Búp Bê Bắc Kinh - Chương 1-3: Những bước nhảy của tuổi thanh xuân
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
110


Búp Bê Bắc Kinh


Chương 1-3: Những bước nhảy của tuổi thanh xuân


Năm lớp chín của tôi ngọt ngào, đỏ, rách nát, thất bại, và chóang váng – trộn với kịch tính. Ở lớp chín tôi có rất nhiều bạn, những đứa bạn mà tôi chẳng bao giờ nhìn thấy nữa sau khi năm học kết thúc. Chúng thuộc về “Lớp chín”, một năm vĩnh viễn chẳng bao giờ lớm lên. 

B5 thân mến: 

Hy vọng thư này tới tay anh! 

Bọn em vừa thi hết cấp hai. 

Như ca từ của Overload, “Tôi từng thấy một hồi ức thật rõ rành chín cạnh, tôi đã lại quên mọi tin tức hôm qua. “Nhưng em vẫn còn nhớ cuộc điện thọai đầu tiêm của chúng ta, khi cây cối nhuốm màu xanh rờn ngòai cửa sổ, với ánh chiều tà rải đều xuống như vàng. Em không nghĩ là em lại có thể viết cho anh nữa, bởi em đã để mất địa chỉ của anh, nhưng hôm qua lúc dọn phòng em lại tìm thấy, điều đó có nghĩa là chúng ta lại có duyên gặp nhau. 

Em sống trong tình trạng hoang mang của kẻ tìm đường, trên con đường dằng dặc hướng đến một đáp số. Còn mọi việc của anh thì thế nào? 

Chúc anh hạnh phúc! 

Một người bạn 

27, tháng Sáu, 1998 

B5 là người tư vấn tâm lý mà tôi quen từ trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Dạo chưa gặp nhau, anh ta mê tôi và mê cả Tiểu Khiết, một nữ sinh cùng tuổi tôi ở tầng trên, ngay trong tòa nhà của chúng tôi. Anh gọi hai đứa là “thiên sứ sinh đôi”. Chúng tôi gọi điện thọai cho anh ta hàng ngày, có khi còn cùng gọi, khiến anh ta tha hồ mà cười. Nhưng tôi đã ngừng thích anh ta khi rốt cuộc tôi gặp anh trong một công viên nhỏ gần Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Anh giới thiệu mình như là một “tài tử lưu manh” và nói mình không bao giờ từ chối một sự dâng tặng. “Em dâng tặng chứ?”. Chúng tôi giết thời gian ở công viên mấy giờ liền. Anh không mời tôi ăn trưa cũng không tiễn tôi về, nhưng tôi vẫn nhớ mùi nước hoa cologne mà anh xức và rằng hôm đó về sau trời mưa phùn. Trong khi đợi anh, tôi đã uống hết một bình hồng trà. “Mắt em đẹp lắm”, anh nhìn tôi nói, “rất hợp với thẩm mỹ của anh. Còn đôi tay em nữa, cũng rất đẹp. Tiếc là anh chưa được nhìn đôi môi khi em uống trà”. Sau đó anh hỏi tôi đã xem phim Bốn đám cưới và Một đám ma chưa, và tôi nói chưa, tôi ít khi xem phim ảnh. “Đó”, anh nói, “mới là tình yêu chân chính, nên một khi chưa xem phim đó thì em đừng nói với anh về chuyện tình ái; em chưa đủ tư cách”. 

Chúng tôi còn gặp nhau1 lần nữa khi thi xong. Anh để tay lên vai tôi, khiến người tôi run lên, và tôi chắc là anh cũng nhận ra điều đó. Mỗi lần ngồi với anh, cảm giác tự tôn của tôi biến đâu mất. Tôi hận mình chẳng xem những phim mà anh nói đến, chẳng có quần áo hay giầy dép lịch sự, chẳng có khí chất. Với anh tôi hòan tòan làm hỏng mọi thứ. Nhưng tôi không thể chịu đựng nổi một người có thể vừa hát những ca từ của bài “Tình khúc 1990” của La Đại Hữu lại vừa thèm khát dục vọng và tiền bạc, bởi đó là sự báng bổ vĩnh viễn đối với cái đẹp. Đó là lần cuối cùng tôi gặp anh ta. 

Tôi gặp A26 cũng giống như với B5. Hình như, tôi nghĩ, là vào mùa xuân. Mùa gió thổi mạnh ở Bắc Kinh. Bầu trời trong xanh. Anh cũng là một tư vấn tâm lý và là sinh viên khoa Sử năm thứ hai ở Đại học Tổng hợp Bắc Kinh – tức Bắc Đại. Chúng tôi biết nhau qua điện thọai. Lúc này là cuối học kỳ hai năm lớp chín, thời điểm tôi phải ra một quyết định khó khăn là cuối cùng sẽ vào trường học nghề hay là sẽ học tiếp lên trung học. Một ngôi trường học nghề sẽ chặn tôi khỏi phải bén mảng tới Bắc Đại, nhưng cứ nghĩ đến việc thêm ba năm học căng thẳng khó chịu nữa là tôi lại phát sốt. Đây là vấn đề ác nghiệt, nó giày vò tôi mỗi ngày, và tôi nhận ra rằng nếu tôi không mau chóng quyết định chắc là tôi sẽ chẳng thể sống nổi. Tôi ghét trường học, và tôi ghét thầy chủ nhiệm lớp, người thông minh, nhưng vô cảm. Nhưng cái chính là tôi không biết mình phải làm gì, vì tôi thật sự sợ hãi tất cả. Tôi biết rằng những chuyện như vậy không là gì đối với A26, rằng anh ấy có thể dòm tôi một cách kẻ cả mà chẳng buồn chớp mắt. 

Trong những tháng bận bịu sắp sửa tới kỳ thi vào trung học, niềm vui sướng nhất của tôi là mỗi tuần được ôm điện thọai chừng nửa giờ nói chuyện với anh. Tôi thường gọi cho anh vào lúc xế chiều, khi mà tôi có thể nhìn ra ngòai và thấy ánh tịch dương như dát vàng, và cây cối màu xanh. Chúng tôi trò chuyện trong cảnh đất trời mênh mông, hoa lệ, như đang đắm chìm trong thế giới cổ tích, không có gì khác ngòai nghệ thuật, trật tự và cái đẹp. Những huyễn tưởng như thế không thể nào đứng vững được khi đối mặt với hiện thực. Anh cho tôi số máy nhắn tin của mình, điều mà tôi biết là cấm kị. Trong một thời gian dài tôi thậm chí còn không biết cả tên anh. Mỗi người đều có một cuộc sống riêng, có thể anh chỉ được bình yên, không bị xáo trộn trong mấy tiếng ngắn ngủi làm tư vấn tâm lý. Vì vậy tôi cũng không gọi nhiều cho anh – tôi sợ rằng anh sẽ phải để lộ ra những gì tôi muốn chỉ là những cuộc trò chuyện chơi chơi thỏai mái. Nhưng anh đủ thông minh để biết điều gì đang diễn ra. 

Tôi luôn nói “tạm biệt” trước khi gác máy, còn anh, lúc nào cũng chỉ “ừ hữ”. “Anh không nói ‘tạm biệt’ là một thói quen ư? Hay còn có nguyên nhân nào khác?”, tôi hỏi anh. Anh im lặng một lúc rồi mới nói, “Kỳ lạ thật. Chưa hề có ai để ý tới điều đó. Anh không nói ‘tạm biệt’ vì nghĩ rằng tạm biệt là không bao giờ gặp lại nữa”. 

Vì anh, vào tháng Tư, tôi đã đăng ký tham gia kỳ thi tuyển sinh sớm vào khoa Trung văn thuộc trường Trung học Sư phạm Bắc Kinh số Hai. Nhưng tôi đã trượt. Tôi và Tiểu Thủy cùng thi, cô ta đỗ, tôi trượt. Tôi chết môn tóan. Trung học Sư phạm Bắc Kinh số Hai chỉ cách trường Đại học Sư phạm có một bức tường, nơi đó có một khu đầy cây cối với hoa hồng Trung Hoa rất đẹp. Hôm đó tôi mặc chiếc váy trắng, dạo bước trong vườn trường Đại học Sư phạm, tự nhủ rằng đây là nơi mà Lam Thảo – tôi vẫn gọi A26 như vậy – từng lại qua, từng sống, và điều đó khiến tôi cảm thấy lòng dạ vừa ấm áp vừa phiền muộn. 

Tôi bắt đầu gọi anh thường xuyên hơn. Anh là điểm sáng duy nhất trong những ngày ở lớp chín của tôi, như một niềm an ủi; tôi không muốn mất anh, không thể không nghe giọng nói của anh. Anh gọi cho tôi từ thư viện, và chưa nói được mấy câu đã gác máy. 

Anh vẫn nói là anh rất muốn gặp mặt, và tôi vẫn cứ từ chối. Rồi một hôm tôi đã đồng ý. Hôm đó tôi đã phát rồ lên để tìm cho ra một bộ cánh để mặc. Cả một năm ở lớp chín tôi chưa hề mua quần áo mới, và tôi lại béo ra. Tôi mất hết cả tự tin. Tôi chỉ sợ anh không thích cái dáng này. Tôi đã sang hàng xóm mượn đồ, và thử hết cái này đến cái khác – váy trắng, váy hoa, quần bò xanh, quần bò đen – cho đến lúc tôi mụ mị hết cả, hẹn nhau lúc 7 giờ mà 7 giờ 20 tôi mới ra khỏi cửa. Tôi mặc chiếc quần màu nâu chẳng hợp dáng tôi, nhưng lúc tôi ướm thử, đầu tôi rõ ràng đã mê muội. Tôi lên tàu đến ga Tích Thủy, nhưng không dám đến gần bất cứ một người nào, mà chỉ đứng từ xa để nhìn, rồi cúi thấp đầu xuống lặng lẽ nghe bài hát của Hứa Ngụy. Mười giờ đêm hôm đó tôi gọi điện đến nhà anh. Bố anh nghe máy và nói là anh đã đi ngủ. 

Ngày hôm sau, tôi bắt đầu gọi số máy nhắn tin của anh, số mà tôi đã thuộc nằm lòng. Tôi muốn nói với anh là tôi yêu anh, không muốn anh rời xa tôi, không muốn anh giận tôi. Tôi chỉ là một cô gái nhỏ, yêu anh mà không nói được nên lời. Tôi muốn thỏa mãn mọi yêu cầu của anh với tôi – nếu anh có, thật đấy. Nhưng chẳng ai trả lời tôi. Suốt cả ngày hôm đó, từ sáng tới tối tôi chỉ làm một việc là bấm số máy nhắn tin của anh, và khóc sướt mướt khi chẳng có cú điện thọai nào gọi lại. Tôi đã mất hết hồn vía bởi vì anh, và tôi thật sự muốn giải thích tại sao tôi không xuất hiện vào ngày hôm đó và nói với anh tất cả những gì ở trong lòng. Tôi nghe thấy tiếng chuông điện thọai kêu mấy lần liền, nhưng mỗi lần tôi đâm bổ ra phòng khách để trả lời, tôi nhận ra tất cả chỉ là trong đầu tôi, và điện thọai chẳng kêu một tí nào. Tôi lục ra địa chỉ của anh và viết cho anh một bức thư, có kèm theo cả những bức ảnh. Tôi chẳng mấy khi chụp ảnh; ngọai trừ những bức chụp từ hồi nhỏ, và tôi gửi tất cho anh. Sau này tôi mới biết anh không hề nhận được bức thư, nó đã bị thất lạc. Như tất cả những thứ quan trọng khác, tôi cũng chẳng biết nó biến đi đâu mất rồi. Lam Thảo, Đại học Sư phạm trước đây chẳng là gì cả trong lòng của em, nhưng từ lúc được biết anh, nó đã trở nên cao quí! 

Sau một tuần biệt tăm, Lam Thảo lại xuất hiện. Anh gọi điện thật đột ngột. Lần này nghe giọng anh cảm thấy hơi lạ lẫm. Với cái giọng đã mất đi sự quen thuộc của nó, anh hỏi tôi hôm thứ Sáu đã làm gì. 

“Đi học.” 

“Không phải. Nếu như anh nói rằng anh giận em vì hôm đó em đã không đến…” 

“Em có đến.” 

“Có thể em có đến, nhưng anh lại càng bực. Hôm đó anh đã gọi điện thọai, gọi suốt cả ngày, nhưng em đều không có nhà. Nếu hôm nay mà em không có nhà để nghe máy, thì dù em có gọi ai là A26 hay là Lam Thảo đi nữa cũng mặc xác.” 

Tôi nói tôi vừa chuyển nhà và điện thọai ở nhà cũ hôm nay mới lấy về. Tôi nói để em xuống lầu gọi lại cho anh. Tôi vội vã chạy xuống. Anh hỏi tôi có yêu anh không, và tôi không biết trả lời thế nào. Tôi nghĩ tôi yêu anh, nhưng cũng chưa hề nghĩ tới việc phải nói ra điều đó với anh. Chẳng lẽ qua những biểu hiện của tôi, anh đã rõ hết cả. Tôi cảm thấy đê mê. 

“Hỏi lại em một lần nữa, được không?” 

Anh ngừng lại một giây. “Em có yêu anh không?” 

“Thật tình cảm vào.” 

“Em có yêu anh không?” 

“Có, em yêu anh.” 

“Nói lần nữa đi, được không?” 

“Có, em yêu anh.” 

“Thật tình cảm vào.” 

“Em yêu anh. Tình yêu của em như chim bay tuyệt mù trên nghìn đỉnh núi.” 

Giọng anh nhỏ dần: “Đừng yêu anh.” 

Sau đó là thi hết cấp. Tôi đã tốt nghiệp. Chấm hết những năm tháng ở phổ thông cơ sở. Chấm hết tuổi hoa niên ngây thơ nhạy cảm và lộn xộn, và những gì thuộc về năm tháng đó cũng mất theo. Tôi nhận ra rằng cứ mỗi lần ở trước mặt Lam Thảo, tôi không còn là tôi nữa. Điều đó làm tôi đau khổ ghê gớm. Tôi gần như không còn cảm giác thỏai mái, tự do, dễ dàng của một mối quan hệ bình thường nữa. Nhưng tôi cũng chẳng ngại khi nói rằng mỗi lần ở gần anh ấy là một lần tôi hạnh phúc thực sự. Vùng vẫy trong mớ mâu thuẫn đó, tôi cảm thấy càng ngày tôi càng chết chìm thêm một tí. Tôi không còn sức khống chế được tình cảm của mình. Có thể, bởi anh là một người tư vấn tâm lý, nên tôi cũng chỉ là một “bệnh nhân”của anh. Chưa bao giờ anh coi tôi là bạn. Phải như vậy chăng? 

Tôi gọi điện thọai để nói tạm biệt với anh. Ngay cả khi nhìn bình nước gội đầu tôi cũng nghĩ đến anh. 

Thi hết cấp đã xong; tôi viết thư cho nhiều người bạn thời bấy giờ, rồi đốt nhật ký, và dự định bắt đầu cuộc sống lại từ đầu. Tôi chắc rằng chẳng có mấy ai tốt nghiệp lại ghét cay ghét đắng cái năm lớp chín như tôi. Nói tóm lại, đó là một năm kinh tởm. Tôi đã tưởng cái ngày tốt nghiệp sẽ chẳng bao giờ đến, và nếu bị tra tấn thì cách mà tôi ngán ngẩm nhất chính là phải hâm lại tất cả những gì đã diễn ra. Những ngày đó đã qua, và tôi chẳng thiết gì đến việc hồi tưởng lại chúng. 

Một gián điệp hay một thích khách chẳng nên có quá khứ cũng như tương lai, ví thế họ có thể biến mất trong khỏanh khắc. Sát thủ Lê Minh trong bộ phim Thiên thần gục ngã vẫn có một người bạn học cùng tiểu học, và điều đó đã hủy họai anh ta. Cho dù tôi không phải là gián điệp hay thích khách, nhưng đó lại là hai nghề tôi thích nhất, bởi lẽ tất cả bọn họ đều gắn chặt với sự bí hiểm, thông tụê, với lằn ranh mỏng manh giữa sự sống và cái chết. Tôi chẳng phủ nhận rằng tôi rất ưa những trò mạo hiểm. 

Tôi đã không thi vào trung học bởi vì tôi đã lựa chọn Trung học Bắc Kinh Số Hai như là nguyện vọng thứ nhất, một điển hình của việc đặt mục tiêu quá xa vời. Dù sao thì cũng chẳng có gì khác biệt, bởi những mơ tưởng của tôi đều nằm ngòai tầm với, và trong tôi là cả một mớ bòng bong. Nếu mà tôi lại có may mắn được bước chân trên nền đất tường Sư phạm một lần nữa, tôi sẽ cảm thấy thế nào? Có lẽ tôi sẽ lại nghĩ về việc mình đã cảm thấy hạnh phúc và tự hào một cách kỳ cục ra sao khi tham gia kỳ thi tuyển sinh sớm. Lúc bấy giờ là mùa xuân, vườn trường đầy những hoa tường vi, hương thơm thoang thỏang; những tán cây, những thảm cỏ,… một cảm giác ngưng đọng của thời gian. 

Tôi được nhận vào một trường học nghề, gần bên cạnh Di Hòa Viên. Cách cửa tây trường Bắc Đại chừng năm phút đạp xe. Cũng chẳng cách xa siêu thị sách Hải Định. Lý do chính để tôi ghi tên vào trường này vì nó ở gần Bắc Đại, ngôi trường đại học đã hút mất hồn tôi. Thêm một nguyên nhân nữa là tên trường có chữ “Tây”, tôi thích vậy bởi trước đây ở trường Bắc Đại đã có một thi sĩ tên là Tây Xuyên [dòng sông miền Tây]. Làm sao mà tôi có thể biết được là tôi vừa thóat khỏi hang sói chỉ để rơi vào miệng cọp?

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN