Câu lạc bộ Dumas - Chương 15 - Phần 1
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
71


Câu lạc bộ Dumas


Chương 15 - Phần 1



XV. CORSO VÀ RICHELIEU

Và tôi, người đã sáng tác một truyện ngắn về hắn, đã hoàn toàn lầm lẫn.

Souvestre và Allain, FANTOMAS.

Đã đến lúc tiết lộ người kể truyện. Trung thành với truyền thống trong đó người đọc tiểu thuyết ly kỳ huyền bí chỉ được sở hữu những thông tin giống như nhân vật chính, tôi chỉ tường thuật những sự kiện từ góc nhìn của Corso, ngoại trừ hai trường hợp: chương một và chương năm của câu chuyện này, khi tôi không có cách nào hơn là phải tự mình xuất hiện. Trong hai lần đó, cũng như lần thứ ba và là lần cuối cùng này, tôi dùng ngôi thứ nhất cho nhất quán. Sẽ là ngớ ngẩn khi dùng đại từ “hắn” để gọi chính tôi, đó là một trò quảng cáo ầm ĩ ắt hẳn mang lại một phần lời lãi cho Julius Ceasar trong chiến dịch Gaul[1], nhưng rồi sẽ bị phán xét, trong trường hợp tôi, như là trò thông thái rởm không tha thứ được, mà thế là phải. Lại còn một lý do nữa lệch lạc và bệnh hoạn hơn: kể lại câu chuyện như thể tôi là bác sĩ Sheppard[2] nói với Poirot, tôi thấy đó là một mẹo nếu như không khéo léo (hiện giờ ai cũng làm chuyện đó) thì cũng là thú vị vui vui. Nói cho cùng thì người ta viết văn cho vui hay vì kích động, hoặc vì tự yêu mình, hoặc để làm cho người khác yêu mình. Tôi viết là do một vài lý do trong các lý do ấy. Theo Eugène Sue, những kẻ ác trọn vẹn (nếu các vị cho phép tôi dùng cách diễn đạt của người này) là một thứ xưa nay hiếm. Đấy là giả sử – và thật quá đáng khi giả sử – rằng tôi là một kẻ ác.

[1] Gaul: tên gọi xưa của vùng Tây Âu gồm Pháp, Luxembourg, Bỉ, Tây Bắc Ý, hầu hết Thụy Sĩ, một phần Hà Lan và Đức hiện nay, từng bị Ceasar chinh phục.

[2] Bác sĩ Sheppard: người kể chuyện và cũng là hung thủ trong Vụ sát hại Roger Ackroyd của Agatha Christie.

Sự thật là tôi, dưới cái tên Boris Balkan, có mặt ở đó trong thư viện để chờ đợi người khách của chúng ta. Corso đột ngột bước vào, tay cầm dao, mắt lóe ánh hận thù. Tôi để ý không thấy gã có người hộ tống, điều này khiến tôi hơi lo lắng, mặc dù ngoài mặt vẫn bình thản. Mặt khác tôi đã bố trí sân khấu hoàn hảo: thư viện chìm trong bóng tối, giá nến tỏa sáng trên bàn trước mặt, trong tay tôi là cuốn Ba người lính ngự lâm… Thậm chí tôi mặc một chiếc áo jacket nhung đỏ – hẳn điều này có vẻ hoàn toàn trùng hợp đối với Corso, nhưng trên thực tế chẳng trùng hợp gì ở đây cả – rõ ràng gợi nhớ tới cái áo choàng đỏ tía của hồng y giáo chủ.

Lợi thế rõ rệt của tôi là tôi đang chờ gã, có hay không có người hộ tống, còn gã thì không ngờ sẽ gặp tôi. Tôi là bất ngờ lớn nhất đối với gã. Con dao trong tay cùng ánh mắt đe dọa của gã khiến tôi không an tâm, vì vậy tôi quyết định nói ngay để ngăn chặn gã hành động.

“Xin có lời khen,” tôi vừa nói vừa gấp cuốn sách lại như thể việc gã đến ngăn cản tôi đọc. “Ông đã chơi được tới cùng.”

Gã đứng nhìn tôi chằm chằm từ phía bên kia phòng, và phải nói rằng tôi rất buồn cười vì sự ngỡ ngàng của gã.

“Trò chơi?” gã miễn cưỡng hỏi bằng giọng khàn khan.

“Phải, trò chơi. Hồi hộp, bất ngờ, kỹ năng cao siêu… Khả năng hành động độc lập mà vẫn tuân theo luật chơi, như thể tự thân nó là mục đích. Cảm giác căng thẳng và niềm vui thú khác hẳn đời thường…” Đây không phải là lời lẽ của chính tôi, nhưng Corso có thể sẽ không biết. “Ông có nghĩ đó là một định nghĩa đầy đủ không? Trong cuốn sách thứ hai của Samuel có nói: ‘Hãy để những người trẻ tuổi xuất hiện và chơi trước chúng ta’. Trẻ em là người chơi và là độc giả tuyệt vời: chúng làm mọi việc với thái độ cực kỳ nghiêm túc. Về bản chất, trò chơi là hoạt động nghiêm túc phổ biến duy nhất. Không có chỗ cho hoài nghi trong đó, đồng ý không? Mặc dù ông có thể nghi ngờ, nhưng nếu ông muốn chơi, ông không có cách nào khác ngoài tuân theo luật. Chỉ có những người tôn trọng luật, hoặc ít nhất là nắm được và áp dụng chúng, mới có thể chiến thắng. Đọc một cuốn sách cũng vậy: phải chấp nhận cốt truyện và nhân vật thì mới vui với các tình tiết được.” Tôi dừng lại, tin rằng ngần ấy lời lẽ của mình đủ để xoa dịu tình hình. “Nhân tiện xin hỏi, vì ông không thể tự mình tới đây. Hắn đâu?”

“Rochefort ư?” Corso nhăn mặt khó chịu. “Hắn gặp tai nạn.”

“Ông gọi hắn là Rochefort, đúng không? Thật thú vị và thích hợp. Tôi thấy ông đã chơi đúng luật. Không biết tại sao điều đó lại khiến tôi ngạc nhiên.”

Corso đãi tôi một nụ cười khá yếu ớt. “Nhất định là hắn có vẻ ngạc nhiên vào lần cuối cùng tôi trông thấy hắn.”

“Xem chừng đáng ngại đấy.” Tôi cười lạnh, dù thực ra đang lo lắng. “Hy vọng không có gì nghiêm trọng.”

“Hắn ngã cầu thang.”

“Cái gì?”

“Ông nghe thấy rồi đấy. Nhưng đừng lo. Thủ hạ của ông vẫn còn thở khi tôi để hắn lại đó.”

“Ơn chúa.” Tôi gượng cười để che giấu tâm trạng bất an. Chuyện này xảy ra ngoài dự đoán của tôi. “Vậy có nghĩa là ông đã chơi một trò lừa đảo nho nhỏ, đúng không? Hay lắm,” tôi nói, dang tay vẻ hào hiệp, “đừng lo lắng chuyện đó nữa.”

“Tôi không sao. Ông mới là người cần lo.”

Tôi làm bộ không nghe thấy câu đó. “Điều quan trọng là ông đã tới,” tôi tiếp tục, mặc dù vừa rồi chính tôi đã đi lạc đề. “Về lừa đảo, ông có những bậc tiền bối lừng danh. Theseus thoát khỏi mê cung nhờ sợi tơ của Adriane, Jason trộm được bộ long cừu vàng do có Medea giúp… Anh em nhà Kaurava dùng mưu gian để chiến thắng trò chơi xúc xắc trong Mahabharata, và quân Achaean đánh bại thành Troie bằng cách kéo con ngựa gỗ. Lương tâm ông không có gì phải áy náy.”

“Cảm ơn, nhưng lương tâm tôi là chuyện của tôi.”

Gã lấy trong túi ra bức thư gấp tư của Milady quăng lên bàn. Tôi lập tức nhận ra nét chữ của mình, với những chữ viết hoa điệu đà. Do lệnh của ta và lợi ích quốc gia, người cầm giấy này…

“Ít nhất cũng nên hy vọng là trò chơi vui vẻ,” tôi nói, đưa tờ giấy vào ngọn nến.

“Đôi lúc.”

“Tôi rất mừng.” Tôi thả bức thư vào cái gạt tàn và cùng gã xem nó cháy. “Trong văn học, người đọc thông minh thậm chí có thể vui với một mưu mô nhằm biến mình thành nạn nhân. Tôi tin rằng vui vẻ là một lý do tuyệt vời để tham gia trò chơi. Hoặc để đọc hay viết một câu chuyện.”

Tôi đứng lên, cầm cuốn Ba người lính ngự lâm đi quanh phòng, vừa đi vừa kín đáo liếc đồng hồ treo tường. Còn hai mươi phút nữa mới tới mười hai giờ. Những gáy sách cổ mạ vàng lấp lánh thành hàng lối trên giá. Tôi nhìn chúng một lúc như quên cả Corso, rồi quay lại phía gã.

“Chúng đấy.” Tôi khua tay bao quát cả thư viện. “Chúng lặng lẽ nói chuyện với nhau. Chúng liên lạc thông qua tác giả, giống như quả trứng lợi dụng con gà mái để cho ra quả trứng khác.”

Tôi đặt Ba người lính ngự lâm về chỗ cũ trên giá sách. Dumas nằm trong vòng tay các bạn: giữa Los Pardellanes của Zevaco và Kỵ sĩ áo vàng của Lucas de René. Vì còn thời gian trống, tôi mở trang đầu của cuốn Kỵ sĩ ra đọc to:

Khi Saint Germain l’Auxerrois gõ chuông mười hai giờ, ba kỵ sĩ lao xuống phố Rue des Astruces, khoác áo choàng không tay, trông chắc khỏe như dáng đi của những con ngựa mà họ cưỡi.

“Những dòng đầu tiên,” tôi nói. “Luôn là những dòng đầu tiên kỳ lạ ấy. Ông có nhớ cuộc trò chuyện của chúng ta về Scaramouche không? Anh ta sinh ra đã được ban sẵn tiếng cười… Một số câu mở đầu để lại dấu vết suốt đời, đồng ý không? Tôi hát về loài người và vũ khí. Ông đã bao giờ chơi trò này với người ông tin tưởng chưa? Một chàng trai khiêm nhường dấn bước giữa mùa hè, hay một câu khác, Suốt một thời gian dài tôi thường đi ngủ sớm. Và đương nhiên Ngày 15 tháng Năm 1796, tướng Bonaparte tiến vào Milan.”

Corso nhăn mặt.

“Ông quên mất cái câu đã mang tôi đến đây: Ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Tư, thị trấn Meung, nơi sinh của tác giả Câu chuyện Hoa Hồng, vô cùng hỗn loạn.”

“Quả vậy, chương một,” tôi nói. “Ông đã làm rất tốt.”

“Đó là điều Rochefort nói trước khi hắn ngã xuống cầu thang.”

Một hồi im lặng, cho đến khi nó bị phá vỡ bởi tiếng chuông đồng hồ báo còn mười lăm phút nữa đến nửa đêm. Corso trỏ vào mặt đồng hồ, “Mười lăm phút nữa, Balkan.”

“Phải,” tôi nói. Người này trực giác quá nhạy bén. “Mười lăm phút nữa là ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Tư.”

Tôi đặt Kỵ sĩ áo vàng lên giá sách và tiếp tục đi đi lại lại. Corso đứng nhìn tôi, tay cầm dao.

“Ông có thể bỏ nó đi,” tôi mạo hiểm nói.

Gã do dự một thoáng trước khi gấp lưỡi dao lại bỏ vào túi, mắt vẫn nhìn tôi không chớp. Tôi cười tán thưởng và lại chỉ thư viện.

“Bên một cuốn sách người ta không bao giờ cô đơn, đồng ý không?” tôi nói, bắt đầu trở nên ham chuyện. “Mỗi trang sách nhắc tới một ngày đã qua và khiến ta sống lại những cảm xúc tràn đầy ngày hôm ấy. Những giây phút hạnh phúc được gạch chân chì đỏ, những lúc đau khổ bằng chì đen… Ta ở đâu khi đó? Ông hoàng nào coi ta là bạn, người hành khất nào coi ta như anh em?” Tôi do dự, tìm một câu khác để diễn đạt trọn ý.

“Đồ chó đẻ nào coi ông là bạn thân?” Corso gợi ý.

Tôi nhìn gã trách móc. Gã khó ưa này cứ nhất định làm cho người ta ngạt thở. “Đừng khó chịu thế.”

“Tôi sẽ làm chuyện tôi thích. Thưa đức ông.”

“Tôi nhận ra có sự chế nhạo,” tôi nói, cảm thấy bị xúc phạm. “Từ đó tôi suy ra rằng ông đã sẵn thành kiến, ông Corso. Chính Dumas biến Richelieu vốn không ác ra thành ác và xuyên tạc thực tế để thủ lợi văn học. Tôi nghĩ tôi đã giải thích điều đó lần trước ta gặp nhau tại quán cà phê ở Madrid rồi.”

“Thủ đoạn bẩn thỉu,” Corso nói, không rõ gã ám chỉ ai, Dumas hay tôi.

Tôi lập tức giơ một ngón tay lên sẵn sàng biện hộ. “Một thủ đoạn chính đáng,” tôi phản đối, “có được là nhờ cảm thụ sự khôn lỏi và thiên tài của nhà tiểu thuyết vĩ đại nhất từng sống ở trên đời. Và…” Tôi cười cay đắng. “Sainte-Beuve tôn trọng nhưng không thừa nhận ông ấy là nhà văn chân chính. Bạn ông, Victor Hugo khen ngợi ông về khả năng sáng tạo hành động kịch, nhưng chỉ thế thôi. May mắn, dài dòng, họ nói. Chẳng có mấy phong cách. Họ kết tội ông không chịu đào sâu vào những lo âu khắc khoải của con người, thiếu tinh tế… Thiếu tinh tế!” Tôi đưa tay vuốt ve tập Ba người lính ngự lâm xếp trên giá. “Tôi đồng ý với bố già tốt bụng Stevenson của chúng ta – không có bài tụng ca dành cho tình bạn nào dài như thế, nhiều sự kiện và đẹp đến thế. Trong Hai mươi năm sau, khi các nhân vật chính lại xuất hiện, lúc đầu họ nhìn nhau lạnh lùng. Bấy giờ họ đã là những người đàn ông ở độ tuổi chín muồi, ích kỷ, đầy những vụn vặt đời thường. Thậm chí họ thuộc về những cánh đối lập. Aramis và d’Artagnan dối trá và lén lút. Porthos sợ bị hỏi xin tiền… Khi đồng ý gặp nhau ở Cung điện hoàng gia, họ mang theo vũ khí và suýt thì choảng nhau. Và ở nước Anh, khi cả bọn gặp nguy hiểm vì sự khinh suất của Athos, d’Artagnan đã từ chối bắt tay chàng ta. Trong Tử tước Bragelonne, dưới cái mặt nạ sắt bí ẩn, Aramis và Porthos chống lại các chiến hữu cũ. Chuyện này xảy ra vì họ vẫn đang sống, vì họ là con người, đầy những mâu thuẫn. Nhưng vào thời khắc quyết định, tình bạn luôn chiến thắng. Tình bạn quả là vĩ đại! Ông có bạn không, Corso?”

“Câu hỏi hay đấy.”

“Với tôi, Porthos trong hang động ở Locmaria luôn luôn là hiện thân của tình bạn: gã khổng lồ chiến đấu dưới tảng đá để bảo vệ các bạn… Ông có nhớ cuối cùng hắn nói gì không?”

“Nặng quá?”

“Chính xác!”

Thú thực là lúc này tôi cảm thấy gần như xúc động. Giống như một người trẻ tuổi ở trong đám khói thuốc bay ra từ cái tẩu do thuyền trưởng Marlow[3] mô tả, Corso là người trong đám bọn tôi. Nhưng gã cũng là kẻ cay nghiệt ương bướng, dứt khoát không chịu có cảm xúc.

[3] Thuyền trưởng Marlow: nhân vật chính trong tiểu thuyết Heart of Darkness của Joseph Conrad (1857 – 1924).

“Ông là bồ của Liana Taillefer,” gã hỏi.

“Phải,” tôi thừa nhận, miễn cưỡng gạt những ý nghĩ về gã Porthos tử tế sang một bên. “Cô ấy chẳng phải là người đàn bà tuyệt vời sao? Với những nỗi ám ảnh kỳ lạ của chính mình… Đẹp và trung thành, giống như Milady trong truyện. Thật lạ. Có những nhân vật văn học có cuộc sống riêng, gần gũi với hàng triệu người chẳng bao giờ đọc những cuốn sách trong đó họ xuất hiện. Trong văn học Anh có ba nhân vật: Sherlock Holmes, Romeo, Robinson Crusoe. Tây Ban Nha có hai: Don Quijote và Don Juan. Và Pháp có một: d’Artagnan. Nhưng ông biết rằng tôi…”

“Đừng lạc đề, Balkan.”

“Đâu có. Tôi chuẩn bị thêm một cái tên Milady vào cho d’Artagnan. Một phụ nữ đặc biệt. Giống như Liana, theo cách của cô ta. Chồng cô ta chẳng đời nào sánh bằng.”

“Ông định nói Athos?”

“Không, tôi muốn nói tới lão già khốn khổ Enrique Taillefer.”

“Đó là lý do ông giết hắn?”

Sự ngỡ ngàng của tôi hẳn có vẻ thành thật. Nó đúng là thật. “Enrique Taillefer bị giết ư? Đừng lố bịch. Lão tự treo cổ. Lão tự tử. Tôi hình dung là, với cách nhìn đời của lão, có lẽ lão nghĩ đấy là một hành động anh hùng. Hết sức đáng tiếc.”

“Tôi không tin.”

“Tùy ông. Nhưng cái chết của lão là điểm khởi động cho cả câu chuyện này và gián tiếp là nguyên nhân khiến ông có mặt ở đây.”

“Vậy hãy giải thích đi. Từ từ và rõ ràng.”

Đương nhiên là gã đáng được giải thích. Như tôi đã nói, Corso là một người trong bọn tôi, mặc dù tự gã không biết. Và dù sao đi nữa – tôi nhìn đồng hồ – sắp mười hai giờ rồi.

“Ông có mang theo Rượu vang Anjou không?”

Gã nhìn tôi đề phòng, thử đoán tôi định làm gì. Rồi gã nhượng bộ. Một cách miễn cưỡng, gã lôi tập bản thảo từ trong áo khoác ra, rồi lại cất đi.

“Hay lắm,” tôi nói. “Giờ thì theo tôi.”

Chắc gã nghĩ đến một lối đi bí mật trong thư viện, một thứ bẫy rập quỷ quái nào đấy. Tôi thấy gã cho tay vào túi tìm con dao.

“Ông sẽ không cần cái ấy đâu,” tôi trấn an gã.

Gã không bị thuyết phục, nhưng không nói gì cả. Tôi giơ cao cây nến và chúng tôi đi xuống theo hành lang kiểu Louis XIII. Một tấm thảm thêu tuyệt đẹp treo trên tường: Ulysses tay cầm cung vừa trở về từ Ithaca, Pénélope và con chó hoan hỉ, những kẻ theo đuổi nàng uống rượu ở hậu cảnh, không hay biết điều gì đang chờ đợi họ.

“Đây là một lâu đài cổ, đầy ắp lịch sử,” tôi nói. “Từng bị người Anh, người của giáo phái Calvin và người cách mạng cướp đoạt. Thậm chí trong chiến tranh người Đức còn đặt sở chỉ huy ở đây. Khi tới tay người chủ hiện nay – một triệu phú người Anh, một con người thú vị và thanh lịch – thì nó đã tàn tạ lắm rồi. Ông ta cho phục chế và trang trí lại theo thị hiếu riêng tinh tế hơn người. Thậm chí ông ta còn đồng ý mở cửa cho dân chúng tham quan.”

“Vậy ông làm gì ở đây ngoài những giờ tham quan?”

Ngang qua một cửa sổ kính màu trang trí, tôi liếc nhìn ra. Cơn bão cuối cùng cũng đang dịu đi, những ánh chớp lập lòe lùi quá về phía Bắc, bên kia sông Loire.

“Một ngoại lệ chỉ xảy ra mỗi năm một lần,” tôi giải thích. “Nói gì thì nói, Meung là một chốn đặc biệt. Một tiểu thuyết như Ba người lính ngự lâm không thể tùy tiện bắt đầu ở bất cứ chỗ nào.”

Sàn gỗ cọt kẹt dưới chân chúng tôi. Một bộ áo giáo, đồ thật thế kỷ mười sáu, đứng ở một góc hành lang. Ánh nến phản chiếu trên bề mặt trơn bóng của nó. Khi đi qua đó, Corso liếc nhìn như thể ai đó nấp ở bên trong.

“Tôi sẽ kể cho ông một câu chuyện. Nó bắt đầu từ mười năm trước,” tôi nói. “Trong một cuộc đấu giá ở Paris, có rất nhiều tài liệu không rõ nguồn gốc. Tôi đang viết một cuốn sách về tiểu thuyết nổi tiếng thế kỷ mười chín ở Pháp, và hoàn toàn tình cờ, những gói giấy bụi bặm rơi vào tay tôi. Khi xem xét kỹ, tôi thấy chúng là hồ sơ lưu trữ của Le Siècle. Hầu hết là những bản in không mấy giá trị nhưng một kiện hàng chứa những tờ giấy xanh và trắng khiến tôi chú ý. Đó là những văn bản gốc viết tay của Dumas và Maquet, Ba người lính ngự lâm. Toàn bộ sáu mươi bảy chương, đúng như khi chúng được gửi tới nhà in. Ai đó, có thể là Baudry, biên tập viên nhà in, đã giữ chúng lại xong khi làm xong bản in thử, rồi sau đó quên bẵng đi…”

Tôi bước chậm rồi dừng lại giữa hành lang. Corso vẫn im lặng, ánh nến từ phía dưới chiếu sáng khuôn mặt gã, tạo thành những bóng đen nhảy múa trong hốc mắt gã. Gã chăm chú nghe câu chuyện của tôi, tựa như không nhận thức bất kỳ thứ gì khác. Giải thích được điều bí ẩn đưa gã tới đây là điều duy nhất có ý nghĩa đối với gã. Nhưng tay gã vẫn đặt lên con dao trong túi quần.

“Phát hiện của tôi,” tôi vờ như không biết, tiếp tục nói, “là hết sức quan trọng. Ta chỉ biết một ít đoạn rời trong bản thảo gốc qua những ghi chép và tài liệu của Dumas và Maquet, nhưng không biết đến sự tồn tại của toàn bộ bản thảo. Lúc đầu tôi định xuất bản khám phá của mình dưới dạng bản flacsimile có chú giải. Nhưng rồi tôi đụng phải một chuyện rất khó xử thuộc phạm trù đạo đức.”

Những vệt sáng và tối biến hóa trên mặt Corso, và một vạch đen thẫm cắt ngang miệng gã. Gã cười. “Tôi không tin. Sau bấy nhiêu chuyện mà lại vẫn còn một chuyện nan giải về đạo đức.”

Tôi dịch chuyển ngọn nến để khỏi trông thấy nụ cười ngờ vực của gã, nhưng không được.

“Tôi hoàn toàn nghiêm túc,” tôi phản kháng khi cả hai tiếp tục đi. “Khi xem kỹ bản thảo, tôi kết luận rằng người thực sự sáng tác câu chuyện là Anguste Maquet. Ông này đã thực hiện toàn bộ nghiên cứu và phác ra những nét lớn của cuốn truyện. Với tài năng lớn của mình, thiên tài của mình, Dumas đã truyền sức sống vào chất liệu thô và biến nó thành kiệt tác. Mặc dù đối với tôi là rõ ràng, điều này có lẽ có lẽ không hiển nhiên như vậy đối với những người vẫn cứ đòi hạ thấp tác giả và tác phẩm của ông.” Tôi khua bàn tay còn rảnh như thể gạt tất cả bọn họ sang một bên. “Tôi không định ném đá vào người hùng của mình. Đặc biệt là ở thời buổi nhạt nhẽo, vô vị hiện giờ… khi mà khán giả nhà hát và độc giả truyện nhiều ký, cũng như mọi người nói chung, không còn mê mẩn vì những điều kỳ diệu nữa. Người ta thoải mái la ó kẻ xấu và cổ vũ người hùng.” Tôi lắc đầu buồn bã. “Tiếng vỗ tay hoan hô như vậy đáng tiếc là không còn nghe thấy nữa. Nó đã trở thành sở hữu riêng của những kẻ ngây thơ và trẻ em.”

Corso lắng nghe với vẻ mặt xấc xược và nhạo báng. Có thể gã đồng ý với tôi, nhưng loại người hận đời như gã không chấp nhận để lời giải thích mang lại cho tôi bất cứ bằng chứng ngạo phạm mang tính đạo đức nào.

“Nói ngắn gọn,” gã nói, “thì ông định hủy đi tập bản thảo.”

Tôi cười tự mãn. Gã đang tỏ ra quá khôn ngoan.

“Đừng lố bịch thế. Tôi định làm chuyện hay hơn: biến giấc mơ thành sự thực.”

Chúng tôi dừng trước cánh cửa dẫn vào phòng tiếp tân. Từ bên trong vọng ra âm thanh nghèn nghẹt của âm nhạc và tiếng người trò chuyện. Tôi đặt ngọn nến lên một cái bàn chân quỳ, Corso nhìn tôi, lại bắt đầu nghi ngờ. Có lẽ gã đang tự hỏi trong đó giấu giếm âm mưu gì khác. Tôi nhận ra là gã không hiểu chúng tôi đã chạm tay vào lời giải cho điều bí ẩn.

“Cho phép tôi giới thiệu với ông,” tôi mở cánh cửa và nói, “với các thành viên Câu lạc bộ Dumas.”

***

Hầu như tất cả mọi người đều có mặt ở đó. Thông qua ô cửa sổ kiểu Pháp mở ra sân thượng của lâu đài, những người khách đến muộn tiến vào căn phòng đầy người, đầy khói thuốc, đầy những tiếng thì thầm trong nền nhạc êm dịu. Trên cái bàn phủ khăn lanh trắng giữa phòng là các món tiệc buýp phê nguội: những chai vang Anjou, xúc xích và giăm bông Amiens, sò La Pochelle, những hộp xì gà Montecristo. Từng nhóm khách, chừng năm mươi người cả đàn ông và đàn bà, uống rượu và trò chuyện bằng vài thứ tiếng. Trong số đó có nhiều khuôn mặt nổi tiếng của báo giới, điện ảnh, truyền hình. Tôi thấy Corso đưa tay sờ cặp kính.

“Ngạc nhiên chứ?” tôi hỏi và chờ phản ứng của gã.

Gã gật đầu, bối rối, bực bội. Vài người khách bước lại chào hỏi tôi, tôi bắt tay, trao đổi vài câu bông đùa và lời nhã nhặn. Bầu không khí thân mật. Corso trông như vừa tỉnh dậy vì ngã từ trên giường xuống đất. Rất hứng chí, tôi giới thiệu gã với vài vị khách rồi hả hê khoái trá quan sát gã chào hỏi bọn họ, lúng túng và mất tự tin trong lĩnh vực xa lạ này. Thái độ điềm tĩnh ngày thường của gã biến mất, đấy là một chút báo thù nho nhỏ cho tôi. Nói cho cùng thì chính gã đến với tôi đầu tiên, với Rượu vang Anjou cắp nách, quyết tâm làm cho mọi chuyện thêm rắc rối.

“Cho phép tôi giới thiệu Mr. Corso… Bruno Lostia, nhà buôn đồ cổ ở Milan. Cho phép tôi. Đây là Thomas Harvey, chủ hàng Châu báu Harvey: New York, London, Paris, Rome. Và bá tước Von Schlossberg, chủ nhân bộ sưu tập tranh nổi tiếng nhất châu Âu. Ông thấy đấy, ở đây mỗi thứ tôi đều có tí ti: một người Venezuela đoạt giải Nobel, một cựu tổng thống Argentina, thái tử Marốc… Ông có biết cha ông ta là độc giả cuồng nhiệt của Alexandre Dumas không? Xem ai kìa. Ông biết người ấy đúng không? Giáo sư ký hiệu học ở Bologna… Quý bà tóc vàng đang nói chuyện với ông ta là Petra Neustadt, nhà phê bình văn học có ảnh hưởng nhất ở Trung Âu. Trong nhóm người bên cạnh nữ công tước Alba có nhà tài phiệt Rudolf Villefoz và nhà văn Anh Harold Burgess. Amaya Euskal, thuộc tập đoàn truyền thông Alpha, cùng ông chủ báo quyền lực nhất nước Mỹ, Johan Cross, chủ nhân của O&O Papers, New York. Và tôi nghĩ rằng ông vẫn nhớ Achille Replinger, nhà buôn sách ở Paris.”

Đó là giọt nước làm tràn ly. Tôi nhìn nét mặt bàng hoàng của Corso, gần như cảm thấy thương hại gã. Replinger cầm một cái ly rỗng cười vui vẻ dưới hàng râu lính ngự lâm, đúng như khi hắn xem xét bản thảo Dumas ở cửa hàng của hắn trên phố Bonaparte. Hắn chào đón tôi với cái ôm của một chú gấu khổng lồ và nhiệt tình vỗ vào lưng Corso trước khi biến đi kiếm một ly khác nữa, thở phì phì y như gã Porthos mặt đỏ vui tính.

“Quỷ tha ma bắt,” Corso thì thầm rồi kéo tôi sang một bên. “Chuyện gì xảy ra ở đây vậy?”

“Tôi đã bảo là chuyện dài mà.”

“Vậy thì kể hết đi, được chứ?”

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN