Bộ Khuy Kỳ Lạ - Chương 10: Kha-Mân-Xuyên, tù trưởng bộ lạc Si-Ram-Di
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
107


Bộ Khuy Kỳ Lạ


Chương 10: Kha-Mân-Xuyên, tù trưởng bộ lạc Si-Ram-Di


Việt Kim đi giữa gia đình bà mẹ cho áo. Em bước thật thản nhiên, bình tĩnh vô cùng vì em tin chắc là mấy người này quý mến em. Em có cảm giác vô cùng an ninh và trong lòng ấm hẳn lại.

Mặt trời toả ánh nắng thiêt đốt, sắc đeo vai trĩu nặng, nhưng Việt Kim chẳng thấy mệt nhọc chút nào.

Trong tâm tư thầm kín của em vang lên một tiếng reo vui:

– Thế là thoát rồi! Trời ơi! Thú quá!

Chân em cứ đều đều đặt bước trên làn cát bỏng, dưới ánh nắng chói chang. Cứ một bước lại thêm một xa khu “trại tù binh” của Áp Đun Bây và thêm một gần… Mã Sâm. Và em thầm mong đoàn người cứ đi, đi mãi không ngừng. Thực tình em cũng vẫn hơi sợ có người nhận được mặt và biết đâu em lại chẳng bị đuổi theo.

Kìa, đoàn người bỗng đi chậm lại. Việt Kim nhẹ tay kéo cao cổ áo che kín mặt thêm chút nữa. Giây phút này, tất cả đã dừng chân, đàn ông, người thì xuống khỏi lưng ngựa, người tụt khỏi lạc đà. Họ xuống đi bộ, nhường lưng vật cưỡi cho bọn đàn bà từ lúc khởi hành vẫn chưa được xả hơi.

Một bàn tay đập khẽ vào vai khiến Việt Kim giựt nẩy mình quay mặt lại. Bà mẹ cho áo nắm nhẹ tay em dắt tới bên một con ngựa. Việt Kim nhanh nhẹn trèo lên, cố ý che dấu những đồ trang phục phía dưới chân cho khỏi lộ chân tướng. Thiếu phụ Du-Ráp lẹ tay trao đứa con suýt bỏng lửa bữa nọ cho em, mắt nhìn thẳng mắt, bà ta đã nhận ra Việt Kim nhưng vẫn tỏ vẻ thản nhiên để tránh sự dòm ngó của người khác, đồng thời đưa một ngón tay đặt lên môi: bà muốn căn dặn Việt Kim đừng có lên tiếng mới mong khỏi lộ chân tướng.

Em thở ra một hơi dài nhẹ nhõm. Thiếu phụ cho áo sẽ giữ bí mật giùm em. Yên trí lắm rồi. Nhưng vướng thằng bé trên tay e khó lòng trốn được. Chỉ còn cách là chờ đợi giờ phút thuận tiện. Và một khi tách khỏi đoàn rồi thì việc cuốc bộ ắt sẽ là một điều chắc chắn.

Trước khi mặt trời đứng bóng, Việt Kim lén mở chiếc địa bàn Hà Khâm đã cho ra coi: cổ họng em như chợt có ai bóp nghẹt, nuốt nước miếng thấy đau. Đoàn du mục đang tiến theo hướng… ngược với hướng đi về Mã Sâm. Em còn nhớ lời Hà Khâm: đối diện với Mã Sâm là nẻo đi về miền núi hoang vu, cây khô, cỏ cháy, chỉ có những bộ lạc du mục bán khai ở mà thôi. “Vậy thì phải tách khỏi đoàn chạy trốn đi ngay mới được”. Ý nghĩ này khiến Việt Kim bất giác nổi gai ốc khắp mình.

Lợi dụng lúc cả đoàn nghỉ chân, kẻ đứng người ngồi lộn xộn, Việt Kim nhẹ tách khỏi đám đông, ngồi riêng ra một chỗ.

Toán người rục rịch đứng lên sửa soạn đặt bước trên biển cát mênh mông. Việt Kim cũng đứng lên như mọi người. Em chậm chạp nhấc chân chờ cho nhiều cặp vợ chồng vượt qua mặt, rồi thừa lúc không ai để ý, Việt Kim chạy vút nhanh vòng ra phía sau một đụn cát cách lối đi hơi xa. Một bàn tay lại khẽ đập vào vai khiến máu em tưởng chừng như bị đông lại trong huyết quản, mặt cắt không còn giọt máu. Hú vía bà mẹ cho áo, thiếu phụ Du-Ráp có đứa con suýt chết bỏng đang đứng trước mặt em, đôi mắt ánh lên tia nhìn thông cảm. Bà dúi vào tay em một cái túi da dê, gật gật đầu rồi tất tả quay ra nối bước đoàn người đang di động, chú bé địu trên lưng như kiểu các phụ nữ Trung Hoa địu con vậy.

Việt Kim vẫn ngồi nguyên tại chỗ, lấp sau đụn cát đưa mắt dõi theo đám dân du mục cho tới khi bóng bà mẹ cho áo lẫn vào đám đông và tất cả đoàn người… mất hút sau một đám bụi mờ vàng úa nơi cuối trời.

Em đứng phắt dậy đặt bước đi theo hướng địa bàn, tức là trực chỉ Mã Sâm. Vừa đi em vừa đưa tay mở chiếc túi quà tặng tiễn chân của thiếu phụ Du-Ráp: một gói đầy phó mách, bánh mì và… một bầu nước. Bụng đói, em bẻ bánh mì ăn với phó mách bùi thơm. Mới nhai được hai ba cái, Việt Kim bỗng giật mình hãm thắng hai hàm răng lại: “Phải ăn dè chút một, phòng khi không về tới mục tiêu, lạc lõng bơ vơ trong sa mạc thì có cái mà ăn.” Và em cột miệng túi lại, khoác lên vai, tiếp tục đặt bước.

Mặt trời toả sức nóng như thiêu khiến em phải cởi bỏ áo ngoài. Nhưng chỉ một lúc sau lại phải mặc vào để che cho da thịt đỡ bị nắng xém đau rát như chạm lửa.

Giờ nọ tiếp nối giờ kia? Việt Kim đi lâu đã thấy bước chân bắt đầu nặng. Khoảng xế chiều mặt trời tà tà ngả bóng, em trèo lên một đụn cát khá cao, đưa mắt quan sát. Việc trèo lên gò cát đã khiến Việt Kim kiệt sức. Em nằm vật trên đỉnh gò, thở hổn hển, buồng phổi như thiếu hụt dưỡng khí.

Việt Kim gượng đứng dậy. Tia mắt lờ đờ phát hiện những đốm đen nổi bật trên nền cát trắng phía xa.

Những đốm đen đó rung rinh chuyển động, hay đang đứng một chỗ im lìm, em không thể xác định được. Một đoàn lữ hành đang di chuyển? Một bộ lạc du mục khác đang tiến lại gần? Chịu, không biết! Em khao khát được bước đến với họ. Không có gì khủng khiếp hơn là tình trạng bơ vơ một mình lạc lõng trong sa mạc.

Em lao người bước xuống. Chiếc túi đeo trên vai trĩu nặng, lôi đi, khiến Việt Kim mất đà, bước chân loạng choạng, ngã dúi xuống, lăn lông lốc. Tới chân cồn cát, em gượng đứng lên nhưng đầu váng nhức như búa bổ, mắt hoa, hai cẳng chân nhẹ hẫng không đỡ nổi thân mình. Cô gái đáng thương độc hành trong sa mạc khụy xuống như khúc cây bị đốn ngã: lăn lông lốc, nhưng không còn ý thức được là mình đang lăn nữa. Em ngất xỉu đi rồi. Hà à à à!… Việt Kim mơ màng nghe tiếng mình reo lên khoái trá. Em thấy mình đang nằm thoải mái bên một bờ suối trong. Nước róc rách chảy, hơi mát tỏa ra bao bọc lấy thân xác em dìu dịu như hơi đá trong tủ lạnh. Miệng em bất giác há thật lớn để hớp những giọt nước thần tiên thấm vào đôi môi nóng hổi, làm dịu đi màng lưỡi khô đắng, mát rười rượi cả cổ họng đau nhức. Thích thú quá, Việt Kim mở choàng đôi mắt: giòng suối biến đâu mất như trong một giấc mơ kỳ ảo.

Thực tại khiến em sợ run lên, gom hết sức tàn quơ tay vùng vẫy hòng thoát ra một cái gì đang ôm em thật chặt. Vẫn trong trạng thái nữa tỉnh nữa mê, Việt Kim có cảm giác như một bóng dáng đàn ông đang nâng đỡ thân mình em dựa sát vào người. Tai em nghe văng vẳng một âm thanh êm dịu:

– May quá! Cô tỉnh lại rồi! Yên trí đi! Cô có thể yên trí được rồi!

Đầu Việt Kim nặng như đá, lảo đảo vật vào cánh tay người lạ. Và em ngước đôi mắt mệt nhọc nhìn lên. Đôi môi mấp máy:

– “Mình đang coi xi-nê đây mà!”

Hồi tỉnh được một chút, lần này em mở to mắt. Vẫn cái khuôn mặt rám nắng, da bánh mật, đường nét thanh tú dịu hiền. Đôi mắt người lạ xanh lơ, phản chiếu ánh nắng nổi lên những đốm vàng lóng lánh. Cái miệng đường môi đẹp như vẽ mỉm một nụ cười nhân hậu. Chiếc “găng đua ra” (loại áo không ống tay đặc biệt của người Ấn Độ) mềm mại là một mặt gối thật êm cho cái đầu cô gái đang đau nhức như muốn vỡ ra. Chiếc mũ chóp trên đầu người thanh niên lật ra sau gáy, nhưng một phần vẫn ôm gọn mớ tóc đen nhánh, mịn, đẹp như một vòng vương miện. Giọng nói trầm ấm lại cất lên:

– Cô nằm nghĩ một chút đi! Tôi là Kha Mân Xuyên, tù trưởng bộ lạc Si Ram Di. Tôi đi gọi bộ hạ của tôi tới săn sóc cho cô, nhé!

Việt Kim bất giác nhíu nhanh đôi mắt rồi mở ra. Viên tù trưởng Si Ram Di vẫn đó. Thì ra em không nằm mơ.

– Cô nhấm chút nước rồi chúng ta đi!

Chàng thanh niên sa mạc tháo bầu nước, kề sát môi Việt Kim:

– Cô nhắm một ngụm nhỏ thôi nhé! Uống nhiều là nguy đó!

Việt Kim ngoan ngoãn tuân lệnh. Ngụm nước khiến em như sống lại, đầy đủ sinh lực. Em ngay người dợm chân, trực bước thử, nhưng loạng choạng chút xíu nữa ngã rụi xuống.

– Cô còn yếu lắm. Xin cho phép tôi được…

Việt Kim chưa kịp trả lời, chàng trai đã nhẹ nhàng bồng em đặt lên yên trên lưng một con ngựa ròng cao lớn. Chớp mắt, người con trai đã ngồi phía sau, quàng cánh tay khoẻ mạnh giữ vững thân mình em trên mình ngựa.

Việt Kim mệt nhọc lả người trong vòng tay người lạ, thở ra thật dài. Trí óc bàng hoàng không còn quyết định gì được, em im lặng để người thanh niên muốn đưa tới đâu thì tới. “Đức A La đã cứu con!” Ý nghĩ mừng vui đó khơi lại lời nói của Á Minh. Niềm hy vọng về tới Ba-ga-ra để báo động cho đức Shah lại bừng lên như một đốm sáng loè trong màn đêm tăm tối.

Thoáng cái đã về tới một khu trại. Hai người đàn ông lực lưỡng tiến ra đỡ giây cương Kha Mân Xuyên liệng cho. Chàng trai nhẩy xuống ngựa, bồng Việt Kim đặt nhẹ trên mặt cát. Hai cánh tay vững mạnh như ghềnh đá tảng tha hồ cho Việt Kim dựa người thoải mái.

Kha Mân Xuyên mỉm cười thật tươi phô hai hàm răng trắng đẹp:

– Cô khoẻ rồi chứ! Đi thử coi nào!

Dứt lời, chàng trai đỡ Việt Kim đứng lên. Rồi vẫn quì gối trên cát đôi mắt sáng dõi theo cô gái Việt Nam chập chững đặt bước đặng làm hoạt huyết cho hai cẳng chân tê dại. Tê dại vì bị xử dụng quá mức trong bước đường đào tẩu, giây phút này, bắp thịt bị động đến lại đau nhức như rần.

Mân Xuyên quay ra khẽ quát:

– Đi tìm má tôi và các nữ tỳ của người tới đây, mau!

Rồi chàng ta dìu Việt Kim tới một căn lều, đỡ cho em ngồi xuống. Những tấm thảm thêu bằng tay đẹp rực rỡ buông rủ ấm cúng khắp bốn bên. Sàn lều cũng trải thảm thẳng căng bóng loáng. Những chiếc gối nệm vĩ đại, thoạt trông cũng đủ biết là rất êm, ngổn ngang đây đó. Việt Kim quơ nhanh một cái gối bọc sa tanh trắng mịn, ngã người ôm chặt lấy và lịm đi…

Mân Xuyên quay mình bước ra:

– Cô nằm nghĩ nhé! Má tôi sẽ tới liền bây giờ!

Không có tiếng trả lời. Cô gái Việt đã chìm sâu trong một giấc ngủ mê mệt.

……………………………………………………………………………………………………..

Việt Kim bàng hoàng mở mắt, ngạc nhiên hết sức, nhưng nhớ lại được ngay. Thì ra em hiện đang ở trong lều của Kha Mân Xuyên. Trời chắc đã về đêm. Trong lều chắc đã thắp đèn sáng chưng. Bên cạnh một thiếu phụ nhỏ nhắn ngồi nhìn em mỉm cười và đặt lên trán em một bàn tay mát rượi. Bà nói tiếng Pháp rất thạo, không thua người thanh niên:

– Ô! Cô bé đã tỉnh rồi! Tốt quá, không bị lên cơn sốt! Vậy nên đi tắm một cái là hết mệt ngay.

Hai tiếng vỗ tay “bốp bốp”. Đã thấy xuất hiện hai thiếu nữ nhanh nhẹn khiêng một cái chậu lớn, đổ đầy nước thơm nóng và… quần áo. Bốn tấm màn thêu được quây lại rất nhanh…

Trong phòng tắm bước ra, Việt Kim tự nhủ:

– Trời! Mình có cảm tưởng mình như là một người khác vậy.

Tấm gương lớn phản chiếu một bóng hình khiến Việt Kim thích thú. Chiếc áo dài diêm dúa dệt bằng lụa Thổ Nhĩ Kỳ tha thướt che phủ thân hình cân đối. Dưới chân, đôi vân hài êm như nhung viền chỉ kim tuyến óng ánh như giát vàng.

Hai thiếu nữ, chắc là hai nữ tỳ của thiếu phụ, sáp lại, tay lược, tay trâm, gỡ chải suối tóc huyền. Hai bàn tay thoăn thoắt nhẹ nhàng. Chớp mắt mái tóc đã óng mượt như tơ, phản chiếu ánh đèn lấp lánh. Vừa lúc đó, Mân Xuyên bước vào trong lều.

Viên tù trưởng trẻ tuổi reo lên:

– Úi chà! Gánh nặng xinh xinh ngoài biển cát của tôi đã biến thành một nàng tiên trên thượng giới rồi, ha ha!… Chắc cô đói bụng lắm? Tôi qua để dẫn cô tới lều của má tôi dùng bữa!

Dứt lời, Kha Mân Xuyên hơi ngả đầu, giơ cánh tay trái cho Việt Kim tựa vào để giắt nàng đi.

Chiếc bàn thấp phủ một tấm khăn trắng láng mịn. Đĩa thức ăn sao mà nhiều thế? Gà gô quay, cơm nhuộm khương hoàng (nghệ củ), cá dài nhồi thịt sữa đặc… Nhiều nhất là dưa hấu. Những đĩa bằng bạc sáng lấp loé xếp đầy hạt hạnh nhân và những trái cây nom rất lạ mắt. Dưới ánh đèn dầu đậu phụng treo giữa căn lều, mọi vật lung linh mờ ảo, như có, như không, y hệt trong một giấc mơ huyền thoại.

Thân xác thoải mái khoẻ khoắn sau một hồi nghĩ mệt thích thú, giờ đây, Việt Kim đói bụng, ăn rất ngon miệng. Và em quên bẵng mất không tự giới thiệu thân thế mình cho gia đình ân nhân biết. Sực nhớ ra:

– Ôi chà! Cháu xin bà và anh thứ lỗi đã quên không tự giới thiệu.

Thưa bà! Cháu là Nguyễn Thị Việt Kim! Sinh quán tại Sài gòn Việt Nam.

Đồng thời em kể rõ chi tiết lý do tại sao em có mặt tại Du-Ráp.

Mân Xuyên và mẹ im lặng ngồi chăm chú nghe chuyện. Và hai mẹ con ngạc nhiên xen lẫn niềm thích thú.

Một lúc sau, chàng thanh niên, tù trưởng bộ lạc Si Ram Di mới lên tiếng!

– Tôi chưa có dịp qua Việt Nam bao giờ, nhưng sách báo tài liệu, cũng đã được đọc kỹ lắm. Do đó, khi thoạt gặp cô ngoài sa mạc tôi nhận ra ngay cô đúng là thiếu nữ Việt Nam. Sau niên học năm ngoái tại Ba Lê và Luân Đôn, tôi được mẹ cho phép qua Việt Nam. Đã sửa soạn sắp đi thì xẩy ra nhiều biến cố quan trọng tại Du-Ráp nên phải hoãn lại.

Việt Kim ngẩng cao gò mũi xinh xinh:

– Biến cố quan trọng gì vậy anh?

– Xứ sở Du-Ráp chúng tôi là một quốc gia nhược tiểu, chậm tiến. Nhiều bộ lạc có thể nói là chưa được một chút tiến bộ, vẫn còn là một nếp sống hoang dã, cổ xưa, kỳ cục lắm. Công cuộc khám phá được những mỏ dầu hỏa đã thúc đẩy dân nước tôi phải tối tân hóa đời sống với một tốc độ trên mức trung bình, nghĩa là càng nhanh càng hay. Tôi là “khan” nghĩa là tù trưởng lãnh đạo bộ lạc miền Si Ram Di. Ngoài ra, còn nhiều bộ lạc láng giềng, cùng với bộ lạc tôi, tất cả đều thần phục trung thành với đức “Shah”. Đức vua muốn rằng nguồn lợi do các mỏ dầu sẽ làm cho toàn dân được hạnh phúc sung sướng, chứ không phục vụ chỉ riêng mấy tên lãnh chúa tham lam ích kỷ.

Việt Kim trầm nghiêm sắc mặt, gật đầu:

– Vâng! Tôi hiểu! Đức “Shah” có tư tưởng như vậy thật là một điều đại phúc cho toàn thể con dân Du-Ráp.

Sắc diện Kha Mân Xuyên chợt đanh lại:

– Nhưng một số bộ lạc ở lân cận vùng giếng dầu hỏa lại có ý riêng tây định chiếm nguồn tài nguyên đó đem về cho một thiểu số hưởng thụ. Họ lập luận rằng đức “Shah” không phải là đấng chí tôn chính thức. Riêng phần tôi, tôi lại nghĩ khác, căn cứ vào việc làm nhân đức của người. Một ngày gần đây, tôi sẽ đích thân về Ba-ga-ra để trình lên đức “Shah” tấm lòng chung thủy của tôi và toàn thể bộ lạc do tôi thống lãnh.

Những hình ảnh và âm thanh như một cuốn phim quay chậm, lại tuần tự xuất hiện trên sân khấu ký ức Việt Kim. Và đồng thời em nhận ra rằng hình như Kha Mân Xuyên chưa biết là mấy bộ lạc bán khai man dại kia đã bắt tay liên kết với ngoại bang. Sau mấy phút lặng lẽ suy tư, em quyết định nói cho họ Kha biết cuộc đối thoại bí mật em đã được nghe tại căn lều của Áp Đun Bây.

Việt Kim nghiêng đầu về phía chàng thanh niên lãnh tụ:

– Này, Kha Mân Xuyên! Tôi có chuyện này quan trọng lắm, cần nói cho anh hay.

Rất nhanh, Việt Kim kể lại cuộc viếng thăm của ba người tại Căn Pác, rồi lúc bị bắt cóc trong sa mạc, thời gian bị giam lỏng tại khu trại của Áp Đun Bây, trường hợp nghe trộm được cuộc âm mưu của Un Sa Cơ, Áp Đun Bây và bằng cách nào em đã vượt thoát được trại tập trung. Cuối cùng là dự tính trở lại cấp tốc Ba-ga-ra đặng báo tin cho đức Shah hiểm họa phiến loạn đang âm thầm sửa soạn.

Chàng tù trưởng họ Kha chăm chú lắng tai nghe, không ngắt lời em một lần nào. Khi Việt Kim nói dứt câu chuyện ghê gớm, thì, không khác nào một cánh cung bật khỏi chốt hãm, Kha Mân Xuyên đứng phắt lên, nhanh nhẹn như một con beo gấm chuyển mình, chồm tới, chàng lồng lộn đi lại trong căn lều, gót ủng da thú nện thình thịch. Chàng nhìn thẳng mặt Việt Kim, ánh mắt như rực lửa:

– Được! Việt Kim cứ yên trí! Tính mạng của đôi bạn Hà Khâm và Á Minh chưa có gì đáng ngại đâu, một khi tên Un Sa Cơ hãy còn hiện diện tại đó. Và thế nào tên này cũng đinh ninh là Việt Kim sẽ không sao tránh khỏi bỏ thây tại biển cát mênh mông. Nó sẽ khinh xuất, ơ hờ, không lo lắng đề phòng gì, chúng ta ắt có dư thì giờ ra tay trước.

Bà mẹ Mân Xuyên, Việt Kim ngồi yên lặng, đưa mắt dõi theo từng cử chỉ của chàng trai sa mạc hiên ngang. Họ Kha, hai cánh tay bắp thịt cuồn cuộn in hẳn qua lớp áo lụa màu hồ thủy, khoanh lại trước ngực, đôi mắt nhìn thẳng, giọng nói như tiếng chuông vang:

– Thật ra mấy bộ lạc man dại này không có gì là nguy hiểm lắm đâu… Có điều sợ họ thò tay nhận tiền và khí giới của ngoại bang thì… ôi chà! Lúc đó thì Du-Ráp sẽ bị nguy mất. Hừ! Họ còn ngây thơ, man dại… Nếu nhất đán nổi lên đánh chiếm được chính quyền thì ắt hẳn sẽ bị ngoại bang giật giây sai khiến. Ngoại bang nào ủng hộ họ tất cũng đã biết rõ điều đó nên mới viện trợ cho họ với nhiều dụng ý, hừ!

Việt Kim lên tiếng hỏi:

– Kha Mân Xuyên có thể đưa tôi về Ba-ga-ra để tôi báo tin cho chính phủ biết được không?

– Được, được chứ! Việt Kim phải báo cho đức Vua biết ngay đi. Phần tôi, tôi sẽ tụ tập tất cả các bộ lạc anh em cùng một chí hướng trung thành với đức Shah, sẵn sàng đặng phòng hờ tụi nó. Tôi dám hứa chắc với Việt Kim là toàn thể con dân Du-Ráp sẽ không bao giờ quên được cái đại ân cứu quốc của cô gái Việt Nam xinh đẹp có cái tên là Việt Kim này đâu.

Dứt lời, chàng trai quay nhìn mẹ, giọng êm như sóng nhạc, nói một tràng dài bằng tiếng thổ âm. Thiếu phụ mỉm cười, gật đầu, đoạn đứng lên rất nhanh quay quả bước ra khỏi căn lều. Chưa đầy phút sau, bà đã trở lại, trên tay vắt gọn một tấm thảm dầy, sợi mịn như tơ óng. Bà giơ lên, trao cho Việt Kim khiến em ngỡ ngàng không hiểu, đôi mắt ngây ra. Lý do: vải, lụa, khăn, màn, nệm đẹp của Du-Ráp em được thấy cũng đã nhiều. Nhưng thật quả chưa có một tấm thảm nào đẹp rực rỡ bằng tấm thảm của bà mẹ chàng thanh niên tù trưởng Si Ram Di.

Kha Mân Xuyên giơ thẳng cánh, lật ngửa bàn tay, tươi cười nhìn Việt Kim:

– Mẹ con tôi biếu Việt Kim đó! Cái đó không phải là một tấm nệm thông thường đâu! Nó là một căn nhà đặc biệt đấy, – Mân Xuyên thốt tiếng cười trong như nước suối reo. – “Căn nhà Si Ram Di”! Ha! Ha! Để tôi nói rõ: bộ lạc tôi vẫn truyền tụng một câu châm ngôn: “Tấm thảm quý của Si Ram Di xuất hiện ở đâu là nhà ở đó!” Mẹ tôi trao tấm thảm quý của Si Ram Di cho Việt Kim tức là bà đã công nhận Việt Kim là con gái cưng của bà rồi đấy! Ha! Ha! Bắt đầu từ giờ phút này, Việt Kim đã là một thiếu nữ Si Ram Di chính cống rồi!

Cô gái rưng rưng cảm động nắm lấy hai bàn tay bà mẹ. Thiếu phụ hiền đức nhìn thẳng mắt em mỉm cười. Việt Kim cảm xúc, nghẹn ngào:

– Con hứa sẽ là đứa con gái hiếu thảo của mẹ và là đứa em ngoan ngoãn của anh, để cho được xứng đáng với tất cả mọi điều tốt lành mẹ và anh đã ban cho.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN