Bộ Khuy Kỳ Lạ
Chương 4: Bà Phan Hoàng Mỹ
Trên đường về khách sạn, Việt Kim nghiền ngẫm cách bố trí làm sao cho cha gặp được mặt Á Minh vào ngày mai. Và em nghĩ ngay đến địa điểm gặp gỡ: phòng trà có cái “tách” nước trà to như cái tô ăn phở.
Hai chị em vừa mới dừng chân trước khách sạn thì bà nữ quản gia nhà Á Minh đã săm săm bước tới. Vẻ mặt bà ta hớt hải, đưa tay chộp cứng cánh tay cô bé Du-Ráp, lôi đi sềnh sệch tiến lại phía một chiếc xe hơi đậu gần đó. Chẳng nghe thấy bà ta nói lý do tại sao ngoài một câu cộc lốc: “Về mau! Về mau!”
Bé Á Minh bị điệu về đột ngột khiến Việt Kim lạ lùng bỡ ngỡ và buồn rầu hết sức. Em bâng khuâng tự hỏi: “Hay đã có tai biến gì mới xẩy ra?” Nhưng rồi Việt Kim lại cố xua đuổi những ý nghĩ không vui đó ra khỏi đầu óc. Luôn cả bóng hình gã đàn ông mắt trắng ngó trừng trừng lúc ở ngoài chợ nữa. Tâm trí em thầm thì tự nhủ:
– Ối chao! Việt Kim sao mà dở quá thế? Nhát gan quá! Chỉ “bói ra ma” không hà? Có thể là chốn chợ búa đông người, gã Du-Ráp kia vội vã phải đi tới một nơi nào đó. Biết đâu chừng! Ở Saigon những chuyện ghê hơn thế nữa cũng chẳng ăn nhằm gì nữa là. Tại sao cứ đặt chân tới một nước khác là lại lo vẩn lo vơ, cứ nơm nớp tưởng như lúc nào cũng có kẻ trộm nằm sẵn dưới gầm giường vậy.
“Kẻ trộm rình sẵn dưới gầm giường”! Lại một câu diễn tả tư tưởng Mạnh Di ưa dùng, với giọng nói thân mật mới hồi sáng hôm qua đây tại phi trường Óoc-Ly. Chàng thanh niên đó lại còn thêm: “Em phải dè dặt cẩn thận một chút nhé! Anh lo lắm!”
Bất giác, Việt Kim vung mạnh cánh tay:
– Thôi nào! Ăn thua gì mấy cái đó! Chưa chi đã co rúm tứ túc lại thì còn làm được cái gì nữa chứ!
Tối hôm đó, ngồi ăn cơm với cha, Việt Kim lại bình tĩnh vui vẻ như thường. Cơm và thức ăn thật ngon. Ký giả Hải Âu chăm chú nghe con nói chuyện về các quang cảnh đặc biệt cần thu hình. Ông không ngớt gật đầu tán thưởng:
– Ngày mai ba phải ra phi trường đón đoàn chuyên viên quay phim đây. Thu xếp chổ ăn chổ ở cho họ xong đâu đấy, bắt đầu vào việc là vừa.
– Con biết rồi, ba. Á Minh cũng hứa sáng mai sẽ dẫn con đi thăm vương cung của đức “Shah” đó. Con sẽ chụp thật nhiều ảnh, nghe ba!
– Tốt lắm. Đi thăm rồi hai chị em đến cái phòng trà đó gặp ba, nghe!
Sáng hôm sau, trời còn sớm, Á Minh đã gõ cửa phòng Việt Kim. Mở cửa cho bạn, em hỏi ngay Á Minh lý do sự phải ra về vội vã hôm qua.
Á Minh láu táu nói ngay:
– Ối chà! Cái bà vú của em cái gì cũng vậy hết á! Có gì đâu… chị! Má em cho đi tìm vì ông cậu ruột em mới ở Ba Lê về và ông muốn gặp mặt em trước khi đi thăm mấy cái giếng dầu lửa của ông ấy. Có thế thôi hà!
Việt Kim tươi cười thở một hơi dài nhẹ nhõm.
Cuộc thăm viếng hoàng cung của đức “Shah” quả là vô cùng thích thú. Á Minh, chưa đầy 15 tuổi mà đã tỏ ra là một hướng dẫn viên rất giỏi.
Khi đi xem hết khắp nơi, Việt Kim đã mệt nhoài. Em bước vào xe hơi buông mình ngồi bật ngửa, thoải mái nơi ghế đệm phía sau:
– Rồi! Á Minh! Bây giờ chúng ta tới phòng trà bữa nọ! Ba chị chắc đang chờ chị em mình đó!
Đến nơi Việt Kim bảo bạn:
– Em lại coi ba chị tới chưa! Để chị chạy lại kia mua tờ nhật báo rồi trở lại ngay.
Dứt lời em rảo bước đi tới chổ một người đàn ông nhỏ thó đang ngồi chồm hổm bên đống báo cao nghệu. Chợt nhìn đống nhật trình in bằng loại chữ “con giun con rắn” Việt Kim do dự:
– Ừ nhỉ báo in bằng tiếng Du-Ráp làm sao mình đọc được chứ…? À, à. Ít ra thì cũng xem được hình ảnh chứ bộ!
Rồi em mỉm cười, nhìn người bán báo, hất hàm ra ý hỏi: “Bao nhiêu?”
Người đàn ông cười tươi đáp lễ. Anh ta nhanh nhẹn móc trong túi lấy ra một đồng tiền Du-Ráp. Việt Kim hiểu ngay. Em cũng móc túi lấy ra một đồng y hệt, đặt vào lòng bàn tay màu cà phê sữa, sần sùi, rồi quay đi. Liếc nhanh vào trang nhất, Việt Kim khẽ giật mình thảng thốt. Đôi mắt đẹp trợn tròn kinh ngạc. Bức hình in trên trang báo có thể nói là mờ, xấu, nhưng cũng đã đủ khiến em nhớ lại một điều gì rõ rệt lắm. Phải rồi! Đúng là hai người cảnh sát trong chợ bữa hôm qua. Và đứng giữa là một người đàn bà khoác một chiếc áo choàng rất kỳ quái thoáng trông thì giống như tấm áo “chador”. Trời mờ tối. Việt Kim phải bước gần một cột đèn đường coi cho rõ cái áo lạ, nhất là cái điểm đen đen nổi bật trên thân áo trắng… Ủa! Kỳ quái thật, sao lại có sự trùng hợp kỳ lạ như thế chứ? Trên tấm áo choàng rõ ràng có một chiếc khuy hình dạng cổ quái… giống hệt cái Việt Kim bất ngờ lượm được hôm qua lúc đi chơi chợ. Em lẩm bẩm:
– Đúng! Đúng là chiếc khuy đó rồi!
Và ba chân bốn cẳng, em chạy bay về phòng trà. Á Minh ngồi một mình, thản nhiên, khoanh hai chân gọn gàng trên tấm nệm.
– Á Minh! Coi! Dịch giùm chị mục này đi!
Cô bé tươi cười hồn nhiên, nhưng khi ngó thẳng bức hình in trên trang báo, vẻ mặt cũng lộ vẻ khích động rõ rệt:
– A! Lạ quá nhỉ?
Việt Kim:
– Á Minh coi kỹ đi! Cái khuy trên áo măng tô của bà này giống hệt cái chị mới lượm được hôm qua, thấy không? Mà bà này là ai thế? Và cột báo nói cái gì vậy?
Á Minh không trả lời thẳng vào câu hỏi. Em chỉ lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại:
– Ủa! Sao kỳ vậy này? Bà Phan-Hoàng-Mỹ bị cảnh sát bắt giữ? Tại sao vậy? Kỳ quá hà?
Việt Kim nôn nóng:
– Phan-Hoàng-Mỹ? Phan-Hoàng-Mỹ là ai vậy?
Á Minh ngẩn ngơ nói một mình:
– Hừ! Báo cũng không nói rõ là bà ta bị bắt giữ, mà lại chỉ ghi rằng cảnh sát cần kiểm soát lại căn cước giấy tờ của bà ấy thôi!
– Cột báo chỉ có nói thế thôi à?
– Vâng! Cả nước em chỉ có một tờ nhật báo duy nhất này thôi. Tin tức gì cũng chỉ nói sơ sài chừng đó, không chi tiết tỉ mỉ như hàng trăm tờ báo bên nước chị đâu.
– Nhưng chắc Á Minh biết rõ bà Phan-Hoàng-Mỹ này lắm hả? Nói chuyện về bà ấy cho chị biết qua một chút đi, Á Minh!
– Vâng!… Bà Phan-Hoàng-Mỹ là vợ một nhà khảo cổ người Việt Nam. Ông ta là kỹ sư Ngô-Văn-Hoàng đó chị. Ông Hoàng nổi tiếng là một nhà khảo cổ giỏi lắm!
Việt Kim:
– Nhà khảo cổ Ngô Văn Hoàng! À, nếu vậy thì ông ta cũng ở trong phái đoàn khảo cổ tại Căn-Pác, mà ba chị muốn viết thiên phóng sự và thu hình cho cuốn phim tài liệu thời sự đây mà!
Á Minh gật đầu:
– Đúng rồi đó, chị Kim! Căn-Pác là thủ đô cũ của xứ sở em. Thành phố này bị núi lửa tàn phá chôn vùi đã từ lâu lắm! Có tới gần một thế kỷ rồi đó. Đức “Shah” hiện nay chú trọng rất nhiều đến vấn đề đào bới di tích của tổ tiên xưa để lưu giữ vào viện bảo tàng cho toàn dân chiêm ngưỡng công nghiệp của đức Tổ. Ngài đã ủy thác cho ba em phải săn sóc đặc biệt đến hai vợ chồng ông kỹ sư kể từ ngày ông bà ấy qua tới Du-Ráp đó. Mọi chương trình và kế hoạch khảo cổ do kỹ sư Hoàng trình lên, ngài ngự đều vui vẻ ưng thuận chuẩn phê hết. Do đó, giờ đây em rất ngạc nhiên không thể hiểu được tại sao cảnh sát lại… kiểm soát căn cước của bà kỹ sư này chứ? Từ ngày ông bà ấy qua đây, mọi việc vẫn tiến hành êm đẹp cả mà.
– Bà Phan-Hoàng-Mỹ cũng là một kỹ sư khảo cổ?
– Theo em thì hình như không? Có điều là bà phụ trách thâu thập, lưu trữ và ghi vào sổ sách tất cả những gì phái đoàn khảo cổ tìm thấy được, họa đồ các khu vực cần bới tìm để đào kiếm di tích cổ xưa!
Việt Kim hăm hở:
– Bà Mỹ tính tình ra làm sao hả Á Minh? Có điểm gì đặc biệt không?
– Dạ… không, chị Kim! Em chỉ thấy bà ấy tính tình dễ thương, tử tế lắm… Đại khái thế… à… thật ra thì em không hiểu rõ về bà ấy lắm. Nhưng cũng có thể nói quyết rằng bà ta không thể làm một cái gì để có thể xẩy ra sự đáng tiếc được. Mà sao cảnh sát lại bắt giữ bà ấy làm gì chứ? Hay là họ đã lầm lẫn với một người nào khác chăng?
– Liệu em có thể tìm đến chổ cảnh sát giam giữ bà ấy để thăm hỏi chút xíu được không?
– Để coi…! Nếu ba em…
Việt Kim nói nhanh:
– À, ba em có thể cho phép chúng mình chính thức đi thăm bà được chứ? Ba em có quyền mà, hả Á Minh?
Chợt Á Minh reo lên:
– Á kìa! Ba chị tới kìa, chị Kim! Cả Hà Khâm cũng cùng đi với ông nữa! Thích ghê!
Cô bé Du-Ráp cười khanh khách, hai tay vỗ vào nhau đôm đốp, chân nhẩy tưng tưng.
Việt Kim trầm ngâm tự nhủ:
– Thế là Á Minh quên bẵng câu chuyện bà Hoàng Mỹ rồi đó! Thật đúng là “búp bê”, không sai!
Ký giả Hải Âu tiến lại, chàng trai tên Hà Khâm đi sát cạnh. Hải Âu ánh mắt vui tươi, nhìn con gái:
– Việt Kim! Ba giới thiệu với con: đây là Hà Khâm! Hà Khâm đã làm hướng đạo cho ba suốt ngày hôm nay đó. Hà Khâm biết nhiều cái hay lắm. À, cháu Á Minh! Đây Hà Khâm! Á Minh có quen Hà Khâm không?
“Búp bê” ngẩn mặt, trợn tròn hai mắt:
– Quen?…Vậy ra Hà Khâm không nói gì với bác hết sao?…À thôi, cháu biết rồi. Anh ấy… đóng kịch đấy!
Chuỗi cười của cô bé không khác làn nước suối trong nhẩy múa nô rỡn trên nền cuội trắng.
Ông Hải Âu cũng lây cái vui vẻ hồn nhiên rất đáng yêu của Á Minh:
– Ồ,… đúng là một vở kịch vui, rất thú vị. Vở kịch vui nho nhỏ đối với bác và Việt Kim nhưng đối với dân chúng Du-Ráp thì lại là một sự vui mừng rất lớn đó Á Minh!…Hà, hà! Hà Khâm đã nói với bác hết rồi. Lúc nào cũng nhắc đến cháu và ngày vui mừng sắp tới của hai người.
Việt Kim lặng lẽ đưa mắt nhìn vị hôn phu của Á Minh. Hà Khâm mặc bộ âu phục kiểu may rất khéo, một cái khăn to trắng muốt quấn thật gọn trên đầu: cái khăn cổ truyền của thanh niên Du-Ráp. Việt Kim chợt nhớ lại mấy cột sách báo em đã được đọc, nói về giai cấp quý tộc tại Du-Ráp, giai cấp bình dân, giai cấp quan lại, v…v… Sự trang phục không có gì khác biệt lắm, chỉ khác ở cái cách quấn khăn, ở cái phù hiệu bằng vàng đính nơi giải khăn phía trước trán. Tia mắt Việt Kim nhìn đăm đăm cái phù hiệu bằng vàng trên trán Hà Khâm và em đoán được ngay người con trai này, ít nhất cũng phải là con một… lãnh chúa hay một tù trưởng quyền oai lừng lẫy một vùng.
Hà Khâm nhìn Việt Kim, ngả đầu:
– Rất hân hạnh được biết cô Việt Kim!
Hà Khâm nói tiếng Pháp rất đúng mẹo luật, giọng nói không pha trộn một chút nào âm thanh Ả Rập, khiến cô tiểu ký giả bất giác hơi giật mình:
– Tôi mong rằng Á Minh không làm phiền cô Việt Kim với cái tật hay nói.
Sau cái mỉm cười xã giao rất lịch sự, Hà Khâm tiếp:
– Á Minh ngoan lắm, chỉ phải cái lúc nào cũng thích nói chuyện huyên thuyên và làm ầm ĩ lên thôi.
Tinh thần hiếu thắng ngấm ngầm nổi dậy, Việt Kim cũng trả lòi bằng tiếng Pháp. Và em lấy làm vui sướng vì các ngữ vựng hiện đến đầu lưỡi một cách dễ dàng:
– Anh Hà Khâm đừng áy náy gì hết nhé! Á Minh và tôi hợp chuyện lắm! Có lẽ nhờ cái tính cả hai cùng hay nói cả!
Trong khi môi Việt Kim điểm một nụ cười tiếp theo câu nói, tia nhìn của em lại theo dõi nét mặt Hà Khâm và bắt chợt được ngay một ánh mắt đùa vui chế riễu nhưng đượm vẻ trìu mến thương yêu của anh chiếu lên mặt Á Minh. Việt Kim thầm đoán ý nghĩa cái ánh mắt đó chắc thế nào cũng phải là: “Ối chao! Các bà, các cô, nhất là các cô, cô nào cũng thích hót như khướu cả ấy thôi!” Và em tự nhủ:
– Hà Khâm, Á Minh đẹp đôi thật!
Và em đưa mắt ngắm nhìn những thân hình cao dong dỏng rất hiên ngang của chàng trai, đồng thời ghép cái khổ người phong nhã ấy đứng sát vói hình dáng ngây thơ nhí nhảnh, xinh đẹp của Á Minh, con búp bê Du-Ráp.
Tiểu nhị bưng trà ngon, thơm, đựng trong những cái tách xinh xinh khác hẳn “tô” nước trà giải khát hai chị em bạn dùng hôm qua. Bánh bao trộn mật bốc hơi ngào ngạt, bầy rất khéo trong những đĩa men trắng tinh. Việt Kim đi bộ nhiều đói bụng, ăn loáng trong chớp mắt đã hết hai chiếc bánh lớn bằng nắm tay. Em chép môi như muốn tận hưởng, giữ mãi hương vị trà tuyệt hảo trong miệng. Và em cười thầm:
– Nguy quá! Mình phải tìm cách để lúc nào cũng có nước lọc mà uống mới được. Uống trà Du-Ráp theo đà này, nghiện lúc nào không biết.
Câu chuyện giữa bốn người vui vẻ đắm thắm. Hà Khâm biết nhiều điều về lịch sử quê hương của anh và Á Minh. Ông Hải Âu, Việt Kim say mê ngồi nghe cái giọng nói hấp dẫn của Hà Khâm và tưởng như mọi kiến thức thâu lượm về Du-Ráp qua sách vở báo chí dường như đang sống dậy một cách rất linh động.
Một lúc lâu sau, anh đứng lên ngả đầu tạm biệt hai cha con ông Hải Âu, chìa một tay về phía Á Minh:
– Đi với anh, búp bê, ông nội muốn gặp chúng ta nói chuyện đấy!
Á Minh giơ thẳng hai cánh tay, nhưng vẫn ngồi nguyên tại chổ, Hà Khâm phải cuối xuống đỡ hai tay em và nhấc lên. Lại giọng nói như chim hót:
– Ông nội chờ tụi mình hả? Vậy chúng ta đi! Nhưng sau đó anh phải đưa em về đó nghe! Em buồn ngủ quá hà!…
Sau khi hai người cáo biệt đi rồi, Việt Kim ghé vào tai cha:
– Ba! Trong tờ nhật báo Du-Ráp bữa nay có một bức hình kỳ quái lắm. Để con kể chuyện ba nghe nhé!
Ông Hải Âu nói nhanh:
– Khoan đã, cưng! Ba có việc gấp muốn nhờ con đây! Đến tìm gặp thủ tướng Lư-hà-Sa ngay! Ba hy vọng có Á Minh ở đó thì công việc chắc cũng dễ! Và con tìm hiểu ngay lý do cảnh sát bắt giữ vợ viên kỹ sư khảo cổ người Việt hiện đang ở trong phái đoàn tại Căn-Pác.
Việt Kim mỉm nhanh một nụ cười ranh mãn, rút cuốn sổ tay, bút chì từ trong “sắc”:
– Tuân lệnh, “ông chủ”. Ông chủ có thể tin ở tôi! – Đồng thời em tự nhủ thầm: “Con còn nóng biết về vụ này bằng mấy ba chứ!”
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!