Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa - Chương 28
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
127


Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa


Chương 28


Hội họa dạy ta nhìn và nhìn thấy (đó là hai việc

khác nhau và họa hoằn mới trùng nhau). Nhờ

đó hội họa giữ được nguyên vẹn và sinh động

cái tình cảm chỉ trẻ em mới có.

ALEKSANĐR BLOK

Con người dừng lại, sửng sốt trước những vật

chẳng đóng vai trò nào trong đời sống của

con người: trước bóng phản chiếu không thể

nào lấy được, trước những tảng đá dựng đứng

mà tay người không thể nào gieo trồng được,

trước màu sắc kỳ lạ của bầu trời.

JOHN RUSKIN[46]

[46] John Ruskin (1819-1900), nhà văn, nhà phê bình nghệ thuật, nhà xã hội học Anh..

Có những chân lý không cần phải bàn cãi, nhưng chúng thường nằm yên vô ích, không giúp gì cho hoạt động của con người, chỉ vì chúng ta lười biếng và dốt nát.

Một trong những chân lý không cần phải bàn cãi ấy có liên quan đến nghề văn, đặc biệt đối với công việc của những người viết văn xuôi. Chân lý đó là sự hiểu biết những lĩnh vực nghệ thuật hàng xóm láng giềng của văn chương như thi ca, hội họa, kiến trúc, điêu khắc và âm nhạc, nó làm cho thế giới bên trong của người viết văn xuôi trở nên phong phú dị thường, và làm cho văn của người đó có sức biểu hiện đặc biệt. Văn được bồi bổ thêm ánh sáng và màu sắc của hội họa, cái tươi mát của những từ vốn thuộc thi ca, cái cân xứng của kiến trúc, sự rõ ràng, có khối hình của đường nét trong điêu khắc và nhịp điệu, tiết tấu và tính du dương của âm nhạc.

Đó là những cái làm giàu thêm cho văn xuôi, tựa như những màu sắc bổ sung cho nó.

Tôi không tin những nhà văn không yêu thi ca và hội họa. May thì họ còn là những người có trí óc lười nhác và kiêu ngạo, tệ hơn – họ là những kẻ ngu dốt.

Nhà văn không thể khinh miệt bất cứ một cái gì có thể mở rộng nhỡn quan của mình đối với thế giới. Tất nhiên, nếu nhà văn đó là thợ cả trong nghề mình chứ không phải một anh phó nhỏ, là người sáng tạo ra vật báu chứ không phải một kẻ tầm thường, kiên nhẫn gậm nhấm cái may mắn trong cuộc đời như nhai kẹo cao su Mỹ.

Thường khi đọc xong một truyện ngắn, một truyện dài hay một cuốn tiểu thuyết, trong trí nhớ của ta chẳng còn lại chút gì ngoài một đám hỗn độn những con người xám xịt. Anh có cố công gắng sức để nhìn thấy những con người đó thì rồi anh cũng sẽ chẳng thấy họ đâu, bởi vì tác giả đã không cung cấp cho họ lấy một nét sống nào.

Và cả cốt chuyện của những truyện ngắn, truyện dài và tiểu thuyết ấy cũng diễn ra giữa một ngày lầy nhầy, không màu sắc, không ánh sáng nào đó, giữa những đồ vật tác giả có đặt tên, nhưng chính anh ta cũng không nhìn thấy, thành thử cũng không trình ra được cho người đọc chúng ta xem.

Mặc dầu đề tài thì hiện đại, những cuốn sách như thế vẫn phơi bày sự bất lực của chúng, những cuốn sách thường được viết ra với tinh thần sảng khoái giả tạo. Người ta định đánh lộn sòng nó với niềm vui, đặc biệt là niềm vui lao động.

Nguyên nhân của quang cảnh chán ngán đó không phải chỉ đơn thuần là sự nghèo cảm xúc và sự kém học thức của tác giả, mà còn do cái nhìn lờ đờ loài cá của anh ta.

Chúng ta muốn đập tan những truyện dài và những cuốn tiểu thuyết ấy như đập tan những cửa kính dán kín trong một căn phòng ngột ngạt và bụi bậm để những mảnh thủy tinh vỡ kia bay ra với một tiếng động ròn tan và ngay đấy, từ bên ngoài sẽ ùa vào phòng: gió, tiếng mưa rơi, tiếng trẻ con í ới, còi tàu thủy, ánh lấp loáng của con đường nhựa ướt – cả cuộc đời xông vào với cái hỗn độn, nếu như mới thoạt nhìn, và với cái sặc sỡ tuyệt đẹp của ánh sáng, màu sắc và tiếng động, của nó.

Ở nước ta có rất nhiều cuốn sách tưởng chừng do người mù viết. Sách ấy lại nhằm cho những người sáng đọc, và trong chuyện đó ta thấy tất cả sự lố bịch của việc xuất bản những cuốn sách như vậy.

Muốn nhìn cho rõ, không phải chỉ cần nhìn mọi phía. Phải học cách nhìn. Chỉ những ai yêu con người và đất đai mới có thể trông thấy được chúng. Sự nhàm chán và vô vị trong văn xuôi thường do hậu quả dòng máu lạnh của nhà văn, chỉ dấu đáng sợ của bệnh chết mòn trong anh ta. Nhưng đôi khi đó chỉ là cái vụng về, chứng tỏ một sự thiếu văn hóa. Như thế thì, như người ta thường nói, còn vớt vát được.

Các họa sĩ có thể dạy chúng ta cách nhìn và cách tiếp nhận ánh sáng, màu sắc.

Họ nhìn giỏi hơn chúng ta. Và họ biết ghi nhớ những gì họ đã nhìn thấy.

Khi tôi còn là một nhà văn ít tuổi, một họa sĩ quen biết bảo tôi:

– Này, cậu, cậu nhìn còn chưa được rõ đâu. Cậu nhìn còn lờ mờ. Và thô kệch. Căn cứ vào những truyện ngắn của cậu thì cậu mới nhận được những màu chính, còn những độ chuyển tiếp và những tiểu dị thì lẫn vào nhau thành một cái gì đó đơn điệu.

– Biết làm thế nào được! Mắt tôi nó như vậy – tôi trả lời, tự bào chữa.

– Nói nhảm! Người ta có thể tạo ra được con mắt tốt. Đừng có lười, hãy rèn con mắt đi. Bắt nó vào khuôn vào phép. Cậu cứ thử bỏ ra một hoặc hai tháng để nhìn mọi vật với ý nghĩ là cậu bắt buộc phải vẽ những cái đó bằng màu. Trong xe điện, trong xe buýt, ở đâu cũng thế, cậu phải nhìn con người đúng theo cách ấy. Và chỉ qua vài ba ngày là cậu đã thấy rõ rằng trước kia trên mặt mọi người cậu chỉ nhìn không được lấy một phần mười những gì bây giờ cậu thấy. Còn qua hai tháng cậu sẽ học được cách nhìn và không cần phải ép buộc mình làm việc đó nữa.

Tôi nghe lời họa sĩ nọ và quả nhiên người và vật đúng là trở thành thú vị hơn nhiều so với khi tôi còn nhìn họ hấp tấp và lướt qua.

Và tôi tiếc vô cùng khoảng thời gian mà tôi đã ngu ngốc để mất. Tôi có thể nhìn thấy biết bao cái đẹp tuyệt vời trong những năm qua, nếu như tôi biết nhìn! Biết bao điều thú vị đã qua đi không trở lại và chẳng có tài nào làm cho chúng tái sinh.

Đó là bài học đầu tiên mà họa sĩ đã cho tôi. Bài thứ hai còn sáng rõ hơn.

Một lần vào mùa thu tôi từ Moskva đi Leningrađ nhưng không qua Kalinin và Bologoe mà đi từ ga Savyolovsky qua Kalyazin và Khvoynaya.

Nhiều người Moskva và Leningrađ cũng chẳng ngờ rằng có con đường ấy. Tuy nó có xa hơn thật, nhưng lại thú vị hơn con đường thông thường qua Bologoe. Thú vị hơn ở chỗ nó chạy qua những miền hoang vắng và nhiều rừng.

Bạn đường của tôi là một người nhỏ bé với đôi mắt ti hí nhưng rất hoạt. Ông vận bộ quần áo lụng thụng, mang theo một hòm lớn đựng sơn dầu và những cuộn vải gai. Trông ông, ai cũng biết ngay là một họa sĩ.

Chúng tôi nói chuyện. Ông bạn đường của tôi nói rằng ông đi đến vùng gần thị trấn Tikhvin, ở đó có một người bạn làm nghề kiểm lâm và ông sẽ ở vùng ông bạn trông coi để vẽ mùa thu.

– Sao mà ông lặn lội xa thế, mãi tận Tikhvin? – tôi hỏi.

Họa sĩ trả lời tin cậy:

– Ở đó tôi đã quan sát kỹ và chọn được một vùng. Vùng này đẹp tuyệt! Đố ông tìm được một vùng thứ hai như thế. Một khu rừng toàn liễu hoàn diệp. Đôi chỗ lác đác vài cây thông. Liễu hoàn diệp mặc cho mùa thu một bộ quần áo đặc biệt tao nhã, không có giống cây nào như thế. Lá liễu đủ màu. Đỏ thắm, vàng chanh, tím và cả đen lấm tấm vàng. Dưới ánh sáng mặt trời nó biến thành một đống lửa trại. Tôi làm việc ở đây cho đến mùa đông, còn đông rồi thì tôi sang bờ vịnh Phần Lan, quá Leningrađ. Ở đó, ông phải biết, băng bụi đẹp nhất nước Nga. Chưa nơi nào tôi được thấy thứ băng bụi như vậy.

Tôi nói, tất nhiên là nói đùa, rằng với những hiểu biết như vậy, ông bạn đường của tôi có thể viết một cuốn sách cẩm nang quý giá cho các họa sĩ, chỉ cho họ đi đâu, vẽ gì.

Họa sĩ nghiêm trang trả lời:

– Thế ông cho rằng không được sao? Viết cái đó không khó. Nhưng không cần. Mọi người sẽ bâu vào một chỗ trong khi hiện nay mỗi người đang tìm cái đẹp riêng biệt. Cái đó tốt hơn nhiều.

– Vì sao?

– Đất nước sẽ phơi ra muôn mặt hơn. Trên đất Nga có không biết bao nhiêu là cái đẹp đủ dùng cho tất cả các họa sĩ trong hàng nghìn năm. Nhưng ông ạ – ông nói với vẻ lo lắng – hình như con người bắt đầu dày xéo và làm kiệt quệ đất đai nhiều quá rồi đấy. Mà sắc đẹp của đất đai lại là một điều thiêng liêng, một điều vĩ đại trong đời sống xã hội chúng ta. Nó là một trong những mục đích cuối cùng của chúng ta. Không biết ông thế nào, chứ tôi thì tôi tin chắc như vậy. Không hiểu được điều đó không phải là một người cấp tiến.

Ban ngày tôi ngủ thiếp đi, nhưng ông bạn hàng xóm đã dựng tôi dậy.

– Xin ông đừng bực mình, – ông bối rối nói – nhưng ông dậy đi thì hơn. Một bức tranh kỳ diệu đang mở ra: cơn giông tháng chín. Ông trông kìa!

Tôi trông ra ngoài cửa sổ tàu. Ở phía Nam một đám mây đen nặng nề và cao, choán hết nửa bầu trời, đang nhô lên. Những ánh chớp co kéo, giật giật nó.

– Mẹ ơi! – ông họa sĩ kêu lên – Biết bao nhiêu là màu là sắc! Không thể nào vẽ nổi cái ánh sáng này, dù cho anh có là Levitan đi chăng nữa.

– Ánh sáng nào? – tôi cuống quýt hỏi.

– Trời ơi! – họa sĩ nói với vẻ tuyệt vọng – Ông nhìn đi đâu thế kia? Kia kìa, ông thấy không, ở đó rừng tối đen và yên lặng, đó là do bóng mây trùm lên nó. Còn kia, xa hơn một chút, trên rừng có những vết vàng bệch và hơi xanh lục: đó là tại ánh sáng mặt trời bị mây cản. Còn ở đàng xa thì rừng hoàn toàn phơi mình trong nắng. Ông thấy chưa? Cả khu rừng như đúc bằng vàng mười. Và trong suốt. Một loại tường bằng vàng có hoa văn. Hay là một chiếc khăn tay kéo dài suốt chân trời, chiếc khăn do những cô thợ thêu bậc thầy trong vùng Tikhvin của chúng tôi thêu ở các xưởng làm đồ kim tuyến. Bây giờ ông hãy trông gần đây, những dải thông kia kìa. Ông có thấy cái ánh đồng thau lấp lánh trên những lá nhọn không? Đó là do bức tường vàng của rừng mà có. Ánh sáng của bức tường vàng hắt lên những ngọn thông. Ánh phản chiếu. Vẽ nó rất khó. Dễ làm nó thô đi lắm. Còn kia, ông thấy không, kia chỉ có ánh sáng tỏa ra yếu ớt, tôi muốn nói ánh sáng chiếu xuống dịu dàng đến nỗi cần phải có một bàn tay thật bình tĩnh và trung thành mới truyền đạt nổi nó.

Họa sĩ nhìn tôi và cười.

– Ánh phản chiếu từ rừng thu hắt lại mạnh thực! Cả phòng ngủ trong toa bừng lên như trong buổi hoàng hôn. Nhất là trên mặt ông. Giá cứ vẽ ông như thế này mà hay! Tiếc thay, tất cả những cái đó chỉ thoáng qua trong chốc lát.

Tôi nói:

– Thì đó chính là việc của các họa sĩ: bắt những cái thoảng qua phải dừng lại trong nhiều thế kỷ.

Họa sĩ trả lời:

– Chúng tôi sẽ cố gắng. Nếu cái thoảng qua ấy không đến với chúng tôi quá đột ngột như lúc này. Nói cho đúng, họa sĩ không bao giờ được rời màu vẽ, vải gai và cây bút lông. Các ông, những nhà văn, các ông có nhiều thuận lợi hơn. Những màu sắc đó các ông mang trong trí nhớ. Trông kìa, sao mọi vật lại biến đổi nhanh chóng đến thế hở? Kìa, rừng lúc thì rực sáng, lúc lại chìm trong bóng tối.

Đàng trước đám mây đen của cơn giông là những dải mây trắng rách rưới đang chạy về phía chúng tôi. Sức chuyển động vùn vụt của chúng quả đang trộn lẫn mọi màu trên trái đất. Cái sự rối rắm của các màu: đỏ thẫm, vàng nguyên chất và vàng trắng, màu xanh lá mạ, tím và màu bóng tối xanh lam đã bắt đầu ở những cánh rừng xa.

Thỉnh thoảng một tia nắng xuyên qua mây đen rọi xuống từng vòm bạch dương làm chúng vụt sáng, cái nọ nối tiếp cái kia, như là những ngọn đuốc vàng, nhưng ngay đó chúng lại tắt ngấm. Gió trước cơn giông thổi mạnh từng đợt càng làm cho màu sắc hỗn độn thêm.

– Ôi, bầu trời mới đẹp làm sao! – họa sĩ kêu lên – Ông trông! Có còn màu gì mà nó chẳng tạo ra nữa kia chứ!

Vầng mây đen của cơn giông cuồn cuộn tỏa khói màu tro và nhanh chóng sà xuống mặt đất. Cả vầng mây là một màu đá đen đơn điệu. Nhưng mỗi tia chớp lóe sáng lại làm lộ ra những lốc xoáy màu vàng hãi hùng, những cái hốc xanh và những vết nứt rạn ngòng ngoèo được soi tỏ từ bên trong bởi một thứ lửa hồng đục.

Ánh lóe sắc của những tia chớp ở sâu trong ruột vầng mây đen đổi chỗ cho đám cháy màu lửa đồng. Ở gần mặt đất hơn, trong khoảng giữa mây đen và rừng cây, những dải mưa rào đã đổ xuống.

– Thế là hết! – họa sĩ xúc động kêu lên – Ta chẳng được thấy luôn cái cảnh quái quỷ này đâu!

Chúng tôi rời cửa sổ phòng ngủ để ra đứng bên cửa sổ toa. Những bức rèm cửa run lên bần bật trước gió càng làm cho ánh sáng thêm lấp loáng.

Mưa rào trút xuống. Người phụ trách toa hấp tấp hạ hết cửa xuống. Những sợi nước mưa xiên xiên chảy thành dòng trên mặt kính. Ánh sáng mất hẳn, chỉ ở đàng xa, xa lắm, mãi tận chân trời, qua bụi mưa, là còn một dải rừng mạ vàng cuối cùng cháy sáng.

Họa sĩ hỏi tôi:

– Ông còn nhớ được gì không?

– Đôi chút thôi.

– Tôi cũng thế, chỉ nhớ được đôi chút thôi – ông buồn rầu nói – Tạnh mưa, màu sắc sẽ đậm hơn. Ông biết không, nắng giỡn trên lá và thân cây. Nói chung, ông hãy để ý nhìn ánh sáng vào một ngày ảm đạm trước cơn mưa. Trước cơn mưa nó một khác, trong cơn mưa một khác, còn sau cơn mưa thì lại hoàn toàn khác. Bởi vì lá ướt làm cho không khí có một ánh lấp lánh yếu ớt. Cái ánh lấp lánh đó xám, mềm và ấm. Nói chung, nghiên cứu màu sắc và ánh sáng là một khoái lạc, ông bạn thân mến của tôi ạ. Tôi thề không đổi cái nghiệp họa sĩ của tôi lấy bất cứ một thứ gì khác.

Đêm, họa sĩ xuống ga xép. Tôi xuống sân ga chia tay với ông. Ngọn đèn lồng dầu hỏa tỏa sáng. Phía trước, đầu máy thở nặng nhọc.

Tôi ghen với ông bạn họa sĩ và bực mình vì công việc bắt tôi phải đi tiếp và không nán lại được lấy vài ngày ở phương Bắc. Ở đây mỗi cành thạch thảo cũng có thể gợi lên đủ ý cho vài bài thơ bằng văn xuôi.

Không thể hiểu được vì sao mà trong đời mình, cũng như trong đời bất cứ ai khác, tôi đã không tự cho phép tôi được sống theo tiếng gọi của trái tim mình, mà lại đi bận bịu liên miên với những công việc tưởng chừng không thể nào trì hoãn.

Đối với màu sắc và ánh sáng trong thiên nhiên chỉ quan sát chúng không thôi thì chưa đủ. Cần phải sống bằng chúng. Trong nghệ thuật, chất liệu dùng được chỉ có thể là chất liệu đã chiếm được chỗ trong tim.

Hội họa quan trọng đối với người viết văn xuôi không phải chỉ ở chỗ nó giúp nhà văn nhìn thấy và yêu mến màu sắc, ánh sáng. Hội họa còn quan trọng ở chỗ họa sĩ thường nhận thấy cái mà chúng ta không thấy. Chỉ sau khi xem xong tranh của người vẽ chúng ta mới bắt đầu nhận ra cái đó và ngạc nhiên không hiểu sao trước kia chúng ta lại không nhận ra.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN