Chị Dâu Em Chồng - Chương 15: Thương giả thương dối
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
304


Chị Dâu Em Chồng


Chương 15: Thương giả thương dối


Đùa kiểu vậy là đùa kiểu gì? Chị đâu có đùa nhỉ? Chị ngẩn tò te chả hiểu mô tê gì, cậu thì chẳng giải thích thêm lấy nửa lời. Niệm của bây giờ hình như không cởi mở với chị như Niệm của ngày xưa thì phải? Mà sao có thể như xưa được chứ? Chí ít ngày đó chị và Niệm còn giống nhau, cùng mang trong mình những hoài bão và khát vọng lớn lao của tuổi trẻ, tuy ghét nhau nhưng rất hay tìm nhau thủ thỉ.

– Này, sau này đây thành nhà thiết kế nổi tiếng, đây mở công ty xong đây cho đấy chức bảo vệ nhé. Đây sẽ xây cho đấy một cái chòi ngoài cổng, nhất đấy nhá!

– Chỉ sợ đến lúc đó đây đã mua đứt công ty của đấy rồi. Nhưng đấy yên tâm, đây sẽ vẫn giữ cái chòi đó, xong cả ngày đấy chỉ việc ngồi bên trong lè lưỡi giống em Nơnơ ý.

Niệm đáp đầy khốn nạn, hồi ấy nói giỡn vậy thôi mà giờ cậu đã đầu tư công ty nọ công ty kia, còn chị, đến một cái xưởng may nho nhỏ cũng chẳng thành lập nổi. Tự dưng nghĩ tới lòng cứ buồn nao nao à, chị ít nói hẳn, buổi tối tới khu nghỉ dưỡng chị không buôn dưa với mẹ Hoà và dì Kỷ mà ngồi một góc phòng vẽ vời linh tinh. Chiếc điện thoại mới này chị giành được nhờ thắng cuộc thi uống rượu, bên trong cài sẵn nhiều ứng dụng đồ hoạ thú vị lắm.

– Hoan hô mẹ Hoài vẽ đẹp tuyệt vời á! Mẹ Hoài vẽ thêm em Nana với cô Nơnơ cho Bông đi mẹ.

Có Bông ở bên vỗ tay khuyến khích khiến chị hứng khởi hẳn lên, Bông đợi mẹ vẽ xong thì tí tởn đem ra chỗ cậu Niệm khoe khoang. Khác với ba Hoàng luôn khen hết lời, cậu liếc qua rồi nhận xét.

– Tranh không có hồn, xấu.

Eo cậu Niệm đáng ghét ghê luôn á, Bông không thèm nói chuyện với cậu nữa, ôm điện thoại về méc mẹ.

– Tranh đẹp thế mà cậu chê, cậu xấu tính. Mẹ Hoài mà không bị ngã thì còn vẽ đẹp nữa mẹ nhờ?

Bông vừa dứt lời thì cậu Niệm giật mình liếc qua phía đó, chị Hoài cười trừ. Là vụ tai nạn tám năm về trước, nhưng kể với Bông chị chỉ dùng từ “ngã” cho con hiểu thôi. Mẹ Quỳnh vẫn luôn bảo chị không được trách người gây tai nạn, bởi lỗi là do ba chị mắt kém không nhìn thấy biển cấm xe máy. Về lý chị công nhận ba chị sai, nhưng về tình thì lẽ ra người ta nên gọi xe cấp cứu giúp ba con chị chứ, chỉ một cú điện thoại thôi mà? Đằng này chắc họ sợ tội, sợ phiền phức nên trốn biệt tăm. Thời gian đó gia đình chị rơi vào khó khăn cùng cực, nếu không có anh Hoàng thực sự chị chẳng biết mình sẽ vượt qua như nào? Chị tưởng Niệm cũng biết chuyện cơ, bởi năm ấy dì Kỷ thường xuyên về thăm gia đình chị, nhưng trông bộ dạng ngạc nhiên của cậu bây giờ thì có lẽ dì chưa từng kể với con trai. Cậu nhìn chị chằm chằm như đợi thêm lời giải thích, dù sao chuyện cũng qua lâu rồi, chị chẳng muốn nhắc lại nên chỉ ôm Bông dặn dò.

– Tại mẹ Hoài chạy nhanh quá nên bị vấp đấy, Bông phải đi đứng cẩn thận nhớ chưa? Không được chạy nhanh như mẹ Hoài kẻo bị ngã là run tay vẽ xấu đó.

Dạo này Bông hễ hứng lên là lại chạy vù vù chả chịu nhìn trước ngó sau nên chị kiếm đại cái cớ đe con bé, Bông dạ rất ngoan, ngược lại cậu Niệm nhàn nhạt bảo.

– Một người nếu cứ mãi đổ lỗi cho số phận thì họ sẽ không bao giờ làm được trò trống gì cả.

Chỉ một câu nói bâng quơ vậy thôi mà hại chị tối nằm trằn trọc không sao vào giấc được. Tuy thái độ cao ngạo của Niệm động chạm tới lòng tự ái của chị, nhưng suy nghĩ kỹ một chút lại thấy cậu nói chẳng sai chút nào. Chị, rõ ràng là đang đổ tại cho số phận mà. Bao năm qua chị đã từng cố gắng một cách triệt để chưa? Hay mới chỉ vẽ vài ba tiếng thấy không được như xưa bèn nản chí? Là chị tự cho phép mình bỏ cuộc, tự vỗ về bản thân mình đàn bà con gái ở nhà làm hậu thuẫn cho chồng cũng tốt. Cơ mà đâu có tốt? Làm quần quật tối ngày nhưng có khác nào kẻ ăn bám? Cay đắng, tủi nhục, chị bật dậy tu liền tù tì hai cốc cà phê, thấy phòng Niệm vẫn sáng đèn nên bạo gan gọi cậu.

– Này, cho chị mượn máy tính bảng được không?

– Muốn vẽ lại bức tranh hồi tối à?

Ơ nó đi guốc trong bụng chị hả? Chị ngơ ngác gật đầu, Niệm lấy máy rồi chỉ qua cho chị cách dùng mấy ứng dụng. Cậu bé năm nào quả thực đã trưởng thành rồi, vòm ngực săn chắc cùng tấm lưng rộng lớn kia đủ để tôn dáng bất cứ chiếc áo sơ mi nào. Chỉ là, có những thói quen xấu mãi chẳng chịu bỏ, để ý thấy tóc cậu hơi ướt, chị buột miệng càu nhàu.

– Đã dặn bao lần đừng tắm khuya rồi cơ mà?

– Dặn bao lần là dặn lúc nào?

Cậu hỏi, chị vô tư đáp.

– Thì ngày xưa ấy, chắc ai đó quên rồi.

Niệm nhìn chị, nhìn qua cả sợi dây bình an dì Kỷ cho đang đeo trên tay chị, cậu cười nhạt, rồi cậu bảo.

– Ừ, đúng là có người đã quên.

Chị chau mày liếc qua cổ tay Niệm, khác với anh Hoàng chê sợi dây của dì quê, cậu vẫn đeo chiều lòng mẹ. Có điều, chị chợt phát hiện ra trên tay cậu vẫn còn hình xăm năm xưa, là hình hai trái tim lồng vào nhau ghép từ những bông hoa baby nhỏ. Trên tay chị từng có một hình xăm giống y hệt nhưng sau này lấy chồng anh Hoàng không thích vợ xăm trổ nên chị xoá đi rồi. Ngày xưa chị trẻ trâu lắm, nghe Niệm dụ ngọt đi xăm cho nó bá đạo. Cơ mà hình xăm là chị vẽ mẫu rồi đưa cho anh thợ nhé, Niệm chỉ ăn theo chị thôi.

– Chê người ta vẽ xấu mà vẫn giữ tới giờ á?

Niệm tất nhiên hiểu chị ám chỉ cậu giữ cái gì. Cậu bối rối lấy đồng hồ đeo vào để che đi, đoạn giải thích.

– Chưa có thời gian để xoá.

Phải rồi, mọi khi thằng bé thường đeo đồng hồ, thảo nào chị không thấy. Niệm tìm cho chị chiếc bút cảm ứng, chị cũng không nán lại lâu phiền cậu mà cầm máy tính bảng và bút về phòng hì hụi vẽ. Lần này chị cố gắng cẩn thận tỉ mẩn hơn, phóng to màn hình hết cỡ để vẽ từng nét một, tẩy đi tẩy lại đến lúc nào ưng ý mới thôi. Tới bảy giờ sáng chị vẽ xong em Nana, phần em Nơnơ thì tối đi chơi với mọi người về chị lao vào vẽ tiếp. Mất gần hai đêm thức trắng chị mới hoàn thành tác phẩm, là lần đầu tiên sau ngầy ấy năm chị cảm thấy hài lòng với nét vẽ của mình. Chị vui đến mức quên cả chuyện vợ chồng đang giận nhau, phấn khởi chụp màn hình hai bức tranh, một bức cũ, một bức vừa vẽ rồi gửi cho ông xã hỏi han.

“Thấy vợ tiến bộ nhiều không?”

“Ơ hai bức tranh giống hệt nhau mà vợ?”

Anh nhắn lại sau nửa tiếng khiến chị tiu nghỉu hẳn đi. Dì Kỷ, mẹ Hoà, Bông cũng nói y hệt chồng chị luôn, ai cũng kêu bức nào cũng đẹp, chả có gì khác nhau. Mỗi cậu Niệm là có quan điểm hơi khác người.

– Ánh mắt Nơnơ rất ấm áp, còn mắt Nana thì tinh nghịch. Cả bộ lông cũng mềm mại hơn trước nhiều.

Chỉ một câu nhận xét bâng quơ thế thôi mà chị tưởng như lòng mình đang được nở hoa. Cái cảm giác được công nhận nó hạnh phúc ghê lắm. À, hoá ra trước giờ chị bị rào cản tâm lý vậy thôi chứ chị cũng không vô dụng lắm đâu. Chỉ cần tin tưởng vào bản thân mình, cố gắng kiên trì nỗ lực thì sẽ làm được thôi mà. Rất nhiều năm rồi chị mới cười rạng rỡ đến thế. Niệm ngẩng lên nhìn chị, khoé môi hơi cong, phát hiện ra ở gần đống tài liệu cạnh cậu có chiếc máy tính bảng mới toanh, chị hí hửng gạ cậu bán lại máy cũ. Tại chiếc máy đó mượt ghê lắm, mượt hơn cả máy anh Hoàng mua cho cô Bích ý, chị dùng thích mê. Cậu ra bừa cái giá tám trăm hai mốt ngàn, chị vớ được món hời ngay lập tức tiền trao cháo múc.

– Đừng nói gì với mẹ Hoà chị mua lại máy nhé, cứ bảo là cậu không dùng nên cho chị ý. Tại tiền sinh hoạt phí ở nhà chị mẹ quản hết. Mẹ mà biết tuần trước anh Hoàng giấu mẹ cho chị hai triệu sợ mẹ lại chửi chị.

Cậu ừ thờ ơ như chẳng liên quan, nhưng đầu óc đã chẳng thể tập trung vào bài viết phân tích thị trường chứng khoán trong tạp chí kinh tế số mới nhất nữa rồi. Ánh mắt cậu có chút gì đó xót xa, cũng có chút gì đó man mác buồn. Chị thì chẳng để ý lắm, dặn thằng bé xong liền hớn hở về phòng gọi điện cho ông xã kể với anh sắp tới chị sẽ chuyên tâm vẽ và may để trở lại với lĩnh vực thời trang chứ không đi làm ở công ty anh nữa. Chị nhờ chồng lên mạng tìm xem bên nước ngoài có loại thuốc chữa run tay mới ra không, trước chị cũng lấy thuốc chỗ chị Thư nhưng bôi vào không tiến triển mấy. Chồng chị ở đầu dây bên kia nghe giọng vợ nỉ non thấy nhớ dã man, hôm qua mới chính thức được bổ nhiệm lên chức mà chả có vợ ở nhà chia vui, đến chán.

– Yên tâm, chồng sẽ mua thuốc cho vợ. Dù có khuynh gia bại sản chồng cũng vẫn sẽ chiều vợ. Nhưng mà chồng vẫn buồn vợ đó, vợ biết không?

Giọng anh hơi tủi thân, chị ngọt ngào ản ủi.

– Vợ biết, nhưng chuyện qua rồi vợ đâu thể làm gì nữa? Vợ đâu có làm điều gì có lỗi với chồng đâu?

– Rồi, chồng thương vợ lắm nên mới bỏ qua đó. Anh đồng ý cho vợ trở lại nghề may, nếu vợ hứa chỉ may đồ nữ thì anh sẽ mở hẳn tiệm may cho vợ làm chủ.

– Uầy, thật á? Chồng em hào phóng thế! Sướng!

Nghe vợ nịnh bùi hết cả tai, anh vui vẻ phóng xe xuống khu nghỉ dưỡng với vợ. Gặp vợ một cái lòng dạ nhẹ nhõm hẳn đi, anh chạy tới ẵm vợ lên quay vòng vòng. Dì Kỷ nom tụi nhỏ tình củm chợt tủm tỉm cười, con trai dì hình như không được khoẻ lắm, dì vừa nghe con bảo có công chuyện cần giải quyết thì đã thấy chiếc xe màu đen đậu ngay ngoài cổng. Thằng nhỏ lái xe mặc vest màu xanh nhạt, lịch sự xuống mở cửa xe đón Niệm.

– Chào cậu ạ. Bây giờ về thành phố à cậu?

Có người khẽ gật đầu, trầm mặc bước vào xe. Chiếc xe đưa cậu rời khỏi thị trấn du lịch, rẽ qua con đường lớn chạy dọc ven biển. Xa xa dưới kia có rặng dừa xanh ngút ngàn, có những con sóng táp bờ nhè nhẹ, và dường như…còn có người con gái năm ấy, cô gái đội nón lụp xụp, mặc chiếc áo chống nắng rộng thùng thình, quần xắn ống thấp ống cao chạy tung tăng bên bờ cát trắng, miệng í ới gọi cậu.

– Niệm! Niệm ơi! Chị bắt được nhiều cua chưa nè?

– Nhiều. Giỏi lắm!

Cô gái ấy rất dễ cười, chỉ cần được khen một câu thôi, liền cười toe toét. Nụ cười tỏa nắng khiến đối phương muốn bẹo má mãi không thôi.

– Á, đau chị á! Ác thế? Đấy mà không bỏ tay ra sau này định tỏ tình với em gái nào chị đến chị méc đó, méc rằng đấy rất ác độc, cho em kia chạy mất dép luôn.

– Khỏi méc, người ta biết rồi.

Cậu đáp, có người há hốc vì sốc.

– Ơ có người thương rồi á? Thằng nhỏ này nom vậy mà khá ghê. Quen ở đâu đấy? Xinh không? Chắc xinh nhỉ?

– Xinh. Lúc người ta cười xinh hơn đấy lúc khóc.

– Nói thừa, ai cười thì chả xinh hơn đây lúc khóc. Tại mặt mếu với nước mắt nước mũi ròng ròng lem luốc á.

– Ôi dào lem với chả luốc cái gì? Lý do lý trấu vớ vẩn, tại là tại đấy xấu sẵn rồi ý. Nom cái mặt này…xấu ghê!

Cậu cười cười phủi đi ít cát dính trên mặt ai kia, còn tranh thủ cơ hội giật buộc tóc của người ta. Cô gái ấy bừng bừng tức giận đòi lại đồ. Cậu giơ cao thật cao, có người chân kiễng không tới đập luôn sống mũi vào môi cậu. Thi thoảng dường như cậu vẫn nhìn thấy bóng họ đuổi nhau, cả những dấu chân trần in rõ rệt, nhưng không phải trên bờ cát mịn màng ướt át kia, mà là trong tim cậu. Bởi thực ra…trên bờ cát năm ấy…hiện đã chẳng còn gì ngoài những hoài niệm.

Chiếc xe chạy êm ru tiến về thành phố, ba ngày sau cũng có một chiếc xe khác đưa mọi người từ khu nghỉ dưỡng về nhà. Lòng bà Hoà nẫu nề chưa từng thấy, với niềm hi vọng ít ỏi, bà hỏi Hằng đã tranh thủ cơ hội mần ăn được gì chưa? Hằng bịa đại rằng ba nó mới gọi lên, cấm không cho làm cái chuyện chen chân vào gia đình người khác như vậy nên giờ nó chịu thôi. Bao công sức vun vén cho cái Hằng và anh Hoàng coi như đổ hết xuống sông xuống bể, bà Hoà bắt đầu sốt sắng trở lại về việc kiếm người đẻ thằng cháu đích tôn. Cơ mà lần này bà khôn hơn rồi chứ không dại như mấy lần trước, bà kéo con trai vào phòng riêng dặn dò.

– Anh cứ bí mật gửi thằng cu ở đâu cho mẹ thì gửi, đừng cho con Hoài biết kẻo nó lại làm um lên nhức đầu. Đợi đến lúc gạo nấu thành cơm rồi hãng công khai.

– Ôi thế kiểu gì nhà con cũng giận mẹ ạ.

– Ôi dào giận anh nịnh mấy câu là xong mà. Nếu anh không thích phiền hà thì mẹ đón về rồi mẹ kêu mẹ nhặt thằng nhỏ ngoài đường, chả liên quan tới anh.

Mẹ nghĩ chu toàn quá khiến anh thán phục vô cùng, kiếm đâu ra người mẹ tuyệt vời như mẹ anh chứ? Anh gật gù ôm mẹ cảm ơn. Con Hằng trông thấy lén bĩu môi dè bỉu, ôi chao may mà nó giác ngộ sớm đấy nhá, chứ không sau này về nhà bà Hoà làm dâu, mẹ chồng với chồng cứ thì thọt tỉ tê với nhau lừa gạt mình như thế thì toi. Kể ra dạo này Hằng cũng nhàn lắm cơ, có việc gì tụi con Giang đều bố trí người sang làm giúp hết, cưng nựng nó từ đầu tới chân, mong sao đến lúc nó về làm dâu bà Kỷ nể tình cũ tăng lương cho cả lũ được nhờ. Hằng quen thói sướng đâm ra thái độ bắt đầu méo mó kênh kiệu, bắt nạt bạn bè cùng trang lứa chán liền chuyển đối tượng sang cô Hoài. Có bữa đang ngồi ăn phở với cậu Niệm, nó hắng giọng nhờ cô lấy cho nó ít rau mùi. Con Giang há hốc vì sốc, con Hằng dám ngang nhiên sai cả vợ chú Hoàng cơ đấy, máu dễ sợ. Chị dâu cậu Niệm đẹp khủng khiếp lắm, bạn cậu cũng nhiều người đẹp, nhưng đa phần là điệu. Cô Hoài thì khác, chẳng mấy khi ngồi trước gương nửa tiếng đồng hồ dặm phấn hay chăm chút da tóc từng li từng tí giống cô Đan, cơ mà được cái người chuẩn sẵn, lại biết cách phối đồ nên nhìn vẫn chất. Tính cô đơn giản ấy mà, thi thoảng nhà hết dầu gội vẫn chạy sang đây xin mấy quả bồ kết về dùng, nay cô đang cắt thêm củ sả thì tiện tay hái cho Hằng luôn rổ rau mùi, ai ngờ con này được nước làm tới.

– Ơ cô chưa rửa á? Rồi còn phải xắt nhỏ nữa chứ?

Mấy đứa người làm liếc cô Hoài chau mày mà thấy run, cô thản nhiên mang rau ra vòi nước rửa rồi thái cho con Hằng mới choáng chứ. Hằng nom bộ dạng ngoan ngoãn của cô sướng như mở cờ trong bụng, biết điều thế là tốt á, mai sau Hằng lấy cậu nếu chú Hoàng cần giúp đỡ gì trong công việc Hằng còn xem xét cho. Mặt Hằng vênh như cái bánh đa nướng, đang định ra giọng bề trên cảm ơn vợ chú Hoàng thì thế nào bị cô úp luôn cả rổ rau vừa thái lên đầu. Có đứa ức nghẹn họng, ngặt nỗi biết đánh nhau với cô Hoài không thắng nổi nên chỉ dấm dúi lườm trộm sau lưng. Cậu Niệm ngồi phía đối diện tủm tỉm cười, Hằng biết Hằng đáng yêu rồi á, nhưng không ngờ nhất cử nhất động của Hằng đều khiến cậu thấy thú vị như vậy. Hằng được đà xị mặt nhõng nhẹo, cậu phủi phủi rau trên mái tóc cho Hằng, trìu mến dỗ dành.

– Thương mà.

Trong khi lồng ngực Hằng rộn ràng nao nức thì chị Hoài lại thấy tim mình hơi nhói. Chị vội chạy về nhà uống cốc sữa ấm rồi cố gắng trấn tĩnh. Hai cái từ “thương mà” đó, cớ sao quen thế? Thương mà, thương mà, thương mà…ai thương ai? Rốt cuộc chị đã nghe thấy ở đâu? Trong dịp gì? Vì đâu lòng chị cứ não nề không yên, đêm đến thì mơ rõ kỳ quái. Chị mơ thấy một cô gái trẻ khóc lóc sướt mướt, có một người con trai đang ôm cô ấy trong lòng, anh ta vừa hôn trán trấn an cô ấy, vừa xoa đầu dỗ dành.

– Thương mà…đừng khóc…thương mà…

– Thương thương cái mồm á, thương giả thương dối, thương thật thì đã không bỏ người ta ý.

Cô gái vẫn nức nở không nguôi, anh chàng kia siết cô ấy chặt hơn, kiên nhẫn vỗ về.

– Linh tinh, ai bỏ ai? Ai nỡ bỏ? Đâu có bỏ đâu, chỉ là…tạm xa nhau một xíu thôi mà.

– Không phải đâu, không phải một xíu đâu, rất nhiều xíu ý, xa nhiều xíu lắm á, không chịu đâu.

– Đâu có, một xíu thật mà, tháng sau người ta lại về, mỗi tháng về một lần, chịu không?

Chàng trai thoả thuận, cô gái lắc đầu nguầy nguậy. Chàng trai dụi mặt vào cổ cô ấy, luôn miệng năn nỉ xin mà, thương mà, thương lắm luôn. Cô gái làm bộ ghét bỏ đẩy chàng trai ra, cau có cằn nhằn.

– Chả chịu đâu, về thế để mà mệt chết à?

– Thế phải làm sao bây giờ?

Chàng trai dịu dàng hỏi, cô gái nũng nịu.

– Phải đền cho người ta á, đền nhiều thật nhiều luôn ý!

– Ừ, đền nhé.

Chàng trai thì thầm rồi cúi xuống ngậm lấy gò má người thương, không phải một chiếc hôn thông thường mà là một cái nhá rất sâu, rất tham lam, và phải rất lâu mới buông. Có vẻ như cô gái kia bị đau, nước mắt ướt đẫm đôi hàng mi ấy, chị còn trông thấy cả sống mũi đỏ quạch của chàng trai kia, nhưng kỳ lạ thay, lại chẳng rõ mặt họ. Rốt cuộc, họ là ai?

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN