Chuỗi Hạt Azoth - Chương 1: Người lạ vừa đến
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
160


Chuỗi Hạt Azoth


Chương 1: Người lạ vừa đến


– Đi theo ta, Nguyên!

Ngay cả khi lên tiếng một cách khoan thai và nhẹ nhàng nhất, giọng nói của nữ giám thị vẫn khô đanh như một mệnh lệnh. Cô gái nhỏ đứng dậy, vẻ yếu ớt và bị tấn công biến mất, khi cô đeo lên mặt chiếc kính râm màu hổ phách. Quấn lại chiếc khăn lụa in những hình kỉ hà kì dị quanh cổ. Cô lẳng lặng nhấc chiếc valise kê sát chân. Cánh cửa văn phòng trường trung học quốc tế có cơ sở nội trú tự động khép lại sau lưng, như có một bàn tay vô hình đẩy nhẹ. Chiếc valise phồng căng bằng vải canvas làm vai trái nữ học sinh mới lệch hẳn sang một bên. Thế nhưng gót giày đế crep của cô vẫn lướt đi êm nhẹ trên sàn đá hoa cương, khồg gây bất kì tiếng động nào, hoàn toàn phù hợp với không khí vắng lặng nơi đây.

Dẫn trước vài met, bà giám thị có dáng vóc cao lớn như một người đàn ông trung niên, mái tóc màu thép búi chặt trong tấm lưới nhỏ. Ngay cả lúc nãy, khi đứng cạnh thầy hiệu trưởng oai nghiêm của ngôi trường danh tiếng, nữ giám thị vẫn gây ấn tượng trấn áp bởi đôi vai ngang, chiếc lưng thẳng đứng, dễ khiến người ta nghĩ bên dưới lớp áo dày có nẹp một thanh sắt cứng nhắc. Với nhiệm vụ của người dẫn đường mẫn cán, không thay đổi nhịp độ, bà sải từng bước chân rất dài. Ngược hẳn với bà, nữ học sinh mới chuyển đến có vóc dáng mảnh khảnh đến mức khó tin. Mỗi bước đi, đầu gối cô ta hằn lên dưới lớp vải quần jeans bạc. Khuỷu tay xanh tái, nhọn hoắt lộ ra dưới tay áo T-shirt trắng. Ngay cả dải khăn lụa kỉ hà khi bay nhẹ vì gió càng để lộ thêm cái cổ gầy guộc bất thường.

Bất chợt, bà giám thi dừng chân, quay đầu lại:”Đi nhanh lên!”. Nguyên bước đến gần, bà đưa tay toan đỡ hộ chiếc valise. Nhưng, cô gái nhỏ giật mình, lùi lại. Rõ ràng, cô không muốn nhận sự giúp đỡ. Hay chính xác hơn, cô không muốn ai khác chạm vào chiếc valise của mình. Bà giám thị nhướn mày:”Sao em không kéo nó trên bánh xe cho dễ đi hơn?”. Nguyên gật nhẹ, vẫn tiếp tục xách chiếc valise trên tay. Bà giám thị giờ đây khó chịu ra mặt:”Hãy mở miệng trả lời tử tế khi người lớn nói chuyện. Ở trường này, dù gia đình có danh tiếng hay quyền lực đến đâu, đóng góp bao nhieu tiền bạc để xây dựng cơ sở vật chất đi nữa, thì mỗi học sinh vẫn phải tuân theo đúng nội quy và thực hiên mọi mệnh lệnh người lớn đề ra. Rõ chưa?”. Nguyên im lặng, ngước nhìn bà giám thị cau có qua đôi kính, to quá khổ trên gương mặt bề ngang khá hẹp.

– Đã nghe rõ, thưa cô!Nhắc lại đi!-Bà giám thị gần như quát lên.

– Thưa cô, nghe rõ!

Giọng nói của người lạ mới đến vang lên khe khẽ, khó khăn, khản đục. Nếu có kinh nghiệm, người đối thoại sẽ tức khắc nhận ra đây là giọng nói của một người đã câm lặng trong một thời gian rất dài.

Ban giám hiệu, phòng giáo viên, thư viện, hội trường có sân khấu biểu diễn và các dãy phòng học của trường nội trú quốc tế được tập trung trong một tòa nhà cao sáu tầng, mới được xây lên cách đây vài năm, nằm ngay sát mặt đường. Khó thể hình dung ngay đằng sau khối nhà hiện đại ấy, lại có đến hai khối nhà cổ kính trong màu sơn vàng sậm, giống hệt nhau, đã hiện diện ít nhất hơn 50 năm. Kể từ khi tòa nhà hiện đại được đưa vào hoạt động, hai khối nhà cũ cũng cải tạo, thay đổi công năng, biến thành nơi ở cho học sinh nội trú. Cánh bên phải dành cho nữ sinh, cánh trái là nam sinh.

Từ khu học băng sang khu nội trú được nối với nhau bởi một lối đi có mái che. Lối đi này xuyên qua khoảng sân rất rộng, được thiết kế giống như khu liên hợp thể thao ngoài trời. Nhưng khu liên hợp này vẫn đang trong giai đoạn xây dựng dở dang. Giữa các sân bóng rổ, sân đánh cầu lông và sân tennis, có những khoảng cỏ sáng rực. Các vòm lá cổ thụ cao vút xen lẫn những cây cột đèn cao áp rải rác quanh các sân bóng. Trong toàn bộ khung cảnh pha trộn lạ lùng ấy, nổi bật lên lối đi dài hun hút. Những viên gạch đá hoa cũ xưa đã mòn vẹt. Các đốm đỏ rực và xanh vert giờ đây thẫm lại, pha thêm sắc vàng xám, nhưng lại toát lên vẻ đẹp hiếm hoi của một tấm thảm cổ kính, gợi ấn tượng thi giác mềm xốp, trải dọc theo lối đi.

Dường như Nguyên cũng bị hút vào vẻ đep khác thường của lối đi có mái che. Ánh nắng lúc mười giờ của buổi sáng Chủ Nhật chói chang. Cô gái nhỏ thoạt đầu chỉ đi men phía trong tấm thảm, sau đó bước hẳn ra phía nắng chiếu. Trong một động tác đột ngột, cô nhón gót, như một nữ nghệ sĩ xiếc đi dây trên đầu mũi chân, với một cánh tay đưa ngang giữ thăng bằng, bước khéo léo theo đúng đường diềm mong manh của tấm thảm đá hoa cổ kính. Chừng như linh cảm có điều gì đó, bà giám thị dợm ngoảnh lại. Ngay tức khắc, nữ sinh mới đến thụt hẳn vào chính giữa lối đi, lại lệch vai với chiếc valise nặng, thẳng bước, như chưa từng có điều bất thường xảy ra.

Cuối cùng thì hai người, một già một trẻ cũng rẽ sang khối nhà bên cánh phải. Lối vào bị chắn bởi một cái cổng thấp nhỏ. Có lẽ, cánh cổng là một chi tiết trang trí của ngôi nhà cổ hơn là một thứ hữu ích. Kẻ nào có ý định đột nhập, chắc chắn sẽ chẳng hề bận tâm đến vật cản cao chưa đầy một mét. Nhưng, với ai đó thích quan sát, họ sẽ bị hút mắt vào các thanh sắt rèn đúc tinh xảo, là hình ảnh cách điệu của những dây trường xuân mềm mại uốn lượn. Tuy vây, đỉnh của tất cả các ngọn lá lại được người thợ rèn mĩ nghệ nào đó uốn nhẹ, làm cho hơi quặp vào trong. Chỉ khi trực tiếp chạm đầu ngón tay, mới cảm biết thật ra chúng được giũa nhọn hoắt, giống các mũi giáo của các hiệp sĩ thời trung cổ hơn là những chiếc lá trường xuân non.

– 306. Tầng 3, Phòng số 6!

Đưa bàn tay thô ráp đẩy nhẹ cánh cổng và giữ nó cho học sinh mới bước qua, nữ giám thị nhấn mạnh từng con số, như sợ cô gái không nắm vững địa chỉ sắp đến.

Nhìn vẻ mặt phẳng lặng của Nguyên, bà nói thêm-Ngoài thẻ từ có mã số riêng để ra vào thư viện, phòng lab, phòng học Anh ngữ, em sẽ có một chùm chìa khóa riêng. Khóa phòng. Khóa tủ. Với điều kiện sau một tuần, em cho chúng tôi biết em không gặp vấn đề gì rắc rối với các bạn chung phòng. Hiểu chứ?

– Vâng! – Cô gái nhỏ đáp khẽ, giọng vẫn khản đục.

– Này Nguyên, nếu xét bề ngoài, tôi nghĩ vốn từ của em không quá tệ. Em không thể nói nhiều hơn vài từ cộc lốc hay sao?-Bà giám thị lúc này đây đã lờ mờ nhận ra vài nét khác lạ nơi nữ sinh mới, bắt đầu hướng về cô ta sự chú ý đặc biệt. Bà nhận xét, chậm rãi-Một cô gái ít nói và khiêm tốn rất tốt. Nhưng. nói chuyên cụt lủn, lảng tránh sự quan tâm của người khác cũng là biểu hiện của sự thô lỗ. Đó cũng là những điều chúng tôi không bao giờ chấp nhận trong môi trường này. Tại sao em không đặt một câu hỏi nào đó, về chỗ sắp đến, về những nơi em sắp gặp, chẳng hạn?

-306. Tầng 3. Phòng số 6!-Giọng nói lặp lại máy móc, rồi bất ngờ nối tiếp bằng một câu hỏi ngắn ngủi-Số zero trong con số 306 có ý nghĩa gì, thưa cô?

Bà giám thị im sững. Vài sợi tóc xám trắng bay nhẹ quanh gương mặt trong tích tắc bỗng nhiên nhăn nhúm, như bị nhúng vào một kí ức ghê rợn nào đó. Nhưng, cũng nhanh chóng như thế, người phụ nữ trung niên lấy lại sự cân bằng. Nét mặt bà giãn ra, phẳng lì, cứng nhắc và khép kín.

– Không có ý nghĩa gì cả!Thôi đi tiếp!-Bà giám thị nói nhát gừng, đánh lạc hướng. Có thể con số zero vô nghĩa như bà nói. Hoặc bà không tìm ra một lời đáp ngắn gọn và khả dĩ như mong muốn. Nhưng cũng rất có thể, câu hỏi xoáy vào một điểm đáng sợ nào đó mà người bị hỏi từ lâu đã muốn lãng quên.

Kết thúc lối đi có ánh nắng soi chiếu, hai người bước hẳn vào dãy hành lang sâu hút, hình như bị đóng kín phía tận cùng. Nguồn sáng duy nhất là vài bóng điện vàng được giấu kín phía sau các chao đèn co hình thù mấy loài sinh vật biển, xưa cũ, nhưng không bám một hạt bụi. Tòa nhà cổ năm tầng xây dựng từ khá lâu nên các trang thiết bị bên trong không hề có dấu vết nào của thiết kế hiện đại. Ở khúc quanh đột ngột bà giám thị rẽ phải. Tuy nhiên, Nguyên đã dừng lại. Cô đặt chiếc valise trước một ô cửa sắt kéo, bên trong là một thùng kim loại hàn kín, bên trên treo tấm bảng đồng nhỏ. Chỉ có điều người ta không thể đọc dòng chữ trên đó vì nét khắc đã đục mờ. Bà giám thị lùi lai, chống nạnh nhìn Nhuyên, nghiêm lạnh:”Thang máy không được sử dụng!”. Thấy Nguyên hồ như không hiểu điều này, vẫn ngước đàu nhìn từ trên xuống dưới cánh cửa cài chăt, bà giám thị giải thích:”Tất cả mọi người đều đi thang bộ. Thang máy chỉ sử dụng trong trường hợp khẩn cấp!”. Không rời đi ngay, nữ học sinh mới đến chạm nhẹ tay lên các thanh sắt của cánh cửa, lay nhẹ. Trong khung cảnh tĩnh mịch, các bánh xe và song sắt va đập vào nhau, vang lên chuỗi âm thanh loảng xoảng rin rít của thứ đồ vật rõ ràng từ lâu đã bị bỏ phế. Rồi cô gái nhỏ lại nhấc chiếc valise, đi theo người dẫn đường lên cầu thang gỗ. Ở chiếu nghỉ, nơi ánh sáng trời lại hiện ra, nhưng được lọc qua cửa sổ khép kín màu vẽ hình cuộc giao tranh giữa thiên thần và một con quỷ xanh xao, bà giám thị chợt khựng lại:

– Lần đầu tiên em đến ngôi trường này, đặt chân vào khu học xá này, đúng vậy chứ Nguyên?-Các dải sáng màu chiếu vào mắt bà, chỉ làm nổi lên duy nhất sự ngờ vực.

– Vâng, thưa cô.

– Nếu là vậy, tại sao em biết chỗ em vừa đứng là cánh cửa thang máy?

– Tấm bảng đồng… – Giọng nói trầm khàn vang lên khẽ hơn, lưỡng lự.

– Không ai còn đọc được dòng chữ khắc trên đó.

– Em tự biết, vậy thôi!

Để chấm dứt cuộc điều tra khó chịu, cô gái nhỏ bước nhanh hơn. Ba tầng cầu thang và chiếc valise khiến hơi thở của Nguyên vang lên rõ mồn một. Đôi kính đeo trên mặt mờ đi vì hơi ẩm mồ hôi, Cũng như tầng trệt, hành lang của tầng ba cũng vắng lặng, không một bóng người. Các khung cửa dọc theo lối đi cao lênh khênh, cánh gỗ dày đóng chặt, nửa trên lượn vòng cung. Từ bên trong các căn phòng ấy, không rỉ ra bất kì tiếng động nào. Lối kiến trúc quen thuộc ủa các tòa nhà thuộc địa. Có cả mắt thần để người bên trong có thể quan sát phía ngoài. Khúc quanh cuối hành lang. Phòng số 6. Bảng số được trang trí bằng những decal của các nhân vật hoạt hình nổi tiếng.

Dưới bàn tay dứt khoát của bà giám thị, tiếng gõ cửa vang lên oai vệ. Tuy nhiên, chẳng có ai ra mở. Một cách bực bội, bà nắm chốt, vặn mạnh. Cánh cửa bật mở. Một khung cảnh bên trong hoàn toàn khác biệt. Khác, và không có chút nào ăn nhập với vẻ bề ngoài của khu nhà.

m thanh náo động như thể đang diễn ra một cuộc đại chiến thế giới.

Các cánh cửa sổ đều mở tung. Ánh sáng tràn ngập căn phòng nội trú. Những tấm poster phim và ca nhạc đủ màu sắc, đủ kích cỡ dán khắp các mảng tường. Chúng bắt sáng và phản quang, làm cho cả căn phòng càng rực rỡ thêm. Ngay chính giữa phòng, một cô gái chừng 16 tuổi, mặc quần shorts lửng, thân hình chắc đậm với làn da nâu sậm đang ngồi trước may tính, xoay lưng lại.

Có lẽ quá hứng thú với trò chơi chiến đấu trên màn hình, cô bạn da nâu tháo luôn chiếc headphones bọc vải nhung ca-rô sặc sỡ khỏi tai, vắt nó quanh cổ, để âm thanh phát ra tự do, ầm ĩ, choán kín, khiến không chỉ các đồ vật rung lên bần bật mà mấy bức tường gạch của căn phòng cũng như chỉ chực nứt vỡ.

Chếch phía bên trái, khuất sau cái kệ nhỏ ngăn giữa hai chiếc giừong tầng, không hề bị dòng thác âm thanh rú rít tấn công, cô gái thứ nhì mặc váy hai dây, mái tóc xoăn từng lọn dài mềm mại rủ xuống hai bên gương mặt đẹp tuyệt đang ngồi trên gờ cửa sổ khá rộng. Khác người bạn cùng phòng, cô ta đeo chiế earphones gắn liền với iPod nhét trong túi áo vuông khâu trước ngực. Ngồi trên khung cửa theo kiểu nữ kỵ sĩ trên mình ngựa, một bên chân cô thả ra ngoài tường, chân kia co lên. Gác cằm trên đầu gối, cô gái có mái tóc xoăn đang chăm chú đọc lại một quyển sách dày cộp. Tất cả rõ ràng đều đang đuổi theo sở thích đặc biệt của riêng mình. Đó là lí do vì sao hai thành viên cũ trong phòng không hề nghe thấy tiếng gõ cửa.

Dường như quá quen với sự thiếu tập trung và cảnh tượng hỗn loạn do đám học sinh dưới quyền cai quản của mình gây ra, bà giám thị tiến đến, vươn tay bấm mạnh cái nút lớn trên giàn loa vi tính. “Ối, chết tiệt!”. Cô gái da nâu kêu rú lên. Ngẩng phắt, quay lại, cô hiểu ngay mình đã phun ra một câu nói không thể tha thứ nổi khi nhận ra người đứng trước mặt mình là ai. Mái tóc xoăn cũng giật thót, nhảy xuống khỏi khung cửa. Nhẹ nhàng và duyên dáng, cô gái xinh đẹp gấp quyển sách, cất xuống bên dưới chiếc gối đầu giường. Dễ dàng làm chủ mọi không gian và tình huống, bà giám thị lên tiếng:

– Như tôi đã thông báo trong buổi họp trường hồi cuối tuần vừa qua, lớp 11C5 của các em có thành viên mới. Bạn ấy đã đến rồi đây. Bình Nguyên. Từ nay, bạn sẽ chia căn phòng này cùng hai em.

– Hi Nguyên!Mình là Khiết!Còn bạn kia tên San – Da nâu nháy mắt tinh quái, lên tiếng nagy – Sự thật thì hai đứa tớ không ai mong chờ bạn cả. Bạn thấy đấy, chúng tớ và mọi đồ vật đều đã quen chỗ của mình. Bọn tớ ở đây từ hồi đầu năm lớp 10 kia mà. Nhưng không sao, chúng tớ sẵn lòng thu hẹp địa bàn, thu nạp bạn vào phòng 306. Tất nhiên, chúng tớ hi vọng bạn cảm thấy thoải mái, một thời gian nữa sẽ là một thành viên rất tuyệt của căn phòng đặc biệt này. Okay?

Sau câu nói dài, da nâu nhìn sang cô bạn tóc xoăn. San mỉm cười dịu dàng, gập nhẹ những ngón tay mềm mại trắng trẻo, vẫy vẫy, thay cho lời chào thân thiện dành cho thành viên mới.

Người mới đến gật nhẹ, không có biểu hiện gì đặc biệt.

– Theo phép lịch sự, ít nhất em cũng nên bỏ mắt kính ra!-Bà giám thị nhắc, hay ra lệnh thì đúng hơn.

– Xin chào!-Nguyên mấp máy môi, tháo kính. Cúi mặt xuống, cô không nhìn ai trong phòng.

Nhiệm vụ đã hoàn tất, bà giám thị nhón tay lấy chiếc headphones bọc vải sặc sỡ trên vai co học trò da nâu, mặt vẫn nghiêm lạnh:

– Cách giới thiệu và làm quen hơi thô lỗ, vẫn gây shock theo phong cách của em, Khiết ạ. Nhưng quả thật là không tệ. Nhưng sai phạm thì vẫn bị ghi nhận, nhé. Nếu em muốn chuộc lỗi nói hỗn với tôi, mở nhạc quá lớn, vi phạm quy định về chuẩn âm thanh của khu nội trú, em nên giúp Bình Nguyên thu xếp giường, ngăn tủ quần áo và góc học tập. Ngay bây giờ!

– Yes mam! – Khiết nhún vai.

Cánh cửa phòng 306 khép lại. Người mới đến lại đeo lên chiếc mắt kính màu hổ phách. Bằng vẻ tự nhiên và quan tâm vừa phải, không quá sốt sắng gây bối rối, hai thành viên cũ chỉ dẫn các không gian họ đã thu xếp dành cho Nguyên. Tủ lạnh dùng chung. Tha hồ uống nước đá và ướp lạnh trái cây hay nước ngọt. Do cái bàn lớn đã được đặt hai chiếc máy vi tính của San và Khiết, nên bàn học của Nguyên sẽ kê cạnh cửa sổ. Quần áo của cả phòng xếp trong tủ âm tường. Do San sở hữu quá nhiều trang phục, nên cô ấy chiếm hẳn nửa tủ. Khiết và người mới đến sẽ chia nhau hai ngăn hẹp còn lại. Khiết ở tầng trên, còn valise của Nguyên cất gọn trong tầng dưới, thuận lợi hơn, bù cho việc muốn lên giường của mình, Nguyên phải leo lên chiếc cầu thang đóng sát thành giường của Khiết, vốn khá bất tiện.

Sau chuyến đi dài từ nhà đến thành phố và thực hiện thủ tục nhập học mệt mỏi, người mới đến không thay trang phục, mà lên giường tầng của mình nằm im, nhắm mắt như ngủ.

Cánh phải khu nội trú của các nữ sinh không hề yên tĩnh như ấn tượng ban đầu nó gây nên. Chốc chốc, lại có chuông điện thoại. Chốc chốc, lại có tiếng gõ cửa. Một cô nàng tò mò nào đó thò đầu vào phòng, nhìn thành viên mới đến của phòng 306 đang ngủ mà vẫn đeo kính trên mặt. Phải đến khoảng 2 giờ của chiều Chủ Nhật ấy, không khí mới yên tĩnh đôi chút. Mọi người rủ nhau đi xem phim.

Nguyên chìm vào giấc ngủ thật sự. Sâu và phẳng lặng. Cô chỉ choàng dậy khi ngoài hành lang vang lên tiếng chân chạy dồn dập. Giọng các cô gái nhỏ gọi nhau rầm rì như bị bóp nghẹt. San và Khiết bật cửa, chạy vào phòng, mở tung khu vực buồng tắm và tủ âm tường, vạch ra các bộ quần áo, tìm kiếm. Ngoảnh nhìn Nguyên, Khiết thở hổn hển:

– Bọn tớ đang tìm Ngọc, học lớp dưới. Ở cùng tầng 3. Cách hai phòng. Cô bé đã mất tích!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN