Cô Gái Đồ Long - Chương 99: NGHĨA KỲ TUNG BAY
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
166


Cô Gái Đồ Long


Chương 99: NGHĨA KỲ TUNG BAY



Chỉ Nhược lạnh lùng đáp:

– Tĩnh Chiếu sư tỷ ra giết Tạ Tốn để trả thù ai bảo là giết người diệt khẩu nào.

Nói xong nàng giơ tay trái lên phẩy một cái rồi nói:

– Ở đây vô số đệ tử danh ngôn chính phái không phân biệt phải trái, chính tà gì hết, cam tâm hợp tác với bàng môn yêu ma. Phái Nga Mi của chúng ta lại ngu xuẩn mà a dua với chúng như thế. Chúng ta đi thôi!

Các đệ tử của Nga Mi đều vâng lời đứng dậy, có một số người nhìn Tĩnh Chiếu đang nằm dưới đất, không biết người chưởng môn có ra lệnh cứu giúp hay bỏ mặc nữ ni đó ở lại.

Không Trí đi tới trước mặt Thành Khôn quát bảo:

– Viên Chân, mau cho người buông tha Phương Trượng, nếu Phương Trượng có mệnh hệ nào tội nghiệp ngươi càng lớn thêm!

Thành Khôn gượng cười đáp:

– Chuyện đã xảy ra như thế này tất cả chúng ta ở đây đều bị tiêu diệt hết, bây giờ ta có tha Không Văn lão hòa thượng ra cũng đã muộn rồi, ngươi đã mù chưa mà không thấy ngọn lửa đang bốc cháy hay sao?

Không Trí ngẩn người ra, Quay đầu lại nhìn dưới chân núi, thấy trong chùa có khói bốc lên kinh hãi nói:

– Ðạt Ma đường đã bị cháy, mau mau cứu hỏa.

Các hòa thượng loạn xạ khôn tả, ai nấy vội vàng chạy xuống núi. Bỗng thấy chung quanh Ðạt Ma Ðường có những cây trụ nước như những con rồng phun nước vào đống lửa, chỉ thoáng cái ngọn lửa đỏ đã tắt ngấm.

Không Trí thấy vậy chắp tay niệm Phật nói:

– A Di Ðà Phật, Thiếu Lâm cổ sát đã tránh phải một trận tai kiếp!

Không bao lâu có hai hòa thượng chạy lên bẩm báo rằng:

– Thưa sư thúc tổ, bọn phản nghịch thủ hạ của Viên Chân phóng hỏa đốt cháy Ðạt Ma Ðường, cũng may nhờ có các vị anh hùng Hồng Thủy Kỳ của Minh giáo đã dập tắt ngọn lửa đó!

Không Trí liền đi tới trước mặt Trương Vô Kỵ chắp tay vái lạy và nói:

– Cổ Sát Thiếu Lâm gây dựng hàng ngàn năm nay, bây giờ thoát khỏi tai họa này hoàn toàn nhờ ơn đức lớn lao của Trương giáo chủ. Tất cả tăng chúng toàn chùa dù có tan xương nát thịt cũng không sao đền được ơn đức lớn lao này!

Vô Kỵ đáp lễ khiêm tốn trả lời:

– Việc này là phận sự của chúng tôi, đại sư hà tất phải giữ lễ như thế!

Không Trí lại nói tiếp:

– Không Văn sư huynh bị bọn phản đồ giam giữ trong động Ðạt Ma, lửa tuy dập tắt được nhưng không biết sư huynh của bần tăng an nguy ra sao? Mời Trương giáo chủ cùng các vị anh hùng hãy đợi chờ giây lát để lão tăng xuống đó xem sao!

Thành Khôn cười ha hả và xen lời nói:

– Người của Không Văn đã tẩm đầy mỡ heo, mỡ bò, ngọn lửa vừa bốc lên y đã toi mạng rồi. Hồng Thủy Kỳ chỉ cứu được Ðạt Ma viện chứ cứu sao được lão Phương Trượng!

Ngờ đâu y vừa nói dứt lời chỗ chân núi đã có người nói vọng lên:

– Phải! Hồng Thủy Kỳ không cứu được thực nhưng còn có Hậu Thổ Kỳ cơ mà!

Mọi người đã nhận ra tiếng nói đó của Phạm Dao.

Trưởng kỳ sứ của Hậu Thổ Kỳ đang đỡ một lão hòa thượng chạy lên.

Lão hòa thượng chính là Không Văn đại sư nhưng quần áo đều bị cháy xém và ướt đẫm trông rất tơi bời.

Không Trí vội tiến lên ôm lấy Không Văn mồm thì hỏi liên tiếp:

– Sư Huynh, sư huynh có được bình an không? Sư đệ bất tài tội đáng chết lắm!

Không Văn mỉm cười đáp:

– Nhờ Phạm thí chủ và Nhan thí chủ ở dưới đất chui lên cứu giúp, bằng không ngày hôm nay sư huynh đệ chúng ta làm sao mà tái kiến được nữa.

Không Trí kinh hãi nói:

– Tài độn thổ của Hậu thổ kỳ của Minh giáo không ngờ lại thần diệu đến thế!

Nói xong, thần tăng chắp tay vái lạy cảm tạ Phạm Dao và Nhan Bồn rồi lại nói tiếp:

– Phạm thí chủ, trước kia lão tăng vô lễ xúc phạm mong thí chủ lượng thứ cho. Và xin xóa bỏ cuộc hẹn ước ở chùa Vạn Pháp tại Kinh Ðô vì lão tăng không dám đi phó ước nữa.

Nên rõ người trong võ lâm đã đính ước tỷ võ với nhau nếu người nào nuốt lời không tới còn mất sĩ diện hơn bị đánh bại nhiều.

Bây giờ Không Trí tự hủy cuộc hẹn ước đó đủ thấy y đã cám ơn đại đức của Phạm Dao cứu sư huynh của y thoát nạn như thế nào.

Hai người vẫn kính phục nhau, trải qua việc này lại càng mến nhau thêm. Từ đấy trở đi hai người trở nên đôi bạn rất thân.

Thì ra Thành Khôn đã nghĩ kế hoạch của y rất chu đáo.

Ðêm trước ngày đại hội quần hùng y đã xuất kỳ bất ý, điểm vào yếu huyệt của Không Văn rồi giam giữ lão tăng vào trong Ðạt Ma Viện.

Trong Viện đã tích trữ sẳn rơm, củi, hồng hoàng và những thứ dễ cháy khác.

Sau đó y phái tâm phúc ở đấy canh gác.

Y còn uy hiếp Không Trí nhất nhất phải tuân theo lời dặn bảo của y bằng không y sẽ phóng hỏa thiêu chết Không Văn liền.

Ngờ đâu, sự việc sảy ra đều trái với nguyện vọng của y.

Y đâu có ngờ kế hoạch của y chu đáo đến thế mà lại bị đổ vỡ như vậy.

Sau y thấy Vô Kỵ đã cứu được Tạ Tốn rồi, và Tạ Tốn biết y có mặt tại đây y liền sai người xuống dưới truyền lệnh bảo bọn tâm phúc phóng hỏa.

Ðó là nước cờ cuối cùng của y. Y chỉ mong quần hùng với tăng chúng cuống quýt lo cứu hỏa để bọn tâm phúc của y thoát xuống núi.

Không ngờ Dương Tiêu xuống tới núi Thiếu Thất chưa kịp gặp Vô Kỵ đã sai ngay Hậu Thổ Kỳ đào đường hầm thông thẳng lên chùa Thiếu Lâm.

Ý của Tả Sứ là muốn cứu Tạ Tốn nhưng Tạ Tốn lại không bị giam ở trong chùa. Sở dĩ tượng đá Ðạt Ma đột nhiên thay đổi là vì người của Hậu Thổ Kỳ đã sửa như vậy.

Sau Vô Kỵ với Chu Chỉ Nhược liên tay đánh Kim Cương Phục Ma Khuyên và chờ tới khi Thành Khôn hiện thân chính thức giở mặt với Không Trí, Triệu Minh và Dương Tiêu mới thấy rõ sự bí ẩn bên trong.

Hai người liền bàn bạc với nhau, sai Phạm Dao đem Hồng Thủy, Hậu Thổ hai kỳ thừa cơ lẻn vào trong chùa dể cứu Không Văn nhưng Thành Khôn bố trí rất ác độc.

Tuy đã cứu được Không Văn ra nhưng đã có tới ba người của Hậu Thổ kỳ bị chết cháy.

Phạm Dao với Nhan Bồn mạo hiểm cứu Không Văn ra nhưng ba người đều bị cháy xém hết cả râu tóc.

Nếu không rút lui lối đường hầm thì có lẽ cả ba sẽ bị chết cháy trước khi Hồng Thủy kỳ dập tắt được ngọn lửa.

Mấy căn nhà cạnh Ðạt Ma Viện đều bị cháy rụi, riêng có Ðại Hồng Bảo Ðiện, Tàng Kinh Các, La Hán Ðường là chưa bị cháy tới thôi.

Không Trí khẽ bàn với Không Văn hai câu rồi truyền chỉ pháp nhốt hết thủ hạ và đồng đảng của Thành Khôn vào hậu điện.

Thành Khôn ở trong chùa Thiếu Lâm lâu ngày, kết nạp được khá nhiều đồng đảng. Nhưng tên thủ lĩnh bị bắt, phương trượng đã thoát hiểm, thấy công việc đã bị đổ bể nên chúng không dám chống cự nữa.

Thủ tọa La Hán Ðường liền thống lĩnh một nhóm tăng nhân áp giải đồng đảng của Thành Khôn đem xuống hậu điện giam giữ.

Tên nào tên nấy vừa rầu rĩ ủ rũ vừa lủi thủi đi xuống dưới núi.

Lúc ấy Vô Kỵ quay đầu lại nhìn Chu Chỉ Nhược mới hay người của phái Nga Mi nhân lúc tình hình hỗn loạn đã lẻn đi mất rồi, chỉ còn lại Tĩnh Chiếu vẫn còn nằm trên mặt đất. Vô Kỵ tới cạnh thiếu nữ áo vàng cúi chào và khẽ nói:

Trương Vô Kỵ hai lần được chị cứu giúp, ân đức lớn lao ấy Vô Kỵ tôi không dám nói là cám ơn, chỉ mong chị cho biết quý danh để ngày đêm tôi được hoài cảm.

Thiếu nữ đó mỉm cười đáp:

– Sau núi Chung Nam, một người chết sống, Thần Ðiêu hiệp lữ, tuyệt tích giang hồ.

Nói xong nàng chắp tay hành lễ và giơ tay vẫy một cái liền đem theo tám thiếu nữ áo đen và trắng đó đi luôn.

Vô Kỵ đuổi theo một bước và nói tiếp:

– Xin chị hãy dừng bước!

Thiếu nữ đó không quay lại cứ đi thẳng xuống núi.

Thạch tiểu bang chủ của Cái bang cũng lên tiếng kêu gọi:

– Dương tỷ tỷ! Dương tỷ tỷ!

Chỉ thấy nơi lưng chừng núi có tiếng thiếu nữ đó vọng lên:

– Ðại sự của Cái bang xin nhờ Trương Giáo Chủ đảm đương hộ cho!

Vô Kỵ lớn tiếng đáp:

– Vô Kỵ tôi xin tuân lệnh!

Thiếu nữ nọ tiếp:

– Cám ơn!

Chữ cám ơn đó vừa dứt thì nàng đã đi xa rồi.

Vô Kỵ thấy trong lòng nao nao nhưng chàng vội định thần lại ngay, đi tới cạnh Tạ Tốn gọi:

– Nghĩa phụ!

Chàng chỉ gọi được một tiếng nước mắt đã tuôn như mưa.

Tạ Tốn vừa cười vừa nói:

– Con si ngốc của cha, nghĩa phụ đã được ba vị cao tăng điểm hóa cho, bây giờ đã giác ngộ, tội nghiệp cả một đời cũng đã hoá giải hết, đáng lẽ con phải mừng cho cha mới phải, tại sao con lại khóc như thế? Ta bị phế hết võ công như vậy có gì là đáng tiếc. Chẳng lẽ còn giữ nó lại để tác quái tác ác hay sao?

Vô Kỵ vâng lời, Tạ Tốn đi tới trước mặt Không Văn quỳ xuống và nói:

– Ðệ tử tội nghiệp quá nặng, mong Phương Trượng nhận và cho phép đệ tử được cắt tóc đi tu!

Không Văn chưa kịp trả lời thì Ðộ ách đã lên tiếng nói:

– Ngươi lại đây! Lão tăng sẽ thu ngươi làm đồ đệ!

Tạ Tốn đáp:

– Ðệ tử không dám mong được phúc duyên ấy!

Quý vị nên rõ Sư Vương vái Không Văn làm sư phụ thì y chỉ là đệ tử vai vế chữ Viên thôi. Nếu y vái Ðộ ách làm sư phụ thì được xếp vào vai vế chữ Không, ngang hàng với Không Văn, Không Trí.

Ðộ ách quát bảo:

– Chữ Không là chữ Không, Viên cũng là Không sao mà ngu ngốc thế!

Tạ Tốn liền ngẩn người ra giây lát liền giác ngộ ngay. Mới hay cái gì là sư phụ với đệ tử, đối với Phật gia đều là hư ảo hết nên Sư Vương liền đọc ngay một câu kệ:

– Sư phụ là không, đệ tử cũng là không, vô tội, vô nghiệp, vô đức vô cùng.. .

Ðộ ách ha hả cười và tiếp:

– Thiện tai! Thiện tai! Người là đệ tử của ta vẫn gọi là Tạ Tốn, ngươi hiểu chứ!

Tạ Tốn đáp:

– Ðệ tử hiểu rồi, phân bò hay Tạ Tốn cũng chỉ là cái bóng hư không, người đã không có huống hồ là thanh danh!

Quý vị nên rõ, Tạ Tốn là người văn võ toàn tài, đã đọc hết sách của Chu Thử bách giá, bây giờ lại được Ðộ ách điểm hóa cho liền hiểu ngay ý nghĩa của Phật học và từ đó trở đi Sư Vương trở về với cửa Phật, rốt cuộc thành một vị cao tăng nhất thời đó, đức độ rất lớn.

Vô Kỵ vừa mừng vừa đau đớn không biết nói như thế nào cho phải.

Ðộ ách lại nói tiếp:

– Ði thôi! Ði thôi… mới mộ đạo xong đừng có vào ma chướng nữa!

Nói xong vị cao tăng đó dắt tay Tạ Tốn cùng Ðộ Kiếp, Ðộ Nạn đi xuống núi. Không Văn, Không Trí, Vô Kỵ mọi người đều khom lưng xuống tống tiễn. Ba mươi năm trước Sư Vương tiếng tăm lừng lẫy giang hồ gây ra không biết bao những việc kinh thiên động địa, ngày nay lại chịu vào cửa Phật như thế, quần hùng đều thấy cảm thán vô cùng!

Không Văn lên tiếng nói:

– Các vị anh hùng giáng lâm tệ chùa, nói ra thì thật hổ thẹn vô cùng, tệ chùa bỗng xẩy ra nội biến nên mới thất lễ với quý vị và không tiếp đãi được chu đáo như vậy. Các vị anh hùng bốn phương ngày hôm nay chúng ta hội họp ở đây, không biết bao giờ mới được gặp nhau nữa. Xin mời quý vị trở xuống dưới chùa nghỉ ngơi đã!

Thế rồi quần hùng xuống núi vào chùa. Trong chùa đã sửa soạn cơm chay để khoản đãi khách. Các tăng chúng liền làm phá sự để siêu độ cho những anh hùng vừa vong thân. Quần hùng đều lần lượt tới trước bàn thờ để cúng bái. Ðại sự tuy đã xong xuôi nhưng Vô Kỵ vẫn cảm thấy có nhiều điều chưa được rõ mà Tạ Tốn lại đi một cách vội vã như thế khiến chàng không kịp hỏi những điều nghi vấn nọ nhưng chàng đoán chắc những nghi vẫn đó thế nào cũng liên can đến Chu Chỉ Nhược.

Chàng là người rất trung hậu, nghĩ tới tình cũ liền nghĩ thầm:

– Ta cần biết rõ những nghi vấn ấy làm chi, để khỏi bị tổn thương đến danh dự của Chu Chỉ Nhược.

Cơm nước xong xuôi, chàng cùng Sử Hống Thạch và các trưởng lão của Cái bang tụ họp ở trong phong ngang để bàn định về đại sự của Cái bang.

Bỗng có người vào thưa rằng:

– Thưa Giáo Chủ, Trương tứ hiệp của Võ Ðang tới, có việc muốn thương lượng cùng Giáo Chủ!

Vô Kỵ nghe nói, kinh hãi vội đứng dậy và nghĩ thầm:

– Chẳng lẽ có việc gì xảy ra cho Thái sư phụ chăng?

Chàng vừa nghĩ vừa đi ra ngoài điện. Thấy Tòng Khuê, chàng quỳ xuống vái chào nhưng chàng thấy sắc mặt của tứ hiệp không có gì khác lạ trong lòng hơi yên lại hỏi:

– Thái sư phụ vẫn mạnh đấy chứ sư thúc?

Tòng Khuê đáp:

– Sư phụ vẫn mạnh. Sư thúc ở Võ Ðang hay tinh quân Nguyên đang đem hai vạn tinh binh tiến về chùa Thiếu Lâm hiển nhiên là bất lợi cho đại hội anh hùng này cho nên sư thúc mới tới đây để thông tin là thế!

Vô Kỵ nói tiếp:

– Nếu vậy chúng ta cần phải báo gấp cho Phương Trượng mới được.

Thế rồi chàng vào báo cho Không Văn hay.

Không Văn ngẫm nghĩ một hồi rồi nói:

– Việc này liên quan rất lớn, chúng ta nên mời quần hùng đến thương lượng thì hơn!

Phương Trượng cho tăng chúng gõ chuông triệu tập quần hùng đến bảo điện.

Trương Tòng Khuê liền báo tin đó cho mọi người hay, ai nấy đều kinh hãi vô cùng và bàn tán rất xôn xao.

Những người nóng nảy liền nói:

– Nhân thiên hạ anh hùng ở đây, chúng ta xuống dưới núi, đón đầu đánh cho chúng một trận không kịp trở tay.

Những người lão thành cẩn thận hơn liền nói rằng:

– Nguyên binh điều động đi đây đi đó là chuyện rất thường, chưa chắc là chúng tới đây làm khó dễ chúng ta!

Tòng Khuê lại nói tiếp:

– Tại hạ biết tiếng Mông Cổ đã tai nghe thấy tên quan chỉ huy ra lệnh cho lũ Thát Ðát. Quả thật chúng tới đánh chùa Thiếu Lâm.

Không Văn nói:

– Các vị anh hùng xem ra triều đình đã biết chúng ta hội họp ở đây lại tưởng chúng ta chống đối triều đình. Chúng ta đây ai ai cũng biết võ nghệ hết đáng lẽ không sợ bọn Thát Ðát. Lính tới đã có tướng cản, nước lũ lên đã co đất ngăn, có sợ gì đâu…

Lão hòa thượng chưa nói dứt lời trong quần hùng đã có rất nhiều tiếng hoan hô.

Không Văn lại nói tiếp:

– Nhưng các giang hồ hào sĩ của chúng ta quen đơn đao độc đấu chứ còn ra trận giao chiến thì không phải là sở trường. Theo ý bần tăng chi bằng các vị anh hùng mau giải tán ngay, chẳng hay các vị nghĩ sao?

Quần hùng ngẩn người ra nhìn nhau không nói nửa lời.

Vô Kỵ liền lên tiếng:

– Nếu chúng ta giải tán ngay bây giờ thì thế nào quân Thát Ðát cũng bảo chúng ta sợ chúng, như thế càng làm cho chúng hung hăng thêm. Hơn nữa chúng ta đi khỏi đây các vị sư phụ phái Thiếu Lâm sẽ đối phó ra sao?

Không Văn mỉm cười đáp:

– Quân Nguyên tới đây thấy trong chùa toàn là hòa thượng không có một giang hồ hảo hán chắc chúng cũng không làm gì đâu!

Quần hùng biết Không Văn nói như vậy là có lòng tốt, phải biết đại hội anh hùng lần này là do phái Thiếu Lâm triệu tập nên không ai muốn vì thế mà sinh họa đến nỗi đổ máu trên núi Thiếu Lâm này. Nhưng quần hùng ai ai cũng là người có nghĩa khí, khi nào họ lại sợ địch mà rút lui như thế. Huống hồ triều đình đã xuất động đại quân, không khi nào tới bắt hụt mà lại chịu trở về tay không. Thế nào chúng cũng quấy nhiễu Thiếu Lâm, chưa biết chừng chúng sẽ bắt hết tăng chúng của chùa đi và còn thiêu chụi cả chùa nữa. Quân Mông xưa nay vẫn hung ác, giết người đốt nhà là chuyện thường của chúng vì vậy Dương Tiêu cũng lên tiếng nói:

– Phương Trượng với quý vị anh hùng có mặt ở đây mà tại hạ lên tiếng nói như thế này là không phải nhưng quân Thát Ðát tàn ác ai ai cũng có trách nhiệm kháng địch. Theo ý tại hạ chúng ta nghĩ cách dụ bọn chúng ra khỏi nơi đây rồi chúng ta sẽ đấu ở đó. Ngôi chùa ngàn năm này sẽ khỏi bị vạ lây.

Quần hùng đều khen ngợi ý kiến đó và cho là rất hay. Trong khi đang bàn tán thì ngoài cửa chùa đã có tiếng vó ngựa nhộn nhịp.

Liền có hai người phi ngựa tới trước cửa rồi ngừng lại. Sau đó chi khách tăng dẫn hai người đó vào.

Quần hùng thấy hai người đó là giáo chúng của Minh Giáo, họ đi tới trước mặt Vô Kỵ, chắp tay vái bái lễ xong liền lớn tiếng nói:

– Thưa giáo chủ, năm nghìn quân tiên phong của triều đình đã nhắm chùa Thiếu Lâm tấn công tới. Chúng bảo các vị sư phụ tụ họp quần hùng ở đây để mưu phản nên định đạp đổ chùa Thiếu Lâm thành bình địa. Phàm những người nào trọc… trọc…

Không Văn mỉm cười nói:

– Có phải ngươi định nói trọc đó là trọc đầu phải không, khỏi cần e dè gì hết, cứ việc nói thẳng ra đi!

Người đó lại nói tiếp:

– Trên đường có rất nhiều tăng nhân bị quân Thát Ðát giết chết. Chúng còn nói những người trọc cũng vậy đều là phản nghịch hết, hễ gặp người nào đem theo khí giới là chúng giết luôn.

Mọi người kêu la om sòm rồi nói:

– Chúng ta không đấu thí mạng với quân Thát Ðát thì không phải là con cháu của hoàng Ðế.

Lúc ấy triều đình Tống tuy đã mất hơn trăm năm nhưng các anh hùng ở chốn lục lâm vẫn coi quân Mông là di địch, không chịu để cho triều đình Mông Cổ kiểm soát. Các môn, các phái, các bang hội vì tư thù mà đánh nhau luôn, nhưng dù họ có thâm thù đại oán đến đâu xưa nay vẫn không ai chịu mượn thế lực của triều đình để trấn áp đối phương. Lần này trong đại hội anh hùng có rất nhiều người chưa được thi thố tài năng, lúc này nghe thấy quân Mông tới ai nấy đều hăng hái, chỉ muốn nhảy ra ngay để đối địch.

Vô Kỵ liền lớn tiếng nói:

– Các vị anh hùng, ngày hôm nay chính là lúc để chúng ta giết giặc đền nợ nước.

Ðại hội anh hùng ở chùa Thiếu Lâm này sẽ được dương danh thiên cổ!

Mọi người nghe chàng nói như vậy liền lớn tiếng hoan hô.

Vô Kỵ lại nói tiếp:

– Bây giờ xin Không Văn Phương Trượng ra lệnh chỉ huy, Minh Giáo chúng tôi từ trên xuống dưới đều tuân lệnh của Phương Trượng hết.

Không Văn nói:

– Sao Trương Giáo Chủ lại nói như vậy. Tệ phái tăng chúng tôi có học vài ba thế võ nhưng về hành quân đánh trận thì không biết một tí gì. Gần đây Minh Giáo đã sáng lập rất nhiều sự nghiệp lớn, người trên giang hồ ai ai cũng hay biết hết. Bây giờ chỉ có nhân chúng của Minh Giáo là có thể đối địch nổi đại quân của Thát Ðát thôi. Chúng tôi xin đề cử Trương Giáo Chủ làm Minh Chủ của võ lâm, thống lĩnh hào kiệt khắp thiên hạ để đối địch với quân Thát Ðát.

Vô Kỵ đang định từ chối thì quần hùng đã vỗ tay hoan hô.

Tuy Vô Kỵ còn ít tuổi không đáng để cho người phục tùng nhưng vừa rồi chàng đấu với ba vị cao tăng của chùa Thiếu Lâm, võ công của chàng cao siêu như thế nào ai nấy đều biết hết mà Hàn Sơn, Ðồng Tử, Thọ Huy và Chu Nguyên các lộ đại quân của Minh Giáo đã ở hoài Tử và Dư Ngạo các nơi khởi sự đánh Nguyên, đánh đâu thắng đấy. Các môn phái khác làm sao bằng được.

Hào sĩ của các bang phái khác đều nghĩ trừ Minh Giáo ra quả thật không ai có thể gánh vác được trách nhiệm lớn lao này.

Vô Kỵ lại nói:

– Chức chủ tịch này, trách nhiệm rất lớn lao nặng nề, vả lại tại hạ không có sở trường dụng binh vậy mong quý vị đề cử người tài ba khác thì hơn.

Trong lúc đang khiêm tốn bỗng nhiên dưới núi có tiếng kêu la vang động.

Hai giáo chúng của Nhụê Kim kỳ đã xông thẳng vào trong điện thưa rằng:

– Quân Mông đang xông lên chém giết.

Vô Kỵ liền ra lệnh:

– Nhuệ Kim, Hồng Hỏa hai kỳ ra chống đỡ trận đấu. Chu Ðiên và Thiết Quan đạo trưởng hai vị giúp đỡ một kỳ.

Chu Ðiên, Thiết Quan hai người liền vâng lệnh đi liền.

Cục diện đã khẩn cấp như vậy không cho phép Vô Kỵ từ chối nữa chàng liền ra lệnh:

– Nói Không Ðược sư phụ làm ơn cầm thánh hỏa lệnh của tôi đi triệu viện binh của bổn giáo lên núi tiếp ứng ngay.

Nói Không Ðược liền đi luôn.

Các anh hùng ở trên đại điện võ công tuy cao cường nhưng là quân ô hợp, nghe thấy quân Nguyên đã đánh tới ai nấy đều rút khí giới ra vội nhảy ra ngoài.

Dương Tiêu thấy vậy vội nói:

– Thưa giáo chủ, nếu giáo chủ không ra hiệu lệnh thì họ chém giết loạn xạ thế nào cũng thất bại!

Vô Kỵ gật đầu, liền chạy ra ngoài điện, đi tới cái đình chỗ lưng chừng núi xem xét.

Thấy hơn năm ngàn quân tiên phong của Mông Cổ đã tấn công lên tới lưng chừng núi rồi nhưng bị cung nỏ và đao thương của Nhụê Kim kỳ xua đuổi đều bỏ chạy hết.

Chàng đưa mắt nhìn về phía xa thấy từng đội lính Mông lần lượt tiến tới. Quân ngũ của chúng rất chỉnh tề oai nghi.

Lúc ấy cách thời Thành Cát Tư Hãn với Bạt Ðô oai trấn thiên hạ đã xa nhưng thiết kỵ của Mông Cổ vẫn luyện tập luôn nên quân của họ tinh nhụê có một không hai trên thế giới.

Chàng bỗng nghe thấy bên trái có tiếng kêu la động trời và thấy có rất nhiều nữ ni và thanh thiếu nữ chạy ngược lên trên núi.

Những người đó toàn là người của phái Nga Mi, chắc giữa đường bị lính Mông Cổ đẩy lui nên phải quay lại.

Chu Chỉ Nhược cùng Tĩnh Tuệ mọi người đi sau đoạn hậu.

Mấy người đàn ông khiêng một cái cáng với đồ vật đang bị quân Mông Cổ bao vây. Chu Chỉ Nhược huy động bọn đệ tử đã mấy lần xông vào đánh nhưng không sao cứu nổi đồng môn bị bao vây.

Vô Kỵ thấy vậy kêu thầm: “Nguy tai! Chắc cái cáng đó là cáng của Tống Thanh Thư cũng nên!”

Chàng liền kêu gọi:

– Liệt Hỏa, Nhụê Kim hai kỳ yểm trợ Vi Huynh, Phạm Dao theo tôi xuống cứu người.

Nói xong chàng xông xuống núi trước.

Hai tên lính Mông vừa thấy chàng liền đưa xà mâu ra đâm.

Chàng chộp luôn lấy hai chiếc xà mâu đó vận sức hất mạnh một cái.

Hai tên lính Mông đó rớt xuống núi ngay.

Vô Kỵ liền xoay hai chiếc xà mâu lại xông vào đám lính đông như kiến tựa như hai con rồng ra bể.

Nhất Tiếu, Dương Tiêu, Phạm Dao, Bành Doanh Ngọc theo sát sau. Lính Mông va chạm với mấy người đó đều gục ngã liền.

Chỉ thoáng cái cả bọn đã tiến qua mặt bọn Chu Chỉ Nhược.

Phạm Dao lại tấn công một quyền, đánh cho một tên thập phu chưởng Mông Cổ nát mặt, cướp luôn người bị thương nằm trên cáng, kẹp nách và quay mình chạy luôn lên núi.

Vô Kỵ thấy Chu Chỉ Nhược mặt dính đầy máu mà lại xông vào đội lính Mông liền lớn tiếng gọi:

– Chỉ Nhược, đã cứu được Tống đại ca rồi!

Chu Chỉ Nhược không thèm đếm xỉa đến lời kêu gọi của chàng cứ mau roi tấn công về phía trước.

Nhưng đường núi vốn chật hẹp, người thì đông đúc nên nàng không thể xông qua được. Vô Kỵ thấy còn hai đệ tử của Nga Mi khiêng một cái cáng nữa vẫn còn bị bao vây, chúng đang cầm cự với lính Mông chàng liền nghĩ thầm:

– Chẳng lẽ người trên cáng này mới là Tống sư ca chăng?

Nghĩ đoạn chàng múa hai cây xà mâu rồi tung mình nhảy lên, cứ chống hai cây mâu đó vào vách núi mà đi tựa như người ta đi cà kheo vậy.

Còn cách hơn trượng mới tới nơi, chàng đã thấy hai đệ tử của phái Nga Mi đó trước sau bị tên bắn trúng, ngã lăn lóc xuống núi.

Vô Kỵ thất kinh, phi thân nhảy tới, giơ chiếc mây bên trái ra, cản trở không cho chiếc cán đó rơi xuống vực.

Quả nhiên chàng thấy người nằm trong cáng toàn thân được băng vải trắng toát, chỉ chừa có hai mắt. Người đó chính là Tống Thanh Thư.

Chàng vội vứt xà mâu, ôm luôn Thanh Thư vào.

Chàng cảm thấy người y nặng khác thường và trong lần vải băng hình như có vật gì cứng rắn khôn tả.

Nhất thời chàng không kịp suy nghĩ, chỉ sợ đụng chạm mạnh, xương của Thanh Thư bị gãy nên chàng phải né phải, tránh trái, luồn lách giữa những thế mâu của quân Mông Cổ đâm tới lia lịa.

Chân chàng đi rất vững. Chàng đã thấy Hân Lợi Hanh, Trương Tòng Khuê tấn công tới. Hai người cầm trường kiếm bảo vệ hai bên.

Kiếm của hai đại hiệp đâm tới đâu lính Mông gục tới đó.

Nhờ có Tòng Khuê và Lợi Hanh bảo vệ nên Vô Kỵ mới được bình yên ẳm được Thanh Thư đi lên trên núi.

Mấy trăm lính Mông Cổ xếp hàng xông lên, Bành Doanh Ngọc liền ra lệnh:

– Liệt Hỏa Kỳ ra đây.

Giáo chúng của Liệt Hỏa Kỳ liền dùng ống đồng phun dầu đá và những hỏa tiễn ra.

Thế là hơn hai trăm tên lính Mông Cổ đều bị cháy xem tên nào tên nấy tựa như một trái cầu tròn, lăn long lóc xuống núi.

Bên kia Hồng Thủy Kỳ cũng dùng vòi rồng phun nước độc xuống. Có mấy trăm tên lính trúng phải thuốc độc, chết lăn ra bừa bãi.

Quần hùng thừa cơ xông lên chém giết. Tên Vạn phu chưởng của lính Mông Cổ ở dưới lưng núi thấy vậy, liền gõ chiêng thâu binh.

Những binh lính của chúng liền đổi tiền đội thành hậu đội và dùng cung nỏ bắn trở lên, không cho quần hùng xông tới truy kích. Rồi chúng từ từ rút lui xuống bên dưới.

Bành Doanh Ngọc thở dài và nói:

– Quân Mông Cổ tuy bại nhưng không rối loạn, đủ thấy chúng quả là tinh binh của thiên hạ.

Mọi người thấy quân Mông Cổ đã lui xuống chân núi, giải tán bốn bên như hình cái quạt, thì biết nhất thời chúng chưa dám lên núi vội.

Vô Kỵ liền hạ lệnh:

– Nhuệ Kim, Liệt Hỏa, Hồng Thủy tam kỳ, canh giữ lấy các đường lối lên núi. Cự Mộc, Hậu thổ nhị kỳ, mau chặt gỗ dọn đất để làm hào lũy phòng vệ quân địch lên đánh phá.

Nõ hành kỳ đều nhận lệnh của chàng đi phòng bố ngay.

Thoạt tiên quân hùng ai nấy tự phụ mình có võ công đều nghĩ dù không chém giết được quân địch thì cũng có thể bảo vệ lấy thân được, nhưng vừa rồi trải qua một trận giao chiến, họ mới nhận thấy oai lực của quân Mông Cổ như thế nào và họ biết hành quân đánh trận khác hẳn với một trận đấu tỷ võ thường của mình.

Quân Mông Cổ hàng vạn người xông lên, mạnh như nước hồng thủy, người có võ công lợi hại như Chỉ Nhược mà ở trong đám đông ấy cũng không thể dở tài ba ra được. Nếu không có trận pháp Ngũ hành kỳ của Minh giáo chống đỡ cho thì lúc này trên núi Thiếu thất đã bị quân Mông Cổ chiếm mất rồi, và các người sẽ bị chúng chém giết một cách thảm thiết cũng nên?

Riêng có tăng chúng của chùa Thiếu Lâm là vẫn có qui luật, từng đội hòa thượng trẻ tuổi, tay cầm thuyền trượng, giới đao, nghe lệnh của các nhà sư lớn tuổi phân đi các nơi canh phòng. Nhưng vì ít không địch nổi nhiều, tất nhiên sức lực của mấy ngàn tăng chúng làm sao chống đỡ nổi hơn hai vạn quân lính Mông Cổ tinh nhuệ như thế?

Vô Kỵ đặt Thanh Thư xuống, rờ tay vào mũi chàng, thấy hơi thở liền quay đầu lại định gọi Chỉ Nhược, nhưng chàng không thấy hình bóng của nàng đâu cả.

Chàng liền hỏi:

– Tống phu nhân đâu rồi?

Mọi người vì lo xua đuổi quân Mông Cổ nên không ai biết Chỉ Nhược đi đâu.

Các đệ tử của Nga Mi lúc này đã hết coi Minh giáo là kẻ thù nên họ đồng thanh trả lời là không thấy người chưởng môn của mình đâu cả.

Vô Kỵ sợ lúc hỗn loạn, nhỡ Thanh Thư bị thương thêm thì sao, nên chàng vội cởi vải bó quanh mình Thanh Thư ra xem.

Chàng thấy trên người của Thanh Thư có quấn tất cả ba lần vải trắng.

Ðến khi cởi xong ba lần vải trắng đó ra liền có tiếng kêu “coong coong” và có bốn mảnh khí giới gãy rơi ra.

Vô Kỵ giật mình kinh hãi và la lớn:

– Ðồ Long đao và ỷ Thiên kiếm.

Quần hùng nghe nói ba chữ Ðồ Long đao liền quay đầu lại nhìn xem.

Nhưng thấy Ðồ Long đao đã gãy làm hai khúc, cả ỷ Thiên Kiếm cũng vậy.

Vô Kỵ cầm nửa mảnh Ðồ Long đao lên thấy vẫn nặng chình chịch, chàng cảm xúc vô cùng vì cha mẹ mình bị chết bởi thanh đao này, vì hơn hai mươi năm nay trên giang hồ phân tranh cũng vì thanh đao này, và quần hùng tụ tập trên chùa Thiếu Lâm chủ yếu cũng vì thanh đao Ðồ Long này.

Chàng nghĩ đến thanh bảo đao đã xuất hiện, nhưng đao kiếm đã gãy rồi, hoá thành vô dụng hết.

Chàng cầm đao gãy lên xem, thấy chỗ gãy bên trong trống rỗng, có thể dấu được vật gì. Cả ỷ Thiên Kiếm cũng vậy, bên trong đều trống rỗng hết và nếu bên trong có vật gì thì người ta đã lấy đi mất rồi.

Dương Tiêu thở dài và nói:

– Thảo nào Chu cô nương có võ công kinh như thế, thì ra nàng đã học quyền kiếm trong phổ trong đao kiếm này.

Tuy Vô Kỵ là người rất nhân hậu, nhưng chàng không phải là người ngu xuẩn.

Chàng vừa trông thấy đao gãy và kiếm gãy trong lòng đã tỉnh ngộ ngay và nghĩ:

– Thế ra tối hôm đó ở trên hoang đảo, đao kiếm này là do Chỉ Nhược lấy đi. Không hiểu nàng ta dùng thủ đoạn nào mà đuổi được Triệu Minh và giết chết được Hân Ly, rồi lại dùng đao kiếm chém lẫn nhau, vì vậy hai lợi khí sắc bén nhất thiên hạ gãy đôi như thế. Rồi nàng lấy võ công bí kíp trong đao kiếm ra ngấm ngầm tu luyện. Chàng càng nghĩ càng hiểu ra, liền nghĩ tiếp:

– Phải rồi, khi lên hoang đảo, ta dùng Cửu Dương thần công xủa đuổi độc tố cho nàng, thấy trong người nàng phát sinh ra một nội lực ngấm ngầm chống lại thần công của ta. Sau thấy sức quái dị đó càng ngày càng mạnh, hiển nhiên nội công của nàng tu luyện càng ngày càng tiến bộ. Vì thời giờ cấp bách nàng lại muốn chóng thành công, không chịu luyện tập nội công căn bản trước, nên nàng chỉ học những ngoại công âm độc để mau chóng thành tài vì thế những võ công đó tuy lợi hại thật, nhưng vẫn không thể nào luyện tới mức thượng thừa được.

Chàng đang ngẫm nghĩ thì Ngô Kình Thảo, chưởng kỳ sứ của Nhuệ Kim Kỳ tiến lên nói:

– Thưa giáo chủ, thuộc hạ xuất thân thợ rèn, đã học qua cách luyện đao kiếm để thuộc hạ thử xem không biết có thể nối lại bảo đao, bảo kiếm này không?

Dương Tiêu mừng rỡ nói:

– Thuật luyện kiếm của Ngô Kỳ Sứ quả thật là vô song, giáo chủ cứ trao cho Ngô kỳ sứ làm thử xem.

Vô Kỵ gật đầu đáp:

– Hai thanh lợi khí này đã gãy đôi, quả thật đáng tiếc. Ngô Kỳ sứ cứ thử hàn lại xem, may ra chắp nối lại được cũng chưa biết chừng.

Dương Tiêu liền nói với Hạ Diệm:

– Chưởng kỳ sứ của Liệt hỏa kỳ, luyện đao luyện kiếm cần phải có lửa mạnh vậy mong Hạ huynh đệ giúp một tay. Chắc lúc này quân Thát đát chưa tấn công lên núi đâu, anh em chúng ta cứ thủng thẳng mà làm.

Hạ Diệm cười nói:

– Việc đốt bếp thổi lửa đó là nghề của tiểu đệ.

Thế rồi hai người chỉ huy thuộc hạ, xây luôn một cái lò rất cao, chỉ để hở một lỗ hổng rộng chừng một thước cho lửa bốc lên thôi.

Những đồ nhóm bếp Liệt hỏa kỳ lúc nào cũng sẳn sàng nên chỉ trông chốc lát bếp lửa đã đỏ hồng rồi.

Ngô Kình Thảo cứ nhìn thẳng vào lò lửa, bên cạnh y có mười bảy thứ khí giới, hễ thấy lò lửa biến sắc là cho khí giới đó vào trong lò thử xem sức lửa như thế nào.

Cho tới khi ngọn lửa đã biến thành màu trắng rồi, liền hay tay cầm cái kìm gang kẹp hai mảnh đao Ðồ Long vào làm một, đưa vào trong lò.

Mọi người thấy y mình cởi trần, những sao lửa bắn vào người y mà không bị phỏng chút nào, thì đều khâm phục.

Vô Kỵ thấy vậy nghĩ thầm:

– Việc luyện đao kiếm này cũng là một tài năng lớn chứ không phải tầm thường, nếu là thợ rèn thường thì làm sao chịu nổi sức nóng như thế này?

Chàng bỗng nghe thấy hai tiếng kêu “bộp bộp” thì ra hai tên giáo chúng đang kéo ống bễ bỗng lăn ra chết giấc.

Hạ Diệm với phó kỳ sứ liền lôi hai người kia ra, rồi tự động thay hai người đó để kéo bễ.

Nội công của hai người này cao siêu hơn hai giáo chúng kia nhiều, nên ngọn lửa bốc cao hơn trước gần trượng, trông thật là đẹp mắt.

Ngô Kình Thảo đột nhiên la lớn:

– Nguy tai.

Y vội vã tung mình nhảy lùi về sau, vẻ mặt rầu rĩ.

Mọi người thấy vậy giật mình kinh hãi, nhìn tay y, thấy hai cái kiềm kia đã chảy thành nước rồi mà Ðồ Long đao vẫn không việc gì.

Y lắc đầu nói:

– Thuộc hạ bất tài và bảo đao Ðồ Long này quả danh bất hư truyền.

Hạ Diệm với người phó sứ tạm ngưng kéo bễ, lui sang một bên, cả hai người quần áo ướt đâm tựa như ở dưới nước bước lên vậy.

Triệu Minh bỗng đề nghị:

– Vô Kỵ đại ca, có phải Thánh Hỏa lệnh của đại ca cũng như Ðồ Long đao, bất cứ thứ khí giới nào cũng không chém được phải không?

Vô Kỵ đáp:

– À, phải đấy.

Chàng có tất cả sáu miếng Thánh hỏa lệnh, đã đưa cho Nói Không Ðược một miếng để điều khiển binh tướng, hiện giờ chàng còn giữ năm miếng.

Chàng vội lấy ra đưa cho Ngô Kình Thảo và nói:

– Ðao kiếm không làm được liền thì thôi, nhưng thánh hỏa lệnh này là vật báu truyền của bổn giáo, chớ để nó suy suyển.

Kình Thảo cầm lấy thánh hỏa lệnh lên xem, thấy năm miếng thánh hỏa lệnh đó không phải là vàng cũng không phải là sắt, cứng rắn khôn tả.

Cầm trong tay thấy nặng chịnh, y liền cúi đầu ngẫm nghĩ, vẻ mặt quái dị.

Vô Kỵ lại nói tiếp:

– Nếu nhận thấy không làm được thì đừng có mạo hiểm.

Kình Thảo nghe nói rùng mình, y đang trầm ngâm suy nghĩ, bỗng như người thức tỉnh, vội đáp:

– Thuộc hạ nhất thời thất thần, nên mới thất lễ như thế, mong giáo chủ tha lỗi cho. Vì thánh hỏa lệnh là dùng bạch kim huyền thiết trộn với kim cương sa mấy thứ tạo thành, lửa nóng đến đâu cũng không thể nung chảy được, nên thuộc hạ đang hoài nghi, không hiểu năm xưa người ta dùng cách gì để chế thành, vì thế nên mới thất thần như thế.

Triệu Minh vừa cười vừa xen lời nói:

– Có lẽ Ngô Kỳ Sứ phải đi Ba Tư một phen để lãnh giáo những người thợ cao tay của họ mới được. Chưởng kỳ sứ xem này, trên thánh hỏa lệnh còn có khắc những nét hoa và chữ, vậy những đường chỉ hoa và những chữ đó họ điêu khắc bằng cái gì thế?

Ngô Kình Thảo đáp:

– Muốn khắc những đường chỉ hoa và chữ lên trên thánh hỏa lệnh này không khó, chỉ cần bôi sáp trắng lên, rồi điêu khắc đường chỉ hoa với chữ sáp trắng đó. Sau đó đổ nước cường toan rất mạnh vào, chỉ vài tháng là cùng, bên dưới nó bị nước cường toan đó ăn dần và cạo sáp trắng đó đi. Ðường chỉ hoa và chữ liền hiện ra trên thánh hỏa lệnh, tiểu nhân chỉ không hiểu cách nung đúc của họ thôi.

Hạ Diệm bỗng lớn tiếng hỏi:

– Này có làm hay không đấy?

Kình Thảo vội nói với Vô Kỵ:

– Giáo chủ cứ yên tâm, liệt hỏa của chú em họ Hạ đây, tuy lợi hại thực, nhưng không làm suy suyển nổi thánh hỏa lệnh này đâu.

Hạ Diệm nghe nói trong lòng nơm nớp lo sợ, vội đỡ lời:

– Tôi hết sức quạt lửa, nếu có đốt cháy thánh hỏa lệnh của bổn giáo thì tôi không chịu trách nhiệm đâu.

Ngô Kình Thảo mỉm cười đáp:

– Chắc hiền đệ không đủ nghị lực đợi chờ lâu như thế đâu. Nhưng hiền đệ chịu được thì cứ quạt đi, tất cả trách nhiệm tôi đều gánh hết. Thế rồi, y dùng hai chiếc thánh hỏa lệnh kẹp lấy nửa thanh đao Ðồ Long và dùng hai miếng nữa kẹp lấy nửa thanh đao kia. Sau mới dùng kìm gang kẹp vào bốn miếng Thánh hỏa lệnh ấy, rồi đặt bảo đao vào trong lò lửa thiêu đốt lại. Lửa trong lò càng bốc, càng cao, đốt thêm nửa tiếng đồng hồ nữa, mọi người thấy Kình Thảo, Hạ Diệm và phó kỳ sứ của Liệt Hỏa kỳ đứng trước lò càng ngày càng tỏ vẻ mệt mỏi và dần dần chịu không nổi.

Phạm Dao đưa mắt ra hiệu cho Chu Ðiên, tay trái phẩy một cái, hai người cùng nhảy xổ lên thay tay cho Hạ Diệm với phó kỳ sứ và dùng sức kéo ống bễ.

Phạm, Chu hai người công lực hơn Hạ Diệm và Phó kỳ sứ nhiều, nên lửa trong lò cứ bốc lên thẳng và ngọn lửa trắng bạch, Kình Thảo đột nhiên quát lớn:

– Chú em họ Cố ra tay.

Phó kỳ sứ của Nhuệ Kim kỳ là Cố mạnh Lỗ, tay cầm đao sắc bén đi tới cạnh lò, múa thanh đao đến nhoáng một cái lưỡi đao nhắm ngực Kình Thảo đâm luôn.

Quần hùng đứng cạnh đó thấy vậy kinh hoàng thất sắc, đều đồng thanh kêu la.

Ngực của Kình Thảo đã có máu tươi vọt ra nhỏ xuống thanh đao Ðồ Long.

Máu gặp nóng liền hoá thành một luồng khói bốc lên.

Kình Thảo vội la lớn:

– Thành rồi.. .

Y lui về phía sau mấy bước ngồi phịch xuống dưới đất.

Mọi người thấy hai mảnh của thanh đao Ðồ Long đã dính chặt và nhau rồi.

Lúc ấy, mọi người mới biết luyện đao kiếm hễ thấy không thành thường thường phải nhỏ máu vào khí giới.

Hai thanh bảo kiếm Can Tương, Mạc Tà thời cổ cũng vậy, vợ chồng người luyện kiếm còn nhảy vào trong lò hy sinh mới luyện thành hai thanh bảo kiếm sắc bén đó.

Cử chỉ của Ngô Kình Thảo đây cũng bắt chước các tay thợ có tên tuổi đời xưa.

Vô Kỵ vội đỡ Ngô Kình Thảo dậy, xem vết thương của y thấy lưỡi dao đâm vào không sâu mấy, chỉ bị thương xoàng thôi.

Chàng liền lấy thuốc chữa thương ra rịt cho và lên tiếng nói:

– Ngô huynh hà tất phải hy sinh như vậy, thanh bảo đao này có nối lại được hau không cũng không quan trọng cho lắm, nhưng phải để cho Ngô huynh phải chịu đựng rất đau khổ như vậy là không phải.

Kình Thảo thấy giáo chủ không xem lại thánh hỏa lệnh, cũng không xem thanh đao Ðồ Long mà lại chú y tới vết thương của mình trước nên trong lòng cảm động vô cùng, liền đáp:

– Bị chút thương nhỏ ở da thịt có nghĩa gì đâu mà khiến giáo chủ nhọc tâm, nhọc lòng đến thế?

Nói xong, y đứng dậy cầm thanh đao Ðồ Long lên xem, thấy chỗ nối liền không có dấu vết gì hết chỉ có một đường chỉ máu thôi.

Y cũng đắc chí vô cùng.

Vô Kỵ xem lai bốn miếng Thánh hỏa lệnh thấy quả nhiên không suy suyển chút nào. Chàng cầm lấy thanh đao Ðồ Long chém luôn vào hai cây trường mâu vừa cướp được của lính Mông Cổ một nhát.

Chỉ nghe thấy kêu soẹt một tiếng rất khẽ, hai cây sà mâu đó liền gãy làm đôi ngay.

Quả thực, thanh đao này chém sắt như chém bùn.

Quần hùng thấy vậy liền lớn tiếng hoan hô và nói:

– Tuyệt kỳ, tuyệt kỳ.

Kình Thảo lại cầm lấy hai mảnh của thanh ỷ thiên kiếm, nhưng y bỗng nghĩ đến cựu chưởng kỳ sứ Nhuệ Kim kỳ là Trang Tranh với mấy chục anh em của bổn kỳ đều bị chết dưới thanh kiếm này.

Y không sao nhịn được, nước mắt nhỏ xuống ròng ròng và nói:

– Thưa giáo chủ, kiếm này đã giết chết Trang đại ca chúng tôi và đồng thời nó cũng giết hại rất nhiều anh em nữa, nên Kình Thảo tôi hận nó vô cùng, không muốn tiếp nối nó nữa vậy kính xin giáo chủ trị tội cho.

Nói xong, nước mắt của y lại nhỏ ra như mưa.

Vô Kỵ liền nói:

– Ðó là nghĩa khí của Ngô đại ca, có lỗi gì đâu.

Nói xong, chàng cầm hai khúc kiếm gãy đó đi tới trước mặt Tĩnh Tuệ của phái Nga Mi và nói:

– Kiếm này nguyên là vật của quý phái, xin đại sư nhận lấy để sau này trao trả cho Chu … cho Tống phu nhân.

Tĩnh Tuệ không nói năng gì, đỡ lấy hai mẩu kiếm đó luôn.

Vô Kỵ cầm thanh đao Ðồ Long, ngẫm nghĩ giây lát và nói với Không Văn rằng:

– Phương trượng, đao này là của nghĩa phụ tôi kiếm ra được, bây giờ nghĩa phụ tôi đã quy y tam bảo, người đã thuộc phái Thiếu Lâm, vậy đao này do Thiếu Lâm giữ lấy.

Không Văn xua tay đáp:

– Con dao này đã đổi chủ mấy lần rồi, sau cùng Trương giáo chủ trong thiên quân vạn mã mà cướp được, ai ai cũng trông thấy hết và lại do Ngô đại ca của quý giáo nối liền lại. Huống hồ, ngày hôm nay thiên hạ cùng bầu Trương giáo chủ là Minh giáo chủ của võ lâm, luận tài, luận đức, luận nguồn gốc, luận danh vì, đao này phải về tay Trương giáo chủ mới đúng thiên kinh đại nghĩa.

Quần hùng liền phụ hoạ và đồng thanh nói:

– Phải, ai ai cũng đều một ý kiến hết, Trương giáo chủ đừng từ chối nữa.

Vô Ky bất đắc dĩ đành phải nhận lấy thanh đao đó và trong lòng nghĩ thầm:

– Nếu nhờ thanh đao này, hiệu lệnh thiên hạ võ lâm xua đuổi quân Thát Ðát cũng là một việc hay .

Chàng bỗng nghe thấy trong đám đông có nhiều người xôn xao và nói:

– Võ lâm chí tôn, bảo đao Ðồ Long, hiệu lệnh thiên hạ, mặc cảm bất tòng.

Bên dưới còn có hai câu:

– Ỷ thiên bất xuất, thùy nhữ tranh phong.

Nhưng mọi người thấy ỷ thiên kiếm đã gãy không có ai nối liền nên không người nào nhắc nhở tới hai câu ấy.

Mọi người của Nhuệ Kim kỳ rất hận cây Y thiên kiếm, nay thấy đao đã liền như trước, còn ỷ thiên kiếm thì gãy làm hai mảnh, người nào người nấy khoái trí vô cùng.

Lúc ấy, trong Hồng thủy kỳ đã khiêng ra một cái chảo sắt lớn trong miếu ra, để trên lò lửa nấu một vạc dầu thật sôi, chỉ chờ đợi quân Mông Cổ xông lên trên núi là dùng dầu đó tấn công.

Chùa Thiếu Lâm đã có từ ngàn năm nay, dầu trong chùa tích trữ hành nhà có thể nói dùng bao nhiêu cũng không hết.

Mọi người bận rộn nửa ngày, trong bụng đã thấy đói.

Trừ Ngũ hành kỳ của Minh giáo và nửa số tăng chúng của Thiếu Lâm phải canh gác ở các nơi hiểm yếu ra còn những người khác với tăng chúng vào chùa dùng cơm chay. Chờ khi sắp tối Vô Kỵ nhảy lên một cây cao, nhìn xuống dưới núi, thấy quân Mông Cổ một đạo đóng phía Tây bao vây chặt chân núi, bốn bề đều có khói bốc lên, chàng biết ngay chúng đang thổi cơm ăn.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN