Cổ Cồn Trắng - Cổ Cồn Trắng - Chương 01
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
196


Cổ Cồn Trắng


Cổ Cồn Trắng - Chương 01


Đêm đã về khuya. Trời cuối thu đầu đông se lạnh. Chạy sát ven hồ Thủy Nguyệt là con đường nhỏ mang cái tên của một danh nhân rất mực tài hoa: Cao Bá Quát. Trên đường, thấp thoáng bóng những đôi trai gái đi như dựa vào nhau để tận hưởng sự êm ả, thanh khiết của trời thu.
Cuối phố, nơi có những cây hoa sữa cổ thụ mốc thếch rêu phong là một quán bar khá đẹp mang tên Hoa Sữa. Đây là một biệt thự kiến trúc hoàn toàn Pháp đã có tuổi thọ hơn bảy mươi năm.
Chủ của ngôi biệt thự là một nhân sĩ được Nhà nước kính trọng, có lẽ vì vậy mà trong hồi cải tạo tư sản những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước, ngôi nhà đã không bị tịch thu. Năm 1990, ông qua đời để lại ngôi nhà cho hai người con trai. Người con cả là một Thiếu tướng quân đội thì được ở toàn bộ ba phòng tầng một và khu sân trước rộng hơn năm chục mét vuông. Người con thứ hai là một kỹ sư hóa chất ở toàn bộ tầng trên. Nhà Thiếu tướng có ít người, hơn nữa ông cũng được quân đội chia cho một khu đất khá đẹp ngoài ngoại ô, và ông đã xây ngôi nhà bốn tầng. Từ khi có ngôi nhà mới ông hầu như không về phố ở nữa cho nên ông đem tầng dưới cho thuê mở quán bar.
Người đứng ra thuê là một tay kinh doanh bất động sản khá tiếng tăm tên là Trần Dung và có biệt hiệu là Dung Tỉ Phú. Trần Dung cho sơn sửa lại với một gam màu vàng nhạt và trang trí quanh tường bằng những bức tranh phiên bản của những họa sĩ nổi tiếng như Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh và đặc biệt là âm nhạc trong quán thường là nhạc cổ điển của Mozart, Chopin, Betthoven… Nhờ những cái đó, quán bar này đã tạo ra một bản sắc riêng biệt mà chỉ có những người ưa thích sự sâu lắng, nhẹ nhàng mới lui tới.
Bar mở cửa từ 10 giờ 30 sáng và đóng cửa khi nào hết khách, nhưng thường thường là khoảng 12 giờ đêm thì vắng hẳn.
Hôm nay cũng vậy, khi con chim cu từ trong chiếc đồng hồ quả lắc mang nhãn hiệu ODO thò đầu ra gáy mười một tiếng thì trong quán chỉ còn lại có bốn người. Hai thanh mến ngồi phía ngoài cửa và uể oải ngáp ngủ, còn phía góc trong của phòng có hai người vẫn đang nói chuyện – đó là một người đàn ông và một phụ nữ.
Người đàn ông tên Tiên, biệt hiệu là Tiên Chỉ đã cứng tuổi, có mái tóc chải cẩu thả, mặt tròn, mắt nhỏ và môi mỏng. Tiên Chỉ tên chính là Hoàng Văn Tiên và do anh ta có tật khi nói chuyện cứ hay dùng ngón trỏ chỉ vào người đối thoại nên mới có biệt hiệu là Tiên Chỉ. Tuy nhiên, biệt danh Tiên Chỉ còn mang một ý nghĩa khác. Tiên vốn là một tay giang hồ có tiếng ở thành phố H, đã từng hai lần lĩnh án tù, tuy mỗi lần chỉ vài ba năm. Tiên được coi là thủ lĩnh của một băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen trên các lĩnh vực cờ bạc, cho vay nặng lãi, bảo kê vũ trường, kinh doanh bất động sản; và ngoài ra, Tiên còn lập cả công ty kinh doanh hàng điện máy, điện tử. Là kẻ mưu mẹo, có ý chí, được giới giang hồ nể trọng, xếp vào hàng chiếu trên, vì thế Tiên Chỉ thường được gọi thêm là “Cụ Tiên Chỉ”. Năm 1996, Tiên ra tù và từ đó người ta thấy anh ta hiền lành hẳn. Tuy nhiên, cảnh sát hình sự thì vẫn coi anh ta là đối tượng điểm. Còn cô gái khoảng gần 40 tuổi – đó là Oanh, biệt hiệu là Oanh Sói. Cũng là một ả giang hồ, là nữ quái nổi tiếng một thời của đất cảng Hải Phòng.
Oanh Sói không đẹp nhưng có nét hấp dẫn, đặc biệt là mái tóc cắt tém như con trai và ánh mắt nhìn sắc lạnh. Oanh hút thuốc liên tục và nét mặt xem ra có vẻ căng thẳng:
– Em rất cảm ơn ý tốt của anh. Nhưng bây giờ thì em chưa cần… Em muốn phải thanh toán sòng phảng với hắn.
– Hắn là ai? Cô cho anh biết. Anh sẽ giúp cô thanh toán món nợ đó?







– Chuyện này của riêng em. Em không muốn ai biết và cũng không muốn phải nhờ ai.
Tiên nheo mắt nhìn hai gã thanh niên trông còn rất trẻ con đang ngồi phía ngoài:
– Đệ tử của em đấy à?
– Vâng, em cũng cần phải bảo vệ mình. Em biết có kẻ muốn “chơi” em, nhưng đâu có dễ.
Nói rồi Oanh vẫy tay gọi một đứa đến và bảo:
– Các em về trước đi. Chị ở đây, lát nữa về sau.
Hai gã thanh niên lễ phép chào hai người rồi bước ra. Tiên gật gù, nhìn theo chúng rồi quay lại:
– Nếu em đồng ý, anh giao cho em ba sòng ở ngoại thành. Em không cần góp thùng tẩy [1], nhưng được ba chục phần trăm. Chỉ có điều là mấy sòng này đang bị bọn thằng Phướn Chột quấy phá. Em đưa mấy thằng đệ tử của em về, chắc chúng chịu thôi?
– Đến như anh mà cũng sợ thằng nào quậy ư? Thế những cảnh sát hình sự chiến hữu của anh đâu rồi?
Tiên tỏ vẻ lúng túng:
– Cũng có một số che chở cho mình. Nhưng có phải lúc nào cũng nhờ đến họ đâu. Nuôi quân ba năm, đánh giặc một giờ… Chỉ khi nào khó khăn lắm mới phải nói với họ ra tay. Làm nghề như anh em mình, muốn sống thì phải có quan hệ. Mình kiếm được nhiều, nếu không biết chia sẻ thì có ngày chết không có đất chôn.
Oanh Sói thở dài:
– Em vừa mua đất để cuối năm nay sang cát cho bố em. Tiện thể, mua luôn ô bên cạnh, sau này, em muốn nằm cạnh cụ.
– Cô chỉ gở mồm. Bây giờ là lo làm ăn, rồi lấy chồng, đẻ lấy vài ba đứa con. Tiền kiếm được, dồn cho chúng ăn học. Đời như anh em mình khốn nạn quá rồi, chỉ còn biết trông mong con cái sau này mở mày mở mặt. Em thấy đấy, kiếm được tiền nhưng trông thấy ai cũng nơm nớp, nhìn thấy tay cảnh sát khu vực là phải cười từ xa; rồi còn cúng lễ đủ nơi đủ chốn, phải hầu hạ khối ông to bà lớn.
Ngừng một lát, Tiên cười nhạt:





– Đời anh phải mang tiền đi biếu không biết bao nhiêu người rồi. Người có văn hóa thì cảm ơn và nói: “Chú kiếm được, cho anh, anh xin”, nhưng cũng không ít kẻ, mà là quan to vật hẳn hoi, chỉ nhét ngay vào ngăn kéo, không thèm nói câu nào. Đúng như các cụ xưa có câu: “Tiền vào nhà quan như than vào lò”. Tết vừa rồi, riêng quà tết, anh phải chi hơn năm trăm triệu, đó là chưa kể mấy chục chai XO.
– Em cũng chưa thấy ai chê tiền cả. Chỉ có điều là cho có đúng lúc, đúng chỗ không mà thôi.
Tiên lặng im một lát rồi bảo:
– Tuần sau, anh giao mấy sòng đó cho em. Em nhớ gọi hết số đệ tử cũ về. Anh biết từ ngày em đi trại, bọn chúng tan tác gần hết.
– Hừ. Lũ ăn cháo đá bát. Em đã lên danh sách rồi… Tất cả những kẻ tưởng rằng em đã hết thời thì phải trả giá. Để rồi xem chúng nó phò được chủ nào!
– Cô vẫn không thay đổi – Tiên đổi giọng gọi Oanh là “cô”, như thể muốn coi đó là cô em gái – Những tưởng ba năm đi trại đã giúp cô khôn hơn. Hay tám vạn nghìn tư mặc kệ, không mắc vòng tù tội đếch ra người… Cô có nghe thất người ta nói thế bao giờ không? Cô phải học lấy chữ “nhẫn”. Anh nói thực với cô, nếu anh đây không học chữ “nhẫn”, chữ “hòa” mà cứ thờ chữ “tiền”, chữ “cương” thì đã đi ăn đất từ lâu rồi. Thôi anh về.
Tiên đứng dậy, vừa quay lưng đi bỗng quay ngoắt lại, móc túi lấy ra một xấp đô la giúi vào tay Oanh:
– Cô cầm lấy xài đỡ. Cần gì cứ bảo anh, đừng ngại.
Tiên thong thả đi ra ngoài. Tới cửa, hắn ngó quanh vẻ cảnh giác. Bên kia đường có hai gã đi xe máy đang đứng tán chuyện với mấy gái mại dâm.
Cách quán không xa, dưới một gốc cây bằng lăng, có một cặp trai gái đang ôm nhau. Từ phía ngã ba đường, một chiếc xe BMW màu đen chạy tới dừng ngay gần chỗ Tiên. Cánh cửa bật mở, Tiên chui tọt vào xe.
Trong quán, Oanh vẫn ngồi trầm ngâm. Bỗng có tiếng chuông điện thoại di động. Oanh mở máy nghe, bỗng ả thay đổi sắc mặt, nói rít lên từng tiếng:
– Sao, anh bảo anh khó khăn à? Nếu ngày mai, tôi không có một tỉ thì anh đừng trách… Anh cướp cả cuộc đời tôi chưa đủ ư? Ba ngàn mét vuông đất một ngôi nhà, rồi bao nhiêu tiền, vàng… Tôi đưa cho anh, những mong được làm vợ anh, làm kẻ hầu người hạ cho anh… Vâng, tôi hiểu. Anh bây giờ phải lo giữ uy tín, tôi nghe nói tới đây anh còn định đi làm chính trị, định làm ông nghị… Hừ! Ghê thật đấy, ông cướp biển ạ…
Trong lúc Oanh nói chuyện điện thoại thì cô gái trực quầy bar lắng nghe với vẻ tò mò. Oanh vẫn xoe xóe:
– Tôi không còn gì để nói với anh nữa. Sẽ có quân của tôi tời bàn chuyện phải trái với anh… Anh đừng dọa tôi! Bởi lẽ cái con Oanh nó đã chết từ ngày lên giường ngủ với anh cách đây mười năm trước rồi.
Oanh tắt máy điện thoại di động và gọi cô gái ở quầy bar:
– Cho một ly rượu nữa.
Cô gái đến gần, rụt rè:
– Dạ thưa, em thấy chị uống cũng đã nhiều, hay để em pha nước cam?
Oanh quắc mắt:
– Cứ rót rượu, lấy chai Hennessy ra, loại xịn ấy.






– Rượu thật đắt lắm chị ơi?
– Từ nãy đến giờ cô cho tôi uống rượu rởm ư?
– Em đâu dám. Có anh Tiên tới, bao giờ cũng phải là hàng xịn.
– Thế còn bây giờ, chả lẽ tao không xứng uống một ly tử tế hay sao?
Cô gái vừa quay đi thì có hai thanh niên bá vai nhau bước vào quán. Cả hai thằng đều nhỏ bé và ăn mặc nom như hai sinh viên. Đến gần Oanh, một đứa lễ phép hỏi:
– Xin lỗi, chị có phải là Oanh không ạ?
Oanh gườm gườm nhìn chúng:
– Các chú ở đâu? Tìm Oanh có việc gì?
Một tên đảo mắt nhìn quanh, còn tên kia khẽ kháng:
– Ông anh em gửi cho chị cái này.
Dứt lời, hắn rút từ trong túi quần ra khẩu súng ngắn, chia thẳng vào ngực Oanh và bóp cò. Trong khoảnh khắc, Oanh đứng phắt dậy, hai bàn tay định xô bàn, nhưng không kịp. Một tiếng nổ đanh gọn vang lên. Oanh bật ngửa…
Cô gái bán bar run bần bật và chui vội xuống gầm bàn… Từ tầng trên, có tiếng la hét và tiếng chân chạy xuống cầu thang xầm xập. Một tên nhặt chiếc điện thoại di động của Oanh, lừ lừ tiến đến bàn lễ tân, nói trống không nhưng đủ cho cô gái đang chui dưới gầm bàn nghe thấy:
– Ai hỏi gì thì bảo lúc đó đang ở trong toa lét. Nhớ đấy! Nếu khác đi một chữ thì cũng như con Oanh.
Dứt lời, chúng vội chạy ra ngoài. Phía bên kia đường đã có hai tên đi xe máy chờ sẵn. Ke đi chiếc xe Hyosung Hàn Quốc loại 125 phân khối cao lớn, còn tên đi chiếc xe Dream II thì nhỏ con hơn. Khi hai tên giết người chạy ra, có một người cũng vừa đi xe máy tới. Anh ta dừng xe ở cách bọn đi xe máy đứng chờ khoảng chục mét và nhìn chúng với vẻ tò mò. Thoáng cái, hai tên sát thủ đã nhảy lên xe. Gần như cùng một lúc, hai chiếc xe vọt đi như tên bắn…
° ° °
Cũng vào thời điểm ở quán bar Hoa Sữa xảy ra vụ án mạng thì tại nhà riêng, Đại úy Vũ Mạnh Tường, Phó trưởng phòng Cảnh sát Điều tra kiêm Đội trưởng Đội Điều tra trọng án, Công an tỉnh H. đang cắm cúi viết chuyên đề về: “Đặc trưng của tội phạm có tổ chức trong thời kỳ Đổi mới và những kinh nghiệm bước đầu trong đấu tranh chống các tổ chức tội phạm”. Thực ra, đây không phải là nhiệm vụ của Tường, nhưng từ năm 1999, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đã yêu cầu tất cả công an các tỉnh, thành phố phải có chuyên đề nghiên cứu về tội phạm có tổ chức. Điều đó cho thấy rõ một điều tội phạm có tổ chức đã và đang là mối lo đe dọa thực sự đối với trật tự an toàn xã hội.
Phòng Cảnh sát Hình sự được Ban giám đốc giao cho nghiên cứu đề tài này nhưng đã gần một năm mà không có được một báo cáo cho ra hồn, vì vậy mới chuyển sang đội Điều tra Trọng án. Ban Giám đốc giao cho Tường cũng bởi vì anh được coi là một điều tra viên xuất sắc, đặc biệt là trong các vụ án mờ – nghĩa là án mà khả năng tìm được thủ phạm chỉ là những tia hy vọng mỏng manh. Và không chỉ có thế, Tường cũng là một người rất có khả năng tổng hợp, khái quát các vấn đề quan trọng và biết từ thực tế rút ra những bài học… Để viết chuyên đề này, Tường đã phải bỏ nhiều công sức vào tra cứu các tài liệu từ một số vụ án do các ổ nhóm tội phạm có tổ chức gây ra trên địa bàn của tỉnh kể từ khi Đảng, Nhà nước bắt đầu sự nghiệp Đổi mới, xây dựng kinh tế đất nước vào năm 1986.
Thấy đồng hồ đã chỉ gần 12 giờ, anh nhìn những trang viết với vẻ hài lòng rồi tắt đèn bàn. Liên, vợ anh đã ngủ được một giấc đẫy. Khác với Tường là trước khi ngủ cứ phải đọc quyển sách nào đó rồi khi hai mi mắt nặng trĩu khép lại thì anh rời ngay quyển sách và tắt đèn… Còn Liên thì chỉ cần nghe nhạc là nhanh chóng thiếp đi. Nhìn vợ nằm với bộ đồ ngủ mỏng tang, Tường thấy rạo rực. Anh nằm xuống cạnh vợ và kéo cô xoay lại mình. Liên quay lại, ngáp dài rồi hất tay Tường ra, càu nhàu:
– Sao người anh chua quá. Thôi, ngủ đi. Sáng mai em phải họp rồi. Cả ngày hôm nay, bao nhiêu là việc…
Tường cụt hứng. Anh chán nản nằm lăn sang một bên. Bỗng có tiếng chuông điện thoại. Tường chồm dậy, cầm lấy ống nghe:
– A lô, Tường trọng án nghe đây.
Từ đầu dây đằng kia, có tiếng nói gấp gáp và Tường nhận ra ngay đó là giọng của Lê Hữu Thành, một điều tra viên của đội. Hôm nay, Thành trực ban:
– Anh Tường à, mụ Oanh vừa bị bắn chết tại quán ba Hoa Sữa rồi. Bây giờ chúng em đến đấy. Phó giám đốc Trung bảo anh đến ngay.
Nghe vậy, Tường hết sức ngạc nhiên:
– Sao, Oanh Sói bị bắn chết à? Bọn nào dám ra tay nhỉ? Cậu xuống, cho giữ nguyên hiện trường. Mà này, báo ngay cho bộ phận khám nghiệm hiện trường nhé, báo cho cả công an phường và cảnh sát hình sự nữa. Cậu cho ôtô đì qua nhà đón tôi luôn thể.
Tường vội vã mặc quần áo. Anh bảo Liên:
– Có trọng án, anh phải đi đây, xe đến đón.
– Con Oanh nào chết mà phải quan tâm thế? Mai không được à?
– Ơ hay, án xảy ra, phải đến ngay… Ti tỉ thứ việc ấy chứ!
– Giá mỗi vụ án mà có ít tiền thì đi đêm cũng bõ. Sao anh thật thà thế, cứ bảo là đang ốm thì sao. Chả lẽ đội trọng án của anh không còn ai à?
– Hôm nay không phải phiên trực của anh, nhưng Phó giám đốc đã gọi tức là có vấn đề nghiêm trọng rồi.
– Bao giờ mà chả nghiêm trọng. Từ ngày biết anh đến giờ, có vụ giết, cướp nào mà không nghiêm trọng đâu. Mà này, anh đừng có mó vào xác đấy nhé. Người chết âm khí nặng lắm.
Tường cười xí xoá:
– Thôi nào, anh đi nhé. Có khi về muộn đấy.
– Nếu muộn quá thì đừng về. Ngủ luôn ở cơ quan cho tiện. Nhưng sáng mai, anh về đưa con đi học. Em phải đi sớm.
Tường thở dài chán ngán. Anh biết là không bao giờ mình có thể thắng trong các cuộc tranh cãi lặt vặt với vợ. Có tiếng còi xe giục. Anh chạy ra. Một chiếc xe Uoát đã chờ ngoài đường…
° ° °
Xe chở Đại úy Tường và anh em đội điều tra đến quán bar Hoa Sữa. Tại đó đã thấy công an phường, cảnh sát hình sự… Một cảnh sát hình sự nói với Tường:
– Thế là cuối cùng chúng giết nhau. Nghe nói nó chết, em nhẹ cả người.
Tường cau mày, tỏ thái độ không đồng ý với câu nói của anh cảnh sát đó:
– Cậu nên nhớ đây là một vụ án mạng và người nằm đây là một con người. Tôi sợ sau này sẽ vất vả hơn nhiều đấy.
Tường đứng lặng trước xác Oanh. Oanh nằm ngửa, hai tay giang rộng, mắt vẫn hé mở và hình như vẫn còn có chút thần khí trong đôi mắt đó. Trong lòng anh vừa dấy lên sự thương cảm vừa xen lẫn nỗi ngán ngẩm mơ hồ. Máu chảy đọng thành vũng và ướt đầm chiếc áo gió. Mùi máu bốc lên tanh lợm. Tường rất sợ khi hít phải mùi máu, mặc dù anh đã tiếp xúc với không biết bao nhiêu xác chết. Nhìn Oanh, thương cảm là bởi vì Oanh chưa chồng, chưa con, anh em trong gia đình thì tan tác mỗi người mỗi ngả… Còn ngán ngẩm – chính là xuất phát từ linh cảm – Tường cảm thấy cái chết này sẽ mở đầu cho nhiều sự rắc rối khác mà anh cũng chưa lường được. Tường xem xác Oanh rồi bảo anh công an phường:
– Anh gọi ông Dung chủ quán và người nào phục vụ, có mặt lúc Oanh bị bắn ở đây.
Tường lặng lẽ nhìn các nhân viên khoa học kỹ thuật hình sự khám nghiệm hiện trường. Họ chụp ảnh; đo vẽ vị trí người bị hại, lấy dấu vân tay trên cái ly, cốc còn lại trên bàn… Tuy nhiên, xem cung cách làm việc của họ thì thấy rõ ràng là họ không hào hứng lắm với công việc.
Mấy cảnh sát điều tra và hình sự đứng nói chuyện với nhau. Dường như họ không hề quan tâm đến cái chết của Oanh Sói và có lẽ cái chết của ả, xem ra giúp họ thoát khỏi một nỗi ám ảnh đã thường trực bấy lâu nay bởi những hoạt động mang đầy chất xã hội đen của ả.
Cảnh sát khu vực đưa Dung Tỉ Phú tới. Tường hơi liếc mắt nhìn. Đó là một người gầy gò, nom khắc khổ, hoàn toàn không xứng với biệt danh “tỉ phú”:
– Chào anh Dung, anh có biết cô Oanh không?
– Dạ, có. Ở tỉnh này có ai không biết cô ta.
– Hằng ngày cô ấy có thường tới không?
– Không! Ban ngày, khi tôi hay ở đây thì không. Còn tối, tôi về, không hiểu cô ta có tới không. Để tôi hỏi con bé kia.
Ông ta vẫy tay gọi cô phục vụ có cái tên rất ấn tượng là Lê Thị Hiếu Thuận tới:
– Các buổi tối, mày có thấy cô này – ông ta chỉ vào xác Oanh – tới đây không?
– Dạ… dạ… có… à không ạ.
– Có là có, không là không. Sao lại ấp úng như thế? – Dung trợn mắt.
Tường vội xua tay:
– Hôm nay cô Oanh ngồi uống rượu với ai ở đây?
– Dạ… một mình!
– Hừ, cô nói dối rồi. Một mình sao lắm ly thế kia?
– Vâng! Lúc đầu có một anh đến… sau đó anh ấy đi
– Lúc cô ấy bị bắn, cô thấy gì không? – Tường nhẹ nhàng hỏi.
Cô gái lúng túng hồi lâu:
– Cháu… cháu đang trong toa lét thì nghe thấy tiếng súng nổ. Chạy ra thì họ đã biến mất rồi.
– Cô có nhớ hình dáng người uống rượu với cô Oanh không?
– Dạ, họ ngồi góc tối quá… cháu không thấy rõ.
– Thôi được rồi, cô hãy nghĩ cho kỹ. Nếu thay có điều gì bất thường cô hãy cho chúng tôi biết. Tất nhiên, chúng tôi sẽ tìm ra ngay ai ngồi uống rượu với cô ta. Bây giờ cô cứ làm cho chúng tôi một bản tường trình, kể lại sự việc từ lúc Oanh đến.
Tường ra hiệu cho các nhân viên đưa xác Oanh đi. Một nhân viên khoa học hình sự đến nói:
– Đạn bắn gần quá, chỉ khoảng mét rưỡi, chứng tỏ hung thủ ra tay quá nhanh và bất ngờ.
– Dấu vân tay có thu được không?
– Dạ, được. Của hai người – một đàn ông và một đàn bà. Đàn bà thì chắc chắn là Oanh rồi, còn người đàn ông, ngày mai mới có kết quả.
Tường bỗng liếc mắt về phía góc nhà, nơi có mấy ly rượu:
– Có lấy dấu vân tay trên chỗ ly kia không?
– Báo cáo anh, không ạ.
– Lấy hết đi, chưa biết chừng, ra chuyện đấy.
Tường gọi số cảnh sát đang có mặt ở đó lại:
– Các đồng chí cho lập biên bản khám nghiệm hiện trường, bộ phận kỹ thuật hình sự cho giám định dấu vân tay ngay và đề nghị bên hồ sơ tra cứu. Các đồng chí bên hình sự kiểm tra ngay số đối tượng nổi trong băng của Oanh và các băng nhóm có mâu thuẫn với ả. Sáng mai, tôi báo cáo Ban giám đốc. Khoảng chín giờ ta sẽ họp án.
Một cảnh sát ngáp ngủ:
– Vụ này, tìm làm quái gì cho mệt xác! Chúng nó giết nhau, càng đỡ cho mình.
– Đồng chí nói gì lạ vậy – Tường nghiêm giọng – Tôi đề nghị các đồng chí nên từ bỏ ngay ý nghĩ đó đi. Trước hết, chúng ta phải tập trung tìm cho ra thủ phạm gây ra vụ án mạng này. Oanh Sói gây ra tội lỗi, sẽ có pháp luật trừng phạt. Còn việc kẻ nào giết người, dù bất cứ lý do gì cũng là phạm tội
Tường lên ôtô, anh lái xe bảo:
– Em đưa anh về nhà nhé!
Tường nhìn đồng hồ, thấy đã gần 4 giờ sáng, anh lắc đầu:
– Thôi, về phòng. Sắp sáng rồi.
° ° °
Vì Oanh Sói sống giang hồ từ bé và gia đình thì cũng chẳng còn ai có thể lo đám tang cho nên Minh Hói, cũng là một tay lưu manh chuyên nghiệp, người nhận Oanh là em nuôi, đã đứng ra tổ chức ma chay cho Oanh. Minh bàn với một số tên là đệ tử của Oanh và quyết định phải tổ chức đám tang cho thật lớn và với những nghi lễ không giống bất cứ một đám tang nào. Làm điều đó cũng là để phô trương thanh thế đồng thời dằn mặt những băng nhóm nào muốn nhân cơ hội này để nhoi lên. Nhưng việc đầu tiên phải làm là đưa xác Oanh về Hải Phòng… Oanh sinh ra ở Hải Phòng, lớn lên và “lập nghiệp” cũng ở Hải Phòng, vậy thì khi chết, cũng phải đưa về Hải Phòng. Nếu đưa xác Oanh bằng ôtô thì phải mất hai ngày. Thuê xe bảo ôn không khó, tiền chẳng thành vấn đề, nhưng như thế thì giống người khác quá, vì vậy, Minh Hói quyết tâm là phải đưa xác Oanh về quê bằng máy bay. Minh đến một phòng bán vé của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam. Hắn đến phòng vé từ lúc chưa mở cửa và khi đến làm việc, hắn nằng nặc đòi gặp Giám đốc chi nhánh. Mặc dù rất khó chịu khi vừa mới bắt đầu một ngày làm việc, đã có người “ám quẻ”, nhưng anh Giám đốc trẻ vẫn phải ân cần tiếp chuyện “thượng đế”.
– Chuyện là thế này – Minh Hói khẽ khàng – Tôi có cô em chẳng may bị chết. Gia đình có nguyện vọng đưa em nó về quê tận Hải Phòng. Chúng tôi muốn đưa em nó đi bằng máy bay… Anh xem thế nào?
– Được thôi. Anh chuẩn bị giấy tờ như giấy chứng tử, xác nhận của chính quyền địa phương… Tôi sẽ bảo nhân viên hướng dẫn anh làm thủ tục.
– Cảm ơn anh. Nhưng… nhưng tôi muốn thế này. Quan tài của em tôi không đưa lên khoang hành lý.
– Thế thì đưa lên đâu? Chả lẽ lên hàng ghế VIP à?
– Dạ được thế thì tốt quá. Hết bao nhiêu cũng được chúng tôi sẽ hậu tạ anh thêm.
Anh Giám đốc nhìn Minh Hói như nhìn một thằng từ trên trời rơi xuống:
– Ông không đùa đấy ehứ?
– Thưa anh, em đâu dám đùa. Em gái em, nó không phải là người thường!
– Là tiên hay là… hay là thánh? – Anh Giám đốc càng ngạc nhiên hơn..
– Không ạ. Anh coi đây này – Minh Hói mở cặp lấy ra một xấp báo và chìa cho anh Giám đốc coi.
Giám đốc cầm tờ báo và thấy ngay những hàng tít chạy trên trang nhất: “Trùm xã hội đen Oanh Sói bị bắn vỡ tim”; “Bí mật về cái chết của Oanh Sói”; “Cuộc thanh toán ân oán giang hồ đã bắt đầu … Đọc đến đây. anh mới hiểu ra vấn đề.
– À ra vậy. Em gái anh là một nhân vật cộm cán. Dù thế nào thì tôi cũng chỉ có thể nói với anh là chưa bao giờ máy bay chở thi hài trên khoang hành khách cả.
– Nếu thuê nguyên cả chuyến thì sao?
– Vậy anh đến công ty dịch vụ bay và thuê máy bay vận tải. Loại AN26, AN24 chẳng hạn.
– Không được, bây giờ ai còn đi loại máy bay ọc ạch như xe bò ấy nữa. Phải là Airbus hoặc Boeing. Tiền bao nhiêu không quan trọng!
– Vậy thì quá thẩm quyền của tôi. Anh đi đặt vấn đề với lãnh đạo hãng.
Minh Hói chán nản, chào rồi về. Ngoài đường có hai người đang chờ sẵn. Đó chính là hai tên vệ sĩ đã ngồi cùng Oanh hôm ả bị bắn chết.
° ° °
Đám tang Oanh Sói được Minh Hói đứng ra tổ chức rầm rộ và rất quái đản.
Một phường bát âm do một số sinh viên khoa nhạc dân tộc đi trước xe chở quan tài. Tiếng nhị hồ rền rĩ, tiếng kèn bầu ai oán, tiếng sáo nỉ non và trên cả là tiếng trống cơm “bập… bập bung…” não nùng. Họ chơi những bài như Lưu Thủy Hành Vân, Lâm Khốc, Làn Thảm. Là những người được học hành bài bản cho nên tuy là nhạc tang mà họ cũng chơi rất nghiêm túc, có phối âm, phối khí tử tế.
Nhưng phía sau phường bát âm một đoạn ngắn thì lại là một ban nhạc Tây hiện đại với các loại kèn Trombone, Trompette, Clarinette, Cor, Cornet, Tuba… Đám này chơi toàn nhạc mới nhưng lại theo kiểu “tạp pí lù”. Đang chơi nhạc Trịnh Công Sơn “Anh nằm xuống… cho một lần vào viễn du. Đất hoang vu khép lại hẹn hò…” rồi thoắt cái chúng chuyển qua Lambada, Vasilo; hoặc “Ngồi trên chiếc F4H bay qua Bắc Việt… Bị không quân Việt Nam bắn máy bay rơi. Chính nơi đây, bên sông Hồng thành nơi quê hương…” Gã nhạc trưởng đi đầu cứ nhảy như con choi choi và thỉnh thoảng ném cây gậy chỉ huy ngắn bằng hai gang tay lên trời. Cái mốt chơi nhạc Tây trong đám tang, ngoài Bắc không có, nhưng Minh Hói đã thuê ban nhạc hiếu từ Sài Gòn ra. Chính vì thế mà đám tang “không giống ai” này đã tạo được sự chú ý của những người hiếu kỳ. Người dân đứng chật hai bên đường tò mò nhìn đám tang và cảm thấy không thể hiểu nổi bọn giang hồ này nữa.
Xe chở quan tài phủ đầy những vòng hoa trắng. Khoảng hơn chục cô gái trẻ chít khăn trắng, mặc áo dài trắng đi hộ tống sau xe chở cửu. Những người đi tiếp theo là đám con trai mặc đồ đen, ngực cài hoa trắng. Đám đệ tử của Oanh đi trước dẹp đường. Chúng bắt ôtô phải dừng lại. Chúng dùng roi tre vụt mạnh vào những người đi ngược chiều bắt họ phải đứng dẹp vào bên đường. Một chiếc xe Công nông bị chết máy cản đường, chúng đấm đá anh lái xe túi bụi rồi đẩy xe xuống ruộng. Trong số những người đi theo đám tang, có cả một số trinh sát hình sự của Công an Hải Phòng và Cục Cảnh sát Hình sự.
Có một người quay camera nghiệp dư đứng trên sân thượng của một căn nhà hai tầng chĩa máy quay xuống. Chúng phát hiện ra. Một tên báo cho Minh Hói. Hắn phẩy tay ra hiệu: “Thu băng của nó”. Lập tức gã vừa báo cho Minh và một tên nửa tách khỏi đám tang lao vào nhà… Không hiểu chúng làm gì, nhưng chỉ vài phút sau, chúng đã quay ra. Tay cầm cuốn băng giơ cao, tay kia cầm cục pin… Người quay camera chạy ra năn nỉ với Minh Hói:
– Anh cho em xin viên pin… Em chót dại, không biết anh có lệnh cấm…!
– Trả viên pin cho nó, à thôi, lát nữa tao quay về. Không ai lấy của mày đâu.
Một chiếc xe cảnh sát hú còi vượt lên đám tang. Anh cảnh sát giao thông nhảy xuống nói với Minh Hói:
– Anh cho xe chở cửu đi dẹp vào một bên. Cứ đi giữa đường, ùn tắc quá.
– Dạ, dạ. Em thi hành ngay.
Nói rồi Minh Hói bảo bọn đàn em cho xe đi dẹp vào trong. Một chiếc xe con vượt lên. Trong xe có Phó giám đốc Hoàng Văn Trung, Đại úy Tường, Trung tá Lê Quang Cường, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự. Thực ra các anh không quan tâm lắm về đám tang này bởi vì tất cả khâu nghiệp vụ đã có công an Hải Phòng lo. Nhưng nhân đi dự hội nghị về chống buôn bán vận chuyển chất ma túy tại Hải Phòng nên các anh đi xem cho biết. Phó giám đốc Hoàng Văn Trung lắc đầu:
– Thật nhố nhăng hết chỗ nói. Các cậu có nhận xét gì về đám tang này?
– Hình như chúng muốn biểu dương lực lượng để ra oai với các băng nhóm khác. – Cường trả lời.
Tường im lặng, anh đang mải suy nghĩ về một chuyện gì đó. Phó giám đốc Trung:
– Theo các cậu, kẻ nào dám giết Oanh?
Tường như chợt tỉnh:
– Báo cáo anh, chúng tôi mới họp án sáng hôm kia. Sơ bộ nhận định đây là vụ thanh toán theo kiểu ân oán giang hồ giữa các băng nhóm. Nhưng xác định cho thật đúng thì chưa thể. Hiện thời chúng tôi đang lên danh sách các băng nhóm có mâu thuẫn gay gắt với băng của Oanh. Đó là bọn Sơn Bạch Tạng; Thắng Tài Dậu ở Hà Nội; băng Lý “già” ở Hải Phòng; nhóm Hải Bánh; Thắng Trố; Cường Thíp ở thành phố Hồ Chí Minh; và dĩ nhiên cả nhóm Năm Cam nữa. Chúng tôi sẽ sàng lọc dần. Nhưng theo một số trinh sát có kinh nghiệm, rất có khả năng nhóm Tiên Chỉ đã giết Oanh.
Cường trầm ngâm:
– Tôi cho rằng ngoài Tiên Chỉ thì không kẻ nào dám xuống tay với Oanh. Thời gian gần đây, giữa chúng có mối quan hệ khá hơn trước nhưng thực chất chỉ là liên minh ma quỷ. Oanh Sói chưa bao giờ thần phục Tiên và từ khi ra tù, ả luôn có thái độ muốn Tiên phải “xẻ chiếc bánh” mà hắn đang ăn cho ả.
– Với dân giang hồ, không có gì đảm bảo sự bền vững trong quan hệ của chúng cả, quan hệ của chúng được tạo dựng bằng tiền. Vì vậy, kẻ nào có ý xâm phạm quyền lợi, tranh ăn của bên kia là chúng có thái độ ngay – Tường nói.
° ° °
Đoàn xe đi vào nghĩa trang, việc an táng bắt đầu. Từ các vị trí kín đáo, các trinh sát chụp ảnh, quay phim…
Khi nấm mộ đã được đáp xong, các vòng hoa đã xếp kín, Minh Hói mới đứng ra nói:
– Tôi xin thay mặt em tôi, cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của các anh em. Nó không may thiệt thân, tôi mong anh em hãy bảo trọng. Chắc rằng kẻ thù của chúng ta chưa ngồi yên đâu. Mỗi người hãy tự lo cho mình. Tôi mong từ nay, đừng ai nhắc đến tên em tôi nữa. Hãy để cho nó yên nghỉ.
Một tên lưu manh rất trẻ bỗng khóc rống lên và gào:
– Ới chị ơi! Chị sống khôn chết thiêng, chị báo cho em biết đứa nào đã hại chị, em thề sẽ lột da nó ra.
Một nhóm khác nhao nhao:
– Đại ca cho biết đứa nào đã xuống tay với chị Oanh. Chả lẽ chúng ta chịu nhục à?
– Phải trả thù cho chị Oanh.
– Ông anh cứ phát lệnh, chúng em thề sẽ thực hiện.
Minh Hói giơ tay:
– Chết là hết. Đừng có ai nghĩ đến việc trả thù. Kẻ nào giết người sẽ phải đền mạng, sẽ có cơ quan luật pháp giải quyết. Đó không phải là việc của chúng ta. Ai có tin tức, chứng cứ gì, hãy báo cho công an. Tôi xin anh em không ai được làm liều.
° ° °
Trời đã về chiều, ánh nắng đỏ bầm làm cho nghĩa trang trở nên thê lương. Tiên Chỉ đi xe Toyota Camry màu xanh lục đỗ ngoài cổng nghia trang. Trước khi xuống xe, hắn cẩn thận nhìn quanh quất xem còn có tên đệ tử nào của Oanh không.
Tiên Chỉ cầm thẻ hương và bó huệ trắng đến mộ Oanh. Hắn thắp hương và chắp tay đứng khấn rất lâu. Bỗng hắn chảy nước mắt… Rồi hắn lấy ví và đếm ra 5 tờ loại 10 USD và hắn thong thả đốt tiền. Từ trong nhà quản trang, các trinh sát đã chụp được ảnh Tiên đốt tiền, Tiên khóc…
Rời nghĩa trang, Tiên ra thẳng sân bay và làm thủ tục đi thành phố Hồ Chí Minh, rồi từ đó bay đi Đài Loan.
° ° °
Khi việc ma chay đã xong xuôi, Minh Hói cho triệu tập đám đàn em trung thành nhất với Oanh đến ngay tại nhà Oanh. Trong số đệ tử này, có một kẻ có bộ mặt vuông vức, cặp mắt sắc lạnh, đó là Hùng – được mệnh danh là Hùng Sát Thủ. Minh Hói:
– Vậy là đã rõ, chính thằng Tiên Chỉ đã ra tay giết cô ấy. Nó mời cô ấy đi uống rượu, nó bảo Oanh bắt hai chú phải đi… Hôm nọ, thằng Hải Chùa nó bảo tôi: “Ông Tiên ghét bà Oanh lắm. Ông ấy bảo không muốn nhìn mặt Oanh nữa.” Chắc nó sợ Oanh chiếm của nó mấy sòng bạc. Nghe nói nó sẽ đi Đài Loan lánh nạn vì sợ cảnh sát điều tra hỏi đến. Các chú phải ra tay trừng phạt cho nó biết thế nào là lễ độ.
Hùng Sát Thủ:
– Trong lúc này, chớ nên làm ầm ĩ. Công an sẽ nghĩ ngay là ta trả thù. Theo tôi, cứ chi bồi dưỡng thật nhiều cho quân hình sự để họ tìm, chừng nào không được ta sẽ ra tay.
Minh Hói:
– Trong giới giang hồ, ân oán phải tự mình giải quyết, sao lại nhờ đến pháp luật. Nếu chúng mình im lặng, còn có thể ngẩng mặt lên nhìn anh em được không?
Một tên đệ tử khác có vết sẹo ngay trên mi mắt:
– Anh nói phải. Em nhìn mấy thằng đệ tử của thằng Tiên, thấy chúng vênh vênh, tức ứa máu. Từ xưa đến nay, bọn này trông thấy quân nhà mình có đứa nào dám ngẩng mặt đâu.
– Không sợ tù mà chỉ sợ bị nhục. Bọn em đã hai lần ngồi tù rồi, thêm lần thứ ba, có gì đâu.
Vợ Minh Hói từ trong buồng đi ra, mặt hớn hở:
– Anh ạ, được hơn sáu trăm triệu.
– Số tiền ấy, cô gửi tiết kiệm một trăm triệu để sau này xây mộ cho nó và lo việc cúng giỗ. Còn lại cô mang ra đây.
Vợ Minh ngạc nhiên, vừa định hỏi lại thì Minh quắc mắt:
– Nhanh. Tiếc tiền à.
Vợ Minh sợ hãi đi vào buồng. Minh cằn nhằn:
– Đúng là đồ đàn bà. Chỉ biết có tiền. Phải cho ai một đồng, chúng cứ làm như mất cả khúc ruột.
Vợ Minh ôm gói tiền ra. Minh đưa mỗi thằng một cục:
– Chú một trăm… chú một trăm… Thằng Hùng cầm hai trăm triệu, lo luôn việc rửa nhục. Làm cẩn thận. Không chết người là được.
Cả bọn cảm ơn và hứa sẽ làm ngay. Bỗng Hùng à lên một tiếng:
– Cái Oanh có một điện thoại di động Nokia, có một dấu vết rất kín. Ai không để ý sẽ không thấy. Phía trong nắp đậy có khắc chữ rất nhỏ.
– Chữ gì ạ?
– Nhớ trả thù! Có ba chữ ấy thôi. Nhưng nghe nói lúc khám nghiệm không thấy chiếc điện thoại đâu cả?
– Có lẽ bọn chúng đã lấy đi rồi.
– Các chú nhớ tìm con bé phục vụ, cho nó nhiều tiền, để nó khai ra, nó đã thấy những gì. Mấy lão cảnh sát điều tra nói với ta rằng, nó không nhìn thấy, không nghe thấy? Thật vô lý. Nó phải biết, phải thấy.
Minh nói xong, đứng dậy, có vẻ uể oải:
– Ngày mai anh đi Đà Lạt ít hôm. Cũng đến lúc cần phải nghỉ ngơi. Việc trông coi, làm ăn dưới này, các chú cứ thế mà làm. Nếu phải gọi điện thoại cho anh không được dùng điện thoại nhà, điện thoại di động, mà ra điện thoại công cộng.
Mai mua cho tôi một thẻ điện thoại di động trả tiền trước. Loại này bưu điện không lưu trên máy.
° ° °
Nhà hàng “Cánh buồm nhỏ” của Tiên Chỉ nằm sát mé một con sông lớn. Trời tối, khách ăn đang đông vui. Bỗng có một chiếc xe tải lù lù lùi đít vào cổng. Bọn bảo vệ hò hét loạn xạ, nhưng gã lái xe cứ như bị điếc. Tấm bạt sau xe được tốc lên, từ trong đó, có hai tên hắt xô phân vào giữa sân… Khách khứa chạy tán loạn. Chiếc xe rồ máy lao vọt đi.
° ° °
Cửa hàng bán đồ điện tử – điện lạnh Hưng Thịnh nằm ở một con đường lớn ngay trung tâm thành phố. Cứ đến 9 giờ tối là cửa hàng đóng cửa và toàn bộ căn nhà được khóa trong. Người bảo vệ ngủ ở phòng trong gian bán hàng.
Đêm khuya có bốn gã thanh niên say rượu bá vai bá cổ nhau đi tới cửa hàng Hưng Thịnh. Chúng còn xách theo hai can rượu. Chúng rót rượu trong can ra uống, rồi chúng đổ vật xuống, gối đầu lên bụng nhau, đứa thì ngủ, đứa thì say, nói lè nhè. Quá nửa đêm, chúng bỗng tỉnh như sáo. Một tên lấy trong người ra cuộn ống nhựa nhỏ và luồn qua khe của sắt xếp… Chúng cắm phễu vào ống nhựa và đổ can xăng vào. Trong lúc một tên giữ phễu, một tên đổ, một tên cảnh giới, thì một tên lấy khóa, khóa cửa ngoài lại. Xong xuôi, chúng rút ống nhựa. Hai tên cầm can đi ngay Còn hai tên ở lại. Chờ hai tên đi khuất, chúng mới bật lửa, gí vào khe cửa. Hơi xăng bắt lửa bùng sáng rực. Chúng chạy mất hút.
Hai nhân viên bảo vệ cửa hàng đang mơ màng thì nghe thấy “phựt” một tiếng như kiểu tiếng mở lon bia rồi hơi nóng táp vào mặt. Nhìn ngọn lửa réo ù ù, thốc vào những ti vi, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ bày trong cửa hàng, chúng run bần bật và luống cuống gào: “Cứu… Cứu? Cứu với!” Một tên chạy lên gác, gọi điện thoại cho cảnh sát Phòng cháy chữa cháy. Cũng phải mất gần 10 phút sau, ba xe cứu hỏa mới chạy tới. Phải rất vất vả cảnh sát mới phá được của ngoài để đưa vòi vào chữa cháy.
Sáng hôm sau, Bùi Thị Cúc, người vợ thứ hai của Tiên Chỉ đến cửa hàng. Nhìn cảnh cháy tan hoang ở cửa hàng điện lạnh Hưng Thịnh, chị ta bật khóc thảm thiết.
° ° °
Buổi trưa, đứa con gái của Tiên Chỉ đi học về. Có một cô gái ăn vận lịch sự đón đường:
– Cháu tên là Bình con bố Tiên mẹ Cúc phải không?.
– Dạ, phải.
– Cô gửi cái này về cho mẹ. Con cầm giúp cô được không? – Cô gái chìa ra cái phong bì.
– Dạ, được.
– Cô cảm ơn con.
Cháu Bình mang thư về cho mẹ. Đang ngồi rầu rĩ, Cúc đọc xong thư, run lẩy bẩy, buông rơi lá thư. Bình cầm lên đọc: “Chồng mày gây tội thì phải đền mạng. Hãy cút khỏi thành phố này”.
° ° °
Hùng “sát thủ” cùng hai tên vệ sĩ ăn sáng, uống cà phê ở nhà hàng nằm ngay cạnh Hội Nhà báo Việt Nam ở phố Lý Thái Tổ. Chúng mua báo đọc và rất khoái với những bài báo có tít: “Cuộc chiến tranh giữa các băng nhóm xã hội đen đã nổ ra”. “Tiên Chỉ có quan hệ với Oanh Sói như thế nào?” Bỗng Hùng “sát thủ” cau mày khi đọc một bài báo: “Qua đám tang Oanh Sói, bọn xã hội đen đã thách thức chính quyền”. Hắn chỉ vào những hình ảnh về đám tang in trên báo:
– Các chú tìm ra thằng nào chụp những bức ảnh này, thu hết máy của nó.
° ° °
Tiên Chỉ sang Đài Loan để gặp Vi Kiến Đức, một tay trùm buôn lậu hàng điện máy, điện tử. Tiên và Đức biết nhau đã lâu qua vụ buôn bán trầm hương vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Đức thì cho rằng, Tiên là tay biết luật làm ăn, sòng phẳng và rất mưu mẹo. Tiên quý Đức bởi tính thâm trầm, nhìn xa trông rộng và không phải là kẻ “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Ngày mai, Tiên Chỉ về nước cho nên Đức mời đi ăn cơm tại nhà hàng Nam Hoa tửu lầu – một nhà hàng nổi tiếng nhất Đài Bắc. Cô gái phục vụ đem rượu đến! Một chai Hennessy XO. Cô gái đưa chai rượu cho ông kiểm tra. Ông ta phẩy tay rồi nói với Tiên:
– Lần trước tôi sang Việt Nam, ông mời tôi uống rượu Hennessy. Tôi biết là rượu giả, nhưng nể ông, tôi không từ chối. Tôi nói cho ông biết, tất cả rượu Tây dòng Whisky như Hennessy, Camus, Jonhny Walker, Remy… có mặt ở châu Á đều là rượu giả. Nước Pháp, nước Scotland chưa bao giờ cho một quốc gia nào đóng chai rượu của họ. Tại Thái Lan, Hồng Công, Trung Hoa đại lục có không ít nhà máy sản xuất rượu Tây và đưa sang thị trường Đông Nam Á. Những quốc gia này trong đó có Việt Nam, mới thoát ra khỏi cảnh nghèo túng và mọc lên một lớp người có tiền, lớp này có đặc điểm là vọng ngoại. Cái gì là đồ ngoại đều cho là tốt cả.
Cô gái rót rượu ra hai ly. Người đàn ông lắc nhẹ rồi giơ lên ngắm nghía:
– Ông thấy không, nếu đó là rượu thật, nó sẽ có những hạt li ti bám ở thành ly và chầm chậm chảy xuống, người ta gọi đó là nước mắt của rượu. Nào, chúc ông may mắn!
Tiên tợp một ngụm rượu nhỏ:
– Tôi rất cảm ơn ông đã dành cho tôi sự hợp tác quan trọng này. Tuy nhiên, tôi cũng phải nói thật, hoàn cảnh của tôi lúc này đang có những vấn đề không tốt.
– À, tôi biết. Cửa hàng của ông bị đốt, nhà hàng bị phá đám, vợ con ông bị đe dọa….
Tiên trố mắt:
– Trời ạ, sao tiên sinh biết?
– Tôi nhận được tin từ hôm qua. Người của tôi báo tin như vậy là hơi chậm, không phải là nó lơ đãng mà vì nó đã đi Vũng Tàu, đú đởn với con bé người mẫu. Nhưng thôi, ông ăn món này đi cho nóng. Đây là yến huyết Nha Trang hấp đường phèn đấy.
Người đàn ông đẩy chiếc bát nhỏ xíu về phía Tiên. Tiên ăn rồi thú nhận:
– Lần đầu tiên tôi được ăn món này. Nhưng thú thực, tôi không thấy ngon.
– Đúng vậy, có nhiều món rất quý nhưng nếu không hợp khẩu vị thì không ngon được. Không ngon nhưng đại bổ. Vả lại một người như ông, cũng nên tập ăn các món cao lương mỹ vị. Các cuộc đàm phán làm ăn, các hợp đồng kinh tế nhiều khi được ký ngay trên bàn tiệc. Đối tác sẽ rất khó khăn khi đặt bút ký hợp đồng với một người ăn không biết thế nào là ngon, uống không biết thế nào là hợp. Tôi đi ăn thịt chó ở Hà Nội, và rất ngạc nhiên thấy họ uống rượu Napoléon – dĩ nhiên là Napoléon giả – với thịt chó và sực nức mùi mắm tôm, riềng mẻ. Ăn uống sang trọng đã khó nhưng ăn uống cho đúng thì khó lắm. Ăn uống cũng như… làm tình là đều phải có nghệ thuật mới thú vị ông ạ.
Hai người tiếp tục ăn các món vịt quay kiểu Bắc Kinh, ba ba hầm thuốc bắc. Bỗng người đàn ông bảo cất chai XO đi và lấy một chai nhỏ rượu thuốc:
– Chai kia để lát nữa. Hương vị của nó sẽ quyến rũ các cô gái hơn đấy.
Tiên trầm ngâm:
– Tôi chưa hiểu vì lý do gì mà bọn chúng phá dữ quá.
– Chuyện đơn giản mà. Hoặc họ thấy ông làm ăn ngon lành; hoặc ông đã chọc vào tổ kiến nào đó; hoặc có kẻ nào muốn hạ ông để nhoi lên… và thậm chí có thể trả thù chẳng hạn.
– Trả thù tôi? Vì cái gì chứ?
– Những người như ông, như tôi, nếu không có kẻ thù mới là chuyện lạ. Vấn đề là ai thù ta? Vì lý do gì? Chẳng hạn chúng nghi ông giết Oanh; chẳng hạn ông buôn bán, tranh cướp thị trường của chúng?…
– Không thể thế được. Tôi coi nó như em gái.
– Tôi là công an, tôi cũng đưa ông vào… vào diện tình nghi. Này nhé, cách đây hai năm, nó đã phá một sòng bạc lớn của ông, đúng không? Rồi ai là người cách đây một năm đã gọi ông là Tiên “Trư Bát Giới” – là nó, đúng không? Vì nó xấc xược như vậy nên trong bửa tiệc tại nhà hàng Tứ Xuyên tủu lầu, ông đã tuyên bố “không muốn nhìn mặt nó”, đúng không? Hôm nó chết, ông lại uống rượu cùng nó, lại bảo vệ sĩ của nó đi chơi… Chà chà, Việt Nam có câu rất hay trong trường hợp này: “Tình ngay lý gian”.
– Tôi sẵn sàng làm mọi việc để chứng minh là tôi không liên can đến cái chết của Oanh.
– Luật tố tụng hình sự Việt Nam có một nguyên tắc rất hay, đó là nguyên tắc suy đoán vô tội. Tuy vậy, nguyên tắc này ít được thực hiện. Các nhân viên của cơ quan tố tụng thì làm thế nào để người ta nhận tội càng nhanh, càng tốt, ông có thấy thế không?
Tiên gật đầu nhè nhẹ.
– Ông có bao giờ tự vấn mình rằng, trong con mắt của công an, của chính quyền… mình là người thế nào chưa?
– Có. Họ đã nghĩ rằng, tôi gác kiếm, rửa tay…
Vi Kiến Đức cười ngả nghiêng:.
– Chuyện trẻ con. Ai nghĩ? Chỉ những người ăn lương tháng của ông, những người thường xuyên ăn nhậu tại nhà hàng của ông, ký nợ nhưng không bao giờ thanh toán, và mấy gã nhà báo chuyên viết kiểu đâm thuê chém mướn… là nghĩ ông đã… hoàn lương. Ông ngây thơ lắm.
Ngừng một lát, ông ta nói tiếp, giảng giải:
– Một cơ chế kinh tế thị trường sẽ đẻ ra các băng nhóm xã hội đen. Đó là quy luật của tội phạm và kinh tế! Các công ty nhỏ, muốn tồn tại thì phải nhập vào công ty lớn. Còn bọn tội phạm, muốn sống được thì phải liên kết với nhau và chúng sẽ tự phân công nhau làm việc một cách rất tự nhiên. Dần dà, các băng nhóm nho hoặc tự triệt tiêu, hoặc tự nguyện nhập vào các băng nhóm lớn, có thế chúng mới tồn tại được. Đó là quy luật, không cách gì tránh khỏi. Ông hãy nhớ lấy điều này. Chỉ có khác là nếu chính quyền mạnh thì chế ngự được nó, còn nếu chính quyền yếu, quan chức thối nát, thì điều hành chính quyền lại là các tổ chức phạm tội kiểu xã hội đen. Ông cần phải phấn đấu để vươn lên nhóm hạng hai.
– Hạng hai là thế nào?
– Hạng một là nhũng tổ chức phạm tội có tổ chức cao, cơ cấu chặt chẽ, có điều luật rõ ràng. Chúng có thể dựng lên một ông bộ trưởng, thậm chí cả tổng thống như ở Mỹ; có thể dựng lên bộ máy chính quyền của một khu vực; làm thay đối chính sách nhà nước, khống chế các hoạt động đối ngoại, làm thay đổi chính sách kinh tế… Hạng này phải có thâm niên lâu năm, có tiềm lực kinh tế và đang nắm giữ một số ngành, một số tập đoàn kinh tế mạnh. Hạng hai là có thể bóp chết một doanh nghiệp hoặc dựng lên một doanh nghiệp; có thể điều chỉnh giá cả thị trường trong một lĩnh vực nào đó, lập các đường dây chạy án, buôn lậu hàng quốc cấm… Còn hạng ba là như ông hiện nay: kinh doanh sòng bạc, cho vay nặng lãi, mở nhà hàng, cá độ bóng đá, thậm chí bảo kê, đâm thuê chém mướn. Loại này, tuổi thọ không bền.
– Tôi muốn nghe lời chỉ giáo của ông. Vì thế mới sang gặp ông.
– Tôi tin anh và thực lòng tôi rất quý anh. Tôi sẽ giúp anh. Tuy vậy trước khi rót hàng trả chậm cho anh, tôi phải sang Việt Nam vài ngày. Tôi cũng muốn kiểm tra số đệ tử đang sinh sống, làm ăn thế nào. Mình là bề trên, để anh em sống cơ cực là có tội, phải không ông? Đừng buồn nữa, cháy mất ít hàng, chuyện vặt, năm ngày thu xâu của cái sòng bạc của ông là hoàn lại thôi mà!
° ° °
Phó giám đốc Công an tỉnh Hoàng Văn Trung phụ trách nghiệp vụ triệu tập cuộc họp để bàn về vụ án Oanh Sói bị giết. Đến dự có chỉ huy Phòng Cảnh sát Điều tra Cảnh sát Hình sự, Công an quận, Công an phường và một số sĩ quan cảnh sát đặc nhiệm chống tội phạm có tổ chức…
Cuộc họp tổ chức hơi muộn. Trong khi chờ Phó giám đốc đến, anh em bàn tán. Một thượng úy ở đội cảnh sát đặc nhiệm có vẻ khoái chí:
– Loại như Oanh Sói, nó chết đi, mình càng đỡ mệt. Tháng nào dám ra tay, kể ra nên được thưởng.
Rồi anh ta mời thuốc lá Tường:
– Hiểu Oanh Sói thì không ai bằng anh, đúng không? Anh đã suýt bị lột lon trong vụ nó cứu người yêu ở tòa án đúng không?
Tường gật đầu:
– Không, hiểu Oanh phải là lính hình sự của Hải Phòng. Tớ cũng biết không nhiều vụ đấy. Nếu hôm đó thằng Huy thoát tội thì không biết bao nhiêu người bị kỷ luật. Tớ thì chắc rồi vì trách nhiệm chính bảo vệ thằng Huy. Có lẽ lịch sử tội phạm Việt Nam, chưa có vụ nào chúng dám tổ chức cho bị cáo trốn ngay tại phiên tòa đâu nhỉ.
Tường đang hào hứng định kể lại cho mọi người nghe lại chuyện Oanh Sói cứu người yêu tại tòa như thế nào thì của phòng họp bật mở. Mọi người ngạc nhiên khi thấy cả Giám đốc Công an tỉnh, và Cục phó Cục Cảnh sát Hình sự – đó là những người mà không có trong danh sách cuộc họp.
– Nghiêm! – Sĩ quan trực ban hô to rồi báo cáo – Tôi Thượng úy Trần Minh Quang, sĩ quan trực ban, báo cáo đồng chí Trần Phúc, Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh, cán bộ chiến sĩ được mời họp đã có mặt đông đủ. Xin chỉ thị đồng chí.
– Các đồng chí ngồi xuống, ta bắt đầu nhé. Tôi xin giới thiệu luôn, đồng chí Bình, Phó cục trưởng C14 [2] xuống dự họp với chúng ta. Đây là vụ án được lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát rất quan tâm. Nào, đồng chí Tường phụ trách Đội trưởng Đội Điều tra trọng án thông báo xem việc điều tra thế nào rồi. Nhớ nói luôn quan điểm của đồng chí về vụ án mạng này.
Tường đứng dậy, anh lật giở quyển sổ tay nhưng rồi lại đặt xuống và không cần đến sổ ghi chép, anh nói như thể đã thuộc lòng trong đầu. Sau khi báo cáo về công tác khám nghiệm hiện trường và một số biện pháp nghiệp vụ như xác định số đối tượng hiềm nghi, bố trí cơ sở giám sát di biến động của các đối tượng nổi và tập trung vào nhóm Tiên Chỉ, nhóm Năm Cam, nhóm Hải Bánh. Tường thẳng thắn trình bày quan điểm của mình:
– Báo cáo các đồng chí lãnh đạo, không nghi ngờ gì nữa, cái chết của Oanh là do một vụ thanh toán nhau theo kiểu ân oán giang hồ và được thực hiện bởi một sát thủ có nghề. Có nhiều thông tin tập trung vào Tiên Chỉ nhưng tôi không tin lắm. Bởi lẽ Tiên Chỉ muốn giết Oanh thì không dại gì mời ả đi uống rượu và ngay sau đó ra tay. Cũng có những thông tin của trinh sát cho biết thời gian gần đây, Tiên Chỉ quan tâm đến Oanh và muốn nhờ Oanh cai quản cho một số sòng bạc, hơn nữa, Tiên đang muốn vẽ cho mình bộ mặt mới nên chắc không dám làm liều… Tuy nhiên, chúng vẫn đặt trọng tâm vào nhóm này.
Sau khi nghe thêm một số điều tra viên báo cáo, giám đốc Trần Phúc kết luận:
– Các đồng chí thấy đấy. Việc các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen và có những biểu hiện thách thức chính quyền rõ ràng đã gây ảnh hưởng rất xấu tới tình hình trật tự an toàn xã hội ở tỉnh nhà và nhiều địa phương khác.
Vì thế, việc tìm cho ra kẻ nào chủ mưu giết Oanh Sói có ý nghĩa quyết định trong việc bóc gỡ mạng lưới thế giới ngầm. Phải truy tìm bằng được. Ban giám đốc cử đồng chí Vũ Văn Đắc, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra làm Trưởng ban chuyên án. Đồng chí Tường là Phó ban thường trực. Các đồng chí có ý kiến gì nữa không?
Tường đứng dậy:
– Báo cáo đồng chí Giám đốc, thưa các đồng chí! Theo tôi, đây sẽ là một chuyên án cực kỳ phức tạp, liên quan đến nhiều bàng nhóm tội phạm hoạt động trên một địa bàn rộng từ Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đồng Nai, Đắk Lắk… Vì vậy để chỉ đạo phối hợp điều tra, có lẽ nên để Cục Cảnh sát Điều tra của Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo chuyên án. Công an các đơn vị sẽ làm theo sự phân công của cấp trên. Như vậy, sẽ tránh được sự trùng giẫm lên nhau và việc điều tra sẽ có hiệu quả hơn.
Giám đốc Trần Phúc lắc đầu:
– Trước mắt các đồng chí cứ điều tra, nếu thấy quá khả năng của ta, sẽ báo cáo Bộ cũng chưa muộn. Tôi đề nghị Phòng Cảnh sát Hình sự cử hai đến ba đồng chí có kinh nghiệm trong đấu tranh với tội phạm có tổ chức tham gia Ban chuyên án, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Tường. Các đồng chí lên danh sách, Ban giám đốc sẽ duyệt.
Đại tá Bình, Cục phó Cục Cảnh sát Hình sự, từ đầu đến giờ chỉ lắng nghe không hề có ý kiến gì, bây giờ mới nói:
– Tôi nhất trí với ý kiến của Giám đốc. Cục Cảnh sát Hình sự sẽ cử một đồng chí Phó phòng 3, là phòng Đấu tranh chống tội phạm có tổ chức tham gia chuyên án.
° ° °
Chiều nay, Liên phải đi dự một buổi chiêu đãi mừng Công ty Vạn Lợi ký được hợp đồng mới. Xác định mình sẽ là nhân vật quan trọng, làm sang thêm cho Tổng giám đốc Li Cheng nên chị rất cẩn thận khi chọn đồ mặc. Đứng trước tủ quần áo có đến hàng chục bộ, Liên cứ đắn đo mãi mà không tìm được bộ nào vừa ý. Có một cô gái trẻ, là nhân viên văn phòng cũng ở đó và luôn miệng thán phục:
– Chị ơi, chị may ở đâu, hôm nào chị giới thiệu cho em đi. Hôm nay dự chiêu đãi, theo em, chị nên mặc bộ váy vàng kia.
Liên lắc đầu:
– Mình là trợ lý của Tổng giám đốc, mặc phải nghiêm. Chị sẽ chọn bộ sẫm này.
Liên nhìn đồng hồ, đã 6 giờ tối:
– Sao giờ này ông ấy chưa về nhỉ?
– Anh Tường hả chị?
– Ừ, lấy chồng công an chán mớ đợi.
– Em nghe nhiều người ca ngợi anh ấy lắm.
– Có tiếng, không có miếng. Từ ngày lấy nhau đến giờ, ở nhà, thứ duy nhất mà lão ấy sắm được là chiếc quạt Tàu để bàn. Nghe nói, đã vay lương trước cả hai tháng đi công tác.
– Làm thế nào được, ông anh họ em là cảnh sát lãnh sự, bố mẹ vẫn phải nuôi.
– Giờ này vẫn chưa về, không hiểu là rúc bờ rúc bụi, sờ mó vạch vòi cái xác chết nào rồi. Đêm hôm nọ, đang ngủ, lưu manh bắn nhau chết, cũng lại phải đi.
Liên thở dài:
– Mình thì cứ nai lưng ra làm kiếm tiền nuôi chồng nuôi con. Còn lão ấy nai lưng ra phụng sự nhà nước?
– Tổng giám đốc Cheng xem ra có vẻ mê chị lắm?
– Ông ấy cũng tội, mới hơn năm chục tuổi mà đã chết vợ, gà trống nuôi con. Chị đã khuyên ông ấy nên lấy cô vợ Việt Nam.
– Ông Cheng có nghe không?
Liên có vẻ lúng túng:
– Muốn nhưng còn kén – Liên cười ngặt nghẽo – ông ấy bảo phải tìm được người như chị thì mới lấy. Quái, lão này chưa về nhỉ?
° ° °
Tường về đến nhà trời đã sập tối. Thấy một chiếc xe tô màu trắng đỗ ở cổng, anh biết là xe của công ty đến đón vợ đi. Anh tỏ vẻ khó chịu. Vợ anh ăn mặc rất diện cũng không vui khi chồng về muộn:
– Sao anh về muộn thế? Chịu khó nấu cơm hai bố con ăn nhé.
– Con đâu?
– Nó vẫn ở nhà trẻ, em gửi bà chủ rồi. Anh đón nó về đi. Em phải đi dự chiêu đãi mừng ký hợp đồng mới. Có lẽ về rất muộn.
– Muộn là mấy giờ?
– A! Ông cảnh sát điều tra hỏi phạm nhân. Anh có lúc còn phải phụ thuộc vào công việc đến không nhớ được gì cho riêng mình, em cũng thế thôi.
Nói xong vợ Tường ngúng nguẩy ra đi.
° ° °
Tường vội phóng xe đi đón con gái về. Anh lúi cúi nấu cơm rất nhanh. Trong bữa ăn, cháu Thảo cứ luôn miệng:
– Mẹ đi đâu hả bố?
– Mẹ phải đi làm con ạ. Nào, con ăn đi. Hôm nay con học hát bài gì?
– Bài Con cò bé bé. Bố ơi, mẹ đi mấy giờ về?
– Lát nữa thôi. Con ăn nhanh lên!
° ° °
Tường xem tập hồ sơ của Oanh Sói do Phòng Cảnh sát Hình sự Hải Phòng gửi về. Nhìn tập hồ sơ dày có đến cả gang tay và khá chi tiết về cuộc đời Oanh Sói anh thầm cảm ơn Trung tá Dương, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự của Công an Hải Phòng. Kể cũng lạ, một người như Dương, vốn say mê kỹ thuật như điếu đổ, am hiểu văn chương, thơ phú, vậy mà tốt nghiệp Đại học Bách khoa lại về làm cảnh sát hình sự.
Nhưng rồi anh cũng chỉ xem được ít trang vì thấy đã gần 1 1 giờ đêm mà vợ vẫn chưa về. Một nỗi ghen tuông vô cớ xen lẫn sự bực mình khiến anh không còn tâm trí nào mà đọc hồ sơ. Hôm trước, trong một bữa cơm với mấy anh trên Cục An ninh Kinh tế của Bộ về công tác, có người đã nửa đùa nửa thật bảo Tường: “Mày cho vợ mày đi làm trợ lý Tổng giám đốc thì coi như là có người giúp nó lúc bí rồi. Có đồng tiền, coi chừng mất vợ đó”.
Đọc không nổi, Tường bèn lấy giấy vẽ sơ đồ các băng nhóm: Sơn Bạch Tạng, Thắng Tài Dậu, Năm Cam, Hải Bánh, Thắng Con, Hưng Mi Nhon, Tuấn Phát, Tiên Chỉ và một nhóm anh chỉ để có một dấu hỏi to tướng trong ô trắng. Có tiếng chuông gọi cửa. Tường ra mở cửa. Vợ anh đã về. Người đưa cô ta về nhà. là Tổng giám đốc Li Cheng. Thấy Tường, ông ta lễ phép:
– Xin chào ông. Mong ông thứ lỗi vì bà nhà về hơi muộn. Cũng là do công việc, rất mong ông lượng thứ.
Vợ Tường có vẻ say. Cô ta nói tiếng Trung Quốc, chào Tổng giám đốc. Vào nhà, vừa cởi áo, cô vừa nói:
– Tổng công ty phát triển quá nhanh. Tháng tám, em phải đi Đài Loan học ba tháng. Anh thấy thế nào?
– Học xong về làm gì?
– Em cũng chưa biết! Nhưng chắc chắn ông Cheng cũng sắp xếp vị trí xứng đáng cho em. Đó là một người tuyệt vời…
Vợ Tường nằm xuống giường, miệng nói lảm nhảm và sặc mùi rượu:
– Tổng giám đốc Cheng… Thật tuyệt vời? Ít có ai thông minh, lịch lãm như ông ấy. 

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN