Chuyện Ở Nông Trại (Animal Farm) - Chương 5
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
129


Chuyện Ở Nông Trại (Animal Farm)


Chương 5


Càng về mùa đông, Mollie càng giở chứng. Sáng nào nó cũng đi làm muộn, luôn vin vào cớ ngủ quên, và còn than thở đủ chứng bệnh kỳ bí, dù khoản ăn uống thì vẫn sở trường. Nó viện đủ lý do để trốn việc rồi chạy ra hồ nước ăn, đứng ngây ngô ngắm bóng mình dưới nước. Nhưng còn có cả những lời đồn nghiêm trọng hơn. Một hôm, đang lúc Mollie nhún nhảy đi vào sân, đuôi dài ve vẩy, miệng nhai nhánh cỏ, Cỏ Ba Lá đã gọi riêng nó ra.

“Mollie ạ,” nó nói, “có một chuyện rất nghiêm trọng chị cần hỏi em. Sáng nay chị thấy em nhìn qua giậu giữa trại Súc Vật với Rừng Cáo. Bên kia giậu có một người làm của Pilkington. Và hắn – chị đứng rất xa, nhưng chị gần như tin chắc là mình thấy thế – hắn nói chuyện với em, còn em thì để hắn vuốt mũi em. Thế là thế nào hả Mollie?”

“Em chã! Hắn chã! Hông có chuyện í!” Mollie hí lên, nhảy nhổm lung tung, mông cào xuống đất.

“Mollie! Em nhìn chị đi. Em có thề danh dự với chị là không phải em để tên đó vuốt mũi không?”

“Hông có chuyện í!” Mollie nhắc lại, nhưng nó không dám nhìn vào mặt Cỏ Ba Lá và chỉ chốc lát sau nó đã vùng phi ra cánh đồng.

Cỏ Ba Lá sực nghĩ ra một chuyện. Không nói với ai, nó đi tới ngăn chuồng Mollie ở rồi lấy móng gạt rơm ra. Giấu dưới lớp rơm là một vốc nhỏ đường viên cùng một mớ nơ đủ các loại màu sắc.

Ba hôm sau Mollie biệt tăm. Mất vài tuần không ai biết nó đi đâu về đâu, cho đến khi đàn bồ câu báo lại đã thấy nó ở tít đầu bên kia làng Willingdon. Nó được thắng vào càng một chiếc xe độc mã sơn đỏ đen, đỗ ngoài quán rượu. Một lão béo mặt đỏ, đeo nịt quần ca rô và xỏ ghệt, ra dáng chủ quán, đang vuốt mũi và bón đường cho nó. Lông nó mới được tỉa, bờm trán thắt nơ đỏ thắm. Nó có vẻ rất mãn nguyện, bồ câu kể. Súc vật trong trại không bao giờ nhắc đến Mollie nữa.

Ra giêng, trời trở rét cắt da cắt thịt. Đất rắn như sắt, ra đồng chẳng cày bừa gì được. Họp hành liên miên trong nhà kho lớn, đàn lợn túi bụi vạch kế hoạch mùa sau. Đến lúc này, tất cả đã đồng thuận để đàn lợn, giờ đã chứng tỏ thông minh vượt trội so với tất cả lũ súc vật, đảm nhận việc quyết định mọi chính sách trong trại, dù quyết định của chúng vẫn phải đưa ra biểu quyết cho đại đa số thông qua. Sắp xếp như thế chắc đã rất trơn tru, nếu không phải Tuyết Cầu và Nã Phá Luân vẫn xung khắc liên miên. Cứ hở ra là hai con lại bất đồng ý kiến. Hễ một bên kiến nghị tang diện tích gieo đại mạch, bên kia ắt sẽ đòi mở rộng trồng yến mạch, hoặc một bên nói mảnh ruộng này thích hợp nhất chỉ có cải bắp, là bên kia khăng khăng ruộng đó không trồng củ thì chỉ vứt đi. Mỗi con tập hợp một phe riêng, đưa đến nhiều buổi tranh cãi nảy lửa. Ngay trong Đại hội, Tuyết Cầu nhờ tài diễn thuyết thường cuốn hút được số đông, nhưng Nã Phá Luân lại giỏi vận động hậu trường ngả theo mình. Thành công nhất của nó phải kể đến lũ cừu. Gần đây, lũ cừu đã thành thói quen rống be be “Bốn chân tốt, hai chân xấu”, cả đúng lúc lẫn không đúng lúc, khiến rất thường xuyên Đại hội bị chúng cắt ngang. Có thể để ý chúng đặc biệt hay gào lên “Bốn chân tốt, hai chân xấu” đúng những thời điểm gay cấn giữa chừng Tuyết Cầu diễn giảng. Tuyết Cầu đã dày công nghiên cứu mấy số Cẩm nang nuôi trồng cũ mà nó vớ được trong nhà chủ, và còn ấp ủ vô số kế hoạch cải tiến, sửa sang. Nó trình bày rất uyên bác kỹ thuật mương tiêu nước, ủ xi lô, xỉ than bón ruộng, vạch ra cả một chương trình phức tạp cho mỗi con vật trực tiếp thải phân xuống ruộng, mỗi ngày một vị trí, rút bớt công vận chuyển. Nã Phá Luân không đưa ra chương trình nào, chỉ điềm đạm nói Tuyết Cầu vẻ vời rồi cũng bỏ đi cả thôi, xem chừng nó vẫn còn đang chờ thời cơ. Nhưng trong mọi cuộc đấu khẩu giữa chúng, không vụ nào ác liệt như vụ cối xay gió.

Trong bãi chăn dài cách không xa khu chuồng trại, có một gò đất nhỏ là nơi cao nhất toàn trang trại. Khảo sát địa bàn trại xong, Tuyết Cầu tuyên bố nơi này quá thích hợp để xây một cối xay gió, cho nó vận hành máy phát nhằm cung cấp điện cho cả trại. Được thế, mọi chuồng ở sẽ có ánh sáng và được sưởi ấm về mùa đông, lại còn chạy được cả máy cưa tròn, máy băm rơm, máy xắt củ cải, máy văt sữa chạy điện. Lũ súc vật nghe những chuyện tân kỳ như thế lần này là lần đầu (vì trại làm ăn kiểu cũ, chỉ toàn những mày nguyên thủ hết sức), nên chúng sửng sốt nghe Tuyết Cầu không ngừng vẽ nên đủ loại khí cụ thần kỳ, sẽ làm thay hết việc để cho chúng nhởn nhơ gặm cỏ ngoài đồng, hay đọc sách chuyện trò nhằm mở mang trí óc.

Vài tuần sau, các bản thiết kế khối xay gió đã được Tuyết Cầu hoàn thành. Các chi tiết cơ khí chủ yếu lấy từ ba cuốn sách vốn của ông Jones: Ngàn lẻ một cải tiến quanh nhà, Khó gì việc nề, Vỡ lòng nghề điện. Tuyết Cầu chọn một nhà trong trại làm phòng làm việc, chỗ này xưa chuyên để tủ ấp trứng nên mặt sàn gỗ rất nhẵn, thuận tiện làm bảng vẽ. Có khi nó ngồi lì trong đó hàng giờ. Mấy quyển sách chặn đá để mở, mẩu phấn cặp trong móng trước, nó thoăn thoắt đi quanh phòng, vạch hết đường này đến đường khác, miệng ư ử những tiếng phấn khởi. Dần dà các bản vẽ lớn thêm, thành một khối phức tạp gồm những tay quay cùng bánh răng, choán quá nửa sàn phòng, các con vật khác nhìn vào đều hoa mắt chóng mặt nhưng lại thấy rất ấn tượng. Ai cũng đến ngắm nhìn các bản vẽ của Tuyết Cầu ít nhất ngày một lần. Cả gà vịt cũng đến, hết sức thận trọng để không giẫm phải vết phấn. Chỉ Nã Phá Luân là kiêu kỳ tránh xa. Ngay từ đầu đã lớn tiếng phản đối cối xay gió. Nhưng rồi một hôm nó thình lình xuất hiện, xem xét các thiết kế. Nó huỳnh huỵch đi quanh phòng, chăm chú nhìn từng chi tiết, hít hửi một hai lần, rồi đứng yên một chốc lé mắt nhìn xéo, thế rồi bỗng dưng nó ghếch chân, tè một bãi vào bản thiết kế, rồi bỏ đi không nói một lời.

Cả trại bị chia rẽ sâu sắc vì cái cối xay gió. Tuyết Cầu không phủ nhận rằng xây được cối lên sẽ là một việc khó khăn. Sẽ phải khuân đá tới rồi đắp lên thành tường, sau đó phải làm cánh quạt, rồi cần cả máy phát điện và dây cáp nữa. (Kiếm đâu ra những thứ đó thì Tuyết Cầu không nói.) Nhưng nó quả quyết rằng chỉ một năm là mọi thứ xong hết. Tới lúc đó rồi, nó khẳng định, công sức bỏ ra sẽ giảm hẳn, các con vật chỉ còn phải làm việc mỗi tuần ba ngày. Nã Phá Luân, trái lại, lý luận rằng ngay lúc này thì nhu cầu quan trọng nhất là nâng cao sản lượng hoa màu, chứ nếu phung phí thời gian vào cái cối xay thì sẽ chết đói cả lũ. Súc vật trong trại hợp thành hai phe, giương khẩu hiệu “Hãy bầu Tuyết Cầu – tuần làm việc ba ngày!” và “Hãy bầu Nã Phá Luân – máng ăn đầy ắp!” Duy nhất có Benjamin không về phe nào. Nó không đồng ý thức ăn rồi sẽ dồi dào hơn, cũng chẳng chịu tin cối xay sẽ đỡ việc. Cối hay không cối, nó bảo, đời cũng vẫn một lối mà thôi: lối khổ.

Ngoài vụ cối xay gây tranh cãi ra, lại còn vấn đề phòng vệ trại. Tất cả đều nhận thức rõ rằng dù con người đã đại bại trong Trận Chuồng Bò, chúng vẫn có thể quay lại lần sau, quyết liệt hơn, hòng đoạt lại trại, giành lại địa vị ông chủ cho Jones. Nay việc ấy càng trở nên cấp bách, vì tin chiến bại của đám người đã truyền khắp vùng quê, làm cho gia súc các trại quanh vùng còn bồn chồn hơn nữa. Như thường lệ, Tuyết Cầu và Nã Phá Luân lại bất đồng ý kiến. Theo Nã Phá Luân, cần thiết nhấtlucs này là phải kiếm cho được vũ khí, huấn luyện cho toàn trại biết cách sử dụng. Còn theo Tuyết Cầu, cần phải thêm nhiều bồ câu đi khắp nơi, khuấy động gia súc các trại khác nổi dậy. Một bên lý luận nếu không tự vệ nổi chúng sẽ bị tóm cổ ráo, bên kia bác lại rằng mộtkhi khởi nghĩa đã theo nhau dấy lên thì chẳng còn cần lo đến chuyện tự vệ. Lũ gia súc đầu tiên nghe Nã Phá Luân, tới rồi nghe sang Tuyết Cầu, và chẳng kết luận nổi là con nào đúng; thực tế là, cứ con nào đang phát biểu thì chúng thấy đồng tình với con đó.

Cuối cùng cũng đến ngày Tuyết Cầu hoàn tất các thiết kế. Tại Đại hội diễn ra vào Chủ nhật sau đó, vấn đề có nên bắt đầu xây cối xay hay không được đưa ra bỏ phiếu. Khi mọi con vật đã đến đông đủ trong nhà kho, Tuyết Cầu liền đứng dậy, và bất chấp lũ cừu vẫn chốc chốc lại be lên ngắt lời, nó trình bày với cử tọa những lý lẽ ủng họ việc xây cối xay. Rồi Nã Phá Luân đứng lên phản biện. Nó chỉ nói rất bình thản rằng cối xay là chuyện nhảm nhí, và nó khuyên đừng ai bỏ phiếu thuận, rồi lại ngồi xuống luôn; nó phát biểu chưa đến ba mươi giây, và có vẻ chẳng bận tâm lời mình có trọng lượng gì với xung quanh hay không. Đến lượt Tuyết Cầu bật dậy, quát chặn họng bầy cừu lúc này đã lại rống lên, rồi bắt đầu một tràng nghị luận sôi nổi về cối xay gió. Cho tới lúc đó, tình cảm của lũ súc vật nói chung vẫn chia đề cho hai phía, nhưng trong một lúc lời lẽ hùng hồn của Tuyết Cầu đã thu phục tâm can tất cả. Bằng những lời có cánh, nó mô tả một Trại Súc Vật hứa hẹn sẽ đến trong tương lai, khi những cảnh cổ cày vai bừa không còn trói buộc cư dân súc vật. Trí tưởng tượng của nó giờ đã vượt xa hơn nhiều máy băm rơm hay máy xắt củ cải. Điện khí hóa, nó nói, sẽ mang đến máy đập lúa, máy cày, máy bừa, xe lu, máy gặt buộc liên hợp, chưa kể mỗi ngăn chuồng sẽ có bóng điện, có vòi nước nóng lạnh, có lò sưởi điện nữa. Khi bài nói chấm dứt, chẳng còn ai ngờ kết quả bỏ phiếu sẽ ra sao. Nhưng đúng lúc ấy Nã Phá Luân đứng dậy, liếc xéo Tuyết Cầu một cái lạ lùng, rồi rít lên một tiếng the thé mà chưa con nào nghe thấy trước đây.

Đến đó bỗng có tiếng tru rợn tóc gáy ngoài cửa, rồi chín con chó lừng lững đeo cổ dề tán đinh đồng lao hộc vào nhà kho. Chúng nhắm thẳng vào Tuyết Cầu mà lại, Tuyết Cầu vội nhảy khỏi chỗ, vừa kịp thoát mấy cái hàm phập xuống. Thoắt cái nó đã chạy ra cửa, còn lũ chó đuổi đằng sau. Quá kinh ngạc khiếp hãi không thốt nên lời, súc vật cả trại chen nhau ra cửa xem cảnh đuổi bắt. Tuyết Cầu đang phi nước rút qua bãi chăn dài chạy xuống tận đường cái. Nó chạy thục mạng như lợn tế, nhưng lũ chó vẫn bám sát gót. Bỗng nhiên nó trượt ngã, có vẻ như sắp rơi vào tay chúng đến nơi. Nhưng nó lại đứng dậy được và phi còn nhanh hơn cả lúc trước, rồi lũ chó lại rút ngắn khoảng cách. Một con suýt đớp được đuôi nó, nhưng Tuyết Cầu kịp thời giật ra. Rồi nó cố bứt thêm một bước, tách được khỏi đám chó vài phần, lọt qua lỗ hổng ở bờ giữa rồi biến mất dạng.

Khiếp sợ và câm lặng, đám súc vật lủi thủi trở vào kho. Nháy mắt sau lũ chó sầm sầm quay lại. Ban đầu không ai tưởng tượng nổi lũ quái vật này ở đâu ra, nưhng rồi cũng mau chóng đoán ra, đây là bầy chó con mà Nã Phá Luân đã tách khỏi mẹ để nuôi riêng ngày trước. Chưa trưởng thành hẳn, nhưng chúng đã là những con vật đại tướng mặt mày hung tợn như sói. Chúng theo sát Nã Phá Luân. Có thể thấy chúng vẫy đuôi mừng nó đúng kiểu lũ chó xưa từng vẫy đuôi với ông Jones.

Nã Phá Luân, có bầy chó theo sau, lúc này trèo lên cái bục cao, nơi trước đây Ông Cả từng chuyện trò với cả trại. Nó tuyên bố từ nay về sau sẽ giải tán hết các Đại hội sáng Chủ nhật. Thậm vô tích sự, nó nói, và phí phạm thời gian. Mau này mọi vấn đề điều hành nông trại sẽ được giải quyết trong một ủy ban lợn đặc biệt, do chính nó làm chủ tịch. Ủy ban sẽ họp riêng sau đó sẽ truyền đạt lại các kết luận cho mọi súc vật khác. Tất cả vẫn sẽ tập trung chào cờ sáng Chủ nhật, hát Súc vật Anh quốc và nhận chỉ thị làm việc trong tuần; nhưng sẽ không còn buổi tranh biện nào nữa.

Dẫu còn choáng váng sau cảnh trục xuất Tuyết Cầu, súc vật trong trại vẫn thấy phiền muộn vì thông báo này. Nếu nghĩ ra được lập luận thích hợp thì hẳn một vài con đã phản đối. Đến Đấu Sĩ cũng mơ hồ bất an. Nó quặt tai lại, lăc lắc bờm trán vài lần, vắt óc cố suy nghĩ cho rạch ròi, nhưng cuối cùng chẳng nghĩ ra câu nào mà nói. Tuy thế trong chính đàn lợn lại có vài kẻ mạnh mồm. Bốn lợn thịt trẻ ngồi hàng đầu hêu eng éc tỏ ý phản kháng, cả bốn đứng bật dậy cùng nói một lúc. Nhưng đột nhiên bầy chó ngồi quanh Nã Phá Luân gầm gừ mấy tiếng đe dọa, mấy lợn lại im bặt ngồi xuống. Rồi đám cừu bật lên một tràng be ông ổng, “Bốn chân tốt, hai chân xấu!” dễ đến cả mười lăm phút đồng hồ, mọi ý định bàn thảo thế là xếp xó.

Sau đó, Mồm Loa được cử đi một vòng, giải thích cho trại hiểu trật tự mới.

“Các đồng chí ạ,” nó thủ thỉ, “tôi tin tưởng là trại ta ai cũng thấm thía sự hy sinh cao cả của Đồng chí Nã Phá Luân khi đảm đương thêm công việc này. Các đồng chí đừng tưởng lãnh đạo là việc gì vui thú! Trái lại, đấy là một bổn phận nặng nề khó khăn cực kỳ. Đồng chí Nã Phá Luân thì tin tưởng hơn ai hết rằng mọi con vạt đều bình đẳng. Đồng chí ấy sẽ sung sướng biết mấy nếu có thể để các đồng chí tự quyết định cho mình. Nhưng có những lúc các đồng chí có thể đưa ra quyết định sai chứ, mà lcus đó thì chúng ta sẽ ra sao? Giả thử là các đồng chí đã quyết định hùa vào với Tuyết Cầu, với cái cối xay giời ơi đât hỡi của hắn ta – với tên Tuyết Cầu mà nay ta biết, chẳng qua làm một tên tội phạm?”

“Đồng chí ấy đã chiến đấu anh dung trong Trận Chuồng Bò,” ai đó nói.

“Anh dũng không phải là tất cả,” Mồm Loa đáp. “Trung thành và phục tùng còn quan trọng hơn. Còn về Trận Chuồng Bò, tôi tin chắc sẽ có ngày chúng ta phát hiện vai trò của tên Tuyết Cầu đã bị thổi phồng quá quắt. Kỷ luật, các đồng chí ạ, kỷ luật sắt! Đấy mới là khẩu hiệu ngày nay. Chỉ cần chệch một bước là kẻ thù sẽ nhào lên đầu chúng ta. Các đồng chí, hẳn nhiên không có ai muốn thấy Jones quay lại chứ?”

Lần nữa, lập luận này lại khiến tất cả im miệng. Hiển nhiên, lũ súc vật không muốn thấy Jones quay lại; nếu những cuộc thảo luận sáng Chủ nhật có nguy cơ khiến Jones quay lại, thì những cuộc thảo luận ấy phải ngừng. Đấu Sĩ, lúc này đã đủ thời gian nghĩ chín chắn, phát biểu ý nghĩ chung của cả bọn.

“Nếu Đồng chí Nã Phá Luân đã nói vậy thì ắt là phải đúng.” Và từ hôm đó, nó có thêm châm ngôn “Nã Phá Luân lúc nào cũng đúng,” bên cạnh phương châm riêng đã có “Tôi sẽ gắng sức hơn nữa.”

Đến lúc này trời đã ấm lên, rồi vụ cày xuân bắt đầu. Căn nhà kho nơi Tuyết Cầu từng vẽ các bản thiết kế bị đóng cửa, và tất cả đều cho là những hình vẽ trên sàn đã được cọ sạch. Mỗi sáng Chủ nhật, cứ mười giờ các con vật lại tụ họp trong nhà kho lớn, nhận chỉ thị công việc trong tuần. Hộp sọ Ông Cả, lúc này đã sạch tận xương, được quật dưới vườn quả lên, đặt trên mỏm cây cụt dưới chân cột cờ, bên cạnh khẩu súng. Sau lễ kéo cờ, các con vật được yêu cầu xếp hàng đi ngang cái xương sọ tỏ ý thành kính rồi mới vào kho. Bây giờ, chúng không ngồi lẫn lộn như trước. Nã Phá Luân, Mồm Loa, cùng một lợn khác tên là Út Em, có biệt tài soạn nhạc làm thơ rất thạo, ngồi hàng đầu trên bục cao, chín con chó trẻ xếp nửa vòng tròn bao quanh, đằng sau là số lợn còn lại. Mọi con vật khác ngồi đối diện trên sàn giữa nhà kho. Nã Phá Luân đọc lướt các chỉ thị trong tuần bằng giọng cộc cằn kiểu lính tráng, rồi sau khi bài Súc vật Anh quốc được hát một lượt thì tất cả giải tán.

Chủ nhật tuấn thứ ba sau ngày Tuyết Cầu bị trục xuất, súc vật toàn trại hơi chưng hửng khi Nã Phá Luân tuyên bố rốt cuộc vẫn xây cối xay gió. Nó không nói lý do mình đổi ý, chỉ cảnh báo lũ súc vật rằng nhiệm vụ mới tất sẽ thêm công việc nặng nhọc, thậm chí còn có thể phải cắt giảm khẩu phần. Nhưng phần thiết kế thì đã chuẩn bị xong hết, cho đến từng chi tiết nhỏ nhất. Một ủy ban lợn chuyên trách đã miệt mài nghiên cứu suốt ba tuần qua. Việc xây cối xay, cùng nhiều cải tiến khác nhau nữa, ước chừng sẽ mất hai năm.

Tối hôm đó, Mồm Loa lại gặp riêng các con vật khác giải thích rằng thực tình Nã Phá Luân chưa bao giờ phản đối xây cối xay gió. Trái lại, chính Nã Phá Luân mới là người chủ trương xây cối từ trước, còn bản vẽ trên sàn phòng ấp trứng của Tuyết Cầu thực ra là đánh cắp từ giấy tờ của Nã Phá Luân. Cối xay gió, thực tế chính là đứa con tinh thần của Nã Phá Luân. Ai đó hỏi, nếu vậy tại sao trước đây nó lại chống đối kịch liệt đến như thế? Nghe đến đó, Mồm Loa làm vẻ mặt ranh mãnh. Đấy chính là chỗ cao tay của Đồng chí Nã Phá Luân, nó đáp. Đồng chí ấy vờ như phản đối xây cối, nhưng đó chỉ là đòn gió nhằm trốc rễ tên Tuyết Cầu, luôn là một phần tử nguy hiểm gây tác động xấu. Bây giờ, dẹp được hắn rồi, kế hoạch có thể thực hiện mà không sợ hắn thọc gậy bắnh xe nữa. Cái đó, Mồm Loa giảng, gọi là chiến thuật. Nó lặp đi lặp lại mấy lần, “Chiến thuật, các đồng chí ạ, chiến thuật!” vừa nhảy loi choi vừa phất đuôi và cười phe phé. Lũ súc vật không hiểu chữ đó lắm, nhưng Mồm Loa ăn nói lọt tai quá, mà ba con chó tình cờ đi cùng nó thì gầm gừ ghê rợn quá, nên tất cả đều chấp nhận giải thích mà không hỏi gì thêm.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN