Chuyện Quái Dị Ở Trường Học
Chương 5: Lớp sương mù thứ hai - Vứt con trong trường học
Đào Tử đang chạy trên con đường dẫn từ nơi ở của Nguyệt Quang, đối diện với con đường xe cộ đi lại như mắc cửi, cô như người mất hồn: “Ban nãy… mình đã chột dạ sao?”.
Cứ cho là Nguyệt Quang không nhắc tới, cô cũng không thể quên được câu chuyện đã làm chấn động cô từ lâu. Đào Tử lảo đảo bước đi, cô bước vào một bốt điện thoại. Cô lấy chiếc thẻ phóng viên của mình ra ngắm nghía, đây là tượng trưng cho thân phận chính nghĩa của cô. Cô là một phóng viên! Là một phóng viên dám vạch trần hắc ám, dám đối mặt với sợ hãi, dám xông vào nơi nguy hiểm nhất!
Đào Tử bắt đầu hút thuốc, từng điếu một. Khói thuốc đậm đặc đã thức tỉnh nỗi đau từ dưới đáy tim cô.
Cái “Quán đêm” đáng chết kia đã từng hại chết người rồi!
Đây là một đoạn hồi ức đẫm máu không muốn nhớ lại. “Quán đêm” sau khi vừa thành lập, nhằm tăng thêm lượng khách vào đọc, sáu người họ với tư cách là người chủ trang web đã nghĩ ra cách chơi trò chơi, tên của trò chơi đó là “Bàn chuyện kì quái trong trường học”.
Khác với những trò chơi đối thoại thông thường khác, sáu tác giả này đã viết cho “Bàn chuyện kì quái trong trường học” sáu bài kinh dị. Sau khi vào trường học ảo kinh dị này, hệ thống sẽ phân tích tính cách mà mỗi một người chơi thể hiện, rồi căn cứ vào từng người khác nhau mà gửi cho họ những tình tiết và cảnh tượng kinh dị có thể kích thích họ, những thứ này được lấy từ trong sáu bài lấy bối cảnh là trường học. Chúng bao gồm những hình máu me, âm thanh kì dị và những ám thị tâm lý.
Cách chế tác trò chơi cũng không hề phức tạp, thậm chí còn có chút thô thiển. Nhưng bất cứ một người trung gian nào một khi đã nhập vào “ám thị tâm lý” thì khó có thể thay đổi được.
ở đây buộc phải nói tới Tống Lương Ngâm – một trong sáu tác giả ở đó. Cô khi ấy vừa mới tốt nghiệp học viện y học không lâu, lại có chút nghiên cứu về tâm lý học. ám thị tâm lý mà cô ta đưa ra trong trò chơi thực sự đã làm sợ hãi một số lượng lớn những bạn chơi trên mạng.
Ban đầu mọi người vẫn cho rằng “Quán đêm” sẽ phát triển lâu dài, nhưng cảnh tượng tốt đẹp không kéo dài lâu. Một bản tin xã hội đã ra đời, thay thế vận mệnh của trang web và những người sáng lập. Đến nay, tim Đào Tử vẫn còn bị tra tấn bởi sự sắc sảo của tiêu đề bản tin đó: Trang web kinh dị ác như hổ! Một cô bé ở khu chung cư trong thành phố uống thuốc an thần tự tử!
Toàn bộ bài viết đã ẩn đi tên của người chết. Đại ý của bài báo là, hàng xóm của nạn nhân nói rằng đây là một cô gái sống độc thân, từ khi sinh ra đã không có họ hàng thân thích hay bằng hữu đến thăm. Trong history IE của nạn nhân đều là các bộ phim hoặc tiểu thuyết kinh dị và các địa chỉ trang web. Phía cảnh sát suy đoán, nạn nhân chỉ là muốn tìm kiếm sự kích thích cảm giác, nhưng do những thông tin kinh dị mà phía trung gian gửi đến đã bám rễ vào trong tim cô ta, sinh ra một áp lực tiêu cực rất lớn. Cuối cùng, chúng đã đưa cô đến bước đường cùng.
Bài viết còn đưa thêm một vài tấm ảnh của trang web: Hình ảnh vườn trường âm u. Đó đúng là bộ mặt của thế giới trò chơi “Bàn chuyện kì quái trong trường học”!
Đào Tử căm hận những lời võ đoán của bài báo đó. Tại sao nó lại đoán định một cách dễ dàng rằng người đó là do kinh hãi trò chơi này mà phải uống thuốc để tự tử? Nói không chừng là do một chuyện khác ép chết thì sao? Tại sao lại không truy cứu thân phận của cô ta? Nếu mẩu tin đó là do cô ta tiếp tay thì nhất định phải truy cứu tới cùng. Các phương tiện truyền thông là nơi có quyền được phát ngôn, nếu cứ đen trắng lẫn lộn mà nhận định sự việc thì sẽ làm liên lụy tới bao nhiêu người đây?
Đúng vậy, việc tự sát của người con gái đó đã đánh một đòn rất mạnh vào Quán đêm. Mọi người bắt đầu xem xét lại việc tạo ra những trạng thái tâm lý kinh hoàng. Hội nghị giữa những người sáng lập ra nó được tiến hành qua chat voice trong QQ. Tiểu Phi đã khóc, cô ấy hối hận vì mình là người đầu tiên đưa ra phương án thiết kế trò chơi.
Thời gian đó, Nguyệt Quang đã mất hút trên mạng một thời gian. Đào Tử và Nguyệt Quang đều là admin của trang web. Đêm nào lên mạng Đào Tử cũng đợi nhưng không thấy Nguyệt Quang. Cô đoán rằng, những chỉ trích của thế giới bên ngoài đối với “Quán đêm” có thể đã khiến cho Nguyệt Quang không dám đối mặt với tất cả những gì trên mạng.
Ai nói rằng hư ảo không thể cướp đi tính mạng một con người? “Quán đêm” của họ đã phạm vào tội đấy rồi!
Nhưng Đào Tử vẫn tin chắc rằng, Nguyệt Quang không vứt bỏ “Quán đêm” mà là tự nó tan biến. Cô luôn nhớ rằng, Nguyệt Quang đã từng viết trong một trang viết để trả lời rằng: “Người viết chuyện ma, đọc chuyện ma đều là những người cô đơn và không nơi nương tựa. Nếu bạn có sự che chở hoàn hảo của tình cảm, không từng trải qua những bất công của thế gian thì tại sao lại muốn thông qua những từ ngữ này để tìm đến sự thỏa mãn chứ?”.
Sự trở lại của Nguyệt Quang là chuyện của mấy tuần sau đó. Nhưng cái mà cô đem đến lại là một thông tin khiến người ta thất vọng: Giải tán “Quán đêm”!
Trang web cho dù đã giải thể, nhưng sau ba năm, việc tự trách vẫn chưa hề được giải tỏa.
Dụi nốt điếu thuốc cuối cùng, Đào Tử bước ra khỏi bốt điện thoại. Phía trước có đỗ một chiếc taxi màu đỏ. Cô đột nhiên cảm thấy người mệt mỏi, liền mở cửa chiếc xe ra và ngồi vào ghế sau của nó. Đào Tử chỉ dặn được một câu rằng tài xế đưa mình tới phòng biên tập của “Thân báo” (báo Thượng Hải) rồi cô nhắm mắt lại nghỉ ngơi.
Giao thông ngay lúc này vẫn đang ùn tắc.
Ngồi trên xe, cô cảm thấy cái xe cứ đi rồi lại dừng, dường như chưa có đoạn đường nào thuận lợi cả. Trong lúc nửa mê nửa tỉnh, Đào Tử nghe tài xế mở đài, hình như cô được nghe kênh kể chuyện. Điều này là bình thường, rất nhiều các tài xế đều muốn vừa lái xe vừa nghe đài.
Tiếng nói của phát thanh viên trầm lắng vô cùng, hiệu ứng âm thanh lúc tĩnh lúc vang khiến người ta không hề để ý. Đào Tử không mở mắt, lặng im nghe ngóng, trong lòng tự ngẫm: Chắc không phải là kể chuyện ma đấy chứ?
Đáp lại cô là giọng điệu lên bổng xuống trầm của phát thanh viên:
– Dưới đây là một câu chuyện li kì, xảy ra trong trường học. Tên của câu chuyện là “Vứt con trong trường học”, tác giả: Đào Tử!
Trong tâm trí vang lên một tiếng “đùng”, Đào Tử bắt đầu căng thẳng, các ngón tay co giật liên tục. Những lời cảnh cáo của Nguyệt Quang thình lình tái hiện lại trong tai cô. Chẳng lẽ cách tự nhận lại chuyện ngắn lại là nghe đài phát thanh?
Đào Tử muốn động đậy, cô muốn thoát ra khỏi chiếc xe. Đáng sợ là ở chỗ, đột nhiên cô phát hiện ra mình không thể động đậy được, thân xe hẹp dường như đang nén cô lại, cô không có sức để cử động, dù chỉ là một ngón tay!
Bóng đè!
Cho dù có dũng cảm thêm nữa, có kiên cường thêm nữa, nhưng lúc này cô cũng mất đi bình tĩnh. Đào Tử muốn kêu lên. Cô cảm giác như mình đã mở rộng được mồm nhưng lại không hét ra được thành tiếng. Nguyên văn “Vứt con trong trường học” từng câu từng chữ rót mạnh vào tai cô…
Dưới ánh đèn nê ông lung linh có thể ẩn giấu những cái xấu xa không thể nói cùng ai. Tôi ở Thượng Hải, một thành phố hoa lệ nhưng nông nổi. Hơn hai mươi năm đối với tôi, có hai điều lớn nhất không theo như ý muốn. Thứ nhất là tiểu thuyết mà tôi viết không theo kịp được cái gọi là trào lưu, không được nhà xuất bản chú ý tới. Thứ hai là lần thi vào đại học đã phát huy theo hướng khác, tôi vào Học viện Ngoại thương.
Học sinh cùng khóa được chọn vào trường năm đó đều không biết chuyện bên phía nhà trường đã giấu, một chuyện khiến người khác phải lạnh người: Học viện Ngoại thương từng có một nữ sinh do muốn kiếm tiền để tiêu dùng trong cuộc sống nên đã làm gia sư ở bên ngoài. Lịch trình hàng ngày của cô sắp xếp rất kín: Sau khi dạy kèm cho một học sinh cuối cùng đang học lớp 12, khi về đến phòng ngủ đã là tối muộn. Chính trên con đường về trường ấy, nữ sinh đó đã bị tấn công bất ngờ, cô ấy bị cưỡng hiếp.
Kẻ xấu rất nhanh đã bị sa lưới. Khi mọi người đều cho rằng chính nghĩa đã được nêu cao, mọi chuyện đã kết thúc tốt đẹp thì, không một ai ngờ rằng đó chỉ là mở đầu của tất cả: Nữ sinh đó đã mang thai.
Bên phía nhà trường xử lý cô ta cực kì đơn giản: Xóa tư cách sinh viên!
Từ đầu đến cuối, học viện giấu bặt chuyện này. Nhưng điều khiến nó lại được nổi lên là nhờ một lời nhắn điện thoại nặc danh…
Hôm đó, tôi cầm sơ yếu lí lịch đi đến các tòa soạn báo suốt một buổi chiều nhưng vẫn không có kết quả gì. Lời đáp lại của tất cả mọi người giống nhau đến kinh ngạc: Về nhà đợi kết quả.
Khí hậu Thượng Hải rất ẩm ướt. Không có mưa nhưng phòng ngủ vẫn ẩm ướt tới mức đáng sợ. Tôi ngồi trước màn hình vi tính để sửa bản thảo, bỗng nhiên có tiếng chuông điện thoại reo lên khiến tôi giật bắn cả người.
Lẽ nào lại là điện thoại của tòa soạn gọi đến?
Tôi vừa định nghe thì chị Lư ở giường đối diện đột nhiên gọi giật tôi lại:
– Đừng nghe!
Trông chị vô cùng căng thẳng. Lúc này tôi mới nghĩ ra, từ lúc tôi về buồng ngủ tới giờ đã thấy chị Lư có gì đó khác thường. Trước khi chuông điện thoại reo lên, chị ấy ngồi đờ người trên giường, không nói một câu nào.
– Sao thế chị? Em đang thi tuyển mà.
– Chị Lư nhìn tôi, không nói gì thêm, chị đưa mắt ra hiệu tôi về lại giường ngồi.
Chuông điện thoại lại reo lên lần nữa, rất ngứa tai. Tôi đi đến nghe, “alô” một tiếng. Nhưng bên kia đã dập máy, trong tai nghe chỉ thấy toàn tiếng tút tút đôi phần trống rỗng.
Chị Lư, có phải có người quấy nhiễu chị không? – Tôi hỏi.
Chị Lư hơn tôi hai tuổi, năm thứ hai chị tham gia quân đội, hiện đang học năm thứ tư. Nghe tôi hỏi, chị lắc đầu, chẳng nói câu nào. Tôi ngồi lại đó, ôm lấy vai chị. Tôi phát hiện ra cơ thể chị đang mềm nhũn.
Điện thoại… ghi âm…
Chị Lư nói vài từ không rõ ràng.
Tôi nhớ ra điện thoại trong phòng ngủ có chức năng ghi âm, bèn đưa lên tai nghe, ấn vào nút phát băng ghi âm. Một âm thanh từ xa chậm chầm truyền tới, là tiếng giọt nước chảy! Âm thanh từ nhẹ đến vang dần, nghe rõ vô cùng.
ở những nơi như phòng rửa tay, phòng vệ sinh thường xuyên nghe thấy những âm thanh này. Nhưng âm thanh trong tai nghe truyền tới lại có vẻ khác lạ. Cái làm tôi thực sự lạnh hết cả xương sống là một loạt các tiếng lẩm bẩm tiếp sau đó. Chất âm đó có đôi chút giống với tiếng của đứa trẻ con đã qua biến điệu, không phân biệt được là nam hay nữ, giống như đã qua xử lý đặc biệt rồi. Tôi nghe mơ hồ tiếng nó nói: Bọn họ sẽ đến báo thù…
Đó là một lời nguyền rủa đáng sợ, mà hình như đã được in vào trong đầu tôi. Tôi có một khả năng mẫn cảm bẩm sinh đối với từ ngữ. Lúc này, chủ ngữ của câu nói đó hiện ra bên tai tôi, hiện ra dưới dạng chữ Hán, gõ liên tục vào tim tôi.
Bọn họ! Bọn họ! Bọn họ!
Không phải là bọn anh ấy, bọn cô ấy trong chữ Hán! Mà là bọn họ!
Tôi treo điện thoại đến “rầm” một nhát, lòng bàn tay đã ướt đẫm. Tôi nhất thời cảm giác rằng việc hít thở không hề dễ dàng. Chị Lư vẫn không nói gì, tôi đoán rằng, chị ấy nhất định đã bị những lời nhắn đó hù dọa!
Không khí đôi chút lắng lại, chậm chạp như không có người phá vỡ sự tĩnh mịch.
Trong buồng ngủ có tất cả bốn nữ sinh. Khi Trần Thần và Thịnh Tịnh Khiết trở về, nghe xong ghi âm đó họ đều không hề tán thành. Thịnh Tịnh Khiết cười nhạo nhiều hơn và nói, cục bưu chính hiện đã mở dịch vụ thay đổi giọng nói. Đây nhất định là một trò đùa mờ ám nào đấy của một sinh viên nam nào đấy. Hắn đã giở trò quái ghở.
Nửa đêm, đèn đầu giường chị Lư vẫn sáng, Thịnh Tịnh Khiết xoay người về đầu còn lại, lầm bầm trách cứ. Hai năm trong bộ đội đã đào tạo tác phong cực kì có kỉ luật cho chị Lư. Chị chưa bao giờ làm ảnh hưởng tới giờ nghỉ của người khác. Có thể thấy rằng, lời nhắn để lại đó đã làm khuấy động cuộc sống của chị.
Tôi nghiêng đầu nhìn sang giường chị Lư, chị như đang đọc một cuốn sách nào đó. Khi chị giở trang sách, tôi phát hiện ra mặt trang sách có màu đen kịt. Đó không phải là một cuốn sách, nó giống một quyển an bum hơn.
Tôi thò đầu ra cố gắng nhìn những tấm ảnh trong quyển an bum đó, vừa đúng lúc bắt gặp ánh mắt chị Lư. Lúc đó, tôi nhìn thấy trong mắt chị đã đẫm nước mắt. Trong phút chốc, mặt chị Lư biến mất vào trong bóng tối. Chị đã vặn tắt đèn đầu giường.
– Chị Lư! – Tôi gọi nhỏ.
– Mấy giờ rồi? Có để người khác ngủ không đây? – Thịnh Tịnh Khiết làu bàu một câu. Tiếp sau đó, Trần Thần ho lên một tiếng, ý là mọi người hãy giữ hòa bình cho căn phòng ngủ.
Tôi đã nói, thời tiết Thượng Hải rất ẩm thấp, lúc này có nằm trong chăn cũng không thấy ấm áp. Tôi không nói nữa, thoáng nghe thấy một cách mơ hồ tiếng nước nhỏ giọt. Có lẽ vòi nước nhà vệ sinh lại hỏng. Dù nghĩ như thế nhưng trong lòng vẫn cảm thấy sợ hãi, tôi vội vàng trùm chăm để ngủ.
Nhưng sau đó vài ngày, mọi chuyện lại trở lại như thường, mọi người đều bận rộn với việc đi phỏng vấn ở các đơn vị. Khi nghe tin học viện bị đưa ra ánh sáng, trút thêm vào tôi phiền toái là lúc tôi đang ở trong một quán mì và giục nhân viên phục vụ. Ăn xong còn phải đi phỏng vấn buổi chiều. Trong cái quán đó, trên chiếc vô tuyến bám đầy dầu mỡ, tôi nhìn thấy ngôi trường quen thuộc.
Một tổ chương trình thời sự nổi tiếng chạy đến phỏng vấn học viện ngoại thương, hỏi rằng năm năm trước đây, có phải có một sinh viên nữ bị đuổi học do mang thai. Chủ nhiệm phòng công tác sinh viên xuất hiện và bác bỏ tin đồn, cách làm là dùng tay bịt kín màn hình máy quay, từ chối phỏng vấn. Thấy không thể ngăn lại khả năng tấn công của các kí giả, ông này chạy một mạch, trốn vào trong văn phòng.
Hóa ra, trừ phần lớn các sinh viên năm thứ tư đang chạy đôn đáo ở bên ngoài, không nghe thấy tin tức này ra, những sinh viên khác trong học viện đều đã mong ngóng mẩu tin này được phát đã lâu. Ngày phát tin hôm đó, phía nhà trường ra lệnh, vô tuyến trong phòng ăn đều phải chuyển đi hết.
Giấy cuối cùng đã không bọc được lửa.
Địa điểm xem đã được chuyển từ nhà ăn về các phòng ngủ của sinh viên. Theo giới truyền thông cho biết, một người xem nhiệt tâm đã gọi điện đến, tiết lộ hành vi phạt quá đáng đối với một nữ sinh của Học viện Ngoại thương năm đó.
Sức mạnh của dư luận thật lớn. Trong phút chốc, không ít những người làm trong hệ thống luật pháp cũng đứng lên, nguyện giúp đỡ về mặt pháp luật cho nữ sinh năm năm về trước đó. Nhưng khổ nỗi khoảng cách thời gian đã quá lâu, không tìm được cô ấy.
Khi mới bắt đầu, thái độ của phía trường đã rất kiên quyết. Nhưng danh tiếng ngày càng xấu đi là do một chuyện nghe mà kinh hãi khác đã xảy ra: Trong phòng vệ sinh của kí túc xá nữ trong học viện đã đột nhiên phát hiện ra một thi thể hài nhi!
Người phát hiện ra thi thể hài nhi đó chính là chị Lư. Do quá khủng hoảng, không thể nhận ra giới tính của đứa trẻ đó, chỉ nhớ được rằng đứa trẻ vừa mới được sinh ra. Bởi nó vẫn còn có cuống rốn, trên người nó còn dính máu.
Giới cảnh sát bước vào điều tra. Thực ra, trong nước vụ án kiểu này không hề hiếm. Một số phụ nữ đã bỏ lỡ thời kì đẹp nhất của con người, lựa chọn cách sau khi sinh con ra, lập tức vứt bỏ chúng. Đứa bé chết trong học viện tứ chi không đầy đủ, giống như có người đã nhét nó vào đường ống nước, cố ý làm nó bị tàn tật.
Trong phòng ngủ không thấy bóng dáng của chị Lư. Chị đã thu dọn vài bộ quần áo, quyết định tạm thời ở nhà một người thân thích ở Thượng Hải. Trước khi đi, chị ngồi bên chiếc bàn, viết bừa bãi một cách điên cuồng lên một tờ giấy, ánh mắt thực sự trống rỗng. Viết đầy hết một tờ, lại vò đi và vứt vào thùng rác.
Do tính hiếu kì, sau khi chị Lư đi, tôi đã nhặt tờ giấy đó lên, vuốt phẳng nó ra và đọc, phía trên viết đi viết lại một câu nói: Vẫn là nơi đó!
Bút tích của chị Lư rất thô. Có đến hàng nghìn câu “vẫn là nơi đó” được viết chen chúc nhau, chúng kích thích thị giác tôi.
Cái mồm hiếu kì của tôi ngoác rộng ra, cái nơi mà chị Lư viết đi viết lại đó rốt cuộc là ở đâu? Tôi không ngăn được việc liên tưởng tới những chuyện kì quái hai ngày đó. Lời nhắn biến giọng, học viện bị đưa ra ánh sáng, thi thể đứa bé bất ngờ được phát hiện, những cái ấy có liên quan gì tới “nơi đó”?
Đêm hôm đó tôi bỗng chợt phát hiện, trong phòng ngủ ngoài tôi ra chẳng còn một ai khác. Chị Lư đã đến ở nhà họ hàng. Mẹ của Trần Thần nằm viện, tuần này cô ấy phải trông qua đêm. Trong khi Thịnh Tịnh Khiết vốn đã rất ít khi ngủ qua đêm trong phòng. Mỗi buổi chiều tối đều có chiếc xe đua đẹp đẽ đợi cô ta ở dưới lầu.
Nhờ một người bạn ở tòa soạn giúp đỡ, tôi đã nhận được nhiệm vụ phỏng vấn, chủ yếu về vấn đề nữ giới chưa lấy chồng đã chửa trong xã hội. Tôi thông báo cách thức liên hệ qua mạng, tập trung những người phù hợp điều kiện và chịu để phỏng vấn.
Mở máy vi tính, tôi đăng nhập vào BBS, bài biết đăng được một tuần mà vẫn vắng tanh vắng ngắt. Tôi bắt đầu nghi ngờ về sự ngu dốt của cách làm này. Những người phụ nữ có tư tưởng truyền thống khó có thể mở miệng ra về việc chưa chồng mà chửa, thì không thể có chuyện chủ động tìm phóng viên, chấp nhận phỏng vấn được!
Tôi mở MSN, viết trên nickname của mình lời than thở, nửa tức giận: Người chưa kết hôn đã có con, người viết được thưởng lớn!
Đinh! Một tiếng đăng nhập rất lớn bỗng nhiên vang lên, nó thực sự khiến tôi rung mình một cái. Hệ thống hiển thị, tôi đã nhận được một bức thư, người gửi nó viết tên là Tiểu Thanh.
– Tôi đồng ý chấp nhận phỏng vấn, bạn dám viết không?
Trong thư chỉ viết mỗi mấy chữ đơn giản như vậy, ngữ khí lại vô cùng kiêu ngạo. Cho dù thế nào thì đó cũng là đối tượng đầu tiên chịu chấp nhận phỏng vấn. Tôi nén xuống ý định tranh cãi cùng cô ta và trả lời theo một kiểu rất công thức:
– Chào bạn! Tôi là Đào Tử, phóng viên của “Thân báo”. Rất vui nếu được phỏng vấn bạn. Bạn có thể tường thuật lại tình hình của bạn cho tôi, tôi sẽ chỉnh sửa lại và viết nó. Trước khi hết hạn nhận bản thảo tôi sẽ đem nguyên văn gửi cho bạn. Trước khi bạn đồng ý, tôi tuyệt đối sẽ không đăng bài viết. Do lần phỏng vấn này được tiến hành theo hình thức chuyên đề nên tôi sẽ phỏng vấn bạn trong thời gian dài. Chúng ta có thể tiến hành bằng chat voice được không?
ài giây sau khi thư được gửi đi, Tiểu Thanh đã add MSN của tôi.
Khi cô ấy lên mạng, hệ thống phát ra tiếng chuông báo cực to, nó lại một lần nữa khiến tôi giật mình. Avatar của Tiểu Thanh rất lạ, đó là một bức ảnh đen trắng hình một con đường nhỏ ở nông thôn.
Có Điểm kì quái duy nhất là trên con đường ấy như được phun một vũng chất dịch gì đó. Do chỉ có hai màu đen trắng nên không thể nhận ra được màu sắc thực của chất dịch đó là gì. Những người nhìn thấy rất dễ tưởng tượng rằng đó là vết máu. Vài sinh viên khoa Mĩ thuật mà tôi biết đều rất thích thêm một chút máu me vào trong tranh.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!