Chuỗi Án Mạng A.B.C
Chương 14: Bức thư thứ ba
Tôi nhớ rất rõ bức thư thứ ba của A B C đến như thế nào. Phải nói rằng mọi đề phòng đều được thực hiện để khi A B C tiếp tục chiến dịch của hắn thì chúng tôi không bỏ phí một phút giây nào. Một trung sĩ trẻ của Scotland Yard túc trực ở nhà Poirot phòng khi Poirot và tôi có đi ra ngoài thì anh chàng đó có nhiệm vụ mở bất kỳ thư tín nào gửi đến để kịp thời báo cáo với sở chỉ huy.
Ngày qua ngày chúng tôi càng lo lắng như đang ngồi trên lửa. Thanh tra Crome vốn cách biệt và trịch thượng ngày càng cách biệt và trịch thượng hơn khi những manh mối có ích của anh ta ngày càng cạn dần. Những miêu tả mơ hồ về những gã đàn ông được cho là đi cùng Betty Barnard trở nên vô ích. Nhiều loại xe hơi đã bị nhận diện có mặt ở vùng Bexhill và Cooden thì hoặc là có bằng chứng ngoại phạm hoặc là không thể tìm ra tung tích. Điều tra về việc mua quyển thông tin đường sắt A B C gây bất tiện và phiền hà cho rất nhiều người vô tội.
Còn về phần chúng tôi, mỗi lần tiếng gõ cộc cộc quen thuộc của người đưa thư vang lên ở cửa là tim chúng tôi đập thình thịch vì lo sợ. Ít nhất đó là cảm giác của tôi mà chắc Poirot cũng có cảm giác đó.
Tôi biết ông rất buồn vì vụ án này. Ông không muốn đi đâu khỏi Luân Đôn, chỉ muốn ở đó phòng có việc khẩn cấp. Trong những ngày dầu sôi lửa bỏng ấy ngay cả bộ ria mép của ông cũng rũ xuống – lần đầu tiên chúng bị ông chủ bỏ quên.
Rồi một chiều thứ sáu bức thư thứ ba của A B C đến. Bưu điện giao thư lúc khoảng 10 giờ đêm.
Khi chúng tôi nghe bước chân quen thuộc và tiếng cộc cộc gấp gáp, tôi đứng dậy đi về phía hộp thư. Có chừng bốn hay năm thư gì đó. Bức thư cuối cùng tôi để ý thấy địa chỉ được đánh máy.
“Poirot”, tôi la lên… Giọng tôi tắt lịm.
“Nó đến rồi à? Mở đi, Hastings. Nhanh lên. Mỗi một phút đều quý giá đấy. Chúng ta còn phải lên kế hoạch nữa”.
Tôi xé toạc bì thư (lần đầu tiên Poirot không quở trách tôi vì cái tính luộm thuộm) và lấy ra bức thư được đánh máy.
“Đọc đi”, Poirot giục.
Tôi đọc lớn:
Ông Poirot tội nghiệp,
Ông không giỏi điều tra mấy vụ án vặt vãnh như ông nghĩ đúng không nào? Có lẽ thời huy hoàng của ông đã lụi tàn chăng? Hãy chờ xem liệu lần này ông có làm tốt hơn không. Lần này là một vụ rất dễ. Ở Churston vào ngày 30. Hãy thử sức và làm gì đi chứ! Ông biết đấy, thật là chán khi phải một mình tự tung tự tác!
Chúc ông săn tốt.
Kính thư,
A B C
“Churston”, tôi nói rồi chộp lấy quyển A B C của chúng tôi. “Hãy xem nó ở đâu”.
“Hastings”, Poirot gắt giọng ngắt lời tôi. “Lá thư được viết khi nào thế? Nó có đề ngày không?”
Tôi liếc lá thư trên tay mình.
“Viết vào ngày 27”, tôi loan báo.
“Tôi có nghe nhầm không, Hastings? Có phải hắn nói ngày vụ án xảy ra là ngày 30?”
“Đúng thế. Để tôi xem nào, đó là…”
“Trời ơi, Hastings – ông không biết sao? Hôm nay là ngày 30”.
Ông hùng hồn chỉ tay về phía tờ lịch treo tường. Tôi chộp lấy tờ báo ngày để khẳng định lại cho chắc.
“Nhưng tại sao… thế nào…” tôi lắp bắp.
Poirot nhặt bì thư đã bị xé dưới sàn nhà lên. Có điều gì bất thường về địa chỉ mơ hồ lướt qua đầu tôi, nhưng vì quá lo lắng nội dung bức thư nên tôi không để ý nhiều đến nó.
Thời gian đó, Poirot đang sống ở khu Whitehaven Mansions. Thế mà địa chĩ được ghi là: Ông Hercule Poirot, Whitehorse Mansions, còn ở góc bì thư thì có dòng chữ nguệch ngoạc: “Nếu không phải ở khu Whitehorse Mansions, EC1 hay Whitehorse Court, xin thử gửi đến khu Whitehaven Mansions”.
“Mon Dieu!” [1] Poirot lầm bầm. “Thằng điên này đúng là hết thuốc chữa rồi sao? Vite… vite… [2] chúng ta phải báo Scotland Yard ngay”.
Mấy phút sau chúng tôi nói chuyện với Crome qua điện thoại. Lần đầu tiên viên thanh tra hay tỏ ra bình tĩnh này không trả lời “Ồ, thế à?” mà thay vào đó anh ta bật ra một tiếng chửi thề. Nghe chúng tôi trình bày xong, anh ta dập máy để nối điện thoại đến Churston càng nhanh càng tốt.
“C’est trop tard”, [3] Poirot càm ràm.
“Sao ông chắc chắn thế chứ”, tôi cãi lại, dù không hy vọng lắm.
Ông liếc nhìn đồng hồ.
“10 giờ 20 rồi sao? Chúng ta còn 1 tiếng 45 phút nữa. Có chắc tên A B C đó đợi thêm chút nữa không?”
Tôi mở quyển thông tin đường sắt mà lúc nãy đã lấy từ kệ xuống.
“Churston, Devon”, tôi đọc, “cách Paddington 204 3/4 dặm (chừng 328km). Dân số 656. Nơi này khá nhỏ. Chắc chắn hắn sẽ bị chú ý ở đó”.
“Dù vậy, lại một sinh mạng nữa sẽ bị cướp đi”, Poirot than. “Có những chuyến tàu nào thế? Tôi nghĩ tàu sẽ nhanh hơn xe hơi”.
“Có một chuyến tàu nửa đêm – toa giường nằm đi Newton Abbot – đến đó lúc 6 giờ 8 phút sáng, và đến Churston lúc 7 giờ 15”.
“Xuất bến từ Paddington?”
“Ừ, Paddington”.
“Chúng ta sẽ đi chuyến đó, Hastings”.
“Ông sẽ không có thời gian nhận tin tức trước khi chúng ta đi”.
“Nếu chúng ta nhận tin xấu thì tối nay hay ngày mai có khác gì nhau đâu?”
“Cũng có chứ”.
Tôi sắp đồ vào va-li trong khi Poirot gọi cho Scotland Yard một lần nữa.
Vài phút sau, ông vào phòng ngủ và hỏi:
“Mais qu’est ce que vous faites là?” [4]
“Tôi đóng hành lý giúp ông. Để tiết kiệm thời gian ấy mà”.
“Vous eprouuez trop d’emotion, Hastings. [5] Ảnh hưởng đến cả tay chân và đầu óc ông. Xếp áo choàng vậy đấy à? Và xem ông đã làm gì mấy bộ pyjama của tôi kìa. Nếu chai dầu gội đầu đó mà vỡ thì chuyện gì sẽ xảy ra với chúng?”
“Trời ơi, cái ông Poirot này”, tôi kêu lên, “đây là chuyện sống còn đấy. Áo quần của chúng ta thế nào thì có gì quan trọng chứ?”
“Ông không biết ước lượng gì cả, Hastings. Chúng ta không thể bắt tàu sớm hơn giờ quy định, và làm hư áo quần cũng không ngăn được vụ giết người đâu”.
Poirot cương quyết lấy cái vali từ tay tôi và tự mình sắp xếp hành lý.
Ông nói chúng tôi sẽ mang lá thư đến Paddington. Người của Scotland Yard sẽ gặp chúng tôi ở đó.
Khi chúng tôi đến sân ga, người đầu tiên chúng tôi gặp là thanh tra Crome.
Anh ta trả lời ánh nhìn dò hỏi của Poirot ngay.
“Chưa có tin gì hết. Cảnh sát ở đó vẫn đang canh chừng. Tất cả những ai có tên bắt đầu bằng chữ c đều được cảnh báo qua điện thoại khi có thể. Chúng ta chỉ còn cách đó thôi. Lá thư đâu ạ?”
Poirot đưa nó cho anh ta.
Crome xem xét và khẽ chửi thề.
“Khốn nạn thật. Hắn có cả thiên thời địa lợi”.
“Anh có nghĩ”, tôi gợi, “chuyện này là có chủ đích không?” Crome lắc đầu.
“Không, hắn ta đưa ra luật riêng – luật rất điên – và làm theo chúng. Báo trước. Hắn rất có lý khi làm thế. Để khoe khoang. Tôi tự hỏi – Tôi dám cá hắn uống rượu White Horse”.
“Ah, c’est ingénieux, ça” [6] Poirot buột miệng khen. “Hắn ta đánh máy lá thư và chai rượu trước mặt hắn”.
“Đúng thế”, Crome đáp. “Chúng ta hầu như ai cũng có lúc làm thế, vô tình viết lại thứ nằm ngay trước mắt mình. Hắn ta đánh chữ White rồi đánh tiếp chữ horse thay vì chữ haven…”
Chúng tôi biết ra thanh tra Crome cũng đi tàu hỏa.
“Dù cho có may mắn khó tin là chẳng chuyện gì xảy ra, Churston vẫn là nơi hắn chọn. Tên sát nhân đang ở đó hay đã ở đó hôm nay. Một cấp dưới của tôi ở đây canh điện thoại cho đến phút cuối cùng phòng trường hợp có chuyện gì xảy ra”.
Khi tàu sắp khởi hành, chúng tôi thấy một người chạy vào sân ga. Ông ta tiếp cận ô cửa nơi viên thanh tra ngồi và gọi với lên.
Khi tàu rời ga, Poirot và tôi vội vàng đi dọc hành lang tìm đến gõ cửa buồng tàu của thanh tra Crome.
“Anh có tin gì đúng không?” Poirot hỏi.
Crome lặng lẽ trả lời:
“Có tin xấu. Người ta tìm thấy ông Carmichael Clarke đã bị đập vỡ đầu”.
Mặc dù cái tên Carmichael Clarke không được đại chúng biết đến nhiều nhưng ông là một người có địa vị. Ông từng là chuyên gia về cổ họng rất nổi tiếng. Nghỉ hưu khá sung túc, ông có thể dồn hết tâm trí vào đam mê lớn nhất đời ông – bộ sưu tập đồ gốm sứ Trung Quốc. Một vài năm sau, được thừa kế khối tài sản kếch xù của người bác thế là ông chìm đắm trong đam mê của mình và hiện nay ông là người sở hữu một trong những bộ sưu tập nghệ thuật Trung Hoa nổi tiếng nhất, ông kết hôn nhưng không có con cái gì và sống trong ngôi nhà ông tự xây ở ven bờ biển Devon. Ông chỉ đến Luân Đôn vào những dịp hiếm hoi như khi có một cuốc mua bán quan trọng ở đó.
Không cần suy nghĩ nhiều cũng biết cái chết của ông ngay sau vụ án cô gái trẻ đẹp Betty Barnard sẽ khuấy động báo chí cho đến nhiều năm sau. Thời điểm đó là tháng 8 và việc báo chí đang cạn kiệt chủ đề sẽ làm cho tình hình càng xấu hơn.
“Eh bien” [7] Poirot lên tiếng. “Có thể báo chí sẽ làm được điều mà một vài cá nhân không làm được. Giờ đây cả nước đang tìm kiếm tên A B C đó”.
“Đáng tiếc”, tôi đáp, “đó chính là điều mà hắn muốn”.
“Đúng thế. Nhưng dù sao đi nữa có thể đó sẽ là điều làm hại hắn. Một khi đã hài lòng với thành công của mình, hắn sẽ trở nên bất cẩn… Tôi hy vọng thế – rằng hắn sẽ chìm đắm trong sự thông minh của hắn”.
“Vậy thì kỳ quá, Poirot ạ”, tôi la lên, ngạc nhiên trước cái ý tưởng đó. “Ông có biết đây là vụ án đầu tiên loại này ông và tôi thực hiện cùng nhau không? Tất cả các vụ trước – ờ, đều là những vụ giết người riêng lẻ”.
“Ông nói đúng, ông bạn ạ. Từ trước đến nay luôn luôn thế, quá khứ của nạn nhân luôn quan trọng. Những điểm quan trọng là: ‘Ai được lợi từ cái chết đó? Những ai xung quanh người bị chết có cơ hội gây án?’ Lâu nay luôn là ‘vụ án giữa những người thân nhau’. Còn đây là lần đầu tiên có một vụ án vô cảm và máu lạnh. Vụ giết người được thực hiện từ bên ngoài”.
Tôi rùng mình.
“Kinh khủng thật…”
“Đúng vậy. Tôi đã thấy thế ngay từ đầu, lúc tôi đọc lá thư đầu tiên, tôi thấy có cái gì đó bất ổn – kỳ dị…”
Điệu bộ Poirot có vẻ nôn nóng.
“Chúng ta phải bình tĩnh… Vụ này không phải là một vụ án bình thường…”
“Đúng thế… đúng thế…”
“Giết người lạ có lẽ đáng sợ hơn giết người thân cận với mình – người tin tưởng mình, đúng không?”
“Đáng sợ hơn bởi vì điên rồ quá…”
“Không đâu, Hastings. Không đáng sợ hơn đâu. Chỉ khó hơn thôi”.
“Không, không, tôi không đồng ý với ông. Quả là đáng sợ hơn”.
Hercule Poirot trầm tư đáp:
“Dễ phá án hơn vì nó điên rồ quá. Một vụ án mà kẻ thực hiện là người gian xảo và tỉnh táo thì phức tạp hơn nhiều. Ở vụ này, nếu người ta biết được ý tưởng… Vụ bảng chữ cái này, có nhiều ý kiến trái chiều. Giá tôi có thể một lần nhận ra ý tưởng đó thì mọi thứ sẽ rõ ràng và đơn giản…”
Ông thở dài và lắc đầu.
“Những vụ thế này không được tiếp diễn nữa. Chẳng bao lâu, chẳng bao lâu, tôi sẽ tìm ra được sự thật… Thôi nào, Hastings. Đi ngủ thôi. Ngày mai có nhiều việc phải làm lắm”.
Chú thích
[1] Trời ơi!
[2] Nhanh lên… nhanh lên nào…
[3] Muộn quá rồi.
[4] Ông đang làm gì thế kia?
[5] Ông xúc động quá rồi, Hastings.
[6] A, thông minh ghê!
[7] Ừm.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!