Cô Gái Có Hình Xăm Rồng - Chương 8
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
132


Cô Gái Có Hình Xăm Rồng


Chương 8


Thứ sáu, 3 tháng Giêng

Chủ nhật, 5 tháng Giêng

Khi Blomkvist từ trên tàu đặt chân xuống Hedestad lần thứ hai, trời có màu xanh lơ của phấn màu và không khí băng giá. Nhiệt kế trên tường nhà ga chỉ 0 độ F. Đôi giầy anh đi không hợp với thời tiết này. Không giống như lần trước, ông Frode không đón với một chiếc xe ấm áp. Blomkvist chỉ bảo họ ngày anh đến mà không báo chuyến tàu nào. Anh ngỡ có xe buýt đi Hedeby nhưng anh không thích vật lộn với hai chiếc va li nặng trịch và cái ba lô nên anh băng qua quảng trường đến chỗ taxi đỗ.

Giữa Noel và dịp Năm Mới, tuyết rơi đầy suốt dọc bờ biển Norrland, nhìn những luống tuyết, đống tuyết bị xe xúc ủi có thể thấy các đội cầu đường ở Hedestad đã được huy động hết công suất. Người lái taxi, theo thẻ căn cước cài trên cửa xe, tên là Hussein, gật đầu khi Blomkvist hỏi có phải họ đã gặp phải thời tiết khắc nghiệt không. Giọng sặc Norrland, anh ta bảo rằng đây là trận bão tuyết tệ hại nhất trong nhiều chục năm qua, rồi anh ta tiếc là đã không đi Hy Lạp trong kỳ nghỉ Noel.

Blomkvist chỉ lối cho anh tài đến cái sân vườn mới xới của nhà Henrik Vangger, anh nhấc va li đặt lên lớp sỏi, nhìn theo chiếc taxi cho tới khi nó quay đầu về phía Hedestad. Chợt anh thấy cô đơn và thấp thỏm.

Anh nghe thấy tiếng cửa mở ở đằng sau anh. Vanger quấn kín trong một chiếc khăn quàng lông dầy cộp, ủng to đùng và mũ mỏ vịt che tai. Blomkvist thì quần jean và áo jacket da mỏng.

-Nếu vào thời kỳ này trong năm mà định sống ở đây thì anh phải biết ăn mặc cho ấm hơn. -Họ bắt tay nhau – Chắc chắn là anh không thích ở toà nhà này chứ? Phải không? Trước hết hãy để cho anh sắp xếp chỗ sinh hoạt tạm thời của cho anh.

Một trong những điều kiện trong thương lượng của anh với Vanger và Dirch Frode là anh có khu sinh hoạt riêng và đi đi về về tuỳ ý. Vanger dắt Blomkvist quay lại dọc con đường đi đến cây cầu rồi rẽ để mở cái cổng vào một sân vườn khác mới được cuốc xới ở đằng trước một căn nhà gỗ nhỏ gần với đầu cuối của cây cầu. Căn nhà không khoá. Họ bước vào một hành lang đơn sơ và Blomkvist thở dài nhẹ nhõm đặt hai va li xuống.

-Chúng tôi gọi đây là nhà khách. Chúng tôi thường vẫn để dành cho những người sẽ lưu lại trong một thời gian dài ở đây. Đây là nơi bố mẹ anh đã sống

Căn nhà gồm có một bếp lớn và hai phòng nhỏ hơn, tổng cộng chừng trăm bảy chục mét vuông. Gian bếp chiếm nửa không gian và khá hiện đại, với một lò điện và một tủ lạnh nhỏ. Dựa vào tường, đối lại với cửa ra vào là một lò gang cổ đã được đốt lửa từ sáng sớm hôm nay.

-Anh không cần đốt củi trong lò trừ khi nào quá rét. Kho củi ở trong hành lang còn lán để củi có thể tìm thấy ở sau nhà. Căn nhà đã được sửa mùa thu này. Các lò điện thông thường đều đủ chạy. Hãy cẩn thận đừng treo bất cứ quần áo nào trên lò ấy, kẻo có thể bốc cháy.

Blomkvist nhìn quanh. Các cửa sổ quay ra ba hướng khác nhau, từ bàn bếp anh có thể nhìn thấy cây cầu, cách xa chừng bảy tám chục mét. Đồ đạc trong bếp, gồm ba tủ li, vài chiếc ghế, một ghế dài cũ và một giá để báo. Trên cùng là tờ See từ 1967. Ở một góc là chiếc bàn nhỏ có thể dùng làm bàn giấy.

Hai cửa hẹp dẫn đến hai buồng nhỏ hơn. Một ở bên phải, gần với bức tường ở bên ngoài nhất, không hơn một chốn náu núp mấy tí với một bàn giấy, một ghế tựa và vài cái giá dọc tường. Buồng kia, ở giữa hành lang và một phòng làm việc nhỏ là một phòng ngủ bé với một chiếc giường đôi hẹp, có một cái bàn kê ở đầu giường và một tủ quần áo. Các bức tranh phong cảnh treo ở trên tường. Đồ đạc và giấy dán tường đều đã cũ và phai màu, nhưng gian phòng nói chung thơm, sạch. Ai đó đã cọ rửa sàn nhà bằng xà phòng. Buồng ngủ lại có một cửa khác ra hành lang, ở đấy một nhà kho đã được chuyển thành một buồng tắm có vòi hoa sen.

-Anh có thể bị rắc rối về nước nôi, – Vanger nói, – Chúng tôi đã kiểm tra nước sáng nay nhưng các ống dẫn đều chôn quá sâu nên nếu trời còn rét thì nước có thể bị đóng băng. Trong hành lang có một cái xô để nếu cần anh có thể lấy nước ở chỗ chúng tôi.

-Tôi cần một cái điện thoại. – Blomkvist nói.

-Tôi đã đặt mua một cái. Ngày kia họ sẽ đến lắp. Nào, anh nghĩ sao? Nếu anh đổi ý anh sẽ được hoan nghênh ở toà nhà chính bất cứ lúc nào.

-Thế thì sẽ rất là hay, – Blomkvist nói.

-Tuyệt vời. Trời còn sáng khoảng một tiếng nữa. Chúng ta có đi bộ một lát để anh có thể làm quen với ngôi làng không? Tôi có thể gợi ý anh đi bít tất dầy và bốt không? Anh có thể thấy chúng ở cửa ra vào. – Blomkvist theo lời gợi ý và quyết định ngày mai anh sẽ đi mua quần áo lót dài và một đôi giầy mùa đông tử tế.

Ông già mở đầu cuộc đi bằng giới thiệu rằng hàng xóm bên kia đường của Blomkvist là Gunnar Nilsson, người giúp việc mà Vanger gọi là “quản gia”. Nhưng Blomkvist sớm nhận ra không chỉ thế, ông ta còn là người quản lý đối với tất cả các toà nhà ở đảo Hedeby và ông ta cũng chịu trách nhiệm đối với nhiều toà nhà ở Hedestad.

-Bố ông ta là Magnus Nilsson, những năm 60 ông ấy là quản gia cho tôi, một trong những người từng giúp giải quyết tai nạn trên cầu. Magnus về hưu và đến sống ở đây. Gunnar sống với vợ tên là Helena. Các con của họ đã đi khỏi đây cả.

Vanger ngừng lại một lát để sắp xếp các điều ông sắp nói:

-Mikael, tôi giải thích chính thức việc anh có mặt ở đây là để giúp tôi viết tự truyện. Như thế sẽ cho anh có cớ dò quanh vào trong những góc tối tăm và đặt các câu hỏi. Còn cái việc đích thực mà tôi nhờ anh thì giữ ngặt ở giữa anh, tôi và Dirch Frode.

-Tôi hiểu. Và tôi nhắc lại điều tôi đã nói trước đây: tôi không nghĩ là sẽ tìm ra được bí mật này.

-Chỉ cần anh cố hết sức. Nhưng chúng ta cần cẩn thận khi nói trước bất kỳ ai. Gunnar sáu mươi sáu, nghĩa là khi Harriet mất tích thì ông ta mười chín. Có một câu hỏi mà tôi không trả lời được bao giờ – Harriet và Gunnar là bạn tốt và tôi nghĩ đã có đôi chút lãng mạn gì đó giữa hai người. Gì thì gì anh ta cũng để mắt đến con bé. Nhưng cái ngày con bé mất tích, anh ta ở Hedestad; anh ta là một trong những người mắc kẹt bên đất liền. Vì quan hệ của hai người, anh ta đã bị theo dõi ngặt. Khá là không thú vị chút nào cho anh ta. Cả ngày anh ta ở với mấy người bạn và chỉ tối đến anh ta mới quay về đây. Cảnh sát kiểm tra và xác định anh ta có bằng chứng ngoại phạm.

-Tôi cho là ông có một danh sách của mọi người trên đảo và những việc họ làm hôm ấy.

-Đúng. Chúng ta tiếp tục chứ?

Họ dừng ở ngã tư trên đồi và Vanger chỉ xuống bến cá cũ nay là bến tàu.

-Tất cả đất đai trên đảo Hedeby là gia đình Vanger sở hữu – hay để cho chính xác hơn thì tôi quản lý. Trừ đất trang trại ở Ostergarden và một ít nhà ở trong làng đây. Các ngôi lều ở dưới bến cá kia là sở hữu tư nhân nhưng là những nhà nghỉ mùa hè, vào mùa đông phần lớn chúng trống không. Trừ cái nhà xa nhất ở đằng kia – anh có thể thấy khói bay từ ống khói ra.

Blomkvist trông thấy khói bốc lên. Anh lạnh buốt thấu xương.

-Đó là một nơi tồi tàn, gió lùa thảm hại quanh năm. Eugen Norman sống ở đó. Ông ta đã gần tám chục và là hoạ sĩ vẽ đủ thứ. Tôi nghĩ tác phẩm của ông ta là những trò hào nhoáng nhưng ông ta cũng được tiếng là hoạ sĩ phong cảnh. Anh có thể gọi ông ta là dị nhân bất đắc dĩ ở trong làng.

Vanger dắt Blomkvist đến tận nơi, nhận dạng lần lượt từng ngôi nhà. Ngôi làng có sáu toà nhà to ở về phía tây của con đường và bốn nhà ở phía đông. Nhà đầu tiên, gần hơn cả với nhà khách của Blomkvist và cơ ngơi của Vanger, thuộc về Harald, anh của Henrik Vanger. Nó hình chữ nhật, hai tầng bằng đá, thoạt nhìn thấy ngay là không có người ở. Rèm rủ, con đường đến cửa chính không được quét dọn; tuyết phủ dầy đến mười lăm, hai mươi centimét. Nhìn kỹ thêm họ có thể thấy các vết chân của một ai đó sục vào tuyết từ ngoài đường lên đến cửa.

-Harald là một người ở ẩn. Hai anh em tôi không bao giờ nhìn vào mắt nhau. Ngoài các bất đồng về làm ăn không kể – Harald là một cổ đông – trong gần 60 năm qua chúng tôi ít khi nói chuyện với nhau. Năm nay ông anh tôi chín hai, người duy nhất còn sống trong bốn ông anh của tôi. Tôi sẽ nói với anh các chi tiết sau nhưng anh ấy đã được học để làm bác sĩ, phần lớn thời gian anh tôi làm việc ở Uppsala. Từ bảy mươi tuổi anh ấy quay về Hedeby.

-Là hàng xóm của nhau mà các ông không quan tâm đến nhau.

-Tôi thấy anh ấy đáng ghét, thà anh ấy ở Uppsala lại hay nhưng anh ấy sở hữu ngôi nhà này. Tôi nói nghe có giống một người mang tâm địa độc ác không?

– Ông nói nghe như không yêu anh của mình lắm.

– Tôi đã bỏ hai mươi lăm năm đầu của đời tôi để xin lỗi cho những người như Harald vì chúng tôi cùng chung một gia đình. Rồi tôi phát hiện thấy dính dấp họ hàng không phải là bảo đảm của tình yêu và tôi thì có ít lý do để bảo vệ Harald.

Ngôi nhà kế theo của Isabella, mẹ của Harriet Vanger.

– Năm nay Isabella bảy lăm nhưng vẫn điệu đàng và vô dụng như muôn thuở là vậy. Isabella cũng là người duy nhất trong làng này trò chuyện với Harald và thỉnh thoảng thăm ông anh tôi nhưng họ chả giống nhau gì mấy.

– Quan hệ của bà ấy với Harriet ra sao?

-Câu hỏi hay đấy. Phụ nữ là cần đưa vào đám nghi can. Tôi đã bảo anh là Isabella vất con cái cho chúng tự xoay xở lấy rồi mà. Tôi không dám chắc nhưng tôi nghĩ lòng dạ bà ấy cũng tử tế, có điều là Isabella không thể gánh trách nhiệm. Hai mẹ con không bao giờ thân nhau nhưng cũng không phải là kẻ thù của nhau. Isabella có thể rắn nhưng đôi khi bà ấy không ở đấy hẳn. Anh sẽ hiểu ý tôi khi anh gặp Isabella.

Hàng xóm của Isabella là Cecilia Vanger, con gái của Harald.

-Cecilia này từng kết hôn và sống ở Hedestad nhưng hai chục năm trước hai vợ chồng đã li thân. Có ngôi nhà, tôi để cho cháu dọn đến. Nó là cô giáo, thẳng thừng đối chọi lại bố nó ở nhiều mặt. Hai bố con nhà này chỉ nói với nhau khi cần thiết.

-Chị ấy bao nhiêu tuổi?

-Sinh năm 1946. Vậy là hai mươi khi Harriet mất tích. Ừ đúng, con bé là một trong những khách khứa trên đảo ngày hôm ấy. Nom có vẻ lơ ma lơ mơ nhưng Cecilia là tinh khôn hơn phần lớn. Chớ đánh giá thấp nó. Nếu có ai lùng ra được anh đến đây để làm gì thì nó là một trong số họ đấy. Tôi cần nói thêm là trong họ hàng, tôi trọng nó nhất.

-Như thế có nghĩa là ông không nghi chị ấy?

-Tôi không nói thế. Tôi muốn anh suy nghĩ vấn đề mà không bị một cưỡng ép nào, bất chấp tôi nghĩ hay tôi tin ra sao.

Ngôi nhà gần với Cecilia nhất cũng là Henrik Vanger sở hữu nhưng một đôi vợ chồng già trước đây có chân trong kíp điều hành các công ty Vanger hiện đang thuê ở. Họ chuyển đến đảo Hedeby vào những năm 80 nên không liên quan đến việc Harriet mất tích. Nhà tiếp theo nữa là thuộc sở hữu của Birger Vanger, anh trai Cecilia. Ngôi nhà để không nhiều năm từ ngày Birger dọn đến một ngôi nhà hiện đại ở Hedestad.

Phần lớn các ngôi nhà dọc đường là những cấu trúc bằng đá vững chắc làm từ đầu thế kỷ hai mươi. Ngôi nhà cuối cùng là một kiểu khác, một ngôi nhà hiện đại do kiến trúc sư thiết kế, gạch trắng với các khung cửa sổ màu đen. Nó ở một địa thế hẹp, từ trên tầng thượng, Blomkvist có thể thấy nó nhìn ra với biển ở phía đông và Hedestad ở phía tây, một cảnh quan tuyệt vời.

-Martin – anh của Harriet và CEO của tập đoàn Vanger – sống ở đây. Đây từng là nhà của một mục sư, nhưng những năm 70 có một trận hoả hoạn, nên nó đã bị phá huỷ, năm 1978, khi làm CEO của công ty, Martin đã xây ngôi nhà này.

Gerda Vanger, vợ goá của Greger, anh của Henrik, và con trai Alexander sống ở ngôi nhà cuối cùng về phía đông của con đường.

-Gerda hay đau ốm. Chị ấy bị thấp khớp. Alexander sở hữu một phần nhỏ của Tập đoàn Vanger nhưng nó trông nom một số doanh nghiệp của riêng nó gồm có các nhà ăn. Alexander thường mỗi năm lại đến Barbados ở vài ba tháng, nó đã đầu tư một khoản tiền lớn vào du lịch.

Ở giữa nhà của Gerda và Henrik là một tràn đất với hai toà nhà nhỏ hơn, để không. Chúng thường được dùng làm nhà khách cho mọi người trong gia đình. Ở phía bên kia của nhà Henrik là một cơ ngơi tư nhân, một nhân viên làm thuê về hưu khác sống với vợ ở đó, nhưng vào mùa đông khi hai vợ chồng này tới Tây Ban Nha, nó để không.

Hai người quay về ngã tư và đến đây chấm hết chuyến đi dạo. Hoàng hôn bắt đầu buông. Blomkvist chủ động nói.

– Henrik, tôi sẽ làm cái việc mà tôi được mướn để làm. Tôi sẽ viết tự truyện của ông và tôi sẽ làm cho ông vui bằng việc đọc cẩn thận, đọc có phê phán tất cả các tài liệu về Harriet. Tôi chỉ mong ông hiểu cho rằng tôi không phải là một thám tử tư.

– Tôi chả mong đợi gì.

– Tốt.

– Tôi là một con cú đêm. – Vanger nói. – Sau bữa trưa tôi sẵn sàng “phục vụ” anh. Tôi sẽ thu xếp cho anh một văn phòng ở bên kia để cho anh có thể sử dụng nó bất cứ lúc nào mà anh thích.

– Không, cảm ơn. Tôi đã có chỗ làm việc ở nhà khách rồi, tôi sẽ làm công việc của tôi ở đấy.

– Tuỳ anh vậy.

– Nếu tôi cần chuyện trò với ông thì chúng ta sẽ làm việc đó ở văn phòng của ông nhưng đêm nay tôi chưa quăng các câu hỏi vào ông vội đâu.

– Tôi hiểu. – Ông già nom hình như có vẻ e dè.

– Đọc cho hết giấy tờ cũng phải mất một hai tuần. Chúng ta sẽ làm việc trên hai mặt trận. Hàng ngày chúng ta sẽ gặp nhau một ít giờ để tôi có thể hỏi ông và thu thập tư liệu để viết tự truyện của ông. Khi tôi bắt đầu có các câu hỏi về Harriet mà tôi cần thảo luận với ông, tôi sẽ xin báo ông biết.

– Nghe lọt đấy.

– Tôi sẽ cần rảnh tay để làm việc và tôi sẽ không đặt ra lịch liếc gì cả.

– Việc nên thế nào là tự anh quyết định.

– Tôi cho là ông đã biết tôi sẽ phải ngồi tù hai ba tháng. Tôi không biết chính xác là khi nào nhưng chắc chắn tôi sẽ không kháng án. Chắc sẽ là một lúc nào đó trong năm nay thôi.

Vanger nhăn mặt.

-Thật không may. Khi nào chuyện này đến, chúng ta sẽ phải giải quyết. Anh có thể xin hoãn hạn cơ mà.

-Nếu được phép và tôi có đủ tư liệu, tôi sẽ viết quyển sách của ông ở trong tù. Một điều nữa: tôi vẫn là chủ đồng sở hữu của tờ Millennium và hiện nó là một tạp chí đang gặp hạn. Nếu có chuyện gì đó xảy ra mà cần tôi ở Stockholm, tôi sẽ phải vất đi cái việc tôi đang làm để đến đó.

– Tôi không muốn anh làm cu ly. Tôi muốn anh làm chu đáo cái nhiệm vụ tôi giao cho anh nhưng dĩ nhiên anh có thể lập ra kế hoạch của anh và làm việc như anh thấy là thích hợp. Nếu cần nghỉ một thời gian, anh cứ tự do nghỉ nhưng nếu tôi phát hiện anh không làm việc thì tôi sẽ coi đó là phá vỡ hợp đồng.

Vanger nhìn sang bên kia cây cầu. Trông ông gầy còm và Blomkvist nghĩ lúc này ông giống như con bù nhìn u hoài.

– Còn liên quan đến Millennium thì chúng ta nên bàn xem cái khó khăn mà nó đang trải qua kia là thuộc loại gì và liệu tôi có thể giúp được như thế nào đó không.

– Cái ông giúp tôi tốt nhất là cho tôi cái đầu của Wennerstrom để sẵn ở trên đĩa ngay vào lúc này và ngay ở đây.

– Ồ không, tôi không nghĩ làm chuyện đó bây giờ. – Ông già nghiêm nghị nhìn Blomkvist – Lý do duy nhất để anh nhận việc này là vì tôi hứa “xì” Wennerstrom ra. Nếu tôi cho anh thông tin bây giờ thì anh sẽ có thể ngừng việc bất cứ lúc nào anh thích. Tôi sẽ cho anh thông tin này sau một năm.

– Henrik, tôi xin lỗi đã nói như thế nhưng tôi không chắc một năm nữa ông vẫn còn sống.

Vanger thở dài, tư lự nhìn sang đằng cảng cá.

– Thôi được. Tôi sẽ nói với Frode để xem chúng tôi có thể xoay ra được một cái gì không. Nhưng hễ còn liên quan đến Millennium, tôi đều có thể giúp bằng một cách nào đấy. Như tôi hiểu thì các khách hàng đăng quảng cáo đang rút dần.

– Đây là vấn đề tức thời nhưng cuộc khủng hoảng đang diễn ra còn sâu sắc hơn thế nữa. Nó là vấn đề uy tín. Chúng tôi có bao nhiêu đối tác đăng quảng cáo, với chúng tôi cái ấy không quan trọng bằng không có ai mua tạp chí.

-Tôi hiểu điều đó. Tôi đang còn ở trong ban giám đốc của một tập đoàn khá lớn, tuy vai trò có bị động. Chúng tôi cần đăng quảng cáo ở đâu đó. Để chúng tôi bàn vấn đề này ở một cấp nào đó xem. Anh có muốn ăn tối…

– Không, tôi muốn sắp xếp ổn định, mua một ít đồ lặt vặt và ngó quanh. Ngày mai tôi sẽ đi Hedestad mua quần áo rét.

– Ý hay đấy.

– Tôi muốn các hồ sơ về Harriet được chuyển đến chỗ tôi.

– Chúng cần phải được giữ…

– Hết sức cẩn thận, tôi hiểu.

Blomkvist quay về nhà khách. Lúc vào nhà, răng anh va lập cập. Nhiệt kế bên ngoài cửa sổ chỉ 5 độ F, sau cuộc đi bộ kéo dài chỉ có ba mươi phút vừa rồi, anh không thể nhớ ra là đã từng có phen nào bị lạnh như thế này.

Anh bỏ một giờ thu xếp cho mình ở trong cái mà năm tới đây sẽ là ngôi nhà của anh. Anh xếp quần áo vào tủ quần áo ở trong buồng ngủ rồi đến buồng tắm. Chiếc va li thứ hai của anh thật sự là một cái hòm có bánh xe. Anh lấy ở đó ra nào là sách, đĩa CD, máy nghe nhạc, sổ tay, máy ghi âm Sanyo, một máy quét hình Microtek, một máy in phun mực, một máy ảnh số Minolta và một số thứ khác anh coi là đồ lề cần thiết cho một năm “lưu vong”.

Anh đặt sách và đĩa CD lên trên giá ở trong phòng làm việc cùng với hai cặp bìa đựng tài liệu nghiên cứu về Hans-Erik Wennerstrom. Tài liệu này vô dụng nhưng anh không thể buông nó. Muốn thế nào thì vì sự nghiệp còn đang tiếp tục của anh, anh cũng phải cho hai tập hồ sơ ấy quay vào các toà cao ốc.

Cuối cùng anh mở cái ba lô ra, lấy iBook để lên bàn làm việc. Rồi anh dừng lại bối rối nhìn quanh. Những cái lợi của việc sống ở đồng quê đây. Không có chỗ cắm cáp băng thông rộng. Không có cả giắc điện thoại để nối mạng qua một modem dial-up đã cũ.

Blomkvist gọi công ty điện thoại Telia bằng điện thoại di động. Sau ít tiếng lọc sọc ọ ẹ anh đã gọi được một ai đó để tìm lệnh mua sắm đồ đạc mà Vanger đã đặt cho nhà khách. Anh muốn biết là đã kết nối được băng thông rộng ADSL chưa, người ta bảo anh có thể kết nối bằng một rơ le ở Hedeby và như vậy thì sẽ mất vài ba ngày.

Lúc Blomkvist xong mọi thứ thì đã 4 giờ. Anh xỏ chân vào đôi tất dầy, một đôi bốt mượn và chui đầu vào cái áo ấm ngoại cỡ. Anh đứng sững lại ở cửa ra vào: anh không có chìa khoá của nhà này, và cái thói quen của người thành thị ở anh, bèn nổi loạn với cái ý cứ để cửa không khoá. Anh lại vào trong bếp mở các ngăn kéo. Cuối cùng anh tìm được một chiếc chìa treo ở một cái đinh trong tủ bát đĩa.

Nhiệt độ đã tụt xuống âm 1 độ F. Anh rảo chân qua cầu và đi lên đồi qua trước nhà thờ. Cửa hàng Khôngnsum ở chỗ tiện đường đi cách đó khoảng hơn hai mươi mét. Anh nhét đầy căng hai túi giấy các thứ cần dùng rồi mang về nhà trước khi quay lại qua cầu lần nữa. Lần này anh dừng lại ở quán Cà phê & bánh đầu cầu Susanne. Người phụ nữ đứng sau quầy chừng năm chục tuổi. Anh hỏi có phải chị ta là Susanne không rồi tự giới thiệu, nói chắc chắn mình sẽ là khách hàng đều đặn. Lúc này anh là khách hàng duy nhất, Susanne đem cho anh cà phê khi anh gọi bánh kẹp thịt và mua ổ bánh mì. Anh lấy một tờ Hedestad Courier ở trên giá báo, ngồi xuống bàn, trước mặt là cảnh cây cầu và nhà thờ mà giờ mặt tiền đã được thắp sáng. Trông nó như một bưu ảnh Noel. Anh đọc tờ báo mất bốn phút. Tin lý thú duy nhất là cái mẩu ngắn ngủn giải thích việc một nhà chính trị sở tại với tên Birger Vanger (đảng Tự do) sắp đầu tư vào “IT TechCent” – một trung tâm phát triển công nghệ ở Hedestad. Blomkvist ngồi đó cho tới khi quán cà phê đóng cửa lúc 6 giờ.

7 giờ 30 phút, anh gọi Berger nhưng được bảo rằng người ở số này không gọi được. Anh ngồi lên chiếc ghế dài trong bếp, cố đọc một cuốn tiểu thuyết mà, theo như lời lẽ ở bìa sau thì là về sự khởi đầu đầy li kì của một thiếu nữ hoạt động bảo vệ nữ quyền. Cuốn tiểu thuyết đại khái nói về việc tác giả mưu tính làm chủ đời sống tình dục của bản thân trong chuyến đi đến Paris, Blomkvist thầm nghĩ nếu anh viết một cuốn tiểu thuyết về đời sống tình dục của anh bằng cái giọng của một sinh viên cao đẳng thì liệu anh có được gọi là nhà bảo vệ nữ quyền không. Chắc không. Anh mua cuốn này vì nhà xuất bản đã tâng bốc tiểu thuyết gia đầu tay này là “một Carina Rydberg 1 mới”. Anh mau chóng xác nhận trường hợp đây không phải là thế, cả về văn phong lẫn nội dung. Anh bỏ quyển sách một lúc, thay vào đó đọc một truyện của Hopalong Cassidy ở trong một số Rekhôngrdmagazinet từ giữa những năm 50.

Cứ nửa giờ đồng hồ một, anh lại nghe thấy tiếng rền ngắn ngủn, nghèn nghẹn của chuông nhà thờ. Trông thấy ánh sáng bên trong cửa sổ nhà người quản gia bên kia đường nhưng Blomkvist không nhìn thấy ai ở trong nhà. Nhà Harald tối. Khoảng 9 giờ một chiếc xe chạy qua cầu và biến mất ở đầu làng. Vào nửa đêm, ánh sáng ở mặt tiền nhà thờ tắt. Đây rõ ràng là sự trọn vẹn của việc tiêu khiển vào một tối thứ Sáu đầu tháng Giêng tại Hedeby. Nó yên ắng lạ lùng.

Anh lại thử gọi Berger, nhận được lời nhắn hãy để lại tên và thông tin. Anh làm theo rồi tắt đèn và lên giường. Điều cuối cùng anh nghĩ trước khi ngủ thiếp đi là anh sắp đứng trước một nguy cơ cao phát điên hoá rồ vì bị cầm cố ở Hedeby.

Lạ lùng khi tỉnh giấc trong im lặng tuyệt đối. Trong một phần giây, đang ngủ say, Blomkvist chuyển sang tỉnh táo ngay lập tức và anh vẫn nằm yên nghe ngóng. Gian buồng lạnh. Anh quay đầu nhìn vào chiếc đồng hồ tay anh để ở trên một cái ghế bên đầu giường. 7 giờ 8 phút – anh không bao giờ là người dậy sớm lắm, với anh đã thành thói quen khi tỉnh dậy nếu không có ít nhất hai chiếc đồng hồ báo thức. Hôm nay anh hoàn toàn tự thức dậy và anh cảm thấy được nghỉ ngơi.

Anh lấy một ít nước để pha cà phê rồi đứng dưới vòi hoa sen. Anh thình lình thấy vui vui với tình cảnh của mình. Kalle Blomkvist – trên một chuyến đi tìm kiếm vào tận đằng sau chốn đèo heo hút gió.

Chỉ khẽ đụng vào, vòi hoa sen đã chuyển từ nóng bỏng sang lạnh buốt. Không có báo buổi sáng trên bàn bếp. Bơ đông cứng. Không có dao cắt pho mát trong ngăn kéo đồ dùng bếp núc. Bên ngoài vẫn tối như mực. Hàn thử biểu thị âm 6 độ. Hôm nay thứ Bảy.

Bến xe buýt đi Hedestad ở trên đường từ cửa hàng Khôngnsum và Blomkvist bắt đầu cuộc lưu đày bằng việc mang theo kế hoạch mua sắm trong thị trấn. Anh xuống xe ở cạnh ga tàu, làm một vòng đi quanh thị trấn. Trên đường, anh mua đôi bốt mùa đông dầy nặng, hai bộ quần áo lót dài, vài chiếc sơ mi flanen, một cái jacket mùa đông dài đến ngang đùi, một mũ mỏ vịt ấm và găng tay có lót. Ở cửa hàng điện tử, anh tìm được một tivi xách tay với đôi tai thỏ. Nhân viên bán hàng đảm bảo với anh rằng ở ngoài Hedeby anh có thể bắt được ít nhất là SVT, kênh truyền hình Nhà nước, và Blomkvist giao hẹn sẽ đòi lại tiền nếu sự thật không như anh ta nói.

Anh vào thư viện để xin một cái thẻ và mượn hai cuốn truyện hình sự của Elizabeth George. Anh mua sổ tay, bút. Anh cũng mua một cái ba lô để đựng những thứ đồ vừa mua.

Cuối cùng anh mua một hộp thuốc lá. Anh đã thôi hút mười năm trước, nhưng thỉnh thoảng anh cũng hút lại. Anh nhét hộp thuốc lá vào đáy túi, không bóc ra. Chỗ dừng sau đó là cửa hàng kính, anh mua hai mắt kính áp tròng và đặt những mắt kính mới.

2 giờ anh quay về Hedeby, anh vừa tháo mác giá tiền ra khỏi mấy cái quần áo thì anh nghe thấy tiếng cửa chính mở. Một phụ nữ tóc vàng – có lẽ chừng năm chục tuổi – gõ vào cửa bếp đang mở khi bước qua ngưỡng cửa. Bà ta mang tới đĩa bánh gatô.

– Chào anh, tôi chỉ muốn đến để tự giới thiệu. Tôi là Helena Nilsson, tôi ở bên kia đường. Tôi nghe nói chúng ta là hàng xóm của nhau.

Họ bắt tay và Blomkvist tự giới thiệu.

-Ồ vâng, tôi đã thấy ông trên tivi. Tối đến thấy có ánh đèn ở đây thật là hay.

Blomkvist mời cà phê. Mới đầu bà ta từ chối nhưng rồi cũng ngồi xuống bên chiếc bàn bếp, liếc vội một cái ra ngoài cửa sổ.

-Henrik và chồng tôi đang đến kìa. Trông như có vài cái hộp cho ông.

Henrik và Gunnar Nilsson đỗ ở bên ngoài với một xe kéo chở hàng, Blomkvisst nhào vội ra chào đón họ và giúp mang bốn cái sọt đựng đồ vào trong. Họ để những cái hộp xuống sàn ở gần bếp lò, Blomkvist lấy tách cà phê ra và cắt bánh của bà Nilsson.

Vợ chồng Nilsson là những người vui tính. Họ hình như không tò mò tại sao Blomkvist lại ở Hedestad đây – việc anh làm cho Henrik Vanger rõ ràng đã đủ giải thích. Blomkvist quan sát quan hệ qua lại giữa nhà Nilsson và Vanger, đó là một mối quan hệ thoải mái và không có cái hố ngăn cách giữa chủ nhân với đầy tớ. Họ nói về cái làng, về người đã xây cất ngôi nhà khách mà Blomkvist hiện đang ở. Vợ chồng Nilsson sẽ nhắc Vanger mỗi khi ông quên. Về phía mình, Vanger kể câu chuyện vui về một đêm Nilsson đến nhà đã phát hiện một thằng rồ trong làng ở bên kia cầu đang cố đập vỡ một cái cửa sổ của nhà khách. Nilsson hỏi tay dở người tại sao không vào bằng cửa chính không khoá. Nilsson ngờ vực kiểm tra chiếc tivi nhỏ của Blomkvist, mời anh qua nhà mình nếu có một chương trình tivi anh muốn xem.

Vanger ngồi lại một lát sau khi vợ chồng Nilsson đi. Ông nghĩ tốt nhất là Blomkvist tự tay sắp xếp các hồ sơ và anh có thể đến nhà nếu anh có vấn đề gì.

Khi còn lại chỉ có một mình, Blomkvist mang những cái hộp vào trong phòng làm việc và làm một cuộc kiểm kê nội dung của chúng.

Vanger tiếp tục điều tra việc đứa cháu gái mất tích đã ba mươi sáu năm. Blomkvist nghĩ đây là một ám ảnh không lành mạnh hay theo với thời gian nó đã hoá ra một trò chơi trí tuệ. Điều rõ ràng là vị trưởng lão này đã xử lý công việc đó với cách tiếp cận có hệ thống của một nhà khảo cổ học nghiệp dư – tài liệu xếp đầy cả sáu bảy mét giá sách.

Phần lớn nhất của nó gồm hai mươi sáu cặp hồ sơ là các bản sao về điều tra của cảnh sát. Khó tin được rằng trường hợp một người mất tích bình thường mà lại có những tài liệu toàn diện đến thế. Rõ ràng là Vanger đã có đủ phép để khiến cho cảnh sát Hedestad lần theo các đầu mối đáng tin lẫn không đáng tin.

Rồi có những cuốn cắt dán tư liệu, các album ảnh, bản đồ, bài viết về Hedestad và doanh nghiệp Vanger, nhật ký của Harriet( tuy không nhiều trang), các sách học của cô, các giấy chứng nhận y tế. Có mười sáu tập giấy khổ A4, mỗi tập một trăm trang hay hơn, vốn là sổ sách về lộ trình điều tra của Vanger. Trong các sổ sách này, ông đã tự viết tay rất đẹp các suy diễn, lý thuyết, các lạc đề của ông. Blomkvist lần giở chúng. Ông già viết rất mạch lạc và anh cảm thấy các bản viết này đã sao chép lại trung thành các sổ tay mà nội dung có lẽ còn nhiều hơn thế. Có mười cặp hồ sơ đựng tài liệu về các thành viên của gia đình Vanger; những trang này được đánh máy và tích lại theo năm tháng từng diễn ra các cuộc điều tra của Vanger về chính gia đình của ông.

Khoảng 7 giờ anh nghe tiếng meo meo ở cửa chính. Một con mèo nâu hung hung đỏ len nhanh qua anh vào trong buồng tắm.

-Con mèo này khôn, – anh nói.

Con mèo đánh hơi một lúc quanh ngôi nhà khách. Mikael đổ sữa vào một cái đĩa. Vị khách của anh liếm sạch sẽ ngay. Rồi con mèo nhảy lên chiếc ghế dài trong bếp, cuộn tròn người lại. Và ở lại đấy.

Blomkvist chưa kịp có được ở trong đầu một cái nhìn bao quát và rõ ràng về đống tài liệu và sắp xếp chúng lên trên các ngăn giá thì đã quá 10 giờ. Anh pha một bình cà phê và làm hai chiếc bánh kẹp thịt. Cả ngày anh chưa ăn bữa nào ra hồn nhưng lạ là anh lại không để tâm đến chuyện ăn uống. Anh cho con mèo một miếng lạp xường và vài miếng xúc xích gan. Uống cà phê xong, anh lấy thuốc lá trong túi jacket ra và mở hộp.

Anh xem điện thoại di động. Berger không gọi. Anh thử một lần nữa, lại chỉ có lời dặn nhắn lại tin.

Một trong những bước Blomkvist phải làm trước tiên là ra xem tấm bản đồ đảo Hedeby mượn của Vanger. Trong khi những cái tên còn tươi mới ở trong đầu, anh ghi vào sổ nhà của từng người. Gia tộc Vanger là một bảng phân vai rộng lớn như thế, anh phải mất rất nhiều thời gian mới biết được từng người.

Ngay trước nửa đêm anh mặc quần áo ấm, giầy mới, đi bộ qua cầu. Anh quẹo khỏi đường và men dọc theo eo biển bên dưới nhà thờ. Băng đã đóng ở eo biển và trong cảng cũ nhưng ngoài xa giữa trời anh vẫn có thể trông thấy một dải nước tối màu hơn. Lúc anh dừng lại, ánh sáng ở mặt tiền nhà thờ biến mất, xung quanh anh hoàn toàn tối đen. Buốt giá và sao đầy trời.

Chợt Blomkvist cảm thấy nản. Anh không thể hiểu tại sao vì cuộc sống của mình mà anh lại chịu cho Vanger xui khiến để nhận lấy công việc này. Berger đúng, anh nên ở Stockholm – chẳng hạn cùng ở trên giường với cô – và đặt kế hoạch chống lại Wennerstrom. Nhưng anh cũng thấy vô cảm với chuyện đó và thậm chí cũng chả có lấy được một chút ý mờ nhạt nào về chuyện mở đầu một chiến lược phản đòn.

Nếu là ban ngày ban mặt, anh sẽ đi thẳng tới nhà Vanger, huỷ bản hợp đồng, rồi về nhà. Nhưng từ chỗ đất nhô ở cạnh nhà thờ, anh có thể phân biệt tất cả các ngôi nhà ở phía đảo. Nhà Harald tối, nhưng có ánh đèn trong nhà Cecilia cũng như ở biệt thự của Martin bên ngoài mũi đất đầu làng và trong ngôi nhà cho thuê. Trong cảng cho tàu nhỏ đậu, có ánh sáng trong gian cabin trống gió của người họa sĩ, còn ở trong ống khói tàu ông ta thì có những đám tia lửa nho nhỏ bốc lên. Có cả ánh sáng ở tầng thượng của quán cà phê và Blomkvist nghĩ liệu Susanne có sống ở đó không, nếu có thì liệu có một thân một mình không.

Sáng Chủ nhật, anh hoảng hốt thức dậy vì nhà khách đầy những tiếng ầm ĩ không thể tin nổi. Anh mặc vội quần áo và nhận ra đó là các chuông của nhà thờ đang thỉnh gọi con chiên làm lễ buổi sáng. Anh nằm ở trên giường cho đến khi thấy tiếng meo khẩn cấp ở lối ra cửa thì đứng dậy để cho con mèo ra ngoài.

Buổi trưa anh tắm vòi sen và ăn điểm tâm. Anh cả quyết đi vào buồng làm việc, lấy cặp hồ sơ thứ nhất của cuộc điều tra của cảnh sát. Rồi anh ngập ngừng. Ở cửa sổ đầu hồi, anh có thể trông thấy quán Cà phê & bánh đầu cầu Susanne. Anh nhét cặp hồ sơ vào balô rồi mặc quần áo để ngoài nhà. Ở quán cà phê, anh thấy đầy khách và chính ở đấy anh đã có câu trả lời cho một câu hỏi từng nằm ở trong đầu anh: ở một nơi heo hút xa xôi như Hedeby thì một quán cà phê làm sao mà lại có thể sống được? Susanne chuyên phục vụ những người đi lễ nhà thờ và có thể làm cà phê, bánh ngọt cho các tang lễ và các công việc khác.

Anh không vào mà đi bộ tiếp. Chủ nhật cửa hàng Khôngnsum đóng cửa, anh đi vài trăm mét đến Hedestad, mua mấy tờ báo ở một trạm xăng. Anh đi bộ một giờ quanh Hedeby, làm quen với cái thị trấn ở đằng trước cây cầu. Khu vực gần nhà thờ nhất và ở quá Khôngnsum là trung tâm, với các toà nhà cổ hơn – hai kiến trúc bằng đá có gác mà Blomkvist đồ chừng xây từ những năm 1910 hay 1920 làm nên một phố chính ngăn ngắn. Mạn bắc con đường vào thị trấn là những toà nhà chung cư được bảo quản tốt cho các gia đình có trẻ nhỏ. Dọc biển và đến phía nam nhà thờ phần lớn là những ngôi nhà của các gia đình chưa có con. Hedeby xem vẻ là một khu vực tương đối thú vị cho những người ra quyết định và viên chức dân sự sống.

Khi anh trở lại cây cầu, cuộc tiến công vào quán cà phê đã dịu đi nhưng Susanne vẫn đang dọn dẹp tách đĩa ở các bàn.

– Giờ cao điểm Chủ nhật? – Anh nói thay chào.

Chị gật đầu, gài một lọn tóc vào sau tai.

– Chào, Mikael.

– Thế ra chị nhớ tên tôi.

– Khó quên đấy. – chị nói. – Tôi theo dõi vụ xử anh ở trên tivi.

– Họ đã phải nhồi một cái gì đó vào các tin tức. – anh lầm bầm rồi dạt đến một bàn cà phê ở trong góc để có thể nhìn thấy cầu. Khi anh bắt gặp mắt Susanne, chị mỉm cười.

3 giờ, Susanne nói chị đóng cửa quán. Sau giờ cao điểm đi nhà thờ, chỉ có một ít khách đến rồi đi. Blomkvist đã đọc được hơn một phần năm cặp hồ sơ thứ nhất về điều tra của cảnh sát. Anh nhét sổ tay vào balô, đi bộ gấp qua cầu về nhà.

Con mèo chờ ở cửa. Anh nhìn quanh nghĩ xem con mèo của ai. Dẫu sao cứ cho nó vào nhà, ít ra con mèo cũng là một thứ bầu bạn nào đó.

Anh lại uổng công gọi Berger. Rõ ràng cô vẫn còn điên tiết với anh. Anh có thể gọi cô bằng trực tuyến ở văn phòng toà soạn hay số của nhà cô nhưng anh đã lưu lại kha khá tin nhắn mất rồi. Thay vào gọi, anh pha cà phê, xua con mèo ra xa chiếc ghế dài trong bếp và mở cặp hồ sơ ra để lên trên bàn.

Anh đọc thong thả và cẩn thận, không muốn để mất bất cứ chi tiết nào. Khuya, khi anh đóng cặp hồ sơ lại, nhiều trang trong sổ tay của anh đã được ghi đầy – với những điều gợi nhớ và những câu hỏi mà anh hy vọng sẽ tìm ra câu trả lời ở trong các cặp hồ sơ tiếp theo. Tất cả tài liệu được xếp đặt theo trật tự thời gian. Anh không thể nói đó là cách Vanger tổ chức lại chúng hay đó là hệ thống được cảnh sát thời đó sử dụng.

Trang đầu là bản sao một báo cáo viết tay mang tiêu đề Trung tâm Khẩn cấp của cảnh sát Hedestad. Viên cảnh sát nhận điện thoại đã ký tên là T.B.Ryttinger và Blomkvist cho rằng T.B. là viết tắt chữ “Trực Ban”. Người gọi là Henrik Vanger. Địa chỉ và số điện thoại của ông đã ghi ở đây. Bản báo cáo đề ngày Chủ nhật, 25 tháng Chín, 1966, 11 giờ 14 phút sáng. Báo cáo ngắn gọn.

Hrk, Vanger gọi, báo rằng con gái (?) của anh trai ông, Harriet Ulrika VANGER, sinh 15 thg.1.1950 (16 tuổi) bị mất tích ở nhà cô ta ở trên đảo Hedeby từ chiều thứ Bảy. Người gọi tỏ ra rất hoang mang.

Một tin gửi đến lúc 11 giờ 20 báo rằng P-014 (xe cảnh sát? Xe tuần tra? Hoa tiêu một con tàu?) đã được phái đến hiện trường.

Một tin khác lúc 11giờ 35 viết dễ đọc hơn báo cáo của Ryttinger gài thêm rằng Sq. Magnusson báo cáo cầu đến đảo Hedeby vẫn bị tắc. Đi lại bằng tàu. Bên lề, một chữ ký không đọc ra nổi.

Lúc 12 giờ 14, Ryttinger trở lại: Chuyện điện thoại Sq. Magnusson ở H-by xác nhận rằng Harriet Vanger 16 tuổi mất tích từ đầu buổi chiều thứ Bảy. Gia đình rất hoang mang. Tin rằng đã không ngủ ở giường cô ta đêm hôm trước. Không thể đã rời đảo vì cầu tắc. Không ai trong gia đình biết chút gì về HV.

Lúc 12 giờ 19 chiều: G.M. thông báo tình hình bằng điện thoại.

Tin cuối cùng ghi lúc 1 giờ 42 chiều: G.M. tại hiện trường ở H-by, sẽ tiếp quản vấn đề.

Trang sau cho biết hai chữ tắt G.M. là nói cảnh sát điều tra Gustaf Morell, người đã đến đảo Hedeby bằng tàu và nhận quyền chỉ huy ở đấy, đang chuẩn bị một báo cáo chính thức về việc Harriet Vanger mất tích. Không giống nhưng ghi nhận đầu tiên với những chữ viết tắt không cần thiết, các báo cáo của Morell được đánh máy và câu cú thành văn có thể đọc được rất trôi chảy. Các trang sau thuật lại các biện pháp nào đã được áp dụng. Tính khách quan và sức mạnh của chi tiết đã làm cho Blomkvist ngạc nhiên.

Morell đã phỏng vấn trước tiên Henrik Vanger cùng Isabella Vanger, mẹ của Harriet. Rồi lần lượt ông nói chuyện với Ulrika Vanger, Harald Vanger, Greger Vanger, Martin Vanger, anh của Harriet và Anita Vanger. Blomkvist đi đến kết luận rằng các phỏng vấn này đã được làm theo thứ bậc quan trọng giảm dần.

Ulrika là mẹ của Henrik Vanger và rõ ràng là bà giữ địa vị như một nữ hoàng nhiếp chính. Ulrika sống trong cơ ngơi của gia đình Vanger nhưng không cho ra được một thông tin nào. Đêm hôm trước bà đi nằm sớm và đã mấy ngày không trông thấy Harriet. Bà nài gặp cảnh sát điều tra Morell hình như là chỉ cốt cho ra vẻ là theo ý bà thì cảnh sát đã hành động ngay lập tức.

Harald Vanger xếp thứ hai trong danh sách. Ông chỉ thấy chốc nhát Harriet lúc cô vừa ở lễ hội tại Hedestad trở về nhưng không trông thấy cô từ khi xảy ra tai nạn xe cộ trên cầu và ông không biết hiện nay cô có thể ở đâu.

Greger Vanger, anh của Henrik và em của Harald, khai ông đã thấy cô gái mười sáu tuổi ở trong phòng làm việc của Henrik, muốn nói chuyện với Henrik sau khi cô đến Hedestad sáng hôm đó. Greger Vanger, khai ông không nói được gì với cô cháu, chỉ là chào một tiếng thế thôi. Ông không biết tìm được cô cháu ở đâu nhưng cho hay là theo ông thì chắc cô đã bất chợt đi thăm vài người bạn mà không bảo ai và sẽ trở về sớm thôi. Khi hỏi cầu bị tắc, cô gái rời đảo làm sao được thì ông không thể trả lời.

Martin Vanger được hỏi lướt qua. Cậu đang ở lớp cuối cùng của trường dự bị ở Uppsala, cậu sống trong nhà của Harald nên cậu đã đi tàu về nhà ở Hedeby, đến nơi muộn quá đến nỗi cậu bị kẹt ở phía đầu cầu khi có vụ tại nạn, mãi tối muộn mới có thể qua được eo biển bằng tàu. Cậu được phỏng vấn với hy vọng em gái cậu đã tâm sự với cậu và cho cậu đôi ba manh mối nếu cô đang nghĩ đến chuyện bỏ đi. Câu hỏi đã bị mẹ của Harriet Vanger phản đối nhưng lúc ấy thanh tra Morell có lẽ lại nghĩ Harriet bỏ chạy có thể lại là điều mà họ mong mỏi nhất. Nhưng Martin đã không chuyện trò với em từ dạo nghỉ hè và không có thông tin giá trị nào cả.

Anita Vanger đã bị liệt nhằm vào danh sách “anh chị em họ bậc một” của Harriet. Đang học năm thứ nhất ở đại học Stockholm, cô về nghỉ hè ở Hedeby. Cô với Harriet gần như cùng tuổi và hai người đã thành bạn thân. Cô khai đến đảo ngày thứ Bảy cùng với bố và đã tìm gặp Harriet nhưng không kiếm ra. Anita nói là cô cảm thấy khó chịu và việc bỏ đi không báo với gia đình như thế này không phải là kiểu của Harriet. Henrik và Isabella xác nhận điều này là đúng.

Trong khi phỏng vấn các thành viên gia đình, thanh tra Morell đã bảo Magnusson và Bergman – tuần tra 014 – hãy tổ chức cuộc lùng kiếm thứ nhất trong khi trời còn sáng. Cầu vẫn cấm qua lại cho nên khó gọi thêm tăng viện. Nhóm tìm kiếm có khoảng ba chục người, cả đàn ông đàn bà ở các tuổi khác nhau. Các khu vực họ tìm kiếm chiều hôm ấy gồm các nhà không người ở tại cảng cá, mũi bờ biển, đầu làng và dọc eo biển, khu rừng gần làng nhất, quả đồi tên là Soderberget ở đằng sau cảng cá. Sở dĩ tìm chỗ này vì có người lập luận là Harriet có thể đã lên đó để nhìn được cây cầu rõ hơn. Các đội tuần tra cũng được phái đến Ostergarden và căn lều của Gottfried ở phía bên kia đảo, nơi thỉnh thoảng Harriet vẫn đến thăm. Nhưng cuộc tìm kiếm không có kết quả, mãi sau 10 giờ đêm, đến lúc đã tối om, mới dừng lại. Nhiệt độ suốt đêm tụt xuống đông cứng.

Buổi chiều cảnh sát điều tra Morell đặt ban chỉ huy của ông ở một phòng khách mà Henrik Vanger bố trí cho ông dùng ở tầng trệt của văn phòng bất động sản Vanger. Ông đã tiến hành một số đo đạc.

Ở công ty của Isabella Vanger, ông đã xem xét gian buồng của Harriet và thử xác định xem liệu có thứ gì bị mất: quần áo, va li đại loại, thứ có thể chỉ ra cho thấy là Harriet đã bỏ nhà đi. Isabella, một ghi nhận kèm theo, đã không giúp đỡ và hình như không quen thuộc với tủ quần áo của con gái. Nó thường mặc quần jean mà trông tất cả thì đều giống nhau thì phải? Túi xắc của Harriet ở trên bàn làm việc, trong có giấy căn cước, một ví tiền có chín curon và năm mươi ore, một cái lược, một chiếc gương và một khăn tay. Sau khi khám xét, buồng của Harriet đã được khoá lại.

Morell đã triệu tập để phỏng vấn nhiều người nữa, thành viên gia đình và nhân viên. Tất cả các phỏng vấn đều được báo cáo tỉ mỉ.

Khi những người dự cuộc tìm kiếm bắt đầu quay về với các báo cáo làm nản lòng, viên cảnh sát quyết định phải mở một cuộc tìm kiếm có hệ thống hơn nữa. Ngoài những người khác, Morell còn gặp chủ tịch của Câu lạc bộ Chạy định hướng của Hedestad, và kêu gọi giúp đỡ bằng việc mời những người tình nguyện làm một cuộc tìm kiếm. Vào nửa đêm người ta bảo ông rằng năm mươi ba thành viên, phần lớn là từ các đoàn thanh thiếu niên sẽ đến cơ ngơi đất đai Vanger vào

Blomkvist có thể tưởng tượng thấy cảnh diễn ra trên cơ ngơi đất đai Vanger những ngày ấy. Vụ tai nạn trên cầu chắc chắn làm cho những giờ đầu tiên bị lúng túng – khiến khó đưa tăng viện đến và vì người ta phần nào cứ nghĩ rằng hai sự kiện bi thảm xảy ra ở cùng một chỗ và gần vào cùng một lúc kia là có liên quan đến nhau. Khi đã cẩu chiếc xe tẹc đi, Morell xuống tận cầu để cầm chắc Harriet đã không vì một vài xoay vần khó có thể có của sự đời mà bị chết đuối ở dưới đống xe đổ nát. Đây là việc làm phi lý duy nhất mà Blomkvist có thể tìm thấy ở trong hành xử của viên cảnh sát, bởi lẽ không nghi ngờ gì cả, sau khi xảy ra tai nạn xe, cô gái mất tích vẫn còn được trông thấy ở trên đảo.

Trong hai mươi tư giờ lúng túng ban đầu ấy, các hy vọng của họ rằng tình hình sẽ được giải quyết nhanh chóng và vui vẻ cứ dần dà chìm đi. Thay vào đó, hai lí luận dần thay thế chúng. Mặc dù rõ ràng là cô gái rất khó rời hòn đảo mà không bị để ý, Morell vẫn chấp nhận khả năng cô gái đã bỏ đi. Ông quyết định nên gửi đi một lệnh báo động về Harriet Vanger và ông chỉ thị cho các viên cảnh sát tuần tra ở Hedestad mở to mắt ra tìm cô gái mất tích. Ông cũng phái một đồng nghiệp trong đội hình sự đi phỏng vấn các tài xế xe buýt và nhân viên các ga tàu để tìm xem liệu có ai đó đã nhìn thấy cô gái không.

Khi các báo cáo không có kết quả gửi về thì người ta càng có vẻ thiên nhiều hơn về cái ý Harriet Vanger đã là nạn nhân của một bất hạnh nào đó. Lý luận này rút cục đã khống chế công việc điều tra của những ngày tiếp theo.

Theo Blomkvist thì rõ ràng là sau khi cô gái bị mất tích hai ngày, người ta đã tiến hành thật sự một cuộc tìm kiếm quy mô. Cảnh sát và lính cứu hoả từng dầy dạn kinh nghiệm với các tác chiến tương tự đã tổ chức việc tìm kiếm. Đảo Hedeby có những chỗ gần như không thể vào nổi nhưng dù sao nó vẫn chỉ là một khu vực nhỏ bé và nó đã được rà đi rà lại suốt một ngày trời. Một tàu cảnh sát và hai tàu tình nguyện Pettersson đã làm hết sức để tìm kiếm những vùng nước ở xung quanh đảo.

Ngày hôm sau, cuộc tìm kiếm tiếp tục với nhân lực ít hơn. Các đội tuần tra đã được cử đi để làm một cuộc càn quét thứ hai ở chỗ đất đặc biệt gồ ghề, cũng như ở một khu vực có tên là “Pháo đài” – một hệ thống hầm boong ke xây từ Đại chiến thứ hai nay bỏ không. Họ cũng tìm các hầm hố, giếng nước, kho rau quả, nhà vệ sinh, gác thượng, sân thượng ở trong làng.

Có thể đọc thấy thất vọng ở trong các ghi nhận chính thức khi cuộc tìm kiếm đã lắng xuống vào ngày thứ ba sau hôm cô gái mất tích. Dĩ nhiên Morell chưa nhận ra điều đó nhưng lúc ấy trong cuộc điều tra ông cũng đã thật sự với xa đến hết khả năng của ông. Ông bối rối và phải vật lộn để nhận ra khâu công việc tiếp theo tất yếu hay nơi phải tiến hành tìm kiếm. Harriet Vanger hình như đã tan biến vào không khí mong manh và từ đó những năm tháng tra tấn dằn vặt Henrik Vanger bắt đầu.

— —— —— —— ——-1 (Carina Rydberg: Nữ nhà văn Thuỵ Điển, sinh năm 1962, sáng tác từ năm 1987 đến nay

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN