Châu Chấu Đỏ - Chương 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
140


Châu Chấu Đỏ


Chương 2


Năm mươi năm trước, ông Cửu ba mươi sáu tuổi, anh trai ông Cửu – ông Tứ bốn mươi tuổi. Ông Tứ là một thầy lang, bây giờ ngót nghét chín mươi mà trông vẫn khỏe mạnh, là người duy nhất trong làng chứng kiến tận mắt cảnh châu chấu chui lên khỏi mặt đất. Đó là ngày mồng 4 tháng 4 âm lịch, ngay từ sáng sớm ông Tứ đã đi thăm một người mắc chứng bệnh đau bụng khan ở làng bên. Ông ta cưỡi con lừa nhỏ màu tro rất nổi tiếng của mình, mặc một chiếc áo khoác mỏng, đội chiếc mũ có hình chiếc vỏ dưa, trên đó có dính chiếc tua đỏ, một chiếc quần bông cũ trên cổ có thắt một chiếc khăn rộng khoảng hai ngón tay, chân mang đôi giày bố. Ông Tứ đã dùng đến hai mươi chiếc kim châm cho người bệnh. Giữa hai lông mày của người bệnh này có một nốt ruồi đen to tướng với một nhúm lông ngắn. Người nhà bệnh nhân nấu miến và rót rượu cao lương chiêu đãi ông Tứ, món nhắm là cà ướp muối, cá hố nướng, tôm kho củ cải trắng. Cơm rượu no say, ông Tứ trèo lên lưng lừa. Mặt trời gần đứng bóng làm ông đầu choáng mắt hoa, toàn thân nóng nực ngứa ngáy vô cùng. Con lừa bước xiêu vẹo trên những bờ ruộng gập ghềnh. Lâu lắm rồi không hề có mưa, trên con đường đất, bụi phủ một lớp dày cả gang tay, ngập đến gần đầu gối lừa. Lúc này, ông Tứ đang đi từ phía tây của chiếc đầm lầy rộng năm nghìn mẫu để sang phía bắc. Đầm lầy im lìm lấp lóa, bùn màu đỏ quạch, cò đang tha thẩn kiếm ăn trong bùn, ông Tứ phát lo vì những chú cò kia sẽ lún sâu xuống dưới bùn mà chết. Mùa thu năm ngoái, cỏ dại và lau lách đứng im lìm trên đầm lầy, khô cháy vàng ruộm, thi thoảng mới có một vài mầm lá xanh nấp mình kín đáo dưới màu vàng cháy; những chú chim trắng như tuyết quần đảo trên không trung như những mảnh vải nhung trắng chấp chới trong gió.

Khi dừng chân đại tiện bên bờ đầm, ông Tứ phát hiện ra châu chấu đang lổm ngòm bò lên khỏi mặt đất. Con lừa đang đứng im lìm bên vệ đường. Vẫn chưa đến giữa trưa nhưng cái nóng đã hầm hập, đất đen khô cháy như đang phát tán ra những luồng ánh sáng trắng, cỏ và hoa màu đang sống dở chết dở. ông Tứ bước xuống một đám lúa mạch ven đường thân lúa mạch ỉu xìu chẳng khác nào râu tóc người đã chết, trên mặt đất đông kết một lớp váng phèn lẫn muối, đạp lên kêu rạo rạo, vỡ tan, một mùi nồng nồng chua chua khô khốc từ dưới đất xông lên. Trên đồng không có lấy một bóng người. Lấy chiếc túi thuốc trên vai xuống, mở thắt lưng, ông Tứ ngồi xổm xuống đám ruộng cao lương.

Ông Tứ có thói quen đại tiện rất lâu, thói quen này cả làng ai cũng biết. Ông thường nói rằng, ngồi xổm trên đồng ruộng mênh mông mà đại tiện là một kiểu hưởng thụ lạc thú trong đời người, nếu không vì vạn bất đắc dĩ phải làm chuyện ấy ở nhà thì ông đã cưỡi lừa đi thẳng ra đồng, thật xa. Ông cũng rất thích nuôi chim nhưng không thích họa mi mà chỉ thích sơn ca, mặc dù tiếng hót của sơn ca không thể bì được với họa mi. Ông còn bảo, mỗi lần đại tiện chính là cơ hội để cho con người tu thân dưỡng tính! Ông ngồi yên, mắt nhắm hờ, cúi đầu lắng nghe tiếng gió xuân rì rào trong ruộng lúa, lắng nghe cái nóng hầm hập từ dưới đất xông lên. Ông Tứ còn chọn mùa để ra đồng đại tiện, điều này cũng nên nói rõ. Ông tinh thông âm dương ngũ hành, hiểu rõ nóng lạnh ấm mát. Mùa xuân, dương khí tăng, âm khí giảm, ánh nắng nhiều nhưng không hại, đây là thời gian ra đồng đại tiện tốt nhất trong năm. Mùa hạ nóng bức, mặt đất ẩm ướt, ruồi muỗi vo ve, không khí đặc quánh, ra đồng đại tiện mùa này chẳng có lợi gì cho sức khỏe. Mùa thu trời cao khí trong, gió thu se lạnh vốn là thời kỳ ra đồng đại tiện tốt nhất, nhưng phía nam vùng Đông Bắc Cao Mật lại tiếp giáp với đầm lầy, phía bắc có sông, phía đông là đồng cỏ chăn nuôi, phía tây lại là vùng trũng; hình thành ở đây một vùng tiểu khí hậu đặc biệt nên trong mùa thu, mưa như trút nước, nước ở chỗ trũng ngập đến đầu gối mênh mông đọng đến mấy ngày liền, ông Tứ chỉ còn biết đại tiện ở nhà, ngay trong hố phân xanh. Mùa đông gió lạnh như dao cắt thịt cắt da, giọt nước vừa rơi xuống đã hóa thành băng, chỉ có những kẻ ngu mới rời khỏi nhà để làm chuyện ấy.

Sơn ca bay liệng vòng trên không trung hót véo von, những làn điệu du dương khiến tâm hồn con người cảm thấy thư thái và sảng khoái vô cùng. Nếu là mưa thuận gió hòa và trong khung cảnh mùa xuân, tiếng hót sơn ca dễ dàng kích động người ta nghĩ đến những chuyện tình lãng mạn mà dữ dội. Những lúc ấy, ông Tứ lắng nghe tiếng sơn ca trên trời cao, bao nhiêu là suy nghĩ thầm kín trong đầu cuồn cuộn dâng như nước thủy triều, lúc thì gầm gào vọt lên cao, lúc thì nhẹ nhàng thanh thoát chìm xuống, như hoa sen hồng đua nở, như hoa sen trắng tỏa hương, muốn nói những lời nhả ngọc phun châu trong mùi hương nực mũi, ông như đã thấy được Phật tâm của mình… Nghe ông Tứ giảng giải về những cảm thụ vô cùng tinh tế và diệu vợi của ông khi ra đồng đại tiện trong mùa xuân, tôi liên tưởng đến môn Yoga của những đại sư Ấn Độ và phương thức tĩnh tọa tham thiền của những cao tăng Trung Quốc, chỉ cần trong tâm có thành ý là mọi vật đều trở nên thông suốt. Tất cả đều rất thần thánh, tất cả đều rất trang nghiêm, tất cả những hoạt động đều có thể vượt qua hình thức ngoại tại để đạt đến tầm cao của triết học, của tôngiáo, của Phật!

Ông Tứ ngồi xổm giữa đồng đại tiện trong mùa xuân, mới thoạt nhìn chỉ là đại tiện, kỳ thực không chỉ là đại tiện mà ông đã thể hiện được bao nhiêu là tư tưởng cao vời. Chân khí hỗn nguyên đang tuần hoàn thông suốt trong cơ thể ông, đôi mắt ông Tứ khép hờ, nhìn tất cả mọi vật nhưng không nhìn thấy mọi vật, ông đã hoàn toàn vất bỏ mọi hình hài của vật thể để nhìn thấy một trạng thái tinh thần trông giống như bùn, màu đỏ sậm đang dung hợp và tồn tại giữa đất trời. Lướt qua thảm lúa mạch thấp lè tè, lướt qua những bông lúa mạch vàng vàng, hai con gà gô mập mạp đang đuổi nhau bay là là trước mắt ông, đôi cánh ngắn cũn cỡn như không nâng nổi thân mình quá nhiều thịt nên dáng bay của chúng trông rất vụng về, chậm chạp. Lông cánh của đôi gà gô rất dày, bóng loáng, có màu chủ đạo là màu tía, điểm xuyết là những vạch trắng, hai quầng ánh sáng ấm áp có màu đỏ sậm bao quanh chúng làm thành một ảnh ảo mang tầm tư tưởng. Trong không gian khô khốc vang vọng tiếng đập cánh phành phạch của chúng, tiếng thì thầm của con mái đang đắm say trong xuân tình: – Được không hả anh? Em không bao giờ quên anh! Trước khi ông Tứ phát hiện châu chấu chui lên khỏi mặt đất, nghe xong những lời cầu khẩn của con mái trong miên man tình yêu như vậy, trong khoảng thời gian ngưng lặng sau đó, suy cho cùng thì ông đã nghĩ đến điều gì? Ông đang nghĩ đến một người đàn bà đẹp bé nhỏ ở làng Lưu Sa Khẩu (quê hương của lão già có con họa mi trên thành phố), người đàn bà ấy đang đứng tựa vai vào khung cửa, không, bà ta đang đạp chân lên ngạch cửa, cả thân hình dựa hẳn vào khung cửa, miệng đang nhai một cọng cỏ, sắc màu của hoa hạnh đang tràn trề trên gương mặt bà ta, đôi mắt sáng ngời như những vì sao nhấp nháy trong đêm xuân trong trẻo, phát xuất những ánh nhìn đắm đuối ái tình, ấm áp và cuồng loạn. Theo hồi ức của ông Tứ, lúc nào bà ta cũng mặc một chiếc váy màu đỏ sậm, có lẽ là bà ta đã may đến mấy chiếc váy giống hệt nhau như thế này để luân phiên thay đổi, sau này ông Tứ đã có một phản xạ có điều kiện: Hễ mỗi khi ông trông thấy một phụ nữ mặc váy màu đỏ sậm là ông nổi… cơn động tình. Trong thời kỳ cách mạng văn hóa, trên bức tường nhà tôi đã từng dán một bức họa rất thịnh hành thời ấy, trong bức họa là một người đàn bà mặc váy màu sậm, tay giơ cao chiếc đèn đỏ, đôi mắt hạnh tròn vo nét mặt trông rất giận dữ, khuôn ngực phía bên phải – cũng có thể là bên trái nhô cao một cách không bình thường. Ông Tứ tay cầm chiếc gậy trúc loang lổ cáu bẩn đến nhà tôi uống trà đêm, chiếc đèn dầu vàng vọt chiếu lên tường đen xỉn của nhà tôi khiến nó trở nên ấm áp hơn. Tiếng thu se sắt bên ngoài cửa sổ, ánh trăng trùm xuống nhân gian, những con mèo đang thời kỳ động tình đang kêu gào tìm kiếm bạn tình vang lên khắp đó đây, đuổi nhau trên mái ngói, những chiếc móng sắc cào xuống ngói làm chúng kêu lên rin rít. Vùng Đông Bắc Cao Mật vốn không có trúc nhưng ông Tứ cũng là một con người có cá tính độc đáo, không biết kiếm từ đâu về mấy đốt trúc già găm lung tung bốn năm chỗ trong vườn nhà tôi ở phía bắc giếng nước, phía đông chuồng gà, phía tây vò nước và phía nam cửa sổ. Mấy đốt trúc sinh trưởng rất nhanh, chẳng mấy chốc đã thành mấy khóm nhỏ, gió thu đang lạo xạo thổi qua lá trúc, bóng trúc gầy gầy thoáng hiện mơ hồ, gầy guộc qua khung cửa sổ, tiếng kêu của con chim cuốc non tôi bắt ngoài đám ruộng đậu về thả vào lùm trúc yếu ớt. Ông Tứ nhấp một ngụm trà, mắt nhìn vào tường, những ngón tay run rẩy, vành môi rưng rung, mũi chun mắt nhắm, điệu bộ giống hệt như chuẩn bị hắt hơi. Chúng tôi hết hồn, không biết ông Tứ mắc phải chứng bệnh lạ lùng gì. Người cùng ông Tứ đến uống trà đêm ở nhà tôi là ông Cửu đứng dậy, lệch chiếc đầu trông rất phong độ như đầu gà trống như đang đánh giá mức độ quái dị biểu hiện ở ông Tứ. Sau đó, ông Cửu đi vòng ra phía sau ông Tứ, nhìn theo hướng nhìn của ông Tứ và bỗng nhiên đại ngộ. Ông Cửu vỗ vỗ vào gáy ông Tứ, cười lớn, nói:

– Anh Tứ của tôi! Chỉ đến thế này rồi mà tặc tâm vẫn chưa lui sao?

Chúng tôi càng hồ đồ, không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao cả, ông Cửu giải thích:

– Anh Tứ nhìn thấy bức tranh cô gái có chiếc váy đỏ sậm trên tường nhà các vị nên anh ấy nhớ người đàn bà thời niên thiếu của mình. Người đàn bà của anh ấy e là còn đẹp hơn một cấp so với người đàn bà trong bức tranh này.

Ông Tứ day day sống mũi, hét lên một cách căm hận:

– Thằng Cửu! Mày đúng là thằng chẳng có chút lương tâm. Tao hận là không thể phanh thây mày ra!

Những người thông hiểu nội tình vội vàng khuyên giải hai người.

Quan hệ trong cái gia tộc đông đúc của chúng tôi nói chung là rất mặn mà thân thiết, cho dù có một thời gian ngắn, hai anh em ông Tứ và ông Cửu khi ăn cơm một tay dùng đũa gắp thức ăn, một tay thủ sẵn trong cò súng nhưng quan hệ giữa họ vẫn tốt đẹp, vẫn thuận hòa. Chúng tôi ít khi quan tâm đến tuổi tác, bất kể vai vế tông môn, nhiều khi vui quá mà có lôi cái của quý trong quần ra trêu chọc mọi người hoặc làm trò vui cho thiên hạ, cũng chẳng ai lấy đó làm điều khiếm nhã mà lên tiếng quở trách. Do vậy mà khi ông Cửu ngồi giữa vòng vây của bọn hậu bối mà kể vanh vách những chuyện phiêu lưu tình ái của ông anh mình, ông Tứ cũng chẳng cảm thấy có gì là xúc phạm mình quá đáng, nên ông chỉ đưa mắt giận dữ nhìn lão em trời đánh và hét lên cho oai thế thôi, sau khi được khuyên giải thì than lên một tiếng dài rồi lấy tay dụi mắt để phi tang hai giọt nước mắt đọng trên bờ mi bạc trắng, cười một cách hiu hắt, thê lương. Trong tiếng cười của ông, tôi nhận ra bao nhiêu là trạng thái tinh thần phức tạp, phong phú và bỗng nhiên tôi liên tưởng đến bùn đất màu đỏ sậm trong vùng đầm lầy rộng năm nghìn mẫu và sâu không thể dò được ở phía nam làng.

Ông Tứ nhấp một ngụm trà nữa, đặt cốc xuống bàn, cầm chiếc gậy lên cáo từ. Cô em gái nhà ông chú thứ mười tám cùng tuổi với tôi đề nghị bóc tấm tranh trên tường xuống tặng cho ông Tứ để ông ấy trải xuống giường ôm ngủ. Miệng nói tay làm, chưa đợi mọi người đồng ý, nó đã bóc bức tranh xuống, không ngờ là bức tranh đã được mẹ tôi dùng củ thục địa dán kín vào tường, khó mà bóc ra được, trầy trật mãi, cuối cùng không những không bóc được mà cô em còn xé toạc nó ra làm hai nửa, ngay chỗ bầu vú. Mọi người cười ồ lên, cô em tôi liến thoắng: Không xong rồi, ông Tứ không còn sữa để uống nữa rồi! Mọi người lại cười ầm lên, cô Thất cười đến độ đánh rắm! Lại cười. Ông Tứ giơ gậy lên định quất vào mông cô em, thím Lục nói: Ông tổ Tứ ơi, về nhà ngủ đi, nhanh lên. Chúc ông có giấc mơ đẹp, tay cầm súng trèo tường nhà bà ấy nhé!

Tôi cũng phải nói rõ điều này (và tất nhiên có đủ cứ liệu để chứng minh): Người Đông Bắc Cao Mật chúng tôi ăn rất khỏe, chủ yếu là các loại rau nên lượng phân thải ra cũng rất lớn, và có mùi cỏ khô. Đây cũng là một trong những lý do để tôi rời xa mảnh đất này đã lâu mà vẫn nhớ về nó. Tất cả mọi người ở đây sau khi đại tiện đều biểu hiện vẻ hạnh phúc nhẹ nhàng thư thái trên mặt, đều cảm nhận cuộc sống sao mà tươi đẹp, rực rỡ như một rừng hoa đang nở rộ giữa mùa xuân. Đứa em gái con của ông chú thứ tám rất khôn ngoan, mỗi khi muốn xin tiền nó đều chọn đúng lúc bố nó vừa đại tiện xong và lần nào cũng thế, nó đều toại nguyện. Có thể nói rằng, Đông Bắc Cao Mật là vùng đất độc đáo, nhiều bản sắc và sống trên vùng đất đó có một đại gia tộc độc đáo là đại tiện không có mùi thối. Sống trong thành phố ngập ngụa mùi nhà tiêu cống rãnh, tôi đã thể nghiệm được nỗi thống khổ tột cùng khi phải vào nhà vệ sinh chật chội để làm cái công việc đại tiện hàng ngày ấy. Tôi có cảm giác là hậu môn của người ở thành phố, bất kỳ là nam nữ lão ấu đều đã bị tắc, chẳng khác nào đường ống nước lâu ngày không được tu sửa. Sống ở thành phố mà tôi mãi mãi hoài niệm về quê hương, bên cạnh hoài niệm tiếng vó ngựa gõ đều đều trên con đường lát đá xanh trước cửa nha môn còn có một hoài niệm khác, đó chính là hoài niệm một gia tộc đại tiện không thối, một gia tộc rất thích ra ngoài đồng để chiêm nghiệm cái lạc thú đại tiện. Do vậy mà tôi hiểu, vì sao lão già nuôi họa mi trên thành phố ước muốn sau khi mình chết thì hài cốt được mang về vùi trên mảnh đất quê hương.

Năm mươi năm trước, ông Tứ đang đại tiện trên mảnh ruộng lúa mạch, đôi gà gô vẫn còn bay là là đuổi nhau trước mắt ông, mùi lúa mạch vẫn thơm nồng quyện với mùi phân không thối phảng phất trong không khí… Đúng lúc ấy, ông Tứ phát hiện một cảnh tượng kỳ dị: châu chấu trồi lên khỏimặt đất.

Con lừa màu xám vẫn im lìm đứng bên đường, đôi mắt nheo nheo lúc thì nhìn chiếc mũ có gắn tua đỏ hình vỏ dưa của chủ thấp thoáng dưới ruộng lúa mạch, lúc thì nhìn những cánh chim trắng đang bay là là trên mặt đầm lầy. Đúng lúc ấy, ông Tứ nhìn thấy châu chấu trồi lên khỏi mặt đất. Ông đã kể cho chúng tôi nghe đến hàng nghìn lần cảnh tượng kỳ dị này. Mặt đất vẫn được phủ một lớp váng muối lẫn phèn mỏng, khô khốc và trắng xóa. Đột nhiên, trước mặt ông Tứ, một lớp váng trắng từ từ được nâng lên. Ông Tứ nheo nheo mắt nhìn, lớp váng trắng tiếp tục dâng cao lên, không phải một mà là nhiều, rất nhiều. Và chung quanh ông, những đụn có hình một bãi phân bò màu đỏ sậm từ từ nhô cao, những mảng váng màu trắng lúc này như những chiếc mũ úp lên trên bãi phân bò ấy. Ông Tứ buồn lắm. ông đã đọc nát “Bản thảo cương mục”, những kiến thức về chim chóc, hoa cỏ, cây cối, côn trùng… của ông vô cùng uyên bác, nhưng ông không biết vật từ dưới đất chui lên kia thuộc chủng loại nào. Ông vẫn ngồi và di chuyển về phía trước mấy bước ngắn, cúi đầu thật thấp và phát hiện ra rằng, cái vật có hình thù như bãi phân bò kia chính là hàng nghìn hàng vạn những con châu chấu màu đỏ bầm chỉ nhỏ bằng khoảng con ruồi. Ông đưa mắt nhìn bốn phía, tất cả những đụn như phân bò ấy đều là châu chấu, tất cả đều lấp lóa, đều ngọ ngoạy dưới ánh nắng. Tận mắt chứng kiến cảnh những đụn châu chấu dần dần to phềnh lên này, ông Tứ bỗng nghĩ đến loài hoa đàn, một loài hoa nở ban đêm với tốc độ nở rất nhanh nhưng lại tàn ngay tức khắc. Đôi mắt ôngTứ như ngây như dại, tuy trong lòng có chút sợ hãi nhưng may mắn đứng trước một kỳ quan của thế gian như thế này, ông thấy hưng phấn vô cùng và từ đó khát vọng được chia sẻ được giãi bày hình thành khiến ông ngước đầu tìm kiếm ai đó nhưng chỉ thấy đồng không mông quạnh, con đường uốn khúc, ruộng lúa phẳng lỳ, mặt trời như thiêu như đốt, tiếng chim giữa mây ngàn, con lừa đứng bên đường… Cho dù là như vậy, ông Tứ vẫn ngửa cổ gào to:

– Châu chấu!

Hai âm thanh vừa thoát ra khỏi cuống họng thì ông Tứ đã khựng lại vì ông đã nghe rất rõ tiếng rào rào dưới chân mình. Những đụn châu chấu đã nở toác ra và vạn vạn con châu chấu bắt đầu văng đi khắp nơi. Hình như chỉ trong vài phút, bọn châu chấu đã tích tụ được năng lực để nhảy, để búng, để bay, mặt ông Tứ liên tục bị chúng đập vào và bám chặt trên đó. Con nhảy, con bay, có con vừa bay vừa nhảy, có con vừa nhảy vừa bay. Mặt ông Tứ ngứa ngáy, ông đưa tay xoa mặt. Châu chấu non rất mềm, tay ông vừa chạm vào là chúng đã nát ra nên mặt ông nhầy nhụa, đưa tay về trước mắt để nhìn, cả một bàn tay đầy xác châu chấu. Trong miệng ông lại có một vị chua thua và ngay lúc ấy, một suy nghĩ táo tợn xuất hiện trong đầu óc ông, suy nghĩ này lại tiếp tục xuất hiện về sau này để bổ sung cho bộ não vốn rất thông minh của ông, hoàn thành một sáng tạo vĩ đại. Đương nhiên đó là chuyện sau này, còn lúc ấy, ông Tứ kéo quần lên và chạy nhanh về phía con đường. Khi chạy trên đám lúa mạch, ông vẫn thấy rất rõ thấp thoáng dưới mặt đất là những đụn châu chấu đang tù từ trồi lên và nở bung ra. Khắp nơi là châu chấu,châu chấu bò dưới đất, châu chấu bám trên thân lúa mạch,châu chấu bám trên cỏ, lổn nhổn, đỏ bầm. Kể ra những sinh linh cá thể nhỏ bé màu đỏ sậm này trông cũng dễ coi, ôngTứ đưa con châu chấu đang bám trên ngón tay ông lên ngang mắt quan sát. Nó còn bé lắm, đáng yêu lắm, hiền lành lắm… Tạo ra được một sinh linh hoàn chỉnh như thế này, đúng là chỉ có thượng đế ở trên cao. Toàn thân ông Tứ ngứa ngáy vô cùng vì rất nhiều châu chấu đang bám trong da thịt ông, ban đầu ông còn phủi, còn gãi nhưng sau đó thì phủi và gãi cũng không xuể nữa đành bỏ mặc chịu trận. Con lừa đã nghe tiếng bước chân của chủ, mở mắt nhìn và ve vẩy chiếc đuôi. Ông Tứ nói với nó:

– Diệt rồi! Thần châu chấu đã đến!

Dưới lòng mương cạn bên đường, một ụ châu chấu đang từ từ nở bung ra, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, hàng nghìn con châu chấu đã bò lổn nhổn trên đất, bám chi chít trên cỏ… Ông Tứ ngồi xuống, thò tay vốc một nắm. Sau này ông nói, hình như tay ông bóp phải bầu vú đàn bà, trơn trơn, mềm mềm, ngưa ngứa, nặng nặng khiến tay ông như muốn trụy xuống. Ông Tứ vẫn nắm chặt chúng trong tay và ngước nhìn mặt trời khô khốc lạnh nhạt ở trên cao rồi nheo mắt ngắm nhìn đầm lầy đang bốc khói. Ông thu hồi ánh mắt, nhìn con lừa đang đứng bên cạnh mình. Đôi mắt ông thẫn thờ, vô hồn nhìn những con châu chấu đang bị nắm chặt đến độ giập nát trong tay mình. Mấy chục con khác đang bò trên mắt ông. Những con còn lành lặn đang tuồn qua khe giữa các ngón tay ông bò ra, hình như mấy mươi sinh vật bé xíu ấy đang hợp lực lại đề buộc bàn tay ông phải nới lỏng ra. Ông cảm thấy lòng bàn tay mình tê dại, mỏi nhừ và nhột nhạt. Ông suy nghĩ một lát rồi mở bàn tay, một nhúm châu chấu rơi xuống đất, vừa mới chạm đất, chúng đã vọt đi khắp bốn phía. Con lừa nhảy chồm lên, chiếc đuôi vung vẩy thật mạnh nhưng rất nhiều châu chấu đã bám vào chân nó. Hai chân trước của con lừa như mới dẫm bùn đỏ dưới đầm lầy lên. Ông Tứ cưỡi lừa quay về làng. Trên quãng đường gần mười dặm ấy, ông ngồi rất vững chãi trên lưng lừa, con lừa cũng chẳng quan tâm gì đến những gì vừa xảy ra, những bước đi của nó vẫn rất đều đặn và chắc nịch, những khoảnh lúa mạch hai bên đường nhẹ nhàng chạy qua mặt ông, những thân cây cao lương cao khoảng nửa thước lặng lẽ vượt qua. Lá cây cao lương đen đen, trên bề mặt đầy những lông tơ. Lâu nay không mưa, cao lương đang cúi đầu cố gắng hút những chút nước cuối cùng trong đất để chống chọi với cái chết đang đến gần. Cánh đồng mênh mông đang rì rào những âm thanh kỳ lạ, và ông Tứ biết đó không phải là âm thanh của gió thổi qua ruộng lúa mạch và ruộng cao lương, mà đó chính là âm thanh của châu chấu đang trồi lên khỏi mặt đất.

Ngồi trên lưng lừa, ông Tứ trầm ngâm suy nghĩ về lai lịch của bọn châu chấu. Chúng sinh ra từ trong lòng đất, điều này ông chưa hề nghe thấy trong những câu chuyện liên quan đến châu chấu lưu truyền xưa nay. Ông nhớ lại, năm mươi năm vế trước, bố ông – một thanh niên lực lưỡng khỏe mạnh đã từng chống chọi với một nạn dịch châu chấu, nhưng đó là dịch châu chấu bay từ nơi khác đến, che kín bầu trời Đông Bắc Cao Mật rồi lại bay đi. Nghĩ ra chuyện này, ông Tứ mới vỡ lẽ rằng: châu chấu sinh từ đất này chính là hậu duệ của đàn châu chấu bay cách đây năm mươi năm về trước!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN