Chỉ Là Anh Giấu Đi - Chương 17
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
126


Chỉ Là Anh Giấu Đi


Chương 17


“Anh Thanh ơi, tụi em xong rồi.” Minh Dũng hớn hở nói lớn.
Duy Thanh mặc vội áo vào. “Ờ, anh ra đây.”
Vừa bước ra khỏi phòng, Duy Thanh đã thấy các em mình quần áo nghiêm chỉnh đứng chờ trước sân, ai nấy đều mỉm cười và mừng rỡ vì được đi chơi. Hôm nay là rằm Trung Thu và má Ba cho phép anh dẫn các em sang chùa xem múa lân. Vì năm nay là “năm nhuần” nên Trung Thu tới hơi trễ so với mọi khi.
Duy Thanh nắm tay cu Dũng và bé Bi. Còn cu Dũng thì nắm tay cu Huân và bé Bi thì nắm tay bé Bu. Cứ thế năm người tò te bước ra khỏi cổng. Tối nay anh đảm nhận bốn đứa em này, còn những em khác thì được các anh chị lớn dẫn đi. Trung Thu giờ cũng chả thay đổi nhiều so với anh còn nhỏ.
Vừa đi, Duy Thanh vừa nhớ lại.
Hồi đó mỗi lần tới Trung Thu là anh mừng lắm luôn, mừng thua Tết một chút chút thôi. Cứ đầu tháng tám âm lịch là anh Duy Nhân bắt đầu soạn đồ ra để làm “đầu lân” cho anh và các anh chị em khác chơi. Anh Duy Nhân khéo tay lắm, anh ấy mua dây thép về, sau đó uốn, bấm cắt rồi cột thành một cái khung. Cái khung “đầu lân” này làm một lần nhưng có thể dùng cho nhiều năm.
Làm khung xong, anh Duy Nhân mua bột năng về hòa với nước, rồi bắt lên bếp nấu cho đặc lại. Sau đó anh ấy đi xin giấy vở, giấy báo về. Bôi “keo” nấu từ bột năng đó lên giấy rồi dán quanh cái khung đầu lân. Dán nhiều lớp lắm, Duy Thanh lúc đó không những thấy anh Duy Nhân dán, mà đến anh Duy Trung, chị Ngọc Anh cũng dán phụ nữa.
Dán xong, phơi khô, sau đó anh Duy Nhân tiếp tục mua sơn về để sơn lên. Cái sừng thì lúc nào cũng được anh Duy Nhân mặc định là màu đen. Những thứ còn lại thì các anh chị em thích gì, thì anh ấy sơn lên màu đó. Mà anh Duy Nhân còn vẽ thêm lông mày, lông mi lên nữa kia. Nói chung là đẹp lắm. Tất nhiên là đẹp vào thời đó thôi, sau này khi Duy Thanh xuống thành phố, anh mới biết thế nào là đầu lân đẹp.
Có đầu là phải có đuôi, làm đầu xong thì anh Duy Nhân tiếp tục làm đuôi lân. Cũng như cái khung, anh Duy Nhân xin má Ba những tấm rèm bỏ rồi may lại với nhau để làm đuôi và cái đuôi này cũng được dùng cho nhiều năm. Để trang trí thêm cho cái đuôi màu vàng này, anh Duy Nhân cùng các chị đi mua những cuộn dây “ni lông” đỏ về.
Căng ngang một sợi dây làm chuẩn, sau đó các anh chị buộc những sợi dây nhỏ lên, nhỏ tầm khoảng vài phân. Các anh chị cứ buộc lên như vậy cho đến khi lấp đầy sợi dậy căng ngang đó. Xong việc buộc thì đến việc tách, các anh chị bắt đầu “xé” những sợi dây nhỏ đó ra thành những sợi nhỏ hơn.
Anh Duy Nhân sau đó đính những sợi dây ni lông đó lên đuôi lân, trông như “vảy rồng” vậy đó. Vì ở xóm nghèo không có đồng phục múa lân, nên anh Duy Nhân và anh Duy Trung thường mang quần dài đi học để múa. À quên, mấy anh còn cột sợi dây ni lông quanh ống chân của mình nữa.
Lân có rồi, thì giờ đến trống, xèn và “ông địa”. Chị Ngọc Minh vì vẽ đẹp nên chị ấy nhận trách nhiệm về việc làm “ông địa”. Chị lấy những miếng giấy cứng, giấy “carton” cắt ra thành những hình tròn, lấy cây que nhỏ đính ở giữa để làm tay cầm, đục lỗ để tạo mắt nhìn và lỗ mũi để thở. Sau đó với tài năng của mình, chị Ngọc Minh bắt đầu vẽ và tô màu lên, thế là có mặt nạ “ông địa”. Tuy không đẹp bằng các mặt “ông địa” người ta bán, nhưng chừng đó cũng đủ cho các anh chị em chơi.
Trống thì ngày xưa đội lân bên chùa mua trống mới, do vậy anh Duy Nhân xin về. Mục đích là để đánh cho các anh chị em chơi thôi, ai dè sau này là để dùng cho múa lân. Xèn thì má Ba cho mượn mấy cái nắp nồi, nắp xoong với chảo để đánh.
Đội lân nghiệp dư được hình thành, anh Duy Nhân cầm đuôi, anh Duy Trung thì cầm đầu. Anh Hưng, bạn của anh Duy Nhân thì đánh trống, mấy chị thì đánh xèn, mấy chị thích vụ này lắm, đánh nhiệt tình luôn. Duy Thanh và các anh chị em nhỏ thì nhận một nhiệm vụ cao cả hơn, đó là cầm lồng đèn đi mở đường, đủ loại lồng đèn cả.
Múa ở nhà xong, cả đoàn dẫn nhau đi quanh xóm múa mua vui. Mọi người không cần lấy tiền, mọi người chỉ múa cho các bà con cô bác và các em nhỏ xem thôi. Mà hên cái ở xóm chỉ có hai đội lân, một là của cô nhi viện và một là của chùa. Mà đội lân của chùa thấy đội lân của cô nhi viện thì nhường “địa bàn” cho luôn, và đi lên xã để múa. Chắc họ thấy anh Duy Nhân nên sợ, anh Duy Nhân trước cũng ở đội lân và bày cho họ múa.
Trung Thu hết thì anh Duy Nhân tháo đuôi ra và cầm đầu lân đi ra bãi cỏ để đốt. Đợi nó nguội xong thì anh ấy lại đem cái khung vào kho để cất cho năm sau dùng lại. Những vật dụng khác cũng vậy, trừ những cái nắp xoong của má Ba. Ấy vậy mà mọi người chỉ chơi đầu lân được mấy năm à, sau này không có anh Duy Nhân, nên cũng chả có ai làm lân cho mọi người nữa.
Duy Thanh vẫn còn nhớ chị bé ấy. Chị ấy ở dưới tận thành phố lận, lâu lâu hay lên cô nhi viện để làm từ thiện. Gia đình chị ấy tội lắm, lúc nào cũng đem rất nhiều đồ lên cho mọi người. Chắc má Ba thấy họ đi từ thiện nhiều quá nên má “từ thiện” lại luôn anh Duy Nhân cho chị bé. Sau khi cưới, thỉnh thoảng anh Duy Nhân và chị bé hay về thăm mọi người lắm. Có điều thời gian gần đây hai người có em bé nên ít lên hẳn đi.
Trở lại với thực tại, lúc này Duy Thanh đã dẫn các em tới chùa. Sau khi anh Duy Nhân “ở rể”, anh Duy Trung quay lại đội lân của chùa và tới Trung Thu thì cả nhà đều dẫn nhau qua chùa để xem múa lân. So với ngày xưa thì đội lân của chùa bây giờ khác lắm. Đầu lân không cần làm nữa mà các “phật tử” mua ở dưới phố rồi đem lên “cúng dường”. Đầu lân đẹp lắm, lấp lánh bởi các ánh “kim tuyến”, mắt lân còn có đèn, đuôi lân thì khỏi phải nói, đến nỗi mọi người còn có đồng phục nữa kia.
Các em, nhất là Minh Dũng, thấy lân là mừng hết lớn. Cu cậu cứ nhảy cẵng lên trông rất tội. Sân chùa rộng lắm nên mọi người đứng xem đông nghịt. Văn Vũ sau đó mang nước tới cho Duy Thanh và các em, có cả kẹo bánh nữa.
Rồi giờ múa lân cũng bắt đầu. Tiếng trống vang lên, tiếng xèn đệm vào, “ông địa” xuất hiện và rồi lân đi vào. Lân múa, lân nhảy rồi đến lân ngủ. Lân ngủ, lân dậy rồi lân lại múa. Tiếng hò hét cùng tiếng vỗ tay. Ai nấy cũng đều hân hoan tiết mục.
Xem lân xong thì Duy Thanh dắt các em đi về. Ai nấy cũng đều được các sư cô cho bánh kẹo. Anh cũng được cho mấy cô cho một cái bánh trung thu, bánh trung thu hình con heo. Minh Dũng thì cầm bánh trung thu hình con cá. Bánh thơm và ngon lắm, sau này tới Trung Thu, Duy Thanh cũng tìm đi mua các loại bánh này nhưng lại rất ít người bán. Thời buổi sau này, người ta toàn bày bán những chiếc bánh Trung Thu cao cấp là chính.
Nằm trên giường, Duy Thanh gác tay lên trán và lại nghĩ về Sún. Anh không biết Sún đang ở đâu, có khi đi chơi với bạn lớp trưởng cũng có. Hồi sáng anh còn nghe loáng thoáng hai người bàn về chuyện xem lân kia mà. Sún thích bạn lớp trưởng cũng đúng thôi, bạn lớp trưởng vừa học giỏi, lại vừa đẹp trai, vừa ga lăng, tốt bụng lại hiền lành. Cháu ngoại của thầy hiệu trưởng, ba mẹ đều làm sếp lớn và gia thế không phải tầm thường. Chỉ có một điều không đúng là anh lại đi thích Sún. Anh chỉ là một đứa mồ côi, học ngu và chẳng có tài cán gì.
> Nhạc phát ra từ máy radio. >
Duy Thanh tò mò. “Bài gì vậy anh?” Vì bị đau đột xuất nên anh Duy Trung không thể sát cánh được cùng với đội lân của chùa.
“Khúc Thụy Du.” Duy Trung đáp. “Phổ nhạc bởi chú Anh Bằng.” Anh quay sang nhìn Duy Thanh. “Em thất tình à?”
Duy Thanh chối nhanh. “Làm gì có.”
Duy Trung bĩu môi. “Nãy giờ chương trình phát cả chục bài, buồn, vui, giận, hờn, đủ thứ hết. Tự nhiên em lại chú ý bài này. Không thất tình mới lạ.”
“Không có.” Duy Thanh vẫn chối.
“Yêu cũng được thôi.” Duy Trung gối tay ra sau đầu. “Ở tuổi em nên yêu cho nó vui. Tình yêu học trò lúc nào lại chả đẹp.” Anh thở dài. “Chỉ có điều đừng như anh Duy Ân là được.”
Duy Thanh cũng không ít lần được nghe về chuyện của anh Duy Ân này. “Anh yêu ai chưa?”
Duy Trung khẽ cười. “Tất nhiên là rồi. Nhưng chủ yếu là yêu đơn phương thôi.”
Thế là hai anh em bắt đầu tâm sự với nhau cho đến khi đi ngủ. Mà chỉ có anh Duy Trung ngủ thôi, còn Duy Thanh thì vẫn nằm thao thức vì Mỹ Hạnh. Trầm mặc, suy tư một hồi thì anh cũng chính thức thú nhận với bản thân là anh thật sự thích Sún. Đúng ra thì anh biết từ những ngày đầu kia, chỉ là anh không chịu công nhận mà thôi.
Sáng hôm sau thức dậy, Duy Thanh đạp xe qua chở Quốc Hùng đi học như hôm nào. So với anh và Văn Vũ, thì Trung Thu của Quốc Hùng rất khác. Đầu tiên là nói đến bánh, ngay từ lúc cấp hai thì Duy Thanh và Văn Vũ đã được Quốc Hùng cho nếm thử loại bánh Trung Thu rất ngon. Không như những loại bánh mà hai người từng ăn, bánh này có rất nhiều vị và nhìn chiếc bánh rất ư là đẹp. Mà chỉ có Văn Vũ là thích à, Duy Thanh chỉ thích vỏ bánh, còn nhân bánh thì không ưng mấy. Quốc Hùng thì “ớn” đến tận cổ nên chả đoái hoài đến.
Sau bánh là đến vụ múa lân, lúc nhỏ cô Thúy Nga mua hẳn cho cu cậu cả một bộ. Từ lân, đến trống, hay mặt nạ ông địa. Có điều cu cậu Quốc Hùng này cũng chỉ nhìn rồi đem đi vứt vào xó nào đó. Vốn lớn lên trong nhung lụa và chả thiếu thứ gì nên Quốc Hùng không biết đến tâm trạng của những kẻ sinh ra là đã thiếu thốn nhiều thứ.
Năm nào cô Thúy Nga cũng chở cu cậu xuống phố xem múa lân cả, vài năm gần đây khi kết bạn với anh và Văn Vũ, thì Trung Thu nào ba người cũng đi chơi chung. Năm nay đặc biệt ngoại lệ, anh chàng bận đi chơi với bạn gái nên đêm qua chả thể chung vui.
“Tối qua chơi vui không mày?” Quốc Hùng đứng sau xe hỏi.
Duy Thanh khẽ cười. “Sao vui bằng cái đứa đi chơi với gái được.”
Quốc Hùng vỗ nhẹ đầu Duy Thanh. “Vui cái con khỉ.”
“Thế tối qua mày với con Hân đi đâu?” Anh tò mò.
Quốc Hùng nhếch môi. “Tao chở nó lên xã xem thi lân.”
“Thế thì vui rồi.” Anh hỏi tiếp. “Lân họ đẹp không?”
“Cũng thường. Còn mày thì sao?” Quốc Hùng nãy giờ vẫn chưa nghe bạn mình trả lời.
Anh khẽ cười. “Thì tao dẫn các em lên chùa xem múa lân cùng với Văn Vũ.”
Quốc Hùng gật đầu. “Vẫn như mọi năm à. Thế tối nay đi xem nữa không?”
“Họ múa một lần chứ mấy.” Anh đáp.
“Thì đi lên chỗ khác xem.” Quốc Hùng chợt nhớ. “Ở nhà thờ này. Dẫn cu Dũng đi chung cho vui.”
Duy Thanh nghĩ đến cảnh Minh Dũng thích xem múa lân thì liền đồng ý. “Ời, cũng được.”
Tới trường, vừa bước vào lớp thì Duy Thanh đã thấy Sún đang trò chuyện với bạn lớp trưởng. Giờ thì anh biết mình yêu Sún rồi, nên cũng chả thấy bực tức như mọi hôm nữa. Cái gì của mình thì sẽ là của mình. Cái gì không thuộc về mình, thì sẽ mãi mãi không bao giờ thuộc về mình. Và Sún là một trong những điều không thuộc về Lu.
Nhưng biết đâu một điều, Sún cũng thích anh thì sao. Cũng có thể, mà cũng có thể không. Duy Thanh chợt nhớ lại những lời nói của Văn Hàn, nếu như lúc đầu mà anh đã không cho phép mình theo đuổi Sún, thì xem như anh đã thất bại trong tình yêu. Nhưng cái khó ở đây, cái vô cùng khó, đó chính là lỡ như anh nói ra tình cảm của mình, mà Sún lại không thích anh, thì lúc đó xem như anh lại mất đi tình bạn bấy lâu với Sún.
Anh thà không thổ lộ để được ở bên Sún, hay như những gì nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết, “thà một phút huy hoàng rồi chợt tối, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Anh không biết mình có nhớ đúng hay không, mà đại loại cứ như vậy đi. Anh sẽ “tỏ tình” để rồi mất luôn Sún sao.
Cũng chưa chắc khi nói ra, Sún sẽ thay đổi thái độ với anh. Trước giờ Sún cũng chả phải là kiểu quan tâm anh lắm, lỡ như nói ra, Sún lạnh nhạt thêm thì anh thấy cũng bình thường. Đằng nào trước giờ, có bao giờ Sún nhìn anh bằng ánh mắt thân thiện đâu.
Nói đi thì phải nói lại, vậy nếu như Sún cũng thích anh, mà anh cứ im im như vậy, có khi đến khi ra trường, hai người vẫn chỉ là “người dưng”. Lúc đó mà khi biết được sự thật thì than ôi, tan vỡ, dằn vặt suốt cả một đời. Trèo cao, té đau, ok, anh chấp nhận. Đằng nào cũng thiệt thòi, thì mất gì anh không chọn cái thiệt thòi ít nhất. Giờ mọi chuyện đang là con số không, vẫn chưa có chuyện gì xảy ra và mắc gì anh phải “sỗ sàng” đi tới bày tỏ với Sún.
Sẽ bày tỏ nhưng cần phải có tiến trình của nó. Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng. Tình yêu, nó cũng giống như chiến tranh vậy thôi. Đâu phải cứ đâm đầu đem quân sang xâm lược là thắng. Muốn chinh phục được họ, thì cũng giống như việc chinh phục một đất nước thôi. Đầu tiên là phải do thám và anh thì cần phải dò xét tình cảm của Sún đối với mình như thế nào.
Hiện tại Sún đang bực vụ me hôm bữa nên hiển nhiên là Sún đang giận anh. Trước hết, anh cần phải khiến mọi chuyện trở về cân bằng, phải làm Sún hết giận đã. Nhìn rồi Sún với bạn lớp trưởng đẹp đôi như vậy, anh chợt thấy mình xiêu lòng và muốn buông bỏ vũ khí.
Những tiết học đầu trôi qua và Duy Thanh vẫn chưa tiếp cận được với Mỹ Hạnh. Nghĩ trong đầu thì rất dễ nhưng khi đối mặt thật sự với hoàn cảnh, với người ta thì lại khó vô cùng. Anh nghĩ nên để đến giờ ra chơi rồi tính, để anh ra ngoài lượm lặt thêm chút ý kiến của bạn bè. Nghe lóm cũng có cái hay của nó.
Có điều ở đời đâu phải lúc nào cũng như ý muốn của anh. Lũ bạn đâu phải lúc nào cũng nói về chủ đề đời sống hay tình yêu. Và cũng không nhất thiết là phải nói vào giờ ra chơi hôm nay. Trống đánh, Duy Thanh nghĩ chỉ còn cách chuộc tội với Sún là đi mua me. Mượn tiền của Quốc Hùng xong, Duy Thanh bắn tốc độ tới căn tin rồi chạy thật nhanh lại lên lớp. Những học sinh di dọc hành lang, hay đứng ở lan can nhìn xuống, họ tưởng anh lại đi đánh nhau với tụi nào đó.
Vào lớp, về chỗ, anh cảm thấy hên khi thầy vẫn chưa vô. Anh nhanh chóng lấy bút gõ nhẹ lên lưng của Mỹ Hạnh. “Sún.” Anh nói với giọng điệu sợ sệt.
Mỹ Hạnh biết “thằng mặt heo” gọi mình nhưng vẫn giả ngơ không biết.
“Sún ơi.” Duy Thanh tiếp tục “khèo” Mỹ Hạnh.
Mỹ Hạnh liếc mắt nhìn xuống. “Gì?”
Duy Thanh đưa bịch me lên. “Lu mua cho Sún nè.”
“Không thèm.” Mỹ Hạnh giả vờ chê.
Duy Thanh định nói nhưng thấy thầy vào lớp nên liền đứng dậy. Chào thầy xong, vừa ngồi xuống là anh đã tiếp tục chương trình năn nỉ của mình. “Sún đừng giận Lu nữa.”
Mỹ Hạnh quay xuống giả vờ bặm môi lại đề hù dọa. Cô định nói “lì vậy” nhưng khi thấy vẻ mặt của Duy Thanh, cô lại không đành lòng. “Gì?” Cô thấy vẻ mặt tội, tội sao á. Cái vẻ mặt mà cô không nỡ ăn hiếp một chút nào.
“Me Lu mua cho Sún nè.” Duy Thanh đưa cặp mắt tội nghiệp của mình lên nhìn Mỹ Hạnh như năn nỉ “nhận đi”.
Cái vẻ mặt này chỉ muốn cưng, chứ giận gì nỗi. Mỹ Hạnh lấy nhanh bịch me để khỏi phải hành hạ Lu tội nghiệp của mình. Thật ra là cô giận, giận lắm luôn á. Cái tội mua me cho gái, mà lại cho trước mặt cô nữa chứ. Trong khi có gì cô cũng cho hắn đầu tiên, mà có khi là chỉ cho mình hắn thôi. Cô giận nên cô đâu có thèm nói chuyện với hắn. Cô muốn xem thử hắn sẽ làm gì. Hắn có biết lỗi và xin cô tha thứ không. Chờ mãi đến giờ thì hắn mới ngỏ lời. Dù trễ nhưng thôi cũng được, hắn mà không xin lỗi thì người đầu tiên phẫn uất và chết vì tức giận thì chắc là cô quá.
Mỹ Hạnh đang suy nghĩ thì thấy Duy Thanh gõ bút vào lưng mình. Vừa quay lại thì thấy hắn ta đưa “thư tình” lên. Gì nữa đây, cô đang học mà, lại muốn cô bị “trụy tim” và ngất trong lớp vì “ngây” hả. Tranh thủ thầy không thấy, cô liền mở tờ giấy ra xem thử.
“Lu xin lỗi, Sún đừng giận Lu nữa. Sau này có gì thì Lu sẽ cho Sún trước. Lu nói thật á. Sún đừng giận nữa nha nha nha. Thương Sún.” Duy Thanh viết trong tờ giấy.
Mỹ Hạnh nổi da gà và cả người run lên sau khi đọc xong. Cái loại người gì mà “đĩ miệng” thấy sợ. Chắc lúc nãy ra chơi nhờ con nào đó bày vẽ cho chứ gì. Hừ, mà thôi kệ đi, dù sao ai đó cũng biết lỗi rồi. Mỹ Hạnh bặm môi tủm tỉm cười thì thấy Bích Trâm nhìn mình. Nhanh chóng lạnh lùng trở lại, Mỹ Hạnh giả vờ vò “thư tình” rồi vứt xuống đất.
Cô vứt nhẹ nhẹ và gần chân mình thôi. Rồi tranh thủ lúc Bích Trâm không chú ý, cô đưa tay xuống tháo giày mình ra. Giả vờ lấy tay chống lên trán để che lại, sau đó liếc mắt xem thử mẫu giấy đang ở đâu, rồi lấy chân “khèo khèo” kẹp nó lại. Từ từ đưa tay xuống lấy mẫu giấy rồi vứt vào hộc bàn. Cuối tiết, lúc cất vở, nhân tiện cô bỏ “thư tình” vào trong cặp luôn.
Phần Duy Thanh, sau khi làm hòa được với Sún, lòng anh phấn chấn hẳn lên. Đi học về, nghĩ đến việc tối nay xem múa lân cùng với Quốc Hùng, anh càng vui hơn. Có điều khi đạp xe vào nhà, anh lại ngạc nhiên khi không thấy Minh Dũng. Mọi bữa cu cậu hay đứng chờ anh lắm mà.
“Dũng ơi.” Duy Thanh không thấy cu cậu trả lời nên liền gọi tiếp. “Dũng ơi Dũng.”
Bé Bi từ trong phòng bước ra. “Dũng đi bệnh viện rồi anh ơi.” Bé mím môi nhìn anh mình như muốn khóc.
Bệnh viện, Duy Thanh bần thần khi nghe được.
Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN