Chị Dâu Em Chồng
Chương 42: Hẹn ngày tái sinh - Kết
Chuyện là ông Hùng đợi mãi không thấy anh Hoàng nhận tội, đồng thời Niệm họp xong đã lái xe về tới nơi nên trước mặt Hoài, Niệm và bà Kỷ ông từ tốn chia sẻ toàn bộ vụ việc năm xưa. Xót xa con trai cưng chịu tiếng xấu oan uổng, bà Kỷ điên máu gọi điện cho ông Nhất bắt ông phải minh oan cho Niệm. Ông nghe lệnh vợ gọi anh Nhẫn tới công ty. Dưới sự tra khảo gắt gao và ánh mắt như muốn giết người của ông Nhất, anh Nhẫn đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình. Anh còn nghe lời ông gọi điện cho anh Hoàng rồi âm thầm ghi âm. Phản bội bạn bè âu cũng chẳng vẻ vang gì, nhưng anh thà như thế còn hơn bị đuổi khỏi Nhất Kỷ. Có bằng chứng xác đáng, anh Hoàng không thể chối tội. Anh đành bò tới ôm chân chú Nhất, thú nhận tội lỗi và xin xỏ được tha thứ. Chú già mà chú khoẻ dữ tợn, chú đá anh một cước điếng người. Ba Thuận đá anh thêm cước nữa, ba vừa tuyên bố cắt đứt quan hệ với anh thì một bác trong họ lên tiếng:
– Thưa các ông, các bà, theo như tôi thấy thì họ Dương không nên có một thằng đàn ông hèn hạ như cháu Hoàng đây. Tôi nghĩ đã đến lúc phải xoá tên cháu ra khỏi gia phả, tránh để ảnh hưởng tới danh dự gia tộc.
Mọi người chẳng những không thương xót anh mà còn vỗ tay tán thành. Bọn họ lần lượt nhìn anh bằng ánh mắt đầy khinh bỉ. Ngay cả mẹ anh khi tỉnh lại cũng ngơ ngác lắc đầu kêu không nhận ra anh. Mẹ bảo mẹ chỉ có duy nhất một cô con gái. Lần đầu tiên trong cuộc đời anh cảm nhận được thế nào gọi là thừa thãi, thế nào là cô độc. Anh mất tất cả rồi. Lần lượt từng người một rời bỏ anh, đầu tiên là vợ, sau đó đến Thư cùng con trai anh, và bây giờ là cả gia đình, dòng họ của anh. Nếu như Niệm không về nước, phải chăng anh sẽ vẫn là một người đàn ông thành đạt với tổ ấm hạnh phúc?
– Dương Nhất Niệm, tao hận mày! Mày đã cướp tất cả mọi thứ của tao! Tao căm hận mày!
Anh Hoàng gào lên đầy ai oán, cô Bích gạt nước mắt chạy ra tát thẳng vào mặt anh.
– Tôi biết tôi đánh anh là láo, nhưng tôi phải đánh cho anh tỉnh ra. Lúc đầu tôi cũng nghĩ anh Niệm là người thứ ba như anh, mãi sau này nghe chị Hoài kể tôi mới biết thực ra hai người đã thổ lộ với nhau từ năm anh Niệm mười chín tuổi, họ còn hứa hẹn sẽ sang Mỹ du học cùng nhau. Thật tiếc, tai nạn năm ấy đã tạo cơ hội cho một thằng hèn như anh tranh thủ cướp người yêu của em trai kết nghĩa.
Từng câu từng chữ của con Bích như mồi lửa thiêu rụi trái tim anh. Vợ và Niệm đã là của nhau từ nhiều năm trước? Anh mới là kẻ thứ ba chen vào giữa bọn họ? Người vợ yêu là Niệm? Phải chăng đó là lý do tại sao suốt những năm tháng ở bên nhau vợ chưa từng chủ động âu yếm anh bằng những cử chỉ thân mật như Thư. Anh cứ ngỡ ít nhiều vợ cũng đã từng yêu anh. Anh cứ đổ cho người khác cướp đồ của mình, anh cứ nghĩ anh thanh cao, anh là người bị hại. Đến khi biết bản thân mình mới là kẻ ăn cắp, anh nhục quá.
– Nếu không là anh Niệm thì sẽ là một người đàn ông khác đến bên chị Hoài thôi. Là anh tự dây dưa với bà Thư nên mất vợ. Là anh ngu, láo, cộng thêm bệnh sĩ diện nên mất việc. Là anh sống bẩn nên mọi người khinh anh. Tất cả là do anh tự chuốc lấy, xin anh đừng đổ vấy thất bại của đời mình lên người khác như vậy, tôi xấu hổ thay cho anh.
Con Bích chửi đúng quá anh chẳng phản bác được. Nếu như trước kia anh chịu bỏ đi cái tôi của mình và xem xét lại toàn bộ sự việc theo góc nhìn khác thì có lẽ anh đã được giác ngộ sớm hơn, có lẽ mẹ Hoà và Bách sẽ không phải chịu đau đớn vì lòng thù hận của anh. Anh thấy mình tệ quá. Anh thẫn thờ bước ra khỏi cổng bệnh viện, anh chẳng biết đi về đâu cả, anh cứ đi thôi, đi hoài, đi mãi, nghênh ngang như một thằng điên giữa đường. Anh bị một chiếc xe máy đâm trúng, hắn không những không xin lỗi anh mà còn vội vã bỏ trốn, giống y hệt cái cách năm xưa anh đối xử với cha con Hoài. Mọi người đi đường lần lượt xúm vào, có thanh niên tốt bụng gọi giúp anh xe cấp cứu. Sao chú ấy không mặc kệ anh nhỉ? Để anh chết luôn đi cho xong. Ít ra chết vẫn sướng hơn là khi tỉnh lại nghe bác sĩ nói sau này anh khó mà có con được nữa. Nằm thu lu một góc trên giường bệnh, anh tự cười giễu chính bản thân mình, hoá ra nghiệp báo là có thật.
Gió lạnh buốt từ cửa sổ lùa vào khiến anh khẽ rùng mình, bên ngoài có tiếng thì thụt, anh đoán chắc là của vợ chồng chú Hậu. Lúc anh mới tỉnh chú có qua chào anh, chú đang nằm phòng bên cạnh, thấy bảo bị ngộ độc rau sắng.
– Cảm ơn mình… vì đã đến thăm anh.
– Mình tự dưng sao vậy?
– Anh nghĩ rằng mình sẽ không qua.
– Mình cố ăn nhiều vào với hạn chế thức khuya nhé. Thôi mình vào nghỉ đi không ngoài này gió máy làm sao thì khổ. Em về đây, mình giữ gìn sức khỏe…
Nghe cô Hà dặn dò chồng mà nước mắt anh chảy xuống đôi gò má, mặn chát. Ngày xưa anh cũng từng được vợ chăm sóc kỹ càng như thế đấy. Tiếc rằng bây giờ vợ là của người khác mất rồi, vợ sẽ chẳng bao giờ chăm anh nữa đâu. Anh tủi thân nhắn tin kể lể với vợ anh bị tai nạn, bị quả báo do tội lỗi của mình. Anh xin lỗi vợ rồi hỏi vợ sống bên Niệm có hạnh phúc không, có vui hơn lúc ở với anh không? Chỉ nhắn cho khuây khoả thôi, không ngờ được vợ trả lời:
“Bên mày tao là vợ thằng Hoàng. Bên Niệm tao chỉ đơn giản là chính tao.”
Vợ không nói có vui hơn hay không nhưng ngần ấy từ cũng đủ khiến anh hiểu ra vấn đề. Anh ôm mặt khóc tu tu. Bà Hoà đứng rình bên ngoài xót quặn ruột. Lúc tỉnh lại nghe con Bích kể sơ qua mọi chuyện bà thấy bẽ bàng quá. Có thằng con hèn hạ như vậy, bà còn mặt mũi nào đối diện với họ hàng thân thích? Trước mặt mọi người bà đành giả bộ không nhận ra nó. Khi nghe tin nó bị tai nạn, ông Thuận, con Bích còn giận nên không thèm tới thăm. Bà cũng giận, tuy nhiên bản năng của người làm mẹ đâu cho phép bà bỏ mặc con. Chân đau, tay đau, đầu đau, thậm chí tim cũng đau buốt nhưng bà vẫn bất chấp chạy đi thăm nó. Bà định chỉ tới ngó xíu rồi về, nhưng thấy con thảm quá bà lại xót ruột lao vào dỗ dành:
– Nín đi con…nín đi…còn có mẹ ở đây mà…
– Mẹ…mẹ nhận ra con rồi à? Mẹ ơi con sai rồi…mẹ ơi con là thằng đàn ông thất bại mẹ ạ…
Anh Hoàng oà khóc, mẹ Hoà ôm anh vào lòng, vừa xoa xoa lưng cho anh mẹ vừa bảo:
– Không sao con, sai ở đâu thì sửa ở đó. Con dù có là thằng đàn ông thất bại thì con vẫn là con của mẹ.
Anh nằm trong lòng mẹ nức nở như một đứa trẻ. Những ngày khốn khó nhất trong cuộc đời anh thật may vẫn có mẹ ở bên. Còn có cả Thư nữa, cô ấy cao thượng bồng Hạt Đậu tới thăm ba khiến anh vừa cảm động vừa hổ thẹn. Chắc thấy tình cảnh của anh bi đát quá nên Thư không xua đuổi anh như trước, mẹ Hạt Đậu rủ anh lên trên núi sống. Thư nhờ bạn thân quản lý bệnh viện giùm, còn mình thì lặn lội tới vùng sâu vùng xa chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Cô ấy nói muốn làm phúc trả nghiệp.
Khi sức khoẻ khá khẩm hơn một chút, anh xin bác sĩ xuất viện để đi theo Thư. Bọn anh ở hai ngôi nhà sàn gần nhau. Anh giờ chỉ là một thằng già mắt mờ lưng đau nghèo rớt mùng tơi, lòng sĩ diện bị chà đạp nặng nề thành ra chẳng đủ tự tin tán tỉnh Thư. Thi thoảng thấy trai bản thả thính cô ấy lòng anh nẫu nề ghê lắm. Đã có những đêm anh trằn trọc vì nuối tiếc quá khứ huy hoàng, đã có những khoảnh khắc anh nghĩ tiêu cực, nhưng hễ nhìn thấy Hạt Đậu anh lại có thêm động lực. Chí ít anh cũng là một người cha, cho dù anh không thể khiến con tự hào về mình thì chí ít anh cũng nên sống thật tốt để che chở bảo vệ cho bé. Để tránh mất ngủ, ban ngày anh rất tích cực lao động, hi vọng tới chập tối người ngợm rã rời đặt lưng xuống là vào giấc luôn. Anh giúp Thư lên núi hái thuốc, trong lúc Thư chữa bệnh thì anh chơi với con, cho lợn cho gà ăn, thổi cơm, nấu canh, quét vườn. Cuối tuần anh xin phép Thư đem Hạt Đậu về thăm mẹ. Bà Hoà gặp cháu khóc tu tu, khóc từ lúc gặp tới lúc hai cha con nó ôm nhau ra ngoài cổng chuẩn bị rời khỏi. Bà nức nở khuyên anh:
– Về nhà đi con, rồi mẹ dắt con sang xin lỗi chú dì, năn nỉ chú dì sắp xếp cho con một công việc mới.
– Thôi mẹ ạ, bây giờ ba Thuận còn chưa thèm nhìn mặt con thì chú dì sao đã nguôi ngoai được?
Anh Hoàng thở dài hỏi mẹ, nãy giờ anh mới đứng ngoài cổng có vài phút thôi mà biết bao nhiêu người đi qua nhìn anh đầy khinh bỉ. Cảm giác bị coi thường thực sự rất nhục nhã, sống trong một khu phố mà tất cả mọi người đều kỳ thị mình, anh chịu không nổi. Anh buồn buồn chào tạm biệt mẹ rồi ôm con về núi. Ruột gan bà Hoà nẫu nề tê tái, bà thẫn thờ đi lại loanh quanh trong ngõ, tình cờ nghe tiếng dì Kỷ và Hoài cười đùa vui vẻ bà càng thêm u uất. Nếu như bà không cay nghiệt, không bắt ép Hoàng gửi con trai chỗ khác thì phải chăng bây giờ Hoài vẫn là con dâu bà? Nhớ những ngày tháng được con bé đèo xe máy vi vu khắp phố, được nó bóp chân bóp tay, chăm sóc tận tình bà thấy sao chua chát?
– Mẹ…đừng cù con nữa…con mách Niệm đó…
Hoài khẩn khoản cầu xin, dì Kỷ mắng:
– Lần sau con còn dám trêu mẹ với chú hàng xóm nữa không? Mẹ đã bảo mẹ hận ông ta rồi mà.
– Còn hận nghĩa là còn thương đó mẹ. Mẹ xem thế nào tha thứ cho chú ấy để Hạt Mầm được ra đời trong tình yêu thương của ông nội nữa.
– Tưởng gì chứ muốn được ông nội yêu thương thì dễ ợt, mẹ chị già vậy thôi chứ đầy người tán. Chiều qua đi ra công viên chạy bộ có hai ông xin số mẹ còn gì?
– Ôi hai ông đó mang tiếng ít tuổi hơn chú nhưng làm sao mà phong độ bằng chú. Chú nhà bên tuy tóc có vài sợi bạc nhưng chăm tập võ nên người ngợm nom vẫn ngon như trai trẻ, thời buổi này kiếm đâu ra hả mẹ?
– Người ngon nhưng nhân cách thối tha thì vứt.
Không chỉ bà Hoà nẫu nề, ông Nhất nghe mấy lời đó cũng tê tái ruột gan. Xem ra ông đã sai lầm khi nhờ vả Hoài nịnh nọt bà Kỷ. Nó chỉ được cái to mồm thôi chứ làm gì có mưu. Có vẻ như ông phải lợi dụng thằng nghịch tử kia rồi. Ông bực bội gọi thằng nhỏ về nhà ra điều kiện:
– Anh giúp ba hàn gắn với mẹ, ba sẽ ra mặt chấp nhận anh và Hoài. Chỉ cần ba nói một tiếng thì đảm bảo người trong họ không ai dám phản đối.
Dương Nhất Niệm nhìn thái độ kiêu chảnh của ba mình chợt nổi máu hiếu thắng, cậu thản nhiên bảo:
– Con nghĩ bây giờ người làm chủ cuộc chơi không phải là ba đâu, ba không có quyền ra điều kiện ở đây.
Ông Nhất tức nghẹn nhưng vẫn phải kiềm xuống.
– Nói đi, anh muốn gì?
– Trước khi Hoài sinh em bé con muốn có một lễ ăn hỏi hoành tráng và trang trọng nhất. Con muốn ba và các bác trong họ Dương mang sính lễ về quê xin phép ba mẹ Hoài gả con gái cho con. Cả cuộc đời chỉ có mỗi một lần lấy vợ nên con hi vọng mọi nghi lễ sẽ được thực hiện cẩn thận, chỉn chu nhất có thể. Ba làm nổi không?
– Anh thách thức tôi đấy hả?
– Ba không làm được cũng không sao. Có vài ông đang tia mẹ dữ lắm, con sẽ chọn một ông để tổ chức đám cưới cho mẹ trước, sau đó nhờ ông ấy làm thay phận sự của ba.
– Thằng khốn nạn, anh xàm ngôn nó vừa thôi.
Ông Nhất điên người ném cái chén, thằng nghịch tử tránh được, chén đập vào tường rồi rơi xuống đất vỡ choang. Con trai ông vênh váo đứng dậy, mặc dù rất mất mặt nhưng kèo này ông không thể không nhận thua:
– Được rồi, như ý anh muốn. Nhưng tôi cũng cần mẹ anh sớm qua đây ngủ bàn việc ăn hỏi với tôi.
– Nhất trí.
Dương Nhất Niệm gật đầu rồi hứng khởi phi qua hàng rào gỗ về nhà bên. Chị Hoài thấy ba Hạt Mầm vui vẻ lạ thường liền tò mò hỏi han. Niệm bảo tới tối sẽ kể chuyện hay cho chị nghe hại chị cứ háo hức mãi. Tối đi mua sắm với mẹ Kỷ về chị ngay lập tức lao vào phòng hạnh hoẹ Niệm:
– Niệm…có chuyện gì mau nói đi…
Hình như Niệm ngủ rồi hay sao, thấy nằm im lìm. Gọi mãi không được, chị hoảng quá lay cậu.
– Niệm…ơ…Niệm ơi…Niệm…sao vậy?
– Niệm…Niệm nghe chị gọi không?
– Niệm! Niệm bị đau đầu à? Vì đau đầu nên mới đi ngủ sớm? Hay Niệm đùa? Đừng đùa, chị không thích đâu.
– Niệm, dậy đi Niệm, Niệm phải khoẻ mạnh để làm ba Hạt Mầm, làm chồng chị nữa chứ?
Dương Nhất Niệm dường như chỉ đợi câu đó, cậu ngay lập tức thôi làm màu, tươi cười bật dậy mè nheo:
– Chưa chi đã nhận người ta làm chồng rồi cơ à?
Ôi nhục! Chị lại bị Niệm chơi cho một vố rồi! Làm gì có chuyện gì hay ho đâu? Chỉ có thằng láo toét tính kế lừa chị thôi. Nó còn nở nụ cười rõ đẹp trai rồi ôm ôm thơm thơm hại lòng chị mềm nhũn. Thương thằng bé này lắm ý, ở với người nóng tính như chị chịu bao nhiêu ấm ức. Cứ nghĩ tới cái đợt mình sồn sồn lên trách hờn vụ tai nạn năm xưa khiến bệnh đau đầu của người ta tái phát chị lại buốt ruột. Thật may ba Hùng nhớ lại được sự việc năm đó, nếu không chắc cả đời này Niệm của chị bị mang tiếng oan mất. Xót Niệm nên chị không trách cậu tội làm màu, chỉ hiền hiền thừa nhận:
– Ừ, đây muốn đấy làm chồng đây, được không?
– Có được tính là cầu hôn không?
Niệm dè dặt hỏi, chị phì cười đáp:
– Có. Chị Hoài đang cầu hôn Niệm đó, Niệm có đồng ý lấy chị không Niệm?
Hạt Mầm ơi con nghe thấy chưa? Mẹ đang cầu hôn ba đấy! Ba đã bảo rồi mà, mình phải hết sức tự tin, bình tĩnh để giành chiến thắng. Ba tính sau khi được mẹ cầu hôn ba sẽ giả bộ kiêu căng bảo thôi có con với nhau rồi thì cũng đành lấy nhau vậy, nhưng chẳng hiểu sao đối diện với ánh mắt long lanh của mẹ ba lại xúc động khó tả? Chẳng hiểu sao mắt ba cũng rơm rớm theo? Tim ba đập loạn, ba không tài nào có thể thốt ra những lời trêu chọc mẹ con như đã chuẩn bị sẵn. Ba chỉ có thể thơm lên vành tai mẹ, nghèn nghẹn bảo:
– Đây đồng ý! Mình cưới nhau thôi đấy!
– Ơ thế thôi á? Tưởng đấy phải chảnh thêm xíu nữa chứ? Ơ thế…thế là…cưới…thật á?
Ai đó ấp úng hỏi lại, ai đó khẳng định chắc nịch:
– Ừ, cưới thật.
– Thật sự luôn?
– Thật chứ đùa à? Lấy nhau luôn đi thôi chứ còn chần chờ gì nữa? Làm vợ làm chồng của nhau cho nó sướng.
– Công nhận, nghĩ cũng sương sướng thật. Cơ mà đang bầu, mặc váy cưới không đẹp.
– Thì cứ đăng ký kết hôn trước.
– Xi, đấy định dùng cái giấy đó để trói chặt cuộc đời của bà già này chứ gì? Biết thừa.
– Ừ, đây thừa nhận. Nhưng mà đây trói được bà già lãi hơn hay đấy trói được trai trẻ lãi hơn nhờ?
Tất nhiên là chị Phạm Thu Hoài lãi hơn cậu bé Dương Nhất Niệm rồi. Hai người nhìn nhau tủm tỉm cười, hí hửng rúc vào nhau đi ngủ rõ sớm. Sáng hôm sau chị tỉnh giấc đã thấy Niệm đang cầm đầy đủ giấy tờ của hai đứa. Cái thằng này chả nhắn mẹ Quỳnh gửi giấy tờ lên từ lâu rồi, muốn làm chồng chị bỏ xừ đi được mà còn giả bộ lừa chị cầu hôn trước. Đểu ghê! Miệng chị bảo ghét cậu nhưng mặt vẫn tươi roi rói đi đăng ký kết hôn. Tối đó mẹ Kỷ đích thân làm bánh ngọt chúc mừng các con. Mẹ cười rất nhiều, nhưng cậu để ý đôi mắt mẹ vẫn có nét buồn thoang thoảng. Tuy thường ngày mẹ hay mắng ba nhưng cậu biết tận sâu trong thâm tâm mẹ vẫn thương ba tha thiết. Tầm mười rưỡi khi Hoài đã ngủ, cậu ghé qua phòng mẹ xin phép:
– Con muốn tổ chức lễ ăn hỏi trước khi Hoài sinh Hạt Mầm mẹ ạ. Mẹ đồng ý nhé!
– Ừ, mẹ sẽ chuẩn bị sính lễ cho con. Nhưng mà con phải báo với ba Nhất một tiếng cho phải phép nhé! Ăn hỏi mà không có ba nhà gái họ cười cho đấy.
– Ai cười kệ họ hở mười cái răng, con không bảo đâu, mẹ thích thì mẹ đi mà bảo.
Có ông con cố ý tuyên bố đầy bướng bỉnh rồi bỏ về phòng. Bà Kỷ tất nhiên có cái sự kiêu hãnh của đàn bà, nhưng so với hạnh phúc của con thì nó cũng chẳng thấm vào đâu. Con từ khi trưởng thành đã tự mình vùng vẫy ngoài biển lớn, lâu lắm mới có dịp nhờ đến ba mẹ, bà sao có thể để chuyện của người già làm ảnh hưởng tới ngày vui của tụi trẻ? Bà vội búi lại tóc rồi hối hả chạy sang nhà hàng xóm.
– Sao nhà cửa âm u ảm đạm vậy? Ông đâu rồi?
– Dạ ông chán đời nên ông không cấm không cho tụi con nói to với mở tivi xem bà ạ.
Con Giang thì thụt đáp, bà Kỷ đi vào bếp kiểm tra thì thấy mâm cơm vẫn còn nguyên. Bà sốt ruột lên gác, ông Nhất đang nằm lủi thủi ở một góc giường, trên đó bày la liệt hình siêu âm của cu cậu Hạt Mầm, chắc ông lại lén tới bệnh viện Nhất Kỷ xin hình rồi. Ông già mất nết bên ngoài cứng đầu cứng cổ nhưng bên trong thì dễ bị tự ái lắm. Cũng tại bà, suốt một thời gian dài mắng chửi ông, doạ nạt sẽ bỏ ông, còn chọc tức ông bằng cách so sánh với ông Tám. Nếu ông Nhất mà là khôn lỏi như ông Tám chắc ông rước vợ bé về hí húi với nhau từ lâu rồi, cơ mà chồng bà tính cách bộc trực nên hôm nào cũng nhắn tin nỉ non xin bà tha thứ. Bà kiêu chả thèm trả lời, nhưng hễ tối nào chưa nhận được tin nhắn của ông thì bà lại lo, lo ông phải đi tiếp khách về khuya, lo ông mải công việc quên chăm sóc bản thân. Bà thở dài ngồi xuống mép giường, cầm một tấm hình ngắm nghía, trìu mến bảo:
– Cưng quá! Cháu trai nhà tôi đấy!
– Vâng, hẳn là cháu “nhà bà”.
Giọng ông hơi dỗi, bà phì cười kể lể:
– Thằng bé được mẹ nó đặt cho cái tên rất hay, tên bắt đầu bằng chữ N, ông đoán được là gì không?
– Tôi đâu cần đoán, ban tối mấy người nhà bà ăn liên hoan với nhau cười nói rúc rích, cái mồm con Hoài bô bô tên thằng nhỏ khéo cả xóm biết chứ đâu riêng mình tôi?
– Vậy hả? Tôi tưởng ông không để ý? Lúc đấy ngó sang thấy ông đang ngồi trong vườn viết viết cái gì đó mà.
– À, tôi viết di chúc. Kỷ có muốn đọc không?
Tất nhiên là bà muốn rồi, bà tò mò muốn biết rốt cuộc lão già mất nết để lại tài sản cho ai? Bà đeo kính lão rồi ngấu nghiến đọc tập giấy ông đưa. Xem chừng bà hiểu nhầm ông rồi, đâu phải ông không để lại cho Niệm một xu nào đâu? Con trai bà được ba cho toà nhà hai lăm tầng là trụ sở của NIEM Group bây giờ và mấy miếng đất ở ngoại thành, con dâu bà được toàn quyền điều hành nhà máy dệt Nhất Kỷ. Người thứ ba, cũng chính là người cuối cùng được ông nhắc tới trong bản di chúc, sẽ kế thừa gần như toàn bộ tài sản của ông, đồng thời sẽ là người thay ông gánh vác Nhất Kỷ sau khi ông về hưu. Tên của người đó là:
“Dương Tất Niệm.”
Bà Kỷ tươi cười hớn hở. Tốt quá rồi! Bà sẽ rất bực nếu như tài sản của chồng mình bị đem ra ngoài phân phát cho đứa con rơi con vãi nào đó. Ông Nhất tủm tỉm trêu bà:
– Đấy nhá! Cho cháu bà hết.
– Gớm, làm như mình cháu tôi không bằng.
Bà phản bác, ông chau mày hỏi:
– Thì bà chả luôn mồm nhận cháu bà còn gì?
– Giận thì nói chơi chơi vậy thôi chứ cháu của ông nữa mà. Có điều…Niệm con gánh vác Nhất Kỷ cho ông thì sau này ai gánh vác NIEM Group cho Niệm ba?
– Đấy đâu phải việc của tôi đâu Kỷ? Kệ thằng ba nó chứ. Chúng nó thích thì đẻ thêm đứa nữa mà rèn giũa, còn đứa này là của tôi rồi, đừng ai hòng mà tranh với tôi.
Ông Nhất nói chuyện ngang như cua. Thực ra tài sản đứng tên bà Kỷ cũng đủ để bà tiêu dư dả cả đời, nhưng bà vẫn lườm ông một cái rõ dài rồi trách móc:
– Vợ chồng đầu gối tay ấp với nhau bao nhiêu năm mà trong bản di chúc chả thèm nhắc tới con vợ này.
– Ới giời cái bà già lẩm cẩm, để lại tiền cho bà để bà đem sang chỗ thằng Tám đú đởn hả? Thằng Nhất này đầu bạc chứ không phải đầu bã đậu nhé, còn minh mẫn lắm.
Bà Kỷ nghe chồng lý sự cười ngặt nghẽo. Đêm đó bà ở lại xúc cho ông ăn ba bát cơm ngon lành rồi cùng nhau bàn bạc việc ăn hỏi của con trai. Xong xuôi ông Nhất chủ động gọi điện cho nhà gái để ấn định ngày, vì Hoài chửa to rồi nên gia đình hai bên đều nhất trí tổ chức vào thứ bảy tuần kế tiếp để bà bầu có thời gian thảnh thơi trước khi đi đẻ.
Rất may là mọi thứ diễn ra hết sức thuận lợi, sáng thứ tư chị Hoài về quê với ba Hùng mẹ Quỳnh, Niệm thì tất nhiên là phải ở trên thành phố để thứ bảy còn về hỏi cưới chị rồi. Chị cứ đinh ninh gái một đời chồng như chị thì chắc đám hỏi sẽ tổ chức đơn giản gọn nhẹ thôi, không ngờ lại hoành tráng quá mức tưởng tượng. Riêng họ hàng nhà trai về quê chị đã là ba mươi xe, chưa kể còn xe của chú Nhất dì Kỷ, xe của Niệm và xe của bạn Niệm. Ngõ nhà chị chật quá nào có để vừa, bên nhà trai phải gửi hết ngoài sân vận động của xã. Cũng may mấy tháng trước chị gửi tiền về cho ba mẹ sửa nhà và mua thêm mảnh đất đằng sau để đổ đá vào xây lên thành cái sân chứ không thì chắc bữa nay không có chỗ ngồi mất. Mặc bộ váy màu đỏ tươi sánh đôi bên Niệm đi mời nước mọi người mà chị run run. Mọi thứ Niệm chuẩn bị cho chị đều chỉn chu, tỉ mỉ và hết sức nhiệt thành. Niệm càng quan tâm tới chị thì chị lại càng thương Niệm thiệt thòi. Nếu có thể, chị ước được quay ngược về quá khứ để lựa chọn lại, để từ đầu tới cuối trái tim và tâm hồn chị chỉ thuộc về một mình Niệm mà thôi. Niệm thấy chị tâm trạng thì đưa tay xuống đan tay chị, siết chặt rồi ghé tai chị thì thầm:
– Thương mà…
– Thương nhiều không?
Mắt chị rưng rưng, Niệm gian tà hỏi:
– Nhiều đấy ạ, có cần thể hiện ở đây luôn không?
Có đứa định sấn lấy hôn chị, trước mặt bao nhiêu quan khách họ hàng chị ngượng chín người, vội vã đẩy nó ra. Đó thực sự là một cuối tuần đáng nhớ với chị, thứ bảy được hỏi cưới rõ hoành tráng, chủ nhật thì nhận được thông báo đạt giải nhà thiết kế có những đóng góp nổi bật trong năm. Khoảnh khắc cầm cúp đứng trên bục phát biểu dành cho người chiến thắng, chị nghẹn ngào phát biểu:
– Em xin phép được tặng chiếc cúp này cho anh, người đàn ông của đời em. Thời gian mang bầu em chỉ coi vẽ vời là thú vui chứ không tới công ty mấy, nếu không có anh hiện thực hoá những bộ sưu tập trên trang giấy của em và đem đi phát hành thì hiện tại em sẽ chẳng đứng ở vị trí này.
Dương Nhất Niệm ngồi bên dưới nghe ai đó gọi “anh” xưng “em” tự dưng mặt mũi đỏ phừng phừng. Bà cô già đáng ghét, muốn xông lên cắn cho một cái quá đi mất. Ở hàng ghế đằng sau mấy ông có máu mặt chạc tuổi ông Nhất tài trợ cho chương trình tấm tắc khen ngợi:
– Năm nay nhà thiết kế còn đẹp hơn cả người mẫu ý nhỉ? Bầu mà vẫn đẹp, lại còn tài năng nữa. Anh nào vớ được cô này thì nhất chứ còn gì.
Ông Nhất nghe thấy bùi bùi tai liền kiêu ngạo bảo:
– Chả giấu gì các ông thằng vớ được cô này là thằng con trai tôi đấy.
– Thật á? Con ông chất chơi thế? Gái đẹp vậy chắc cua khổ lắm nhỉ? Tiền bao nuôi tốn kém không?
– Chả tốn đồng nào, con bé nó cứ lao vào con tôi ý chứ.
Mấy ông bên cạnh mắt tròn mắt dẹt trầm trồ thán phục, ông Nhất càng được thể ba hoa chém gió. Từ thuở thằng nghịch tử Niệm lọt lòng thì đây là có lẽ lần đầu tiên ông được khoe con. Người làm cha như ông chưa bao giờ thấy tự hào đến thế! Ông kể lể rất hăng say, kết thúc buổi lễ trao giải ông còn xưng ba với Hoài, hưng phấn rủ Hoài, Niệm và bà Kỷ qua xe ông để cả nhà đi ăn liên hoan. Vậy mà con nhỏ ngốc nghếch dám đáp rất khốn nạn:
– Dạ hay đấy chú, con cũng đang đói chú ạ.
Ông Nhất giận tím mặt, bà Kỷ chau mày hỏi:
– Sao con không gọi ba?
– Ơ con là con dâu của mẹ mà, mẹ đến với ai thì con gọi người đó là ba chứ, mắc chi gọi linh tinh.
Tuy Hoài thẳng tính không biết lấy lòng ông Nhất nhưng bà Kỷ vẫn thấy con bé dễ cưng. Ai kêu nó đứng về phía bà cơ chứ? Bà cười tủm, cơ mà thấy ông Nhất lủi thủi một thân một mình đi về phía chiếc xe màu đen bà lại thương thương, bà chạy lên nắm tay ông rồi quay đầu bảo Hoài:
– Mẹ đến với ông này. Con gọi ông ấy là ba nhé!
Ông Nhất sững sờ, cảm giác như người mình có một dòng điện nho nhỏ chạy từ tay đến tim. Lâu lắm rồi mới được nắm tay Kỷ, ông run quá. Kỷ lấy khăn mùi soa lau mồ hôi trên trán cho ông. Cũng nhờ con Hoài mất dạy mà Kỷ thương ông trở lại, ông chẳng thèm chấp nó nữa, chỉ cười cười nắm tay Kỷ chặt hơn rồi hắng giọng bảo:
– Nghe thấy mẹ nói gì chưa?
– Dạ con nghe rồi, thưa ba.
Giọng chị Hoài ngọt xớt, chắc Niệm thấy chị dễ ghét quá nên bẹo má rõ đau. Ăn khuya xong Niệm đanh đá bắt chị đi bộ về. Hồi chị còn ở căn nhà ven biển bác sĩ từng khuyên nên đẻ mổ, nhưng vì nguyện vọng của chị là được đẻ thường nên từ đó ngày nào Niệm cũng canh chừng chế độ dinh dưỡng của chị và ép chị tập thể dục đều đặn. Nhờ vậy mà sức khoẻ của chị tương đối tốt, thai nhi cũng không tăng cân chóng mặt như đợt trước nên chị được bác sĩ cho phép đẻ thường. Thấm thoát cũng tới ngày Hạt Mầm đạp dữ dội đòi ra ngoài, Niệm thấy chị kêu gào thảm thiết mặt tái mét, còn chị, chẳng hiểu sao trước khi lên bàn đẻ lại bất an dặn dò:
– Niệm à…nếu như chị có làm sao thì Niệm thương Niệm con thay cho phần của chị nhé!
Khi đó Dương Nhất Niệm cũng bị mất bình tĩnh, cậu bực tức lườm chị rồi thẳng thừng tuyên bố:
– Đừng mơ, không có cái mùa xuân đó đâu. Đấy mà làm sao thì đây thề sẽ cưới về một cô vợ thật xinh đẹp và thật độc ác, để Niệm con của đấy trở thành cậu bé Lọ Lem, bất hạnh còn hơn cả trong truyện cổ tích.
Cái thằng thối tha, chẳng động viên bà đẻ được câu nào còn gây ức chế. Chị giận Niệm khủng khiếp, mặc kệ Niệm xin bác sĩ vào phòng đẻ cùng chị, chị cương quyết đuổi cậu ra ngoài. Chị không muốn nhìn thấy cái bản mặt khốn nạn đó. Chị sẽ chiến đấu một mình, dẫu cho đau đớn cỡ nào chị cũng sẽ cố gắng vượt qua, chị sẽ kiên cường để bảo vệ Hạt Mầm bé bỏng. Ban đầu khí thế của chị rõ hùng hồn, ấy thế nào mà chưa đầy chục phút sau chị đã hèn hạ kêu toáng lên:
– Niệm ơi Niệm chị đau quá! Niệm ơi!
Niệm nghe chị gọi liền hoảng hốt xông vào, được Niệm nắm tay, hôn trán, chị như được tiếp thêm sức mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sinh em bé. Khoảnh khắc được ôm thằng nhỏ trong lòng, chị xúc động tới trào nước mắt. Dương Tất Niệm của chị đó! Chữ Niệm được đặt theo tên cha bé, đứa trẻ này là món quà trân quý bù đắp những tiếc nuối trong thanh xuân của chị. Chữ Tất chỉ đơn giản là tất nhiên, Tất Niệm đối với chị có nghĩa là tất nhiên ghi nhớ những hoài niệm đẹp đẽ. Niệm con tuy mới sinh nhưng đã mũm mĩm ghê lắm rồi, da dẻ nõn nà sờ vào thích chết mê. Người nó dài dong dỏng giống ba và ông nội, từ ánh mắt tới từng đường nét trên gương mặt cũng y xì đúc ba và ông, giống tới nỗi mẹ Kỷ phải thốt lên:
– Hai mẹ con mình mang kiếp “đẻ thuê” Hoài ạ.
Chị Hoài phì cười, chẳng sao cả, đẻ thuê cũng được, miễn là chui ra từ bụng chị là được. Mong mỏi bao nhiêu năm mới có được mụn con nên từ khi em bé ra đời, cả thế giới của chị chỉ xoay quanh thằng nhỏ. Tiếc rằng, thế giới của nó lại chẳng xoay quanh chị. Nó lười như một thằng hủi, lười dỗi hờn, lười khóc lóc, lười hóng chuyện, chỉ chăm bú sữa và ngủ khì khì như lợn thôi. Khi thằng bé được sáu tháng tuổi, thấy nó béo lú ra rồi nên chị chẳng thèm xót con đói nữa. Có lần chị vắt sữa ra bình rồi hươ hươ trước mặt nó trêu ngươi, muốn nó phải oe oe xin xỏ chị. Cơ mà thằng tó con mất nết nhất định không chịu kêu gào như những đứa trẻ bình thường, nó lì lợm ngủ luôn. Đợi tới lúc ông nội đi làm về nó mới bặm môi, dùng ánh mắt long lanh hết sức đáng thương liếc ông. Ông xót cháu quát ầm ĩ:
– Hai anh chị lại chọc bảo bối của tôi phải không? Không nuôi được thì để tôi nuôi, bày đặt ăn hiếp thằng bé.
Dưới cơn thịnh nộ của ba chồng, chị Hoài đành phải giao ra bình sữa. Niệm con nằm trong lòng ông mút sữa thun thút, ông đón nó về phòng ông bà chơi nó cũng chẳng thèm rơm rớm liếc mẹ hại chị buồn nẫu ruột.
– Bị nghiệp quật thích nhỉ đấy nhỉ? Ai kêu lạnh nhạt với đây cho lắm vào!
Nghe Niệm ba trách móc chị tự nhận thấy nửa năm nay mình sai quá, mải mê thằng con bỏ bê thằng ba. Chị lao tới sà vào lòng Niệm, chủ động ôm hôn đền bù. Niệm bị chị mân mê một hồi cục tức trong lòng cũng tan đi, tủm tỉm lật người đặt chị nằm bên dưới. Niệm thơm trán chị, khéo léo lột bỏ mảnh vải lụa màu hồng nhạt rồi nhiệt tình đưa yêu thương gửi gắm vào nơi sâu thẳm trong chị. Cả người chị bột bạt, bấp bênh như bị cuốn theo những cơn sóng dữ dội, chị cố gắng bấu víu vào bờ vai rắn rỏi của Niệm, tuy nhiên có đôi khi chị vẫn cảm thấy rã rời như thể bị những cơn sóng kia nhấn chìm. Trong lúc mất kiểm soát, móng tay chị vô tình sượt mạnh qua lưng Niệm để lại một vài vết cào đỏ thẫm nhưng Niệm không mắng chị, chỉ hiền hiền nằm xuống bên cạnh vỗ về chị, cho chị một khoảng thời gian đủ dài để thư giãn. Những lúc như thế chị thường khép mắt cảm nhận hơi thở tươi mát của Niệm phả vào má mình, còn Niệm thì hay rúc vào chị, trìu mến hôn lên những giọt mồ hôi rịn ra trên phần da dẻ mịn màng. Sau những nụ hôn cuồng nhiệt Niệm thường bảo:
– Thích mùi của đấy.
– Còn đây thì thích tất cả mọi thứ thuộc về đấy.
Chị thản nhiên thổ lộ, Niệm kích động ngậm lấy một mảng da của chị, mút vào thật sâu tạo thành vết yêu đỏ rực. Chị ghê gớm trườn lên người Niệm, trả lại Niệm gấp năm gấp bảy. Niệm giả bộ bị chị đàn áp rồi lừa lúc chị không để ý bất ngờ tấn công chị mãnh liệt. Tuy thua thảm hại nhưng chị chẳng hề thấy chạnh lòng, bởi chị thích cảm giác được hoà quyện với Niệm, được bao bọc Niệm, yêu thương Niệm, và thích nghe những lời thủ thỉ ngọt ngào của Niệm khi hai người đang chìm đắm trong hạnh phúc:
– Mình cưới đi đấy!
– Ừ, cưới thôi. Cơ mà cho đây thời gian nhé, đây muốn tự thiết kế đồ cưới cho gia đình mình.
Chị đề nghị, Niệm đồng ý, vừa gật đầu xong liền dán môi vào nụ hồng nhỏ, tiếp tục âu yếm chị. Chị luồn tay qua tóc Niệm rồi khẽ cù cù vào gáy Niệm trêu ghẹo. Đêm đó chị và Niệm đùa nhau mãi, tới khi trời hưng hửng sáng vẫn cứ ôm nhau cười ngặt nghẽo. Những đêm sau đó bọn chị bắt đầu bận rộn hơn, Niệm bận lên kế hoạch cho đám cưới, chị bận nghĩ ý tưởng thiết kế trang phục. Vì là sự kiện trọng đại nên chị rất khó tính với các thiết kế của mình, phải đến khi Dương Tất Niệm tròn một tuổi hai người mới chính thức tổ chức lễ cưới. Ngày vui của chị sẽ hết sức trọn vẹn nếu như con bé Hằng không rẽ qua phòng trang điểm thổ lộ:
– Tuy ngày xưa cậu Niệm thích con nhưng đó đã là chuyện của quá khứ rồi, cô phải hạnh phúc nhé!
Nó vừa dứt lời thì Hoài Đan thêm nếm:
– Em không rõ chuyện của Niệm và Hằng là như nào, nhưng em cũng muốn thú nhận với chị là Niệm đã từng thương thầm em suốt nhiều năm trời cơ mà không đủ can đảm để mở lời. Tuy nhiên bây giờ em toàn tâm toàn ý yêu thương chồng con em, cho dù Niệm muốn ngoại tình em cũng sẽ không bao giờ tán thành, chị an tâm nhé!
Cô Bích nghe hai bà tám sặc mùi dưa bở, nhưng vì thích trêu chị Hoài nên cô e hèm lên tiếng:
– Thực ra hồi xưa anh Niệm cũng từng yêu em say đắm lắm đấy chị Hoài ạ, nhưng chắc tại em có con với anh Bách nên anh Niệm rút lui.
Chị Hoài nghe chuyện cay không tả nổi, chị đuổi mọi người ra ngoài hết, một mình ngồi trong phòng ứa nước mắt vì uất. Một người nói còn có thể xem xét chứ cả ba người cùng tố cáo thì nhất định là thằng Niệm nhà chị có vấn đề. Chắc chắn là lỗi ở nó rồi, không thích người ta thì cũng phải thể hiện rõ thái độ chứ, đằng này cứ im lặng gây hiểu nhầm là sao? Mà có khi nó chẳng im như chị tưởng đâu, có khi nó thả thính ngút trời ý chứ. Thằng mất nết! Chị điên người gọi điện cho Niệm, tức tưởi gào ầm lên:
– Huỷ hôn. Không cưới xin gì nữa.
Chú rể của chị thấy cô dâu nổi cơn khùng liền ôm thằng con vào tìm mẹ. Chẳng hiểu có chuyện gì xảy ra mà vừa gặp người ta cậu đã bị ăn chửi:
– Loại nhăng nhít chả ra gì, đây không thèm lấy đấy nữa. Đây sẽ đi cưới thằng khác. Đây đầy trai trẻ thích nhé, đầy thằng muốn quỳ xuống cầu xin đây cưới nó, tốt gấp vạn lần đằng ấy lừa đây cầu hôn.
Cậu ban đầu cũng dùng lời ngon tiếng ngọt để dỗ dành mẹ em bé nhưng sau do chị làm căng quá, chửi bới điên loạn nên cậu đành phải nghiêm giọng:
– Đây cho đấy ba mươi phút để bước ra ngoài, chậm một giây thì cứ việc theo thằng khác, cả đời cũng đừng mong gặp lại thằng cu này.
Niệm ba liếc về phía Niệm con rồi đủng đỉnh ôm nó bỏ đi. Niệm con thì chỉ mải ăn thôi, mẹ Hoài gọi khản cả cổ nó cũng chẳng thèm khóc lóc đòi theo mẹ. Tay nó giữ khư khư bình sữa nhỏ xinh, cái miệng nó chóp cha chóp chép mút lấy mút để, mút no nê xong liền trả lại chiếc bình rỗng cho ba, ngáp ngắn ngáp dài áp kiểu rất phớt đời rồi lười biếng áp mặt vào vai ba lim da lim dim. Chị giận muốn nổi khùng, cơ mà chị biết Niệm nói được làm được, còn chị thì mong mãi mới được mụn con, chị xa nó không nổi. Thế nên chưa đầy hai lăm phút sau chị đã váy áo xúng xính khoác tay ba Hùng bước vào lễ đường đầy nắng và gió. Nắng chói chang nhuộm vàng bãi cát dài óng ánh, gió biển mằn mặn, những chùm tử đằng biêng biếc tím tha thướt rủ xuống chạm qua mái tóc tết kiểu nàng tiên cá điểm xuyết những đoá hoa baby trắng ngần. Tiếng đàn dương cầm nhè nhẹ vang lên hoà tấu với tiếng chim hải âu nghe vui tai ghê lắm. Niệm con đang ngủ khì khì trong vòng tay ông nội, mẹ Kỷ trông thấy chị bước ra liền nở nụ cười trìu mến, mẹ Quỳnh ngược lại khóc như mưa. Chị nom mẹ xúc động mắt cũng đỏ hoe theo. Chú rể của chị thấy cô dâu nghẹn ngào nức nở, cứ ương bướng đứng nguyên một chỗ nhất định không chịu buông tay ba để nắm lấy tay cậu liền phì cười lôi ra trong túi áo mẩu giấy hẹn ước của hai đứa, nhờ Bách đọc cho tất cả mọi người cùng nghe.
“Ngày này của mười hai năm sau, ai nghèo hơn người đó làm chó. Không tính tài sản kế thừa. P/S: Phạm Thu Hoài & Dương Nhất Niệm.”
Bách đúng kiểu hài hước, còn triệt để nhấn mạnh vào chữ “chó” làm họ hàng hai bên cười sặc. Dương Nhất Niệm bấy giờ mới trịnh trọng quỳ xuống, run run mở lời:
– Thưa chị Hoài hâm, anh lừa chị nói thích anh không có nghĩa là anh sẽ không nói thích chị. Anh lừa chị cầu hôn anh cũng không có nghĩa là anh sẽ không cầu hôn chị. Bà chị hay dỗi hay hờn của anh…lấy anh nhé! Nếu như chị không đồng ý thì nguy cơ chị phải làm chó là rất cao đấy.
Ai đó dốc hết ruột hết gan ra thổ lộ cộng thêm chút doạ nạt ở câu cuối nên cũng có chút hiệu quả, cô dâu của cậu gạt nước mắt, mếu máo hỏi lại:
– Thế nếu đồng ý thì sao?
– Thì anh làm chó chứ sao? Từ nay thân trai dặm trường và tài sản của anh xin được phép gửi gắm nơi chị, còn gì nữa đâu mà đòi giàu hơn chị?
Cậu nhanh chóng chớp thời cơ nói lời đường mật, chị thấy cậu nhận thua liền thích chí gật đầu cái rụp. Ông Hùng lui xuống dưới ngồi bên bà Quỳnh, chị Hoài bẽn lẽn đưa tay để chú rể đeo nhẫn. Đến lượt mình, sau khi đeo nhẫn cho Niệm xong chị giật mic của Bách, bạo gan hét lớn:
– Dương. Nhất. Niệm. Chị yêu anh. Hoài yêu Niệm. Mẹ Hạt Mầm yêu ba Hạt Mầm. Đây yêu đấy. Vợ yêu chồng…Và cuối cùng…EM. YÊU. ANH!!! EM MÃI YÊU ANH!!!
Lần này thì đến lượt chú rể của chị chảy nước mắt, sau một khoảng lặng nhỏ Niệm mới lấy lại được bình tĩnh, người ta thơm má chị rồi thủ thỉ chỉ đủ mình chị nghe:
– Còn anh sẽ luôn bên em.
Chị cười ngất ngây. Gương mặt cậu cũng tràn ngập nắng ấm. Cậu cúi xuống hôn nhẹ lên môi chị. Chị thẹn thùng đáp lại nụ hôn của cậu. Ở phía dưới có người cười tủm tỉm, có người khóc thút thít, chỉ riêng Dương Tất Niệm không cười cũng chẳng khóc, vì bé còn đang bận ngái ngủ.
Năm Dương Tất Niệm hai tuổi, Dương Nhất Quang chào đời. Đó là một cậu em trai hết sức đáng yêu, ngoan ngoãn, lễ phép và đặc biệt không bao giờ tranh ăn với anh trai. Dương Tất Niệm vô cùng hài lòng về người em này.
Năm Dương Tất Niệm mười một tuổi, ba mẹ cậu tổ chức lễ kỷ niệm mười năm ngày cưới. Năm đó Dương Nhất Quang đem tấm huy chương vàng môn cờ vua đến bữa tiệc làm quà mừng. Dương Tất Niệm lẳng lặng quẳng tấm huy chương bạc trong tay mình vào thùng rác rồi xông tới bàn tiệc búp phê gắp đầy một đĩa đem vào góc khuất ngồi một mình ăn ngấu ăn nghiến.
Năm Dương Tất Niệm hai mươi mốt tuổi, ba mẹ cậu tổ chức lễ kỷ niệm hai mươi năm ngày cưới. Tại bữa tiệc, Dương Nhất Niệm thông báo với các thành viên trong hội đồng quản trị về việc muốn bổ nhiệm Dương Tất Niệm trở thành CEO của NIEM Group. Bởi vì Dương Tất Niệm đã được lựa chọn là người kế thừa của Nhất Kỷ nên ông nội một mực phản đối quyết định của ba cậu. Dương Tất Niệm nghe theo lời ông nhường lại vị trí ba đề xuất cho em trai.
Năm Dương Tất Niệm hai mươi tư tuổi, sức khoẻ của mẹ cậu không được tốt như những năm trước. Mẹ bệnh liên miên, tuy đã được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt nhưng cơ thể mẹ vẫn ngày một suy kiệt trầm trọng. Đến một ngày mùa thu tháng tám, mẹ bị bệnh viện trả về. Có vẻ cũng biết thể trạng của mình nên tâm thế mẹ khá nhẹ nhàng, mẹ dặn dò mọi người đôi ba câu rồi kêu anh em cậu ra ngoài gọi ba vào cho mẹ. Ba cậu khi đó cũng đang vật lộn với cơn đau đầu dữ dội, nhưng nghe bọn cậu gọi ba vẫn cố bình tĩnh nói:
– Bảo mẹ nghỉ ngơi đi, sáng mai ba sẽ dẫn mẹ về quê đi dạo quanh bờ biển.
Dương Tất Niệm chạy vào chuyển lời, mẹ cậu nghe xong liền cười khổ. Mẹ mắng ba:
– Đồ con nít.
Nhưng rồi mẹ vẫn lấy ra tấm ảnh trong túi áo, run run nhờ các con thay mẹ gửi tới ba. Ba sau khi xem xong vẫn không hề nhúc nhích. Dương Nhất Quang xót xa nài nỉ:
– Ba đừng cố chấp nữa, mẹ rất yếu rồi ba à. Ba gặp mẹ lần cuối đi ba.
– Không gặp! Kêu mẹ không khoẻ lại thì đừng mong gặp ba!
Có lẽ ba hi vọng vào phép màu, nhưng tiếc rằng phép màu đã không xảy ra. Và ba cũng chẳng giữ lời, đêm đó mẹ thực sự không khoẻ lại được, nhưng ba vẫn vào gặp mẹ. Mi mắt mẹ đã khép lại từ lâu, mẹ cũng chẳng thể nói chuyện được nữa, chỉ có tiếng ba hậm hực mỉa mai:
– Đấy đùa à? Sao tay đấy lạnh vậy?
– Đấy tưởng thế này là hay hả?
– Nói cho đấy biết đây sẽ sống thật hạnh phúc để đấy phải hối tiếc, đây sẽ không thèm tới thăm đấy đâu…À không, chắc tầm năm năm sau đây sẽ bố thí cho đấy một buổi gặp gỡ để tuyên bố đây bằng tuổi đấy. Rồi mười năm sau nữa đây sẽ dắt một cô vợ xinh đẹp đến, vênh váo bảo rằng đấy giờ chỉ là đứa con nít kém đây năm tuổi.
Ba nói với vẻ rất đắc thắng, rất ghét mẹ nhưng vòng tay ba lại ôm mẹ rất chặt. Ba để mẹ tựa đầu vào lồng ngực ba, cảm giác giống như mẹ chỉ đang ngủ trong lòng ba vậy thôi. Anh em cậu bảo nhau ra ngoài để ba mẹ có không gian riêng. Sáng hôm sau Dương Tất Niệm là người dậy sớm nhất nhà. Vì biết rõ mỗi lần ba gặp căng thẳng căn bệnh đau đầu quái ác kia sẽ hoành hành nên cậu tìm thêm thuốc giảm đau để đem xuống phòng cho ba. Chỉ là…ba cậu cũng đã chìm sâu vào giấc nồng mùa thu cùng mẹ cậu. Khuôn mặt ba đầy tươi tắn và rạng rỡ, thật giống như khuôn mặt ba trong tấm ảnh cưới năm xưa của hai người mà ba đang cầm trong tay. Ở đằng sau tấm ảnh có dòng chữ nhỏ nhắn:
“Niệm,
Đừng buồn, rồi mình sẽ gặp nhau ở kiếp sống khác. Một kiếp sống mà ở nơi đó, từ đầu tới cuối Hoài sẽ chỉ là của Niệm…của riêng mình Niệm mà thôi. Đến lúc đó, mình sẽ cùng nhau viết lại thanh xuân, Niệm nhé!
P/S: Hẹn ngày tái sinh.
Hoainiemxanho – XaNiemHoainho.”
…
Hết.
05/2019
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!