Chiến loạn - Chương 10: Dặn Dò
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
133


Chiến loạn


Chương 10: Dặn Dò


Trên dưới Đinh gia sau khi từ động Hoa Lư trở về, một bầu không khí quạnh quẽ bao trùm khắp phủ. Đinh lão phu nhân tiếp tục ngã bệnh, thường nằm mê gọi khóc con trai. Tô thị và Quế Hương ngày đêm túc trực bên bà theo lời Đàm thị dặn dò. Quế Linh cũng lặng yên không còn đùa giỡn bay nhảy như xưa.

Bộ Lĩnh tra chìa vào ổ, đây là lần đầu tiên nó đường đường chính chính bước vào thư phòng cha. Nó nhìn một lượt khắp gian phòng, nhớ đến cha thường ngồi chỗ này làm gì, chỗ kia đặt gì, thường thì bao lâu cha lại đứng lên rót một chén trà, còn nhớ đến cả những lần trốn dưới trường kỷ lén nhìn cha đăm chiêu đọc sách. Mọi thứ chỉ như mới diễn ra ngày hôm qua, cảm tưởng ngày mai, ngày mốt và rất nhiều ngày sau cũng đều sẽ có những cảnh bình dị như thế tiếp diễn.

Bộ Lĩnh bước đến án thư, ngồi vào vị trí cha thường ngồi, trên bàn vẫn còn một cuốn sách cha đang đọc giở.

Mọi thứ vẫn giữ nguyên đây, chỉ có người là không bao giờ trở lại.

Bộ Lĩnh rút thanh gươm treo phía sau án thư của cha ra ngắm. Thanh kiếm khá nặng khiến tay nó phải trũng xuống một nhịp. Bộ Lĩnh nhớ lại từng thấy cha cầm thanh kiếm này luyện võ trước hiên. Trong tay cha, thanh gươm nhẹ như một tấm lụa, uyển chuyển biến ảo trong không trung. Nó thở dài, nhận ra thực lực của mình và cha chênh lệnh nhiều đến nhường nào.

Bộ Lĩnh uể oải thả người tựa lưng vào ghế. Chiếc ghế nhận được sức nặng của người rướn ra sau rồi bật lại phát lên hai tiếng lộp cộp. Tang lễ đã qua giờ phải đến lúc nghiêm túc suy nghĩ, trong nhà hiện tại chỉ còn mỗi nó là độc đinh, với tính khí của mẹ, chắc chắn sẽ oằn mình cắn răng tự gánh vác. Dù gì cũng là trai trưởng trong nhà, nó không muốn thấy mẹ chịu khổ. Nhưng làm cách nào để mẹ tin tưởng nó đây?

Bộ Lĩnh xoè hai bàn tay rồi nhìn vào trong đó.

Nó hiện có được những gì? Học vấn chỉ đủ đối phó sư gia, nghề nghiệp không có, kiến thức rời rạc không đủ xứng tầm tiếp nhận chức vụ Thứ sử Hoan Châu, chỉ có thể lực vì thường xuyên bị mẹ bắt đứng tấn nên gọi là tạm ổn. Bộ Lĩnh hít vào một hơi rồi thở dài thườn thượt, ngả đầu nhìn lên trần nhà, tự vấn chính mình sẽ làm được gì với tất cả cái sự “nửa vời” này?

Bộ Lĩnh suy nghĩ miên man trôi dạt như thế cả hơn canh giờ, đến khi tiếng chân hớt hải bên ngoài hành lang thu hút sự tập trung của nó. Ngay sau đó là bộ mặt u ám của Cao Khiển lao vào quỳ xuống bẩm báo: “Không xong rồi thiếu gia, không tìm thấy đại phu nhân đâu cả!”

Bộ Lĩnh mới đầu còn kinh hãi rồi ngay lập tức chuyển sang chau mày, đa nghi hỏi: “Ngươi có việc gì lại tìm phu nhân?”

Cao Khiển sửng sốt trước giọng điệu nghiêm khắc của thiếu gia, nhanh nhảu trình ra một phong thư niêm kín nâng cao hơn đầu: “Bẩm thiếu gia, thuộc hạ được lệnh lão gia trước lúc lâm chung, sau lễ tang phải giao tận tay phu nhân di nguyện của lão gia. Mới nãy thuộc hạ dự định cùng phó thân vệ đến tìm thì nha hoàn bên cạnh phu nhân đã hốt hoảng đến báo, từ sáng đến giờ phu nhân một mình ra ngoài vẫn chưa thấy quay trở lại. Thuộc hạ sợ chuyện không hay xảy ra nên liền cấp báo thiếu gia.”

Trong lòng Bộ Lĩnh nảy lên một cái, thầm than không ổn, đoạn chạy nhanh ra cổng hỏi gác quân nãy phu nhân đi hướng nào rồi cưỡi ngựa đuổi theo.

Nó phân phó thân binh chia ra nhiều ngã khắp thành, tìm thấy phu nhân thì bắn tín hiệu cho toàn đội biết, riêng nó cùng Cao Khiển dẫn mười binh sĩ nhắm hướng tây nam thành mà đi.

Bộ Lĩnh lo sợ, nó sợ mẹ sẽ giống thím Tư phía tây thành mà nghĩ quẩn, nên cần tìm thấy mẹ càng sớm càng tốt. Trong đầu nó nghĩ nhanh đến một địa điểm. Nếu thực sự mẹ nó muốn… đi theo cha, thì khắp Hoan Châu này không còn chỗ nào thích hợp hơn.

***

Sông Lam – tây nam thành Hoan Châu

Trên một mỏm đá cao chìa ra dòng sông âm ĩ chảy siết bên dưới, một thiếu phụ thẩn thờ bước từng bước đến gần mép vực, gió mạnh từ sông thổi lên làm chiếc áo tang trên người thiếu phụ tung bay phần phật trong gió. Chiếc váy bên trong áo tang bà đang mặc không có màu đứng tuổi như váy của người có chồng, mà có màu thanh thuần như váy thiếu nữ. Đây là chiếc váy bà mặc trong lần gặp phu quân đầu tiên mười chín năm trước. Bao năm qua được bà gìn giữ cẩn thận, năm nào cũng lôi ra điều chỉnh cho vừa vóc dáng rồi mặc thử, trân quý biết bao nhiêu.

Lúc đó Đàm thị mới chỉ mười bốn, còn Công Trứ đã ngoài hai mươi. Ông giúp bà nắn chân trong Tiết thanh minh, lúc bà bong gân khi chen lấn trong đám đông thắp hương lễ Phật.

Vào thời gian ấy, ông tuy còn trẻ cũng lại rất có tiền đồ, nhưng ánh mắt cú vọ cùng sát khí đặc quánh xung quanh khiến nhà ai cũng lấp lửng nửa muốn nửa không trong việc hứa gả con gái. Người nào cũng sợ con gái yêu khi về nhà chồng vì sát khí của ông mà đâm hoảng loạn. Đàm thị khi ấy lại nổi danh là một tài nữ sở hữu tiếng hát vàng anh, lại hoạt bát biết sử dụng thành thạo cả cung và kiếm, chính bởi vậy bà thường bướng bỉnh cười chê trước mặt cha đám con trai trong vùng ẻo lả không xứng với mình.

Chỉ riêng ngày hôm đó, khi bắt gặp ánh nhìn mạnh mẽ cùng sát khí hào hùng phát ra từ ông, lại khiến trái tim Đàm thị tưởng như loạn nhịp, lần đầu trong đời bà biết đến hai chữ “tương tư”. Phải mất gần hai năm, tìm đủ trăm phương ngàn kế thuyết phục cha, cuối cùng cha bà cũng chấp thuận hẹn nhà họ Đinh gặp mặt.

Thế là vào một ngày tiết trời se lạnh cuối xuân, khi những cánh hoa ban(1) nở bung trắng xoá trước nhà, Đàm thị Thiềm, con gái yêu nhà Đàm viên ngoại xuất giá gả vào Đinh gia, bắt đầu chuỗi ngày trở thành người vợ cử án tề mi(2) bên phu quân vẫn hằng yêu kính ngưỡng mộ.

Đàm thị cúi xuống nhìn cây đàn tì bà trong lòng.

Ngày trước, bà chỉ thích múa kiếm giương cung, coi việc đánh đàn thuộc về các yểu điệu tiểu thư. Sau một vú già từ nhỏ chăm sóc phu quân có nói Đinh lão phu nhân đánh đàn tì bà rất giỏi, nên lão gia cũng rất có cảm tình với đàn tì bà. Những lúc mệt mỏi, lão gia thường tìm đến mẹ nghe vài khúc nhạc rồi ngủ hăng say. Sau này lão phu nhân lớn tuổi, không còn sức gảy đàn ca hát nữa nên cũng không nghe lão gia nhắc về đàn tỳ bà.

Đàm thị lúc đó nhớ lại những đêm phu quân thức khuya bàn việc quân cơ, đến sáng hôm sau lại nhức đầu nặng nề day trán, hay những lần ông lặng yên lắng nghe tiếng đàn tì bà trong các buổi yến tiệc quan trên. Có lần ông còn hỏi bà có biết tiếng đàn tì bà khác như thế nào với những nhạc cụ khác không, bà chỉ nói tất cả đều giống như nhau, bà nghe đều thấy rất nhức đầu. Đàm thị nhớ lại lúc đó ông chỉ lặng im mà không nói thêm điều gì.

Sau hôm ấy, bà âm thầm tìm nhạc sư về bí mật chỉ dạy ngày đêm. Sinh nhật phu quân năm đó, Đàm thị giả làm nhạc công gảy đàn tỳ bà, kính ông một khúc cổ nhạc mẹ chồng từng gảy cho ông nghe, khiến Công Trứ thập phần xúc động. Đó cũng là lần duy nhất bà thấy ông thể hiện tình cảm với mình trước đám đông.

Đàm thị nhẹ nhàng vuốt ve cây đàn trong lòng. Bà ngồi lên một mỏm đá, rồi bắt đầu gảy đàn hát về một câu chuyện xưa.

Chuyện kể về một người con gái lần đầu gặp mặt bên bờ sông Bôi đã ôm lòng tương tư một chàng trai. Do lễ giáo phong kiến không thể tự đính ước, nên nàng khổ sở dùng trăm phương ngàn kế để cha đồng ý gả nàng cho tình lang. Đó là một thiếu nữ hạnh phúc nhất thế gian. Nàng hạnh phúc mỗi khi chàng ăn thức ăn nàng nấu, hạnh phúc mỗi khi chàng mặc chiếc áo nàng may, hạnh phúc mỗi khi thấy chàng trở về bình an sau kỳ chinh chiến, hạnh phúc khi những đứa con của họ lần lượt khoẻ mạnh chào đời, hạnh phúc mỗi khi chàng nghe tiếng đàn của nàng rồi bình yên chìm vào giấc ngủ. Nàng mong ước đất nước thái bình, muôn dân yên ổn ấm no, để cả hai cùng thực hiện hẹn ước thuở hàn vi, cùng về vùng quê sống một cuộc sống đồng ruộng, chàng hằng ngày ra đồng rồi dạy võ kiếm sống, còn nàng ở nhà dệt vải tề gia…

Đến đây thì Bộ Lĩnh cùng đám thân vệ phía sau đã ngoảnh đi không nỡ tiếp tục nhìn. Nãy giờ nó đã tìm thấy mẹ nhưng vẫn cách một quãng yên lặng lắng nghe. Giờ thì Bộ Lĩnh đã biết chủ nhân ước mơ trong lời cha từng nói đêm đó trong thư phòng.

Chiến tranh.

Chính chiến tranh làm cho nó mất cha, mẹ nó mất chồng, bà nội đau đớn người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh, cũng có biết bao người ngoài kia thân nhân ly tán, nếm trải muôn vàn sinh ly tử biệt, bi thống trần gian. Mi tâm Bộ Lĩnh chau lại, trong lòng bỗng cuộn lên một cảm xúc khó chịu vô ngần mà ngay cả chính bản thân cũng không thể lý giải.

Khoảnh khắc đó, có lẽ chính Bộ Lĩnh cũng không thể ngờ đã tự gieo vào lòng mình, mầm móng của một nỗi hận làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời nó sau này, nỗi hận mang tên “chiến tranh”.

Tiếng đàn ngưng bặt khiến Bộ Lĩnh tập trung.

Mẹ nó có dấu hiệu lạ. Bà chầm chậm đứng lên, thân người lắt lư như mộng du, rồi lấy hết sức bình sinh đập cây đàn tỳ bà vào mỏm đá khiến nó vỡ tan tành.

Bộ Lĩnh hét to trước khi Đàm thị toang nhảy xuống: “Mẹ không muốn biết vào lúc cuối đời cha đã nghĩ gì sao?”

Đàm thị hoảng hốt quay lại nhìn con trai cùng đám thân vệ phía sau, vẻ tinh anh trứ danh trong mắt nay đã không còn, thay vào đó chỉ là nỗi đớn đau đến mộng mị.

Bà gào lên: “Các ngươi đừng hòng lừa ta!”

Bộ Lĩnh chìa tay qua người bên cạnh, Cao Khiển lấy ra một phong thư được niêm kín để vào tay thiếu gia. Đàm thị như người điên lao đến giật thư, ngay từ chữ đầu tiên đã khiến bà dàn dụa nước mắt:

“Thị Thiềm,

Thấy chữ như thấy người.
Nay ta biết mình không qua khỏi, mong nàng nghe ta dặn dò lần cuối.

Thứ nhất, mong nàng chăm sóc mẫu thân giúp ta. Đời này ta không làm tròn phận hiếu, dưỡng mẫu thân đến lúc bà gặp cha ta, còn để bà trải qua đau thương người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh. Mong nàng nể tình phu thê mười mấy năm mà cho bà được hưởng phúc trạch con cháu tuổi xế chiều.

Thứ hai, mong nàng thay ta cố gắng tìm cho Quế Hương, Quế Linh một mối tốt. Hãy để các con được như nàng, sống cùng người tự chúng chọn lựa và yêu thương.

Thứ ba, giúp ta chăm sóc cho Bộ Lĩnh. Con trai chúng ta là người thông minh, ắt sau này giúp ích được dân. Sinh thời ta không để tâm khiến con quạnh quẽ, sau này lại phải nhờ đến nàng rồi. Hãy thay ta quản giáo nghiêm khắc. Đừng ép con học thi thư, không hữu ích trong thời loạn. Mong nàng giúp con rèn luyện trí dũng để sau này giết giặc, bảo vệ dân.

Thứ tư, Thị Thiềm, ta bị người khác ám hại.”

Đàm thị chấn kinh, nhớ đến ác mộng vào đêm nghe tin tử trận của phu quân. Bà nén bi thương đọc tiếp:

“Người ám hại ta rất giỏi dùng cung tên, sức lại mạnh, có thể bắn tên xuyên qua được lớp áo giáp ta đến nay không có mấy người, lại đi từ hướng quân ta phóng tới, chứng tỏ trong quân có người hận ta nên quyết tâm tiêu diệt. Sau đám tang, đừng tiếp tục ở lại Hoan Châu, nàng hãy âm thầm dẫn cả nhà về trấn Đại Hữu, tạm thời án binh bất động. Miếng Nghê Vân phỉ ngọc(3) này nàng hãy thay ta giữ, Cao Khiển sẽ nói nàng nghe công dụng của nó.

Đinh Công Trứ di thư.”

Đàm thị thấy trong phong thư còn có một miếng ngọc phỉ. Sắc ngọc đỏ thẫm như máu, trái ngược với vẻ thanh thuần ngọc bội ông thường mang bên hông, nhưng hình thù chạm khắc Nghê Vân lại giống nhau như đúc. Có thể ông đã cho người làm thêm miếng này sau khi được lão nhân gia tặng miếng Nghê Vân thuý ngọc.

Di thư còn có thêm một tờ giấy khác, đây là lời tâm can ông muốn nói chỉ riêng mình bà:

“Thị Thiềm,

Nàng còn trẻ, sau ba năm mãn tang hãy tìm cho mình một mối tốt, đừng vì ta mà lỡ lương duyên.
Ta hỗ thẹn vì thất hứa, không thể cùng nàng tìm nơi ẩn cư, tương tri tương ái đến già.
Kiếp này ta thân mang trọng trách bảo vệ đất nước mà phụ nàng, xin nguyện kiếp sau chỉ bảo vệ mình nàng, được không?
Đời này cưới được nàng, là do Công Trứ ta ba đời trước tu dưỡng.
Xin nàng kiếp sau đừng oán trách mà rời bỏ ta.

Đinh Nhất lang(4) gởi nương tử.”

Cao Khiển đứng bên này rất lo lắng, hắn lo không bảo vệ được phu nhân. Trước khi nhắm mắt, lão gia đã căn dặn hắn phải đi theo phu nhân, nay vì sơ suất, trễ chút nữa đã phải xuống hạ lưu nhặt xác phu nhân rồi. Hắn cử người đi vòng qua phu nhân đến gần vực, cố gắng giăng lưới đề phòng phu nhân nhảy xuống. Hắn đang lo không biết phu nhân lúc nào thì nhảy xuống, nên dùng hết sở học tập trung cao độ, chỉ cần phu nhân nhúc nhích là hắn bay ra giữ người.

Vậy mà hắn đứng thật lâu vẫn không xảy ra động tĩnh gì, chỉ thấy phu nhân cứ nhìn chằm chằm vào phong thư, lúc thì bật cười khi khóc nấc lên, thi thoảng lại nhìn trìu mến. Hắn thấy lá thư không dài, mà phu nhân như muốn nuốt từng chữ, đọc rất chậm. Bỗng phu nhân cười càng ngày càng to, rồi cười như điên dại, cuối cùng bà ngẩng mặt lên trời mà gào rống, phun ra ngụm máu rồi ngã lịm đi.

Thiếu gia hoảng loạn chạy đến đỡ phu nhân cố gắng lay dậy. Thấy phu nhân không phản ứng gì khiến tim Cao Khiển phút chốc rơi rụng. Mãi đến khi thiếu gia kiểm tra nhịp thở phu nhân, biết bà vẫn còn sống tim hắn mới quay trở về quỹ đạo.

Cần nhanh chóng quay về gặp đại phu. Cao Khiển theo lời thiếu gia tập trung binh sĩ cấp tốc hồi phủ.

“Công Trứ, lão gia thật nhẫn tâm. Lão gia dễ dàng ra đi, nhưng lại muốn ta ở lại trần gian cô độc một mình, giúp lão gia hoàn thành tâm nguyện.

Công Trứ, kiếp này, ta hận chàng.”

————————————
(1) Loài hoa nở vào tháng ba, phân bố nhiều khu vực miền bắc Việt Nam, đặc biệt vùng Tây Bắc. Hoa ban tượng trưng cho sự thuỷ chung, sắc son, chân thành.
(2) Vợ chồng kính trọng, thương yêu nhau
(3) Ngọc phỉ thuý có hai màu thường thấy, “phỉ” là màu đỏ, “thuý” là màu xanh
(4) Đinh Công Trứ là con trai đầu nên thường được gọi tên khác là “Nhất lang”, tương tự người con thứ hai là “Nhị lang”, con thứ ba là “Tam lang”,…

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN