Câu lạc bộ Dumas - Chương 01 - Phần 1
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
113


Câu lạc bộ Dumas


Chương 01 - Phần 1



LỜI DẪN

Ánh đèn flash hắt lên tường bóng cái xác người cứng ngắc treo nơi giá đèn giữa phòng. Do thợ ảnh xoay quanh cái xác để lấy hình cho nên cái bóng tuần tự hắt lên những bức tranh, lên các tủ kính đầy đồ sứ, lên giá sách, lên tấm rèm trên khuôn cửa sổ mở. Bên ngoài trời đang mưa.

Dự thẩm viên[1] lo điều tra là một người trẻ tuổi. Mái tóc thưa rối bời, khoác áo mưa, bụi nước còn bám đầy trên người và trên đầu y trong khi y đọc cho nhân viên đánh máy đang ngồi trên sofa, máy chữ đặt trên chiếc ghế phía trước. Tiếng rì rầm bàn tán của mấy cảnh sát viên đi lại trong phòng lẫn với tiếng máy chữ gõ nhịp theo giọng đọc đơn điệu của y.

[1] Nguyên văn: magistrate, một chức quan coi việc thi hành luật pháp và thủ tục hành chính ở tòa án địa phương cấp thấp.

“… mặc pyjama, khoác áo choàng ngủ. Chết do treo cổ bằng dây lưng áo choàng. Hai tay bị trói đằng trước bằng cà vạt, chân trái vẫn còn mang một chiếc giày nhẹ đi trong nhà, chân kia để trần…”

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại . .com – gác nhỏ cho người yêu sách.]

Dự thẩm viên đụng vào cái chân mang giày của xác chết khiến cái xác nhè nhẹ, chầm chậm xoay tròn theo sợi dây lụa căng thẳng từ cổ người chết lên tới giá đèn trần. Cái thây chuyển động từ trái qua phải rồi ngược lại, cho đến khi ngừng ở vị trí ban đầu, giống như kim địa bàn đảo quanh cực Bắc. Rồi y xoay mình bước qua một bên tránh viên cảnh sát mang đồng phục đang tìm dấu vân tay trên cái thây. Một bình hoa vỡ nằm trên sàn và một quyển sách để mở ở một trang chi chít những vệt chì đỏ đánh dấu. Đó là cuốn Tử tước Bragelonne cũ thuộc loại rẻ tiền bìa bọc vải. Nghiêng mình qua vai người cảnh sát, viên ký tòa liếc nhìn dòng chữ được gạch dưới:

[2] Còn có tên là Mười năm sau nữa, tiểu thuyết của Alexandre Dumas bố, thuộc bộ truyện nhiều tập về lính ngự lâm.

“Bọn chúng lừa dối mình,” hắn thì thầm. “Tất cả đều biết!”

“Ai cũng biết cả,” Porthos ngơ ngác trả lời.

Y cho ghi lại đoạn này và lệnh rằng cuốn sách phải được đưa vào báo cáo. Đoạn y lại gần một người đàn ông cao lớn đứng hút thuốc bên một trong các cửa sổ mở toang.

“Anh nghĩ sao?”

Người cao lớn mặc áo khoác da có đính huy hiệu cảnh sát trên miệng túi. Trước khi trả lời, hắn còn cố rít nốt điếu thuốc rồi chẳng thèm nhìn ném đầu mẩu ngược qua vai ra cửa sổ.

“Nếu thứ đó màu trắng mà lại ở trong một cái chai thì ắt là sữa,” sau cùng hắn trả lời, úp úp mở mở, song không úp úp mở mở quá, khiến viên ký toàn không khỏi mỉm cười.

Không giống người cảnh sát, viên ký tòa đứng nhìn ra đường phố chìm trong mưa nặng hạt. Ai đó vừa mở cánh cửa phía bên kia phòng khiến một luồng gió mang theo những hạt mưa tạt vào mặt y.

“Đóng cửa lại,” không buồn quay đầu lại, y ra lệnh. Rồi y nói với viên cảnh sát, “Đôi khi tội giết người được ngụy trang thành tự sát.”

“Và ngược lại,” người kia bình thản tiếp.

“Anh nghĩ gì về hai tay và chiếc cà vạt?”

“Có lúc người ta sợ mình sẽ đổi ý ở phút cuối… Nếu đó là vụ giết người thì hắn đã bị trói quặt tay ra sau.”

“Có gì khác đâu,” viên ký tòa phản đối. “Sợi dây mỏng nhưng chắc. Khi mất chỗ đứng, hắn sẽ chẳng còn cơ may nào, ngay cả khi hai tay vẫn tự do.”

“Cái gì cũng có thể. Ta sẽ biết nhiều hơn khi khám nghiệm tử thi.”

Viên ký tòa ngoảnh nhìn cái xác. Người cảnh sát lấy dấu tay đã đứng lên, tay cầm cuốn sổ.

“Cái trò kinh doanh sách báo này thật là kỳ quái,” y nói.

Người cao lớn nhún vai.

“Tôi đọc không nhiều,” hắn nói, “nhưng Porthos… chẳng phải là một trong đám ấy sao… Athos, Porthos, Aramis và d’Artagnan.” Hắn bấm ngón tay đếm, rồi ngừng lại trầm ngâm, “Thật buồn cười. Tôi cứ tự hỏi vì sao người ta kêu là ba người lính ngự lâm trong khi thực ra họ có bốn người.”

I. “RƯỢU VANG ANJOU”

Người đọc cần chuẩn bị tinh thần chứng kiến những màn hung hiểm bậc nhất.

E. Sue, NHỮNG BÍ MẬT THÀNH PARIS.

Tên tôi là Boris Balkan, tôi đã từng dịch cuốn Tu viện thành Parme. Ngoài ra tôi cũng biên tập mấy cuốn tiểu thuyết ăn khách thế kỷ 19, các bài báo và phê bình của tôi có mặt trên những tờ báo hay phụ trương khắp châu Âu, tôi còn mở những cua ngắn hạn mùa hè bồi dưỡng người viết nghiệp dư. Chẳng có gì đáng nói, e là vậy. Đặc biệt là những ngày này, khi mà sự tự sát tự ngụy trang thành giết người, những cuốn tiểu thuyết do viên bác sĩ của Roger Ackroyd viết ra, ngoài ra còn có quá nhiều người khăng khăng đòi xuất bản hai trăm trang sách về những xúc cảm huyền hoặc họ từng thể nghiệm khi nhìn vào gương.

Nhưng hãy trở lại câu chuyện.

Lần đầu tôi gặp Lucas Corso là khi gã tới tìm tôi, cắp nách bản thảo Rượu vang Anjou. Corso là một thứ lính đánh thuê trong thế giới sách, chuyên săn lùng sách cho người ta. Làm việc đó có nghĩa là phải có tài ăn nói và chịu bẩn tay. Cũng cần có phản xạ tốt, tính kiên nhẫn, rất nhiều may mắn cùng với trí nhớ phi thường để biết chính xác ở một xó xỉnh bụi bặm nào đó, trong cửa hàng của một lão già nào đó có một quyển sách bị bỏ quên mà nay đáng giá cả một gia tài. Khách hàng của gã ít và chọn lọc: vài mươi nhà buôn sách ở Milan, Paris, London, Barcelona và Lausanne, thuộc loại chuyên bán hàng qua catalô, chỉ bỏ tiền làm những món chắc ăn và không bao giờ có trong tay quá năm chục đầu sách mỗi lần. Những ông trùm buôn sách cổ dùng giấy da dê hoặc da cừu hay loại sách để lề rộng hơn ba xăngtimet đáng giá hàng ngàn đô la mỗi cuốn. Đám dã cẩu thính mũi với các bản Kinh thánh Gutenberg[1], bầy cá mập trong các phiên chợ đồ cổ, loài dơi hút máu trong những buổi đấu giá, những kẻ sẵn lòng đổi cả ông bà mình để lấy một bản in đầu tiên. Nhưng họ tiếp khách hàng trong những căn phòng có sofa da nhìn ra Duomo[2] hay hồ Constance, và chẳng bao giờ để bàn tay – hay lương tâm mình – lấm bùn. Ấy là những khách hàng của Corso.

[1] Kinh thánh Gutenberg được xem như cuốn sách in đầu tiên ở châu Âu.

[2] Duomo: tiếng Ý nghĩa là “giáo đường”. Tòa giáo đường nổi tiếng nhất là Duomo di Milan theo phong cách gô tích, được xây dựng trong vòng năm thế kỷ và là giáo đường lớn thứ tư trên thế giới.

Gã tháo cái túi vải buồm sờn rách trên vai đặt xuống sàn, nhìn chằm chặp vào chân dung Rafael Sabatini[3] trong khung ảnh trên bàn, bên cạnh cây bút máy tôi vẫn dùng để chữa bài và bản in thử. Tôi thấy vui vui, bởi hầu hết khách đến đều chẳng mấy để ý tới Sabatini, coi ông như một người họ hàng lớn tuổi. Tôi đợi phản ứng của Corso. Gã ngồi xuống rồi nở nụ cười nửa miệng, vẻ mặt trẻ trung, như một con thỏ hoạt hình tông vào ngõ cụt. Kiểu nhìn lôi kéo người nghe ngay lập tức. Đến lúc nào đó tôi nhận ra rằng gã có thể cười như một con sói hung ác, và gã biết chọn kiểu cười phù hợp với hoàn cảnh. Nhưng đó là chuyện khá lâu sau này. Hiện giờ gã có vẻ đáng tin cậy, vậy nên tôi quyết định thử tung ra một viên đá dò đường.

[3] Rafael Sabatini (1875-1950): nhà văn Anh – Ý nổi tiếng với những tiểu thuyết phiêu lưu lãng mạn. Tác phẩm tiêu biểu: Thuyền trưởng Blood, Scaramouche, The Sea Hawk.

“Từ lúc mới ra đời anh ta đã được nụ cười ban phước,” Tôi xổ ra một câu trích dẫn, trỏ bức chân dung: “… và với cảm giác là thế giới điên rồ…”

Corso chậm rãi và thận trọng gật đầu. Tôi cảm giác mình rất có thể thành đồng lõa với gã, mặc dù toàn bộ câu chuyện mãi về sau mới xảy ra, tới giờ tôi vẫn cảm thấy thế. Gã moi từ trong một cái gói bí mật ra điếu thuốc lá không đầu lọc cũng nhàu nát như cái áo khoác cũ kỹ và cái quần nhung tăm gã mặc. Vân vê điếu thuốc trên tay, gã nhìn tôi qua cặp kính gọng thép nằm cẩu thả trên mũi phía trước mái tóc rối bời cắt ngang trán đã ngả xám. Bàn tay kia thọc vào một trong mấy túi áo như đang ngầm giữ một khẩu súng, cái túi to tướng bị biến dạng bởi những quyển sách, catalô, giấy tờ và, như tôi biết sau này, một chai đầy rượu gin Bols.

“… và đây là toàn bộ di sản thừa kế của ông ta.” Gã dễ dàng hoàn thành tất đoạn trích, sau đó sửa lại thế ngồi trên chiếc ghế dựa và lại mỉm cười. “Nhưng nói thực, tôi thích Thuyền trưởng Blood hơn.”

Tôi lạnh lùng giơ cao chiếc bút máy. “Ông lầm rồi. Scaramouche với Sabatini cũng giống như Ba người lính ngự lâm đối với Dumas.” Tôi thoáng khom người trước bức chân dung. “‘Từ lúc mới ra đời anh ra đã được nụ cười ban phước…’ Trong toàn bộ các câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm không kiếm đâu ra đoạn mở đầu nào hay như thế.”

“Có lẽ đúng thế,” Corso thừa nhận sau một thoáng suy nghĩ. Rồi gã đặt tập bản thảo viết tay cất trong một cái kẹp giấy – có túi nhựa bảo vệ từng trang một – lên bàn. “Quả là trùng hợp khi ông đề cập tới Dumas.”

Gã xoay kẹp giấy lại đẩy về phía trước để tôi có thể đọc được nội dung. Bản thảo bằng tiếng Pháp, viết trên một mặt giấy. Có hai loại giấy đều đã phai màu theo thời gian: một loại trắng, một loại nữa màu xanh dương nhạt kẻ ô sáng màu. Kiểu chữ trên mỗi loại giấy không giống nhau – trên giấy trắng chữ nhỏ và sắc nét hơn. Kiểu chữ viết trên giấy xanh bằng mực đen cũng xuất hiện trên giấy trắng nhưng chỉ ở phần chú giải. Tất cả mười lăm tờ, trong đó mười một tờ màu xanh.

“Đáng chú ý đấy.” Tôi ngẩng nhìn Corso, gã cũng đang nhìn tôi, ánh mắt lặng lẽ di chuyển từ tệp giấy sang tôi, rồi ngược lại. “Ông tìm được nó ở đâu?”

Gã gãi lông mày, hẳn đang tính xem có nên cung cấp những chi tiết như vậy để đổi lấy những thông tin gã cần hay không. Kết quả là một vẻ mặt thứ ba xuất hiện, lần này là một con thỏ thơ ngây. Quả là chuyên nghiệp.

“Quanh đây. Qua khách hàng của một khách hàng.”

“Hiểu rồi.”

Gã ngừng một chút, vẻ thận trọng. Thận trọng là dấu hiệu của sự cẩn thận và dè dặt, nhưng cũng là dấu hiệu của sự khôn ngoan. Cả hai chúng tôi đều biết điều đó.

“Dĩ nhiên,” gã thêm. “Tôi sẽ cho ông những cái tên nếu ông cần.”

Tôi trả lời rằng chuyện đó cũng không cần thiết, điều này có vẻ khiến gã an tâm hơn. Gã sửa lại cặp kính trước khi hỏi ý kiến của tôi về bản thảo. Không trả lời ngay, tôi liếc lại trang đầu tiên. Tựa đề được viết hoa nét đậm: LE VIN D’ANJOU.

Tôi đọc to mấy dòng đầu tiên: “Après de nouvelles Presque désespérées du roi, le bruit de sa convalescence commencait à se répandre dans le camp… Sau những tin tức hầu như tuyệt vọng về nhà vua, lời đồn về sự hồi phục của ngài bắt đầu lan truyền trong doanh trại…” Tôi không ngăn được nụ cười.

Corso tỏ vẻ tán thành, yêu cầu tôi cho ý kiến.

“Không nghi ngờ gì,” tôi đáp, “đây là Rượu vang Anjou, chương thứ bốn mươi mấy gì đó trong Ba người lính ngự lâm của Alexandre Dumas bố. Hình như thế.”

“Bốn mươi hai,” Corso khẳng định. “Chương bốn mươi hai.”

“Đây là thứ thiệt chứ? Bản thảo gốc của Dumas à?”

“Đó là lý do tôi có mặt ở đây. Tôi muốn ông cho tôi biết.”

Tôi khẽ nhún vai tỏ vẻ không hào hứng gì.

“Sao lại là tôi?”

Đó là một câu hỏi vu vơ chỉ có tác dụng hoãn binh, dường như không được nhũn nhặn lắm, bởi gã có vẻ mất kiên nhẫn.

“Ông là chuyên gia,” gã đáp lại khô khốc. “Với tư cách nhà phê bình văn học có ảnh hưởng nhất xứ Tây Ban Nha, ông biết mọi thứ cần biết về các cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế kỷ mười chín.”

“Ông quên mất Stendhal.”

“Không hề. Tôi đọc cuốn Tu viện thành Parme do ông dịch rồi.”

“Thật ư. Rất vinh hạnh.”

“Đừng như thế. Tôi thích bản dịch của Consuelo Berges hơn.”

Chúng tôi cùng cười. Tôi tiếp tục thấy gã dễ thương, và bắt đầu hình dung được con người gã.

“Ông có biết cuốn sách nào của tôi không?” tôi hỏi.

“Vài cuốn. Lupin, Raffles, Rocambole, Holmes chẳng hạn. Những nghiên cứu của ông về Vanlle-Inclan, Baroja và Galdos, cũng như cuốn Dumas: Cái bóng người khổng lồ. Cả bài tiểu luận của ông về Bá tước Monte Cristo.”

“Ông đã đọc tất cả những thứ đó ư?”

“Không. Tôi làm về sách không có nghĩa là tôi phải đọc chúng.”

Gã nói dối. Hoặc ít nhất là đang cường điệu. Người này thật chu đáo: trước khi tới gặp tôi, gã đã coi hết mọi thứ có thể có trong tay về tôi. Gã thuộc loại độc giả ép mình đọc ngấu nghiến bất kỳ ấn phẩm nào từ lúc còn trẻ trung và ngây thơ – mặc dù tuổi trẻ của Corso rất khó đi cùng với từ “ngây thơ”.

“Tôi hiểu,” tôi trả lời, cũng chỉ để cho có.

Gã thoáng cau mày, phân vân không biết có phải mình quên mất điều gì đó không. Rồi gã bỏ kính ra, hà hơi lên mắt kính và bắt đầu lau sạch bằng cái khăn tay nhàu nát moi từ cái túi áo choàng không đáy. Cái áo choàng ngoại cỡ khiến gã nom có vẻ gầy yếu, song, với vẻ điềm đạm cùng bộ răng của loài gặm nhấm, kỳ thực Corso rắn chắc như một khối bê tông. Khuôn mặt sắc nét và rõ ràng, đầy góc cạnh, cặp mắt lanh lợi luôn luôn tỏ vẻ ngây thơ thường trực, ngây thơ song nguy hiểm cho bất cứ người nào lọt vào tầm ngắm. Đôi khi, đặc biệt là lúc yên lặng, gã có vẻ chậm chạp và vụng về hơn thực tế. Trông gã yếu ớt và không đủ sức tự vệ: bồi bàn cho gã thêm đồ uống, đàn ông cho thuốc lá, còn đàn bà lập tức chấp nhận gã. Đến khi chuyện xảy ra rồi thì đã quá muộn, gã cao chạy xa bay sau khi ghi thêm một bàn thắng.

Corso giơ kính trỏ tập bản thảo, “Trở lại với Dumas. Chắc hẳn một người từng viết năm trăm trang về ông ta thì phải cảm thấy gì đó quen thuộc khi đối mặt với bản thảo gốc của ông ta chứ.”

Sùng kính như vị linh mục nâng chiếc áo tế thiêng liêng, tôi đặt bàn tay lên những trang giấy trong túi nhựa bảo vệ.

“Tôi e là sẽ khiến ông thất vọng, nhưng tôi không cảm thấy gì cả.”

Cả hai đều cười, Corso có cái cười kỳ dị, gần như đang thì thầm, giống như ai đó không chắc chắn có phải mình và người đối thoại đang cười cùng một chuyện hay không. Một nụ cười vẹo vọ, xa xăm ẩn ước vẻ xấc xược, kiểu cười để lại tàn dư trong không khí sau khi chấm dứt. Ngay cả khi chủ nhân của nó đã bỏ đi.

“Ta hãy đi lần lượt từng bước,” tôi tiếp tục. “Bản thảo này thuộc về ông?”

“Tôi đã nói không phải. Một khách hàng của tôi kiếm được, anh ta lấy làm lạ là cho đến giờ không ai biết gì về bản thảo gốc hoàn chỉnh chương này của bộ Ba người lính ngự lâm… Anh ta muốn nó được một chuyên gia xác nhận, đó chính là việc tôi đang làm.”

“Thật lạ là ông lại có thời gian làm việc lặt vặt như thế.” Đó là sự thực. Tôi đã nghe nói về Corso trước cuộc gặp này. “Ý tôi là, dù sao bây giờ Dumas…”

Tôi bỏ lửng câu nói và cười với vẻ chua xót của người cùng cảnh ngộ. Nhưng Corso không hề bị lôi cuốn và vẫn đề phòng. “Một người bạn của khách hàng chỗ tôi,” gã thẳng thừng. “Đó là do sở thích cá nhân.”

“Tôi biết, nhưng không chắc tôi giúp gì được cho ông. Tôi đã xem qua một số bản thảo gốc, và đây có thể là đồ thực. Nhưng chứng thực nó lại là vấn đề khác. Để làm việc đó ông cần một nhà giám định chữ viết giỏi… Tôi biết một người như thế ở Paris tên là Achille Replinger. Anh ta có một cửa hàng chuyên về bản thảo chép tay và tư liệu lịch sử ở gần Saint Germain des Prés. Đó là một chuyên gia về các nhà văn Pháp thế kỷ mười chín, một người thú vị và là bạn tốt của tôi.” Tôi trỏ một cái khung treo trên tường. “Anh ta đã bán cho tôi bức thư kia của Balzac nhiều năm trước với giá cắt cổ.”

Tôi lấy cuốn sổ, chép lại địa chỉ bên một tấm các đưa cho Corso. Gã nhét nó vào cái ví da nhàu nát chứa giấy tờ đủ loại. Sau đó moi từ túi áo khoác ra tập giấy ghi chép và một cây bút chì với cục tẩy bị gặm nham nhở ở đuôi, y như cây bút của một thằng nhóc học trò.

“Có thể hỏi ông mấy câu không?” gã hỏi.

“Tất nhiên.”

“Ông biết có bản chép tay một chương hoàn chỉnh nào của Ba người lính ngự lâm không?”

Tôi lắc đầu rồi đậy nắp cây bút Mont Blanc lại.

“Không. Bộ truyện này ra theo kỳ trên tờ Le Siècle trong khoảng từ tháng Ba đến tháng Bảy năm 1844… Sau khi thợ sắp chữ làm xong, bản gốc liền bị vứt bỏ. Tuy nhiên cũng còn vài đoạn sót lại. Ông có thể tìm thấy chúng trong phần phụ lục cuốn sách xuất bản năm 1968 của nhà Garnier.”

“Bốn tháng không phải là quá lâu.” Corso gặm chuôi bút chì với vẻ suy tư. “Dumas viết nhanh thật.”

“Thời ấy họ thế hết, Stendhal viết Tu viện thành Parme chỉ trong bảy tuần lễ. Và trong mọi trường hợp Dumas đều có người cộng tác. Một người tên là Auguste Maquet làm cho ông trong Ba người lính ngự lâm. Hai người làm việc với nhau trong cuốn tiếp theo, Hai mươi năm sau, rồi kết thúc loạt truyện với cuốn Tử tước Bragelonne. Họ còn tiếp tục hợp tác trong Bá tước Monte Cristo và một vài cuốn khác. Tôi nghĩ là ông biết chuyện đó.”

“Tất nhiên. Mọi người đều biết.”

“Chắc ông muốn nói những ngày trước.” Tôi thận trọng đọc lướt qua bản thảo. “Đã qua rồi cái thời mà tên tuổi Dumas khiến số bản in tăng vọt và làm giàu cho các nhà xuất bản. Hầu hết các tiểu thuyết của ông ra theo kỳ và kết thúc với hai chữ ‘Còn tiếp…’ Độc giả ruột nóng như lửa đốt đến tận kỳ tiếp. Nhưng hẳn nhiên ông biết cả.”

“Đừng bận lòng. Tiếp đi.”

“Còn gì để nói tiếp đây? Trong những truyện nhiều kỳ cổ điển, công thức thành công thật giản dị: Người hùng nam hay nữ có những phẩm chất hay tính cách khiến cho độc giả đồng cảm với họ. Nếu chuyện đó bây giờ chỉ còn trong các phim truyền hình nhiều tập, hãy hình dung tác động của nó đối với tầng lớp trung lưu luôn khát khao các trò kích động và giải khuây, chẳng cần phân biệt thị hiếu này thị hiếu kia, chẳng cần biết hay hay dở, ở cái thời không có ti vi hay radio… Dumas là một thiên tài, ông ấy hiểu điều này. Giống như nhà giả kim thuật trong phòng thí nghiệm, ông thêm vào một chút thứ này, một chút thứ nọ, và bằng tài năng của mình tạo ra một thứ ma túy hấp dẫn vô số con nghiện.” Tôi vỗ ngực, không khỏi có chút hãnh diện. “Thậm chí càng ngày càng nhiều.”

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN