Câu lạc bộ Dumas - Chương 16 - Phần 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
121


Câu lạc bộ Dumas


Chương 16 - Phần 2



Trời rất lạnh bên ngoài xe, vì vậy gã dựng cổ áo lên. Gã cảm nhận được cái nhìn chăm chú của cô trùm lên mình khi băng qua đường, Chín cánh cửa kẹp dưới nách, không hề nhìn lại. Cô không đòi đi theo gã, và vì một vài lý do không rõ ràng gã biết rằng như thế tốt hơn. Ngôi nhà chiếm gần hết cả khối nhà, màu đá xám ngự trị cả một quảng trường hẹp, nằm giữa những tòa nhà cổ có cửa chính và cửa sổ đóng chặt trông như một trích đoạn phim bị dừng hình, vừa mù vừa câm. Mặt tiền xám có bốn con quái thú nằm trên máng xối: con dê, cá sâu, con quỷ tóc rắn và một con rắn. Có một ngôi sao David trên mái vòm kiểu người Moor bên trên cánh cổng sắt han gỉ dẫn vào trong với hai con sư tử bằng đá cẩm thạch và một cái giếng. Tất cả không xa lạ gì với Corso, nhưng gã chưa bao giờ sợ hãi như vậy khi tiến vào nhà. Gã nhớ lại một trích đoạn cổ: “Có thể những người đàn ông được nhiều phụ nữ vuốt ve sẽ bớt ân hận hay bớt sợ hơn khi vượt qua thung lũng tối tăm…” Đại loại như thế. Có lẽ gã được vuốt ve chưa đủ, bởi miệng gã khô khốc, và gã sẵn sàng bán linh hồn để lấy nửa chai gin. Rồi lại còn Chín cánh cửa gây cảm giác như thể nó chứa chín khối chì thay vì những bức tranh.

Gã đẩy cánh cổng nặng nề, nhưng sự yên lặng vẫn nguyên vẹn. Thậm chí tiếng dội khe khẽ của đế giày khi gã băng qua mảnh sân với những tảng đá lát mòn vẹt dưới những bước chân và những cơn mưa hàng thế kỷ qua hồ như cũng không ảnh hưởng gì tới bầu không khí tĩnh mịch. Một lối đi dưới mái vòm dẫn tới cầu thang hẹp dốc đứng. Ở trên cùng, gã nhìn thấy một cánh cửa nặng nề màu sẫm trang trí những hàng đinh tán dày. Cửa đóng: cánh cửa cuối cùng. Trong một thoáng, Corso nháy mắt chế nhạo với khoảng không, với bản thân mình, nhe răng ra. Gã vừa là tác giả không chủ tâm vừa là đối tượng chế nhạo của trò đùa hoặc sai lầm của chính mình. Một sai lầm được sắp đặt kỹ càng bởi một bàn tay vô liêm sỉ, đầy những lời dụ hoặc hão huyền mời mọc tham gia câu chuyện, đưa gã tới những kết luận nào đó chỉ đáng vứt đi. Cuối cùng gã đã có những kết luận xác nhận bởi chính văn bản, như thể đó là một cuốn sách đáng tởm trong khi nó không đáng tởm. Hoặc sẽ ra sao nếu nó đáng tởm? Sự thực là, thứ cuối cùng gã nhìn thấy trong miếng kim loại bóng lộn gắn chặt vào cánh cửa là khuôn mặt chính gã, khuôn mặt rất thật của gã. Một hình ảnh méo mó, tổ hợp của cái tên trên tấm biển và nét mặt gã, với ánh đèn từ đằng sau nơi mái vòm phía trên cầu thang dẫn xuống sân ra phố. Nơi dừng chân cuối cùng của gã trên chặng đường kỳ lạ sang bên kia bóng tối.

Gã nhấn chuông. Một, hai, ba lần. Không chút phản ứng. Cái núm đồng hồ chết rồi; không có âm thanh bên trong khi gã ấn vào. Gã lại cảm nhận thấy cái bao nhàu nát chứa điếu thuốc cuối cùng trong túi. Một lần nữa gã quyết định không châm lửa. Nhấn chuông lần thứ tư. Và lần thứ năm. Rồi gã siết chặt nắm đấm mà đập mạnh vào cửa, hai lần. Rồi cánh cửa mở ra êm ái trong bản lề tra mỡ tử tế, không có tiếng rít khủng khiếp. Và Varo Borja xuất hiện trên khung cửa. Hoàn toàn tự nhiên.

“Chào, Corso.”

Borja không có vẻ ngạc nhiên gì khi nhìn thấy gã. Mồ hôi đọng đầy trên cái trán hói của lão, râu không cạo. Áo khoác mở phanh, tay áo sơ mi xắn cao. Lão nom có vẻ mệt, những quầng thâm dưới mắt vì mất ngủ. Nhưng ánh mắt lão rực lên háo hức. Lão không hỏi Corso làm gì ở đấy vào giờ này, dường như chỉ để ý cuốn sách Corso kẹp dưới nách. Lão đứng bất động ở đó, như thể vừa bị lôi ra khỏi một công việc tỉ mỉ hay một giấc mơ, và chỉ muốn trở lại ngay với nó.

Đây là kẻ chịu trách nhiệm. Corso biết thế khi thấy sự ngu xuẩn của chính mình biến thành thực thể đứng ngay trước mặt. Tất nhiên. Varo Borja – triệu phú, nhà buôn sách cỡ quốc tế, nhà sưu tầm sách lừng danh, vẻ giết người chuyên nghiệp. Với một sự tò mò gần như mang tính nghiên cứu, Corso quan sát kỹ khuôn mặt lão. Bây giờ gã cố gắng tách ra những điểm, những manh mối mà đáng ra đã phải cảnh báo gã từ rất sớm. Những tín hiệu bị bỏ qua; những góc cạnh của sự điên rồ, sự khủng khiếp hay bóng đen ẩn náu trong những nét quen thuộc, tầm thường ấy. Nhưng gã không thấy được gì hết. Chỉ có vẻ mặt xa lạ, cuồng nhiệt, không tò mò hay đam mê, chìm đắm trong những hình ảnh xa với đối với người đàn ông đứng trên ngưỡng cửa này. Mặc dù Corso đang giữ cuốn sách đáng nguyền rủa. Chính lão, Varo Borja, kẻ ẩn trong bóng tối của cuốn sách giống như thế, lần theo dấu chân Corso như con rắn độc, mới là kẻ giết chết Victor Fargas và bà nam tước Ungern. Không chỉ nhằm tái hợp hai mươi bảy bức tranh khắc để tạo thành chín bức chính xác, mà còn để xóa đi toàn bộ dấu vết và đảm bảo không ai khác có thể phát hiện điều bí ẩn của người thợ in Torchia. Trong toàn bộ âm mưu, Corso là công cụ để khẳng định giả thuyết đã được xác nhận – rằng cuốn sách thực được phân bố trên ba cuốn. Gã cũng là nạn nhân của bất kỳ phản ứng nào từ phía cảnh sát. Lúc này, khi phải trả giá cho sự tôn kính sai lầm đối với bản năng của chính mình, Corso nhớ lại cảm tưởng khi nhìn lên bức tranh trần ở Quinta da Soledade. Cuộc hiến tế của Abraham không có nạn nhân thay thế: gã là kẻ giơ đầu chịu báng. Và Varo Borja, tất nhiên, là người buôn sách cứ sáu tháng một lần tới gặp Victor Fargas để mua một trong những cuốn sách quý của ông ta. Vào ngày Corso tới gặp Fargas, Borja có mặt ở Sintra để hoàn thành các chi tiết trong kế hoạch của mình và chờ đợi để khẳng định lý thuyết rằng cần phải có cả ba cuốn sách thì mới hóa giải được bí mật của Torchia. Tờ phiếu thu dở dang của Fargas được viết cho lão. Đó là lý do tại sao Corso không thể gặp được Borja khi gọi điện về nhà lão ở Toledo. Rồi sau đó, ngay trong đêm ấy, trước khi tới gặp Fargas trong cuộc hẹn cuối cùng, Borja gọi cho Corso từ khách sạn, giả bộ mình đang ở nước ngoài. Corso không chỉ khẳng định nghi ngờ của Borja, mà còn trao cho lão chìa khóa của điều bí ẩn, chính hành động đó đã kết án tử hình Fargas và bà nam tước. Với niềm tin chắc cay đắng, Corso quan sát từng ô đố chữ rớt vào vị trí của chúng. Khi gạt qua một bên tất cả những manh mối sai lầm hướng tới Câu lạc bộ Dumas, Varo Borja là lời giải của toàn bộ những sự kiện không giải thích được trong mạch quái quỷ còn lại của âm mưu. Điều đó đáng để cười phá lên. Nếu toàn bộ câu chuyện tởm lợm này có chút gì đấy đáng cười.

“Tôi mang theo cuốn sách,” Corso nói rồi chìa cho Borja cuốn Chín cánh cửa.

Borja hơi gật đầu, cầm lấy cuốn sách và chỉ thoáng liếc nhìn. Đầu lão khẽ nghiêng sang một bên như thể đang nghe ngóng một thanh âm phía sau, trong nhà. Ngay sau đó lão lại nhìn Corso và hấp háy mắt, ngạc nhiên vì gã vẫn chưa đi.

“Anh đã đưa tôi cuốn sách. Anh còn muốn gì nữa?”

“Tiền công.”

Borja nhìn gã chằm chằm, vẻ không hiểu. Rõ ràng đầu óc lão để ở chỗ khác. Cuối cùng lão nhún vai, như muốn nói rằng chuyện đó chẳng có liên quan tới gã. Lão quay vào nhà, để mặc Corso tùy ý đóng cửa, ở lại đó hay biến đi đâu thì tùy.

Corso theo lão đi qua hai cánh cửa khác vào một gian phòng cách xa hành lang và tiền sảnh. Cửa chớp đều đóng kín, vì vậy không có ánh sáng lọt vào, đồ đạc bị đẩy hết về phía bên kia, để cả sàn nhà lát cẩm thạch đen trống trải. Một vài cánh tủ kính đựng sách mở tung. Căn phòng được chiếu sáng bằng chừng một tá ngọn nến gần như đã tàn hết. Những giọt nến vương vãi khắp nơi: trên bệ cái lò sưởi trống rỗng, trên sàn, trên đồ đạc vật dụng trong phòng. Những ngọn nến tỏa ra quầng sáng hồng hồng, rung rinh nhảy múa trước làn gió lùa hay một cử động dù nhẹ nhất. Căn phòng bốc mùi giống như trong nhà thờ, hay như trong hầm mộ.

Vẫn không để ý đến Corso, Borja dừng lại ở giữa phòng. Ở đó, dưới chân lão, là một vòng tròn vẽ bằng phấn đường kính khoảng chín mươi phân, bên trong có một ô vuông chia thành chín ô nhỏ. Xung quanh vòng tròn là những chữ số La Mã và những vật kỳ quái: một mẩu dây, một cái đồng hồ nước, một con dao gỉ, một cái vòng tay chạm hình rồng, một nhẫn vàng, một lò than kim loại đầy than hồng, một cái lọ thủy tinh, một dúm đất, một cục đá. Nhưng Corso nhăn mặt khi thấy những vật khác nằm trên sàn. Nhiều cuốn sách gã vốn ngưỡng mộ, những cuốn sách nằm trên giá ít ngày trước, lúc này nằm đó, rách nát, bẩn thỉu, nhiều tờ bị xé ra. Những trang sách đầy hình vẽ và nét gạch dưới cùng với vô số dấu hiệu kỳ dị. Nến leo lét cháy trên một vài cuốn sách, những giọt nến to rỏ giọt xuống bìa hoặc những trang mở ra. Một vài cây nến khi tan chảy tạo thành những ký tự ngoằn ngoèo trên giấy. Trong đám tan hoang này Corso nhận ra những bức tranh khác thuộc về cuốn Chín cánh cửa của Victo Fargas và bà nam tước Ungern. Chúng lẫn vào những tờ khác trên sàn và cũng phủ đầy những giọt sáp và những chú giải bí ẩn.

Gã cúi xuống nhìn gần hơn những tờ còn lại, hầu như không tin được mức độ của thảm họa. Một bức tranh trong Chín cánh cửa, bức số VI, người đàn ông bị trẹo chân phải thay vì chân trái, đã bị cháy một nửa bởi những tia lửa từ ngọn nến bắn ra. Hai bức số VII, một với bàn cờ trằng và một với bàn cờ đen, nằm bên Theatrum diabolicum in từ năm 1512 bị xé khỏi bìa. Một bức tranh khác, bức số I, lòi ra từ trong cuốn De magna imperfectaque opera của Valerio Lorena, một cuốn sách cực hiếm mà trước đó ít lâu Borja có cho Corso xem song chỉ cho phép gã chạm vào nó. Giờ nó rách bươm, nằm trên sàn.

“Đừng đụng vào cái gì,” gã nghe Varo Borja nói. Borja đứng trước vòng tròn, mải mê lật lật cuốn Chín cánh cửa của mình. Dường như lão không xem chính những trang sách mà xem gì đó bên ngoài chúng, gì đó ở bên trong hình vuông và vòng tròn trên sàn, thậm chí có thể xa hơn: tít trong lòng đất sâu thẳm.

Corso nhìn như thể lần đầu tiên gặp lão. Gã chậm rãi đứng lên. Trong khi gã đứng lên như vậy, các ngọn nến liền rung rinh xung quanh gã.

“Nếu tôi sờ vào bất cứ vật gì thì cũng chẳng có gì khác,” gã nói, vung tay trỏ những cuốn sách và những trang giấy vương vãi trên sàn. “Sau việc ông đã làm.”

“Anh chẳng biết gì hết, Corso. Anh tưởng anh biết, nhưng không phải. Anh dốt và ngu nữa. Anh là cái loại cứ tưởng sự hỗn loạn là tình cờ và bỏ qua sự tồn tại của một trật tự không lộ diện.”

“Quên những lời rác rưởi ấy đi. Ông đã phá hoại mọi thứ, ông không có quyền làm thế. Không một ai có quyền làm thế.”

“Anh lầm. Trước hết chúng là sách của tôi. Và điều quan trọng hơn, chúng tồn tại với mục đích là để được sử dụng. Chúng có giá trị thực tiễn chứ không phải là giá trị nghệ thuật hay thẩm mỹ. Khi đi theo một con đường, người ta cần đảm bảo rằng không ai khác có thể theo sau mình. Bây giờ là lúc những cuốn sách đó phục vụ cho mục đích của chúng.”

“Đồ điên. Ông lừa tôi ngay từ đầu.”

Borja không có vẻ gì đang nghe. Lão đứng bất động, tay cầm cuốn Chín cánh cửa còn lại, chăm chú xem bức minh họa số I.

“Lừa ai?” Hai mắt láo gắn chặt vào cuốn sách khi nói, tỏ rõ vẻ khinh bỉ đối với Corso. “Anh tự coi mình quá cao đấy. Tôi thuê anh không cần cho anh biết lý do và ý định của tôi. Một người hầu không tham gia vào quyết định của bất kỳ người nào trả tiền cho hắn. Anh phải trộm lấy thứ tôi muốn, đồng thời phải chịu hậu quả chuyên môn của một vài hành động bắt buộc. Tôi tưởng tượng rằng khi tôi nói, cảnh sát ở cả Pháp lẫn Bồ Đào Nha đều đang lần tới chỗ anh.”

“Còn ông?”

“Tôi ở cách xa tất cả những chuyện đó, rất an toàn. Chỉ chút nữa thôi sẽ chẳng có gì quan trọng nữa.”

Thế rồi, trước sự hoảng sợ của Corso, lão xé bức tranh từ Chín cảnh cửa.

“Ông làm gì vậy?”

Varo Borja lặng yên tiếp tục xé những tờ khác.

“Tôi đang đốt những con tàu và những cây cầu đằng sau tôi. Và tiến vào miền đất chưa ai biết tới.” Lần lượt lão xé từng bức tranh trong cuốn sách cho đến hết cả chín bức. Lão đưa những bức tranh sát vào mắt. “Thật đáng tiếc là anh không thể theo tôi. Giống như lời tuyên cáo của bức họa thứ tứ, số phận của mọi người không giống nhau.”

“Ông tin mình sẽ đi tới đâu?”

Borja buông rơi cuốn sách bị xé tả tơi xuống sàn bên cạnh những cuốn khác. Lão giương mắt nhìn chín bức họa và vòng tròn, kiểm tra sự trùng hợp kỳ lại giữa chúng.

“Tới gặp ai đó” là lời đáp bí hiểm của lão. “Để tìm kiếm viên đá mà Đấng Sáng thế bỏ đi, viên đá của nhà hiền triết, nền tảng của công trình triết học. Viên đá của quyền lực. Quỷ vốn ưa biến hóa, Corso ạ. Từ con chó đen của Faust đến thiên thần ánh sáng lầm lạc cố phá vỡ sức kháng cự của thánh Antony. Nhưng, trên tất cả, sự ngu muội khiến hắn chán ngán, và hắn ghét sự đơn điệu… Nếu có thời gian và ý thích, tôi sẽ mời anh xem vài cuốn sách dưới chân anh. Một số cuốn đề cập đến một truyền thuyết cổ: kẻ thù của Cơ Đốc sẽ xuất hiện ở bán đảo Iberia, trong một thành phố chất chồng ba nền văn hóa, trên bờ một dòng sông sâu hoắm như một vết rìu, dòng Tagus.”

“Đó là cái ông đang cố làm ư?”

“Là thứ tôi sắp đạt được. Đạo hữu Torchia chỉ đường cho tôi: Tenebris Lux.”

Lão cúi mình xuống vòng tròn trên sàn, đặt mấy bức họa lên đó, lấy đi vài bức khác, vò nhàu hoặc xé rách rồi quăng đi. Những ngọn nến từ phía dưới rọi vào mặt, trông lão đầy ma quái với đôi mắt tối sẫm.

“Hy vọng nó hoàn toàn phù hợp,” lão thầm thì. Miệng lão giống như một vạch tối. “Những bậc thầy cổ xưa của ma thuật đen từng dạy Torchia về những bí mật giá trị và khủng khiếp nhất, họ biết con đường dẫn tới vương quốc bóng tối. ‘Đó là con vật ngậm đuôi trong miệng quấn quanh chỗ ấy.’ Anh hiểu không? Xà hoàn[3] của các nhà giả kim thuật Hy Lạp: con rắn ở trang đầu, vòng tròn ma thuật, nguồn gốc của sự thông thái. Mọi thứ đều được ghi lại trong cái vòng đó.”

[3] Xà hoàn (ourobouros): một biểu tượng cổ với hình cái vòng tạo nên bởi con rắn ngậm đuôi mình.

“Tôi muốn tiền của tôi.”

“Có bao giờ anh tò mò về những thứ này không?” Borja tiếp tục, không nghe thấy gì, đôi mắt sẫm nhìn chăm chú. “Để nghiên cứu, chẳng hạn như quan hệ bất biến long-xà-quỷ vốn trở đi trở lại rất đáng ngờ trong tất cả các văn bản về chủ đề này từ xa xưa.”

Lão nhấc một vật bằng thủy tinh nằm cạnh vòng tròn, một cái ly có chân với tay cầm hình hai con rắn quấn vào nhau, đưa lên uống một ngụm. Trong đó là một thứ chất lỏng màu tối, Corso để ý thứ nước đó gần như đen, giống như nước trà rất đặc.

“Serpens aut draco qui caudam devoravit[4].” Varo Borja mỉm cười bâng quơ rồi đưa tay quệt mép. Thứ đồ uống đó để lại một vết màu đen trên mu bàn tay và bên má phải lão. “Chúng canh giữ những báu vật: thần đêm và hoàng hôn, bộ long cừu vang…” Trong khi nói, trông lão như người đãng trí, điên rồ, một người đang diễn tả một giấc mơ từ bên trong. “Chúng là rắn hay rồng mà người Ai Cập cổ đại vẽ trong một vòng tròn, miệng ngậm đuôi mình để chỉ ra rằng chúng sinh từ một nhất thể và tự chúng là đủ. Những lính gác không ngủ, kiêu hãnh và sáng suốt. Những con rồng ẩn kín giết chết kẻ không xứng đáng và chỉ cho phép mình xiêu lòng trước người nào chiến đấu đúng luật. Những người lính canh giữ câu thần chú thất lạc: công thức ma thuật để mở những con mắt và khiến một người ngang bằng với Chúa.”

[4] Serpens aut draco qui caudam devoravit: con rắn của sự thông thái bảo vệ và bao hàm mọi thứ (tiếng Latinh)

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN