Cổ Cồn Trắng - Cổ Cồn Trắng - Chương 07
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
195


Cổ Cồn Trắng


Cổ Cồn Trắng - Chương 07


Sáng sớm nào cũng vậy, khi TV bắt đầu phát chương trình thể dục buổi sáng thì Lựu dậy và bắt đầu công việc thường ngày là tưới cây cảnh, quét lá rụng trên sân ngôi nhà 4 tầng rất đẹp của Lê Minh. Sáng nay, Lựu đang tẩn mẩn cắt đi những chiếc lá úa già của cây sung cảnh thì có một chiếc xe con đến đỗ ngoài cổng. Một người đàn ông đeo kính cận mở cửa xe ra và vẫy anh ta.
– Anh có phải là Lựu, anh trai Long Xếch?
– Vâng.
– Thằng Long đã trốn trại giam. Thế nào công an cũng tìm đến anh… Hôm nay, trở về nhà ngay và dặn vợ là từ lâu không biết nó đi đâu, làm gì nghe chưa. Nếu sai nửa chữ là chết đấy. Cả anh cũng vậy, cũng phải là “ba không”.
– Vâng ạ.
– Gói cá kho hôm nọ đem cho thằng Long, không được nhận, vứt đâu rồi?
– Dạ… dạ, tôi ném xuống mương..
– Mương cạn hay có nước?
– Có… có nước ạ. Đang bơm nước..
– Mày lừa bố mày không xong đâu! Lúa đang đỏ đuôi, có tháng nào điên bơm nước vào ruộng?







– Dạ! Có… có nước ạ – Lựu lắp bắp, mặt tái mét.
– Muốn sống thì câm mồm lại. Con vợ mày lắm nhời quá, phải dặn nó. Còn gói cá ấy nếu mày vứt trên bờ là coi chừng!
Nói xong, người đàn ông lạ mặt đó lên xe đi thẳng. Lựu cố nhớ nhưng rõ ràng chưa gặp hắn ta bao giờ. Mấy hôm trước, có hai gã thanh niên đến đưa cho Lựu gói cá kho, gói ruốc, năm phong lương khô và mấy gói kẹo bánh. Đầu tiên thì chúng nhũn nhặn:
– Chúng em là bạn Long Xếch. Biết tin nó bị bắt, có chút quà gửi vào, anh làm ơn đưa giúp. Đây là tiền để anh đi xe, biếu cán bộ làm thủ tục tiếp tế.
– Tôi không biết các anh là ai, các anh đi mà gửi tiếp tế cho nó?
– Bọn em cũng là dân “oi khói” vào đấy ngại lắm, nhỡ có ông quán giáo nào quen mặt, rách việc ra.
– Tôi không đi được – Lựu cương quyết.
Một tên giở mặt ngay:
– Này ông đùa với bọn này đấy à? Đến thằng Long, tao bảo gì là phải làm, huống là cái thứ chân đất mắt toét như mày. Chiều nay, đem vào. Cố gửi túi cá kho, nói là em mày dân nhà quê, thèm án cá trê kho sung nghe chưa. Tao mà thấy không đi, đừng có trách.
– Tôi còn phải xin phép ông Minh.
– Ông ấy đi nghỉ mát rồi, xin ai? Nhớ đấy, một giờ chiều, lấy xe máy của thằng gác, đi tiếp tế. Chúng tao sẽ có người theo dõi mày làm thế nào.
Nhớ lại chuyện cũ, Lựu thừ người ra. Anh không hiểu tại sao em mình lại đi giết người và hình như nó làm thuê cho ai đó. Anh nhớ lại mấy tháng trước trong một lần về quê, Long Xếch hớn hở khoe với mẹ:
– Mẹ ơi, con sắp có nhiều tiền để chữa mắt cho mẹ rồi. Mắt của mẹ bị đục thủy tinh thể, thay đi là sáng ngay. Chữa mắt cho mẹ xong, con làm lại nhà cho mẹ.
– Cha bố anh, làm như cướp được tiền ấy. Tao chả cần nữa. Mày cứ lo thân mày, kiếm tiền lương thiện, cưới vợ đi rồi đẻ cho bà đứa cháu, thế là được rồi.
– Con sẽ lấy vợ, cuối năm nay.





– Thế hả? Nó quê ở đâu, làm gì?
– Nó là thợ uốn tóc trên tỉnh. Bố mẹ nó chuyên nuôi lợn con để bán.
– Thế là con nhà lao động. Lấy được.
Trong bữa cơm, Long nói đã xin được việc cho Lựu:
– Em đã kiếm được việc làm cho anh rồi. Công việc chỉ là chăm nom cây cảnh, bón phân, tưới nước, bắt sâu, dọn dẹp khu sân vườn. Cơm nuôi ba bữa, lương tháng ba trăm ngàn và mỗi năm vài bộ quần áo.
– Thật hả chú – vợ Lựu mừng cuống lên – Bao giờ đi làm?
– Mai đi theo em lên nhận việc luôn. Mà này, làm ở nhà người ta, thấy khách khứa vào thì cụp mắt xuống, chớ có nhìn ngang nhìn ngửa, nói càng ít càng tốt và nhất là không bao giờ được hỏi về ông chủ.
Khi ra làm được ít ngày, được ông chủ Lê Minh ứng trước cho hai tháng lương, Lựu mừng lắm. Nhưng chả vui được bao lâu thì một hôm ông Minh gọi Lựu ra:
– Tôi phải báo cho anh một tin dữ. Thằng Long nhà anh phạm tội đánh bạc rồi giết người. Bị công an bắt rồi?
– Trời ơi! Giờ nó ở đâu hả ông?
– Còn ở đâu ngoài cái trại giam của công an tỉnh. Nó làm nên tội phải chịu. Lẽ ra tôi phải cho anh về quê vì dù sao anh cũng là anh trai của kẻ giết người. Nhưng nể tình thằng Long, tôi vẫn để anh làm. Vả lại về quê, khổ lắm. Cố mà chắt bóp, chữa đôi mát cho cụ. Thằng Long chỉ muốn thế.
– Em xin cảm ơn bác. Xin bác thương cho, nhà em nghèo quá. Em bây giờ mà phải về quê thì không mở mày mở mặt ra được.
– Chính vì vậy mà tôi để anh ở lại, tuy nhiên anh phải hết sức giữ gìn. Với người lạ đừng có hở mồm nói là anh thằng Long. Cứ nói là em họ xa của vợ tôi.
° ° °
Tại trại giam công an tinh, giám đốc Công An tỉnh triệu tập cuộc họp khẩn cấp, ngoài Ban giám thị trại giam còn có Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Lê Quang Cường, trưởng phòng Cảnh sát Điều tra Vũ Văn Đắc, đội trưởng đội Cảnh Sát Đặc Nhiệm, trưởng công an thành phố… Giám đốc nói gay gắt:
– Tôi không hiểu nổi tại sao Ban giám thị lại cẩu thả đến như vậy trong việc canh gác phạm nhân nguy hiểm. Giao một tên tử tù cho hai cảnh sát bảo vệ mà tuổi nghề của họ mới được tính bằng tháng. Làm sao họ biết được nhưng thủ đoạn vượt ngục của phạm nhân? Để phạm trốn là mắc khuyết điểm lớn nhưng tệ hại hơn nữa Ban giám thị cùng phòng Cảnh sát Hình sự tự động đi truy lùng, không báo cáo giám đốc… Mười hai giờ đồng hồ sau khi phạm trốn, chúng tôi mới được biết… Và bây giờ thì hắn đã lặn không còn thấy sủi tăm. Nhưng điều lạ lùng nhất là cho đến nay không được một bản cung nào tử tế của hắn cả. Không làm được rõ vì sao hắn giết Thắng Trố; ai là kẻ đồng phạm với hắn… Đã thế lại còn đổ lỗi cho cậu Tường.
Giám thị trại giam đứng dậy:
– Báo cáo giám đốc chúng tôi nhận khuyết điểm. Quả thực đầu tiên cũng nghĩ đơn giản là một tên rạch bụng mũi khâu lại, làm sao có thê chạy xa được…
Lê Quang Cường xin nói tiếp:
– Chúng tôi đã rà soát toàn bộ cáo nơi mà tên Long có khả năng đến nhờ vả, nhưng chưa phát hiện ra dấu vết hắn. Các trinh sát cũng đã theo dõi toàn bộ làng Vân Hòa quê của hắn.






– Chỉ thằng ngu mới trở về quê ngay sau khi trốn trại. Hàn vừa mới khâu ở bụng vì thế cần phải có bác sĩ chăm sóc vết mổ, phải tiêm thuốc kháng sinh… Các anh hãy truy tìm theo hướng đó. Ngoài ra, cho rà soát toàn bộ các mối quan hệ của tên Long Xếch. Việc truy tìm tên Long, tôi giao cho phòng Cảnh sát Hình sự chịu trách nhiệm chính. Đội Điều tra trọng án cử một tổ ba người phối hợp. Mỗi ngày báo cáo kết quả điều tra lên tôi một lần..
Giám thị trại giam:
– Báo cáo đồng chí giám đốc, tôi xin nhận kỷ luật. Còn về hai cậu cảnh sát bảo vệ trẻ… xin giám đốc cho hướng xử lý.
– Xử thế nào, anh em cảnh sát nghĩa vụ mới tăng cường, đã được học ngày nào về công tác dẫn giải, canh gác phạm nhân; lại đang tuổi ăn, tuổi ngủ. Cán bộ chỉ huy đơn vị bảo vệ phải kiểm điểm và có hình thức ky luật nghiêm.
– Báo cáo giám đốc, có một người có thể tìm ngay ra chỗ tên Long.
Giám thị nói tiếp:
– Ai vậy?
– Đồng chí Tường. Theo tôi biết thì đồng chí Tường rất quan tâm đến tên Long. Chính đồng chí ấy đã nhiều lần yêu cầu tôi phải bảo vệ tốt tên Long, đặc biệt phải đề phòng hắn tự sát hoặc bị đầu độc. Không phải ngẫu nhiên mà đồng chí Tường lo lắng như vậy.
– Được rồi, tôi sẽ trao đổi với Tường. Tôi tin là cậu ta chưa mất chất công an đâu.
° ° °
Cường trở về nhà, vừa tới cổng thì có hai người chặn lại và đưa cho Cường một gói nhỏ:
– Các anh là ai? Cái gì thế này?
– Dạ, anh cứ đọc thử sẽ rõ. Chào anh.
Cường vào nhà mở gói giấy. Anh giật mình, trong đó toàn đô la và một lá thư in bằng máy vi tính: Thưởng trước một phần ba cho anh. Số còn lại sẽ có sau. Chúc may mắn”.
° ° °
Tường vô cùng ngạc nhiên khi biết tin Long Xếch trốn thoát. Anh điện thoại cho Lưu, Thành, Đức đến công ty. Nhưng họ chưa kịp đến thì Trần Phúc, Giám đốc Công an tỉnh đến văn phòng.
– Chào ông giám đốc công ty – giám đốc Công an tỉnh tươi cười và có vẻ như đùa cợt.
– Chào thủ trưởng. Chắc anh đến vì vụ thằng Long?
– Phải. Bây không tìm thấy thằng Long thì có là mặt mo. Hôm qua, văn phòng Bộ truyền lệnh của Thứ trưởng phải báo cáo gấp và yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cá nhân.
– Anh đánh giá thế nào về chuyện tên Long trốn thoát?
– Điều đó tôi đang muốn hỏi cậu đây.
– Nó trốn thoát là may cho ta đấy.
– Sao, may thế nào? – Giám đốc Trần Phúc không giấu được vẻ ngạc nhiên.
Tường mở ngăn kéo lấy ra mảnh giấy thu được trong gói cá hôm trước, đưa cho giám đốc xem. Giám đốc nhìn anh dò hỏi, Tường thong thả:
– Báo cáo anh, cho đến giờ, tôi có thể khẳnng định ở thành phố ta có một băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động mang màu sắc xã hội đen rất nguy hiểm. Nhóm này hoạt động bao trùm trên các lĩnh vực buôn lậu, cá độ bóng đá, bảo kê nhà hàng, vũ trường, cho vay nặng lãi và sẵn sàng giết người thuê theo đơn đặt hàng. Băng của Tiên Chỉ tuy cũng lớn nhưng hoạt động quá lộ liễu và khá đơn giản. Bọn này mới là ghê. Đặc biệt là tên trùm… Hắn là kẻ rất biết giấu mặt và che đậy hành vi của mình. Những tài liệu trinh sát về hắn, Tổng cục An ninh đã có báo cáo lãnh đạo Bộ..
Giám đốc gật đầu:.
– Tôi đã được đọc. Quả thực không ai ngờ đó lại là Lê Minh. Tôi cũng đã lường ra sự nguy hiểm của hắn cho nên cậu phải hết sức cẩn thận. Cũng theo tài liệu trinh sát hắn còn có quan hệ cực kỳ chặt chẽ bởi một số cán bộ công an, tòa án, kiểm sát và cả chính quyền tỉnh. Vì thế quan điểm chỉ đạo phá vụ án này của lãnh đạo Bộ là tìm ra đủ chứng cứ để bắt hắn vì một tội nào đó như buôn lậu chẳng hạn, tiếp theo đó là lần ra toàn bộ đường dây của chúng và kiên quyết loại ra khỏi đội ngũ công an những phần tử thoái hóa biến chất. Không còn nghi ngờ gì nũa, bọn tội phạm có tổ chức muốn tồn tại thì phải mua chuộc được cán bộ công an và chính quyền. Nếu đối chiếu theo những tiêu chí về một tổ chức Mafia thì bọn này chính là mầm mống của mafia vì chúng đã có hành động móc nối với bọn buôn lậu, mafia quốc tế để tiến hành tẩy cửa tiền. Trở lại chuyện tên Long, ý đồ của cậu thế nào?
– Thực ra, tên Tiên Chỉ hoàn toàn không giết Oanh Sói mà Oanh chết bởi bàn tay của kẻ khác. Đó là người có quan hệ mật thiết với ả, có lẽ ả đã từng yêu, từng chung sống với người đó. Vì một lý do nào đó kẻ kia đã ra tay giết ả… Sau đó, hắn đã hướng dư luận tập trung vào Tiên Chỉ và để đẩy cơ quan điều tra phải ra tay với Tiên Chỉ. Cũng chính hắn thuê Long Xếch giết Thắng Trố để đổ vạ cho Tiên Chỉ. Hắn dùng một mũi tên bắn hai đích. Thứ nhất là giết Oanh, kẻ đã nắm nhiều bí mật về hắn, thứ hai là triệt được Tiên Chỉ để thâu tóm toàn bộ mạng lưới xã hội đen ở thành phố, ngăn chặn việc Tiên Chỉ nhập hàng lậu và trở thành độc quyền. Hắn làm được điều đó chính là vì hắn nắm trong tay được một số cảnh sát và vì hắn không điều chỉnh được tôi cho nên hắn phải tìm cách loại tôi ra khỏi cuộc chơi. Kẻ đó có lẽ chính là Lê Minh.
– Chỉ còn hai tháng nữa là bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thành, quận, huyện, chính vì thế phải sớm lột mặt nạ của hắn.
– Không thả con thỏ thì chó không đuổi, anh hãy cứ để cho tên Long được “thoải mái” lẩn trốn chút ít. Chắc chắn sẽ có bọn đi tìm tên Long. Báo cáo anh, theo tôi biết thì Long Xếch nhận lời giết Thắng Trố là muốn có tiền để chữa mắt cho mẹ, làm lại ngôi nhà đã nát… Hắn quả là một thằng con có hiếu, chi có điều hắn muốn thể hiện cái hiếu đó theo cách bất hiếu nhất, ấy là đã để cho mẹ hắn đau khổ. Rất có thể là theo thỏa thuận, sau khi giết Thắng Trố xong, hắn sẽ được nhận tiền và trong trường hợp hắn bị bắt, hắn phải tự sát. Số tiền đã thỏa thuận đó sẽ giao cho anh trai Long, sau khi hắn chết. Lá thư này là lần thứ hai mà tên chủ kia giục hắn chết. Lần trước, hắn đã trộn thuốc độc xy-a-nuya vào kẹo, gửi cho Long…
– Sao cậu không báo cáo?
– Lúc đó, anh đi công tác nước ngoài. Liệu tôi báo cáo cho ai đây? Liệu ai có thể giữ kín chuyện cho. Hiện nay có một vấn đề này, anh phải hết sức lưu ý. Đó là một số văn bản tối mật bị lọt ra ngoài và phóng viên của mấy tờ báo đã có được.
Tường lấy ra một số văn bản copy đóng dấu “Tối Mật” đưa cho giám đốc:
– Đây là văn bản anh báo cáo Tổng cục xây dựng lực lượng về tình trạng mất đoàn kết nội bộ ở Công an huyện Mỹ Hà. Đóng dấu tối mật hẳn hoi, vậy mà tay phóng viên Huân cũng có được. Hậu qua là ta chưa kịp xử lý thì báo chí đã làm om lên. Còn đây, báo cáo của anh về việc đồng chí Thúy ở phòng Hậu Cần có biểu hiện tham ô 100 triệu… cũng đóng dấu tối mật. Vậy mà phóng viên báo Thanh Niên Thành Phố cũng có. Thậm chí báo cáo của anh về vụ tham nhũng ở văn phòng Tỉnh ủy gửi lãnh đạo Bộ cũng bị lọt ra ngoài. Theo tôi biết, ở cơ quan Tham mưu tổng hợp và một số đơn vị nghiệp vụ đều có cán bộ nhận tiền hằng tháng của các báo và lén cung cấp tin về các vụ án cho họ.
Nghe những điều Tường nói, giám đốc Trần Phúc lộ rõ vẻ lo lắng:
– Nguy hiểm quá, thế mà tôi không biết gì. Chỉ thị của Bộ về quản lý hoạt động báo chí xem ra không thiêng. Ở tỉnh bạn, mấy vụ án vừa rồi chưa làm ra đâu vào đâu, hết trưởng phòng nọ, phó phòng kia lên TV khoe thành tích… Cuối cùng chứng cứ không đủ truy tố tội phạm, phải bắt đi tập trung cải tạo, thế là nhân dân lại chửi cho, bảo rằng công an ăn tiền, làm giảm nhẹ tội cho đối tượng. Vậy là vạ từ mồm mà đến đấy.
– Theo tôi dự đoán, rất có khả năng sẽ còn một đội quân khác đi lùng Long Xếch ngoài quân của phòng Cảnh sát Hình sự và đội Điều tra trọng án.
– Đó là ai?
– Là quân của Lê Minh. Chắc chắn hắn sẽ huy động hết đệ tử ra lùng Long Xếch với mục đích là thanh toán hắn. Đó là chưa kể hắn cũng sẽ không tiếc tiền để bồi dưỡng cho cảnh sát hình sự truy lùng tên Long. Chính vì vậy cần phải cứu tên Long khỏi sự thanh toán của tên Minh.
– Đồng chí Thứ trưởng hỏi cậu là có cần thêm lực lượng để hỗ trợ không?
– Hiện nay thì chưa cần. Tuy nhiên, anh liên hệ với phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hải Phòng. Đề nghị anh Dương trưởng phòng, cung cấp cho toàn bộ tài liệu trinh sát về quá trình hoạt động trước đây của Minh. Đặc biệt là những gì nói về mối quan hệ giữa hắn và Oanh. Còn để Thành, Đức tập trung giúp cho việc điều tra, xin anh tạo điều kiện cho hai cậu ấy vắng mặt tại đơn vị..
– Khó gì, ba ngày nữa, có lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ở Hà Nội, cử hai cậu ấy đi là được chứ gì?
– Vâng, thế thì tốt quá. Rất cảm ơn anh.
– Minh đã rót hàng cho cậu theo thỏa thuận chưa?
– Mới có tý chút. Hắn đang thăm dò… Hình như tháng tới có mặt cuộc chuyển hàng về đấy.
– Cậu chú ý tìm cho ra phương thức nhập hàng lậu của hắn và cả một số cán bộ hải quan đang tiếp tay cho hắn.
Giám đốc vừa định về thì Tường níu lại:
– Anh hãy từ từ đã. Phía bên kia đường, chỗ hiệu ảnh, lúc nào cũng có kẻ theo dõi…
Nói rồi Tường gọi nhân viên mang một bộ dàn máy nghe ra xe cho giám đốc. Từ hiệu ảnh bên đường, có một thanh niên dùng máy ảnh lắp ống kính tê-lê chụp lại cảnh nhân viên cửa hàng mang đồ cho Giám đốc.
° ° °
Lê Minh xem những bức ảnh rồi nói với người chụp ảnh:
– Rất tốt. Anh hãy để ý chụp ảnh lại tất cả những người khả nghi ra vào cửa hàng của hắn cho tôi. Nhưng mà này, sao ảnh không sắc nét nhỉ?
– Thưa ông, cái ống kính kém quá.
– Mua lấy một cái máy mới, thật tốt. Sẽ còn dùng vào nhiều việc đấy. Anh có tin gì về thằng Long không?
– Thưa không ạ.
– Thật tội cho nó, bụng vừa mới rạch, khâu chưa liền đã phải chạy trốn. Nếu anh thấy nó ở đâu, cho tôi biết. Tôi muốn cho nó ít tiền. Mà này, anh có nhận xét gì về bức ảnh này.
Gã chụp ảnh ngơ ngác, không hiểu ý. Lê Minh cười:
– Tường là tay công an vừa bị kỷ luật. Người ký kỷ luật chính là ông giám đốc này. Vậy mà bây giờ, công ty vừa lập, đã phải nộp ngay cho ông giám đốc một giàn máy nghe cực xịn. Giàn này là bao nhiêu nhỉ? Hình như 1.200 USD. Làm quan sướng thế đấy.
– Nhỡ ông ấy mua thì sao?
– Anh ngủ mê đấy à? Làm gì có chuyện mua. Thằng Tường biếu, ông ta nhận cho là may rồi. Thôi cố mà huy động bọn đàn em tìm thằng Long đi.
° ° °
Tường đang ngồi nghiên cứu quyển Luật Kinh Tế thì cô nhân viên vào báo:
– Thưa anh, có ông Minh đến.
– Cô mời ông ấy vào phòng khách chờ tôi.
Lê Minh vào phòng khách và thấy mọi thứ bài trí khá giản dị, ông ta cười khó hiểu.
– Chào anh – Tường vui vẻ chào.
– Chào anh Tường. Tôi hơi ngạc nhiên vì thấy đồ đạc tại phòng khách của anh quá xoàng. Phải chăng anh tiết kiệm?
– Vâng, tôi phải vay nhiều quá. Chính vì vậy phải chắt bóp từng đồng.
– Đúng thế! Làm kinh tế nếu không biết tiết kiệm từng xu thì không giàu được. Tuy nhiên, phòng khách là bộ mặt của công ty, nếu xoàng xĩnh quá, dễ tạo cho người ta cảm giác chủ nhân của nó, hoặc là quá nghèo hoặc là một gã nông dân… Anh là đại lý của tôi, vì vậy, tôi cảm thấy có chút trách nhiệm giúp anh tiêu thụ hàng.
– Giúp thế nào ạ?
– Tôi sẽ giới thiệu cho anh một người giỏi về trang trí nội thất. Anh ta sẽ giúp anh… Tôi cho vay không lấy lãi 15.000 USD để trang trí lại phòng khách này.
– Cảm ơn anh. Tuy nhiên, nếu có thể anh kiếm giúp cho tôi một người, vừa là lái xe, vừa là bảo vệ, và là người có thể nhờ cậy được trong những việc tôi không thể lộ mặt.
Nghe nói vậy, một tia sáng lóe lên trong mắt Lê Minh, nhưng lại nhanh chóng tắt ngấm:
– Lái xe, bảo vệ phải là người tin cậy tuyệt đối. Anh là công an lâu năm, có kinh nghiệm trong việc nhìn người. Theo tôi, anh nên tự chọn là tốt hơn.
– Tôi lại rất tồi trong việc chọn người. Vả lại có gì quan trọng lắm đâu. Trước mắt, tôi chỉ tiêu thụ hàng cho anh, nếu được người của anh thì càng tốt chứ sao?
– Thôi thế này, tôi cho anh mượn chiếc xe Land Cruiser của tôi.
– Không, không, tôi sẽ mua xe mới.
– Đừng khách khí thế. Tôi có ba xe cơ mà. Tôi cho anh mượn cả lái luôn… nếu anh thấy nó được thì dùng, bằng không anh tự kiếm lấy.
– Thật không biết lấy gì cảm ơn anh.
– Chúng ta cứ quan hệ tốt với nhau là được rồi. Rồi anh sẽ hiểu thêm về tôi. Nghe nói anh mới ký được một hợp đồng lớn bán hàng cho Tổng công ty lắp máy ở Hà Nội?
– Vừa thôi. Họ ký mua ba chục chiếc điều hòa loại 18.000 BTU, hai chục chiếc tủ lạnh, và một số thiết bị điện dân dụng. Ngoài ra khách sạn mới xây ở Quảng Ninh cung đặt mua 150 chiếc điều hòa…
– Anh quả là người có duyên bán hàng.
– Nói thật với anh, đó cũng là nhờ ông giám đốc công an tỉnh giúp đỡ đấy.
– Vì vậy, anh mới biếu ông ấy giàn máy nghe chứ gì?
– Không, ông ấy mua đấy. Tôi chỉ bán cho ông ấy bằng giá gốc, cộng thêm 5% chi phí… Thế cũng đã là tốt rồi.
– Thế không được, ông ấy kiếm cho anh bao nhiêu hợp đồng. Mình kiếm được cơm ăn, cũng nên cho người khác miếng bánh. Nhiều người gọi đấy là hối lộ, là mua chuộc cán bộ… Thật chả hiểu gì cả…
đó là cách phân phối công bằng một cách tự nhiên.
– Tôi có nghĩ đến chuyện đó, nhưng chưa phải lúc này.
– Tôi sẽ rót cho anh thêm hàng, anh chuẩn bị kho nhé.
Tường xua tay:
– Xin anh cho từ từ. Dục tốc bất đạt. Tôi muốn đi chậm nhưng chắc.
° ° °
Chiều hôm đó, Lê Minh điều ngay chiếc xe Land Cruiser đến cho Tường. Đó là một chiếc xe màu trắng còn khá mới loại 4500. Lái xe là một thanh niên cao lớn, đẹp trai, có ánh mắt sắc lạnh.
– Thưa anh, em tên là Thái, được ông Minh bảo sang phục vụ anh. Anh lên đi thử xe một chút.
Tường nhìn chiếc xe có vẻ hài lòng. Anh chìa tay ra:
– Khóa xe đâu?
– Dạ, đây ạ!
– Cậu lên xe đi cùng tôi. Tôi muốn thử xe.
Tường lên xe, anh chỉnh ghế cao thấp vẻ rất thành thạo rồi nổ máy. Chiếc xe lao vút đi và Tường lái rất thiện nghệ. Thái tấm tắc:
– Trông anh đánh vôlăng dẻo như múa, chắc là ngày xưa cũng lái nhiều.
– Tôi mê nghề lái xe từ lâu lắm rồi. Ngày xưa, công tác ở Sơn La, cũng lái xe nhiều. Thế cậu làm cho ông Minh lâu chưa?
– Dạ được ba năm.
– Thế sang bên tôi, lương bổng thấp kém, có chịu được không?
– Dạ, ông Minh bảo em sang chạy cho anh một thời gian. Khi nào anh mua xe, chọn lái xe mới, em sẽ thôi. Hiện thời lương bổng do ông Minh.
– Vợ cậu ở đâu?
– Em chưa có vợ.
– Quê quán cậu ở đâu?
– Dạ em ở Hải Phòng.
Tường lái xe chạy thẳng dăm cây số mới dừng xe. Anh tắt máy, gài phanh tay cẩn thận rồi bảo:
– Cậu lái đi. Về thẳng nhà ông Minh nhé.
– Anh lái xe cẩn thận quá.
– Bao giờ cũng vậy, cẩn thận vẫn hơn. Mỗi sai lầm của lái xe là phải trả bằng tiền và không có cơ hội sửa chữa.
° ° °
Trong lúc Tường chạy thử xe và nói chuyện với lái xe Thái, anh không ngờ là trong xe đã đặt máy nghe trộm phát sóng và Minh thích thú theo dõi cuộc trò chuyện của hai người. Một nhân viên kỹ thuật điều chỉnh máy nghe cho Minh.
– Chất lượng quá tốt. Pin dùng được bao lâu?
– Em và thằng Thái đã đính một đường điện từ ắc-qui nối vào máy thu. Cứ bật khóa điện là máy làm việc.
– Cự ly phát sóng tối đa bao nhiêu?
– Nếu anh đặt ăngten lên tầng 6 thì thu được trong bán kính 50 km.
– Hiện nay Việt Nam đã có của hàng nào bán loại máy này chưa?
– Không có. Đây là hàng xách tay, em mua từ Đài Loan về.
– Cậu còn loại nào nữa không?…
– Loại thu phát trong bán kính 300 m thì sẵn và cực nhỏ.
– Được. Chuẩn bị cho tôi hai bộ. – Lê Minh nói như ra lệnh.
° ° °
Tường và Thái trở về nhà Minh. Anh có vẻ choáng ngợp trước sự sang trọng của phòng khách nhà Minh. Đồ đạc bày biện rất Tây, hợp mốt, sang trọng nhưng giản dị. Lê Minh nhận ra sự tò mò của Tường.
– Tôi rất hài lòng về phòng khách này. Tay họa sĩ trang trí nội thất đã dạy cho tôi một bài học về mỹ thuật. Bây giờ mình mới hiểu thêm một điều. Kiếm được nhiều tiền đã khó nhưng tiêu tiền cho đúng, sử dụng đồng tiền như vũ khí, như quyền lực thực sự thì lại là cả một vấn đề. Anh thấy chiếc xe thế nào?
– Cảm ơn anh, chiếc xe quá ngon. Tôi không biết phải cảm ơn anh như thế nào?
– Đây là sự hợp tác, đôi bên cùng có lợi. Không cần phải câu nệ quá làm gì? Tôi hiểu hoàn cảnh của anh. Một người đã gắn bó với lực lượng Công An bao nhiêu năm, nay phải ra đi tay trắng và làm lại cuộc đời từ đầu, sẽ gặp vô vàn khó khăn.
– Lúc đầu cũng choáng lắm, nhưng rồi thời gian qua đi, cũng thấy yên tâm. Mình còn trẻ, còn sức, quan trọng nhất là còn ý chí.
Lê Minh lấy ra chai rượu trắng và một chai rượu Remy.
– Anh thích loại nào?
– Nếu là rượu cuốc lủi, gạo nếp và để lâu năm uống là thích nhất.
– Tôi tưởng những người trẻ như anh, thích rượu Tây hơn. Rượu này thật 100% đấy.
– Tôi biết, nhưng nếu rượu trắng được nấu từ gạo nếp để lâu một chút, uống vẫn có hương vị dịu dàng, thanh khiết hơn… Uống rượu Tây cứ như phải ngồi cạnh một người đàn bà đã luống tuổi nhưng phải làm cho mình hấp dẫn bằng cách đổ cả chai nước hoa vào người.
Lê Minh cười khoái chí pha lẫn vẻ ngạc nhiên:
– Tôi không ngờ một cảnh sát điều tra, thời gian hỏi cung phạm nhân nhiều hơn sống với vợ mà lại có nhận xét về rượu tinh tế và ấn tượng đến như vậy.
Lê Minh rót rượu ra hai chiếc chén hạt mít:
– Rượu nào phải dùng ly đó. Rượu cuốc lủi quê ta mà uống ly Tây, khập khiễng lắm.
Minh rót rượu rất thong thả rồi lại mở tủ lấy ra một lọ thủy tinh màu nâu, nút thủy tinh mài. Minh đổ lạc rang húng líu trong chai ra đĩa rồi nâng ly:
– Mời anh, chúc anh may mắn.
Hai người uống rượu như những người giàu. Họ nhâm nhi từng ngụm nhỏ, từ tốn bỏ từng viên lạc vào miệng.
– Tối nay, tôi có hẹn ăn cơm với một người, mà anh ta ngày xưa từng là bạn học với anh ở trường đại học Cảnh Sát.
– Ai vậy?
– Phùng Lân.
– A! Phùng Lân, Lân Trắm. Bây giờ ở Hải quan tỉnh, phòng Kiểm hóa phải không?
– Không, làm Đội trưởng Đội chống buôn lậu cảng Tân Phú từ cuối năm ngoái. Anh đi luôn với bọn tôi cho vui.
– Hai anh ăn cơm chắc có công chuyện…?
– Không, chả có gì cả. Nói thực là tôi đang lo cho nó lên thay thằng cha Trưởng phòng chống buôn lậu. Tay Cục trưởng thì lại không ưa Phùng Lân lắm. Hôm nọ, cũng đã đánh bài ngửa: Hoặc là ông về hưu, hay chuyển về làm chuyên viên cao cấp của Tổng cục, hoặc bỏ phiếu cho thằng Lân. Cuối cùng thì ông ta cũng phải chấp nhận. Tôi cũng đã kể về anh cho Lân nghe. Nó rất mừng khi được gặp anh. Mà này, tại sao tỉnh mình bé như bàn tay, anh và Lân lại không chơi với nhau?
– Có gì đâu, học xong, Lân về cảnh sát kinh tế. Khi hải quan thiếu người, đặt vấn đề với Công an tỉnh, thế là điều sang… Thế là từ đó mỗi đứa một ngả. Nghe nói năm vừa rồi, đội của Lân bắt mấy vụ buôn lậu lớn lắm. Hồi đó đi học, môn điều tra hình sự Lân học giỏi lắm. Một số vụ án buôn lậu bên Hải quan đưa sang, đội án kinh tế làm thế nào, tôi không rõ.
– Thôi, tối nay đi ăn cơm với chúng tôi. Anh sẽ còn phải dựa vào Phùng Lân nhiều.
° ° °
Trong một căn nhà tập thể chỉ rộng hơn chục mét nằm trên tầng tư của một khu nhà lắp ghép 5 tầng. Long Xếch nằm trên giường. Một cô gái trẻ, tóc nhuộm vàng hoe, có nét mặt khá đẹp đang cẩn thận dùng nước ôxy già lau vết thương cho Long rồi rắc thuốc kháng sinh, đặt gạc lên và băng lại. Người con gái đó là Phượng, một cave chuyên nghiệp ở vũ trường Đêm Màu Hồng. Phượng và Long mới biết nhau không lâu. Trong thời gian Long làm cho tên Thái, có tiền, thỉnh thoảng lại theo thằng Quỳ, Thái đến vũ trường. Chả hiểu “cái duyên ông trời xe, cái que ông trời buộc” thế nào mà Phượng đã mê Long thực sự ngay từ hôm gặp đầu tiên. Còn Long, mặc dù cũng đã chung đụng với biết bao nhiêu con gái, trong đó không ít những cô đang ở tuổi “ô mai mơ”, nhưng cũng không hiểu sao lại yêu Phượng rất chân thành. Phượng quê ở mỏ Hà Tu – nhà ở ngay dưới chân đèo Bụt, trên đường Hòn Gai – Cẩm Phả. Bố cô là thợ lái máy xúc EKG vào loại có tiếng tăm nhất ở các khu mỏ lộ thiên, còn mẹ thì làm ở văn phòng công ty.
Người ta kể rằng, ông đã từng biểu diễn cho các chuyên gia Liên Xô xem một màn độc đáo là dùng gầu máy xúc để đóng lại một bao diêm. Chiếc gầu máy xúc EKG dung tích gần 7 mét khối nặng hơn ba tấn. Cửa mở gầu bằng thép dầy 15cm…vậy mà ông điều khiển được cửa mở gầu từ từ… từ từ nhích từng phân để đóng lại bao diêm Thống Nhất đã được mở sẵn vào thời bao cấp. Hai vợ chồng công nhân đã nghèo lại đẻ vô tội vạ – sáu đứa con, bốn gái hai trai – vì thế quanh năm đói ăn. Là thợ lái máy xúc được ăn tiêu chuẩn 24kg gạo một tháng, nhưng khi xuống nhà ăn tập thể để ăn cơm giữa ca, bao giờ ông cũng chi ăn một nửa cơm, còn lại gói cơm, tí cá kho hay đậu phụ kho mang về cho các con. Rồi ông đổ bệnh nạng và chết khi mới hơn năm chục tuổi. Trước lúc mất, ông dặn các con rằng hãy đi xa khỏi đất mỏ và đừng đứa nào làm nghề thợ lò.
Thế là năm năm sau khi ông mất, vào thời điểm quan hệ Việt-Trung ấm dần, vợ ông bán nhà chạy lên Móng Cái làm nghề buôn tiền. Đến khi khá giả liền mua đất xây khách sạn. Năm chị em sống quanh khu Móng Cái cũng bằng nghề đi buôn. Riêng Phượng, vì có dáng người cao ráo, có khuôn mặt ưa nhìn và nước da lại trắng nên theo một người bạn lên Hà Nội làm nghề uốn tóc. Nhưng cũng chỉ được dăm tháng là Phượng chuyển nghề đi làm vũ nữ, dĩ nhiên là kiêm gái gọi. Mặc dù lăn lóc ở chốn ăn chơi đàng điếm và chung chạ với đủ hạng người nhưng Phượng vẫn chưa mất đi cái nét chân chất của một cô gái vùng than. Còn Long, hắn cũng chưa một hẳn cái chất nhà quê của mình… Có lẽ vì vậy mà hai người đã tìm thấy ở nhau sự đồng cảm. Từ hôm Long bị bắt, Phượng cứ bàng hoàng và trong thâm tâm, cô không thể nào tin được Long dám giết người. Cô đi lễ bái ở hàng chục chùa lớn bé cầu cho Long tai qua nạn khỏi.
Chính vì vậy, khi thấy tiếng gõ cửa lúc trời còn đang mờ tối, cô đã đoán ngay là Long.
Phượng âu yếm:
– Anh còn may mắn lắm, vết thương không bị nhiễm trùng. Quả là anh có sức khỏe vô biên.
– Em phải nhớ đừng có mua ở hiệu thuốc nào nhiều. Phải thay đổi liên tục.
– Em nhớ. Hiệu này em mua nước ôxy già, hiệu khác em mua bông, hiệu khác nữa em mua kháng sinh…
– Em giỏi lắm. Sau lần này, có lẽ em trở thành bác sĩ được rồi.
– Có gì đâu, cứ theo sách mà làm.
Phượng đưa cho Long xem cuốn Cách Chăm Sóc Vết Thuơng Ngoại Khoa. Long chợt hỏi:
– Anh ở đây được mấy ngày rồi?
– Năm ngày.
– Chà, lâu nhỉ. Mấy hôm nữa thì cắt chỉ được?
– Có lẽ hai, ba ngày nữa.
– Bây giờ em xem gần đây, có nhà nào tử tế, thuê đổi chỗ đi. Em phải biết tính mạng của anh đang bị đe dọa từng giờ. Công an đi lùng anh thì rõ rồi, nhưng công an không nguy hiểm bằng mấy thằng bạn anh. Nhất là thằng Thái, thằng Quỳ. Anh tin là chúng nó sẽ lần ra chỗ này chỉ nay mai thôi.
– Em giữ kín lắm.
– Thế này nhé. Hôm nay, em phải đi khách thật muộn. Tốt nhất là gạ được thằng nào đó, ngủ với nó đến sáng mai. Mấy hôm vừa rồi, em chuồn sớm sợ chúng nghi.
– Nhìn thấy anh thế này em còn bụng dạ nào mà gặp ai nữa. Nhưng thôi, hôm nay, có một gã giám đốc mới ở Sài Gòn ra, hẹn em… Nhưng mà em đi lâu, để anh thế này thì không được.
– Đừng lo, anh đi lại được rồi, ăn uống tốt. Em cứ đi đi. Ở vũ trường có mấy người biết em ở đây?
– Cũng dăm ba đứa.
– Mụ chủ có biết kkông?
– Không biết… À, có một lần em nói, nhưng thưa bao giờ bà ấy đến đây cả.
Long Xếch bặm môi suy nghĩ, rồi tặc lưỡi:
– Thôi được, mai sẽ tính.
Phượng dịu dàng lau mặt cho Long:
– Anh chóng khỏe rồi anh em mình trốn đi thật xa. Vào Đắk Lắk, Gia Lai… mua một mảnh vườn, làm lụng nuôi nhau. Em sợ nghề này lắm rồi. Từ ngày vào vũ trường, kiếm cũng được. Em có sổ tiết kiệm hơn trăm triệu đấy. Vào trong đó, em sẽ đẻ cho anh hai đứa. Bố là Long, mẹ là Phượng thì hai đứa sẽ là Quy và Lân… cho đủ tứ linh.
Long cười sằng sặc:
– Em lãng mạn như nhà văn. Nếu có đẻ được con thì anh đặt tên là thằng Tỷ, thằng Triệu… cho có nhiều tiền. Em tắt hết đèn, khóa trái cửa lại. Để cho anh một chìa khóa…
– Em để cho anh một chùm xơ-cua. Trong tủ còn nhiều tiền đấy. Nếu muốn đi chơi ở đâu thì lấy mà đi.
– Đi đâu được nữa? Anh bây giờ chỉ còn một nơi ẩn nấp, đó là trong lòng em.
Câu nói sáo ấy không ngờ làm Phượng cảm động. Cô ôm lấy Long và nước mắt tự dưng ứa ra. Long thì thào:
– Thôi mà em, đừng khóc nữa. Anh hứa với em, khi nào anh khỏe, chúng mình sẽ đi khỏi đây.
Phượng rời khỏi vòng tay Long, tắt đèn, khóa trái cửa lồi xuống cầu thang. Long Xếch rất cảnh giác, hắn dòm qua khe cửa trông xuống đường và chợt giật mình khi thấy có hai gã thanh niên đứng dưới gốc cây bên đường. Khi thấy Phượng dắt chiếc xe Spacy ra đường, một tên cứ nhìn trộm. Khi Phượng vừa đi khuất, một gã thanh niên chạy lên nhà. Hắn gọi:
– Long ơi! Phượng ơi!
Trong nhà, Long Xếch nằm im không nói. Gã bên ngoài khẽ khàng gọi:
– Long ơi, tao đây! Hải Chùa đây.
Long Xếch vẫn nằm im thin thít và mỉm cười ranh mãnh. Bên ngoài, gã tự xưng là Hải Chùa lẩm bẩm gì đó rồi bỏ đi. Nhưng xuống cầu thang được nửa chừng gã quay lại và áp tai vào cửa nghe ngóng. Trong nhà, Long Xếch đã ngồi dậy nhìn qua khe cửa sổ… một lúc lâu mà không thấy gã kia xuống. Long liếc ra cửa gật gù cười, ra vẻ quá hiểu cái trò láu cá của gã kia.
Đến khi thấy hai gã lên xe đi hẳn, Long Xếch liền châm một ngọn nến nhỏ rồi mở tủ của Phượng, lấy ra một gói tiền khá lớn. Hắn tháo dây buộc, xẻ lấy nửa số tiền đó rồi mặc quần áo… Xong đâu đó, hắn lấy bút kẻ mắt của Phượng, viết vào mặt sau một tờ lịch xé ra: “Tao biết chúng mày sẽ đến đây. Rồi chúng mày phải trả giá.” Hắn ghi ngày, giờ, ký tên cẩn thận. Hắn đi ra rồi khóa cửa lại, đi xuống tầng hai và gõ cửa một căn phòng bên số lẻ. Đó là nhà của Tảo, một người làm nghề chạy xe ôm.
Tảo thấy Long, anh ta há hốc mồm, không nói được câu nào.
– Anh Tảo, anh sợ quá à? Thôi được, em không làm phiền anh lâu đâu.
Tảo lúng túng:
– Chú vào nhà đi.
Long vào nhà, người đàn ông vội vàng khép cửa lại. Long hỏi ngay:
– Chị và cháu đi đâu?
– Cho con về quê hai ngày rồi.
– Bao giờ thì ra?
– Chắc phải chờ giỗ ông cụ xong. Bốn ngày nữa…
– Anh biết tình cảnh của em rồi chứ?
– Có anh đọc báo, xem TV, biết chuyện của chú. Giỏi thật đấy. Mấy ngày vừa rồi, chú ở đâu?
– Em trốn ở nhà bạn. Bọn chúng nó đang đi lùng em.
– Nhưng sự thể thế nào, chú cho anh biết.
Long Xếch uống ngụm nước nhỏ rồi nói:
– Em sẽ kể cho anh nghe sau. Bây giờ em muốn anh nói thật. Em có thể ở nhờ nhà anh ba ngày cắt chỉ vết mổ xong là em biến, có được không?
– Được. Chú cứ tin anh. Ngày xưa, khi anh hoạn nạn, chú đã vào bệnh viện Bạch Mai bán máu, lấy tiền nuôi anh. Ơn ấy, sống để dạ chết mang đi, anh chưa có dịp trả ơn…
– Anh đừng nhắc chuyện cũ nữa. Thôi được rồi, anh cho em ở nhờ vài ba ngày. Hằng ngày anh cứ chạy xe ôm như bình thường, không phải lo gì cho em cả. Chỉ có điều anh nên đi qua lại nhiều khu vực nhà lão Lê Minh, xem có gì lạ không.
– Lão Minh, giám đốc công ty Minh Đức?
– Phải. Quân của lão ấy nợ em nhiều lắm.
– Bao nhiêu?
– Không phải tiền mà là nợ máu. Anh cố kiếm cho em một chỗ khác và cầm số tiền này mua cho em một khẩu súng, thêm được vài quả lựu đạn càng tốt. Nhớ phải bí mật đấy.
– Súng bây giờ hơi khó kiếm. Anh sẽ cố. Cắt chỉ xong, chú ra ngoại thành ở có được không?
– Anh có chỗ à?
– Anh có chơi với một ông già đang trông hồ cá. Ở đấy hay lắm, có rừng cây xung quanh, có nhà giữa hồ, lại có hệ thống hầm hào của bộ đội mới tập trận tháng trước để lại.
– Anh cứ chuẩn bị đi. Quan trọng nhất là khẩu súng, càng sớm càng tốt.
° ° °
Trong vũ trường Đêm Màu Hồng, Phượng đang ôm riết lấy một người đàn ông ở ghế thì có một cô đến rỉ tai nói điều gì đó. Phượng hôn lên má người đàn ông rồi đi ra. Thái, lái xe mới cho Tường, cùng hai gã đàn ông ban nãy đến gõ của… Thái hỏi:
– Phượng à, em biết thằng Long trốn ở đâu, cho bọn anh biết với. Đang muốn gửi cho nó ít tiền.
– Long Xếch á? Lâu rồi em không gặp. Nghe nói mới vượt trại…
– Nó yêu em nhất, thế nào chả phải dựa vào em?
Phượng nhìn Thái dò hỏi:
– Em không biết. Anh lạ gì tình yêu bọn em…
Thái giở mặt:
– Con đĩ, mày định lừa bố mày à. Mấy hôm vừa rồi, mua nước ôxy già, mua gientamixin rồi băng, rồi gạc… về cho ai? Muốn giữ cái mặt mỹ miều này để kiếm tiền thì nói… bằng không, tao cho một xơ-ranh a-xít.
Một tên đưa ống xơ-ranh ra. Phượng run lẩy bẩy…
– Đúng không, nó ở nhà mày chứ gì?
– Dạ…. Phượng khẽ gật đầu.
– Bây giờ đưa chúng tao về. Nói to một tiếng là xong đời đấy con ạ.
Phượng run rẩy mở cửa. Thái giằng lấy chùm chìa khóa, tự mở lấy. Cửa vừa mở xong, Thái rút súng ngắn lao vào… Một tên quét đèn pin, một tên bịt mồm Phượng. Nhưng trong nhà rỗng tuếch. Long đã chuồn từ bao giờ… Thái cầm mảnh giấy để trên bàn đọc và nghiến răng kèn kẹt.
– Mày giỏi lắm Long ạ? Đừng hòng thoát nổi tay tao?
Phượng ngồi dựa lưng vào tường nhà khóc tấm tức không biết là khóc vì mừng hay lo.
° ° °
Tất cả những việc xảy ra đó đã không lọt qua nổi mắt Long Xếch. Hắn ngồi ngay ngoài hành lang sát cửa nhà Tảo, nép dưới một chậu hoa giấy lớn và theo dõi từ lúc bọn Thái dẫn Phượng lên. Khi bọn chúng xuống và đi khuất, Long nắm chặt hai bàn tay vẻ đầy căm thù. Long lại chạy lên nhà. Phượng sững người và lao vào ôm chặt lấy Long:
– Ối giời ơi, sao anh thoát được? Anh tha thứ cho em. Chúng dọa tạt xít… em sợ quá!
– Nhưng làm sao chúng đoán được là em che chở cho anh nhỉ?
– Có con nào mở túi của em, thấy có thuốc, có bông băng… Chúng nó mách thằng Thái.
– Thằng Thái Voi, anh biết nó lắm. Nó còn lái xe cho lão Minh không?
– Em không rõ. Thằng này sợ lắm. Nó mà đến vũ trường, thích đứa nào là phải đi với nó ngay mà không bao giờ được một xu của nó. Nhiều khi nó chơi chán rồi gọi bạn nó đến… Còn nó lại ngồi xem. Lão Minh cũng vậy, bên ngoài đạo mạo như thế nhưng chuyên đến vũ trường. Có điều là không bao giờ lão ấy xuống sàn nhảy mà ở trên phòng riêng của giám đốc. Cứ nhìn trong ảnh, thích đứa nào là gọi lên. Nhưng được cái là lão ấy trả tiền nhiều lắm, nên đứa nào được gọi cũng mừng.
– Có lần nào hắn gọi em chưa?
– Chưa! Trong vũ trường, nhiều đứa trẻ và đẹp lắm, nhất là bọn trường múa. Loại như em quá đát rồi. Mấy ông cán bộ của tỉnh, hải quan cũng hay đi với lão Minh. Em nghe mấy đứa bạn đã đi ngủ với các lão ấy nói chuyện, toàn cán bộ to và quyền thế lắm. Nhưng ai cũng sợ ông Minh.
Long Xếch nghe và gật gù, hình thư gã dã nghi ra một kế gì đó.
° ° °
Lê Minh đến dự lễ khánh thành một nhà mẫu giáo do công ty Minh Đức bỏ toàn bộ tiền tài trợ 300 triệu. Đến dự lễ có nhiều quan chức của tỉnh, huyện, các ban ngành… Tường đi cùng với Lê Minh và anh rất ngạc nhiên khi Minh tỏ thái độ hết sức quý mến, trân trọng giới thiệu anh với một số quan chức. Minh nắm tay Tường rồi nói với Phó chủ tịch tỉnh, ông Lê Văn Chi:
– Đây sẽ là một thương gia sáng chói trên bầu trời tỉnh ta. Rồi anh xem, chỉ hai năm nữa thôi.
Tường nào có lạ gì ông Chi, phó chủ tịch tỉnh. Chính ông ta là người đã gây sức ép để anh phải bật ra khỏi chuyên án. Nhớ đến chuyện cũ, Tường không khỏi khó chịu nhưng anh vẫn tươi cười, nhũn nhặn và bày tỏ sự mong mỏi được Phó chủ tịch tỉnh giúp đỡ.
– Thưa anh, khi nào rỗi, mời anh qua văn phòng công ty. Chúng tôi mong được nghe ý kiến chỉ đạo của anh.
Sau chương trình ca nhạc chào mừng của các cháu mẫu giáo là lễ cắt băng khánh thành nhà mẫu giáo. Minh phát biểu ngắn gọn:
– Thưa các anh lãnh đạo, thưa các bạn. Với tấm lòng của một người con quê hương tôi chỉ mong tỉnh ta ngày càng giàu đẹp. Mấy năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại của lãnh đạo tỉnh và các ngành các cấp, công ty chúng tôi đã có bước phát triển vượt bậc. Tôi xin nói thật, năm ngoái, riêng thuế doanh thu, thuế lợi tức, chúng tôi đã nộp hơn 2 tỉ… Chính vì vậy, chúng tôi mong được đóng góp phần nhỏ bé vào các hoạt động xã hội từ thiện. Sau khi xây dựng xong trường mẫu giáo này, chúng tôi dự định cùng bệnh viện tỉnh xây dựng một trung tâm dưỡng lão, và đối tượng ưu tiên là các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các cụ thuộc diện gia đình chính sách…
Nghe Lê Minh nói, Tường chợt thấy bàng hoàng. Lạ thật đấy, một người dám bỏ ra hàng trăm triệu để xây nhà trẻ, từng nuôi hơn một chục Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, từng dành cả khu đất hơn một ngàn mét để làm nơi nuôi dưỡng trẻ em bị thiểu năng… lẽ nào lại có thể là một tên tội phạm nguy hiểm. Giá như có một sự nhầm lẫn nào đó trong các báo cáo của cơ sở về Lê Minh thì hay biết bao… Lúc đó, anh có thể xách chai rượu đến nhà ông ta và bộc bạch tấm lòng mình. Nhưng cái ý nghĩ đầy vẻ lãng mạn đó nhanh chóng qua đi, Tường buộc phải quay trở lại với những suy tính lạnh lùng vốn có của nghề điều tra. Nếu Lê Minh là tên tội phạm nguy hiểm thì rõ ràng đây là một loại tội phạm mới mà chỉ nảy sinh trong vài năm gần đây. Đó là loại tội phạm khoác áo “lương thiện” và có bộ mặt khả ái. Trên thế giới, người ta gọi đó là tội phạm “cổ cồn trắng”. Những tên “cổ cồn trắng” đó có thể là một chính khách, có thể là một nhà bác học, có thể là một doanh nhân… chính vì vậy, nhìn ra bộ mặt thật của chúng không phải là đơn giản. Nghĩ vậy, tự nhiên anh thấy có chút gì đó thỏa mãn vì được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ đấu tranh với tên “cổ cồn trắng” này.
° ° °
Tường biết rất rõ là Minh chưa tin anh vì vậy anh rất cảnh giác. Sau khi Đức cho người sang sửa phòng khách, Tường cẩn thận kiểm tra lại. Anh kiểm tra phía sau các bức tranh, các lọ hoa… và cuối cùng, anh tìm thấy một máy ghi âm thu phát sóng trong chiếc đôn để ngay ở bộ ghế giả cổ.
Anh chợt nhớ đến chiếc ôtô. Như vậy chắc chắn Lê Minh cũng sẽ gài máy nghe trộm. Anh biết rất rõ tính năng của những loại máy nghe trộm đang bán lén lút trên thị trường ở một nước. Nói chung đó là những loại thiết bị đơn giản, thô kệch và dễ bị dò ra, chắc chắn chẳng có cơ quan an ninh, tình báo nào lại sử dụng những loại cổ lỗ sĩ ấy cả. Tường ra nổ máy xe, mở nhạc, rồi mang một chiếc đài bán dẫn đi xung quanh xe và dò sóng. Quả nhiên, anh bắt được tiếng nhạc phát ra từ trong xe. Tường bật cười thành tiếng và gọi Thái lái xe ôtô chở anh đi đến vũ trường Đêm Màu Hồng. Trên xe, anh hỏi Thái:
– Ở công ty Minh Đức, chắc có nhiều người giỏi kỹ thuật viễn thông lắm?
– Không có đâu anh. Công ty này có làm gì đến viễn thông đâu.
– Theo cậu thì giờ này ông Minh có nhà không.
Thái liếc nhìn đồng hồ trên xe thấy đã hơn 10 giờ đêm, bèn nói:
– Có lẽ ông ấy ở nhà..
– Cậu có số điện thoại di động của ông ấy chứ?
– Dạ có.
– Đọc cho tôi.
Tường lấy máy điện thoại đi động và bấm số theo lời Thái.
– Alô? Xin lỗi có phải anh Minh không ạ… Vâng, em Tường đây! À, muốn hỏi ông anh tý chút thôi. Cái máy thu phát… à, máy nghe trộm mà anh cho lắp trong xe ôtô, chất lượng phát sóng tốt không? Sao… Không nên như thế. Anh làm như vậy, mất hết cả những suy nghĩ tốt đẹp của em về anh. Thôi, rất cảm ơn anh giúp đỡ, nhưng phải cảnh giác với nhau đến như vậy thì thà không có còn hơn. Ngày mai, anh bảo đứa nào đến gỡ hộ nốt chiếc máy nghe để trong chiếc đèn tường ra nhé.
Nói rồi Tường cúp máy. Anh bảo Thái:
– Cậu dừng xe lại, cho tôi xuống đây. Cảm ơn cậu mấy ngày vừa qua. Tuy nhiên tôi không muốn đi một chiếc xe mà nhỡ có đánh rắm to cũng lại phải lọt vào tai người khác.
Thái tỏ vẻ ngơ ngác:
– Em… em không hiểu ai lắp vào xe? Thôi, có gì anh bớt giận.
– Tôi chỉ ngạc nhiên là ông Minh cũng học đòi sử dụng biện pháp kỹ thuật hạ đẳng như vậy.
Xe đến vũ trường Đêm Màu Hồng và dừng lại. Tường xuống xe, anh vẫy tay bảo Thái đi. Thái vội gọi điên thoại về báo cho Minh và báo cáo giám đốc vũ trường.
Giám đốc khách sạn Excellent kiêm giám đốc vũ trường Đêm Màu Hồng đang ngồi coi video, một bộ phim đầy hình ảnh mát mẻ thì có chuông điện thoại:
– Ông Tâm đấy à. Đang làm gì đấy…? Lại ôm gái hay xem phim sex? Này, bảo quân của ông theo dõi thật chặt thằng mới vào… Thằng cha Tường chứ còn ai nữa. Kiếm cho nó một con bé bốc lửa. Nếu dụ được thằng ấy đi, tôi sẽ có thưởng.
Tường vào vũ trường, anh đến ngay quầy bán rượu và gọi một chai Hennessy nhỏ, lặng lẽ uống một mình, mắt lơ đãng nhìn theo những cô gái đang nhảy điên loạn. Nhìn gã đầu trò, có mái tóc nhuộm đỏ và cắt như một chiếc mào gà đang gào hét, nhảy như một kẻ lên cơn co giật… Tường có cảm giác như đã gặp gã này ở đâu. Nhưng nghĩ mãi mà không tài nào nhớ nổi. Một cô gái ăn mặc kín đáo, lịch sự đến gần:
– Anh đi một mình, cho phép em làm quen được không?
Tường chỉ tay vào chiếc ghế trống bên cạnh rồi hỏi:
– Em uống gì?
– Cho em một ly nước cam… Sao anh đi có một mình?
– Cũng có lúc nên đi một mình..
– Đàn ông, tuổi như anh mà đến vũ trường một mình thì rõ ràng là có sự buồn phiền trong lòng.
– Đến đây để tìm lại thời thanh xuân của mình… Này, thằng tóc đỏ kia, nó tên là gì?
– Em sẽ giúp anh tìm lại tuổi trẻ được không? Nó là thằng Thanh, biệt hiệu là Thanh Tóc Đỏ hay là Thanh Phò, Thanh Ớ…
– Nó nhảy đẹp quá.
– Cũng thường thôi, nhưng nó uống thuốc lắc nên nhảy như điên. Ngừng nhảy là chịu không nổi. Nếu anh muốn, em sẽ nhảy cho anh xem. Tất nhiên là không phải ở đây đâu?
Tường gật gù ra vẻ hiểu ý. Anh đảo mắt nhìn quanh và bắt gặp ánh mắt của một gã đầu trọc đang ngồi uống rượu với hai cô gái cách chỗ anh chỉ ba mét. Linh cảm của một người từng làm điều tra lâu năm cho anh biết là anh đang bị theo dõi chặt chẽ. Anh quay lại cô gái và giúi vào tay cô tấm danh thiếp:
– Thỉnh thoảng hãy gọi điện cho anh. Chúng mình sẽ có nhiều cơ hội gặp nhau.
– Thế còn đêm nay? À, anh vừa hỏi thằng Thanh, ngày xưa nó đã bị đi tù về tội chăn gái đấy.
Nghe cô gái nói như vậy, một tia chớp lóe lêu trong đầu Tường. Anh chợt nhớ ra đó chính là đứa trẻ mà cách đây gần chục năm, anh đã cứu nó trong một lần bị đắm thuyền trên bến đò Quan ở Nam Định. Nó không biết bơi… uống nước đã no kềnh bụng may mà Tường vớt lên được. Sau đó, cha mẹ nó đến xin Tường cho nhận làm em nuôi. Tường thấy thằng bé lanh lợi cũng có ý mến. Anh hỏi ý bố, ông khuyên: “Nếu có duyên thì sẽ tự nên anh nên em. Đã nhận nó làm em nuôi thì phải có trách nhiệm với nó, còn nhận mà để gọi là trả ơn thì nhận làm gì?” Tường nghe lời bố, bèn từ chối. Quả nhiên, chỉ vài tháng sau thì không bao giờ thấy mặt Thanh nữa. Tường quàng tay qua vai cô gái:
– Em trông như sinh viên.
– Vâng, em là sinh viên trường đại học Ngoại Ngữ. Ngày đi học, tối đến đây… kiếm thêm tiền học và có đồng phụ giúp bố mẹ ở quê. Em nói thế có khi anh không tin vì… các anh nghe chán bọn con gái kể lể hoàn cảnh éo le, số phận lâm ly bi đát… nếu mình có duyên, sẽ có lúc gặp lại.
– Ở đây em có nghe nói cô nào tên là Phượng, Phượng Vàng ấy?
– Có, nó mới có khách gọi lên phòng rồi.
– Nhớ gọi điện cho anh nhé. Giờ anh phải về.
Tường nhét vào tay cô gái tờ 50.000 Đ rồi với vẻ rất dân chơi, anh ôm hôn cô gái ngay tại quầy. Cô gái tiễn Tường ra khỏi vũ trường, vừa quay lại thì gã đầu trọc lừ lừ tiến đến:
– Không câu được à?
– Ối dào, đang chán đời, nhưng lại sợ vợ…
– Sao về sớm thế?
– Cũng không phải dân chơi chuyên nghiệp. Nó có hỏi ai không?
Cô gái lắc đầu, nói dối:
– Chỉ hỏi em quê quán, thu nhập và khen thằng Thanh Gà Trống nhảy đẹp.
° ° °
Tường về nhà. Từ hôm thành lập công ty, thường anh phải ăn ngủ tại đó. Lúc đầu vợ anh cũng vài lần gọi điện bảo anh về ăn cơm, nhưng khi thấy anh lấy cớ bận, chị cũng thôi luôn. Hôm nay anh về là cũng muốn đón con bé Thảo đến ở. Liên là người rất nhạy cảm, chị đoán ngay ra ý định của Tường, tuy nhiên chị vẫn bình thản như không:
– Công việc của anh thế nào rồi. Em nghe nói ông Minh giúp đỡ ghê lắm hả?
– Cũng được. May mắn là kiếm được mấy hợp đồng lớn. Đủ việc làm từ nay đến cuối năm. Còn mấy cửa hàng bán lẻ cũng tiêu thụ được chút ít, đủ lấy thu bù chi.
– Ông Cheng cũng khen Lê Minh lắm. Nếu mà đợt bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh khóa tới này, ông ấy trúng cử, không khéo làm Phó chủ tịch tỉnh như chơi.
– Làm gì có chuyện hoang đường như vậy.
– Anh không hiểu quyền lực của Lê Minh rồi. Vừa rồi, người ta nói nhiều về gã Năm Cam là trùm nọ, trùm kia và cứ làm như hắn sắp đảo chính đến nơi… Loại Năm Cam, trông thấy cảnh sát khu vực là còn phải cười từ xa; phải lo lắng tìm cách mua chuộc, hối lộ với mấy anh cảnh sát, với mấy ông quan chức chính quyền, vì dù thế nào thì hắn cũng chỉ là gã tổ chức cờ bạc, đâm thuê chém mướn. Nhưng với Lê Minh, anh ta có thể nửa đêm gọi Chủ tịch, Phó chủ tịch đến nhà; có thể yêu cầu thay cả Giám đốc Sở, Ty, Chủ tịch cấp quận, huyện… Anh có biết chuyện tay Hà Xồm, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng số 3 không? Từ một gã bán thịt lợn ở chợ, văn hóa khá hơn mù chữ một ít, lại còn có tiền án, tiền sự nữa, vậy mà ông ta dựng nó lên làm Tổng giám đốc một doanh nghiệp nhà nước. Và dĩ nhiên, không có hợp đồng kinh tế nào mà không có bàn tay của Lê Minh. Nhưng thế chưa ghê, đến khi hắn tham nhũng, phá cả một dự án của chính phủ cho vùng cao, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, bị bắt mà khi xét xử chỉ bị án hai chục năm tù. Và không phải ai cũng biết Tòa án, Viện kiểm sát đã xử theo ý của Minh.
– Sao em biết về Minh nhiều thế? Mà làm sao ông ta lại có thể làm được như vậy?
– Cả tỉnh biết Minh, trên Trung ương cũng khối người biết… Nhưng hình như chỉ có công an nhà các anh là không hay, hoặc biết mà không dám nói. Ern mà làm giám đốc công an tỉnh, loại như Minh em cho vào tù từ lâu rồi. Lê Minh thao túng được quan chức của tỉnh là bởi vì hắn có tiền, hắn có quan hệ.
Tường cười:
– Chà chà, em hiểu Lê Minh quá kỹ. Đến giờ anh mới được nghe thông tin về ông ta đấy. Nhưng anh hỏi em, chứng cứ phạm tội của Minh đâu?
Liên đắc ý:
– Muốn có chứng cứ thì phải đi tìm… Vấn đề là có ai dám đứng ra chỉ huy cuộc đi tìm đó không?
Tuy nhiên, Lê Minh khó có thể sống lâu được.
– Sao vậy?
– Chính quyền này không bao giờ cho phép một người vừa buôn chính trị, vừa buôn tiền như Lê Minh tồn tại. Trên Bộ Công an, đang lập hồ sơ về ông ta đấy.
Tường kinh ngạc thực sự, tuy nhiên anh vẫn cố bình thản và cười:
– Làm sao mà em biết Bộ Công an lập hồ sơ về hắn? Công an làm án mà đến em cũng biết thì còn gọi gì là bí mật nữa. Thế sao ông Cheng vẫn hợp tác với Minh và còn định lập liên doanh?
– Chả có gì bí mật vào thời buổi này. Nếu để tâm, chịu khó tìm hiểu, chịu khó chi phí thì biết hết thôi. Em biết nhiều điều hơn anh tưởng đấy. Còn việc liên doanh, anh yên tâm đi, chỉ có người nước ngoài lừa Việt Nam và trong mọi sự phá sản, bao giờ Việt Nam cũng chịu thiệt. Bao nhiêu công ty vốn nước ngoài nào là Coca Cola, nào là biến thế điện A&B… cuối cùng thành công ty vốn nước ngoài hết. Em nói thực, hầu hết phó tổng giám đốc người Việt Nam ở các công ty liên doanh là bọn tay sai hết. Chúng chỉ biết ngậm miệng ăn tiền, còn lỗ thì nhà nước chịu, công nhân thì tha hồ bị bóc lột.
– Em phân tích có lý lắm, Vậy thế em là phó của ông Cheng thì sao?
– Cũng thế thôi. Kẻ nào có tiền, kẻ đó có quyền… Đó là lẽ thường. Chỉ có điều, Vạn Lợi là công ty một trăm phần trăm vốn nước ngoài, cho nên cách điều hành cũng có khác nhiều. Anh cứ buôn bán, kinh doanh đi, nhưng không biết quan hệ, không biết làm chính trị trong kinh doanh thì sớm muộn cũng “đi” thôi.
– Cảm ơn em. Anh cũng lờ mờ hiểu điều ấy. Bao giờ thì em đi Đài Loan với ông Cheng?
– Em cũng chưa biết nên quyết định thế nào, nhưng thật lòng em muốn ở nhà và muốn trở lại cuộc sống như ngày xưa.
– Anh không hiểu điều em nói.
– Là đàn bà, dù thế nào vẫn có đặc tính chung, đó là sự nông cạn, hẹp hòi và nhìn không quá sống mũi của mình. Có những lúc em không phải với anh, chẳng phải vì em ghét gì anh mà chính là em không chịu nổi cảnh một người phụ nữ như em lại loay hoay, chạy vạy tìm cách kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con…Hơn nữa, em không không chịu nổi cách sống của anh, chỉ biết chúi mũi vào công việc. Anh trở thành một cảnh sát điều tra giỏi, được khen thưởng, được tiếng là mẫn cán, là hết lòng vì việc chung, ấy là nhờ anh có một hậu phương vững. Anh không phải lo kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con, nuôi cha mẹ. Nhưng hình như anh không nghĩ đến điều đó. Và rồi cuối cùng thì sao? Anh vẫn phải xin ra khỏi lực lượng Công An. Nhưng không hiểu có khi nào anh nghĩ vì sao lại như vậy không? Anh không có lỗi gì trong mọi việc vừa qua. Lỗi duy nhất là anh không chịu tin Tiên Chỉ đã giết Oanh.
Tường nhìn Liên bằng ánh mắt pha chút sợ hãi vì lần đầu tiên thấy sự sắc sảo của vợ:
– Em cứ nói hết đi. Hôm nay em làm anh ngạc nhiên quá.
– Em không nghĩ là anh không hiểu. Có điều từ xưa tới nay, anh làm án, đi điều tra, anh chỉ tâm niệm một điều: Làm thế nào cho đúng luật, cho không oan sai… Phải thế không? Bây giờ thì khác đấy. Em nghe một ông công an, cỡ to hơn anh nhiều phải đắng cay nói rằng làm án lúc này phải tìm hiểu đối tượng là ai, cha mẹ, ông bà, chú bác nó làm gì và bên cạnh nó có ai. Làm án như anh, cứ nghênh ngang trên đường lớn mà đi, thì không ôtô đâm cũng xe máy va, chí ít thì cũng có xe đạp quẹt vào… Thế là thương tật thôi. Pháp luật của Việt Nam bây giờ là gì? Là được làm theo ý muốn của từng người? Trở lại chuyện chúng mình, em đề nghị nghiêm túc thế này. Anh cứ về nhà ở. Thời gian sẽ làm chúng ta hiểu nhau hơn. Dĩ nhiên, nếu anh tìm được người tâm đầu ý hợp, em không cản và em cũng mong ngược lại. Ngày mai, em sẽ chuyển cho anh 500 triệu… Lãi suất không phẩy ba phần trăm, gọi là có chi phí giao dịch. Em cho làm khế ước vay hẳn hoi, để anh khỏi băn khoăn.
– Anh không cần nhiều tiền như thế.
– Mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Anh lấy tiền đó, gửi tiết kiệm, khi cần vẫn có tiền giải quyết ngay. Có vốn lớn nghĩa là anh có cơ hội. Trong buôn bán cũng như trong chính trường, tìm thấy cơ hội đã khó nhưng nắm được cơ hội lại là chuyện phức tạp vô cùng. Biết bao nhiêu kẻ đi tìm kiếm cơ hội làm giàu hay cơ hội làm chính trị đã ôm hận khi bỏ lỡ cơ hội. Ông thầy dạy ngoại ngữ của em dạy em rằng: “Cơ may chỉ đến với kẻ sẵn sàng”.
Tường nhìn vợ bằng ánh mắt biết ơn:
– Cảm ơn em. Đúng là trước kia, anh nghĩ mọi thứ đơn giản quá. Thú thực hôm nay anh về là để bàn với em chuyện bé Thảo. Anh muốn nó về ở với anh.
– Không, trước mắt thì không nên. Anh cứ về đây ở đi. Giường ai người ấy nằm… góp gạo thổi cơm chung, con bé đang cần có sự yên ổn. Vả lại anh về đây, em tin là có thể giúp anh được nhiều…
Tường im lặng đồng ý.
° ° °
Tường hẹn gặp Tâm, Thành, Đức ở một quán cà phê trong ngõ nhỏ. Chủ quán này vốn là cơ sở bí mật cũ của anh và cũng là người hết sức quý mến Tường. Tâm lấy ra một phong bì đưa cho Tường:
– Anh ạ, đây là thư của Thiếu tướng Bùi Hành gửi anh.
Tường vừa bóc thư hỏi:
– Các cậu có tin tức gì về thằng Long không?
– Có ạ. Thằng Long ngay sau khi trốn thoát đã đến nhà cô người yêu cũ tên là Phượng gọi là Phượng Vàng vì có mái tóc vàng. Phượng là vũ nữ kiêm gái mại dâm ở vũ trường Đêm Màu Hồng. Phượng và Long trước kia có một tình yêu đẹp và nay cô ta vẫn yêu Long. Theo cơ sở của em cho biết, hai đêm trước, bọn thằng Thái đã tóm được Phượng và bắt đưa về nhà… nhưng thằng Long đã trốn mất. Rõ ràng thằng Long rất cảnh giác với đồng bọn.
Tường đọc xong, anh đốt thư luôn và nói:
– Một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị đã cho Bộ biết những thông tin rất đáng nghi ngại về Lê Minh. Bộ cũng sẽ lập một chuyên án nhưng để tìm cho ra được chứng cứ phạm tội của Minh là cực kỳ khó khăn. Vì vậy, việc này Tổng cục Cảnh sát giao cho chúng ta. Việc quan trọng nhất bây giờ là phải tìm cho ra được Long Xếch và bảo vệ hắn khỏi sự trả thù của đồng bọn. Long là kẻ còn có lương tri, đặc biệt là hắn rất thương mẹ. Hắn đã giết người thuê cũng là vì muốn có tiền chữa mắt cho mẹ… Để cho Long xuất đầu lộ diện và cũng khơi dậy tình cảm của hắn, cậu Đức tìm mọi cách đưa bà cụ lên Hà Nội chữa mắt, chắc là phải thay thủy tinh thể. Phải làm cho khéo, đừng để lộ. Tâm và Thành cố gắng tìm ra nơi ở mới của tên Long và tìm cách bảo vệ hắn. Còn Lưu, tổ chức trinh sát vũ trường Đêm Màu Hồng, đấy là nơi tên Lê Minh tổ chức ăn chơi, hưởng lạc, làm tha hóa cán bộ. Còn tôi sẽ tìm cho ra phương thức nhập hàng của Lê Minh.
– Anh Cường cũng tung lính hình sự đi tìm thằng Long quyết liệt lắm, nhưng không hiểu sao bên cảnh sát điều tra lại thờ ơ.
– Em nghe anh em ở đội chống tệ nạn xì xào là dạo này anh Cường hay đến vũ trường Đêm Màu Hồng lắm.
Nghe hai người nói vậy, Tường chợt thấy buồn. Anh định nói điều gì đó thì có điện thoại di động. Thấy số máy lạ, Tường rụt rè:
– Xin lỗi ai ở đầu dây ạ?
– Em đây, anh quên em là đã gặp em ở vũ trường rồi ư?
– A, chào em. Hãy đến văn phòng công ty anh dược không?
– Lúc nào?
– Trưa nay đi. Anh muốn mời em ăn cơm.
– Em sẵn lòng.
Tường quay sang Đức:
– Tớ mời một cô cave ở Đêm Màu Hồng hẹn đi ăn cơm. Cô này biết nhiều chuyện ghê gớm lắm.
– Này, người ta có câu “đừng nghe cave kể chuyện, đừng nghe con nghiện trình bày”. Cẩn thận đấy sếp ạ! – Đức nháy mắt nói với Tường.
° ° °
Long Xếch nhận khẩu súng Colt do Tảo mua cho. Hắn đếm từng viên đạn, rồi soi nòng súng vẻ cực kỳ cẩn thận.
– Anh mua nó chỉ hết 5 triệu, còn số này gửi em.
– Hôm nay cắt chỉ được rồi, anh thuê cho em một bác sĩ hay y tá cũng được đến cắt chỉ cho em.
– Cắt chỉ đơn giản lắm. Anh làm cho chú cũng được. Ngày xưa anh ở bộ đội, làm y tá cũng biết võ vẽ đôi chút về nghề y.
– Thế thì tốt. À, cắt chỉ xong, em nhờ anh một việc.
– Việc gì?
– Anh về quê em, xem mẹ em sống thế nào và đưa cho cụ ít tiền.
Bỗng dưng Long mếu máo:
– Em thật bất hiếu, hứa chữa mắt cho mẹ, vậy thà bây giờ đến nỗi thế này.
– Chữa chỉ vài triệu bạc, làm gì đến nỗi phải đi giết người thuê.
– Nào phải em muốn giết thằng Thắng. Đầu tiên là nó thuê em đến, chỉ là chỗ bạn cũ, đưa nó đi uống rượu… cho nó say rồi sẽ có bọn khác xử lý. Em nghe bùi tai, thế là nhận lời. Nhưng rồi chả hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, lúc em uống rượu với thằng Thắng thì chúng nó gạ làm luôn… Còn thằng Phú, nó cờ bạc bịp, lại định bắn cả em, em cướp được súng bắn lại… chẳng may trúng chỗ hiểm, nó chết. – Nhưng vì sao nó lại thuê em giết Thắng Trố? Thằng nào thuê?
– Thằng Thái. Thái Voi, đệ tử ruột của lão Minh, chính nó buộc dây và cùng em nhấc thằng Thắng lên cho vào thòng lọng. Mà em không làm thì nó cũng giết em vì lúc ấy nó có súng.
– Nhưng sao thằng Thái lại định giết Thắng Trố?
– Em không hiểu. Có thể ai đó thuê thằng Thái, chứ em không biết, chúng có thù oán gì với nhau đâu.
– Theo tôi, chú đừng làm liều. Anh sẽ gặp thằng Thái, hỏi cho ra nhẽ.
– Không, thằng đó phải để em.
– Thế thì sao chú không khai với công an, chả lẽ chờ “dựa cột” à?
– Khai thì ai tin… Họ lại bảo là “trâu lấm vẩy bùn”. Vả lại, em đã trót hứa rồi.
– Chú hứa cái gì? Với ai?
– Hứa với bọn chúng nó là không khai!
° ° °
Đức và hai nữ cán bộ của phòng An Ninh Điều Tra mới được tăng cường cho Tường trong vai các nhân viên y tế đi chữa mắt cho bà con nghèo. Đến nhà Long Xếch. Sau khi “khám” qua loa cho bà cụ, hai cô “bác sĩ” khuyên chị Tạ là để đưa cụ lên Hà Nội mổ mắt. Chị Tạ mừng rỡ:
– Cảm ơn chính phủ, cảm ơn các anh, các chị quá. Anh chị làm ơn đến nhà ông Minh, báo cho nhà tôi biết để anh ấy mừng. Mai kia, tôi sẽ lên thăm cụ.
– Chị không cần phải đi. Chúng tôi sẽ lo hết! – Một cô trả lời.
Bà cụ sụt sùi:
– Khổ thân thằng Long, chả hiểu phiêu bạt ở nơi nào, cứ lo lặn lội kiếm tiền chữa mắt cho mẹ mà không được.
Thế là chỉ hai ngày sau, mọi thủ tục đưa bà mẹ Long lên Hà Nội thay thủy tinh thể đã hoàn tất. Lúc đưa bà đi, chị Tạ cứ cố nài nỉ hai cô “nhân viên y tế” nhận cho một tải khoai lang.
° ° °
Tảo về quê tìm bà mẹ Long biết chuyện bà được đưa đi thay thủy tinh thể ở Hà Nội, anh ta vội trở về, hớn hở khoe với Long:
– Long ơi, mẹ mày được đưa đi Hà Nội chữa mắt rồi.
– Hả, anh nói gì?
– Cụ đã ra Hà Nội chữa mắt rồi. Đoàn y tế của tỉnh về đưa những người hỏng mắt thuộc diện gia đình nghèo đi thay thủy tinh thể. Cụ đi hôm qua.
Long Xếch mừng run người. Hắn đi đi lại lại trong phòng:
– Anh à, mai anh vào viện tìm mẹ em cho em nhé. Nhớ kiểm tra xem có công an hay bọn thằng Thái theo không. Mà nếu được, anh đón mẹ em về đây ngay cho em.
– Mày điên à, cụ đi chữa mắt thế nào chả có người canh giữ, trông nom. Thôi được rồi, để anh tùy cơ ứng biến.
Bà mẹ Long Xếch đã được mổ thay thủy tinh thể. Mắt vẫn còn đang băng kín. Cô gái hôm nọ cùng Đức đưa bà vào bệnh viện là thượng úy Đặng Huyền, một sĩ quan an ninh, được giám đốc trao nhiệm vụ đặc biệt này. Hằng ngày, cô chăm sóc bà và theo dõi tất cả những ai đến thăm. Nhưng từ khi bà vào mổ mắt, chỉ có chị Tạ vào thăm chốc lát. Huyền bảo bà:
– Cháu đi mua phở cho bà ăn nhé.
– Cảm ơn cô. Cô cứ mua cho tôi xin nắm cơm với ít muối vừng. Ăn phở ngon nhưng mà rỗng ruột lắm.
– Bà cứ ăn phở cho dễ. Cháu sẽ mua sẵn vài thứ đồ ăn, bà đói lúc nào, ăn lúc đó.
Nói rồi cô gái xách cặp lồng đi mua phở.
Tảo đến bệnh viện. Anh ta đi tìm và hỏi các cô y tá:
– Chị ơi, chỗ bệnh nhân mổ mắt thay thủy tinh thể ở đâu?
– Lên tầng ba ấy.
Tảo lên tầng ba. Anh ta hỏi một bác sĩ trực ban:
– Chị ơi, chị có biết bà Lương Thị Vách ở buồng nào không?
Bác sĩ trực ban giở sổ xem:
– Phòng 7, giường 6. Có phải bà Vách quê ở Vân Hòa không?
– Dạ, phải.
– Đúng rồi. Diện mổ chính sách đấy.
Tảo đến phòng và dòm dòm. Thấy bà cụ nằm một mình, hắn cảnh giác đến đầu giường xem kỹ tên rồi mới hỏi:
– Chào bà ạ. Bà có phải là mẹ anh Long không?
– Ai đấy. Vâng, tôi là mẹ nó đây.
– Con là bạn nó, nghe tin bà mổ mắt, con đến thăm và có tí chút để bà bồi dưỡng.
Nói rồi, Tảo giúi vào tay bà mấy trăm ngàn. Bà cụ sờ sờ từng tờ giấy bạc:
– Chết chửa sao anh cho nhiều tiền thế này? Xin cảm ơn anh. Thế thằng Long đang ở đâu?
– Dạ, nó đang đi làm tận Sài Gòn. Anh em chúng con vẫn nói chuyện với nhau qua điện thoại.
– Tội nghiệp thằng bé. Nó khổ từ nhỏ… nó đẻ ra bị cả họ hắt hủi, bố thì không nhận con, bà không nhận cháu. Nhà chồng tôi bảo cả dòng giống này có ai mắt xếch đâu mà nảy nòi ra nó. Khổ nỗi ở làng tôi ngày ấy lại có ông phó chủ nhiệm mắt xếch, mà tôi thì tham gia đội hát chèo… Thế là bị nghi ngờ. Nhưng giời có mắt, nó lại là đứa thương tôi nhất.
Thấy bà cụ nghẹn giọng, Tảo vội nói:
– Thôi bà nhắc chuyện cũ làm gì. Mắt mới mổ… Bà nằm viện mấy ngày?
– Bác sĩ bảo tôi phải ở một tuần. Người ta chỉ ba ngày là ra viện thôi. Thế anh Lựu với chị ấy có lên thăm bà không?
– Nào thấy mặt chúng nó. Thằng Lựu thì sợ vợ như sợ cọp. Muốn cho mẹ một đồng cũng phải giấu. Còn con vợ, nó lo chạy chợ… bỏ buổi chợ, nó tiếc đến cả tháng. Cũng may là có các anh các chị ở Sở Y tế, họ chu đáo lắm.
Đúng lúc đó thì Huyền mang phở về.
– Chào anh. Tôi là cán bộ Sở Y tế được giao cho chăm sóc cụ. Anh là… là cháu cụ à?
– Dạ không… Tôi… tôi là…
– Chị Huyền à, đấy là anh bạn thằng Long nhà tôi. Nghe tin tôi mổ mắt, anh ấy đến thăm và cho khối tiền đây.
– Anh là bạn của Long à, lâu nay có gặp nó không?
– Không, tôi nghe tin bà vào viện nên đến thăm.
– Anh ấy nói là vẫn gọi điện nói chuyện với nó đấy. Thời buổi thích thế đấy, xa tít mà vẫn nói chuyện với nhau.
Có chuông điện thoại di động, cô gái nhìn số và nhận ra điện thoại của Đức:
– A lô, anh à. Bảo người đến thay ca cho em đi.
Giọng của Đức:
– Có ai đến không?
– Có! Đến ngay, để em còn về đi họp.
Nghe Huyền nói, đức hiểu là có chuyện. Anh vội hỏi:
– Đang ở đấy à?
– Vâng. Em hẹn rồi. Không thể nhỡ được.
Nói rồi cô gái cúp máy. Cô bảo Tảo:
– Thế này anh nhé. Tôi nhờ anh cho cụ ăn phở hộ tôi. Mấy phút nữa, có người đến thay ca trực. Tôi phải về cơ quan họp gấp. Anh giúp được chứ?
– Vâng, chị cứ đi. Tôi cho cụ ăn xong rồi về cũng được.
Cô gái đi xuống nhà nhưng nấp ở một vị trí kín đáo theo dõi và gọi điện thoại:
– Anh Đức, đến ngay đây, thêm người nữa. Tên này là bạn của Long Xếch. Hẳn Long Xếch sai nó đến… Em đang nhờ nó cho bà cụ ăn, tuy nhiên anh ta chỉ muốn chạy ngay.
Trong phòng bệnh, Tảo xé phở cho bà cụ ăn nhưng trong lòng nóng như lửa đốt chỉ muốn chuồn ngay khỏi nơi đây. Nhưng thật may, bà ăn được vài thìa rồi nhăn mặt:
– Tôi đắng miệng quá, chả muốn ăn gì. Anh cứ để đấy, khi nào đói tôi ăn.
Tảo mừng quá:
– Thế con để đây cho bà nhé. Thôi, con xin phép bà, con phải về. Bà nghỉ nhé.
– Vâng, chào anh. à, thế anh tên là gì nhỉ?
– Con là Tại. Chào bà ạ.
Tảo bịa tên khác rồi vội chạy xuống nhà. Đặng Huyền trông thấy liền lẳng lặng đi theo. Tảo lấy xe máy phóng về nhà. Cô vội vẫy một chiếc xe ôm:
– Anh chạy theo chiếc xe kia.
– Gớm, rình chồng đi với gái à?
– Đúng thế. Đừng để lộ, có thưởng đấy.
Tảo chạy xe rất nhanh. Huyền vừa theo dõi vừa điện thoại di động:.
– Vâng… em đang bám theo. Xe Dream II, biển số là 29-0013. Anh ta mặc áo màu xanh thẫm, đi dép lê, mũ bảo hiểm Amoro màu mận chín. Xe hắn chạy về phía khu tập thể nhà lắp ghép trong ngõ Hàng Chiếu.
Tảo về đến nhà. Long mừng rú lên:
– Anh có gặp mẹ em không?
– Có. Cụ khỏe lắm. Có một con bé ở Sở Y tế trông cụ. Nhưng tao nghi lắm…?
– Nghi cái gì?
– Nó có cái mắt khiếp lắm. Cứ như mắt công an, nhìn tao sắc như dao.
Long mím môi suy nghi rồi nói quyết đoán:
– Bây giờ anh lại lên xe chạy lung tung, để ý xem có ai theo dõi không. Nếu có chuyện gì, cứ khai là có đứa bạn nào của em đến nhắn vào viện… thế thôi.
– Ừ tao đi. Mày cẩn thận nhé.
– Cứ yên tâm đi. Em sẽ có cách.
° ° °
Tảo lên xe đi và lại bị Huyền bám theo. Lần này có thêm Đức và Tâm đi một xe phân khối lớn. Tảo phát hiện ra, hắn tăng tốc và luồn lách vào những ngõ nhỏ. Đức lao theo. Xe chạy đuổi nhau trong ngõ, dân tình chạy dạt ra, chửi bới om sòm. Phải công nhận là Tảo chạy xe giỏi. Mấy lần hắn suýt thoát khỏi Đức. Trong khi đó, ở nhà Long Xếch lại khóa cửa và chuồn ra một quán cà phê đối diện với khu tập thể.
Khi đuổi đến đường lớn, Đức tăng tốc và không khó khăn lắm, anh đã ép Tảo vào vệ đường. Tâm ngồi sau vọt sang, đè sấp Tảo xuống. Thấy người bắt mình là cảnh sát, Tảo khai hết sự thật. Họ dẫn Tảo về nhà. Một tốp đặc nhiệm bốn người được điều đến. Tảo thật thà:
– Để em mở cửa… nó có súng đấy!
Khi anh em ập vào nhà, Long Xếch đã biến mất. Không ai có thể ngờ rằng chỉ cách đó hơn trăm mét, Long Xếch ngồi uống cà phê và nhìn cảnh công an vây bắt mình với nụ cười khoái chí. 

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN