Bồ Câu Không Đưa Thư - Chương 3
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
201


Bồ Câu Không Đưa Thư


Chương 3


Phong Khê quả là một anh chàng nhanh nhẩu phát khiếp. Ba ngày sau khi Xuyến gửi “tối hậu thư”, ba trái ổi tròn trĩnh đã nằm ngay ngắn trong ngăn bàn của Thục. 

Khi phát hiện ra “lễ vật”, Thục không khỏi bỡ ngỡ. Bất giác nó cảm thấy một nỗi xao xuyến mơ hồ dâng lên trong lòng.

Xuyến và Cúc Hương thì vui vẻ một cách hồn nhiên. Vừa thấy mấy trái ổi, Cúc Hương đã bô bô:

– Tao biết ngay mà! Rõ ràng tay Phong Khê này NTSC con Thục sâu đậm hơn chàng lớp trưởng mình nhiều!

Xuyến gật gù:

– Hóa ra hắn cũng tử tế gớm! Gả con Thục cho hắn, mình cũng không đến nỗi lo lắng lắm!

– Tao với mày lại còn có ổi ăn dài dài! – Cúc Hương đề thêm.

– Dẹp tụi mày đi! – Thục mím môi – Tụi mày có muốn gả thì tự gả lấy, đừng có kéo tao vô!

– Ôi chao, cái con này! – Cúc Hương vừa kêu vừa đưa hai tay lên trời – Hôm trước mày hì hà hì hục gặm ổi của người ta, bây giờ lại giở giọng phủ phàng hả!

– Tụi mày cũng ăn nữa chứ bộ! – Thục chống chế.

– Nhưng tụi tao ăn là ăn phụ mày! Cũng như mai mốt mày lấy chồng, mày là cô dâu, còn tao với con Xuyến là phụ dâu. Chứ chẳng lẽ trong cái “vụ” này, đứa nào cũng đóng vai chính, không có đứa phụ, coi sao được!

– Thôi, thôi, tao không nói chuyện với mày nữa! Miệng mày như loa phát thanh ở ngoài Xa Cảng, ai nói cho lại!

Xuyến hắng giọng chen vô:

– Con Thục không muốn nói chuyện với con Cúc Hương thì nói chuyện với tao!

Thục rụt cổ:

– Tao cũng không nói chuyện với mày! Mày còn ghê hơn con Cúc Hương!Xuyến nghiêm mặt:

– Không nói cũng phải nói! Đây là hỏi cung chứ không phải nói chuyện bình thường! Chuẩn bị tinh thần nghe tao hỏi nè!

Thục chun mũi:

– Hỏi gì hỏi đại đi! Bày đặt làm mặt hình sự hoài!

Xuyến đập tay xuống bàn:

– Đừng có thách thức nhà chức trách! Nhà ngươi hãy thành thực trả lời cho ta và con Cúc Hương biết lá thư mà Phong Khê gửi kèm theo mấy trái ổi nhà ngươi giấu ở đâu rồi!

– Xì! Tao mà thèm giấu!

Xuyến chìa tay ra:- Không giấu thì đưa ra đây!

Thục hất mái tóc:

– trong ngăn bàn kìa!

Xuyến ngó Cúc Hương, cười hì hì:

– Rõ ràng nó giấu trong ngăn bàn mà bảo là không giấu! Nếu không bị hỏi cung, đừng hòng nó khai ra!Vừa nói, Xuyến vừa cúi đầu dòm vào ngăn bàn, sục sạo và lôi ra một tờ giấy gấp tư. Nó liếc Thục:

– Mày “duyệt” trước rồi phải không?

– Ừ.

– Mày có thêm bớt gì trong này không?

– Hỏi vô duyên!

Xuyến nháy mắt trêu Thục, tay lúi húi mở thư. Cúc Hương vừa liếc vào tờ giấy đã buột miệng sửng sốt:

– Ái chà! Kiểu này thì nguy to! Con Thục khai hết với hắn rồi Xuyến ơi!

Xuyến cũng không giấu vẻ kinh ngạc. Nó chắt lưỡi xuýt xoa:

– Chà, tay này đóng vai chính trong phim “Thám tử tư” chắc?

Thục đã đọc qua lá thư nên chẳng hề ngạc nhiên về phản ứng của các bạn. Nó nghĩ về sự ranh mãnh của anh chàng Phong Khê nhiều hơn. Chẳng hiểu anh ta điều tra bằng cách nào mà biết tỏng tòng tong tên tuổi của bọn Thục. Thục nhớ rõ mồn một những dòng chữ trên tờ giấy Xuyến cầm:Cái từ “bạn” rất dễ thương

Cám ơn Xuyến, Thục, Cúc Hương rất nhiều

Ba trái ổi có bao nhiêu

Chỉ mong các bạn buổi chiều… no nê

Thấy Thục ngồi đăm chiêu, Cúc Hương lại gọi giật:- Có phải mày “bán đứng” tên tuổi tụi tao cho hắn không vậy Thục?

Thục mím môi:

– Tao không biết buôn bán!

– Chà, chà, bữa nay con Thục mồm mép khiếp! Hễ đụng đến “người yêu” của nó thì y như rằng nó “xù lông nhím” lên! – Cúc Hương nheo mắt bình luận – Nếu mày không cung cấp thì hắn moi tin tức này ở đâu ra?

– Tao chẳng biết. Tao chưa gặp hắn bao giờ.

Xuyến ngẫm nghĩ một lát rồi gật gù:

– Chuyện này không phải do con Thục. Có thể anh chàng quỷ quái này mò lên văn phòng dò tên tụi mình trong sổ gọi tên và ghi điểm.

– Vô lý! – Cúc Hương phản đối – Nếu chỉ lục lọi trong sổ, làm sao hắn biết ba đứa mình ngồi cùng một bàn? Chẳng lẽ hắn mượn sổ chủ nhiệm của cô Tường

Anh để coi sơ đồ lớp học?

– Làm gì có chuyện đó! – Xuyến lắc đầu – Có cho vàng hắn cũng không dám “cầu cứu” cô Tường Anh! Chỉ có một cách…

Nói tới đây Xuyến bỗng ngập ngừng khiến Thục và Cúc Hương cùng sốt ruột lên tiếng hỏi:

– Cách gì?

Xuyến làm mặt nghiêm trọng:

– Hắn trà trộn vào học sinh buổi chiều để “do thám“.- Không thể có chuyện đó được! – Cúc Hương nhún vai – Hắn mà ló mặt vô khỏi cổng là bảo vệ đuổi ra liền!

-Hắn không lẻn vào giờ học mà vào ngay lúc ra chơi.

– Ra chơi cổng cũng đóng! – Cúc Hương cãi.

Xuyến bĩu môi:

– Đóng cái mốc xì! Thế nào chẳng có đứa năn nỉ bác bảo vệ mở cổng cho ra ngoài mua cái này cái nọ. Khối đứa còn phịa ra lý do có cha mẹ anh chị cô bác cậu mợ dì dượng đến tìm. Thế là thừa lúc lộn xộn, người yêu của con Thục liền chui vào… gặp nó!

– Gặp mày thì có! – Thục “xì” một tiếng.

– Thì không gặp! – Xuyến cười hì hì – Nhưng hắn sẽ nấp ở một xó xỉnh nào đó, say sưa ngắm nhìn con Thục. Ba đứa mình chơi thân với nhau, đi đâu cũng cặp kè, do đó tao và con Cúc Hương cũng bị… ngắm nghía lây. Thế là tụi mình ở ngoài sáng, hắn ở trong bóng tối tha hồ dò hỏi, săn tin…

– Không thể được! Không thể kéo dài tình trạng này được! – Cúc Hương hùng hổ vung tay – Nếu vậy thì tụi mình “lỗ” quá nặng! Mình phải tìm cách trà trộn vào các lớp buổi sáng để… ngắm nghía lại hắn!

– Đúng! – Xuyến tán thành ngay – Nhiệm vụ đó giao cho con Thục là hợp lý nhất! Nó là nguyên nhân gây ra mọi chuyện, do đó nó có trách nhiệm đi… ngắm nghía “kẻ thù”!

– Đứa nào thích thì đi! Tao không có ham trò này đâu! – Thục rụt cổ.

Cúc Hương nguýt Thục một cái rồi đưa mắt hỏi Xuyến:

– Nó không chịu đi, giờ sao mày?

– Nó không chịu đi thì thôi chứ sao! – Xuyến thở ra.

– Thôi? – Cúc Hương trố mắt.

– Ừ.

– Sao đơn giản vậy? – Giọng Cúc Hương ấm ức – Chẳng lẽ mình chịu thua anh chàng láu cá kia?Xuyến nhún vai:

– Không phải là chịu thua! Nhưng tụi mình không muốn đối diện với sự thật phũ phàng!

– Nghĩa là sao? – Cúc Hương vẫn không hiểu ý Xuyến.

– Để vậy hay hơn! – Xuyến chậm rãi giải thích – Cứ coi như hắn là “người tình không chân dung” của con Thục! Nếu gặp hắn, rủi tụi mình phát hiện ra đó là một anh chàng chột mắt hay sứt môi, có phải là mộng vàng tan vỡ không?

– Ừ hén! – Cúc Hương gục gặc đầu – Nếu quả vậy thì thật đau khổ cho con Thục! Trước nay, nó cứ hình dung anh chàng của nó hao hao như Alain Delon!

Thục dẩu môi:

– Alain Delon là thần tượng của mày chứ đâu phải của tao!- Của ai cũng vậy thôi! Dù sao được Alain Delon NTSC cũng còn hơn là được thằng gù nhà thờ Đức Bà để ý!

Xuyến khoát tay:

– Thôi, đừng cãi nhau nữa! Tụi mình dù không “truy nã” hắn nhưng vẫn phải viết thư trả lời. Phải cho hắn biết cái trò rình rập của hắn chẳng có gì hay ho!

– Đương nhiên rồi! – Cúc Hương lẹ làng.

Xuyến nhíu mày:

– Nhưng lần này hơi khó.

– Có gì đâu mà khó! Viết thư là “nghề” của mày mà!

Xuyến tặc lưỡi:

– Nhưng lần này hắn viết ình bằng thơ, mình cũng phải làm thơ trả lời. Nếu không hắn bảo tụi mình mít đặc văn chương, thơ con cóc cũng không biết làm!Cúc Hương hất hàm:

– Vậy thì giao cho con Thục. Nó giỏi văn hồi nào đến giờ.

Nghe Cúc Hương “phân công”, Thục giãy nãy:

– Tao có biết làm thơ đâu mà bắt tao làm!

Cúc Hương trợn mắt:

– Không được cũng phải làm! Ai bảo mày gây ra tai họa chi!

Thục sắp sửa lâm vào thế bí thì Xuyến kịp thời can thiệp. Nó vội vã xua tay:- Không nên ép con Thục! Nó không biết làm, ép nó, nó làm dở ẹc, anh chàng kia sẽ cười vào mũi tụi mình!

– Vậy làm sao bây giờ?

Câu hỏi của Cúc Hương rơi tõm vào yên lặng. Cả Xuyến lẫn Thục đều bí rị. Không ai tìm ra lối thoát. Trong khi Xuyến đang mặt nhăn mày nhó như khỉ làm trò thì Thục mỉm cười vẩn vơ. Nó đang nghĩ đến anh chàng Phong Khê “lắm chuyện” nọ. Thục không hiểu anh ta muốn làm quen hay làm khổ bọn Thục. Anh ta bày ra thật lắm trò. Hết làm điệp viên lại làm thi sĩ. Thục thì chẳng nghĩ ngợi gì sâu xa, cũng chẳng muốn ăn thua với anh ta làm gì. Nhưng Xuyến và Cúc Hương lại khác. Tụi nó quậy phá hồi nào đến giờ, đâu để anh chàng vô danh tiểu tốt kia lên mặt được. Đang nghĩ ngợi, Thục bỗng nghe Cúc Huơng nóng ruột lên tiếng. Nó hỏi trổng trổng:

– Chẳng lẽ tụi mình bó tay sao?

– Bó tay sao được mà bó tay! – Xuyến hắng giọng – Nhưng có lẽ tụi mình phải cầu viện một người…

– Ai? – Cúc Hương lẫn Thục đều buột miệng.

Xuyến tươi tỉnh:- Nhà thơ của lớp mình.

– A, Phán củi! – Cúc Hương reo lên.Thục lườm bạn:- Người ta có tên họ đàng hoàng mày không kêu, cứ “Phán củi, Phán củi” hoài!

– Cả lớp đều kêu nó là Phán củi chứ đâu phải mình tao!

Xuyến đập hai tay vào nhau: – Con Cúc Hương nói vậy không được! Trước đây mày muốn kêu nó là Phán củi hay phủi cán gì cũng được, nhưng kể từ giờ phút này trở đi, mình sắp sửa nhờ vả nó, mình phải kêu nó là nhà thơ Lê Huy Phán đàng hoàng.Lý do Xuyến đưa ra chính đáng đến mức Cúc Hương đành phải đồng ý. Nó chỉ hậm hực lẩm bẩm:

– Nhờ xong vụ này, tao sẽ lại kêu nó bằng Phán củi cũng không muộn!

Nghe Cúc Hương nhấm nhẳng hăm he, Thục cố lắm mới không phì cười. Nó sợ cười phá lên, Cúc Hương sẽ nổi cáu gán ghép bậy bạ.

Phán học chung với bọn Thục từ năm lớp mười. Hai năm trước, Phán học trung bình, không có gì nổi bật. Tự nhiên năm nay Phán học khá hẳn lên, đặc biệt là môn toán. Trước đây, Cúc Hương luôn luôn dẫn đầu lớp về môn này. Nhưng kể từ đầu năm nay, chức vô địch của Cúc Hương buộc phải chia đôi. Gần đây, Phán lại mắc cái tật thính làm thơ. Thoạt đầu, khi bắt gặp những bài thơ tẩy xóa chi chít trong tập Phán, bạn bè không ngớt lời chọc ghẹo. Nhưng từ khi Phán đăng được một hai bài trên báo Mực Tím và Áo Trắng thì đám bạn độc miệng trước đây lại bắt đầu nhìn Phán bằng ánh mắt nể nang.

Tuy vậy, nhà thơ Lê Huy Phán không có nhiều bạn thân. Một phần vì Phán có vẻ già dặn so với các bạn cùng lớp nhưng phần khác, quan trọng hơn, Phán trông quê kiểng, cục mịch. Mặc dù rời quê lên thành phố mấy năm nay, Phán vẫn không gột rửa được dấu vết ruộng vườn của mình. Cách ăn mặc của Phán chẳng hòa hợp chút xíu nào với mô-đen hiện đại đang lan tràn từng giờ tận các xó xỉnh của một thành phố văn minh. Nếu đem so với chàng lớp trưởng hào hoa phong nhã Hoàng Hòa, Phán chẳng khác nào một anh nông dân lên thành phố… mua máy cày. Và chẳng biết tự bao giờ và ai đề xướng, bạn bè đều gọi Phán là… Phán củi, một biệt danh hoàn toàn phù hợp với con người. Vậy mà chẳng hiểu sao cái anh chàng “tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa” đó lại làm được thơ đăng báo, lạ thật! Thỉnh thoảng, khi nhắc đến Phán, Cúc Hương thường hóm hỉnh nhận xét như vậy. Như dù là Phán có “củi” hay “bếp ga” thì Xuyến vẫn phải đến gặp anh. Thoạt đầu, Thục cực lực phản đối cái trò nhờ vả này. Nhưng khi Xuyến nói:- Chuyện anh chàng Phong Khê đòi làm quen với mày, Hoàng Hòa đã biết rồi. bây giờ thêm một người nữa biết, đâu có sao! Hay là mày chỉ muốn tâm sự riêng với lớp trưởng thôi?

Thục đành gượng gạo cười trừ.

Trước nay, tụi Xuyến ít khi trò chuyện với Phán, do đó anh tỏ vẻ ngạc nhiên khi vừa ra chơi đã thấy Xuyến đến gặp mình. Anh chưa kịp hỏi thì Xuyến đã nói trước:

– Tụi tui nhờ bạn cái này chút!

– Gì vậy?

Xuyến khẽ liếc về phía Cúc Hương và Thục, nháy nháy mắt rồi quay lại nhìn Phán, hùng hồn tường thuật lại những chuyện vừa xảy ra. Kể xong, Xuyến đề nghị thẳng:

– Bạn làm giùm cho tụi này bài thơ trả lời được không?

Phán vui vẻ:

– Dĩ nhiên là được! Nhưng tại sao các bạn không tìm hiểu xem anh chàng Phong Khê này là người như thế nào?

– Đó là chuyện riêng của tụi này, bạn khỏi cần quan tâm. – Xuyến gạt ngang – Bạn chỉ cần giúp tụi này “sáng tác văn chương” thôi!

Phán liếm môi:

– Nhưng nội dung như thế nào?

– Nội dung hả? – Xuyến ngập ngừng một hồi rồi quay lại ngoắc Thục và Cúc Hương – Tụi mày lại đây cho tao tham khảo ý kiến chút coi!

Chỉ đợi có vậy, Cúc Hương chạy vù ngay lại, miệng láu táu:

– Sao rồi, Phán củi, à quên, nhà thơ Lê Huy Phán có chịu giúp tụi mình không?

– Chịu rồi! – Xuyến trừng mắt nhìn bạn – Mày tốp bớt cái miệng của mày lại cho bà con nhờ coi!

Cúc Hương cười hì hì, đánh trống lảng:

– Mày định tham khảo chuyện gì vậy?

Xuyến nghiêm mặt:- Chuyện viết thư hồi âm. Bây giờ tụi mình sẽ viết gì cho tên Phong Khê đây?

– Thì như khi nãy mày nói đó! Lên án cái trò rình rập của hắn!

Xuyến quay qua nhìn Thục:

– Còn cô nương này có ý kiến gì không?

Thục tủm tỉm:

– Tùy tụi mày!

Cúc Hương hừ mũi:

– Con Thục cầm tinh con cù lần, đừng hỏi nó mất công – Đang nói, Cúc Hương sáng mắt lên – À quên, trong thư hắn chúc tụi mình “no nê”, ý là chê tụi mình tham ăn. Mình phải bảo cho hắn biết ba trái ổi chẳng nhằm nhò gì. Phải… ba trái xoài mới no!

Thục đứng bên cạnh vừa cười vừa phát mạnh vào tay Cúc Hương:

– Con nhỏ này, sao mày ham “dụ ăn” người ta quá vậy!

Cúc Hương vênh mặt:

– Hắn dụ mày, tao phải dụ lại hắn cho huề chứ!

Phán truớc sau vẫn không nói một tiếng. Anh chỉ lặng lẽ mỉm cười trước những lời đùa tếu của bọn Xuyến. Khi ba cô gái đã thống nhất xong nội dung, và chính thức “đặt hàng”, anh mới bắt đầu chắp tay sau lưng đi tới đi lui, miệng không ngừng lẩm nhẩm. “Hoạt động sáng tác” của Phán khiến ba cô gái tròn xoe mắt như thể đang quan sát một người vừa bước ra từ… đĩa bay. Cúc Hương hồi hộp thì thầm:- Làm thơ gì mà trông ghê quá tụi mày! Giống hệt lên đồng!Xuyến “suỵt” khẽ:

– Để yên cho người ta làm việc! – Nạt xong, Xuyến bỗng ngứa miệng không nhịn được, liền lên tiếng bình phẩm – Tao lại thấy giống mấy nhà sư đi khất thực hơn!

Không biết Phán có nghe thấy những lời xì xào của Xuyến và Cúc Hương không mà anh bỗng đột ngột dừng bước.

– Sao không đi nữa? – Cúc Hương bất giác vọt miệng hỏi.

– Xong rồi!

– Vậy thơ đâu?

– Lấy giấy ra đi! Tui đọc cho các bạn chép!

Cúc Hương kêu lên:

– Trời ơi, nhà thơ gì mà làm biếng dữ vậy!

Nói vậy nhưng Cúc Hương vẫn lấy giấy ra đưa cho Xuyến:

– Chuẩn bị viết chính tả đi mày!

Phán chẳng buồn để ý dến giọng điệu châm chọc của Cúc Huơng. Anh hắng giọng chậm rãi đọc:

Hỏi tên thì hỏi thẳng ra

Mắc chi huyền bí như ma làm trò

Ổi kia đâu có nhằm nhò

Phải xoài ba trái mới no tụi này!

Xuyến vừa chép vừa gật gù khen:- Hay, hay! Chỉ có chỗ “ba trái xoài”, nói ngược thành “xoài ba trái” hơi trẹo lưỡi một chút nhưng không sao!

Phán biết Xuyến vừa khen vừa tranh thủ chê nhưng anh không nói gì, chỉ cười ruồi một cái rồi quay lưng bỏ đi. Nhưng Phán mới đi được vài ba bước, Xuyến đã gọi giật:

– Ê, khoan đã!

Ngạc nhiên, Phán quay đầu lại. Nhưng anh vẫn đưng nguyên tại chỗ, ngơ ngác hỏi:

– Gì nữa vậy?

Xuyến làm mặt ngầu:

– Bộ đọc thơ xong rồi bỏ đi một mạch vậy hả?

Mặt Phán lộ vẻ bối rối:

– Chứ còn sao nữa?

Đột nhiên Xuyến đổi giọng. Nó cười toe:

– Phải đứng lại chờ tụi này cám ơn đã chứ!

Phán nửa cười nửa mếu. Anh khẽ nhún vai:

– Thôi, khỏi! Có gì đâu mà cám ơn!

– Sao lại không có gì! Bạn đừng giả bộ khiêm tốn như vậy! Tụi này bao giờ cũng “ơn đền oán trả” đàng hoàng!

Xuyến khẽ liếc Phán, mỉm cười hỏi:

– Bây giờ bạn muốn tụi này “đền” cho bạn cái gì?

Phán chưa kịp trả lời thì Cúc Hương đã vọt miệng:

– “Đền” cho bạn tiểu thư của tụi này nghen!

Phán ngơ ngác:

– Tiểu thư nào?

– Nhỏ Thục đó!

Trong khi Thục thò tay ngắt Cúc Hương một cái đau đến mức Cúc Hương phải nhảy dựng lên thì Phán đứng sững trời trồng, mặt đỏ như gấc chín.

– Sao, bạn chịu không? – Cúc Hương tiếp tục trêu chọc Phán.

Nhà thơ điếng hồn, lắp bắp:

– Mấy bạn đùa chuyện gì đâu không!

Càng lúng túng, Phán càng trông giống một anh nhà quê tội nghiệp. Xuyến động lòng trắc ẩn, bèn giải vây:

– Nếu bạn không chịu thì tụi này “đền” cái khác! Một chầu chè, chịu không?

Phán ghét chè nhất trên đời. Nhưng lúc này anh vội vã gật đầu, mừng rỡ còn hơn bắt được vàng:

– Đúng rồi đó! Đi ăn chè đi!

– Chè xôi nước nghen?

– Chè gì cũng được.

– Ra ngoài chợ ngồi ăn nghen?

Phán đáp như máy:

– Ngồi đâu cũng được.

Xuyến nheo mắt:

– Bạn trả tiền nghen?

– Ai trả cũng được.

Nói xong, chợt phát hiện mình bị hớ, Phán tròn mắt ấp úng:

– Ơ, các bạn bảo các bạn “đền” cho tui mà!

Vẻ ngơ ngác của Phán khiến ba cô gái cười phá lên.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN