Cô Gái Đồ Long - Chương 102: CHÂU VỀ HIỆP PHỐ
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
174


Cô Gái Đồ Long


Chương 102: CHÂU VỀ HIỆP PHỐ



Võ công của Vô Kỵ có mạnh đến đâu mà bị điểm luôn một lúc sáu yếu huyệt như vậy cũng không chịu nổi, liền ngã về phía sau luôn.

Chỉ Nhược liền rút kiếm ra dí vào ngực chàng và bảo:

– Ðã trót thì trét, ngày hôm nay ta phải lấy mạng của ngươi, dù sao oan hồn của Hân Ly đang hiện lên làm nguy ta, ta không thể nào sống được nữa, chi bằng ta cũng ngươi chết một thể cho rảnh.

Nói xong, nàng giơ trường kiếm lên nhằm ngực Vô Kỵ đâm thẳng.

Bỗng nghe thấy phía sau có một thiếu nữ lên tiếng gọi:

– Hãy khoan, Chu Chỉ Nhược, Hân Ly chưa chết mà.

Chỉ Nhược quay đầu nhìn lại thấy một thiếu nữ áo đen ở trong bụi cây chạy ra, giơ một ngón tay nhằm lưng Chỉ Nhược đâm luôn.

Chỉ Nhược vội nhảy sang bên tránh né.

Thiếu nữ nọ quay đầu lại, dưới ánh sáng trăng, thấy mặt nàng rất đẹp, nhưng có mấy đường huyết thần.

Vô Kỵ nhận ra thiếu nữ này chính là biểu muội Hân Ly của mình, mặt không còn sưng vù như trước, tuy có mấy vết huyết thần nhưng không thể che lấp vẻ đẹp của nàng.

Chỉ Nhược lui hai bước, giơ chưởng lên che ngực, tay phải cầm trường kiếm, dí thẳng vào ngực Vô Kỵ quát lớn:

– Nếu cô tiến lên một bước tôi đâm chết y trước.

Quả nhiên Hân Ly không cử động, vội nói:

– Cô… cô làm bấy nhiêu việc độc ác rồi cũng chưa đủ hay sao?

Vô Kỵ ngạc nhiên kêu gọi:

– Thù Nhi.

Chàng tung mình nhảy lên, ôm chặt lấy Hân Ly và nói:

– Thù Nhi, em làm cho anh khổ sở quá.

Sự việc xảy ra đột ngột, Hân Ly hoảng sợ la lớn một tiếng nhưng nàng đã bị Vô Kỵ ôm chặt lấy, không sao cư động được.

Chỉ Nhược cười khúc khích và nói:

– Nếu không làm như vậy thì đời nào cô ló mặt ra.

Nói xong, nàng quay lại giải huyệt cho Triệu Minh và còn xoa bóp cho nàng nữa.

Triệu Minh bị nàng ta kiềm chế nưa ngày, bỏ mình ngồi trong bụi cây trong lòng tức giận khôn tả, cũng may về sau được nghe Vô Kỵ thổ lộ tâm sự, nên mới hết giận mà vui vẻ. Bây giờ, nàng lại thấy Hân Ly đột nhiên ở đâu hiện ra, khiến nàng khó xử vô cùng.

Hân Ly hờn giận nói:

– Ðại ca cứ lôi kéo tôi như thế làm chi? Có Triệu cô nương, Chu cô nương ở đây thì còn ra thể thống gì nữa?

Triệu Minh xen lời nói:

– Nếu tôi với Chu cô nương không có ở đây thì thành thể thống phải không?

Vô Kỵ mỉm cười nói:

– Tôi thấy cô chết nay lại hoàn hồn, mừng rỡ khôn tả, biểu muội chẳng hay đầu đuôi ra sao?

Hân Ly kéo cánh tay chàng, xoay mặt chàng về phía có ánh sáng trăng, ngắm nhìn hồi lâu, rồi đột nhiên nắm lấy tay trái của chàng véo một cái.

Vô Kỵ đau không chịu nổi, liền kêu la:

– ối chà, biểu muội làm gì thế?

Hân Ly đáp:

– Tên Trư Bát Giới xấu xí, chém nghìn đao, cưa muôn lưỡi này, ngươi mạo xưng Tăng A Ngưu cái quái gì để lừa dối tôi bảo tôi phải thộ lộ tâm sự và còn bêu xấu tôi trước mặt mọi người. Ngươi… chôn sống tôi ở trong đất làm cho tôi chịu khổ, chịu sở biết bao.

Nói xong, nàng đấm vào ngực chàng ba cái, kêu bình bình ba tiếng.

Vô Kỵ không dám vận Cửu Dương thần công ra đì, đành chịu đau để cho nàng đánh luôn ba quyền, rồi vừa cười vừa nói:

– Biểu muội, quả thật tôi tưởng cô đã… đã chết rồi, làm tôi thương khóc mấy đêm ngày. Sao cô lại sống được, có thực là trời có mắt không?

Hân Ly đáp:

– Phải, ông trời có mắt, nhưng Trư Bát Giới này thì không có mắt, thế mà cũng đòi làm đệ tử của Ðiệp Cốc Y Tiên. Người ta sống hay chết mà cũng không biết. Có phải thấy mặt tôi xấu xí, khó coi, không đợi chờ tôi tắt thở, liền đem tôi chôn sống luôn, anh thật không có lương tâm, con ma chết yểu ác độc này.

Nàng la mắng chàng một thôi một hồi, thái độ và lời ăn lẽ nói y như xưa vậy.

Vô Kỵ cười khúc khích vừa nghe vừa gãi đầu đáp:

– Em chửi đi, cứ việc chửi nữa đi, lúc ây tôi quả có hồ đồ trông thấy mặt em dính đầy máu tươi, không thấy thở, trống ngực không đập, nên tưởng em đã chết rồi.

Hân Ly nhảy phắt lên, véo tai chàng một cái nữa.

Vô Kỵ cười, né tránh sang bên và nói:

– Vậy tiểu muội hãy tha thứ cho tôi.

Hân Ly đáp:

– Tôi nhất định không tha thứ cho anh, ngày hôm đó không hiểu sao tôi tỉnh dậy. Tôi thấy xung quanh đều là đá lạnh ngắt, nếu anh muốn chôn sống tôi, sao không đào cho tôi một cái hố đá và không lấp đất để cho tôi không thở được, như vậy có phải tôi chết hẳn đi không?

Vô Kỵ lẩm bẩm nói:

– Thật cám ơn trời đất, hôm ấy khiến tôi không đào cái hố đá…

Chàng vừa nói vừa liếc mắt nhìn Chỉ Nhược, Hân Ly lại giận dữ nói:

– Người ấy độc địa và hư thân mất nết lắm, tôi không cho phép anh nhìn y thị.

VôKỵ hỏi:

– Tại sao thế?

Hân Ly đáp:

– Y thị là hung thủ giết chết tôi, đại ca còn nói chuyện với y thị làm chi?

Triệu Minh đột nhiên xen lời nói:

– Cô nương chưa chết, chị ấy chưa phải là hung thủ.

Hân Ly đáp:

– Tôi đã chết một lần rồi, y thị không là hung thủ là gì?

Vô Kỵ liền khuyên:

– Thôi biểu muội hãy nghe tôi nói, cô đã thoát hiểm về tới đây, chúng ta vui vẻ với nhau mới phải, thong thả ngồi xuống đây, kể lại chuyện cô chết đi sống lại như thế nào cho chúng tôi nghe đã.

Hân Ly đáp:

– Cái gì mà chúng tôi với chả chúng tôi, tôi thử hỏi anh, hai chữ chúng tôi, chẳng hay là những người nào?

VôKỵ vừa cười vừa đáp:

– Ở đây chỉ có bốn người thôi, dĩ nhiên tôi và tiểu muội, cùng Chu, Triệu hai cô nương.

Hân Ly cười nhạt và nói tiếp:

– Hừ, anh thấy tôi sống, có lẽ còn có mấy thành mừng rỡ thực sự, nhưng Chu với Triệu cô nương không biết người ta có mừng rỡ như anh không?

Chỉ Nhược đáp:

– Hân cô nương, ngày hôm đó tôi nổi hung ác giết hại cô, nhưng sau đó, không những ban ngày tự sám hối mà đêm đến ngủ cũng không yên, bằng không ngày hôm nay khi tôi đột nhiên thấy cô ở trong rừng, tôi đâu đến nỗi hoảng sợ như thế. Bây giờ thấy cô bình yên như vậy, đã gì được bao nhiêu tội lỗi cho tôi. Ông trời ở trên chứng minh cho, quả thực tôi mừng rỡ khôn tả chứ không giả dối gì hết.

Hân Ly nghiêng đầu nghĩ ngợi giây lát rồi lại gật đầu đáp:

– Cô nói cũng có lý, đáng lẽ tôi định kiếm cô trả thù nhưng bây giờ, cô đã nói vậy thì thôi, tôi không chấp nữa.

Chỉ Nhược quì ngay xuống, nức nở khóc và nói:

– Tôi… tôi rất có lỗi… với… cô nương.

Hân Ly là người rất khó tính, nhưng thấy Chỉ Nhược chịu thừa nhận liền xiêu lòng ngay, vội đỡ nàng ta dậy và nói:

– Chỉ Nhược, việc đã qua rồi không nên để trong bụng nữa, đằng nào tôi cũng đã thoát chết.

Hai người tay nắm tay, sát cánh ngồi xuống.

Hân Ly đưa tay lên vuốt tóc vài cái rồi nói:

– Mấy nhát kiếm của chị vạch mặt tôi, cũng không phải là không hay, mặt tôi vốn dĩ sưng vù, nhờ cái vạch mặt, máu độc ở bên trong chảy ra hết, nên những chỗ sưng mới xẹp dần.

Chỉ Nhược ăn năn vô cùng, không biết nói sao cho phải.

Vô Kỵ lại nói tiếp:

– Tôi với nghĩa phụ và Chỉ Nhược ở lại trên đảo khá lâu, sao biểu muội ra khỏi mộ rồi, không đến gặp chúng tôi ngay?

Hân Ly giận dữ đáp:

– Tôi không muốn gặp anh, vì thấy anh với Chu cô nương cứ tôi tôi, thiếp thiếp khiến tôi càng nghe càng tức giận, hừ “Sau này, tôi lại càng thương Chỉ Nhược, hai chúng ta kết thành vợ chồng một khối” đấy, đại ca bảo tôi nghe thế thì làm sao chịu nổi?

Nàng bắt chước giọng Vô Kỵ nói câu đó, rồi lại bắt chước cũng giọng của Chỉ Nhược nói tiếp: “Nếu tôi làm lỡ việc gì, đại ca đánh tôi, chư tôi, giết tôi không? Tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không ai dậy bảo, tránh sao khỏi nhất thời hồ đồ”.

Nàng ho một tiếng rồi lại nhái giọng đàn ông: “Chỉ Nhược, cô là vợ yêu của tôi, dù có lỡ lầm việc gì tôi cũng không dám nói nặng cô nữa lời đâu”.

Nói xong, nàng chỉ mặt trăng trên trời và nói tiếp:

– Ðã có mặt trăng ở trên trời làm chứng cho hai chúng ta.

Thì ra tối hôm đó, Vô Kỵ nói tâm tình với Chỉ Nhược như thế nào đều lọt vào tai Hân Ly hết.

Bây giờ, nàng nhất nhất kể lại cho mọi người nghe làm Chỉ Nhược xấu hổ vô cùng.

Vô Kỵ cũng ngượng nghịu không yên.

Chàng liếc mắt nhìn Triệu Minh thấy nàng tức giận đến mặt tái mét.

Chàng vội giơ tay ra nắm lấy cổ tay nàng.

Triệu Minh xoay tay lại, dùng hai ngón tay có móng thật dài vèo vào mu bàn tay chàng.

Vô Kỵ đau không chịu nổi, nhưng không dám kêu và cũng không dám cử động.

Hân Ly thò tay vào trong túi, lấy que gỗ ra để ở trước mặt Vô Kỵ và nói tiếp:

– Ðại ca đã trông thấy rõ chưa? Cái này là cái gì?

Vô Kỵ thấy que gỗ đó có khắc một hàng chữ “Ái thêThù Nhi, Hân Ly chi mộ, Trương Vô Kỵ cẩn lộc” .

Miếng gỗ này chính là của Vô Kỵ đã viết và cắm trước mộ Hân Ly năm xưa.

Hân Ly hậm hực nói tiếp:

– Tôi ở trong mộ bò ra thấy miếng gỗ này, lúc ấy tôi càng hoang mang thêm. Tôi ngạc nhiên không hiểu tên tiểu quỷ Trương Vô Kỵ nhẫn tâm và chết non nào lại lập bia cho tôi như vậy. Tôi nghĩ mãi vẫn không ra. Sau tôi nghe thấy hai người nói chuyện, thấy mọi người cứ gọi Vô Kỵ đại ca hoài, lúc ấy tôi mới vì lẽ, Trương Vô Kỵ tức là Tăng A Ngưu mà Tăng A Ngưu tức là Trương Vô Kỵ. Ðại ca vô lương tâm thực, lừa dối tôi, làm tôi khổ sở biết bao.

Nói xong, nàng giơ miếng gỗ đánh luôn vào đầu Vô Kỵ một cái kêu đến “bốp” một tiếng, cây gỗ ấy gãy làm mấy mảnh, rơi xuống đất.

Triệu Minh giận dữ hỏi:

– Sao hơi một tí là cô lại ra tay đánh người như thế?

Hân Ly cười ha hả và nói:

– Tôi đánh y đã sao nào? Cô thương xót phải không?

Triệu Minh mặt đỏ bừng đáp:

– Tôi đã nhường nhịn cô nhiều lắm rồi, thế mà cô không biết xấu tốt gì hết.

Hân Ly vừa cười vừa đáp:

– Cái gì là không biết xấu tốt, cô cứ yên tâm không bao giờ tôi tranh Trư Bát Giới thích thú này đâu. Tôi chỉ thích có một người thôi, người đó là tiểu Trương Vô Kỵ, người đã cắn tay tôi chảy máu trong Hồ Ðiệp Cốc. Còn Trư Bát Giới xấu xí này, tên y là Tăng A Ngưu cũng vậy mà Trương Vô Kỵ cũng thế, tôi không ưa chút nào.

Nói xong, nàng quay đầu lại với giọng dịu dàng nói rằng:

– A Ngưu đại ca xưa nay đối đãi với tôi tư tế lắm, tôi cảm động vô cùng, nhưng lòng tôi đã hứa với tiểu tử Trương Vô Kỵ hung ác và nhẫn tâm kia rồi, đại ca không phải là y, không, không phải là y…

Vô Kỵ ngạc nhiên vô cùng, liền hỏi:

– Rõ ràng tôi là Trương Vô Kỵ, sao… sao…

Hân Ly ngẩn người ra nhìn chàng một hồi lâu, đôi người của nàng biến đổi luôn luôn, sau cùng lắc đầu đáp:

– A Ngưu đại ca không hiểu được đâu. Khi ở bãi sa mạc miền Tây Vực với đại ca đồng sinh, đồng tử, cũng như khi ở trên tiểu đảo tại hải ngoại, đại ca đối với tôi nhân trí nghĩa tận, đại ca là người tốt, nhưng tôi đã nói cho đại ca rồi, trái tim của tôi đã trao cho Trương Vô Kỵ kia, tôi phải đi tìm y đây.

Nói xong, nàng nhìn chàng hồi lâu rồi quay mình đi luôn.

Vô Kỵ liền hiểu ngay. Thì ra, người nàng yêu là Trương Vô Kỵ mà nàng vẫn tưởng tượng trong lòng. Trương Vô Kỵ trong trí nhớ của nàng đã gặp ở Hồ Ðiệp Cốc chứ không phải Trương Vô Kỵ thực sự hiện nay đang đứng trước mặt nàng. Trương Vô Kỵ đó không phải là Trương Vô Kỵ đã lớn và khoan thứ, đức độ này.

Lúc này trong lòng Vô Kỵ có ba thành thương cảm, ba thành lưu luyến và ba thành an ủi. Chàng cứ nhìn theo bóng nàng cho tới mất hút trong đêm tối mới thôi. Chàng biết Hân Ly bao giờ cũng chỉ nhớ thiếu niên hung ác ở trong Hồ Ðiệp Cốc kia thôi. Nàng bây giờ đi kiếm y, tất nhiên không bao giờ tìm thấy, nhưng cũng có thể nói nàng đã thấy rồi. Người thực, việc thực có nhiều khi không sao bằng được những người và việc mình vẫn tưởng tượng ở trong trí óc.

Chỉ Nhược thở dài một tiếng và nói:

– Ðều do tôi mà nên hết, tôi đã hại cô ta đến nỗi điên điên rồ rồ như vậy.

Vô Kỵ liền nghĩ thầm:

– Quả thực, nàng ta điên điên rồ rồ, tội lỗi này do ta mà ra, nhưng đã chắc đâu nàng không sung sướng bằng những người có đầu óc tỉnh táo.

Chỉ Nhược lúc đó đứng dậy nói:

– Chúng ta đi thôi.

Triệu Minh hỏi:

– Ði đâu thế?

Chỉ Nhược đáp:

– Hồi nãy, khi tôi ở trong chùa Thiếu Lâm, thấy hoà thượng Bành Doanh Ngọc hấp tấp tới kiếm Vô Kỵ đại ca, hình như trong Minh giáo có việc quan trọng xảy ra.

Vô Kỵ nghe nói rùng mình nghĩ thầm:

– Ta không nên vì tình nhi nữ mà quên bổn phận với bổn giáo .

Nghĩ đoạn chàng liền nói:

– Nếu vậy, chúng ta mau đi xem thử.

Thế rồi, ba người rảo bước đi luôn, không bao lâu đã tới chỗ dinh trại của Minh giáo.

Dương Tiêu, Phạm Dao, Bành Doanh Ngọc đang sai người đi khắp nơi tìm kiếm Trương giáo chủ, bây giờ bỗng nhiên lại thấy chàng ta trở về, ai nầy đều vui vẻ vô cùng, nhưng lại thấy Chu, Triệu cùng về theo, nên kinh ngạc vô cùng.

Vô Kỵ thấy thần sắc của mọi người có vẻ rầu rĩ, đoán chắc thế nào cũng có chuyện không may xảy ra, liền hỏi:

– Bành đại sư, chẳng hay có việc gì mà đại sư tìm tôi thế?

Doanh Ngọc chưa kịp trả lời, thì Chỉ Nhược đã dắt tay Triệu Minh và nói:

– Chúng ta hãy sang bên kia ngồi, tôi phải đi ngay đây.

Triệu Minh hiểu ý Chỉ Nhược muốn tránh không nghe những sự bí mật của Minh giáo.

Thế rồi hai nàng cùng sát cánh đi ra.

Dương Tiêu, Phạm Dao cùng các người thấy vậy lại càng ngạc nhiên hơn nữa, đều nghĩ thầm:

– Ngày hôm giáo chủ thành hôn ở Hào Châu, hai cô nương này tranh đấu với nhau, lợi hại biết bao. Sao lúc này lại thân nhau như chị em vậy, không hiểu giáo chủ làm cách nào mà hai nàng lại hoà hảo với nhau như thế?

Doanh Ngọc chờ hai nàng đi khỏi mới nói:

– Thưa giáo chủ, chúng ta bị đánh thua một trận rất lớn ở Hào Châu. Hàn Sơn Ðồng đại huynh đã tử nạn.

Vô Kỵ nghe nói liền thất thanh kêu “ối chà” một tiếng và tỏ vẻ thương tiếc vô cùng.

Doanh Ngọc lại nói tiếp:

– Hiện giờ, quân vụ ở Hoài Tứ do chú Chu Nguyên Chương chỉ huy, Từ Ðạt, Thường Ngộ Xuân hai vị hay tin đã đem quân đi tiếp ứng cứu viện rồi. Vì việc quá khẩn cấp nên chúng tôi không kịp chờ giáo chủ ra lệnh.

Vô Kỵ nói:

– Phải, nên làm như thế.

Mọi người đang bàn tán quân tình, thì Hân Dã Vương đã hấp tấp bước vào nói:

– Thưa giáo chủ, Cái Bang có người đến đây báo tin cho chúng ta biết, hiện giờ đã biết tung tích của Trần Hữu Lượng rồi.

Vô Kỵ hỏi:

– Y ở đâu?

Dã Vương đáp:

– Hiện giờ y trà trộn trong thuộc hạ của Từ Thọ Huy của bổn giáo, nghe nói chú Thọ Huy rất tín nhiệm y.

Vô Kỵ ngẫm nghĩ giây lát rồi tiếp:

– Nếu vậy chúng ta không nên nóng nảy và hấp tấp quá, cậu làm ơn phái người cho chú Thọ Huy biết tên Hữu Lượng nham hiểm và giảo hoạt lắm, để y ở bên cạnh sẽ bị tai hoạ rất lớn, tốt hơn hết là tránh xa y đi thì hơn.

Dã Vương vâng lời, nhưng y lại nói tiếp:

– Chi bằng cho y một đao, chém y làm đôi, có phải hơn không, để tôi đi làm việc này cho.

Vô Kỵ đang suy nghĩ thì bỗng có một giáo chúng đưa một lá thư khẩn cấp của Từ Thọ Huy gởi tới.

Vô Kỵ vừa cầm lá thứ vào trong tay thì Dương Tiêu đã cau mày lại nói:

– Nguy tai, nguy tai, lại bị y chiếm mất trước.

Vô Kỵ mở lá thư ra đọc, mới hay đó là một tờ bẩm rất dài của Thọ Huy. Bên trong nói Hữu Lượng đã thất lễ với giáo chủ, tự biết tội rất nặng, bây giờ đã giác ngộ, y hối lỗi vô cùng, hiện đã thành tâm gia nhập bổn giáo, quyết ý sửa đổi những lỗi xưa, yêu cầu giáo chủ cho y một dịp may để sưa đổi tính nết.

Vô Kỵ đưa tờ trường bẩm đó cho Dương Tiêu và các người xem.

Hân Dã Vương lên tiếng:

– Chú Thọ Huy bị người này mê hoặc, sau này thế nào cũng có hậu hoạn.

Dương Tiêu đỡ lời:

– Tên Trần Hữu Lượng nhan hiểm vô cùng, nhưng nếu lúc này chúng ta giết y thì thiên hạ sẽ bảo chúng ta hẹp lượng mà các anh hùng hảo hán cũng không dám phò chúng ta nữa.

Vô Kỵ lại nói:

– Lời của Dương tả sứ rất đúng, Bành đại sư thân với chú Thọ Huy hơn ai hết, bây giờ đại sư đến nơi đó khuyên chú Thọ Huy phải cẩn thận đề phòng, đừng có trao quyền binh mã cho tên tiểu nhân ấy.

Doanh Ngọc vâng lời đi luôn.

Không ngờ Từ Thọ Huy không chịu nghe lời khuyên giải, lại rất tín nhiệm Trần Hữu Lượng, rốt cuộc y bị chết trong tay Hữu Lượng.

Hữu Lượng liền thống lãnh nghĩa quân Tây lộ của Minh giáo, tự xưng là Hán Vương, cùng tranh cướp thiên hạ với nghĩa quân Ðông Lộ của Minh giáo, sau đại chiến ở hồ Bá Dương, Hữu Lượng thất bại và bị giết chết, khiến các anh hùng hào kiệt của Minh giáo bị chết chóc và thương vong rất nhiều.

Tối hôm ấy Vô Kỵ với Dương Tiêu, Bành Doanh Ngọc các người bàn tính mọi việc, để phân phát các người tiếp ứng cho các lộ quân.

Chàng thấy lâu ngày chưa gặp Trương Tam Phong trong lòng nhớ nhung khôn tả.

Sáng hôm sau, liền chia tay quần hùng đem Triệu Minh cùng Thanh Thư lên núi Võ Ðang.

Chỉ Nhược liền nói:

– Trương chân nhân có ơn lớn với tôi. Tống thiếu hiệp nghịch cha, thí chú là do tôi mà nên, tôi phải lên trên đó để chịu tội với Trương chân nhân.

Thế rồi, nàng đem đệ tử phái Nga Mi cùng lên núi Võ Ðang.

Núi Thiếu Thất cách núi Võ Ðang không xa mấy, chỉ đi vài ngày đường là tới ngay.

Vô Kỵ theo Tòng Khê, Liên Châu, Lợi Hanh vào trong bái kiến Trương Tam Phong và yết kiến Tống Viễn Kiều cùng Dư Ðại Nham.

Viễn Kiều nghe nói con mình đang ở ngoài am, liền sầm mặt lại, tay cầm kiếm và nhảy xổ ra. Vô Kỵ cùng các người thấy khuyên cũng không nên mà lặng thinh cũng không phải, đành theo Viễn Kiều ra ngoài điện.

Viễn Kiều quát lớn:

– Súc sinh ngỗ nghịch bất hiếu ở đâu?

Ðại hiệp thoáng thấy con mình nằm trong cáng, đầu băng bó vải trắng che lấp cả mắt, liền giơ trường kiếm đâm luôn một mũi vào người Thanh Thư, nhưng khi kiếm vừa đụng vào áo của đứa con bất hiếu kia thì tay đã run run, không sao đâm tiếp được nữa. Ðại hiệp nghĩ đến tình cha con, nghĩ đến tình đồng môn, đau lòng vô cùng, liền quay kiếm lại đâm luôn vào bụng mình một phát.

Vô Kỵ giơ tay dùng Càn Khôn Ðại Nã Di tâm pháp cướp lấy trường kiếm của đại hiệp và khuyên rằng:

– Ðại sư bá, chớ nên làm như thế, việc này xử trí ra sao sư bá nên xin Thái sư phụ chỉ thị thì hơn.

Trương Tam Phong thở dài một tiếng và nói:

– Phái Võ Ðang của chúng ta không may lại có một đứa đệ tử phản nghịch. Viễn Kiêu, đây không phải chỉ riêng mình con bất hạnh, quân nghịch tử này có cũng như không.

Chân nhân nói xong, giơ chưởng ra đẩy một cái, kêu “bộp” một tiếng, trúng vào giữa ngực của Thanh Thư, chưởng lực của lão chân nhân oai lực biết bao, phủ tạng của Thanh Thư chấn động đến nát vụn và tắt thở tức thì.

Viễn Kiều quì xuống khóc lóc:

– Thưa sư phụ, đệ tư vì sơ xuất dạy bảo nên để Thất đệ bị chết dưới tay tên súc sinh này, đệ tử có lỗi với sư phụ và không nên không phải với Thất đệ.

Tam Phong đưa tay ra đỡ Tống Viễn Kiều đứng dậy và an ủi rằng:

– Việc này con có lỗi thực, địa vị trưởng môn của bổn phái từ này trở đi do Liên Châu tiếp nhận, con cứ chuyên tâm nghiên cứu Thái Cực quyền pháp, đừng lý tới những việc tục của bổn môn nữa.

Viễn Kiều cảm tạ sư phụ, Liên Châu vội từ chối, nhưng Tam Phong cương quyết bắt phải nhận. Nhị hiệp đành phải quì xuống bái lĩnh.

Mọi người thấy Trương Tam Phong đánh chết Thanh Thư, cách chức Viễn Kiều, môn qui rất nghiêm ai nầy đều nơm nớp hoảng sợ, đứng im lặng không nói nữa lời.

Tam Phong hỏi đến chuyện anh hùng đại hội với việc nghĩa quân kháng Nguyên như thế nào rồi lại khích lệ và an ủi Vô Kỵ một hồi.

Chỉ Nhược đứng cạnh đó mà từ đầu chí cuối, Trương Tam Phong không thèm nhìn đến nàng.

Chờ đạo sĩ trong quan khiêng xác của Thanh Thư đi rồi, Trương Tam Phong bỗng rút luôn thanh kiếm của Viễn Kiều đang đeo, chỉ luôn vào mặt Chỉ Nhược và nói:

– Chu cô nương là trưởng môn phái Nga Mi, đã học được mấy thành của Diệt Tuyệt sư thái rồi?

Chỉ Nhược đáp:

– Tiểu bối có học được ba thành kiếm pháp của ân sư thôi.

Tam Phong lại hỏi tiếp:

– Năm xưa, Quách nữ hiệp, một tay sáng lập ra phái Nga Mi, chỉ mong các đệ tử thành tài hơn mình, làm rạng danh cho môn phái. Cô nương mới học được có ba thành võ công của Diệt Tuyệt sư thái vậy bây giờ cô nương thị cái gì để làm rạng rỡ cho phái Nga Mi? Cô nương mới học được có võ công âm độc, xưng hùng xưng bá trong đại hội. Từ giờ trở đi, các đệ tử của phái Nga Mi đều học những võ công âm độc của cô nương phải không? Quách nữ hiệp có ơn với lão đạo, tuy lão đạo sắp chết đến nơi rồi, nhưng cũng không muốn phái Nga Mi bị trầm luân, suy vong, bị thiêu huý nhất đán như vậy.

Chỉ Nhược đáp:

– Trương Chân Nhân nói rất phải, tiểu bối có xếp đặt từ trước rồi.

Trương Tam Phong hỏi:

-Cô nương xếp đặt như thế nào?

Chỉ Nhược không trả lời mà chỉ quay đầu lại nói với Vô Kỵ:

– Trương giáo chủ, năm xưa, khi giáo chủ đấu với sáu đại môn phái trên Quang Minh đỉnh, tôi nghe thấy giáo chủ nói rằng giáo chủ không phải là đệ tử thụ nghiệp của phái Võ Ðang, có phải thế không?

Vô Kỵ không hiểu tại sao nàng bỗng hỏi đến việc đó liền đáp:

– Tiên phụ là môn hạ của Võ Ðang, Thái sư phụ đã truyền thụ Thái Cực Quyền pháp cho tôi, nếu bảo tôi là đệ tử của phái Võ Ðang cũng không sai.

Chỉ Nhược lại hỏi tiếp:

– Tôi đã nghe giáo chủ nói, ân sư thụ nghiệp võ công đầu tiên của giáo chủ là Tạ đại hiệp, nghĩa phụ của giáo chủ. Tạ đại hiệp là môn hạ của Phích Lích Thủ Thành Khôn, Cửu Dương thần công của giáo chủ, học ở di thư của Ðạt Ma lão tổ, Càn Khôn Ðại Nã Di tâm pháp học ở trong Di Biên của giáo chủ đời trước của Minh giáo, chúng ta người trong võ lâm cần nhất là vấn đề sư môn và phái biệt, vậy chẳng hay giáo chủ là môn hạ của môn phái nào?

Vô Kỵ đáp:

– Võ công của tôi học được rất phức tạp, nếu nói trắng ra thì tôi không phải là môn hạ của phái nào hết.

Chỉ Nhược quay đầu lại hỏi Trương Tam Phong:

– Trương chân nhân, lời giáo chủ nói có đúng không?

Tam Phong gật đầu đáp:

– Thật tình là thế, trường hợp này rất hãn hữu trong võ lâm, đó cũng là do những sự kỳ phùng của y mà nên.

Chỉ Nhược bỗng rút luôn nữa khúc Ỷ Thiên Kiếm ra, tay trái nắm lấy mớ tóc, giơ lươi kiếm lên cắt đến “soẹt” một cái, cả một mớ tóc đen nhánh và mềm mại như tơ đã bị cắt đứt liền.

Mọi người đều giật mình kinh hãi và đồng thanh nói:

– Cô… nương….

Chỉ Nhược tiếp:

– Tôi mang rất nhiều tội nghiệp, đã sớm có y cắt tóc đi tu. Trương giáo chủ, có phải giáo chủ đã nhận lời giúp tôi một việc không? Và giáo chủ hứa là sẽ làm cho kỳ được phải không?

Vô Kỵ gật đầu đáp:

– Phải, đúng thế, nhưng…

Chỉ Nhược cướp lời:

– Nhưng việc này không được trái vơi đạo hiệp nghĩa, không được ảnh hưởng đến sự quang phục và cũng không được động chạm đến thanh danh của Minh giáo và giáo chủ phải không?

Vô Kỵ đáp:

– Phải, nếu như vậy cô nương muốn sai bảo việc gì tôi cũng vâng theo tức thì.

Chỉ Nhược lại nói tiếp:

– Ðại trượng phu đã hứa phải làm cho được mới thôi, trước mặt Thái sư phụ, sư thúc sư bá của giáo chủ, giáo chủ không được bội tín.

Vô Kỵ thấy nàng cắt tóc, vẻ mặt cương quyết, trong lòng cảm xúc liền nghĩ:

– Nàng có việc gì khó xử đến đâu ta cũng phải tận tâm tận lực làm giúp nàng được mới thôi .

Nghĩ đoạn, chàng liền nói tiếp:

– Cô nương muốn bảo tôi làm điều gì, xin cứ nói đi.

Chỉ Nhược liền quay đầu nói với Trương Tam Phong rằng:

– Trương chân nhân làm ơn cho mượn bảo điện này để xử dụng.

Nói xong, nàng cởi cái bọc áo đen trên lưng xuống, rồi lấy hai linh vị ra một cái đề Nga Mi phái, sáng phái tổ sư Quách Tường nữ hiệp chi linh vị, còn cái kia viết Nga Mi phái, để tử tam địa trưởng môn ân sư Diệt Tuyệt sư thái chi linh vị.

Nàng cung kính để hai chi linh vị đó lên trên một cái bàn hình vuông trong điện.

Tam Phong và Viễn Kiều, Vô Kỵ các người thấy vậy đều chắp tay vái chào và cúi đầu.

Chỉ Nhược cùng các đệ tử của bổn môn đều vái lạy hết rồi nàng cởi chiếc cà rá sắt đeo ở tay ra, quay người lại nói:

– Trương Vô Kỵ giáo chủ, Chu Chỉ Nhược, người trưởng môn đời thứ tư của phái Nga Mi kính cẩn truyền thụ ngôi trưởng môn này cho người.

Mọi người nghe thấy kinh hãi đến ngẩn người ra.

Chu Chỉ Nhược lại nói tiếp:

– Người vẫn kiêm nhiệm giáo chủ của Minh giáo, mong người làm rạng rỡ bổn môn hưng vượng Minh giáo dẫn dắt Trung nguyên hào kiệt xua đuổi quân Thát Ðát ra khỏi bờ cõi. Từ nay trở đi, các đệ tư của phái Nga Mi đều phải nghe lệnh của người hết.

Vô Kỵ giơ hai tay lên xua hoài và phản đối:

– Thế này… thế… làm sao được?

Chỉ Nhược đáp:

– Phái Nga Mi do tay Quách nữ hiệp sáng tạo, bây giờ mời giáo chủ ra đảm nhiệm chức trưởng môn, chẳng lẽ giáo chủ sợ làm nhục mình hay sao?

Vô Kỵ đưa mắt nhìn Trương Tam Phong, tỏ vẻ van lơn, cầu khẩn.

Trương chân nhân cũng ngẩn người ra, rồi đột nhiên cười ha hả, tiếng cười làm rung chuyển cả mái ngói, cười xong rồi mới nói:

– Chu cô nương, tôi chịu cô đấy, chỉ một việc này cũng không uổng Diệt Tuyệt sư thái đã giao trọng trách cho cô rồi. Bây giờ cô nương trao phái Nga Mi vào tay Vô Kỵ, tất nhiên y thế nào cũng làm rạng rỡ được quí phái chứ không sai.

Chỉ Nhược liền móc túi lấy một quyển vở bằng giấy vàng mỏng ra với hai khúc Ỷ Thiên kiếm gãy, trao cho VôKỵ và nói tiếp:

– Ðây là cuốn võ học của bổn môn do tay Quách nữ hiệp viết ra, Kiếm chưởng tinh nghĩa đều ở trong cuốn sách này hết.

Việc này tuy làm cho mọi người hết sức ngạc nhiên nhưng vì Vô Kỵ không thuộc môn phái nào hết, tiếp nhiệm chức trưởng môn của phái Nga Mi như vậy không trái qui luật giang hồ chút nào. Vả lại việc này có lợi cho sự quang phục và cũng không làm mất thanh danh của Minh giáo.

Mọi người nghe thấy Trương Tam Phong nói tiếp:

– Vô Kỵ, con đã nhận lời Chu cô nương thì con không thể nào thoái thác việc này được.

Vô Kỵ nhận cuốn võ học của phái Nga Mi lẫn hai khúc Ỷ Thiên kiếm, đeo cà rá sắt vào rồi quì trước hai linh vị lạy một lần nữa.

Chỉ Nhược dẫn các đệ tử vào lần lượt vái lạy người trưởng môn thứ năm.

Trương Tam Phong, Viễn Kiều cùng các người lần lượt đến chúc mừng.

Các đệ tử của phái Nga Mi biết Vô Kỵ là người có võ công trác tuyệt, oai vọng rất lớn, rất có ích cho bổn môn, tuy trong đó cũng có vài người trong lòng không phục, nhưng không dám công nhiên phản đối.

Trương Tam Phong trông thấy di thư của Quách Tường liền tưởng tượng thấy một thiếu nữ thông minh tao nhã hiện ra ngay trước mắt nhưng đó là chuyện của một trăm năm về trước rồi.

Chỉ Nhược cắt tóc đi tu, không còn nghĩ đến việc đời, từ đó trở đi nàng chỉ làm bạn với ngọn đèn, cuốn kinh mà thôi.

Vô Kỵ ra lệnh cho Tĩnh Tuệ dẫn các đệ tử của phái Nga Mi trở về bổn sơn, còn mình thì từ biệt Trương Tam Phong cùng các người đi Hào Châu.

Suốt dọc đường, chàng đều nhận được tin thắng trận của bổn giáo và còn nghe thấy nghĩa quân ở các nơi nổi lên.

Cô Tô có Trương Sĩ Thành, Ðài Châu có Phương Quốc Châu.

Tuy không thuộc Minh giáo cai quản, nhưng toàn là quân bạn kháng Nguyên hết, nên VôKỵ mừng rỡ vô cùng, liền cùng Triệu Minh cỡi ngựa về phía Ðông.

Chàng thấy sơn hà xã tắc sắp sưa quang phụ đến nơi, liền nghĩ thầm:

– Sở dĩ được thành công nhanh chóng như thế này chủ yếu tuy là lòng người Hán và quân Thát Ðát tàn bạo mà nên, nhưng cũng phải nói đó là công lao của các anh em giáo chúng của Minh giáo xướng đạo nữa. Bây giờ ta chỉ mong thiên hạ được an cư lạc nghiệp, như vậy mới không uổng công mình ra sống vào chết, chịu đựng biết bao sự lo âu, hoạn nạn.”

Chàng không muốn kinh động đến mọi người, nghĩa là không muốn các tướng lĩnh của Minh giáo ra tiếp rước, nên suốt dọc đường chàng không gặp mặt tướng lãnh nào thuộc Minh giáo, chỉ ngấm ngầm quan sát xem, nhưng chàng thấy kỷ luật của nghĩa quân rất nghiêm, không hề quấy rối dân chúng.

Ði đến đâu chàng cũng nghe thấy bá tánh khen ngợi Chu Nguyên Chương và Từ Ðạt.

Hôm đó chàng đi đến ngoài thành Hào Châu, Chu Nguyên Chương hay tin liền sai Thanh Hoà và Ðặng Dữ hai tướng đem quân ra nghênh tiếp, đón chàng vào nghênh tân quán.

Thanh Hoà nói:

– Chu nguyên soái cùng Từ đại tướng quân và Thường tướng quân thương nghị khẩn cấp việc quân tình, được biết giáo chủ tới mừng rỡ cùng, nhưng vì vướng quân vụ, không thể thân hành ra đón được, xin giáo chủ thứ cho tội lỗi đó.

Vô Kỵ vừa cười vừa đáp:

– Chúng ta đều là anh em trong một nhà, hà tất phải giở trò nghênh đón như thế làm chi, tất nhiên việc quân tình phải quan trọng chứ.

Ðêm hôm đó trong Nghênh tân quán thết đại tiệc, Thanh Hoà, Ðặng Dũ hai tướng tiếp rượu VôKỵ.

Rượu vừa uống được ba tuần thì Chu Nguyên Chương đã đem theo đại tướng Hoa Vân tới bàn tiệc quì ngay xuống đất vái lậy.

Vô Kỵ vội đứng dậy đì Chu Nguyên Chương lên.

Nguyên Chương tự rót rượu cung kính mời Vô Kỵ ba chén, VôKỵ uống cạn luôn.

Nguyên Chương lại mời Triệu Minh, Triệu Minh thấy lòng y như vậy cũng bưng chén uống cạn.

Trong khi ăn uống, VôKỵ hỏi đến quân tình của các bộ quân tài Nguyên Chương liền thưa những sự nghiệp và thành tích công thành lược trì như thế nào cho Vô Kỵ nghe.

Trong khi y nói, y tỏ vẻ rất đắc chí, Vô Kỵ khen ngợi luôn mồm.

Trong khi đang chuyện trò, đại tướng Liêu Vĩnh Trung lớn bước tiến vào trong sảnh, bái kiến giáo chủ xong rồi, rỉ tai Nguyên Chương khẽ nói:

– Ðã bắt được rồi.

Nguyên Chương nói:

– Hay lắm.

Lúc ấy, ngoài cửa bỗng có tiếng la lớn:

– Oan uổng… oan uổng…

Vô Kỵ nghe thấy tiếng đó, nhận ngay ra là Hàn Lâm Nhi, ngạc nhiên hỏi:

-Người đó chả là chú em họ Hân là gì? Có việc gì thế?

Nguyên Chương đáp:

– Thưa giáo chủ, tên họ Hân đã tư thông với bọn Thát Ðát định mưu phản dùng kế nội ngoại ứng hợp để phản bổn giáo.

Vô Kỵ thất kinh, liền hỏi lại:

– Chú em họ Hân là người trung thành, nhân nghĩa, sao lại có chuyện như thế? Mau đưa y vào đây cho tôi hỏi xem…

Chàng chưa nói dứt đã thấy đầu óc choáng váng, mặt mũi tối tăm, bất tỉnh nhân sự. Chờ tới khi thức tỉnh, chàng đã thấy tay chân của mình bị xiềng xích bốn chung quanh tối tăm như mực. Cũng may, chàng cảm thấy có một thân hình mềm mại đè lên trên ngực mình. Thì ra, Triệu Minh cũng bị trói chung với chàng, nhưng nàng chưa tỉnh. Chàng chỉ suy nghĩ một chút, đã biết Nguyên Chương phản mình. Chắc y đoán sau này Minh giáo thành sự thì chàng sẽ làm vua, cho nên y mới bỏ thuốc mê rất mạnh vào trong rượu lập kế ngầm giết hại chàng. Vô Kỵ thử vận hơi sức không thấy có gì khác lạ, võ công vẫn nguyên vẹn.

Chàng bỗng nghe thấy phòng bên có tiếng người nói:

– Chu đại ca, muốn thành đại sự thì đừng câu nệ tiểu tiết, cắt cỏ thì phải cắt tận gốc, đừng để hậu hoạn làm chi?

Chàng đã nhận ra tiếng nói của Từ Ðạt, Nguyên Chương lại nói tiếp:

– Nhưng dù sao tiểu tặc này cũng là thủ lãnh của chúng ta, chúng ta không nên vong ân, bội nghĩa như thế.

Chàng bỗng nghe thấy Thường Ngộ Xuân lên tiếng:

– Nếu đại ca sợ giết y, quân sẽ nổi loạn, chi bằng cứ lẳng lặng ra tay thì đại ca khỏi bị tai tiếng.

Nguyên Chương lại nói tiếp:

– Nếu Từ, Thường hai hiền đệ đã nói như vậy, thì cứ thế mà làm, nhưng ngày thường tiểu tặc rất có ân đức với bổn giáo, việc này đừng để tiết lộ ra bên ngoài mới được.

Ba người nói xong, liền đi ra ngoài.

Vô Kỵ thở nhẹ một cái, rờ tay thấy mẩu Ỷ Thiên Kiếm vẫn còn nguyên trong người, liền dùng Càn Khôn Ðại Nã Di thủ pháp rút luôn mẩu kiếm ấy ra cắt xiềng xích, cứu tỉnh Triệu Minh dậy, rồi lẳng lặng vượt tường mà ra.

Chàng đứng tựa vào tường, trong lòng cảm khái vô cùng và nghĩ thầm:

– Chu Nguyên Chương vong ơn bội nghĩa đã đành rồi, cả Từ, Thường hai vị đại ca thân ta như thế mà nay vì công danh, phú quí dám phản hại ta nữa. Ba người đều mang trọng trách trong nghĩa quân, nếu ta diệt chúng đi, chỉ sợ nghĩa quân sẽ giải tán hết. Ta, Trương VôKỵ, vốn dĩ không tham công danh phú quí, Từ đại ca và Thường đại ca hà tất phải coi rẻ ta như thế.

Ngẫm nghĩ hồi lâu, chàng liền đem Triệu Minh cùng đi.

Chàng đi đến ngoài thành, viết một lá thơ thật dài, nhường ngôi giáo chủ Minh giáo cho Dương Tiêu, nhưng bên trong tuyệt nhiên không nhắc đến một chữ nào về chuyện mình bị bọn Chu Nguyên Chương hãm hại ở Hào Châu như thế nào.

Nhưng chàng có biết đâu Từ Ðạt và Thường Ngộ Xuân hai người không biết rõ mưu kế, tất cả mọi việc đều do Chu Nguyên Chương ngấm ngầm sắp đặt, mục đích làm cho Vô Kỵ chán nản tự rút lui.

Nên biết Chu Nguyên Chương rất sợ thần dũng của Vô Kỵ, nếu bảo y giết chàng quả thực y không dám, mà dù có thành sự, thì vạn nhất tiết lộ ra ngoài, hậu quả sẽ không thể nào tưởng được. Y vẫn biết xưa nay, Vô Kỵ chỉ coi việc phục quốc làm trọng, đối với Từ Ðạt, Thường Ngộ Xuân lại thân nhau như anh em ruột thịt, chỉ cần tiết lộ những lời phản trắc cho chàng ta hay, chàng ta cũng sẽ lẳng lặng bỏ đi ngay.

Quả nhiên tất cảmọi việc đều đúng với sự ước đoán của y.

Vô Kỵ tuy võ công cái thế vô địch thiên hạ thực, nhưng nói đến mưu kế thì chàng còn kém Chu Nguyên Chương rất xa, rốt cuộc chàng bị lọt vào kế của tên gian hùng nhất thời. Tuy Vô Kỵ không thèm thuồng ngôi báu thực nhưng từ đó trở đi hễ chàng nghĩ tới Từ Ðạt và Ngộ Xuân hai người vô ân bạc nghĩa như thế, trong lòng lại đau đớn khôn tả.

Còn việc Hàn Lâm Nhi thông đồng với quân Thát Ðát, mưu đồ phản loạn… cũng đều do Nguyên Chương bày đặt ra hết.

Thì ra, sau khi Hàn Sơn Ðông chết, anh em nghĩa quân liền bầu Hàn Lâm Nhi lên làm chủ.

Nguyên Chương, Từ Ðạt, Ngộ Xuân ba người biến thành thuộc hạ của Lâm Nhi.

Nguyên Chương giả tạo một lá thư của Lâm Nhi thông đồng với địch, rồi lại lén đút lót tên tâm phúc của Lâm Nhi cáo mật với Từ Ðạt và Thường Ngộ Xuân hay.

Từ Ðạt và Ngộ Xuân hai người tin liền, cương quyết diệt trừ Lâm Nhi, trái lại Nguyên Chương giả nhân giả nghĩa nhất định không chịu, sau thấy Từ Ðạt và Ngộ Xuân nói đi nói lại đôi ba phen y mới miễn cưỡng nhận lời.

Y giam Vô Kỵ và Triệu Minh vào phòng bên, cố ý để lại khí giới cho Vô Kỵ không lấy đi, để tiện cho chàng thoát thân đào tẩu.

Vô Kỵ đi rồi Nguyên Chương mới sai Vĩnh Trung ngấm ngầm đem Lâm Nhi ra sông trầm nước, do đó một tên bắn hai kim điêu của Nguyên Chương không lộ một chút vết tích nào.

Sau Dương Tiêu lên làm giáo chủ Minh giáo nhưng lúc ấy Nguyên Chương đã mọc đủ lông cánh rồi, Dương Tiêu lại tuổi già đức bạc, không sao tranh nổi ngôi đế vương với Nguyên Chương. Ðó là chuyện sau không nhắc đến nữa.

Hãy nói Triệu Minh thấy Vô Kỵ viết thư cho Dương Tiêu xong, bút hãy còn cầm tay, nhưng vẻ mặt không được vui, liền nói:

– Vô Kỵ đại ca, đại ca nhận lời làm cho tôi ba việc, việc thứ nhất là mượn Ðồ Long đao cho tôi, việc thứ hai là không kết hôn với Chu cô nương, hai việc ấy đại ca đã làm xong rồi, còn việc thứ ba, đại ca không thể thất tín với tôi được.

Vô Kỵ kinh ngạc vội hỏi lại:

– Cô… còn có việc gì tinh quái mà muốn tôi làm nữa?

Triệu Minh tủm tỉm cười đáp:

– Lông mày của thiếp quá nhạt, lang quân làm ơn vẽ lại cho thiếp, việc này không trái với đạo hiệp nghĩa của võ lâm đấy chứ?

Vô Kỵ cầm bút đó lên, vừa cười vừa đáp:

– Từ nay trở đi, Vô Kỵ này, ngày ngày sẽ vẽ lông mày cho ái thê.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN