Câu lạc bộ Dumas - Chương 10 - Phần 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
105


Câu lạc bộ Dumas


Chương 10 - Phần 2



Cô vừa nói vừa khẽ chuyển mình đôi chút, chỉ vài phân, nhưng cử động ấy khiến cái bóng cô tiến gần Corso, như thể theo ý chí của chính nó.

“Cô biết chút gì về hắn không?” gã hỏi.

“Nhiều hơn là em muốn.”

Cái bóng cô lúc này hầu như chạm vào gã. Theo bản năng gã lùi lại, để lộ một khoảng sáng giữa họ ở trên giường.

“Hãy hình dung hắn,” cô nói vẫn với giọng mơ màng. “Người đẹp nhất trong những thiên thần đọa lạc một mình bày mưu tính kế trong cung điện trống rỗng… Bám víu vô vọng vào những lề thói mà hắn khinh thường nhưng ít nhất cũng cho phép hắn che giấu nỗi sầu. Che giấu thất bại của hắn.” Cô khẽ cười, buồn bã, như từ một nơi xa xăm. “Hắn để mất thiên đường.”

Bây giờ hai cái bóng đã tới với nhau và gần như trồi lên giữa những mảnh vụn của cuốn sách cứu được từ Quinta da Soledade. Cô gái và Corso, trên giường, với chín cánh cửa dẫn tới vương quốc của những bóng tối khác, hoặc có thể vẫn là bóng tối đó. Những tờ giấy cháy sém, những đầu mối không hoàn chỉnh, một bí ẩn nằm dưới mấy tầng màn chắn, của người thợ in, của thời gian, và ngọn lửa. Enrique Taillefer ở tận cuối một sợi dây lụa đu đưa đôi chân trong khoảng không. Victor Fargas úp mặt bập bềnh dưới mặt nước ao âm u. Aristide Torchia cháy bùng bùng ở quảng trường Hoa, kêu tên cha, không trông lên thiên đường mà nhìn xuống đất dưới chân mình. Ông già Dumas ngồi viết trên đỉnh cao thế giới. Trong khi đó thì ở chính Paris này, rất gần với chỗ Corso đang có mặt, một cái bóng khác, bóng của vị hồng y giáo chủ với thư viện tàng trữ rất nhiều sách về quỷ dữ, đang nắm giữ những manh mối của toàn bộ âm mưu.

Cô gái, hay đường nét ngược sáng của cô tiến lại gần Corso. Chỉ một bước thôi, nhưng đủ để bóng gã biến mất bên dưới bóng cô.

“Cái đó tệ hơn cho những người theo hắn.” Corso phải mất một lúc mới hiểu cô định nói đến người nào. “Những người hắn lôi theo mình: chiến binh, người đưa tin, những đầy tớ do nghề nghiệp và do thiên bẩm. Một vài lính đánh thuê, giống như ông… Nhiều người thậm chí còn không nhận ra rằng họ đang lựa chọn giữa khuất phục và tự do, giữa thượng đế và nhân loại. Do thói quen, với lòng trung thành mê muội của những chiến binh kiên tín, họ theo người cầm đầu nổi dậy và bị đánh bại.”

“Giống như đội quân lê dương mười ngàn người của Xenophon,” Corso đùa bỡn.

Cô im lặng một lát, ngạc nhiên vì độ chính xác của gã.

“Có lẽ,” cuối cùng cô nói. “Cô độc bên ngoài thế giới, họ vẫn hy vọng ngày nào đó lãnh tụ sẽ đưa họ về nhà.”

Corso cúi xuống tìm một điếu thuốc lá, và cái bóng gã lại hiện ra. Rồi gã bật ngọn đèn trên cái bàn đầu giường, đường nét tối sẫm của cô gái liền biến mất khi ánh sáng chiếu lên mặt cô. Đôi mắt sáng rực nhìn gã đăm đăm. Trông cô lại trẻ trung.

“Hết sức cảm động,” gã nói. “Tất cả những chiến binh già ấy đều đi tìm biển.”

Cô chớp mắt, như thể bây giờ, với khuôn mặt được chiếu sáng, cô không hiểu gã định nói gì. Không còn cái bóng trên giường nữa. Những mẩu sách chỉ là những mảnh giấy vụn cháy thành than. Gã chỉ việc mở cửa sổ, một cơn gió mạnh sẽ thổi chúng bay tung khắp phòng.

Cô mỉm cười. Irene Adler, 223B phố Baker. Quán cà phê ở Madrid, chuyến tàu, buổi sáng ở Sintra… Trận đánh thất bại, những người lính lê dương thua trận rút lui: cô quá trẻ làm sao nhớ được những chuyện như thế. Cô cười như một cô bé vừa láu lỉnh vừa ngây thơ, với những dấu vết mỏi mệt bên khóe mắt. Cô ngái ngủ và ấm áp.

Corso ngáp. Một phần của gã chồm lên cô, lột cái áo pull để lộ làn da rám nắng, cởi bỏ cái quần jean và dằn cô xuống giường, giữa những mẩu vụn còn lại của cuốn sách có thể triệu hồi sức mạnh của bóng tối. Rồi chìm đắm vào da thịt nóng hổi của cô, để tính sổ với thượng đế và Lucifer, với dòng thời gian trôi đi không khoan nhượng, với những oan hồn của chính gã, với cuộc đời và cái chết. Nhưng phần còn lại của gã chỉ đốt điếu thuốc rồi lặng lẽ nhả khói. Cô nhìn gã chăm chú hồi lâu như chờ đợi một cái gì, cử chỉ, một lời nói. Rồi cô chúc gã ngủ ngon và đi ra cửa. Nhưng tới cửa cô quay lại chậm rãi giơ tay lên, lòng bàn tay hướng vào trong, ngón trỏ và ngón giữa giao nhau chĩa lên trên. Nụ cười vừa dịu dàng vừa bí ẩn, vừa vụng dại vừa hiểu biết. Giống như một thiên thần lạc loài lưu luyến trỏ về phía thiên đường.

***

Nam tước phu nhân Frieda Ungern khi cười có hai lúm đồng tiền nhỏ bé ngọt ngào. Tựa như bà ta đã cười không ngừng suốt bảy mươi năm qua, và điều đó để lại một vẻ bao dung bất biến quanh mắt và miệng bà. Corso, một độc giả sớm khôn, đã biết từ hồi nhỏ rằng có nhiều loại phù thủy khác nhau: những mụ mẹ kế độc ác, thậm chí cả những mụ phù thủy già kinh tởm có mụn cóc trên mũi. Nhưng bất kể những điều nghe được về nam tước phu nhân bảy mươi tuổi, gã vẫn không hiểu bà ta thuộc loại nào. Bà có thể là một trong những quý bà lớn tuổi sống trong mơ, bên ngoài thực tế, không bao giờ tiếp xúc với những điều khó chịu, nhưng đôi mắt thâm trầm, thông minh, nhanh nhạy, đầy hoài nghi lại phủ nhận ấn tượng đầu tiên ấy. Cả cái tay áo len đan trống rỗng phía bên phải với cánh tay cụt trên khuỷu cũng vậy. Ngoài ra thì bà ta thấp lùn đẫy đà như một giáo viên tiếng Pháp trong trường nội trú nữ. Tức là vào cái thời quý cô học nội trú còn tồn tại. Corso phỏng chừng như vậy khi nhìn mớ tóc xám túm lại thành búi sau gáy, đôi giày tồi tàn giống kiểu nam giới với đôi tất ngắn màu trắng.

“Rất vui được gặp, ông Corso.”

Bà ta chìa bàn tay duy nhất – yếu ớt và nhỏ bé như mọi bộ phận khác trên người – với vẻ mạnh mẽ khác thường và để lộ những lúm đồng tiền. Giọng nói nhẹ nhàng, Đức nhiều hơn là Pháp. Một Von Ungern đích thực, Corso nhớ đã đọc đâu đó, từng khét tiếng ở vùng Mãn Châu hay Mông Cổ trong những năm đầu thập kỷ hai mười. Là một viên quan tư lệnh, y đã tập hợp đám tàn quân Bạch vệ, Cô dắc, lính Tàu, bọn đào ngũ và kẻ cướp, để thành lập một mặt trận cuối cùng chống lại Hồng quân. Với những đoàn tàu bọc thép, họ cướp của, giết người, kết thúc bằng một đội xử bắn vào lúc bình mình. Có thể là một người bà con của bà ta.

“Ông ấy là em người ông của chồng tôi. Gia đình ông ấy có gốc Nga di cư sang Pháp với khá nhiều của cải trước khi cách mạng xảy ra.” Chẳng có chút luyến tiếc quá khứ hay tự hào gì trong giọng nói của bà. Tất cả đều là chuyện quá khứ, chuyện của người khác, gia đình khác, có vẻ bà ta muốn nói vậy. Những người xa lạ đã biến mất từ khi chưa có bà. “Tôi sinh ra ở Đức. Gia đình tôi mất hết dưới thời quốc xã… Tôi lấy chồng ở Pháp sau chiến tranh.” Bà thận trọng gỡ một chiếc lá khô trên cái cây bên cửa sổ rồi khẽ cười. “Tôi không thể nào chịu đựng được những ám ảnh quá khứ bên nhà chồng: nỗi nhớ thương thành Saint Petersburg, sinh nhật Sa Hoàng. Cứ như lúc nào cũng chuẩn bị đưa người chết đi chôn.”

Corso nhìn những cuốn sách xếp đầy trên bàn, lèn chặt trên giá. Gã ước tính chỉ trong phòng này đã có đến hàng ngàn cuốn. Hình như những cuốn hiếm nhất và quý nhất cũng ở đây, từ những ấn phẩm hiện đại đến những tập sách cổ bìa da.

“Thế còn tất cả những thứ này thì sao?”

“Đó là chuyện khác. Chúng là tài liệu nghiên cứu, không phải để thờ cúng. Tôi dùng chúng để làm việc.”

Thời buổi chó má, Corso tự nhủ, khi mà những mụ phù thủy hay bất cứ loại người gì nói về nhà chồng họ và đổi vạc dầu lấy thư viện, lấy những tủ tài liệu và một vị trí trong danh mục bestseller.

Qua ô cửa mở gã nhìn thấy sách trong những căn phòng khác và trên hành lang… Sách và cây. Những chậu cây khắp nơi: trên bậu cửa sổ, trên sàn, trên những giá gỗ. Đây là một căn hộ lớn đắt tiền nhìn ra sông và, ở một thời điểm khác, ra giàn hỏa thiêu của tòa án dị giáo. Có những cái bàn đọc sách với những người trẻ tuổi trông giống sinh viên, và những bức tường phủ đầy sách. Những cuốn sách cổ kính mạ vàng ánh lên rực rỡ trong đám cây cối. Quỹ Ungern sở hữu bộ sưu tập lớn nhất châu Âu về thể loại sách huyền bí. Corso liếc nhìn mấy đầu sách gần gã nhất. Daemonolatria Libri của Nicholas Remy. Compendium Maleficarum của Francesco Maria Guazzo. De Daemonialitate et Incubus et Sucubus của Ludovico Sinistrari. Cùng với việc sở hữu một trong những danh mục sách quý nhất về bộ môn nghiên cứu ma quỷ và một quỹ mang tên người chồng nam tước quá cố, nam tước phu nhân Ungern nổi danh là một nhà văn viết sách về ma thuật và phép phù thủy. Cuốn sách mới đây nhất của bà, Isis, trinh nữ khỏa thân có mặt trong danh mục sách bán chạy nhất trong vòng ba năm. Việc Vatican công khai kết tội tác phẩm gây nên mối lo ngại đặt một vị thần dị giáo ngang hàng với Đức Mẹ, đã khiến cho doanh số bán tăng vọt. Cuốn sách được tái bản tám lần ở Pháp, mười hai lần ở Tây Ban Nha và mười bảy lần ở nước Ý Thiên Chúa giáo.

“Hiện giờ bà đang viết gì?”

“Một cuốn có tựa đề Ma quỷ, lịch sử và truyền thuyết. Một cuốn tiểu sử thuộc loại bất kính. Sẽ xong vào đầu năm tới.”

Corso dừng lại ở một hàng sách. Gã chú ý tới cuốn Disquisitionum Magicarum của Martin del Rio, ba tập do nhà Lovaina xuất bản lần đầu 1599-1600: một cuốn sách ma thuật thần bí cổ điển.

“Bà kiếm được cuốn này ở đâu?”

Frieda Ungern hẳn phải cân nhắc xem nên cung cấp bao nhiêu thông tin, vì một lát sau bà ta mới trả lời.

“Trong lần đấu giá năm 89 ở Madrid. Tôi đã rất khó khăn mới ngăn được không cho Varo Borja đồng hương của ông giành được nó.” Bà thở dài như thể vẫn chưa hồi phục lại sau một nỗ lực như thế. “Và tiền bạc nữa. Tôi sẽ không thể thu xếp được nếu không có sự giúp đỡ của Paco Montegrifo. Ông biết ông ấy không? Một con người thú vị.”

Corso nở nụ cười méo mó. Gã không chỉ biết Montegrifo, người phụ trách chi nhánh Tây Ban Nha của sàn đấu giá Claymore, mà còn từng cộng tác với hắn trong vài vụ giao dịch không chính thức với lợi nhuận cao. Ví dụ như vụ bán cuốn Cormography của Ptolemy, một bản thảo chép tay gô tích từ năm 1456 đã biến mất một cách bí hiểm khỏi đại học Salamanca không lâu trước đó, cho một nhà sưu tầm Thụy Sĩ. Montegrifo nhận là chủ nhân cuốn sách và dùng Corso làm người trung gian. Toàn bộ vụ việc được tiến hành khôn khéo và sạch sẽ, bao gồm cả chuyến đi tới xưởng của anh em Ceniza để gỡ bỏ cái tem bảo hiểm. Corso tự mình đưa cuốn sách tới Lausanne. Tất cả những việc này được tính vào khoản hoa hồng ba mươi phần trăm cho gã.

“Có, tôi biết ông ta.” Gã vuốt ve gáy mấy cuốn Disquisitionum Magicarum và tự hỏi không biết Montegrifo kiếm được gì trong vụ giúp nam tước phu nhân đấu giá gian lận. “Còn về Martin del Rio, trước đây tôi chỉ một lần được xem một bản in, trong bộ sưu tập của các giáo sĩ dòng Tên ở Bilbao… Đóng bìa bằng một tấm da đơn. Nhưng cùng một lần xuất bản.”

Vừa nói gã vừa đưa tay vuốt dọc hàng sách, sờ vào vài cuốn. Có rất nhiều cuốn hay bọc da bê, da cá mập, giấy da cừu. Rất nhiều cuốn đã cũ và có vẻ đã sử dụng nhiều. Hầu như tất cả đều có dấu, những mảnh bìa trắng phủ kín chữ viết tay nhỏ và nhọn bằng bút chì. Tài liệu nghiên cứu. Gã dừng lại trước một cuốn sách trông quen mắt: màu đen, không nhan đề, năm dải băng nổi trên gáy. Cuốn số ba.

“Bà có cuốn này bao lâu rồi?”

Lúc này Corso là một người thần kinh vững. Đặc biệt là ở phân đoạn này của vở kịch. Nhưng gã đã phí cả đêm chọn lọc trong đám tro tàn của cuốn thứ hai và không thể ngăn cản bà nam tước lưu ý đến một số điểm là lạ trong âm sắc của giọng gã. Gã nhận thấy cái nhìn nghi ngờ của bà ta bất kể hai lúm đồng tiền thân thiện trên khuôn mặt già song vẫn trẻ trung.

“Chín cánh cửa ư? Tôi không nhớ lắm. Lâu rồi.” Cánh tay duy nhất của bà vươn ra nhanh nhẹn và khéo léo cầm cuốn sách trên giá không chút khó khăn, rồi tựa gáy sách lên lòng bàn tay, mở ra trang đầu có dán một số nhãn sách trong đó có mấy cái rất cũ. Nhãn cuối cùng có những đường lượn trang trí với cái tên Von Ungern và ngày tháng ghi bằng mực. Thấy nó, bà gật đầu thương cảm. “Một món quà của chồng tôi. Tôi lấy chồng rất sớm. Ông ấy gấp đôi tuổi tôi. Ông ấy mua cuốn sách năm 1949.”

Đó là vấn đề với những mụ phù thủy thời hiện đại, Corso nghĩ: họ không có bất cứ bí mật gì. Mọi thứ đều ở ngoài sáng, bạn có thể đọc mọi thứ về họ trên Who’s Who hoặc trên những tờ lá cải. Nam tước phu nhân hay không cũng thế cả, tất cả rồi cùng thành ra thô lậu, nhạt phèo, thẳng tuột. Torquemada[1] chán chết đi được vì những thứ đó.

[1] Có lẽ nói tới Antonio de Torquemada (1957-1569), nhà văn Tây Ban Nha, song cũng có thể nói tới một số nhân vật lịch sử khác cùng họ Torquemada.

“Chồng bà có chia sẻ hứng thú với bà về những thứ này không?”

“Không một chút nào. Ông ấy không bao giờ đọc nổi một cuốn sách. Ông ấy chỉ làm sao cho mọi mơ ước của tôi đều biến thành sự thật, giống như thần đèn ấy.” Cánh tay cụt của bà ta thoáng run lên. “Một cuốn sách quý hay một cái vòng cổ bằng ngọc tuyệt hảo chẳng có gì khác nhau đối với ông ấy.” Bà ta ngừng lại và khẽ cười buồn. “Nhưng ông ấy là người vui tính, rất có khả năng quyến rũ vợ bạn bè. Và cocktail sâm banh ông ấy pha thì thật tuyệt.”

Bà im lặng một lúc nhìn quanh, như thể ông chồng còn để lại một ly đâu đó.

“Tự tôi sưu tập tất cả chỗ này,” bà nói thêm, khua tay về phía thư viện. “Từng cuốn một, cả ngần ấy cuốn. Thậm chí cả Chín cánh cửa cũng do tôi chọn, sau khi phát hiện nó trong catalô của một người phá sản từng ủng hộ Pétain. Chồng tôi chỉ việc ký séc.”

“Vì sao bà hứng thú đến thế đối với con quỷ?”

“Tôi từng gặp hắn ta. Lúc ấy tôi mới mười lăm, tôi thấy hắn ta rõ như đang nhìn ông bây giờ. Hắn đội mũ, áo cổ cứng và cầm gậy ba toong. Cực kỳ đẹp trai. Trông giống như John Barrymore vào vai nam tước Gaigem trong Khách sạn lớn. Vậy là, như con ngốc, tôi yêu.” Bà ta lại trở nên trầm ngâm, bàn tay duy nhất thọc vào trong túi áo len, như đang hoài niệm những chuyện xa xưa. “Tôi nghĩ đó là lý do vì sao tôi không bao giờ thực sự cảm thấy khó chịu về tính lăng nhăng của chồng tôi.”

Corso nhìn quanh, như thể có ai đó khác trong phòng, rồi nói với giọng ra chiều bí mật.

“Nếu là ba thế kỷ trước bà đã bị thiêu sống vì kể ra chuyện này.”

Bà ta bật ra một tiếng cười vui vẻ từ trong cổ họng, cố ghìm mình không cười thành tiếng, và gần như vươn mình đứng trên đầu ngón chân để thì thầm cũng với giọng như vậy. “Ba thế kỷ trước, tôi sẽ không nói chuyện đó với bất kỳ ai. Nhưng tôi biết nhiều người sẽ sung sướng nếu đưa được tôi lên giàn lửa.” Bà lại cười, để lộ ra những lúm đồng tiền. Bà ta lúc nào cũng cười, Corso nghĩ. Nhưng đôi mắt sáng thông minh vẫn nhìn gã dò xét và cảnh giác. “Ngay cả bây giờ, trong thời nay và ở tuổi này.”

Bà ta đưa Chín cánh cửa cho gã rồi quan sát gã từ từ lật từng trang sách, mặc dù gã gần như không thể kiềm chế nỗi kích động muốn tìm xem có gì khác nhau ở chín bức tranh khắc gỗ. Gã thở phào nhẹ nhõm khi chúng còn nguyên vẹn. Thực tế là Thư mục tổng hợp của Mateu đã sai: không cuốn nào trong ba cuốn sách thiếu bức tranh cuối cùng. Cuốn thứ ba kém hơn cuốn của Varo Borja và cuốn của Victor Fargas trước khi bị ném vào lửa. Nửa bên dưới của nó từng bị ngấm nước và hầu hết các trang bị ố… Bìa cũng cần làm sạch lại cẩn thận, nhưng cả cuốn nhìn bề ngoài vẫn đầy đủ.

“Ông muốn uống chút gì không?” bà nam tước hỏi. “Tôi có chè và cà phê.”

Không phải là thuốc độc và cỏ lạ, Corso thất vọng tự nhủ. Thậm chí không có cả nước thuốc sắc.

“Cà phê.”

Đó là một ngày nắng đẹp, bầu trời xanh thẳm trên những ngọn tháp nhà thờ Đức Bà gần đó. Corso bước lại bên cửa sổ, kéo rèm ra để xem cuốn sách rõ hơn. Ở hai tầng bên dưới, giữa những cây cối trơ trụi bên bờ sông Seine, cô gái ngồi đọc sách trên một ghế đá, mình khoác áo len thô. Gã biết đó là Ba người lính ngự lâm, gã đã thấy nó trên bàn khi hai người ăn sáng cùng nhau. Sau đó gã đi dọc theo phố Rivoli và biết rằng cô theo sau, cách mười lăm hai mươi bước. Gã làm như không biết, còn cô vẫn giữ khoảng cách ấy. Giờ thì gã thấy cô ngẩng lên. Hẳn cô nhìn rõ gã từ dưới đó, nhưng cô chẳng tỏ vẻ gì là nhận thấy gã. Lặng lẽ và không biểu lộ gì hết, cô nhìn gã rời khỏi cửa sổ. Khi gã lại nhìn ra ngoài cô đã cúi xuống cuốn sách rồi.

Có một thư ký, một phụ nữ trung niên, bưng những chiếc cốc dày di chuyển giữa những bàn và sách, nhưng Frieda Ungern tự mình lấy cà phê, mang theo hai cốc và một chiếc khay bạc, bà ta đi lại vẫn dễ dàng. Một cái liếc mắt của bà nói rằng không cần gã giúp, rồi họ ngồi xuống bên bàn, khay đặt giữa những cuốn sách, chậu cây, những giấy tờ và sổ ghi chép.

“Điều gì gợi ý cho bà thành lập quỹ này?”

“Là vì chuyện thuế. Hơn nữa, hay có người này người nọ tới đây, tôi có thể tìm được người cộng tác…” Bà cười buồn bã. “Tôi là người cuối cùng trong đám phù thủy, và tôi thấy cô đơn.”

“Bà không giống phù thủy chút nào.” Corso để lộ bộ mặt thích hợp, một con thỏ ngây thơ thân thiện. “Tôi đã đọc Isis của bà.”

Cầm tách cà phê trong tay, bà khẽ nhấc mẩu tay cụt lên, đồng thời nghiêng đầu như muốn vén lại mái tóc. Đó là một cử chỉ quyến rũ vô thức, xưa như trái đất song cũng không biết đến tuổi già, mặc dù nó không hoàn thiện.

“Ông có thích nó không?”

Gã đưa cái tách lên miệng và nhìn sâu vào mắt bà ta. “Rất thích.”

“Không phải mọi người đều thích. Ông biết L’Osservatore Romano nói gì không? Họ lấy làm tiếc vì danh mục sách cấm của giáo hội không còn nữa. Và ông có lý.” Bà ta trỏ Chín cánh cửa mà Corso đặt cạnh bà ở trên bàn. “Nếu là ngày xưa tôi đã bị thiêu sống, giống như kẻ bất hạnh đã viết những tín điều của Satan.”

“Bà có thực sự tin vào ma quỷ không, nam tước phu nhân?”

“Đừng gọi tôi là nam tước phu nhân. Nghe kỳ cục lắm.”

“Bà muốn tôi gọi thế nào?”

“Tôi không biết. Bà Ungern. Hoặc Frieda.”

“Bà tin ma quỷ không, bà Ungern?”

“Đủ để hiến dâng cả cuộc đời, bộ sưu tập, quỹ này, bấy nhiêu năm làm việc và năm trăm trang tác phẩm mới của tôi.” Bà ta nhìn Corso vẻ hào hứng. Gã đã gỡ kính xuống lau. Nụ cười yếu ớt của gã bổ sung nốt hiệu quả. “Còn ông?”

“Mọi người cũng mới hỏi tôi như thế.”

“Tất nhiên. Ông đi khắp nơi hỏi về một cuốn sách cần phải đọc với đủ niềm tin.”

“Niềm tin của tôi khá hạn chế,” Corso đáp, mạo hiểm đầu tư một chút thành thực. Loại thành thực này thường mang lại lợi nhuận. “Kỳ thực tôi làm vì tiền.”

Những lúm đồng tiền lại xuất hiện. Cách đây nửa thế kỳ hẳn bà ta rất đẹp, gã nghĩ. Hai tay nguyên vẹn thả ra bùa mê hay gì đó, mảnh khảnh và ranh mãnh. Hiện giờ bà vẫn giữ được một chút gì của thời đó.

“Thật đáng thương,” Frieda Ungern bình luận. “Những người khác làm việc không mục đích, với niềm tin mù quáng vào nhân vật chính trong truyện. Albertus Magnus, Raymund Lully, Roger Bacon, không người nào bàn cãi về sự tồn tại của quỷ dữ, chỉ bàn về thực tính của hắn thôi.”

Corso sửa lại kính rồi mỉm cười hoài nghi hàm ý gì đó.

“Mọi thứ đã khác đi từ lâu rồi.”

“Ông không cần phải vòng vo thế. Quỷ thực sự tồn tại, không chỉ như một biểu tượng của cái ác mà còn là một thực thể tự nhiên. Ông thấy sao nào? Câu đó là của một vị giáo hoàng, Paul VI, viết năm 1974.”

“Ông ta là dân chuyên nghiệp,” Corso điềm đạm trả lời. “Chắc ông ta có lý lẽ của mình.”

“Thực ra mọi chuyện ông ta làm là để khẳng định một quan điểm giáo điều: sự tồn tại của quỷ được xác lập ở công đồng thứ tư tại Letran. Năm 1215…” Bà ta ngừng lại nhìn gã ngờ vực. “Ông có quan tâm tới các dữ kiện về học thuật không? Tôi mà cố gắng thì cũng có thể chữ nghĩa học thuật đầy mình đấy.” Những lúm đồng tiền lại xuất hiện. “Ngày xưa tôi luôn luôn muốn đứng đầu lớp. Là người thông minh nhất.”

“Tôi tin là vậy. Bà đã đoạt được mọi giải thưởng?”

“Đương nhiên. Và bọn con gái khác đều ghét tôi.”

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN