kể:
– Khi bàn về cách xử lý vụ thâm hụt công quỹ của bộ Hộ, Thái tử gia và Bát Bối lặc gia đều nói nên nể tình các quan viên. Ngoài chuyện lần này, họ cũng không phạm lỗi lầm gì khác, bao nhiêu năm nay luôn tận tuỵ công việc, bởi vậy cần đối xử rộng lượng với họ. Vạn tuế gia vốn đã chuẩn y để Thái tử giải quyết theo chiều hướng ấy, thì Tứ vương gia lại quỳ tâu phải đào tận gốc trốc tận rễ, nghiêm trị bọn quan viên có dính dáng, cho rằng xử sự khoan dung sẽ thành nuông quá hoá hư. Vương gia cũng điểm lại nhiều vụ biển thủ tham ô ở chốn quan trường bao năm nay, nhấn mạnh là hiện tượng này đang ngày càng dữ dội, dân gian còn có vè rằng “Cống tế muôn phương về Đông Hải, ngọc châu bốn bể hiến Đạm Nhân”. Bởi vậy Hoàng thượng nổi giận, trách mắng Tứ vương gia, thét đuổi ông ta và Thập Tam a ca ra ngoài.
Đạm Nhân là tên chữ của Cao Sĩ Kỳ, Đông Hải là tên hiệu của Từ Càn Học, hai tham quan dưới thời Khang Hy.
Nhược Hi gật đầu, lại hỏi:
– Thế về sau triệu kiến Tứ vương gia, Hoàng thượng nói gì?
Ngọc Đàn nghi hoặc đáp:
– Không nói gì nhiều, chỉ dặn Tứ vương gia và Thập Tứ gia hỗ trợ Thái tử tra xét vụ việc.
Nhược Hi thở phào. Xem ra, không phải Khang Hy hoàn toàn không hiểu cách suy nghĩ của Tứ a ca, bởi vậy mới lệnh cho chàng cùng tham gia làm rõ sự vụ, hi vọng có thể hạn chế tật xấu tham ô. Nhưng hiểu thì hiểu, cuối cùng ông vẫn nghiêng về phương án của Thái tử gia và Bát a ca.
oOo
Hơn một tháng sau.
Nhược Hi tản bộ trong vườn, ngắm bầu trời xanh ngắt. Tiết thu quang đãng là lúc thích hợp để lên nơi cao ngoạn cảnh xa, đáng tiếc Khang Hy bận bịu nhiều việc, e rằng năm nay không có hứng du hành nữa. Vừa ngẫm nghĩ, nàng vừa men theo thang gác bước lên lầu.
Gần tới tầng hai, nàng trông thấy Tứ a ca đang đứng tựa lan can hóng gió, hai tay bắt sau lưng, vạt áo bay phần phật. Thập Tam a ca thì cúi mình trên thanh ngang. Cả hai cùng trầm tư nhìn ra ngoài.
Nhược Hi vội dừng bước, định lặng lẽ lùi xuống thì Thập Tam a ca đã ngoái đầu về phía nàng. Nhược Hi đành tiến lên nhún mình thỉnh an. Tứ a ca như không nghe thấy, tư thế vẫn giữ nguyên, đầu cũng không ngoảnh lại. Thập Tam a ca cất tay cho Nhược Hi bình thân rồi vỗ vỗ sang chỗ bên cạnh, ra ý bảo nàng ngồi. Nhược Hi nhoẻn cười với gã, đứng dậy bước tới gần, ngắm tán rừng xao xác giao mùa, vàng chưa hẳn vàng, đỏ chơm chớm đỏ bên dưới lầu, buột miệng:
– Thật là một nơi ngắm cảnh lý tưởng!
Hai người kia đều không hưởng ứng, Nhược Hi đành im lặng. Nàng đang tính nước cáo lui, Thập Tam a ca chợt hỏi:
– Nhược Hi! Theo cô thì có nên nghiêm trị các quan viên tham ô không?
Nhược Hi “Á” một tiếng, thắc mắc nhìn sang. Thập Tam a ca vẫn dõi mắt ra ngoài, người cúi trên lan can, không rõ thái độ gã thế nào. Nhớ tới vụ án biển thủ vừa rồi, Nhược Hi cười nói:
– Nô tỳ chỉ là một cung nữ, làm sao biết cách xử trí? Thập Tam gia đừng lôi nô tỳ ra làm trò đùa nữa.
Thập Tam a ca ngoảnh lại, cười nửa miệng:
– Thôi giả ngô giả ngọng với ta đi! Trong đầu cô nhộn nhạo những gì, ta đại khái cũng đoán được đấy! – Nói đoạn, gã cứ chằm chằm nhìn nàng.
Nhược Hi nhíu mày, vẻ tư lự:
– Từ xưa đến nay, hai chữ “tham nhũng” luôn kéo theo hai chữ “phạm pháp”. Róc xương hút tuỷ nhân dân cố nhiên là đáng căm giận, nhưng khiến người ta oán hận hơn cả chính là tình trạng “phạm pháp”. Vì lợi ích vật chất, tránh sao được bè cánh câu kết bao che lẫn nhau, gây rối loạn kỷ cương, thậm chí còn xâm hại mạng người, dối trên lừa dưới.
Thập Tam lạnh nhạt bảo:
– Đừng vòng vo tam quốc, trả lời thẳng vào câu hỏi đi!
Nhược Hi ngẫm nghĩ, cảm thấy Thập Tam a ca hôm nay hơi khác thường. Đã hai lần nàng lảng tránh chủ đề chính. Với tính cách của gã, và với sự thấu hiểu nàng của gã bấy nay, lẽ ra gã phải chuyển đề tài rồi, vậy mà vẫn khăng khăng lục vấn, hiển nhiên là muốn nghe suy nghĩ thật của nàng. Tuy ý kiến của Nhược Hi chưa hẳn thoả đáng, nhưng người đang hỏi nàng là Thập Tam a ca, bất kể thoả đáng hay không, hễ gã chân thành muốn biết, nàng chẳng ngại gì mà không bày tỏ.
Thấy Nhược Hi mãi không mở lời, Thập Tam a ca cười hỏi:
– Nghĩ xong chưa?
Nhược Hi đáp:
– Xử nghiêm không tha! Chứ nương tay nhất thời để rồi tham nhũng thành tệ nạn thì tác phong và kỷ luật của quan chức sẽ bị huỷ hoại hết. Quan trường hỗn loạn còn đáng sợ hơn là thất thoát tiền của, nếu quan không ra quan, muôn dân lầm than thì tất nhiên dân không thể làm dân được nữa.
Thập Tam a ca tủm tỉm gật đầu, ngoắc ngón tay gọi nàng. Nhược Hi bèn ghé lại gần nghe. Thập Tam hỏi:
– Nếu người phạm pháp là Cửu ca, thì cô làm thế nào?
Ngẩn người một lúc, Nhược Hi đáp:
– Nên làm thế nào thì làm thế nấy!
Thập Tam a ca nhếch mép nói khẽ:
– Chắc cô không tin theo cái câu “vương tử phạm pháp tội như thứ dân” đấy chứ?
Ô! Hôm nay Thập Tam a ca cứ nhất định phải dồn nàng vào chân tường hay sao thế này? Nhược Hi cân nhắc, rồi nghiêm túc nói:
– Buộc hắn trả hết số bạc đã lấy, nọc ra phạt roi cho liệt giường liệt chiếu hẳn nửa năm, dậy thì bắt xuống đường ăn mày ba tháng mà nếm trải sự cơ cực của người nghèo. Hắn cần ý thức được rằng việc mình không muốn thì đừng gây cho ai cả. Còn tòng phạm, nhất loạt xử nặng làm gương để thiên hạ hiểu rõ hễ phạm pháp gây rối kỷ cương thì không thể nào trốn tội được. Cứ thế, về sau dẫu muốn đến đâu cũng không ai dám tham ô nữa.
Nét mặt giãn ra, Thập Tam a ca liếc Tứ a ca, gật đầu:
– Cô ghê thật, cách thức như vậy mà cũng nghĩ ra, không buồn nể mặt cả anh rể nữa. Nhớ những lời đã nói hôm nay đấy nhé!
Nhược Hi trân trân nhìn Thập Tam a ca, hỏi:
– Sự việc lần này có dính dáng đến Cửu a ca sao?
– Trước mắt thì chưa – Thập Tam đáp – Hôm nay Hoàng a ma đã uý lạo, “Việc chỉ đến đây thôi, miễn truy cứu các quan viên liên đới, định hạn cho họ bồi thường là được.”
Bồi thường số tiền biển thủ là xong á? Một vụ án tham nhũng lớn thế này mà Khang Hy lại xử trí như vậy sao? Nhược Hi không khỏi ngây người. Thập Tam a ca than thở:
– Riêng ở sổ nợ đã tra ra hơn bốn mươi vạn lượng bạc, trong khi bảy hay tám lượng là đủ tậu một mẫu ruộng tốt, và khoảng một lượng là đủ cho gia đình năm khẩu bình thường sống được cả tháng rồi.
Nhược Hi nhẩm nhanh trong óc, sửng sốt kêu:
– Bốn mươi vạn lượng! Đủ cho hai triệu người sống được cả tháng.
Nhớ lại thiên tai và cảnh chết đói mấy năm nay, nàng đắng họng nín lặng. Thời hiện đại, quan chức biển thủ tuy thật đáng ghét, nhưng dẫu sao sức sản xuất cũng tăng trưởng, không đến nỗi có người chết đói vì nạn tham nhũng. Nhưng ở thời phong kiến này thì đúng là tiền tài hưởng thụ của giai cấp thống trị phải đánh đổi toàn bằng tính mạng dân đen.
Bấy giờ Tứ a ca hình như mới bừng tỉnh, quay mặt lại nhìn Thập Tam, lãnh đạm nói:
– Việc đã kết thúc, cả nghĩ ích gì?
Thập Tam a ca gõ tay trên lan can, máy môi định nói, nhưng rồi kiềm chế. Trong bầu không khí tịch mịch, tiếng gõ tay vang lên càng lúc càng nôn nóng.
Nhược Hi theo hai người xuống lầu, toan hành lễ cáo lui thì nghe Tứ a ca bảo nhỏ Thập Tam:
– Em về trước đi!
Thập Tam a ca cười cười, đưa mắt liếc Nhược Hi rồi gật đầu sải chân đi mất. Tứ a ca gọi:
– Lại đây với ta! – Và rảo bước vào rừng.
Nhược Hi trông bóng chàng một lúc, cũng chậm chạp đi theo.
Vào tới rừng, Tứ a ca dừng chân, quay mình lại, móc trong ngực áo ra một hộp gỗ nhỏ đưa cho Nhược Hi:
– Đáng lẽ trả cô từ hôm đi tái ngoại về, nhưng nhiều việc dồn dập nên nhỡ nhàng mãi.
Nhược Hi ngắm cái hộp gỗ trong tay Tứ a ca, lòng mang máng đoán được nội dung bên trong. Tưởng đã đi vòng thật xa, hoá ra quay về chỗ cũ. Nàng đăm đăm nhìn cái hộp, không có ý định chìa tay đón. Chàng cũng chẳng hề giục giã, vẫn giơ nguyên lưng chừng. Hai người bất động hồi lâu, cuối cùng Nhược Hi nhẹ nhàng nói:
– Nô tỳ không nhận được.
Tứ a ca không thu tay về, mắt nhìn trân trối như muốn xoáy sâu vào tận tim Nhược Hi. Bỗng chàng kinh ngạc ngó ra sau nàng, giọng lạc đi:
– Thập Tứ đệ!
Nhược Hi giật mình. Không kịp cân nhắc kỹ, phản ứng tức thời của nàng là giằng ngay lấy cái hộp đang tênh hênh trước mắt, giấu luôn vào ngực áo, dồn hết can đảm trấn tĩnh thật nhanh rồi quay lại thỉnh an.
Có ai đâu? Nhược Hi ngơ ngác đảo quanh một vòng, bốn bề vẫn vắng ngắt. Bấy giờ mới hiểu là mình mắc bẫy, nàng quay phắt lại kêu lên:
– Lừa người ta!
Không phải do tức giận, mà là do không sao tin nổi.
Mắt ánh lên chế giễu, Tứ a ca châm chọc:
– Té ra hiệu nghiệm thật nhỉ? Cô sợ Thập Tứ đệ đến thế à?
Nhược Hi lẩm bẩm:
– Không phải sợ, mà là… – Rồi nàng lắc lắc đầu, không nói thêm nữa.
Trầm ngâm một lát, nàng sực nhớ, vội móc cái hộp đưa trả cho Tứ a ca. Chàng liếc xéo nàng, rảo chân bỏ đi. Nhược Hi lẵng nhẵng chạy theo. Tứ a ca không ngoảnh lại:
– Cô định theo ra khỏi vườn luôn hả? Lần này chắc Thập Tứ đệ sẽ trông thấy thật đấy!
Nhược Hi chững bước, rồi dừng hẳn lại, nhìn bóng chàng chẳng mấy chốc xa dần.
oOo
Năm Khang Hy thứ năm mươi. Cố cung.
Vừa qua tết Nguyên tiêu, đèn hoa trong cung còn chưa gỡ hết, khoé mắt bờ môi ai nấy vẫn vương nét vui tươi nhàn nhã của hội hè.
– Đèn này làm công phu ghê! Chi tiết tinh xảo, gập gọn dễ dàng, ngay tranh vẽ ngoài chao cũng phải là tác phẩm của một bậc thầy! – Nhược Hi xoay cái đèn kéo quân, vừa ngắm nghía kỹ càng vừa cười nói với Thập a ca và Thập Tứ a ca.
Thập a ca rạng rỡ:
– Biết là cô sẽ thích mà!
Thập Tứ a ca hừ một tiếng:
– Mau cảm ơn Thập ca nhiều nhiều vào, đèn này là anh ấy cướp trên tay người khác đó.
Nhược Hi ngạc nhiên nhìn Thập a ca, gã trợn trạo mắng Thập Tứ:
– Giỏi vạch áo cho người xem lưng nhỉ! Em gạ mua trước, lại cũng chính em gợi ý đem vào cho Nhược Hi chơi còn gì!
Thập Tứ a ca toét miệng cười:
– Nhưng nghe chủ nhân nói chỉ muốn trưng bày cho mọi người hân thưởng, bao nhiêu tiền cũng không nỡ bỏ món đồ cưng, tôi đành nguôi ý định. Thế mà anh lại lộ chân tướng, khệnh khạng bảo “Thập gia ưng cái này!” để ép người ta nhượng bán. Muối mặt vì anh quá, tôi phải khẩn trương lỉnh đi, giờ anh còn trơ tráo nói thế à?
Đã hiểu đầu đuôi câu chuyện, Nhược Hi bèn dúi cái đèn vào tay Thập a ca:
– Ở chỗ tôi, đây chẳng qua chỉ là một thứ đồ chơi vô thưởng vô phạt, nhưng với người ta thì là ngọc quý trong lòng. Anh mau đem trả!
Thập a ca trừng mắt với Thập Tứ, đoạn bảo Nhược Hi:
– Lấy mất rồi làm sao đem trả cho được? Cô nhận đi!
Nhược Hi chưa kịp đáp thì Cửu a ca, từ đầu tới giờ vẫn giữ yên lặng, nhạt nhẽo chêm vào:
– Mỗi cái đèn ranh con, lấy thì có làm sao? Với lại chẳng phải chưa trả tiền, việc gì mà õng ẹo kiểu cách thế?
Nhược Hi phớt lờ, tiếp tục giục Thập a ca:
– Mau trả về!
Thấy thái độ Nhược Hi cương quyết, Thập a ca bất đắc dĩ cầm lại, cau mày than thở:
– Trả thì trả, mất bao nhiêu công ra!
Nhược Hi trách Thập Tứ a ca:
– Anh đi cùng mà không can một tiếng?
Thập Tứ trỏ Thập a ca:
– Cô hỏi anh Mười, ta có can không? Nhưng anh ấy chịu nghe đấy chắc? Tính ương mà đã nổi lên thì ngoài Hoàng a ma, trên đời này chỉ còn ba người nữa nói lọt tai anh ấy thôi, tiếc nỗi ta không nằm trong số đó.
Nhược Hi và Thập a ca, không hẹn mà cùng phì cười:
– Ba người nào?
Cửu a ca dường cũng có hứng thú, liền chăm chú theo dõi câu chuyện. Thập Tứ nhìn Thập a ca:
– Bát ca!
Thập a ca chưa kịp nói gì, Thập Tứ a ca đã trỏ Nhược Hi:
– Nhược Hi!
Thập a ca cười hì hì với Nhược Hi, không nói không rằng. Nhược Hi lườm Thập Tứ a ca, gã nén cười bảo nàng:
– Người cuối cùng chính là đối thủ oan gia hồi nhỏ của cô, tức Thập phúc tấn ngày nay đấy!
Thập a ca lúng túng thấy rõ, trừng mắt với cậu em. Nhược Hi liếc gã, ý tứ nói lảng đi:
– Năm nay phố đèn có rộn rã không? Có màn gì vui không?
Thập Tứ a ca chán chường đáp:
– Năm nào chẳng từng ấy trò, không có gì mới mẻ cả.
Thập a ca cười hề hề, định tả cảnh náo nhiệt của Nguyên tiêu năm nay thì Cửu a ca sốt ruột giục đi.
Ba người sắp rời khỏi, bỗng Thập Tam a ca từ đâu xăm xăm chạy tới, vừa xắn tay áo vừa hằm hằm mặt, xông thẳng vào Cửu a ca quai tay đấm một phát. Thập Tứ a ca vội ngăn gã lại, kêu lên:
– Thập Tam ca, hoàng cung không phải chỗ ẩu đả!
Cửu a ca nhảy tách ra vài bước, nhìn Thập Tam a ca, cười khẩy:
– Thập Tứ đệ, buông nó ra! Để ta xem xem gan nó to bằng ngần nào.
Thập Tam a ca tức điên, chực vùng khỏi Thập Tứ mà lao lên, nhưng bị cậu em ghì chặt lại. Nhược Hi vội hỏi Thập a ca:
– Chuyện gì thế?
Thập a ca nhớn nhác lắc đầu:
– Ai mà biết được? – Rồi cười toe – Hôm nay có kịch vui xem đây!
Nhược Hi trừng mắt với gã, lại còn sợ thiên hạ không loạn! Nàng quét mắt ngó quanh, bây giờ vắng tanh, nhưng nếu om sòm thì thể nào việc cũng mau chóng đến tai Khang Hy. Nàng vội đẩy Thập a ca:
– Anh mau đưa Cửu a ca đi đi!
Thập a ca còn dùng dằng, nhưng bị Nhược Hi lườm ghê quá, đành xích lại chỗ Cửu a ca, túm y bằng cả hai tay lôi xềnh xệch ra cổng:
– Nó hoá dại đấy mà! Anh định dại theo hay sao? Chấp nhất làm gì, chúng ta còn đầy việc bên ngoài nữa.
Gã vừa thôi thúc vừa kéo Cửu a ca dông thẳng.
Thập Tứ ôm chặt Thập Tam, đợi bóng hai anh lớn khuất hẳn mới buông ra, nhưng vẫn giữ một cánh tay anh bé. Thập Tam a ca sừng sộ hỏi:
– Tại sao ngươi không cho ta đánh tên súc sinh kia?
Thập Tứ a ca thở dài:
– Anh đánh nhau với Cửu ca trong cung, chuyện ầm ĩ lên chỉ e bất lợi cho Lục Vu cô nương. Truyện được copy tại
Bấy giờ Thập Tam mới gượng bình tĩnh, căm tức nói:
– Ta vừa biết vụ này đêm qua. Hôm nay vô tình gặp hắn, máu nóng bốc lên, chỉ muốn thoi vào mặt hắn mấy quả.
Nhược Hi nghe mà rối tinh rối mù, sao lại dính dáng cả đến Lục Vu nữa, bèn hỏi:
– Chuyện gì thế?
Thập Tứ không trả lời, chỉ gượng gạo nhìn nàng. Thập Tam a ca im lặng một lúc rồi chân thành nói với Thập Tứ:
– Cảm ơn em nhiều lắm!
Thập Tứ a ca sượng sùng đáp:
– Đợt trước em còn chưa tạ anh, sao anh phải cảm ơn em? Huống hồ lỗi này là do Cửu ca say quá mà ra thôi.
Nghe hai người trao đổi, trông dáng vẻ ngượng ngập của Thập Tứ, lại nhớ tới thói háo sắc của Cửu a ca, Nhược Hi cả kinh, ngờ vực hỏi:
– Cửu a ca làm gì Lục Vu? Chẳng phải mấy năm trước Lục Vu đã chuộc thân rồi hay sao? Mà dù chưa chuộc thân, cô ấy cũng chỉ bán nghệ chứ có bán thân đâu?
Thập Tứ lúng túng liếc nàng:
– Con gái nhà! Chưa xuất giá đã nghe ngóng đủ thứ chuyện thế là sao?
Thập Tam a ca kể:
– Chuyện xảy ra đêm Nguyên tiêu. Tên khốn nạn kia tình cờ gặp Lục Vu, bèn nổi lửa lòng định cưỡng gian nàng, may mà Thập Tứ đệ bắt gặp nên giải cứu được.
Nhược Hi nhìn Thập Tứ a ca, phẫn nộ nói:
– Cái đồ lòng lang dạ sói! Tôi vẫn biết hắn ta háo sắc, chỉ không ngờ lại đến mức đụng cô nương xinh đẹp nào cũng giở trò càn rỡ!
Thập Tứ a ca xẵng giọng:
– Nhược Hi!
Nhược Hi thôi rủa, nhưng vẫn chưa nguôi bực, bèn bảo Thập Tam a ca:
– Anh phải kiếm lấy vài tên, hôm nào lén đón đường Cửu a ca, chụp bao bố lên đầu hắn mà dần cho một trận, chả ai biết đấy là đâu đâu!
Thập Tứ a ca cáu kỉnh:
– Câm đi! Lục Vu đã yên ổn rồi, cách giải quyết tốt nhất bây giờ là chín bỏ làm mười, sao có cái lối bươi móc cho thối hoắc lên như thế? Cô định để cả kinh thành biết chuyện à? Việc vốn không lại bị đồn thành có, cô muốn sau này Lục Vu sống kiểu gì đây?
Thập Tam a ca yên lặng hồi lâu, rồi dặn Thập Tứ:
– Em về nhắn với hắn, thật rành mạch: nếu hắn còn dám làm bậy, ta dẫu bị Hoàng a ma đánh mắng cũng phải nện cho hắn một trận tơi bời.
Thập Tứ a ca gật đầu lia lịa:
– Bận sau không thế nữa!
Thập Tam a ca cảm ơn cậu em thêm mấy lần, mới hậm hực bỏ đi.
Đợi gã đi khuất, Thập Tứ a ca trỏ mặt Nhược Hi mắng:
– Ăn gan hùm mật gấu rồi phải không? A ca mà cô cũng dám chửi! Liệu có mấy cái đầu để chặt đây?
Nhược Hi trừng mắt nhìn trả, không thèm đáp. Thập Tứ bỗng đổi giọng hoà hoãn:
– Thực ra cũng không hoàn toàn do lỗi Cửu ca. Tối hôm đó anh ấy quá chén vài ly, trong bọn đi cùng có kẻ biết Lục Vu xuất thân chốn phong trần, lại có kẻ xấu bụng khích thêm vài câu, đại loại “ỷ Thập Tam gia che chở, coi thường Cửu gia”. Vì nhất thời hồ đồ, Cửu ca mới không kiểm soát được hành vi.
Nhược Hi ngửa mặt cười nhạt, giọng mát mẻ:
– Nói rốt nói ráo, té ra là lỗi của Lục Vu và Thập Tam a ca, quả thật hôm nay được mở rộng tầm mắt.
Đoạn quay phắt đi. Ở đằng sau, Thập Tứ tức bực kêu:
– Đúng là lo chuyện bao đồng, làm phúc phải tội. Vì cứu Lục Vu, ta đã bị Cửu ca dằn hắt suốt mấy ngày, bây giờ lại đến lượt cô. Sớm biết lôi thôi thế này, ta cứ khoanh tay mặc kệ cho xong.
Nhược Hi dừng bước, đặt mình vào vị trí của Thập Tứ a ca mà suy xét, rồi ngoảnh lại cười ngọt ngào:
– Tôi cả giận mất khôn! Phải cảm ơn anh mới đúng.
Thập Tứ a ca hừ một tiếng, không thèm nói năng. Nhược Hi lại cười lấy lòng:
– Hay anh mắng tôi vài câu cho xả bớt nhé!
Thập Tứ trỏ nàng: “Đúng là đồ…”, rồi lắc đầu nén lại, thở dài bỏ đi: “Chán chả muốn lằng nhằng với cô nữa!” Im lặng ngẫm nghĩ một lúc, Nhược Hi chạy theo. Nghe tiếng bước chân, Thập Tứ a ca trở gót chờ nàng:
– Lại gì nữa đây?
Nhược Hi ngập ngừng:
– Với tính cách ấy, chưa chắc Cửu a ca đã chịu buông tay…
Nàng đang nói dở, Thập Tứ a ca đã ngắt lời:
– Giúp thì giúp cho chót chứ! Việc này ta đã nói khó với Cửu ca, lại nhờ cả Bát ca cất công đến khuyên răn rồi. Dù thế nào Cửu ca cũng sẽ nể mặt chúng ta…
Nhược Hi liền cúi mình làm lễ:
– Đa tạ!
Thập Tứ a ca cười hỏi:
– Cô chẳng qua mới gặp Lục Vu một lần, sao lại nặng lòng với cô ấy thế?
– Nhân phẩm tài năng của Lục Vu đều vào bực xuất chúng. Tuy chúng tôi chưa gắn bó thân thiết, nhưng đừng nói Thập Tam a ca, mà chính đàn bà con gái như tôi đây cũng chẳng thể đứng nhìn.
Thập Tứ a ca lắc đầu than:
– Đánh chết cái nết không chừa! Chẳng bao giờ bận tâm đến vị thế của mình cả, cứ tuỳ tiện đặt gái phong trần lên ngang với bản thân.
Câu nói khiến đôi bên cùng nhớ lại trận cãi cọ vì Lục Vu nhiều năm về trước ở thư phòng Bát a ca, bèn cười ầm lên. Thập Tứ a ca tủm tỉm nói:
– Cô với Thập Tam ca, hai người tự nhiên thoải mái thật!
– Thập Tam a ca vốn cởi mở phóng khoáng, đối đãi với Lục Vu không theo cách các vị suy diễn đâu. Vì trân trọng tài hoa và xót xa thân phận của Lục Vu, anh ấy mới ra tay che chở bao nhiêu năm nay. Giống như cầm ô che cho bông hoa xinh đẹp trong gió mưa vần vũ, cốt để giữ gìn vẻ đẹp của nó chứ không phải để bứng đem về nhà.
Thập Tứ a ca cười khì:
– Nhưng ta thấy, tấm lòng Lục Vu dành cho Thập Tam ca không chỉ là nghĩa bạn bè thôi đâu. Tối hôm đó, sợ thuộc hạ của Cửu ca lén lút giở trò, ta bèn đích thân đưa cô ấy về. Trên đường, Lục Vu khẩn khoản xin ta giấu kín sự việc với Thập Tam ca. Cô ấy nói, chẳng qua chỉ một phen tủi cực, chẳng có gì nặng nề ghê gớm, không muốn vì mình mà rước thêm phiền phức cho con người nhiệt tình sốt sắng như Thập Tam gia. Đàn bà con gái bình thường mà gặp cảnh tương tự thì khóc đến cay đắng xé lòng ấy chứ, nhưng Lục Vu không một lời oán thán, chỉ bận tâm lo nghĩ cho Thập Tam ca.
Nhược Hi cúi mặt thở dài, bụng bảo dạ, gặp được Thập Tam, chẳng biết là phúc hay hoạ của Lục Vu? Chỉ e chính bản thân Lục Vu cũng không bao giờ muốn thừa nhận tấm tình này.
Thập Tứ a ca cũng thở dài:
– Đừng mải mủi lòng cho người khác, nên lo tính việc của bản thân nữa đi! Đến tuổi xuất cung, cô phải đợi Hoàng a ma chỉ hôn. Thay vì mù mờ không biết lấy ai, chi bằng sắp sẵn mục tiêu, rồi xin Hoàng a ma tứ hôn cho sớm.
Lời khuyên của Thập Tứ rất giống gợi ý của Tứ a ca. Xem ra, với những người sáng suốt, đây là hướng đi tích cực nhất, cũng là hướng đi duy nhất.
Thấy Nhược Hi im lặng, Thập Tứ a ca lại mềm mỏng:
– Bát ca với cô, hoàn toàn là chân tình. Vào cửa anh ấy, cô sẽ không phải chịu gò khuôn uốn nắn gì đâu. Thích ra ngoài cưỡi ngựa du ngoạn hay đi xem phố phường rộn rã tiết Nguyên tiêu với ta và Thập ca, Bát ca cũng sẽ chiều ý hết. Khỏi phải khoá mình trong cung, chỉ được nghe ngóng bên ngoài qua lời ta và Thập ca như mấy năm nay. Tết nhất mỗi năm một khác, bằng không ta cũng chẳng chịu khó đi xem hết năm nọ sang năm kia… Song trông bộ dạng cô, hình như càng nghe nhiều, lòng cô càng khó chịu…
– Đừng nói nữa!
Thập Tứ im bặt. Nhược Hi gượng cười:
– Tôi phải về thôi!
Thập Tứ a ca nhẹ nhàng đáp:
– Ừ đi đi, ta cũng về phủ bây giờ!
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!