Mất bốn ngày cả nhà mới cấy xong mười mẫu ruộng nước.
Cấy xong vẫn thừa mấy bó mạ nên Đào Tam gia đi một vòng quanh thôn hỏi xem có nhà nào thiếu mạ không.
Rất nhanh đống mạ ấy đã bị người ta lấy đi rồi.
Vội cấy mạ xong lại vội cắt lúa mạch.
Ruộng lúa mạch lúc này vàng óng, Đào Tam gia ngắt một bông lúa mạch xuống xoa trong tay rồi đưa lên miệng nhai sau đó quyết định chờ thêm mấy ngày nữa mới cắt.
Mấy ngày kế tiếp Trường Phú và Trường Quý phụ trách canh ruộng mạ xem chỗ nào mạ nổi lên thì cắm lại.
Đào Tam gia thì bắt đầu làm liên giá.
Đó là một loại công cụ tuốt lúa mạch được làm bằng những nhánh trúc đan liên tiếp với nhau như cái bè nhỏ.
Một mặt cái bè có gắn móc nối với một cây gậy trúc dài chừng 4,5 mét.
Lúc dùng chỉ cần vung gậy trúc lên là cái bè sẽ theo quán tính đập vào lúa mạch.
Lúa mạch chín phơi khô có vỏ giòn, chỉ cần đập mạnh là hạt rơi ra.
Làm xong liên giá Đào Tam gia lại chọn một mảnh ruộng lúa mạch chín nhất và bắt đầu cắt.
Trong lúc cắt lúa mạch bầy gà lại nghênh đón tao ương lao ngục, đó là vì tụi nó ăn quá khỏe, lại ị phân khắp nơi nên Lý thị quyết đoán nhốt lại cho xong.
Gần tới Đoan Ngọ lại thêm hạn hán nghiêm trọng nên năm nay có vẻ đặc biệt nóng bức.
Cắt lúa mạch đơn giản hơn cấy mạ một chút thế nên Đào Tam gia huy động cả nhà đội mũ rơm vác liềm đi thu hoạch.
Đại Bảo và Nhị Bảo cắt rất nghiêm túc, cắt xong một bó lại ném vào sọt, còn kiểm tra xem có cắt sót không.
Bọn nhỏ còn bé, dễ bị cảm nắng nên Đào Tam gia không cho tụi nó làm lâu trên đồng.
Chờ mấy đứa cắt đầy sọt ông sẽ bảo tụi nó cõng lúa về nhà, như thế qua lại có thể nghỉ ngơi một chút.
Lưu thị và Trương thị chỉ phụ trách cắt mạch, các nam nhân không chỉ cắt lúa còn phải cõng lúa về nhà.
Mỗi sọt lúa đều nặng nhưng bọn họ lại nhẹ nhàng cõng trên lưng đi phăm phăm.
Tam Bảo và Tứ Bảo không thể cắt cũng không thể cõng thế nên phụ trách đưa nước.
Hai cây nấm lùn đầu đội mũ rơm, tay cầm theo ấm nước tập tễnh đi trên đường bờ ruộng.
Lúc đưa nước tới ruộng thấy ông bà nội, cha mẹ và chú thím đều mướt mồ hôi, mặt đỏ bừng thế là hai đứa vội rót nước đưa cho người nhà uống.
Nhân lúc người lớn uống ước hai đứa tháo mũ rơm ra quạt lấy quạt để.
Đào Tam gia vui tươi hớn hở khích lệ khen Tam Bảo và Tứ Bảo là đứa nhỏ có hiếu khiến hai đứa quạt càng hăng say.
Lúa mạch cắt về đều phơi ở sân trước, thi thoảng Lý thị sẽ dùng cào trúc đảo lúa.
Chờ ăn cơm trưa xong lúa mạch cũng phơi khô kha khá, râu xù xù.
Người lớn tay cầm liên giá bắt đầu đánh lúa mạch, cứ mỗi đập là có vô số bông lúa mạch bị đập bẹp, hạt lúa vẩy ra.
Cứ thế qua một vòng đống lúa mạch đã bị đập thành một đống rơm mềm.
Lưu thị và Trương thị cầm cái cào trúc cào rơm bên trên để lại hạt lúa.
Sau khi quét hạt lúa qua một bên bọn họ lại trải đống rơm ra đập thêm một lần nữa tới khi toàn bộ lúa rụng ra hết.
Người một nhà đông nên chỉ một buổi sáng đã cắt xong mảnh ruộng kia, lúc này trong sân trước toàn là hạt lúa mạch mới thu hoạch.
Làm xong rồi bọn họ mới tiếp tục cắt lúa ở những mảnh khác.
Năm trước bọn họ vừa cắt lúa mạch vừa lo trời mưa sẽ khiến hạt lúa nảy mầm.
Năm nay trời hạn nên cũng chẳng cần gấp gáp chuyện gặt và phơi nắng.
Trong bảy tám ngày này buổi sáng cả nhà sẽ đi cắt mạch, giữa trưa đánh lúa, chờ cắt xong hết lúa trên đồng thì hạt lúa cũng đã tuốt xong.
Nhưng chưa thể cất lúa mạch vào kho ngay được, ngoài phơi khô còn phải sàng xẩy loại bỏ đất, lá và rơm lẫn vào.
Đây đều là việc của nữ nhân, còn đám nhỏ thì ngày ngày đội mũ rơm mang theo rổ nhỏ đến ruộng lúa mạch nhặt lúa mót.
Chờ bọn nhỏ nhặt xong lúa còn sót trên đồng đám nam nhân lại ra đồng cắt mạch côn.
Bọn họ bó mạch côn thành bó và vác về nhà.
Phòng chất củi quá nhỏ nên chỉ để nhánh cây, thân cây, đống mạch côn này vừa chiếm chỗ mà đốt cũng không được bao lâu.
Đào Tam gia chất đống mạch côn quanh cây du, càng chất càng cao.
Đến khi thấy được một đống lớn rồi ông cũng không thu mạch côn nữa, chỗ còn lại cứ để ở ruộng lúa đợi chúng tự mủn ra làm phân bón ruộng luôn.
Khắp nơi trong thôn đều là những đống mạch côn thật to, bọn nhỏ chơi trốn tìm ở đó, hoặc trèo lên rồi trượt xuống.
Rất nhiều đống mạch côn cao như bảo tháp bị bọn nhỏ chơi mấy ngày đã tan thành từng mảnh.
Trong ngày mùa bận rộn ấy tết Đoan Ngọ cũng tới.
Tết Đoan Ngọ là một ngày hội cực kỳ truyền thống và quan trọng.
Già trẻ toàn thôn đều bị không khí lễ hội lây nhiễm nên tạm thời quên mất mệt nhọc ngày mùa.
Người của Đào gia thôn không gói bánh chưng cho Tết Đoan Ngọ mà chưng bánh bao.
Sáng sớm Lý thị đã cõng cái sọt đi khắp thôn hái ngải thảo, lá hoa tiêu, và một đám hương long thảo.
Ngải thảo được chia làm bó nhỏ treo trên cửa chính phòng, đông phòng và tây phòng.
Sau đó bà ấy cho ngải thảo, lá hoa tiêu và mấy cây khác vào nấu thành nước thuốc, nhúng vải bông lau người cho bọn nhỏ.
Mỗi năm đám Đại Bảo đều bị Lý thị đè ra lau người một lần, cuối cùng còn bôi chút hùng hoàng trên đỉnh đầu bọn nhỏ.
Bọn họ không thích cái mùi này nhưng Lý thị nói nước thuốc này giúp trừ mụn nhọt, hùng hoàng giúp đuổi kiến.
Mấy đứa nhỏ vẫn ngượng ngùng không lau người thế là Lý thị ra đòn sát thủ: “Đứa nào không lau người thì giữa trưa không có bánh bao bí đỏ ăn!”
“Năm nào cũng thế!” Bọn nhỏ oán giận nhưng vì mấy cái bánh bao bí đỏ nên tụi đó đành khuất phục và bôi nước thuốc lên người.
Lưu thị và Trương thị hái được hai quả bí đỏ thật to màu xanh đậm trong vườn.
Loại bí đỏ này là bí đỏ nước, giòn giòn, có thể xào ăn.
Còn một loại bí đỏ khác màu vàng thì không thích hợp xào mà để chưng, làm bánh hoặc nấu canh.
Lưu thị nhào bột cho tết Đoan Ngọ, lúc này bột phải là bột mỳ trắng không trộn.
Trương thị thuần thục rửa sạch hai quả bí đỏ, móc ruột bên trong ra rồi cắt thành sợi mỏng, lại dùng muối ngâm.
Đợi một lát nàng ta vớt bí đỏ ra để ráo rồi lấy một cái chậu lớn bỏ bí đỏ trộn đều với thịt khô thái hạt lựu và thêm hành, gừng, muối cùng một chút bột ớt.
Lưu thị nhanh chóng cán bột làm bỏ, Trương thị thì gói bánh, rất nhanh từng cái bánh bao đều nhau đã thành hình.
Lồng hấp bày đầy bánh bao, một tầng lại một tầng.
Nước của nồi hấp cũng đã sôi, hơi nước lượn lờ bên trên.
Những cái bánh bao bí đỏ trắng trẻo mập mạp xếp đầy trên đĩa như kim tự tháp.
Người lớn ăn thường thích rưới sa tế đỏ hồng lên trên, còn bọn nhỏ thì ăn nguyên vị.
Bánh bao nóng mềm mềm, vừa cắn một miếng đã thấy bí đỏ mềm nộn quậy với thịt khô tạo nên mùi hương nồng đậm mà không ngấy.
Ăn một cái rồi chỉ muốn ăn thêm, ai ăn với sa tế lại càng thấy mỹ vị.
Trong lúc ấy Đào Tam gia kể về ngọn nguồn của Tết Đoan Ngọ, Đại Bảo ở bên cạnh hỏi: “Ông nội, vì sao chúng ta không gói bánh chưng và đua thuyền rồng?”
“Thằng nhóc con, lấy gạo đâu ra mà gói bánh chưng, còn con sông bé tí kia thì đua thuyền cái nỗi gì?” Đào Tam gia vui vẻ hỏi.
“Cũng phải!” Đại Bảo gật đầu.
“Mặc kệ ăn bánh chưng hay bánh bao thì chỉ cần chúng ta vui vẻ trải qua ngày hội là được.” Đào Tam gia nói, “Chờ mấy đứa trưởng thành, vạn nhất có thể ăn bánh chưng, xem thuyền rồng có khi tụi bây lại nhớ hương vị bánh bao bí đỏ ấy chứ!”
“Bánh đao bí đỏ là ngon nhất!” Tứ Bảo phùng má lẩm bẩm.
“Hô hô, thằng nhóc con!” Đào Tam gia cười nói..