Cát Bụi Giang Hồ - Chương 29: Chùa lại trở thành sòng bạc
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
161


Cát Bụi Giang Hồ


Chương 29: Chùa lại trở thành sòng bạc


Chùa lại trở thành sòng bạc

Trà đã nguội cả rồi nhưng Thư Hương đang khát.

Giá như mấy ngày trước đây, nàng nhất định sẽ bưng ba chén trà uống cạn rồi, nhưng bây giờ thì không.

Bây giờ thì nàng đã “lớn” rồi.

Bây giờ đối với mọi việc, nàng đã cẩn thận hơn trước.

Nàng cần phải xem ba chén trà đó có độc hay không.

Muốn biết trà có độc hay không, những kẻ giang hồ lão luyện đều dễ dàng ngó thấy.

Nàng cần gọi Lữ Ngọc Hồ.

Nhưng khi nàng quay lại thì thấy hắn đứng nhìn cánh cửa trân trân.

Nàng hỏi :

– Làm gì mà đứng đớ ra đó? Phát hiện cái gì mới nữa à?

Lữ Ngọc Hồ ngẩng lên nhìn nàng rồi nhìn cánh cửa, hắn bật cười nói :

– Tôi đang nghĩ đến một chuyện ngồ ngộ.

Thư Hương hỏi :

– Chuyện gì?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

– Tôi nghĩ giá như cánh cửa đừng mở ra được, tôi với cô bị giam trong này suốt đời chắc là vui lắm.

Thư Hương nguýt dài :

– Thì ra anh cũng là thứ chẳng ra gì đâu.

Lữ Ngọc Hồ cười :

– Đàn ông có mấy người ra gì đâu.

Thư Hương hỏi :

– Tôi có nói với anh là trước kia tôi định chọn anh làm chồng?

Lữ Ngọc Hồ gật đầu :

– Cô có nói rồi.

Thư Hương hỏi :

– Sau đó, tôi có nói với anh là tôi đã bỏ ý định ấy?

Lữ Ngọc Hồ gật đầu :

– Có nói.

Thư Hương nói :

– Bây giờ tôi lập lại, cho dầu có bị giam chung trong này với anh suốt đời, tôi cũng không thể lấy anh.

Lữ Ngọc Hồ hỏi :

– Tại sao vậy?

Thư Hương đáp :

– Tại vì tôi đã chọn người khác.

Lữ Ngọc Hồ hỏi :

– Người nào vậy?

Thư Hương trầm ngâm :

– Chờ khi gặp được rồi, tôi sẽ nói cho anh biết.

Lữ Ngọc Hồ hỏi :

– Cô nói như thế cô không sợ tôi buồn sao?

Thư Hương lắc đầu :

– Không.

Lữ Ngọc Hồ hỏi :

– Tại sao vậy?

Thư Hương đáp :

– Tại vì tôi biết rõ anh, tôi biết nếu anh cần chọn vợ thì người anh chọn nhất định không phải… theo loại của tôi.

Lữ Ngọc Hồ cười lớn :

– Đã thế chắc chúng mình chỉ nên làm bạn tốt với nhau thôi.

Thư Hương gật đầu :

– Chắc chắn như thế, vì tôi cũng đã có nói rồi, chúng ta sẽ là bằng hữu tốt.

Nói xong câu chuyện, nàng chợt nghe thư thái cả người. Nàng đã nói được những gì nàng muốn nói, những gì nàng cần nói, nếu không nói được thì nó cứ canh cánh trong lòng nàng, thật là khó chịu cho nàng vô cùng.

Hồi sáng lúc Lữ Ngọc Hồ thức dậy, nàng đã có nói phớt qua ý nghĩ của nàng, nhưng đó chẳng qua là ý nghĩ nhất thời, nhưng bây giờ nàng đã quyết tâm lắm rồi.

Lữ Ngọc Hồ cười :

– Đã thế đừng bao giờ giam mình trong này suốt đời, mình cần phải đi ra.

Thư Hương gật đầu :

– Đúng rồi, phải ra tìm vị bằng hữu giam tôi mới được.

Nàng xô cửa bước hẳn ra ngoài và nàng khựng lại.

Thiếu chút nữa là nàng đã kêu lên vì những điều mà nàng vừa thấy vừa nghe ở bên ngoài.

Nhưng, đã nói bây giờ thì nàng đã lớn rồi, mọi việc đều cẩn thận, nàng không kêu, nàng quay lại nhìn Lữ Ngọc Hồ.

Sự kinh dị đã làm cho nàng gần như không thể tin là thật…

* * * * *

Gian nhà thật rộng và dài, Tuy không ngăn, nhưng cách xắp xếp bàn ghế thì có lẽ lúc đến đây lão Kim Râu muốn cho tiện nên dồn hết bàn ghế ra ngoài, bên trong để trống, cho nên từ chỗ cánh cửa vô giữa phòng mà Thư Hương bị nhốt ra tới bên ngoài, còn một khoảng không, nếu nói nhỏ là không nghe được gì cả.

Bây giờ thì Thư Hương nghe.

Không những nghe mà nàng còn thấy.

Những chuyện nghe thấy bây giờ, nếu có ai nói lại với nàng về những chuyện như thế, nàng sẽ cười lăn chiêng, vì nàng cho rằng đó là chuyện thần thoại mà người ta ngốc nghếch mới đâm tin chuyện đó.

Vì chính bây giờ, nàng nghe, nàng thấy bằng tai, bằng mắt của chính nàng mà nàng vẫn chưa tin.

Nàng đứng sững một chỗ như trời trồng.

* * * * *

Cửa vừa mở ra, Thư Hương vừa bước ra, trước hết nàng nghe tiếng cười, tiếng nói của những người thắng, tiếng càu nhàu, tiếng cự nự của những kẻ thua.

Kế tiếp là nàng nghe tiếng xốc bài, tiếng hột xúc xắc đổ vào chén, tiếng xướng số điểm trên mặt hột, và tiếp theo là nàng thấy…

Đèn đuốc sáng choang, người đông vầy vầy, sòng bạc đông như cũ.

Đúng là nằm mộng.

Mới đây, mới vừa rồi, cách đó không lâu lắm, toàn nhà không có một cái bàn, không còn một bộ bài, không thấy một hột xúc xắc mà toàn là Hòa thượng ngồi chấp tay dưới đất.

Kế đó là họ hò nhau dông mất, để lại tòa nhà vắng hoe…

Thế mà bây giờ, sau một chút bị giam trở ra, các hạng người đều có đủ, sòng bạc hiện nguyên hình.

Không biết người ta từ đâu đến, ai nấy tới hồi nào bọn người này gầy sòng trông thật là xôm tụ.

Chỉ có Hòa thượng là không có.

Không có một cái đầu trọc, chớ đừng nói mấy mươi.

Thư Hương đứng khựng.

Nàng có cảm tưởng nàng bị xông thuốc mê và được cứu tỉnh lại nhiều lúc, cứ mỗi khi nàng tỉnh lại thì người ta bày ra một trò khác, người ta biến sòng bạc của Kim Râu thành sân khấu, rồi người ta đã sấp lớp lang cho một vở kịch biến đổi từng màn.

Nhưng vì sân khấu có tánh cách lộ thiên, thay vì kéo màn thay cảnh thì họ lại xông thuốc mê… khán giả.

Ngoài cách giải thích đó ra, nàng tin chắc không ai có thể giải thích nổi chuyện “sòng bạc biến thành chùa, rồi chùa bỗng biến đi, cho sòng bạc hiện nguyên hình trở lại”.

Tất cả những con bạc bỗng… đi tu, cạo đầu trọc lóc vì nhất thời “khám phá hồng trần”, rồi vì nghiệp duyên chưa dứt, cho nên phật tổ cho tạm… xả hơi, trở về mọc tóc để tiếp tục trả cho vơi nghiệp chướng… đánh bài!

Vì thế cho nên, chỉ một thoáng giây, từ con bạc, làm nhà sư, và từ Hòa thượng bị thâu y bát hiện nguyên hình… con bạc.

Tất cả đều do phép Phật.

Đó là cách giải thích thứ hai.

Ngoài hai lối giải thích đó ra, ai nấy cũng đều… há hốc mồm kinh ngạc.

* * * * *

Thư Hương sực nhớ còn có Lữ Ngọc Hồ ở sau lưng, nàng quay đầu lại thì hắn đang há hốc mồm.

Phong thái ngang tàng, coi trời đất chỉ bằng nửa con mắt của vị “đại nhân vật” này đã đi chơi chỗ khác, hiện tại hắn đã hiện nguyên hình… chàng ngốc.

Thư Hương nghe cổ mình khô đắng, nàng hỏi hắn nhưng giọng chưa hết kinh hoàng :

– Anh… anh có thấy hay chưa?

Lữ Ngọc Hồ trả lời như cái máy :

– Tôi… thấy….

Thư Hương hỏi?

– Thấy cái gì?

Lữ Ngọc Hồ nói như cái bong bóng xì hơi, hắn nói :

– Sòng bài.

Thư Hương gặn lại :

– Anh thấy thật như thế phải không?

Lữ Ngọc Hồ như được “nhắc tuồng”, hắn đưa tay dụi mắt :

– Rõ ràng nếu ai thấy không thật như thế thì người đó lọt tròng…

Thư Hương định nói thêm, nhưng ngay khi ấy, có một người mặc áo gấm, tay cầm ống điếu, râu ria xồm xoàng, chầm chậm bước về phía hai người.

Chỉ xem dáng đi đủ biết con người đó võ công không phải tầm thường.

Ông ta bước lại cười cười, nhưng Thư Hương không dằn được, nàng chụp hỏi :

– Sòng bài này khai trương từ bao giờ thế?

Hình như cảm thấy cô gái này hay đùa vui, nên hắn nhìn nàng từ đầu xuống tới chân bằng tia nhìn thật lạ, hắn nói :

– Khai trương từ lúc mà cô chắc còn… nằm trong bụng mẹ.

Thư Hương trố mắt kinh nghi :

– Sòng bài này khai trương là có ông ở đây rồi?

Người áo gấm đáp :

– Người khách thứ nhất tới đây, cũng chính tôi mời.

Thư Hương hỏi :

– Ông luôn túc trực ở đây?

Người áo gấm nói :

– Trừ giờ ngủ thì không có ở trong sòng bài.

Thư Hương hỏi :

– Còn hồi chiều hôm nay?

Người áo gấm đáp :

– Thường thường thì tôi phải ngủ ít nhất một giờ sau cơm trưa, nhưng hôm nay có mấy người bạn thân ở xa đến, tôi bỏ ngủ để ở đây hầu tiếp cho vui. Lâu lâu bạn xa đến, mình phải biết điều.

Hai tay của Thư Hương nắm chặc lại, nàng ngó ra sau hỏi Lữ Ngọc Hồ :

– Anh nghe cả rồi chớ?

Lữ Ngọc Hồ tái mặt, hắn bước nhanh tới và gằn giọng :

– Tốt hơn hết là ông nên nói thật.

Người áo gấm bây giờ mới giật mình, ông ta coi đây không phải là chuyện đùa nữa, ông ta nghiêm giọng :

– Tại làm sao tôi lại phải nói… không thật?

Thư Hương hỏi :

– Ông là ai vậy?

Người áo gấm đáp :

– Tôi họ Kim.

Thư Hương cau mặt :

– Họ Kim? Vậy Kim Râu là gì của ông?

Người áo gấm rờ rờ hàm râu của mình và cười :

– Tôi là Kim Râu đây.

Thư Hương đâm cáu, nàng nói lớn :

– Ông không phải là Kim Râu, nhất định không phải.

Người áo gấm kinh hoảng ra mặt :

– Tôi không phải là Kim Râu thì là ai?

Thư Hương nói :

– Tôi không cần biết ông là ai, nhưng tôi nói ông không phải là Kim Râu.

Đến bây giờ thì hình như đã có nhiều người nghe, họ tràn tới bu quanh.

Thư Hương không nhìn ai cả, nàng chỉ nhìn bộ mặt của người áo gấm, bộ mặt đang cười cười trông thật là… dễ ghét.

Người áo gấm vừa cười vừa hỏi :

– Tại làm sao cô nương đoán quyết ta không phải là Kim Râu?

Thư Hương nói lớn :

– Tại vì tôi biết Kim Râu, hắn không có râu, một sợi cũng không có.

Người áo gấm vụt cười thật lớn, hắn chỉ Thư Hương và cười nói lớn :

– Trời đất, vị cô nương này bảo Kim Râu không có râu…

Nhiều tiếng cười rập lên, làm như họ vừa nghe chuyện… đùa.

Họ vừa xúm nhau cười vừa nói :

– Kim Râu mà sao lại không… râu?

– Không râu thì tại sao lại gọi Kim… Râu?

Họ lại cười, giọng cười nghe như chế nhạo nàng…

Thư Hương giận run, giận đến muốn điên luôn.

Nàng nói như hét vào tai thiên hạ :

– Kim Râu chẳng những không râu, mà lại còn làm Hòa thượng rồi.

Nàng vừa nói dứt thì cả gian nhà thiếu điều ngã xuống vì tiếng cười nổi lên một cái rần của cả bọn người trong đó.

Cả sòng bạc quá đông, họ rập nhau cười và giành nhau nói :

– Kim Râu mà đi làm Hòa thượng thì toàn thiên hạ đều là… phật.

– Vị cô nương này nếu không phải là nhìn lầm người thì nhất định là tại vì cảm nặng nên đâm ra… sảng.

Thư Hương nhảy dựng lên :

– Tôi không có mê, tôi không có sảng, tôi không nhìn lầm, chính mắt tôi nhìn thấy.

Người áo gấm ráng nín cười :

– Cô thấy cái gì?

Thư Hương đáp :

– Tôi thấy Kim Râu làm Hòa thượng.

Có người hớt hỏi :

– Hắn đi làm Hòa thượng khơi khơi vậy à?

Thư Hương nói :

– Không, tại có người ép buộc hắn.

Người áo gấm hỏi :

– Ai ép hắn?

Thư Hương đáp :

– Một… một Hòa thượng.

Tiếng cười lại rập lên, lần này thiên hạ đúng là cười đến nghiêng đến ngửa, cười ôm bụng, cười bò dưới đất…

Thư Hương chợt nghe đầu nhức nhối chóng mặt…

Trong ngày nay, nàng gặp những chuyện thật là kỳ dị, giá như có ai thuật cho nàng nghe như thế, chắc chắn nàng cũng phải ôm bụng cười như họ bây giờ…

Nhưng bây giờ thì nàng không thể nào cười được, nàng muốn khóc.

Nhưng ngay lúc đó chợt có tiếng hỏi :

– Ai nói ai là Hòa thượng?

Giọng nói thật trầm, không lớn nhưng bất cứ ai nghe cũng y như có một tiếng rống kề mang tai, tất cả đều nghe rền rền kéo dài, câu hỏi đã dứt từ lâu, nhưng nhiều người phải ôm đầu nhăn mặt…

Chứng tỏ con người phát ra tiếng nói đó nội lực thâm hậu không thể tưởng.

Và lập tức, đám đông dạt ra ngay, bao nhiêu cặp mắt quay về hướng phát ra tiếng nói.

Không biết từ đâu đến, không biết đến tự bao giờ, từ trong góc của sòng bạc, một người chầm chậm bước ra và bây giờ thì mọi người cũng vừa nhận ra, người đó là Hòa thượng.

* * * * *

Đó là một Hòa thượng ốm tong teo.

Đã ốm mà lại thấp người, thêm vào đó bộ mặt nhăn nhúm dài thòng trông y như con khỉ.

Con người như thế, dáng sắc y như con bịnh lâu ngày mới mạnh nhưng bất cứ ai, chỉ cần biết qua võ công thì cũng đều không dám khinh thị, dầu chỉ mới nhìn qua lão một lần đầu.

Không phải vì bên cạnh ông ta có hai nhà sư trung niên phong thái uy nghiêm, gần như hào tráng, cũng không phải vì họ ăn mặc quá sang trọng, càng không phải vì sâu chuỗi óng ánh vàng lấp lánh trên tay…

Không ai hiểu được vì sao, không ai phân tách được rõ ràng, chỉ biết rằng nhìn qua ông ta thì bất cứ ai cũng đều nghe rúng động, không phải vì sợ sệt mà vì tôn kính.

Thư Hương cũng thế.

Bao nhiêu căm tức vì thái độ của Hòa thượng hiếp bức người trong sòng bạc ban trưa, bao nhiêu lời lẽ không bằng lòng nhưng hữu lý của Lữ Ngọc Hồ về những kẻ tu hành bất chánh đưa đến ý nghĩ xem thường, đều bay đi đâu mất, nhường chỗ cho sự e dè, kính trọng, nễ nang…

Mặc dầu chưa bao giờ gặp Hòa thượng, trừ vị Hòa thượng đã gặp, nhưng khi thấy mặt nhà sư này, Thư Hương biết ngay đó là một vị cao tăng.

Cao tăng vốn cũng như danh sĩ, bất luận ở một nơi nào, cũng đều được người ta đặc biệt chú ý.

Chỉ cần bao nhiêu đó, người ta đủ thấy bản thân của cao tăng, danh sĩ đã có một chỗ đứng khá cao trong ý niệm con người, đó là một giá trị đặc biệt do những cao tăng danh sĩ từ ngàn xưa để lại.

Cố nhiên, người ta không phải kính trọng một cá nhân, người ta kính trọng bởi truyền thống tinh thần của nó.

Đứng trước một kẻ hung ác, sức mạnh con người không địch nổi, người ta có thể sợ sệt nhất thời, nhưng không ai có một ý niệm tôn kính như đứng trước một cao tăng, một danh sĩ trói gà không chặc.

Nhưng cái lạ ở đây là vừa rồi, vì sự chú ý đặc biệt, Thư Hương và Lữ Ngọc Hồ không thấy trong sòng bạc có một nhà sư nào cả, như vậy không biết họ xuất hiện bằng cách nào, chỉ nghe tiếng là đã thấy có họ rồi.

Không ai biết ba nhà sư này từ ngả nào bước vào đây.

Thư Hương bước lên chớp chớp mắt :

– Có phải vừa rồi đại sư đã hỏi tôi?

Lão Hòa thượng gật đầu :

– Nữ thí chủ vừa rồi có phải đã nói đến một Hòa thượng?

Thư Hương đáp :

– Phải.

Lão Hòa thượng hỏi :

– Vị Hòa thượng đó dáng dấp như thế nào?

Thư Hương đáp :

– Vị Hòa thượng đó có gương mặt tròn, trắng mập, hình như có lúm đồng tiền bên má.

Lão Hòa thượng hỏi :

– Độ bao nhiêu tuổi?

Thư Hương đáp :

– Dáng sắc thì chưa lớn lắm, nhưng giọng nói như già.

Lão Hòa thượng hỏi :

– Phải có một vị Đạo sĩ cùng đi với ông ta?

Thư Hương đáp :

– Chẳng những có Đạo sĩ mà lại còn có Tú tài.

Lão Hòa thượng hỏi :

– Họ đâu?

Thư Hương đáp :

– Đạo sĩ và Tú tài thì không thấy, chỉ thấy vị Hòa thượng…

Nàng thở ra và nói tiếp :

– Vị Hòa thượng đó đã mất rồi.

Không thấy phản ứng trên gương mặt của lão Hòa thượng, người ta chỉ thấy bộ trường kỷ mà nàng đang đứng vịn, bỗng tự nhiên gãy tan, bốn cái chân gãy vụn, bộ ghế làm bằng thứ gỗ dầy và cứng bị nứt tét ra từng mảnh, y như một cái bàn trong căn nhà sập, bị sức ép của mái ngói làm cho gẫy bể tan tành.

Lão Hòa thượng vẫn đứng yên, bàn tay đặt trên trường kỷ cũ, tay kia ông ta buông thẳng xuống, mặt ông ta không đổi sắc.

Tất cả những người có mặt đều lạnh toát mồ hôi.

Thật lâu, lão Hòa thượng hỏi từng tiếng một :

– Vị Hòa thượng đó chết tại đâu?

Thư Hương chỉ ngược lại gian phòng mà nàng và Lữ Ngọc Hồ vừa mới bước ra.

Tay nàng vừa đưa ra thì hai nhà sư trung niên đứng sau lưng lão Hòa thượng đã tung mình vào tới cửa phòng.

Những người đứng gần, cảm nghe như có một trận gió mạnh thổi ngang, vạt áo của họ phất lên, có người đội nón bị bay luôn theo hướng hai nhà sư vừa phóng tới.

Thư Hương bất giác đưa mắt liếc nhanh về phía Lữ Ngọc Hồ.

Lữ Ngọc Hồ đứng trơ ra.

Gương mặt hắn bây giờ làm như có ai vừa treo thêm khối đá, vuông khăn choàng nơi cổ hắn đã đẩm mồ hôi.

Chỉ trong nháy mắt hai nhà sư trung niên đã trở ra, trên tay lại có thêm thi thể của Hòa thượng mập.

Vẻ mặt của hai nhà sư trung niên bây giờ thật là dễ sợ, đôi mắt của họ hình như có nhiều tia lửa bắn ra.

Lão Hòa thượng chỉ liếc nhẹ vào thi thể Hòa thượng mập rồi niệm phật.

Cho đến lúc ông ta hé mắt lên thì nàng chợt thấy trước mặt tối xầm, lão Hòa thượng đã đứng ngay sát trước mặt nàng và ông ta hỏi từng tiếng một :

– Nữ thí chủ quí tánh?

Thư Hương đằng hắng hai ba tiếng nhỏ :

– Tôi họ Đào, tiên Thư Hương.

Lão Hòa thượng nhìn nàng vài lượt rồi đưa tia mắt qua Lữ Ngọc Hồ :

– Còn vị thí chủ đây?

Lữ Ngọc Hồ đáp :

– Tại hạ là Lữ Ngọc Hồ.

Lão Hòa thượng gật gật đầu, những đường gân trên mặt ông ta nổi lên như những con trùng hổ…

Ông ta lại nói từng tiếng trầm trầm :

– Tốt, hảo võ công, hảo thân thủ, quả danh bất hư truyền.

Thư Hương kêu lên :

– Không, không phải, vị Hòa thượng này không phải chúng tôi giết, ông đừng có hiểu lầm.

Lão Hòa thượng gằn giọng :

– Không phải nam thí chủ thì nữ thí chủ phải không?

Thư Hương la lên :

– Làm sao lại là tôi? Tôi làm sao phải giết ông ta? Khi tôi gặp ông ta thì ông ta đã chết rồi.

Lão Hòa thượng hỏi :

– Gặp ở đâu?

Thư Hương đáp :

– Trong gian phòng đó.

Lão Hòa thượng hỏi :

– Lúc đó nam thí chủ cũng ở trong đó với nữ thí chủ phải không?

Thư Hương đáp :

– Không, hắn mới đến sau.

Người áo gấm tự xưng là Kim Râu lên tiếng :

– Đây là tư sản của tôi, tôi biết không có ngỏ nào khác nữa, nếu Lữ đại hiệp vào là phải đi vào đây thì chúng tôi phải thấy chớ?

Thư Hương nói :

– Hắn không có đi ngỏ này.

Lão Hòa thượng nói :

– Vị thí chủ mới nói rất rõ ràng, nhà này không có ngỏ nào khác nữa.

Thư Hương nói :

– Có, hắn từ dưới đất đi lên.

Nói xong câu đó, nàng cảm thấy khó cho người ta tin được nên nàng vội nói thêm :

– Hồi trưa này, khi chúng tôi đến đây thì vị Hòa thượng đó chưa chết, nhưng khi đang nói chuyện với chúng tôi thì bỗng dưng tụt rơi xuống dưới nền…

Vừa nói, nàng vừa đưa tay chỉ dưới đất và nàng bỗng thấy mọi người trố mắt nhìn nàng trân trối…

Họ nhìn nàng với một dáng cách làm cho nàng có cảm tưởng như họ đang nhìn… quát vật.

Hình như họ muốn cười, nhưng vì không khí đang trầm trọng nên họ không dám cười thành tiếng.

Lão Hòa thượng hỏi :

– Rồi sau đó thì sao?

Thư Hương đáp :

– Sau đó, sau đó thì Lữ Ngọc Hồ cũng rơi xuống theo. Lúc đó trong nhà này không có một bóng người nào cả, tất cả những Hòa thượng bị ép cạo đầu đều đi hết, và khi tôi vào phòng giam kia thì bên ngoài khóa trái…

Bây giờ thì mọi người càng ngó Thư Hương nhiều hơn nữa, hình như họ có nói thầm với nhau rằng rất có thể cô gái này mắc chứng cuồng tâm…
Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN