Chùm Nho Phẫn Nộ - Chương 9
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
148


Chùm Nho Phẫn Nộ


Chương 9


Trong các căn nhà bé nhỏ, dân tá điền soát lại đồ đạc của họ và đồ đạc của cha ông để lại. Họ chọn lựa những thứ họ sẽ mang đi theo tới miền Tây xa xôi. Đàn ông tỏ vẻ không luyến tiếc thương sót bởi vì họ biết, quá khứ của họ đã bị hoen ố. Nhưng phụ nữ thì không thế, họ biết rõ, vào những ngày mai sắp tới, quá khứ vẫn lớn tiếng hiện về nhắc nhở trong ký ức của họ.

Đàn ông đi vào các kho thóc, chui vào các kho dụng cụ.

– Chiếc cày đây, cái bừa đây, ông nhớ không? Hồi chiến tranh, chúng ta trồng mù tạt không? Ông có nhớ cái gã muốn bắt người ta trồng loại cao su gọi là Guayale chứ? “Làm giàu đi”, hắn nói. Lôi mấy dụng cụ đó ra đi… Có thể bòn được vài đôla. Cái cày này mua mười tám đôla, thêm tiền chuyên trở, một cái kiểu Sears – Roebuck.

Yên ngựa, xe bò, máy gieo hạt, các bó cuốc nhỏ. Lôi ra, xếp đống lại. Cho chúng lên xe bò. Đưa đến thành phố. Cứ bán đi, bán đổ bán tháo đi. Bán cả xe, cả vật kéo. Chúng ta trả cần quái gì nữa. Được một chiếc cày tốt mà chỉ mất năm mươi xu thì có gì mà nhiều. Cái máy gieo hạt kia, tôi đã phải trả ba mươi tám đôla. Tôi không thể mang đi hết được. Thôi thì lấy đi, luôn thể lấy cả nỗi đắng cay của tôi nữa. Lấy chiếc bơm với cái yên ngựa. Lấy dây thừng, vòng cổ, vòng đóng ngựa, dây dắt. Hãy lấy các hạt cườm thủy tinh, cái bông hoa hồng nhỏ dưới tấm kính. Tôi đã mua các thứ này cho con ngựa lông sắc be đấy. Ông có nhớ, khi phi nước kiệu nó giơ chân lên thế nào không?

Đồ tầm tầm hổ lốn chất đống trong sân.

– Thời buổi này không còn cách nào bán nổi một chiếc cày. Năm mươi xu, giá sắt thôi. Đĩa và máy cày bây giờ là thịnh hành nhất.

– Thôi lấy đi chứ… Rẻ quá sắt vụn… đưa tôi năm đôla. Nhưng có điều, ông đâu chỉ mua đồ bỏ đi, ông mua cả cuộc sống vô dụng bỏ đi… thêm vào đó rồi ông xem… ông mua cả nỗi đắng cay, ông làm thế kia, là mua cày để chôn chính con cái của ông, là mua những cánh tay, sự can đảm mà đã có thể cứu vớt ông. Năm đôla, bốn không được. Tôi không mang nó về được… Thôi lấy đi, chả năm thì bốn vậy. Nhưng báo cho ông biết, ông mua cái thứ sẽ chôn vùi con ông. Ông không thấy được điều đó, không thể thấy được điều đó. Bốn đôla, lấy đi. Còn con ngựa và chiếc xe. Ông trả tôi bao nhiêu nào? Hai con ngựa be đẹp này, xếp cặp theo màu lông, nước đi sánh từng bước một. Khi phải kéo nặng… gân bắp và mông căng ra. Ban mai, khi chiếu vào chúng, ánh sáng cũng ngả màu be. Chúng vươn đầu nhìn qua bờ dậu và tức thì hít hít đánh hơi bọn tôi, tai dỏng lên để nghe chúng tôi nói, lại cái túm lông đen trên trán nữa chứ! Tôi có một cháu bé gái. Nó thích tết lông bờm và lông trán cho chúng, nó cài vào đấy những cái nơ đỏ. Nó thích làm thế. Giờ thì hết rồi. Tôi có thể kể ông nghe một câu chuyện vui, về cháu bé gái đó với con ngựa be, con thứ hai kia kìa. Chắc ông sẽ buồn cười. Con ngựa thứ hai được tám tuổi, con đầu mười, nhưng cứ thấy chúng cùng nhau làm việc tưởng chừng chúng là sinh đôi. Ông thấy chưa? Răng lành mạnh. Ngực to khoẻ, mông sạch và lành lặn. Bao nhiêu? Mười đôla? Cả hai? Còn cái xe… Ối! Mẹ kiếp! Tôi muốn chẳng thà cho chúng một phát súng, lấy thịt cho chó ăn. Ôi. Lấy đi? Lấy nhanh lên, nào! Thế là ông mua một cháu gái đang tết tóc, đang gỡ chiếc băng ở tóc ra để làm một chiếc nơ. Ôi! Cháu đang lùi lại, đầu nghiêng xuống và đưa má cọ cọ vào hai lỗ mũi êm êm. Ông mua những năm dài lao động nhọc nhằn dưới mặt trời, ông mua một nỗi phiền muộn không nói ra lời. Nhưng xin ông chú ý cho. Có một món tiền hoa hồng đi kèm với đống sắt này, với những con ngựa be… đẹp đến thế…. một gói đắng cay sẽ mọc mầm trong nhà ông sẽ có ngày đâm hoa… Chúng tôi có thể cứu vớt ông, nhưng ông đã làm chúng tôi khánh kiệt mất rồi. Chẳng mấy chốc sẽ đến lượt ông, cũng khuynh gia bại sản, nhưng lúc đó chúng tôi chẳng còn một mống để kéo ông ra khỏi cảnh hoạn nạn.

Các người tá điền ra về, tay họ thọc túi, mũ kéo sụp xuống mắt. Có vài người mua một ly whisky, uống nhanh mong cho rượu ngấm nhanh mong được choáng nhanh. Nhưng họ không cười, họ không khiêu vũ. Họ không hát, họ không chơi đàn. Họ trở về trang trại, đầu cúi gầm, tay thọc vào túi. Bụi cát đỏ, tung lên dưới mỗi bước chân đi.

– Dễ chừng chúng ta có thể bắt đầu làm lại ở một miền đất mới cũng nên… miền đất trù phú tại California, bốn mùa hoa trái, chúng ta sẽ lại bắt đầu.

– Nhưng chúng ta không thể lại bắt đầu. Chỉ có trẻ sơ sinh mới có thể bắt đầu. Thì đấy, bác với tôi chúng ta xưa sao nay vậy. Một chốc nổi nóng, hàng ngàn hình ảnh, đó là chúng ta. Mảnh đất này, mảnh đất đỏ này, chính là chúng ta, và những năm tháng lụt lội, những năm tháng mưa lũ và những năm tháng khô hạn, đó là chúng ta. Chúng ta không thể trở lại bắt đầu được. Sự đắng cay mà chúng ta đã bán cho gã tâm tầm… chắc chắn hắn đã bỏ túi, nhưng chúng ta mãi mãi giữ nó. Và khi bọn đại diện bảo chúng ta phải ra đi, chính là chúng ta, và khi chiếc máy cày đâm vào nhà chúng ta, chính là chúng ta cho tới chết. Lên đường sang California hay đâu đó… mỗi người chúng ta, trống rung cờ mở dẫn đầy một binh đoàn những nhọc nhằn đau khổ, hành quân với lòng tràn nỗi xót đau. Và một ngày nào đó tất cả các đội quân những tấm lòng cay đắng sẽ đi về cùng một nẻo. Và họ sẽ sát cánh cùng cất bước và gieo rắc một nỗi kinh hoàng chết người.

Các tá điền trở về nhà họ, chân kéo lê trong cát bụi đỏ.

Mọi thứ có thể bán được đã bán xong, lò bếp, giường, bàn, ghế, những tủ nhỏ lồng kính, bồn tắm, bể nước, nhưng vẫn còn những khối đồ đạc, và phụ nữ ngồi ở giữa, lăn trở chúng trong tay, mắt mơ hồ nhìn ra xa, nhìn vào quá khứ, vào những tranh ảnh, vào những tấm kính vuông. Ơ này, đây còn một cái lọ.

– Bây giờ, mày biết những gì chúng ta có thể mang đi và những gì không thể mang đi. Chúng ta sẽ cắm trại ngủ ngoài trời… kiếm vài cái bô để nấu ăn, để rửa ráy, những chiếc nệm, những cái phủ chân, đèn lồng và chậu, và một tấm vải. Dùng nó làm lều. Cái can dầu hoả này. Mày có biết cái này là cái gì không? Cái bếp lò… Còn quần áo… mang tất cả quần áo đi. Còn… khẩu súng? Không có súng không thể ra đi được. Khi giày dép, quần áo, thức ăn đã biến đi, thậm chí hy vọng cũng biến nốt, thì mãi mãi vẫn còn khẩu súng. Hồi ông nội tao… tao nói chuyện này với mày chưa nhỉ?… ông chỉ có muối, có hạt tiêu và một khẩu súng. Chả có gì khác. Nhưng súng thì phải đem đi. Với một chai nước. Thôi, tao nghĩ, bây giờ không còn chỗ nữa rồi, Đầy ứ lên mép thành xe rồi. Bọn trẻ con có thể ngồi vào xe lăn, bà Nội trên đệm. Các dụng cụ, xẻng, cưa, lắc lê, kìm, cặp, một cái rìu nữa. Cái hái này, có đến bốn mươi năm rồi. Lưỡi mòn trơ rồi. Cố nhiên, cả dây thừng nữa. Những thứ còn lại? Đành bỏ lại thôi… hoặc đốt đi.

Rồi bọn trẻ con tới.

– Con Mary mà đem con búp bê này đi, con búp bê cũ làm bằng giẻ, thì con, con muốn đem theo chiếc cung của người da đen. Con muốn thế. Còn chiếc gậy này nữa, lớn bằng con. Biết đâu con lại không cần đến. Chiếc gậy đó, con có đã lâu… một tháng hay một năm, dễ một năm. Con phải đem nó đi. Mà cái xứ California ấy, nó giống ở đâu nhỉ?

Phụ nữ ngồi giữa các đồ đạc bị vất bỏ lại, tay trăn trở chúng, mắt mơ hồ nhìn ra xa, nhìn về thủa xưa. Một cuốn sách của cha mình. Ông cụ hay đọc nó. Có tên ông ở trong. Và cái tẩu của ông… còn xông mùi khét. Và cái tượng này… một thiên thần. Bao nhiêu lần mình đã nhìn ông thiên thần đó, trước khi sinh ba cháu đầu… cũng phải nói thật, nó chả giúp ích được gì. Cô nghĩ xem, có thể đem con chó bằng sứ này đi không? Chính dì Sadie đã đưa nó từ cuộc Triển lãm Sainot – Loanig về. Cô xem. Người ta viết cái gì lên đó. Thôi, đừng xem thì hơn. Cái kia là bức thư anh mình viết trước hôm anh ấy mất. Kia là chiếc mũ cổ lỗ. Những ngòi bút này… chưa hề dùng đến. Thôi, không còn chỗ nữa.

Những thứ đó là những mảnh đời chúng ta. Không có chúng thì chúng ta sống làm sao được? Không có dĩ vãng của chúng ta làm sao chúng ta nhận ra chính chúng ta? Thôi, đành phải bỏ lại. Đem đốt đi.

Họ ngồi nhìn những vật đó, đốt nó trong ký ức của họ.

– Tôi tự hỏi chẳng biết mình sẽ ra sao khi không quen biết cái thửa đất nằm ở trước cửa. Rồi nếu ban đêm thức giấc và biết được rằng… biết rằng cây liễu không còn có ở đấy nữa? Không có cây liễu chị có sống nổi không? Không, không thể. Cây liễu chính là chị. Nỗi đau đớn trên cái đệm này… đau đớn khủng khiếp… đó là chị.

Còn bọn trẻ… Nếu thằng Sam mang theo chiếc cung người da đen và chiếc gậy của hắn, thì con, con muốn mang theo hai thứ. Con chọn chiếc gối nhồi lông tơ. Nó là của con. Rồi đột nhiên, họ cáu giận lên. Phải vội lên để còn đi. Người ta không thể chờ được. Chúng tao không thể chờ được. Thế là họ xếp chất đống các đồ vật trong sân, châm lửa đốt. Họ đứng nhìn đồ vật cháy rần rật, rồi, bị một cơn vội vã tuyệt vọng xâm chiếm, họ tải các thứ đồ còn lại xếp lên xe, họ ra đi, ra đi trong cát bụi mịt mù. Những chiếc xe tải đã đi khuất, nhưng bụi cát còn vấn vương vật vờ một lúc lâu trong không khí quê hương xứ sở.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN