Chị Em Thù Hận
Chương 5
Con ngựa đực hồng khụt khịt và bồn chồn cố tránh bàn tay nàng , nhưng Abbie cứ giữ nó lại và xoa vuốt má nó. Nàng cần có cớ đó để tránh nhìn Lane. Nàng không muốn ông ta thấy nước mắt đang dâng lên làm mắt nàng cay xè.
– Bác nhớ có ghé lại văn phòng ba cháu một hôm,- Ông tiếp tục kể.- Bấy giờ cháu có lẽ bốn năm tuổi gì đó. Dean đang ngồi đọc thư sau bàn giấy. Trên bàn có một tấm ảnh màu cuả một đứa bé gái, có cặp mắt xanh to và tóc đen để dài buộc lại thành đuôi ngựa thì phải. Nó mặc áo tắm, và đằng sau nó là cát. Đứa bé đứng đó mỉm cười rụt rè với cái máy ảnh đang chụp nó. Bác đã tưởng là cháu, và đã nói gì đó về cháu, thì Dean đính chính.
– Không phải ảnh của Abbie,- ba cháu nói,- đó là Rachel. Lạ quá nhỉ, hai đứa giống nhau như đúc?- Bác nhớ như đã cầm tấm ảnh lên, và Dean lấy lại ở tay bác và nhìn sững vào nó.- Và hai đứa sinh ra cùng một ngày nữa chứ!- ba cháu tiếp- Mỗi lần nhìn Abbie, tôi thấy Rachel. Gần như có cả hai đứa bên cạnh tôi suốt ngày. Khi tôi đi đây đi đó và làm việc này việc nọ với Abbie, tôi gần như có thể tin rằng Rachel cũng có đó.
Khi Lane ngừng một lát, Abbie có cảm giác ông đang nhìn nàng, có lẽ thấy sự giống nhau đáng ngạc nhiên ấy. Nàng mong rằng ông ta không chờ đợi nàng nói câu gì, vì nàng không thốt ra lời được. Các cơ ở cổ nàng bị co thắt lại làm nàng đau, cố nuốt còn không được.
sự im lặng đe dọa kéo dài, Abbie nhận thức rằng Lane để cho nàng lên tiếng phá tan nó.
– Còn mẹ cháu- bà khám phá ra được lúc nào? Về đứa con gái kia, cháu muốn nói.
– Bác không biết chắc, có lẽ vài năm sau khi cháu sinh ra. Dean đi California bao nhiêu chuyến, nên bà sinh nghi là ba cháu gặp lại Caroline. Khi bà truy hỏi ba cháu, thì ba cháu cho bà biết chuyện có Rachel. Ông nói nhiều hay it, bác không biết. Chỉ biết rằng ông hứa với Babs sẽ không bao giờ bỏ bà, tuy ông vẫn yêu Caroline say đắm, và có ý định đi thăm bà ấy và Rachel mỗi khi có dịp. Bác chắc rằng mẹ cháu không thích điều đó, nhưng bà đã chấp nhận tình trạng đó. Dù sao, bà cũng yêu ông tha thiết.- Lane ngừng mt lát, trán cau lại.- Nói vậy, bác không ngụ ý là Dean không yêu Babs chút nào. Ông quan tâm đến vợ rất nhiều.
– Nếu đó là sự thật, thì ông đã không muốn làm bà đau khổ thêm, trong lúc bà đã đau khổ. Cháu mong bác đồng ý rằng không có lý do gì để cho mẹ cháu thấy toàn thể nội dung cuả chúc thư, nếu có thể tránh được. Cháu nghĩ rằng bà đã đau khổ đủ lắm rồi. Với tư cách là người thi hành di chúc cuả ba cháu, ắt hẳn bác có thể sắp xếp được như vậy.
– Đến một mức độ nào thôi. Tuy nhiên, chúc thư phải đưa ra tòa án chứng thực. Nó sẽ trở thành một tài liệu công khai.
– Cháu hiểu,- nàng nói.
– Bác rất tiếc, Abbie ạ.
– Cháu biết. Ai cũng nói như vậy.- Nàng không tránh khỏi để lộ vẻ mỉa mai cay đắng. Nàng cảm thấy vậy.
– Abbie,- Lane nói,- bác mong rằng cháu có thể hiểu được ba cháu đã khổ sở biết chừng nào về mặt tình cảm và cảm xúc. Ông đã ở trong một thế hết sức lúng túng và đã giải quyết nó bằng cách tốt nhất mà ông có thệ làm được. Đó là mt điều rất tự nhiên trên thế gian này, một người cha luôn luôn muốn yêu thương và bảo vệ con mình, và che chở cho chúng khỏi bị đau khổ không cần thiết. Và cũng là điều rất tự nhiên, ông ta muốn để của lại cho chúng để dự phòng trường hợp có chuyện gì xảy đến cho ông.
– Còn Caroline thì sao?- Abbie hỏi, bây giờ mới chợt nghĩ ra bà ta cũng có thể là một trong những người được hưởng tài sản cuả cha nàng để lại.
– Bà ta đã chết cách đây mấy năm- hình như vì chứng giãn động mạch.
Cách đây mấy năm.
– Cháu hiểu,- nàng chỉ nói được có thế. Mắt nàng nhòa lệ, trong khi nàng vuốt nhẹ cái mũi êm ái cuả con ngựa.- Cháu cám ơn bác đã thẳng thắn với cháu. Có lẽ bác nên vào nhà kẻo mẹ cháu bắt đầu đánh dấu hỏi chuyện gì đã giữ bác ở ngoài lâu như vậy.
– Cháu không vào à?
– Chút nữa.
Con ngựa giống cố bứt ra khỏi tay nàng một lần nữa, nhưng Abbie giữ nó cho đến khi Lane đã đi. Rồi nàng buông nó ra, và quan sát con ngựa mà cha nàng thích nhất ấy, trong khi nó phi nước đại quanh cái chuồng nhỏ và đứng dừng lại ở cuối chuồng để hí lên gọi mấy con ngựa cái đang ở trên đồng cỏ, thân hình bóng láng của nó rung rung vì chờ đợi. Nhưng tiếng kêu động tình không có hồi âm.
Abbie quay đi và rời khỏi sân dành cho ngựa giống nằm cạnh chuồng. Con ngựa cái lông xám hí lên khe khẽ với nàng, nhưng nàng đang quá đau khổ nên không để ý đến nó. Nước mắt muốn trào ra, nên nàng phải tìm một chỗ nào đẻ ở một mình và khóc cho hả.
Nàng tìm chỗ ẩn nấp trong ngôi nhà bao gồm một khu vực tiếp khách đến thăm viếng, văn phòng cuả người quản lý, phòng chứa lương thực, và văn phòng riêng cuả cha nàng. Nối với chuồng ngựa chính bằng một đoạn đường trống trải mà ông nội nàng xưa kia luôn luôn gọi là con đường chó chạy, ngôi nhà đó trông ra thấy hết các chuồng ngựa, chuồng ngựa giống, và các đồng cỏ. Trên cửa ra vào treo một vòng hoa đen. Lúc khác Abbie có lẽ đã cảm động trước cử chỉ cuả người coi chuồng ngựa để tỏ ra thương tiếc cha nàng đã qua đời, nhưng bây giờ nàng không ngó lại và đẩy cửa bước vào, đi thẳng tới văn phòng riêng cuả cha nàng, bị lôi cuốn bởi những kỷ niệm về những lần nàng đã ở với chạ..những kỷ niệm ấy bây giờ có vẻ giả tạo.
Khi đã vào trong, nàng đóng cửa lại và tựa vào đấy để nhìn quanh gian phòng, cổ nàng thắt lại, cằm run run. Ánh nắng lọt qua các tàn cây dẻ bên ngoài, chiếu xuyên qua cửa sổ vào các bức vách lát ván lộng lẫy gắn đầy cúp, khung ảnh, và huy chương đoạt được trong các cuộc thi ngựa đẹp. Một cái bàn đồ sộ bằng gỗ sồi đặt ngay trước cửa sổ, trên mặt bàn đầy giấy tờ, sổ ghi chép, và các biểu đồ về nuôi ngựa. Bên phải bàn có một tủ hồ sơ cổ kính, đựng giấy tờ phả hệ, và hồ sơ nuôi từng con ngựa ở River Bend. Mt cái tủ kính có gờ bao quanh trên đầu tủ và những ct đứng, chứa những sách về bệnh cuả ngựa, về cách nuôi ngựa, và về di truyền học. Dọc theo bức vách gần đó, có một ghế trường kỷ có bọc nệm thật dày, bọc da Madeira màu nâu, có đóng những đinh đầu đồng. Đi đôi với nó là chiếc ghế bành và cái ghế bọc nệm.
Abbie đi quanh chiếc bàn bọc đang to tướng ở sau bàn giấy, và đưa bàn tay sờ lên chỗ lún ở đầu lưng ghế. Nàng nhớ đã cố gắng đến thế nào để làm cha vừa lòng và tự hào về nàng. Nàng đột ngột quay mặt đi khỏi chiếc ghế, cố nén sự tức giận và đau khổ đang dâng lên trong lòng. Nàng gần như hối tiếc đã yêu cầu Lane kể chuyện về cha nàng và Caroline. Trước đây, ít nhất nàng còn ảo tưởng. Bây giờ ngay cả những ảo tưởng cũng không còn. Nàng đã yêu cầu ông nói thật, và đã được biết nó. Không phải lỗi cuả Lane nếu nó không giống như điều nàng trông đợi.
Nàng đã nghĩ rằng ông sẽ bảo nàng đó là một cuộc dan díu rẻ tiền, vô nghĩa; rằng cha nàng đã phạm một sự sai lầm đáng tiếc mà ông đã trả giá đắt suốt cuộc đời; rằng một cô gái không đứng đắn nào đó đã gài ông cho cô một cái bầu và dùng đứa con để tống tiền ông; rằng…ông đã cố gắng để bảo vệ phần nào danh dự gia đình và tránh cho gia đình sự xấu hổ mà ông cảm thấy.
Thay vì thế, nàng đã được nghe một chuyện tình bi thảm – cuả hai người xuất thân từ hai thế giới khác biệt, yêu nhau say đắm, nhưng bị số mệnh chia cách- và đứa con là kết quả cuả tình yêu ấy.
Hèn chi nàng đã không hề là đứa con gái ông mong muốn. Nàng là đứa con gái trật chỗ. Nàng không là gì khác ngoài việc là một đứa giống mặt mày đứa con gái thiệt, để đóng vai thay cho nó, kể cả có cùng một ngày sinh.
Hai bàn tay nắm lại và răng cắn chặt, nàng bước ra xa bàn giấy và cố tinh rằng, nàng không cần, nếu ông đã không yêu thương nàng.
Nàng không còn là một đứa bé nữa. Nàng không cần tình thương cuả ông. Song Abbie không quên được- và không tha thứ cho ông được- những năm dài bị lừa phỉnh. Một giọt nước mắt nóng hổi lăn xuống má nàng, nàng nhấp nháy cho bớt cay mắt, và tự hỏi làm sao nàng đã có thể ngây thơ đến vậy trong bao nhiêu năm.
Trên vách trước mắt nàng treo một bức hình cũ cuả ông nội nàng, R.D.Lawson, chụp tại cuộcc thi ngựa Ả Rập đẹp ở Scottdale, trong năm ông qua đời. Ông đứng cạnh con ngựa cái hai tuổi màu xám, tên là River Wind, đoạt giải ngựa cái đẹp nhất ở cuộc thi Scottdale- mẹ cuả con ngựa cái cuả Abbie, có tên là Tiểu giang phong- Một cái nón Stetson che khuất nụ cười tự hào nở ra trên mắt ông và làm dịu bớt những góc cạnh cuả khuôn mặt. Bức hình cho thấy một người đàn ông cường tráng còn mạnh bạo trong tuổi già.
Những kỷ niệm ồ ạt trồi lên trong trí óc nàng khi Abbie nhìn sững bức hình. Cuối cùng, nàng bắt buộc phải công nhận, nàng đã mù quáng không thấy được chuyện gì đã xảy ra trong suốt những năm qua: chỉ vì nàng không chịu thấy. Vô số sự kiện xảy ra đã chứa đựng những dấu hiệu, những nàng đã làm ngơ hết thảy.
Nàng nhớ lại lần chót trông thấy ông nội còn sống. Ông ra sân bay tiễn đưa gia đình đi nghỉ mát. Trên thực tế, chuyến đi ấy kết hợp với một chuyếng đi lo công việc cuả cha nàng, ông có ý định kiểm tra luôn các văn phòng cuả công ty ở nước ngoài và đi thăm các lọai ngựa Ả Rập giống ở một số nước khác nhằm mục đích có thể mua một số và nhập vào nước Mỹ. Bây giờ nàng đã tròn tám tuổi, cho nên không coi các lý do cuả chuyến đi là quan trọng. Miễn là họ đi: Abbie, cha mẹ nàng, và người ở da đen, Justine, được đem theo để chăm nom Abbie.
Luân Đôn là chỗ ghé đầu tiên trong chuyến đi vòng các nước ngoài cuả họ. Abbie, với một nghị lực không bờ bến, lại bị sự kích thích châm thêm dầu, không mệt mỏi chút nào vì chiếc máy bay phản lực đã bị trể, và không hiểu tại sao ngày đầu tiên ở một thành phỗ mới họ đến chơi nghỉ ngơi lại yên tĩnh như thế. Cô bé muốn đi ra ngoài khám phá cái thành phố này, ở đây người ta lái xe đi bên phiá trái đường lộ, và nói tiếng buồn cười quá, cô không hiểu nổi. Cô muốn đi trên những chiếc xe buýt đỏ hai tầng và xem tòa cung điện trong đó có bà nữ hoàng đang ở.
– Babs, tại sao anh có cảm tưởng con bé sẽ thúc ép chúng ta cho tới khi nào chúng ta thuận làm theo ý nó?- Dean nắm hai bàn tay cuả Abbie và bắt nó đứng yên trước ghế ông.
Nhìn một cái và thấy nụ cười vui vẻ, khoan dung trên mặt cha, Abbie biết ngay là đã nắm được ông.
– Ben bảo rằng con giống ông nội. Con không chịu thua bất kể việc gì xảy ra.
– Có thể Ben nói đúng,- Dean nhượng bộ, ông ý thức rằng có nhiều khi con gái ông cứng đầu như bò đực- một nét đặc biệt cuả cô được làm dịu bớt bởi bản tính nồng hậu và cởi mở tự nhiên cuả cô. Không giống tính nhút nhát và đa cảm cuả Rachel chút nào, Dean nghĩ thầm, và nhớ lại ánh mắt cuả nó khi nhìn ông quan sát với cặp mắt xanh ám ảnh. Cặp mắt cuả nó ít khi lấp lánh vui long lanh như cặp mắt cuả Abbie lúc này.
– Ben luôn luôn nói đúng,- Cô bé giọng xấc xược.
– Thường là đúng.- Ông âu yếm ngắt mũi cô bé, rồi liếc nhìn Babs, vẫn còn mặc bộ đồ ngủ kiểu Ý và dựa vào một chồng gối để trên chiếc ghế dài cuả phòng khách.- Ta hãy đưa con bé đi dạo chơi một vòng, Babs. Trời mát và nắng sẽ làm ta khoẻ ra.
– Em không tin, anh yêu.- Bà mò mẫm tìm tách cà phê còn để trên chiếc bàn nhỏ, còn sót lại cuả bữa điểm tâm trễ dọn lên cho họ trong căn hộ cuả họ Ở khách sạn.- Sáng nay còn tệ hơn cả những buổi sáng sau một tiệc thịt nướng vỉ sắt cuả vợ chồng Mac Donnell tổ chức. Em có cảm giác hai con mắt như hai trái nho đã bóc vỏ và đầy hột. Và em chắc là cân nặng đến hai trăm cân Anh, em thấy nặng nề quá.
– Nếu mẹ lên cân nhiều như vậy, thì mẹ thực sự cần phải vận động, phải không ba?- Abbie nhe răng cười xảo quyệt.
– Ắt là vậy.
– Em có ý kiến này hay hơn.- Babs nói, và ngừng một lát để từ từ nhấp một ngụm cà phê.- Anh và Abbie đi dạo đi, để em ở nhà nghỉ ngơi.
– Không.- Abbie giằng ra khỏi hai bàn tay Dean và bước đến chiếc ghế dài, cất tách cà phê khỏi tay mẹ.- Mẹ phải đi với ba con. Đây là chuyến đi nghỉ ngơi chung cuả chúng ta, và đáng lẽ chúng ta phải vui chơi.
Sau một tiếng đồng hồ thúc đẩy và dỗ dành không biết bao nhiêu lần, cả ba dạo bước trên đường phố Luân Đôn. Ít nhất, Dean và Babs dạo bước, còn Abbie nhảy lơn tơn ở phía trước hăm hở muốn biết những quang cảnh và tiếng động của thành phố quá mới lạ đối với cô.
Đột nhiên cô quay lại và bắt đầu đi giật lùi, vẻ mặt phân vân.
– Tại sao hôm nay không có chút sương mù nào? Luôn luôn có sương mù ở Luân Đôn kia mà?
– Không phải ngày nào cũng có.- Babs nói.- Giống như ở quê ta ở Texas. Đôi khi nó tràn vào trong đêm, hay vào lúc tảng sáng. Và đôi khi nó chỉ lơ lửng trên mặt sông, như trên mặt sông Brazos, bò quanh các cây ở bờ sông và hiện ra trên các đồng cỏ.
– Lúc đó thì thật là dễ sợ.- Nhưng cặp mắt cuả Abbie sáng rỡ vì kích thích bởi ý nghĩ đó.
– Quay lại và nhìn trước khi bước đi, nếu con không muốn húc vào người khác.- Babs la rầy nó.
– Và đừng đi quá xa ba mẹ,- Dean nói thêm khi Abbie bắt đầu chạy.- Con có thể bị lạc đấy.
– Vâng, thưa ba.- Cô bé đi chậm lại với vẻ bất đắc dĩ. Nếu là Rachel, Dean biết nó sẽ ở ngay bên ông, nắm bàn tay ông, nhất là khi họ Ở một chỗ công cộng có nhiều người chung quanh. Nó nói rằng làm vậy để ở gần ông, nhưng ông nghĩ rằng Rachel hơi nhút nhát quá và tinh thần hơi bất an để liều lĩnh chạy đi một mình. Ngược lại, Abbie không biết một người xa lạ là gì. Ngày và đêm, hai cô con gái cuả ông là vậy, bất kể chúng trông giống nhau đến mấy.
– Anh quên chưa nói với em, Babs, trước khi em thức dậy sáng nay, anh đã nhờ người gác cửa tìm cho chúng ta một người dẫn đường để hướng dẫn em và Abbie đi xem phong cảnh Luân Đôn trong ngày mai. Có lẽ anh sẽ bận cả tuần vì phải lo liệu công việc với văn phòng ở công ty ở đây.
– Abbie sẽ không bằng lòng vậy đâu.- Babs cũng không, nhưng không muốn thừa nhận điều ấy.
– Nó sẽ có quá nhiều thứ để xem và làm, nên không để ý đến sự vắng mặt cuả anh đâu. Em nhìn nó kià.- Dean mỉm cười.- Cái đầu nó lúc qua lắc lại như một trong những con chó treo trên bảng điều khiển của một chiếc xe hơi.
Trong ba ngày kế đó, Babs và Abbie đi xem tất cả các phong cảnh phải xem, có Justine và người hướng dẫn tên là Arthur Bigsby đi theo. Họ coi lễ đổi gác ở sân tiền của điện Buckingham, nhưng Abbie thất vọng vì không được thấy nữ hoàng- và cô bé cho rằng cung điện ấy không đẹp bằng nhà cô ở River Bend, tuy cô phải công nhận là nó lớn hơn. Cô bị một ấn tượng sâu sắc bởi cuộc trưng bày các châu báu cuả Hoàng gia và các dấu hiệu cuả nhà vua ở Tháp Luân Đôn. cô cãi với Arthur khi ông ta cố gắng giải thích với cô Big Ben là trái chuông lớn trong tháp các Đồng hồ cuả khu nhà quốc hội ở Westminster. Mọi người ở Texas đều biết Big Ben là cái đồng hồ.
Tu viện Westminster thì cô chấp nhận. Cô không tưởng tượng được sao lại có người muốn được chôn cất trong nhà thờ, nhất là các vua. Thế các nghĩa trang để làm gì? Cô cho chim bồ câu ăn ở quảng trường Trafalgar và cười ngất khi một con đậu lên đầu cô.
Khi gặp lại Dean để ăn trưa, cô kể lại các nhận xét và đặt câu hỏi không ngớt. Tại sao không có gánh xiếc nào ở Piccadilly Circus? Tại sao họ gọi bánh “cookies” là “biscuits”? Tạo sao họ gọi bữa ăn tối là tiệc trà cao (high tea)? Nếu có tiệc trà cao, thì tiệc trà thấp (low tea) là gì?
Cuối cùng Dean chỉ vào dĩa cuả nó và bảo:
– Ăn đi.
– Tội nghiệp cho ông Arthur,- Babs nói- Con bé quần ông ta mệt lữ. Và cả em nữa.
– Ngày mai sẽ khác. Chúng ta có lẽ sẽ lái xe đến Crabbet Park và xem các con ngựa Ả Rập.
– Thật không ba? Ba nói thật chứ, mai chúng ta đi đến đó thật không?
– Thật. Chúng ta khởi hành sớm để có nhiều thì giờ ở đó như ta muốn.
– Anh đi với Abbie. Về ngựa, thì em không phân biệt được giữa con ngựa thiến và con ngựa giống.
– Mẹ ạ, cái đó dễ ợt. Ben bảo rằng chỉ cần…
– Abbie, cắt ngang lời mẹ là vô lễ – Dean cố tỏ ra nghiêm khắc và không cười.
– Em cho anh hay, Dean, một số những điều nó biết có thể làm cho Justine đỏ mặt – Babs nói, rồi tiếp tục câu bà đang nói thì Abbie cắt ngang – Dù sao, em muốn đến cái tiệm tên là Bazaar ở Chelsea, do một bà vẽ kiểu áo tên là Mary Quant làm chủ. Áo quần do bà ta sản xuất đang nổi tiếng như cồn. Em chưa có dịp đi mua sắm gì hết.
– Con thích đi mua sắm,- Abbie nói với vẻ khát khao; rồi vội vàng nói thêm:- Nhưng con thích đi Crabbet Park với ba hơn.
– Tại sao chúng ta không đi mua sắm sau bữa ăn trưa? Anh cũng chưa có dịp nào đi sắm đồ – Và ông muốn gởi tặng Rachel một món quà gì từ Anh quốc – một món thật tốt.
– Em có hẹn làm tóc, – Babs nói – Em không thể hồi lại, nếu anh muốn em coi được trong bữa ăn tối nay với vợ chồng người quản lý cuả công ty ở Luân Đôn.
– Vậy thì anh và Abbie sẽ đi, và gặp lại em ở khách sạn đó.
Chiếc tắc xi đổ họ xuống trước cưa? hàng bách hóa Selfridgés. Thường thường Dean gặp khó khăn khi chọn quà cho Rachel, nhất là khi mua sắm áo quần; ông không bao giờ chắc chắn có vừa người cô bé không. Có Abbie đi theo, ông hy vọng vấn đề đó được gỉai quyết ít nhất là một phần.
Khi vào khu bán y phục trẻ em, Dean thấy một cái áo dài con gái bằng vải sọc ca- rô màu hoa cà nhạt có viền ren trắng – Abbie, con thích cái áo này không?
– Nó coi được đấy chứ. Nhưng con không thích màu hoa cà – cô nhăn mũi – Ba hãy coi cái áo dài màu xanh này. Đẹp không ba? Con dám cá nó ăn với màu mắt của con.
– Chắc chắn là vậy rồi. Tại sao con không mặc thử? Và cả chiếc áo màu hoa cà kia nữa.
– Ba!- Cô muốn từ chối cái áo cuả ông chọn trước.
– Thử giùm cho ba. Ba muốn coi con trông ra sao trong chiếc áo ấy.
– Được rồi, – cô làm bộ thở dài sườn sượt, rồi đồng ý.
Mấy phút sau, Abbie ra khỏi phòng thử áo, mặc cái áo vải ca- rô.
– Coi nè, ba – Cô quay một vòng từ từ trước tấm gương- Nó không hợp với con tí nào.
Dean bắt buộc phải đồng ý rằng nó không hợp với cô chút nào, tuy nhiên, khi nhìn cô, ông có thể hình dung cô bé Rachel trầm lặng và dè dặt đang mặc nó, mái tóc đen của cô buộc lên thành đuôi ngựa bằng một cái dải màu hoa cà nhạt ăn với cái áo.
– Con cởi cái áo đó ra và mặc thử cái màu xanh.
Trong khi Abbie biến mất trong phòng thử, ông quay qua người bán hàng.
– Tôi muốn mua cái áo dài màu hoa cà này, nhưng muốn nhờ đây gởi đi hộ.
– Nhưng cô con gái của ông…
– Không phải tôi mua nó cho Abbie.
– Vâng, thưa ngài. Chúng tôi sẽ sẵn lòng gởi nó đi đâu tùy ngài muốn.
Sau chiếc áo dài xanh, Abbie thử năm sáu món khác, từ áo quần thể thao đến áo dài dự liên hoan. Rốt cuộc cô bé chọn ba món không thể nào sống mà không có chúng. Trong khi Dean đang trả tiền các món mua sắm, Abbie để ý thấy một người bán hàng khác đang gói chiếc áo màu hoa cà lại. Cô ta kéo Dean ra một bên.
– Ba, con đã bảo ba con không thích cái áo đó.
– Con muốn nói cái áo màu hoa cà nhạt? – Ông làm bộ không biết – Có cô bé nào khác đang mua nó đấy chứ.
– Ồ, thế thì tốt – Cô bé trợn tròn mắt lên trần nhà để tỏ vẻ nhẹ nhõm. – Con đã ngại là ba mua nó cho con.- Người bán hàng đưa cái gói và biên lai cho Dean. Abbie lơn tơn bên mình cha- Kế tới, đi đâu hở ba?
– Con muốn đi đâu thì ta đi. Nhưng trễ rồi đấy. Có lẽ chúng ta nên về khách sạn.
– Nhưng con tưởng ba cần đi mua sắm một ít đồ- Nó nhướng cặp lông mày lên có vẻ lạ lùng.
– Ba mua sắm rồi- Ông đưa cái gói lên để làm chứng.
– Ồ, ba! – Cô toét miệng ra cười- Con thương ba quá hà!
Trở về khách sạn, ông trao lại cho Justine các gói đồ và Abbie, chị ta cho ông hay bà Lawson đi làm tóc chưa về. Liếc đồng hồ đeo tay và tính nhẩm sự khác biệt về giờ giấc, ông đi vào phòng ngủ chính và đóng cửa lại. Máy điện thoại nằm trên bàn ngủ giữa hai chiếc giường. Dean cầm ống nói lên và quay số của tổng đài.
Một giọng nói rất Anh vang lên trong đường dây:
– Tôi có thể giúp việc gì?
– Vâng, thưa bà, tối muốn gọi sang California.
Sau khi cung cấp các chi tiết cần thiết, Dean chờ một lúc lâu, chỉ nghe tiếng lách cách và rọt rẹt không ngớt, và cuối cùng nghe tiếng chuông reo khe khẽ ở đầu dây bên kia. Và rồi, giữa tiếng nhiễu, ông nghe tiếng Caroline. Tiếng bà luôn luôn khiến ông lên tinh thần.
– Alô, em cưng- Ông nắm chắc ống nói như thể khiến bà ở gần ông hơn.
– Dean- Giọng bà đầy ngạc nhiên thích thú- Và một chút bối rối- Nhưng…em tưởng anh…
– Anh gọi em từ Luân Đôn. Anh nhớ em quá nên thế nào cũng phải nghe tiếng em cho được. Em khỏe không? Nghe tiếng em thì tốt lắm- Gác hai chân lên giương, ông dựa ngửa vào cái gối đặt trên tấm gỗ đầu giường và nhìn lên trần nhà cao, như chỉ trông thấy khuôn mặt cuả bà ở đó.
– Em khỏe, Rachel cũng thế. Thật ra, nó đang đứng ngay đây, đang kéo tay áo em. Nó muốn chào anh.
– Cho nó nói.
Có tiếng nói nho nhỏ bên kia máy, rồi tiếng Rachel vang lên trong ống nghe.
– Dean, ba đấy à? Ba gọi từ Anh sang à?- Giữa những câu hỏi dồn dập, giọng nói trẻ con cuả cô bé nghe rất cảm động.
Nhưng không phải cái đó làm Dean bỗng cảm thấy đau nhói, mà là cách cô bé gọi ông bằng tên tục của ông. Rachel không bao giờ gọi ông là cha hay ba- luôn luôn gọi là Dean. Ngay từ đầu Caroline đã nhất quyết muốn vậy, cũng như nhất quyết cho Rachel biết nó là con không chính thức từ khi nó còn rất nhỏ. Caroline không muốn giấu không cho Rachel biết sự thật là cha mẹ nó không có cưới hỏi nhau, cũng như không phải ly dị nhau, như cha mẹ các đứa trẻ khác. Bạn học và bạn bè cuả nó thế nào cũng hỏi và nói những câu rốt cuộc sẽ làm nó đau đớn, nhưng không đến nỗi nào nếu họ chuẩn bị cho nó sẵn. Theo ý Caroline, việc sử dụng tên tục cuả ông cho Rachel có được sự che chở phần nào khỏi bị hỏi những câu không muốn nghe về cha nó và cho phép nó tự quyết định nên nói về cha nó đến mức nào. Mặc dầu Dean bị bắt buộc phải đồng ý với Caroline, ông không ưa điều đó. Ông ghét cay việc Rachel biết về gia đình kia cuả ông, và đứa con gái kia cuả ông. Ông ghét những câu hỏi cuả nó về họ- và mặc cảm có tội cuả ông.
– Phải, ba đây, ba gọi từ Anh sang- Nhưng ông phải gắng gượng mới giữ được giọng nói cho có vẻ sung sướng- Hôm nay ba mua cho con một món đồ. Nó đang được gởi đi, có lẽ vài tuần nữa con mới nhận được.
– Cái gì vậy?
– Ba không thể nói với con. Ba muốn dành cho con một sự ngạc nhiên. Nhưng ba nghĩ con sẽ rất thích nó. Nhân thể, con đoán thử ngày mai ba đi đâu?
– Ba đi đâu?
– Đi Crabbat Park. Con có nhớ quyển sách ba gởi cho con trong dịp lễ Giáng sinh về phu nhân Anne Blunt không? Ba và con đã ngồi đọc mấy đoạn khi ba sang đó trong tháng giêng.
– Ồ, có! – cô bé phấn khởi kêu to lên, giọng hớn hở- Về chuyện bà cùng chồng đi du lịch ngồi trên mình ngựa từ Ba Tư sang Ấn Độ, và xuyên qua xứ Ả Rập, Lưỡng Hà, và Ai Cập, băng qua các sông bị lũ lụt cùng các sa mạc, hồi thế kỷ thứ mười chín. Bà sống chung với bộ lạc Bedouin và học nói học viết tiếng cuả họ. Và bà tìm hiểu cặn kẽ về loại ngựa Ả Rập và mua những con tốt nhất để giống ngựa ấy khỏi bị tuyệt diệt. Người bộ lạc Bedouin gọi bà là “bà quý tộc về ngựa”. Và tuy rằng có nhà ở nước Anh, bà yêu sa mạc và ngựa đến nỗi bà trở lại Ai Cập để sống, rồi chết ở đó. Nhưng con gái bà ở Anh cũng yêu thích ngựa Ả Rập, nên tiếp tục nuôi chúng và tạo ra những con ngựa hay nhất thế giới – Rachel cuối cùng ngừng lại và thở dài một cách não nuột, đầy mơ mộng- Chuyện ấy thật tuyệt vời. Con đã đọc đi đọc lại mãi
– Ba thấy rồi- Dean mỉm cười, cảm thấy tự hào vì cô bé cũng yêu thích ngựa giống Ả Rập.
– Mẹ đã phải thỉnh thoảng giúp con hiểu nghĩa các chữ trong đó.
– Ba chắc vậy- Có cả những chữ Ả Rập ngay cả ông cũng không đọc được- Dù sao, ngày mai ba sẽ đến thăm trại ngựa giống do con gái cuả bà ta, phu nhân Wentworth làm chủ.
– Thiệt à? Ồ, phải chi con được đến đó.
– Ba cũng ước như vậy- Ông nói- Ba cũng ước vậy, nhưng có lẽ một ngày nào đó- Mặc dầu cố gắng đến mấy, ông cũng không thể tưởng tượng ra sẽ có một ngày nào đó ông có thể công khai dẫn Rachel đi trong những chuyến viếng thăm như chuyến này.
– Dạ- cô bé đáp với vẻ không hy vọng lắm, nhưng vội vàng cố che giấu điều đó- Con quên chưa nói với ba, Dean ạ. Con đã thuyết phục mẹ con cho con học cưỡi ngựa trong mùa hè này. Ngày hôm qua con đã học bài đầu. Thầy dạy cưỡi ngựa của con nói rằng con ngồi trên lưng ngựa rất vững một cách tự nhiên và có hai tay tốt. Dĩ nhiên, con đã bảo ông ta rằng ba đã cho con đi cưỡi ngựa trước đây và chỉ cho con đôi chút.
– Nghe như ba nên bắt đầu tìm kiếm một con ngựa tốt thích hợp với một nữ kỵ sĩ nhỏ tuổi rồi đấy.
– Nếu được vậy, Dean ạ, con thích hôn bất cứ cái gì- cô bé nói giọng thật nồng nhiệt, không nghi ngờ gì nữa, cô nói thật tình.
– Để ba xem khi ba trở về- Ông nói với Rachel thêm mấy phút, rồi nói chuyện trở lại với Caroline. Thì giờ trôi qua quá nhanh. Dean nghe tiếng cửa ra vào căn hộ mở ra, có nghĩa là Babs đã về. Ông hấp tấp từ giã Caroline và gác máy.
Đừng để bà biết, đừng để bà thấy, đừng để bà nghe; cứ để bà giả bộ tưởng rằng chuyện đó hoàn toàn không có. Ông đã thỏa thuận như vậy với Babs. Ông cố gắng hết sức giữ đúng như vậy và không gây thêm lo lắng cho bà.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!