Chúng Ta Chia Tay Đi
Phần 16
Sau khi nói xong câu đó, tôi cố ý chờ anh tắt máy trước nhưng cuối cùng đợi mãi, đợi mãi anh cũng vẫn không ngắt cuộc gọi đó mà cứ để điện thoại kết nói như vậy. Tôi nằm một lúc, thấy đầu dây bên kia rất lâu không có tiếng động gì mới khe khẽ hỏi:
– Anh ngủ chưa?
Rất nhanh, tiếng của anh nhẹ nhàng đáp lại:
– Sắp ngủ rồi, em cứ ngủ đi. Không cần ngắt điện thoại.
– Anh định để như thế cả đêm à?
– Ừ, để điện thoại như thế ma không bắt em đâu. Cứ ngủ đi nhé, đừng lo.
Khóe môi tôi bỗng nhiên vô thức cong lên, đáy lòng mềm mại giống như có một dòng nước ấm chảy qua, tâm tình cũng trở nên trấn tĩnh. Tôi trùm chăn lén lút cười một mình, mãi sau mới sực nhớ ra chưa trả lời anh nên lại thò đầu ra, nhỏ giọng đáp:
– Em biết rồi. Em ngủ đây.
– Ngủ thôi.
Cuối cùng tôi cũng từ từ chìm vào giấc ngủ. Thỉnh thoảng có đôi lúc giật mình thức giấc, mở mắt ra thấy màn hình điện thoại vẫn sáng, đồng hồ vẫn thong thả nhích từng giây, tôi lại có thể yên tâm thiếp đi. Cứ như vậy đến sáng ngày hôm sau, khi tôi tỉnh dậy thì điện thoại vẫn đang hiển thị kết nối, thời gian lên đến tận sáu tiếng mười lăm phút ba mươi giây rồi.
Mặc dù không biết anh đã thức dậy chưa nhưng tôi vẫn cầm điện thoại lên, áp vào tai để cố lắng nghe âm thanh ở đầu dây bên kia, chỉ thấy những tiếng lạch cạch rất nhỏ. Tôi không đoán ra được đó là tiếng gì nên khẽ hỏi:
– Anh dậy chưa?
Anh lập tức trả lời:
– Anh dậy rồi, em mới dậy à?
– Vâng. Cả đêm qua ngủ ngon. Có bác sĩ canh cho ngủ có khác, không mơ gì linh tinh, cũng không gặp con ma nào cả.
– Thế là tốt rồi. Dậy uống một nước chanh ấm rồi ăn sáng đi thôi.
– Uống nước chanh ấm làm gì thế anh? Em bị viêm dạ dày vẫn uống được ạ?
– Được, em pha loãng một tý ra là được. Uống nước chanh ấm vào buổi sáng để tăng sức đề kháng đấy.
– Thế thì từ giờ ngày nào ngủ dậy em cũng uống mới được.
– Ừ. Trèo xuống giường đi thôi.
– Sao anh biết em vẫn chưa trèo xuống giường? Thần giao cách cảm hả?
– Không có, anh nghe thấy tiếng chăn đệm.
Tôi cong môi cười:
– Bác sĩ có thính giác tốt thật đấy. Em xuống giường đi pha nước chanh ấm uống đây, anh cũng dậy ăn sáng đi nhé.
– Anh biết rồi.
– Cúp máy thôi.
– Ừ.
Nói là nói thế nhưng cả hai chúng tôi đều ngần ngừ, chẳng ai nỡ ngắt cuộc gọi cả, cuối cùng gần một phút sau thấy đồng hồ hiển thị thời gian gọi đến vẫn chạy, tôi ngại quá nên đành chạm vào nút kết thúc.
Sáu tiếng mười tám phút bảy giây, đây là kỷ lục cuộc gọi dài nhất từ trước đến giờ của tôi, quan trọng hơn đó lại là cuộc gọi giữa tôi và một người đàn ông rất đặc biệt nữa…
Ước gì người ấy cứ mãi đối xử tốt với tôi thế này. Ngọt chết tôi rồi!!!
Tôi giữ nguyên nụ cười trên môi rồi trèo xuống giường, vui vẻ đi pha một cốc nước chanh ấm như “vị bác sĩ nào đó” vừa nói, sau đó còn tự làm một phần bánh mì trứng ốp la cho mình.
Sau rất nhiều năm, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được thức giấc với tâm trạng nhẹ nhõm nhất, vui vẻ nhất, thậm chí còn cảm thấy lòng mình lâng lâng hạnh phúc. Ngay cả mùi vị bánh mì trong miệng cũng không còn khô khốc nữa mà trở nên rất mềm và ngọt.
Tựa như người ấy, bình đạm và êm dịu, khiến người ta dễ say!!!
Ăn xong, nạp đủ năng lượng cho một ngày mới, tôi lại tìm một bộ váy có màu tươi tắn nhất trong tủ đồ mặc vào rồi mới đến công ty. Mấy nhân viên nữ vừa nhìn thấy tôi từ xa đã niềm nở chào:
– Em chào chị ạ.
– Ừ, chào mọi người. Ngày mới vui vẻ nhé.
– Vâng, sếp ngày mới vui vẻ. Hôm nay nhìn sếp tươi lắm, xinh nữa.
– Thật à?
– Vâng, thật mà. Nhìn đã thấy đầy năng lượng rồi. Sếp có chuyện gì vui ạ?
– Đâu có, không có chuyện gì đâu. Mọi người đi làm việc đi nhé.
– Vâng.
Lên đến phòng, tôi soi gương cũng thấy mặt mũi mình hôm nay đúng là phấn khởi thật, nhìn có hồn hơn bao nhiêu. Nhưng mà ngẫm đi ngẫm lại, mình làm sếp mà lúc nào cũng cười thế này thì giống thần kinh quá, cho nên cuối cùng đành hít sâu một hơi, cố gắng khôi phục lại vẻ mặt thường ngày rồi bắt tay vào làm việc.
Giữa trưa thì tôi nhận được điện thoại của Thu, vừa mới nhấc máy thì đã nghe giọng nó oang oang vọng đến:
– Này con kia, mày định bán đứng bạn bè đấy phỏng? Định giao trứng cho ác đấy phỏng?
– Gì thế? Ai bán đứng mày? Tao thương mày không hết, sao nỡ giao mày cho ác được?
– Thế mày tự nhiên gán ghép tao với cái lão công tử bột kia làm gì hả?
– Làm gì có, hội độc thân đi ăn nên rủ đi cùng. Mà ông ấy có phải công tử bột đâu, cũng có tài cán phết đấy. Sao mày cứ kỳ thị người ta thế nhỉ?
– Tao ghét mấy thằng con nhà giàu, toàn là kiểu công tử ăn chơi đàn đúm, chỉ biết tiêu tiền của bố mẹ. Cái lão Luân đó nhìn từ đầu đến chân toàn hàng hiệu, bóng lộn như thế, kiểu gì nhà chả giàu nứt đố đổ vách, không phải làm gì mà vẫn có tiền tiêu như rác.
– Ừ thì nhà ông ấy giàu thật nhưng đâu có nghĩa ông ấy không phải người tốt. Tao chỉ rủ đi ăn cùng thôi, còn tiến triển như thế nào là do mày với ông ấy chứ. Thế ông ấy làm sao mà tự nhiên mày gào rú lên thế?
– Qua tao say ngất ngưởng, ngủ đến giờ mới dậy. Mà có phải tao tình nguyện dậy đâu, có ông shipper gọi điện thoại đến đánh thức tao, bảo tao có hàng, xuống dưới cổng nhận.
– Hàng gì cơ?
– Thì lúc đầu tao cũng tưởng tao đặt cơ, lúc chạy xuống mới thấy toàn là đồ ăn, từ cháo ếch Singapore, canh rong biển, còn cả một hộp đông trùng hạ thảo size to nữa mày ạ. Tao tưởng ông kia ship nhầm, nhưng giở ra thấy một tấm thiệp ông Luân viết, bảo tặng tao ăn cho giải rượu với bổ. Tiên sư. Mày bán đứng tao đúng không? Mày cho lão địa chỉ nhà tao đúng không? Mày là đồ…
– Dừng. Tao không cho địa chỉ nhà mày.
– Thế sao lão ấy biết. Cháo ếch với canh rong biển tao đói nên ăn mất rồi. Nhưng còn hộp đông trùng hạ thảo kia đắt tiền thế tao không dám ăn. Mày xem sao trả lại cho ông ấy giúp tao đi.
– Mày tự đi mà trả. Hôm qua rõ ràng mày say nhưng vẫn túm lấy ông ấy hẹn lần sau uống rượu tiếp còn gì, giờ đi uống rượu tiếp mà trả.
– Mày… mày là cái đồ phản bội, uổng công tao tốt với mày. Nhớ lấy mặt tao đấy.
– Xùy, đã có lòng ăn hết cháo ếch với canh rong biển của người ta thì cảm ơn người ta đi, không thích mà còn ăn hết.
– Tại tao đói đấy chứ. Lúc đói thì còn quan tâm liêm sỉ gì nữa.
Tôi phì cười, đặt bút ký xuống đống văn kiện chất đầy trên bàn, miệng thì vẫn nói điện thoại:
– Liêm sỉ mày đúng chỉ còn một tý.
– Kệ tao. Thế tối qua mày với ông Thành sao? Rượu vào thì có về nhà mày… làm tí ti không?
– Mày dở hơi à? Ông ấy có phải là người thế đâu. Ông ấy là người đàng hoàng.
– Đàng hoàng nên mày phải hốt thật nhanh đi, mày không hốt là có con khác hốt mất đấy. Anh bác sĩ của mày ngon nghẻ thế kia mà, con nào chẳng thèm thuồng.
– Mày tả kinh thế.
– Thật chứ kinh gì. Thế tối qua bọn mày không làm gì thật à?
– Không.
– Cũng không nói năng gì luôn?
– Nói chuyện bình thường thôi.
– Không ngọt ngào gì à? Hay ông ấy có hành động gì như kiểu quan tâm mày không? Tối qua lúc ăn đồ nướng ấy, tao thấy ông ấy để ý đến mày lắm nhé. Lúc mày uống chén rượu đầu tiên, ông ấy ngồi bên cạnh lẳng lặng mở chai nước lọc ra, để ở chỗ mày dễ lấy được nhé. Rồi từ lúc tao trêu, bảo ông ấy cứ nướng thịt cho mỗi mày ấy, ông ấy bớt gắp vào bát mày hơn nhưng tao để ý rồi, cứ nướng chín cái nào là sẽ đặt sang khay nướng phía bên mày. Kiểu đó tinh tế cực kỳ luôn, vừa không thể hiện thái quá mà vẫn âm thầm quan tâm đến mày. Đàn ông như thế mới đáng để yêu đấy.
Thực ra hôm qua tôi không hề để ý đến những điều ấy, tôi chỉ thấy anh đàn ông nhất lúc uống rượu thay cho tôi thôi, giờ nghe Thu nói thế tôi mới biết.
Mặc dù trải qua khá nhiều chuyện, trong lòng tôi cũng tự hiểu rõ anh thực sự tốt với mình, nhưng vì sợ càng nghĩ càng ảo tưởng nên vẫn cố gắng phủ nhận:
– Anh Thành tốt với tất cả mọi người mà. Hồi tao còn nằm viện, thấy mấy chị bác sĩ cũng hay khen anh ấy. Kiểu đối xử với ai cũng tốt, mà cũng chẳng cáu giận ai bao giờ ấy.
– Nhưng cái kiểu tốt với tất cả nó khác đối tốt với mày, hiểu không? Chắc ông ấy cũng có tí tình cảm gì đó với mày.
– Không đâu, mày toàn nghĩ linh tinh. Tao một đời chồng rồi, lại chẳng ra gì, sao mà ông ấy thích tao được.
– Có gì mà không thích được, bây giờ còn ai nặng nề những việc ấy nữa. Với cả dù sau này có ra sao cũng chả sao cả, mày thiệt thòi nhiều rồi, bây giờ đến lúc được tự do thì mày muốn yêu ai thì yêu đi. Yêu chán rồi chia tay cũng được. Trước giờ mày đã yêu lần nào đâu, đời không thử qua vài mối tình thì vô vị lắm.
– Cũng muốn nhưng chưa đủ can đảm. Với lại mới ly dị xong, yêu đương luôn thì ngại lắm.
– Không cần yêu đương luôn mà cứ dành thời gian tìm hiểu nhau đi. Mày cũng mạnh dạn lên, đi chơi với ông ấy nhiều lên để mà vun đắp tình cảm chứ. Mày vẫn còn trẻ, mới 25 thôi mà.
– Ừ, tao biết rồi.
– Nhớ đấy. À tiện thì nhắn gửi luôn ông Luân, bảo ông ấy là tao không thích kiểu quà cáp đắt tiền thế này đâu nhé. Cho địa chỉ để tao trả lại đấy.
– Ừ, để tao bảo ông ấy.
– Tao đi ngủ tiếp đây, mẹ, qua say quá. Ăn canh rong biển xong vẫn chưa tỉnh được.
– Ừ, ngủ đi. Tao làm việc tiếp đây.
Mấy ngày tiếp theo, tôi vẫn bù đầu bù óc với dự án sản xuất bột hoa quả của công ty nên hầu như không có thời gian nói chuyện với anh, mà hình như anh cũng rất bận nên không mấy khi nhắn tin cho tôi.
Cứ như thế đến hơn một tuần trời, có một hôm chín giờ đêm rồi tôi vẫn chưa đứng dậy ra về được thì bỗng nhiên nhận được điện thoại của mẹ tôi. Ban đầu, tôi cứ tưởng mẹ thấy mình cả tuần không về ăn cơm nên gọi điện về như mọi lần, thế nhưng vừa nhấc máy đã nghe tiếng mẹ tôi khóc nức nở:
– Trà ơi, đến viện nhanh đi con.
– Mẹ sao thế? Có việc gì hả mẹ? Sao lại đến viện thế mẹ? Xảy ra chuyện gì rồi ạ?
– Bố con tự nhiên cao huyết áp, uống thuốc rồi nhưng huyết áp không hạ rồi cứ lịm đi. Mẹ đưa bố vào viện rồi, đang cấp cứu, con vào luôn đi.
– Vâng, bệnh viện nào để con vào luôn. Mẹ đừng lo nhé, không sao đâu.
– Ừ, viện X. Khoa cấp cứu. Con đến ngay đi.
– Vâng.
Cúp điện thoại xong, tôi chẳng có tâm trí nào để nghĩ ngợi nữa, luống cuống đứng dậy soạn đồ nhưng run quá nên cũng không biết mình phải cầm theo cái gì. Cuối cùng mười mấy giây sau mới định thần lại được, vơ vội chìa khóa xe với túi xách rồi chạy thẳng ra ngoài, lái xe như bay đến bệnh viện.
Lúc tôi đến nơi bố vẫn đang cấp cứu, mẹ thì ngồi một góc run rẩy khóc, chú lái xe đứng bên cạnh cứ động viên bảo: “Anh không sao đâu, chị đừng lo quá, không sao đâu”.
Tôi thấy vậy cũng vội vàng lao lại, túm lấy tay mẹ:
– Mẹ ơi, bố vào lâu chưa? Lúc bố vào còn tỉnh không?
– Lúc đó hôn mê rồi, Trà ơi, mẹ sợ lắm. Lỡ bố con có làm sao thì…
– Không sao đâu mà, chỉ cao huyết áp thôi mà. Bố vẫn khỏe lắm, không sao đâu mẹ ạ.
– Lạy trời lạy phật cho bố con không sao, mong ông bà đỡ cho kiếp nạn này…
Mẹ tôi vừa lẩm nhẩm khấn đến đó thì cửa phòng cấp cứu mở ra, hai mẹ con không nói không rằng một câu, lập tức lao lại, không đợi bác sĩ thông báo đã hỏi rối rít:
– Bác sĩ ơi bố cháu sao rồi ạ? Có sao không hả bác sĩ?
– Tình hình bệnh nhân diễn biến nặng đấy, tạm thời đang phải thở oxy và dùng thuốc tiêu huyết khối. Nếu như thuốc không đáp ứng thì phải điều trị tái tưới máu, can thiệp động mạch vành ngay.
– Tức là phải phẫu thuật hả bác sĩ?
– Đúng thế, phải phẫu thuật đặt Stent.
Tôi không hiểu những thuật ngữ chuyên môn này, nhưng tôi có thể lờ mờ nhận ra được phải làm đến bước ấy thì bệnh tình của bố tôi rất nặng, cần phải mổ để can thiệp, nếu không chắc chắn ông cũng chẳng sống được bao lâu nữa.
Tôi bằng đến tuổi này chưa làm được gì cho cha mẹ mà chỉ làm hai người buồn lòng, tôi không cam tâm để bố phải chịu đau đớn như vậy, tôi còn muốn ông sống thật dài lâu để tôi còn báo hiếu ông, sinh cho ông một đàn cháu như lúc trước tôi đã hứa.
Tôi túm lấy tay bác sĩ, van nài nhìn chú ấy:
– Bác sĩ ơi, có phương pháp gì tốt nhất thì bác sĩ tư vấn cho cháu với ạ. Làm sao để bố cháu có thể khỏe lại thì bác nói cho cháu với. Chi phí điều trị hết bao nhiêu cũng được ạ. Chỉ cần bố cháu qua được thôi.
– Như tôi đã nói rồi đấy, bố cô bị nhồi máu cơ tim lâu rồi phải không?
– Vâng.
– Mạch vành xơ vữa rất nhiều rồi, động mạch cũng bị thu hẹp. Dùng thuốc tiêu huyết khối thì cũng chỉ là phương án tạm thời. Tôi vẫn khuyên gia đình nên sắp xếp để bệnh nhân phẫu thuật đặt stent càng sớm càng tốt.
– Vâng. Bao giờ có thể tiến hành được ạ?
– Phải theo dõi diễn biến của bố cô nữa, nếu ổn thì mổ sớm.
– Vâng, cháu cảm ơn bác sĩ ạ.
Sau khi bác sĩ đi rồi, bố tôi vẫn còn đang nằm trong phòng hồi sức đặc biệt nên tôi và mẹ không thể vào thăm được, chỉ có thể đứng bên ngoài sốt ruột chờ đợi. Mẹ tôi cứ khóc mãi, khóc đến sưng húp cả mắt, bảo tôi:
– Hay là đưa bố sang nước ngoài thử xem con. Giờ nhà chỉ có mẹ với con, toàn đàn bà con gái, bố như thế này cũng không biết phải lo như thế nào cả. Mổ tim nguy hiểm lắm, để bố mổ ở đây mẹ không yên tâm.
– Mẹ đừng lo, các bác sĩ ở Việt Nam mình giỏi lắm, còn giỏi hơn các bác sĩ ở một số nước khác ấy. Kiểu gì mổ cũng thành công thôi.
– Biết làm sao được hả con, lỡ có sự cố gì…
– Không sao mà. Con quen một anh bạn cũng làm ở viện này, anh ấy giỏi lắm mẹ ạ, được đi học ở Nhật, là bác sĩ khoa ngoại, còn chuyên cầm dao mổ nữa. Hay là để con nhờ anh ấy thử xem nhé?
– Con quen à? Quen lâu chưa con? Có yên tâm được không?
– Mới ba hai tuổi mà được làm trưởng khoa ngoại của bệnh viện lớn thế này thì theo mẹ có yên tâm được không? Anh ấy giỏi thật mà, mẹ cứ tin con đi.
– Nhưng người ta có chịu giúp không con? Họ giỏi thế chắc bận lắm, nhờ giúp chắc cũng khó.
– Để con nhờ thử xem.
– Ừ, bao tiền cũng được, con cứ hỏi người ta xem nhé.
– Vâng.
Nói là nói thế nhưng tôi cứ đắn đo mãi, lâu nay anh giúp tôi bao nhiêu thứ, giờ lại phải nhờ vả anh nên tôi ngại, cứ cầm điện thoại soạn tin nhắn rồi xóa đi, soạn rồi lại xóa đi.
Đang loay hoay không biết nên nhắn gì cho hợp lý thì tự nhiên đâm sầm vào một người, điện thoại trên tay cũng văng xuống đất.
Tôi chưa kịp ngẩng đầu lên nhìn xem là ai nhưng mồm thì đã rối rít nói:
– Xin lỗi ạ, tôi không cố ý, xin lỗi.
Một bóng áo blouse trắng ngồi xổm xuống, cẩn thận nhặt chiếc điện thoại dưới đất, liếc nhìn mấy dòng tin nhắn đang soạn trên màn hình vài giây rồi giơ tay phủi đi đám bụi đất bám trên đó. Anh ngẩng đầu lên, đưa trả lại điện thoại cho tôi, khóe miệng cũng nở ra một nụ cười nhẹ nhàng:
– Đang định nhắn tin cho anh à?
Thấy anh đột nhiên xuất hiện ở đây, tôi ngơ ra mất vài giây rồi hai má bỗng nhiên đỏ lên, vì lúng túng nên hỏi một câu rất ngớ ngẩn:
– Ơ… sao anh lại ở đây?
Anh nhìn quanh một vòng, đây là sân bệnh viện, xung quanh vẫn có bệnh nhân tấp nập ra vào. Anh làm bác sĩ thì ở đây vào giờ này là đúng rồi, câu đó phải để anh hỏi tôi mới đúng chứ?
– Hôm nay anh trực. Sao em lại đến đây? Có việc gì à?
– À… bố em mới phải cấp cứu. Em vào đây thăm bố.
– Bố em bị sao thế?
– Bị nhồi máu cơ tim anh ạ. Lúc nãy tăng huyết áp, mẹ em đưa vào viện. Cấp cứu xong bác sĩ bảo vẫn còn nguy hiểm, khả năng phải mổ để đặt Sten hay Stren gì đó.
– Đặt stent, thủ thuật can thiệp mạch vành qua da.
– À vâng. Cái đó để làm gì hả anh? Có nguy hiểm không ạ?
– Không đâu. Đặt stent để mở rộng lòng mạch vành bị tắc hẹp và làm tái lưu thông máu tới tim. Bố em bị nhồi máu cơ tim lâu chưa?
– Mười năm rồi anh ạ.
– Bây giờ đang nằm ở phòng hồi sức cấp cứu hả?
– Vâng.
– Dẫn anh đến xem.
– Anh không phải làm việc ạ? Hôm nay anh trực mà.
– Không sao, khoa có điều dưỡng trực rồi. Anh đi một tý cũng không sao đâu.
– Vâng.
Tôi dẫn anh đến chỗ khoa hồi sức cấp cứu mà bố nằm, mẹ tôi vừa nhìn thấy tôi dắt một người mặc áo blouse trắng đi đến thì vội vã đứng dậy, định lên tiếng chào hỏi thì anh đã lịch sự nói trước:
– Cháu chào bác.
– À… chào… chào bác sĩ ạ.
– Bác gọi cháu là cháu thôi. Cháu là bạn của Trà, cháu làm ở đây.
– À vâng, vâng.
Mẹ tôi là kiểu phụ nữ yếu đuối, khi gặp chuyện hay khóc và không giữ nổi bình tĩnh. Có lẽ tôi thừa hưởng phần nhiều gen của bố nên mạnh mẽ hơn bà nhiều. Nhìn mẹ cứ khép nép với anh, sợ anh mất lòng rồi không điều trị cho bố tôi, tôi thương quá nên đành bảo:
– Mẹ ơi, anh ấy là bạn mà con bảo ấy. Anh ấy đến thăm bố. Mẹ đừng khách sáo với anh ấy.
– Ừ, mẹ biết rồi.
Anh khẽ cười, nói với mẹ tôi:
– Bác trai đang nằm bên trong hả bác?
– Ừ, đang nằm trong. Họ không cho bác vào nên không biết giờ ông ấy ra sao rồi.
– Bác đừng lo. Để cháu vào xem xem.
– Ừ, cảm ơn cháu.
Vì anh là bác sĩ nên được phép vào bên trong kiểm tra tình trạng của bố tôi, anh vào đó tầm khoảng hai mươi phút rồi trở ra, không đợi tôi phải hỏi đã lên tiếng trấn an cả tôi và mẹ:
– Cháu kiểm tra rồi, tạm thời bác trai vẫn chưa tỉnh, đang được thở oxy và dùng các thuốc hỗ trợ giảm huyết áp, chống ngưng kết tiểu cầu và chống đông máu. Nếu ngày mai bác trai tỉnh, tình trạng ổn, cháu sẽ mổ đặt stent cho bác trai.
– Thế thì tốt quá, bác cảm ơn cháu. Liệu mổ có nguy hiểm không hả cháu?
– Không sao đâu bác ạ, bác cứ yên tâm.
– Cảm ơn cháu, cảm ơn cháu.
– Bác đừng khách sáo.
Vì phép lịch sự nên tôi tình nguyên đưa anh về khoa, trên đường đi ban đầu cũng ngại, cảm ơn thì khách sáo quá, mà không cảm ơn thì cũng không phải phép, thế nên mãi khi tôi với anh đi đến tận sân bệnh viện, tôi mới lí nhí bảo:
– Lần nào cũng làm phiền anh, ngại quá.
– Phiền gì đâu. Bệnh nhân nào cũng là bệnh nhân mà.
– Nhưng gặp được bác sĩ tốt lại là phúc phần của bệnh nhân nhỉ?
– Em nghĩ thế à?
– Vâng. Cảm thấy mình may mắn cực, vì quen được bác sĩ tốt như anh.
Khi tôi nói xong câu này, bước chân anh chợt dừng lại. Anh nghiêng đầu quay sang nhìn tôi, khóe môi nở ra một nụ cười bình đạm và nhẹ nhàng, cười dịu dàng đến mức ngay cả tim tôi cũng muốn tan chảy.
Anh nói:
– Anh cũng cảm thấy may mắn, vì gặp được bệnh nhân như em!
***
Lời tác giả: Viết truyện mà tương tác ít thì tác giả âu sầu lắm, mất hết cả động lực chị em ạ.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!