Cát Bụi Thời Gian - Chương 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
144


Cát Bụi Thời Gian


Chương 2


MADRID

Thủ tướng Leopoldo Martinez đang trong cơn tức giận. Ông ta nhỏ người, đeo kính, toàn thân rung lên mỗi khi nói.

– Phải chặn thằng Jaime Miro lại – Ông ta thét, giọng cao và rung lên – Các ông có hiểu tôi không? – Ông ta quát tháo một nhóm ngót chục người trong phòng – Chỉ một tên khủng bố thôi mà cả quân đội lẫn cảnh sát đều bất lực.

– Cuộc họp diễn ra tại cung Moncloa, nơi ngài thủ tướng sống và làm việc, cách trung tâm thủ đô Madrid khoảng năm kilômét, nằm trên đại lộ Gallcia. Tòa nhà xây bằng gạch đỏ với những ban công sắt uốn lượn cầu kỳ, những tấm màn cửa sổ xanh dịu và các tháp canh trấn giữ các góc.

Đó là một ngày nắng, khô. Nhìn qua cửa sổ, hơi nóng từ mặt đất bốc lên lay động như những hồn ma. Hôm qua Miro đã biến Pamplona thành nghĩa địa.

– Martinez dằn mạnh nắm đấm xuống mặt bàn – Hắn đã sát hại người lính gác và cuỗm mất hai tên khủng bố. Đàn bò chúng thả ra đã làm náo loạn cả thành phố.

Một lúc lâu không ai lên tiếng.

Khi nhậm chức thủ tướng, ông ta lớn tiếng tuyên bố: “Hành động đầu tiên của tôi sẽ là giải tán những nhóm phân liệt. Madrid phải là một mái nhà hòa hợp vĩ đại. Nó sẽ biến những người Andalusia, người Basque, người Catalan, người Gallcy… thành người Tây Ban Nha.”

Ông ta quá lạc quan. Những người Basque kiên quyết độc lập lại nghĩ khác, và làn sóng những vụ nổ bom, cướp nhà băng, những cuộc biểu tình do những kẻ khủng bố thuộc ETA tiếp tục nổ ra không thể ngăn chặn được.

Một người ngồi phía bên phải Martinez khẽ nói:

– Tôi sẽ tìm được hắn.

Đó là giọng của đại tá Ramon Acoca, người đứng đầu GOE, nhóm hành động đặc biệt, được thành lập để săn lùng những kẻ khủng bố người Basque. Acoca ở tuổi lục tuần, vóc dáng khổng lồ, cặp mắt đục lạnh lùng trên khuôn mặt đầy sẹo. Y đã từng là một sĩ quan trẻ dưới quyền Francisco Franco trong thời nội chiến, và giờ đây vẫn cuồng tín theo đuổi triết lý của Franco, “Chúng ta có nghĩa vụ trước Chúa và Lịch sử”.

Acoca là một sĩ quan tài ba và đã từng là một trong số những trợ thủ tin cậy nhất của Franco. Viên đại tá này khắc sâu một nguyên tắc cứng rắn: xử phạt ngay lập tức những kẻ nghi ngờ hoặc những kẻ không tuân thủ luật chơi. Y đã từng trải qua những thời kỳ lộn xộn trong nội chiến, một bên là Liên minh dân tộc của những người theo chủ nghĩa quân chủ, các tướng lĩnh phiến loạn, các chủ đất, nhà thờ, cũng như các tên phát xít phái Falang. Còn bên kia là lực lượng chính phủ cộng hòa bao gồm những người theo chủ nghĩa xã hội, cộng sản, tự do, và những phái phân liệt người Basque và Catalan. Một thời kỳ khủng khiếp đầy chết chóc tàn phá, một sự điên rồ đã lôi cuốn người và phương tiện chiến tranh từ hàng chục vùng đất, gây ra cái chết cho biết bao sinh mạng. Giờ đây người Basque lại tiếp tục chiến đấu và giết chóc.

Đại tá Acoca cầm đầu đám nhân viên chống khủng bố hữu hiệu và tàn bạo. Những nhân viên này hoạt động bí mật, ăn mặc cải trang và không bao giờ xuất hiện công khai hoặc chụp ảnh, vì sợ bị trả thù.

Nếu kẻ nào đó có thể ngăn chặn được Jaime Miro ắt phải là đại tá Acoca – thủ tướng nghĩ – nhưng có một trở ngại: Ai sẽ là người ngăn chặn đại tá Acoca?

Giao cho viên đại tá phụ trách vụ này không phải là chủ ý của thủ tướng. Vào lúc nửa đêm, ông ta nhận được một cú điện thoại từ đường dây riêng và nhận ra ngay cái giọng ấy.

– Chúng tôi rất phiền lòng với những hoạt động của Jaime và bọn khủng bố, và thấy ông cần giao nhiệm vụ tiêu diệt chúng cho đại tá Ramon Acoca phụ trách GOE. Như vậy đã rõ chưa?

– Rõ, thưa ngài. Ý của ngài sẽ được quan tâm lập tức.

Rồi đường dây chết lặng.

Giọng nói đó là của thành viên thuộc OPUS MUNDO. Tổ chức này là một hệ thống bí mật bao gồm các chủ nhà băng, luật sư, chủ các công ty có thế lực, và các bộ trưởng chính phủ. Người ta xì xào rằng tổ chức này nắm trong tay những nguồn tài chính khổng lồ, nhưng tiền từ đâu ra, sử dụng và sinh sôi thế nào thì đó là một điều bí ẩn. Tìm hiểu nhiều về nó được coi là không lành mạnh.

Thủ tướng đã giao quyền cho đại tá Acoca như được chỉ thị nhưng tên khổng lồ này đã trở nên cuồng tín đến không thể kiểm soát được. Tổ chức GOE của y đã tạo ra một làn sóng khiếp sợ. Thủ tướng nghĩ đến những người phiến loạn Basque mà Acoca đã tóm được ở gần Pamplona, Những người này đã bị kết tội và đều chịu án treo cổ. Nhưng chính viên đại tá đã đòi phải hành quyết họ bằng hình phạt độc địa hơn: một sợi thép gai từ từ siết chặt lại, rồi bẻ gãy cổ nạn nhân, trơ cả tủy sống ra.

Jaime Miro trở thành nỗi ám ảnh thường trực của Acoca.

– Tôi muốn lấy cái đầu hắn – Acoca nói – Cứ cắt bỏ cái đầu ấy, phong trào người Basque sẽ chết theo.

“Không đơn giản thế” – Thủ tướng nghĩ, mặc dù cũng phải thừa nhận một phần sự thực trong câu nói của Acoca. Jaime Miro là một thủ lĩnh đầy uy lực, lại cuồng, tín theo đuổi sự nghiệp, vì thế mà đầy nguy hiểm. Song Acoca cũng nguy hiểm không kém – Thủ tướng nghĩ tiếp.

Giám đốc an ninh Primo Casado nói:

– Thưa ngài, không ai có thể lường trước những điều xảy ra ở Pamplona. Jaime Miro là một kẻ…

– Tôi bíết hắn là gì – Thủ tướng dằn giọng – Điều tôi muốn biết là bây giờ hắn ở đâu? – Ông ta quay sang viên đại tá.

– Tôi đang theo dõi hắn – Acoca đáp, giọng nói làm cả căn phòng rung lên – Xin được phép lưu ý ngài thủ tướng rằng chúng ta không chỉ chống lại một kẻ duy nhất mà là đang đối phó với tất cả lũ người Basque. Chúng che giấu, nuôi dưỡng, cung cấp vũ khí cho Jaime và bọn khủng bố. Hắn là người hùng đối với chúng. Nhưng đừng lo, hắn sẽ chẳng mấy mà thành người anh hùng trên giá treo cổ. Tất nhiên là sau khi tôi tóm được hắn.

Không phải Chúng Ta mà là Tôi. Thủ tướng để ý xem có ai chú ý đến điều đó không. Phải, ông lo lắng nghĩ, sẽ phải làm một cái gì đó với thằng cha này.

– Thưa các vị, tất cả chỉ có vậy – Ông ta đứng dậy.

Mọi người lục tục đứng lên theo, trừ Acoca. Leopoldo Martinez đi đi lại lại trong phòng:

– Mả mẹ cái dân Basque. Tại sao chúng lại không muốn làm người Tây Ban Nha? Chúng còn muốn gì nữa?

– Chúng thèm khát quyền lực – Acoca nói – Chúng muốn tự chủ, muốn có tiếng nói riêng, cờ quạt riêng.

– Không được, chừng nào tôi còn giữ chiếc ghế này. Tôi nhất quyết không cho ai xé nhỏ Tây Ban Nha. Chính phủ sẽ bảo cho biết chúng nó được phép làm cái gì và không được phép làm cái gì. Chúng nó chẳng là gì, cái đám tiện dân ấy…

– Thưa ngài – một trợ lý bước vào, vẻ như muốn xin lỗi – Giám mục Ibanez đã đến.

– Đưa lão ta vào.

– Ngài có thể tin rằng giáo hội đứng đằng sau chuyện này. Đã đến lúc ta phải dạy cho chúng nó một bài học – Viên đại tá nheo nheo mắt.

“Giáo hội luôn là sự mỉa mai lớn nhất của lịch sử” Acoca cay đắng nhủ thầm. Khi nội chiến bắt đầu nổ ra, nhà thờ Thiên Chúa giáo đứng về phía các lực lượng dân tộc. Giáo trưởng đứng đằng sau tổng tư lệnh Franco và như thế, cho phép ông ta lớn tiếng nói rằng mình đang chiến đấu vì Đức Chúa trời. Cho tới khi nhà thờ của dân Basque, các tu viện và tu sĩ bị tấn công, thì giáo hội mới chấm dứt sự ủng hộ này.

– Các ngài phải cho người Basque và người Catalan được tự do hơn – Giáo hội đòi hỏi – Và các ngài không được sát hại các vị tu sĩ người Basque nữa.

Tổng tư lệnh Franco bực tức điên cuồng: – Giáo hội dám láo xược ra lệnh cho Chính phủ?

Bắt đầu một cuộc chiến tranh tiêu hao. Lại thêm nhà thờ và tu viện bị các lực lượng Franco hủy hoại. Các nữ tu và tu sĩ bị sát hại. Các giám mục bị giam lỏng. Cha cố khắp cả nước bị trừng phạt vì đã truyền bá, rao giảng những điều mà chính phủ cho là kích động nổi loạn. Tới khi giáo hội dọa rút phép thông công thì Franco mới chấm dứt những cuộc tấn công của mình.

Giáo hội chết tiệt! Acoca nghĩ. Sau khi Franco chết, giáo hội lại ngóc dậy. Y quay lại phía thủ tướng:

– Đã đến lúc lão giám mục này phải biết ai đang nắm Tây Ban Nha.

Giám mục Calvo Ibanez nhỏ nhắn, mảnh khảnh, đám tóc bạc trắng chạy quanh đầu, nhướng mắt nhìn hai người qua cặp kính không gọng.

– Một buổi chiều tốt lành!

Acoca cảm thấy nghèn nghẹn ở cổ. Chính sự xuất hiện của vị giáo sĩ này làm cho y phát ốm. Họ là bầy dê của Juda dẫn những con cừu non ngốc nghếch tới lò sát sinh.

Vị giám mục đứng đó đợi một lời mời ngồi. Nhưng điều đó không xảy ra. Ông cũng chẳng được giới thiệu với tên đại tá. Đó là một sự khinh miệt có tính toán.

Thủ tướng đưa mắt thăm dò ý tứ viên đại tá. Acoca nói nhát gừng:

– Một số tin tức đáng lo ngại đã làm chúng tôi chú ý, rằng quân phiến loạn Basque đang tổ chức các cuộc họp tại các tu viện Thiên Chúa giáo. Chúng tôi cũng biết rằng giáo hội dung túng cho các tu viện và nhà dòng cất giấu các vũ khí của bọn phiến loạn – Giọng y lanh lảnh như có thép – Khi các vị giúp đỡ kẻ thù Tây Ban Nha thì chính các vị đã trở thành kẻ thù của Tây Ban Nha.

Giám mục Ibanez quắc mắt nhìn y, rồi quay sang ông thủ tướng:

– Thưa ngài, với lòng kính trọng sâu sắc, tất cả chúng ta đều là những con người của đất nước Tây Ban Nha. Người Basque không phải là kẻ thù của các ngài. Tất cả những gì họ đòi hỏi là tự do để…

– Chúng không đòi hỏi mà là yêu sách – Acoca gầm lên – Ở đâu bọn chúng cũng cướp nhà băng, giết hại cảnh sát, vậy mà ông dám nói rằng họ không phải là kẻ thù của chúng ta?

– Tôi thừa nhận là đã có những sự thái quá không thể bào chữa được. Song, đôi khi tranh đấu cho những gì mình tin…

– Chúng không tin vào bất cứ cái gì ngoài bản thân. Chúng không hề quan tâm đến Tây Ban Nha, như một nhà văn lớn của ta đã nói: ở đất nước Tây Ban Nha này không có bất cứ ai quan tâm đến lợi ích chung. Nhóm nào cũng chỉ quan tâm đến lợi ích của nhóm ấy. Giáo hội, dân Basque, dân Catalan. Nhóm nọ chửi mẹ nhóm kia…

Ông giám mục biết tên đại tá trích lời Ortega y Gasset. Nguyên văn câu này còn gồm cả quân đội và chính phủ, nhưng ông ta khôn khéo im lặng, quay sang phía thủ tướng, hy vọng có một cuộc đối thoại mềm mỏng hơn.

– Thưa ngài, giáo hội Thiên Chúa…

Thủ tướng thấy Acoca đưa đẩy vấn đề như thế là đủ.

– Xin Đức giám mục đừng hiểu sai chúng tôi. Về nguyên tắc, tất nhiên, chính phủ này đứng sau giáo hội một trăm phần trăm.

– Nhưng chúng tôi cũng không thể cho phép nhà thờ, nhà dòng và các tu viện chống lại mình mãi được. Nếu các ông tiếp tục dung túng cho bọn người Basque cất giấu vũ khí và tụ họp ở đó, các ông sẽ phải gánh chịu hậu quả – Acoca lại lên tiếng.

– Tôi khẳng định rằng báo cáo mà các vị nhận được là sai lệch – Đức giám mục nhỏ nhẹ – Dẫu sao tôi cũng sẽ điều tra ngay.

– Cám ơn Đức giám mục, tất cả chỉ có thế thôi.

Thủ tướng Martinez và đại tá Acoca cùng nhìn theo Đức giám mục bước ra.

– Anh nghĩ sao? – Martinez hỏi – Lão ta biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Vị thủ tướng thở dài: – Không cần phải bới thêm chuyện với giáo hội thì mình cũng đã đủ chuyện rồi.

– Nếu giáo hội ủng hộ bọn Basque, thì tức là họ chống lại chúng ta – Giọng Acaco vang lên hằn học – Tôi muốn ngài thủ tướng cho phép dạy bọn này một bài học.

Martinez rùng mình khi bắt gặp ánh mắt cuồng tín của Acaco, trở nên thận trọng.

– Đúng là anh có báo cáo rằng nhà thờ đang giúp đỡ quân phiến loạn?

– Tất nhiên, thưa ngài.

Không thể có quyết định khác nếu như người này nói đúng sự thật. Thủ tướng biết Acoca căm thù giáo hội đến thế nào. Nhưng để giáo hội nếm chút mùi trừng phạt có khi cũng hay, miễn là Acoca đừng đi quá đà Thủ tướng Martinez suy nghĩ lung tung. Chính Acoca phá vỡ sự im lặng.

– Nếu nhà thờ che giấu bọn khủng bố thì họ phải bị trừng phạt.

– Anh sẽ bắt đầu từ đâu? – Thủ tướng gật đầu miễn cưỡng.

– Jaime Miro và đồng bọn của hắn hôm qua xuất hiện ở Avila. Chắc chắn chúng đang lẩn trốn trong tu viện đó.

– Khám xét tu viện – Thủ tướng đi tới một quyết định.

Quyết định đó là khởi đầu của một chuỗi sự kiện làm lung lay đất nước Tây Ban Nha và chấn động thế giới.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN