Bồ Câu Không Đưa Thư - Chương 5
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
188


Bồ Câu Không Đưa Thư


Chương 5


Sau khi gởi lá thư “vô tình và trắng trợn” đi rồi, Xuyến, Thục và Cúc Hương nơm nớp chờ xem Phong Khê sẽ phản ứng như thế nào. Nhưng sau bốn ngày chờ đợi, Phong Khê vẫn bặt vô âm tín. Trưa nào đến lớp, ba cô gái cũng đều nóng ruột nghiêng đầu dòm vào ngăn bàn nhưng lần nào họ cũng thất vọng quay ra.

Những lần trước, trễ nhất là ba hôm đã có thư hồi âm. Nhưng lần này, đã quá một ngày mà ngăn bàn vẫn trống rỗng. Thư cũng không mà bánh trái cũng không.

Ba cô gái đều lộ vẻ bồn chồn mặc dù không ai nói ai. Từ ngày anh chàng Phong Khê đánh tiếng làm quen, rồi thư đi tin lại, cuộc trò chuyện thầm lặng dưới ngăn bàn đã trở thành một niềm vui quen thuộc với ba cô gái. Bây giờ anh chàng Phong Khê không rõ mặt mũi kia đột nhiên im tiếng khiến họ cảm thấy thiếu thiếu một cái gì. Cái ngăn bàn hình chữ nhật chỗ Thục ngồi bây giờ không còn là một hộp thư bí mật và hấp dẫn nữa mà giống như một cái hang rỗng tuếch và nhạt nhẽo.

Thục là người buồn nhất. Lúc nào nó cũng bần thần trong nỗi ngóng đợi mơ hồ. Mỗi lần nhớ lại nội dung bức thư, Thục lại cảm thấy áy náy và ngượng ngập.

Thục đâm ra trách Xuyến và Cúc Hương. Nó giận lây cả Phán củi. Phán củi khù khờ, Xuyến và Cúc Hương bảo sao cứ nhắm mắt làm theo, chẳng thèm phân biệt phải trái. Để rốt cuộc, Phong Khê đâm ra oán trách và nghỉ chơi với Thục không một lời báo trước. Mà Phong Khê đâu phải là anh chàng tệ hại, “âm mưu đen tối” như Xuyến nghĩ. Từ ngày “làm quen” với Phong Khê, Thục chẳng thấy anh ta có “âm mưu” gì. Phong Khê chỉ hết lòng chiều chuộng bọn Thục. Anh ta chỉ muốn bọn Thục vui.

Không chỉ riêng Thục, cả Xuyến và Cúc Hương cũng bắt đầu thấy ân hận về lá thư quá trớn của mình. Chiều ngày thứ tư, Thục nghe Xuyến thở dài “tự kiểm”:

– Lần này tụi mình lỡ tay ra đòn mạnh quá, Cúc Huơng ơi!

Cúc Hương phân trần:

– Đâu phải do tụi mình! Tại sức chịu đựng của hắn kém quá! Không vượt qua nổi sự thử thách của tao và mày thì hắn đâu có đủ tư cách “cầu hôn” con Thục!

Nếu như mọi lần, Thục sẽ không tha cho tội ăn nói sàm sỡ của Cúc Hương. Nhưng hôm nay, Thục ngồi im, chẳng buồn nhếch mép. Nó mải nghĩ ngợi tận đâu đâu. Nó đang hình dung gương mặt rầu rĩ của anh chàng Phong Khê khi đọc thấy hàng chữ “dù quen biết hay không quen biết, thì tụi này có thiết tha chi…”

Trong khi bọn Thục chờ thư của anh chàng Phong Khê đến mòn con mắt thì Phán củi bỗng “tương” một bài thơ lên báo Mực Tím khiến cả lớp xôn xao. Lần này, bạn bè xôn xao không phải vì thơ Phán được đăng lên báo mà vì nội dung “liều mạng” của bài thơ. Ngay cả bọn Xuyến khi đọc bài thơ cũng cảm thấy ngỡ ngàng.

Bài thơ có tựa đề “Cô em hiền thục” và chỉ có tám câu:

Cô em hiền thục

Gặp từ hôm qua

Nhớ từ hôm trước

Thương em nhất nhà

Em không lém lỉnh

Như là người ta

Bông hoa bẽn lẽn

Là em đấy mà!

Giọng thơ dịu dàng và đầy tình cảm, ý tứ lại quá rõ ràng. Bạn bè trong lớp ai cũng nghĩ Phán viết cho Thục. Và những lời chòng ghẹo không ngớt “nổ” ra trong giờ chơi:

– Lớp mình bữa nay có hiện tượng lạ, tụi mày ơi!

– Một tình yêu sét đánh! – Một đứa hét ầm.

Một giọng cười cợt phụ họa:

– Sét đánh trúng… đống củi, và củi đã bốc cháy phừng phừng, ha ha…

Có đứa tinh quái ông ổng hát:

– Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn…

Cả lớp cười rầm, có đứa gõ bàn thùng thùng nhịp theo.

Người ấm ức nhất trong vụ này là Hoàng Hòa. Thời gian gần đây, thấy Phán thường cặp kè đi ăn chè với bọn Xuyến, Hoàng Hòa đã thấy gai mắt. Nay lại thêm bài thơ ướt át kia xuất hiện, anh càng cay cú. Vì vậy, trước những trò đùa nghịch tai ác của các bạn, Hoàng Hòa cố tình giả điếc làm ngơ.

Được lớp trưởng “bật đèn xanh”, lũ bạn quỷ quái càng khoái chí tuôn ra đủ lời trêu chọc. Cũng may, vì sợ hai cái đài phát sóng siêu tần số của Xuyến và Cúc Hương nên không ai dám nhắc đến tên Thục. Nếu không, chẳng biết mọi chuyện sẽ còn “ầm ĩ” đến đâu!

Còn Phán, trước sau anh vẫn ngồi im chịu trận. Mấy lần, Phán định đứng dậy bỏ ra ngoài nhưng lòng tự ái khiến anh lưỡng lự và rốt cuộc anh đã chẳng nhúc nhích. Anh cũng không dám mở miệng phân trần hay chống chế. Làm vậy có khác nào đổ thêm dầu vào lửa. Phán tự nhủ, tốt nhất là nín nhịn ra vẻ ta đây là chiếc lá khoai, đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu.

Nghĩ vậy, Phán cứ ngồi trơ. Trong lớp, Phán chẳng chơi thân với ai nên cũng chẳng ai bênh vực anh. Chỉ toàn là những khoèo với móc. Vả lại, đây là một vở kịch hiếm có, thuộc loại “nghìn năm một thuở”, nên cũng chẳng ai muốn nó hạ màn sớm làm gì. Trong đám bạn bè, chỉ có Xuyến, Thục và Cúc Hương là có thiện cảm với Phán, bởi anh là “cố vấn văn chương” của họ. Nếu Xuyến và Cúc Hương chịu “mở máy” thì những cái miệng nhao nhao kia chắc chắn sẽ “tắt đài” ngay. Nhưng khổ nỗi, vụ này lại liên quan đến “tiểu thư” Thục, nên Xuyến và Cúc Hương đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, sợ bạn bè suy diễn và gán ghép bậy bạ. Vì vậy, tuy phớt tỉnh ngoài mặt nhưng trong bụng Xuyến và Cúc Hương tức anh ách. Lần đầu tiên, chúng buộc phải ngậm miệng nghe người ta nói xiên nói xỏ đến “người của mình“. Càng tức, Xuyến và Cúc Hương càng rủa thầm Phán tơi bời. Chính tại bài thơ chết tiệt của anh, chúng mới lâm vào tình trạng oái ăm này.

Khác với hai bạn, trước những sự việc vừa xảy ra, Thục ngạc nhiên hơn là tức tối. Nó không hiểu tại sao cái anh chàng Phán củi cục mịch kia lại “có gan” để ý mình và lại dám đăng một bài thơ lãng mạn như thế lên báo cho thiên hạ chọc ghẹo. Thục cũng không rõ có phải Phán làm bài thơ đó ình không, hay lại ột cô gái nào khác. Nghĩ vẩn vơ một hồi, Thục bỗng quên mất Phán củi mà lại nhớ đến… Phong Khê. Phong Khê không những làm thơ mà còn tặng quà cho Thục. Đã vậy, anh còn bị bọn Thục hành hạ thê thảm, mắng nhiếc đủ điều. So với Phán củi, Phong Khê nhát gan hơn nhiều. Anh ta không dám đăng thơ lên báo mà chỉ giấm giúi vào ngăn bàn. Nhưng nếu anh ta gửi đến báo, chắc cũng chẳng ai đăng. Thơ Phong Khê không thể sánh được với thơ Lê Huy Phán. Thơ của anh chỉ có thể đăng ở trong… ngăn bàn của Thục thôi. Nhưng không biết từ nay anh ta có còn gửi bài nào tới “đăng” nữa không! Hay là anh ta đã giận bọn Thục và quyết định “ra đi không bao giờ trở lại”? Nghĩ đến đây, bất giác Thục buông một tiếng thở dài.

Cúc Hương quay sang:

– Làm gì thở dài nghe sầu đời vậy, cô nương?

Thục giật thót, tưởng Cúc Hương khám phá ra tâm sự của mình. Nó đỏ mặt ấp úng:

– Có gì đâu!

Cúc Hương vỗ tay lên vai Thục:

– Đừng buồn nữa! Tao và con Xuyến sẽ thay mặt mày hỏi tội nó giùm cho!

Tưởng Cúc Hương nói Phong Khê, Thục lắc đầu nguầy nguậy:

– Thôi, thôi! Chuyện này là do mình chứ đâu phải tại người ta!

– Sao lại do mình? – Cúc Hương trợn mắt – Tự nhiên nó cao hứng nó “phang” bài thơ gà mổ kia lên báo khiến tụi mình “ê” cả mặt, không hỏi tội nó sao được!

Biết Cúc Hương đòi hỏi tội Phán, Thục thở phào:

– Tùy tụi mày.

Chiều đó, đợi đến giờ về, Xuyến và Cúc Hương bắt đầu triển khai chiến dịch “truy lùng thủ phạm“. Sợ tụi bạn trong lớp xầm xì, ba cô gái không dám chặn

Phán trong sân trường, mà lẽo đẽo đi theo ra tận cổng.

Phán chẳng hay biết gì. Thoát khỏi sự châm chọc của lũ bạn độc miệng, anh cắm cúi rảo bước, không hay mình đang bị theo dõi. Mãi đến khi ngoặt quanh một phố vắng, Phán mới ra thở ra một hơi nhẹ nhõm và bắt đầu đi chậm lại. Chỉ đợi có vậy, Xuyến và Cúc Hương vội vã vượt lên, bỏ Thục lững thững phía sau.

Hai cô gái đến sát sau lưng, Phán vẫn chưa phát hiện. Đang đi lơn tơn, anh bỗng giật bắn người khi nghe tiếng Xuyến nóng hổi sau gáy:

– Chào nhà thơ.

Phán quay phắt lại, mặt không giấu vẻ thảng thốt:

– Kìa Xuyến!

Cúc Hương tiến lại:

– Tui nữa chi!

Phán cười gượng gạo:

– Các bạn làm tui hết hồn!

Cúc Hương gật gù:

– Bạn “hết hồn” cũng đúng thôi! Ai có tật mà chẳng giật mình!

Cú “móc trái” của Cúc Hương khiến nhà thơ Lê Huy Phán… hết làm thơ nổi. Anh đứng sững giữa đường như cây cột điện đứt giây. Dĩ nhiên Phán biết Cúc Hương muốn ám chỉ điều gì. Nhưng nhất thời anh chưa nghĩ ra cách đối phó, đành cười ruồi nghĩ kế. Thật ra Phán không ngại đấu khẩu với Cúc Hương. Anh chỉ ngán Xuyến. Xuyến cà khịa không thua gì Cúc Hương, lại giỏi tài ngụy biện. Trong “nghề” ăn nói, Xuyến “thành danh” rất sớm. Ngay từ năm lớp mười, mỗi lần nhắc đến Xuyến, tụi bạn thường kháo nhau câu vè “nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong, đừng hòng nói lại”, huống hồ gì bây giờ, Xuyến đã có thêm hai năm “trận mạc“. Hơn nữa năm ngoái Xuyến từng làm lớp trưởng và là một trong những lớp trưởng có “uy” trong toàn trường. Gì chứ kinh nghiệm “trấn áp” kẻ khác thì Xuyến có thừa. Phán đang nơm nớp nghĩ đến Xuyến thì Xuyến đã lên giọng “trấn áp” ngay:

– Làm gì mà “trầm tư lự” dữ vậy? Bộ bạn tính làm thơ đăng báo Mực Tím nữa hả?

– Đâu có! – Phán ấp úng và khẽ than thầm trong bụng:

– Sao vậy? Phải đăng thêm vài bài nữa mới có “ép-phê” chứ thương người ta mà đăng một bài thì ăn thua gì! – Xuyến hỏi, giọng tỉnh rụi.

Phán nhăn nhó:

– Tui có thương ai đâu mà mấy bạn nói vậy!

Cúc Hương trừng mắt:

– Bạn làm thơ đòi thương “cô em Thục” của tụi này mà bây giờ chối hả!

– Tui viết “cô em hiền thục” chứ “cô em Thục” hồi nào!

Cúc Hương át giọng:

– Thục hay hiền thục gì cũng là Thục thôi! Bạn đừng có hòng qua mặt tụi này!

Phán chưa kịp chống đỡ lời buộc tội của Cúc Hương, Xuyến đã hừ mũi, lên án tiếp:

– Bạn “kết mô-đen” con Thục, bạn muốn bơm nó lên tận mây xanh thì kệ xác bạn, mắc mớ chi bạn dìm tôi với con Cúc Hương xuống tuốt… vũng lầy tội lỗi?

– Trời đất ơi! – Phán vò đầu – Bạn nói cái gì nghe khủng khiếp quá vậy! Tôi dìm các bạn xuống vũng lầy gì gì đó hồi nào?

– Chứ còn gì nữa! – Xuyến nghiêm mặt – Bạn khen con Thục nào là “bông hoa bẽn lẽn”, nào là “em không lém lỉnh như là người ta”, có khác nào bạn bảo con Thục là thiên thần, còn hai đứa tôi là ác quỷ ma vương âm ty địa phủ thập điện diêm la mười ba cửa ngục…

Xuyến chưa “xổ” hết câu, Phán đã vội đưa tay bịt chặt hai tai, miệng lắp bắp:

– Thôi, thôi, cho tui xin! Bạn đừng có gieo tiếng ác cho tui nữa!

Thấy đối phương đã ngấm đòn ê ẩm, Xuyến quay sang Cúc Hương, nháy nháy mắt. Cúc Hương liền hắng giọng, từ tốn:

– Thực ra tụi này cũng không muốn “kết án” bạn làm gì. Dù sao bạn cũng đã giúp đỡ tụi này rất nhiều trong “sự nghiệp văn chương” những ngày vừa qua.

Nhưng tụi này chỉ chịu bỏ qua “vụ án” vừa rồi nếu bạn cũng thành thật với tụi này như tụi này vẫn luôn luôn… thành thật với bạn!Phán chột dạ:- Chứ tui có dối gạt các bạn hồi nào đâu!

Giọng Cúc Hương ngọt như đường phèn:

– Bạn nói thật hén?

– Thật mà.

– Vậy bạn nói thật nữa đi! Bài thơ vừa rồi có phải bạn viết cho con Thục nhà này không?

Biết sa cơ thì đã quá muộn, Phán đành đứng chết trân như Từ Hải “lâm nang“. Thục nãy giờ đứng bên, thấy vậy liền chớp mắt quay mặt đi chỗ khác. Còn Xuyến thì khụt khịt mũi “đề” thêm:

– Không tiện “ừ” thì gật đầu ra dấu cũng được!

Phán nửa cười nửa khóc. Không biết nên gật đầu hay lắc đầu, anh cứ lóng nga lóng ngóng như ngọng xem chuông, bụng không ngớt than thầm. Muôn sự cũng tại “nhân vật” Phong Khê kia mà ra. Hôm trước, dưới sự “chỉ đạo” của Cúc Hương, Phán đã “tặng” anh ta những câu thơ nặng như búa bổ. Thực lòng Phán không muốn viết những câu thơ đó. Nó có vẻ bất nhẫn làm sao! Dù Phán biết đó chỉ là những lời bỡn cợt, không có ác ý gì, anh vẫn cảm thấy run tay. Trong ba cô gái, chỉ có Thục là có tâm trạng giống anh. Hôm đó, Thục lộ vẻ áy náy và thẳng thắng lên tiếng phê bình. Mặc dù sau đó bài thơ vẫn được gửi đi nhưng tấm lòng hồn hậu của Thục đã khiến Phán cảm động vô cùng. Thế là không nén được, anh đã viết bài thơ “Cô em hiền thục” và gửi cho báo Mực Tím.

Khi làm tất cả những điều đó, Phán không ngờ hành động của anh lại gây xôn xao đến như vậy. Hết bị bạn bè trong lớp trêu chọc đến bị bọn Xuyến chận đường “vấn tội“. Như lúc này đây, anh đang loay hoay giữa chiếc bẫy của Xuyến và Cúc Hương, mặt đỏ như tắc kè say thuốc, chỉ biết làm thinh chờ… trời xuống cứu.

Nhưng lâu thật lâu mà trời chẳng xuống. Cúc Hương sốt ruột nhìn Phán:

– Không ý kiến ý cò gì hết tức là bạn thừa nhận tội lỗi của mình rồi phải không?

Giọng điệu “hình sự” của Cúc Hương khiến Phán nhăn mặt:- Ý kiến gì bây giờ…

Xuyến khoát tay:

– Bạn không ý kiến gì thì để tui ý kiến! Thứ nhất, – Xuyến hắng giọng – bạn đừng nên mơ tưởng viễn vông đến con Thục nhà này nữa. Nó đã “có nơi có chỗ” rồi. Anh chàng Phong Khê kia chính là… người tình trong mộng của tụi này, à quên, của con Thục. Bạn đừng thấy tụi này “hành hạ” anh ta mà tưởng bở nhào vô chiếm chỗ. Thực ra tụi này muốn thử thách xem anh ta có đủ kiên trì và nghị lực vượt qua sóng gió tình trường hay không thôi…

Xuyến nói đến đây, Cúc Hương không nhịn được bèn che miệng cười “hí hí” khiến Xuyến phải quay lại trừng mắt:

– Im cho người lớn nói chuyện mày!

Rồi để khỏa lấp tiếng cười không đúng chỗ vừa rồi của Cúc Hương, Xuyến vội vã quay sang Phán, nghiêm trang tiếp:

– Từ cái thứ nhất suy ra cái thứ hai. Đó là tụi này muốn nhờ bạn đem cái tài thơ của mình ra để “ứng đối” với anh chàng Phong Khê chứ không phải để “tán tỉnh” con Thục. Phải nói trước đâu đó đàng hoàng kẻo “cộng tác” với tụi này một thời gian bạn lại đi chệch mục tiêu khiến tụi này phải “uốn nắn” mệt quá!

Nghe Xuyến lên giọng “sư phụ”, Phán rầu thúi ruột, chỉ mong “chia tay” cho lẹ. Nhất là Thục đứng bên cạnh thỉnh thoảng lại quay mặt đi chỗ khác cười chúm chím khiến bụng anh cứ giật thon thót. Vì vậy, Xuyến vừa nói xong, Phán đã gật đầu lia:

– Được rồi, tui đồng ý hết! Thôi, tui đi nghen!

Rồi không đợi bọn Xuyến kịp nói thêm tiếng nào, Phán quay mình đi như chạy. Nhưng cũng như lần trước, Xuyến đâu chịu “buông tha” Phán một cách dễ dàng.

– Khoan đã! – Xuyến gân cổ gọi – Đâu có dễ ra đi một cách đơn giản vậy! Còn chuyện này nữa!

Cực chẳng đã, Phán phải ngoảnh cổ lại. Mặt anh nhăn như ăn phải trái ớt hiểm:

– Chuyện gì nữa vậy?

Xuyến “cười tình”:

– Tui mới nói với bạn có hai chuyện! Còn chuyện thứ ba!Phán khổ sở:

– Thứ ba, thứ tư gì nói đại ra hết cho rồi! Tui… đói bụng thấy mồ mà các bạn cứ bắt tui đứng đây hoài!

Xuyến nhún vai:

– Bạn háu ăn như vậy mà cũng bày đặt làm thơ tình cho con Thục! Nhưng thôi, lát nữa tụi này sẽ dẫn bạn về nhà ăn… cơm nguội. Còn bây giờ thì bạn ráng nhịn đói nghe xong chuyện này đã…

Phán nóng lòng muốn lên tiếng giục nhưng sợ Xuyến lại nổi hứng móc ngoéo qua chuyện khác, đành kiên nhẫn vểnh tai chờ.

Xuyến gật gà gật gù năm, sáu cái mới bắt đầu hắng giọng:

– Chuyện thứ ba là nhờ bạn làm tiếp một bài thơ gửi cho anh chàng Phong Khê. Hôm trước bạn viết cách sao mà anh ta trốn luôn, không cung cấp thực phẩm cho tụi này nữa. Bây giờ bạn phải có bổn phận làm một bài thơ “dụ dỗ” anh ta quay về với… con Thục!

– Bài thơ trước đâu phải do tui nghĩ ra! – Phán chép miệng phân trần – Tui viết theo ý Cúc Hương chứ bộ!

Nghe Phán quy trách nhiệm ình, Cúc Hương nghinh mặt:

– Thì dĩ nhiên là viết theo ý tui rồi! Chứ để bạn viết theo ý bạn thì bạn đâu có thèm làm thơ gửi cho anh chàng Phong Khê! Bạn chỉ khoái làm thơ cho “Cô em hiền thục” của bạn thôi!

Bị Cúc Hương điểm ngay “yếu huyệt”, Phán đành ngậm tăm, không dám hó hé nửa tiếng. Thấy vậy, Xuyến cười cười:

– Viết theo ý ai cũng vậy thôi! Chuyện đã lỡ rồi, bây giờ bạn phải “ra tay tế độ” cho tụi này, làm ngay một bài thơ “cấp cứu“…

 

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN