Cô Gái Đùa Với Lửa - Chương 14
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
109


Cô Gái Đùa Với Lửa


Chương 14


Thứ Năm trước Phục sinh, 24 tháng Ba

Modig đã nửa giờ cố tiếp xúc với Bjurman qua di động của ông. Lần nào chị cũng nghe nói là không liên lạc được với chủ máy.

3 rưỡi chiều chị lái xe đến Odenplan, bấm chuông cửa. Một lần nữa, không trả lời. Chị bỏ thêm hai mươi phút nữa bấm chuông các căn hộ khác trong chung cư để xem liệu có hàng xóm nào biết Bjurman hiện ở đâu không.

Mười chín căn hộ thì mười một không có ai ở nhà. Trong ngày rõ ràng lúc này không phải là lúc gõ cửa, huống hồ lại vào cuối tuần kèm lễ Phục sinh nữa thì chả mong sẽ được gì tốt hơn. Trong tám căn hộ có người, ai cũng sẵn sàng giúp. Năm người biết Bjurman là ai – một ông lịch sự, xã giao, nói năng tử tế trên tầng sáu. Không ai cho được một thông tin gì về chỗ ở của ông ta. Chị đã xoay xở biết được Bjurman có thể đang đến thăm một trong những hàng xóm gần gũi nhất của ông ta, một nhà kinh doanh tên là Sjoman. Nhưng cũng chả có ai trả lời ở cửa nhà này.

Nản lòng, Modig lấy di động ra gọi lại một lần nữa vào máy trả lời của Bjurman. Chị cho tên chị, để lại số di động của chị và đề nghị ông liên hệ với chị càng nhanh càng tốt.

Chị quay về cửa nhà Bjurman, viết giấy nhắn đề nghị ông gọi cho chị. Chị cũng lấy danh thiếp ra bỏ vào hòm thư. Lúc đậy nắp hòm thư lại thì chị nghe thấy tiếng điện thoại réo ở trong căn hộ. Ghé sát cửa chị chăm chú nghe thấy nó réo bốn hồi. Chị nghe máy trả lời cạch một tiếng nhưng chị không nghe thấy lời nhắn nào.

Chị đậy lại nắp hòm thư rồi nhìn ra cửa. Chị không thể nói chính xác xung lực nào đã khiến chị giơ tay sờ vào tay nắm cửa và chị hết sức ngạc nhiên thấy cửa không khóa. Chị đẩy cửa nhòm vào trong gian sảnh.

– Xin chào. – Chị thận trọng gọi rồi nghe ngóng. Im như tờ.

Chị bước một chân vào gian sảnh rồi ngập ngừng. Chị cầm chắc không tìm được ra cớ để đi vào cũng như không có quyền vào căn hộ, cho dù cửa không khóa. Chị nhìn sang trái, liếc vào phòng khách. Vừa định bụng quay ra thì nhác trông lên bàn ở gian sảnh. Nhìn thấy một hộp đựng súng Colt Magnum.

Chị thình lình cảm thấy rất bất an. Chị mở jacket lấy súng công vụ ra, điều trước đây hiếm khi chị làm.

Chị gạt chốt an toàn và chĩa súng xuống sàn khi đi vào phòng khách, ngó nhìn trong đó. Không thấy gì trước mắt nhưng chị cứ thấy thấp thỏm hơn lên. Chị lui ra nhòm vào bếp. Trống không. Chị đi xuôi hành lang và đẩy cửa phòng ngủ.

Bjurman trần truồng nằm gục trên giường. Ông quỳ xuống sàn tựa như đang đọc kinh.

Ngay ở ngoài cửa Modig cũng có thể nói là ông đã chết. Một nửa trán ông bị một viên đạn bắn từ ót thổi tung đi.

Modig đóng cửa căn hộ lại ở đằng sau mình. Chị vẫn giữ khẩu súng công vụ ở trong tay khi bấm di động gọi thanh tra Bublanski.

Không liên hệ được với ông. Chị gọi cho công tố viên Ekstrom ngay sau đó. Chị ghi lại thời gian. 4 giờ 18 phút.

Faste nhìn cửa vào tòa nhà trên đường Lundagatan. Ông nhìn Andersson rồi nhìn đồng hồ. 4 giờ 10.

Sau khi được người quản gia cho mã số vào, họ đã ở trong tòa nhà, họ ghé tai vào cửa có biển tên đề “Salander + Wu”. Họ không nghe thấy âm thanh nào trong căn hộ, và cũng chẳng ai đáp lại tiếng chuông.

Họ quay ra xe đỗ ở một chỗ có thể theo dõi được cửa nhà.

Ở trên xe qua điện thoại họ được cho biết cái người ở Stockholm mà gần đây mới điền thêm tên vào hợp đồng thuê căn hộ trên đường Lundagatan là Miriam Wu, sinh năm 1974, trước kia sống ở St. Eriksplan.

Họ có một ảnh hộ chiếu của Salander dán trên radio xe. Faste nói hẳn ra miệng rằng cô nom như con điếm.

– Mẹ kiếp, điếm lúc nào nom cũng bệ rạc hơn đi. Nhót phải ả này ông sẽ thất vọng phải biết.

Andersson nín thinh.

Lúc 4 giờ 20, Bublanski gọi họ bảo ông đang trên đường từ chỗ Armansky đến tòa soạn Millennium. Ông yêu cầu Faste và Andersson theo dõi tiếp ở Lundagatan. Họ cần đem Salander đến thẩm vấn nhưng họ nên biết rằng công tố viên không nghĩ cô ta có thể dính dáng đến vụ giết hai người ở Enskede đâu.

– Được thôi. – Faste nói. – Theo Bong bóng thì công tố viên muốn có lời thú tội trước đã rồi có bắt ai mới bắt.

Andersson không nói gì. Họ theo dõi lờ phờ những người qua lại trong khu vực.

4 giờ 40, công tố viên Ekstrom gọi di động của Faste.

– Có chuyện đấy. Chúng ta tìm thấy Bjurman bị bắn trong nhà ông ta. Chết ít ra cũng đã hai mươi tư tiếng đồng hồ.

Faste ngồi ngay ngắn lên.

– Nghe rõ. Chúng tôi sẽ làm gì?

– Tôi sắp ra lệnh báo động về Salander. Cô ta bị truy nã là nghi phạm trong ba vụ giết người. Chúng ta sẽ gửi lệnh báo động đi cả nước. Chúng ta cần coi cô ta là nguy hiểm và rất có thể là có vũ khí.

– Nghe rõ.

– Tôi đang điều một xe nhiều chỗ đến Lundagatan. Anh em sẽ vào căn hộ và canh ở đấy.

– Hiểu.

– Các anh có tiếp xúc được với Bublanski không?

– Ông ấy ở Millennium.

– Và hình như tắt di động. Anh có thể thử gọi báo cho ông ấy biết không?

Faste và Andersson nhìn nhau.

– Vấn đề là chúng ta làm gì nếu cô ta lòi mặt ra. – Andersson nói.

– Nếu có một mình và xem tình hình tốt thì tóm luôn. Cô gái này điên như quỷ và rõ ràng là đang trong cơn hăng giết đây. Có thể có nhiều vũ khí ở trong căn hộ.

Blomkvist mệt muốn chết khi anh đặt chồng các trang bản thảo lên bàn làm việc của Berger rồi buông mình xuống chiếc ghế bên cửa sổ nhìn ra Gorgatan. Anh đã bỏ cả chiều ra cố quyết định xem họ cần làm gì với quyển sách chưa xong của Svensson.

Svensson mới chỉ chết vài ba giờ mà người xuất bản đã phân vân làm gì với công trình anh để lại. Một người ngoài cuộc có thể nghi như thế là trắng trợn và không tình nghĩa. Nhưng Blomkvist không nhìn theo kiểu ấy. Anh cảm thấy anh gần như đang ở trong trạng thái không trọng lượng. Đây là một cảm giác mà mọi phóng viên và biên tập viên báo chí đều biết rõ, chính nó đã đóng góp vào những lúc khủng hoảng trực tiếp.

Khi người khác buồn phiền thì người làm báo trở nên hữu hiệu. Mặc dù các thành viên của nhóm Millennium đang ở đây buổi sáng thứ Năm trước Phục sinh này đều bị chấn động, đầu óc nghề nghiệp vẫn thắng thế để khơi dòng mạnh mẽ cho mọi người bắt tay vào việc.

Với Blomkvist thì chuyện này chả phải nói. Anh và Svensson là hai người cùng một tạng, nếu họ đổi vai trò cho nhau thì Svensson cũng làm giống như anh mà thôi. Anh sẽ tự hỏi nên làm gì cho Blomkvist. Svensson để lại di sản là một bản thảo với một câu chuyện bùng nổ. Anh ấy đã làm việc trong bốn năm, đã để hết tâm trí vào một nhiệm vụ mà nay anh ấy sẽ chẳng bao giờ hoàn thành.

Và anh đã chọn làm việc với Millennium.

Tính theo thang bậc của vụ ám sát Olof Palmer thì vụ giết Dag và Mia không là một tổn thất tầm cỡ quốc gia, cuộc điều tra sẽ không được cả nước đau buồn theo dõi. Nhưng với những người làm ở Millennium thì cú sốc có thể lại lớn hơn – nó ảnh hưởng đến cá nhân họ – và Svensson đã có một mạng lưới tiếp xúc rộng rãi trong giới truyền thông đại chúng, mạng lưới ấy đang sắp yêu cầu trả lời cho các câu hỏi của họ.

Nhưng nay hoàn tất quyển sách của Svensson là nhiệm vụ của Blomkvist và Berger, cũng như trả lời các câu hỏi: ai giết hai người? Và tại sao?

– Tôi có thể xây dựng lại quyển sách chưa xong. – Blomkvist nói. – Malin và tôi phải làm tiếp từng dòng từng dòng các chương chưa in rồi xem chỗ nào vẫn cần phải làm thêm. Với phần lớn công việc này, chúng tôi chỉ cần làm theo các ghi chép của Dag nhưng ở chương bốn và chương năm thì thực sự có vấn đề vì chúng dựa phần lớn vào các phỏng vấn của Mia. Dag đã không điền rõ nguồn là ai nhưng trừ vài ngoại lệ tôi nghĩ chúng ta vẫn có thể dùng các tham chiếu ở trong luận án của cô ấy làm nguồn thứ nhất được.

– Về chương cuối cùng thì sao?

– Dag đã từng trình bày sơ sơ với tôi, hai chúng tôi đã bàn đi bàn lại nhiều lần đến độ những gì anh ấy muốn nói ra thì tôi cũng đều ít nhiều nắm được chính xác. Tôi đề nghị chúng ta đem bản tóm tắt xuống làm lời cuối sách, ở đấy tôi có thể giải thích lập luận của anh ấy.

– Khá hay, nhưng tôi không muốn tán thành làm thế. Chúng ta không thể cài lời lẽ vào miệng anh ấy được.

– Làm thế đâu có nguy hiểm gì. Tôi sẽ viết chương cuối như là một suy nghĩ cá nhân và ký tên tôi. Tôi sẽ thuật lại anh ấy đã đi đến chỗ viết và nghiên cứu về quyển sách như thế nào, cũng nói cả anh ấy là loại người làm sao. Tôi sẽ nhắc lại điều mà ít nhất anh ấy đã nói tới trong cả chục lần trò chuyện mấy tháng qua làm kết luận. Có nhiều cái trong bản thảo của anh ấy tôi có thể trích dẫn. Tôi nghĩ tôi có thể làm cho nó ra tấm ra món.

– Hơn bao giờ hết em muốn in quyển sách. – Berger nói.

Blomkvist hiểu chính xác điều chị muốn nói.

Berger để kính đọc xuống bàn làm việc rồi lắc đầu. Chị đứng lên rót hai tách cà phê ở phích rồi đến ngồi xuống trước mặt Blomkvist

– Christer và em đã phác những nét đại cương về số báo thay thế. Chúng em đã lấy hai bài báo được đánh dấu dành cho số báo sau số báo này và sẽ đem các tài liệu của người viết tự do lấp vào chỗ bi hụt. Nhưng nó sẽ là cái này một tí cái kia một tí linh tinh, không có trọng điểm thực sự nào.

Họ ngồi im một lúc.

– Anh có nghe tin không? – Berger hỏi.

– Không. Anh biết họ sẽ nói gì.

– Nó thành ra bài chính của mọi đài phát thanh. Bài báo hàng hai là một cuộc vận động chính trị của đảng Trung lập.

– Như thế có nghĩa là ở đất nước này tuyệt đối không có chuyện gì khác xảy ra cả.

– Cảnh sát chưa tung tên của họ ra. Họ được tả là “một đôi tận tụy”. Không ai nói người phát hiện ra họ là anh.

– Anh cược là cảnh sát sẽ làm tất cả để cho họ có thể giữ im được, ít ra cái đó cũng có lợi cho chúng ta.

– Sao cảnh sát lại muốn im thế?

– Vì cơ bản các thám tử ghét chuyện bị truyền thông đại chúng làm om sòm. Anh đoán một lúc nào đó vào tối nay hay sớm mai sẽ có cái gì đó rò rỉ ra.

– Trẻ thế này mà cay độc thế hả?

– Chúng mình chả còn trẻ nữa rồi, Erika. Anh đã nghĩ như thế khi họ chất vấn anh đêm qua. Cô thanh tra cảnh sát nom như vẫn đang đi học.

Berger gượng cười. Đêm qua chị đã ngủ được mấy giờ nhưng chị đang bắt đầu thấy căng thẳng, vẫn chuyện ấy thôi, không lâu la nữa chị sẽ là Tổng biên tập của một trong những tờ báo lớn nhất Thụy Điển. Mà không – không phải là lúc nói chuyện ấy với Blomkvist.

– Lúc nãy Henry gọi đến. Người trông nom cuộc điều tra sơ bộ tên là Ekstrom chiều nay sẽ có cuộc họp báo.

– Richard Ekstrom?

– Đúng, anh biết ông ta?

– Bồi bếp chính trị. Om sòm có đóng dấu bảo lãnh về thông tin đại chúng. Chuyện này sẽ được quảng cáo lùm xùm đây.

– Được, ông ta nói cảnh sát đang lần theo một số đầu mối và hy vọng giải quyết sớm vụ này. Có thế nào thì ông ta mới nói như thế. Nhưng có vẻ hiện trường đang đầy ắp phóng viên.

Blomkvist dụi mắt.

– Anh không bỏ đi được hình ảnh xác Mia ra khỏi đầu. Khổ, anh vừa mới quen biết họ.

– Một thằng điên…

– Anh không biết. Suốt cả hôm nay anh nghĩ đến chuyện đó.

– Là chuyện gì?

– Mia bị bắn ở bên cạnh. Anh trông thấy vết thương ở bên cạnh gáy cô ấy và viên đạn thì ra ở trán. Dag bị bắn trước mặt. Viên đạn vào trán anh ấy rồi ra đằng ót. Trông những viên đạn này thì chỉ thấy là hai phát súng. Nó không có vẻ là hành động của một thằng ngu đơn độc nào đó.

Berger tư lự nhìn Blomkvist.

– Vậy đó là thế nào?

– Nếu đây không phải là bắn giết bừa thì phải là có một động cơ. Anh càng nghĩ về chỗ này lại càng cảm thấy tập bản thảo có thể cung cấp ra được một động cơ nghe thích hợp đấy. – Blomkvist trỏ vào chồng bản thảo trên bàn làm việc của Berger. Chị nhìn theo mắt anh. Rồi họ nhìn nhau. – Có thể không phải do tự bản thân quyển sách. Có thể Dag và Mia đã chõ mũi vào quá nhiều và cố… anh không biết… có thể một người nào đó thấy bị đe dọa.

– Bèn thuê một kẻ hạ thủ. Mikael – đấy là chất liệu trong điện ảnh Mỹ. Quyển sách này viết về những kẻ bóc lột, những kẻ lợi dụng. Nó lôi ra tên của các sĩ quan cảnh sát, chính trị gia và nhà báo… Vậy anh nghĩ là có một kẻ trong đám này đã giết Dag và Mia?

– Anh không biết, Erika. Nhưng chúng ta bảo nhau là trong ba tuần nữa sẽ in bản tường thuật dữ dằn nhất từng xuất bản Thụy Điển xưa nay.

Lúc ấy Eriksson gõ cửa và thò đầu vào. Một thanh tra Bublanski nào đó muốn nói chuyện với Blomkvist.

Bublanski bắt tay Berger và Blomkvist rồi ngồi xuống chiếc ghế thứ ba ở cái bàn bên cửa sổ. Ông quan sát Blomkvist và thấy một người đàn ông mắt hõm lại với một bộ râu một ngày chưa cạo.

– Đã có tiến triển gì chưa? – Blomkvist nói.

– Có thể. Tôi biết anh đêm qua đã phát hiện ra hai người nọ ở Enskede rồi gọi cảnh sát.

Blomkvist mệt mỏi gật đầu.

– Tôi biết anh đã kể chuyện anh cho thám tử trực đêm ấy nhưng tôi nghĩ nếu như có thể thì anh làm rõ thêm ra một số chi tiết cho tôi.

– Ông muốn biết gì đây?

– Sao anh đi xe đến gặp Svensson và Johansson quá khuya vào đêm như thế?

– Chuyện này không phải là chi tiết mà là cả một cuốn tiểu thuyết. – Blomkvist nói với một nụ cười mệt. – Tôi dự bữa ăn tối liên hoan ở nhà em gái tôi – cô ấy sống ở một khu đô thị mới tại Staker. Dag Svensson gọi vào di động của tôi, nói anh ấy sẽ không có thì giờ đến tòa soạn ngày thứ Năm – là hôm nay đây – như chúng tôi đã hẹn trước. Anh ấy phải nộp một số ảnh cho trưởng ban mỹ thuật của chúng tôi. Anh ấy đưa ra lý do là anh ấy và Mia đã quyết định đánh xe lên nhà bố mẹ cô ấy để qua cuối tuần và họ muốn đi sớm vào buổi sáng. Anh ấy hỏi anh ấy quẳng chúng ở chỗ tôi vào buổi sáng chứ không như đã định trước thì có ổn không. Tôi nói vì tôi ở rất gần nên trên đường từ chỗ em gái về nhà, tôi có thể tạt qua lấy các bức ảnh ấy được.

– Thế là anh đi xe đến Enskede lấy các bức ảnh.

– Vâng.

– Về vụ giết hai người kia, anh có nghĩ đến một động cơ nào đó không?

Blomkvist và Berger liếc nhau, không ai nói gì.

– Động cơ là gì đây? – Bublanski muốn biết.

– Hôm nay chúng tôi đã bàn về chuyện này và chúng tôi hơi bị bất đồng. Thực sự không phải bất đồng – chỉ là chúng tôi không chắc chắn. Chúng tôi mới là suy luận.

– Báo cho tôi với đi.

Blomkvist nói rõ cho ông về đề tài quyển sách của Svensson, anh và Berger đang bàn liệu nó có thể dính dáng gì với vụ giết hai người không. Bublanski ngồi im một lúc, tiếp nhận cái tin.

– Vậy là Svensson sắp tố các sĩ quan cảnh sát ra.

Ông không thích chút nào câu chuyện lại quay sang thế này, ông hình dung ra “cái lõng cảnh sát” rồi sẽ có thể lởn vởn tới lui trên các báo đài và mọi kiểu lập luận về mưu mô thông đồng sẽ lại nổi lên.

– Không. – Blomkvist nói. – Anh ấy tố đám tội phạm, trong đó một số ít tình cờ lại là sĩ quan cảnh sát. Cũng có cả một hai người trong nghề của tôi, gọi là nhà báo.

– Và anh định đăng những thông tin ấy lên bây giờ?

Blomkvist quay sang nhìn Berger, chị nói:

– Không, chúng tôi để cả ngày làm số báo mới. Chúng tôi chắc sẽ xuất bản quyển sách của Svensson nhưng chỉ làm chuyện này khi nào chúng tôi biết chính xác điều gì đã xảy ra. Trong ánh sáng của điều xảy ra đó, quyển sách sẽ được làm lại toàn bộ. Chúng tôi sẽ không làm gì để phá cuộc điều tra vụ giết hai người bạn của chúng tôi đâu, nếu đó là điều ông quan ngại.

– Tôi cần xem chút chút bàn làm việc của Svensson nhưng do đây là tòa soạn của một tạp chí nên mở một cuộc tìm kiếm toàn diện thì có thể sẽ thành một chuyện nhạy cảm.

– Ông sẽ tìm thấy tất cả tài liệu của Dag ở trong máy tính xách tay của anh ấy. – Berger nói.

– Tôi đã lục lọi hết bàn làm việc của anh ấy. – Blomkvist nói. – Tôi đã lấy một ít tư liệu cho biết trực tiếp các nguồn tin vẫn muốn giấu tên. Ông được tự do xem xét mọi thứ khác, tôi cũng đã để ở trên bàn làm việc lời dặn không được đụng đến hay dịch chuyển bất cứ thứ gì đi. Vấn đề là vì cần phải giữ kín tuyệt đối nội dung của quyển sách cho tới khi xuất bản. Chúng tôi cần tránh hết sức để không cho quyển sách bị truyền đi trong lực lượng cảnh sát và do chỗ chúng tôi sắp đưa một hay hai nhân viên cảnh sát ra trước pháp luật, thì càng lại cần phải giữ như thế hơn.

Khỉ thật, Bublanski nghĩ. Sao sáng nay mình lại không đến thẳng ngay đây chứ? Nhưng ông chỉ gật và thay đổi mánh.

– OK. Có một người có liên quan đến vụ giết hai người mà chúng tôi muốn hỏi. Tôi tin rằng anh biết người này. Tôi muốn nghe anh nói gì đó về người phụ nữ có tên là Lisbeth Salander.

Trong thoáng một giây Blomkvist nom giống một dấu chấm hỏi ảo. Bublanski nhận thấy Berger nhìn soi vào người đồng nghiệp của chị.

– Ông đang nói cái quái gì vậy?

– Anh biết Lisbeth Salander chứ?

– Vâng, tôi biết cô ấy.

– Sao anh biết cô ấy?

– Tại sao ông hỏi?

Bublanski cáu trông thấy nhưng ông chỉ nói:

– Tôi muốn phỏng vấn cô ấy vì có liên quan đến vụ giết hai người. Sao anh biết cô ấy?

– Nhưng… cái này vô lý. Lisbeth Salander không có bất cứ quan hệ nào với Dag Svensson và Mia Johansson.

– Đó là điều chúng tôi sẽ xác lập trong quá trình điều tra. – Bublanski kiên nhẫn nói. – Nhưng tôi vẫn hỏi sao anh biết Lisbeth Salander?

Blomkvist vỗ vỗ mớ râu trên cằm rồi dụi mắt trong khi các ý nghĩ quần đảo trong đầu anh. Cuối cùng anh nhìn vào mắt Bublanski.

– Hai năm trước tôi thuê cô ấy làm cho một ít điều tra về một dự án khác hoàn toàn.

– Dự án ấy là gì?

– Tôi xin lỗi, nhưng ông phải tin lời tôi: cái đó không liên quan chút nào hết với Dag Svensson và Mia Johansson cả. Và cũng đã kết thúc. Đã xong và thành bụi bặm rồi.

Bublanski không thích kiểu ai đó nói có những vấn đề không được bàn đến ngay cả ở trong một cuộc điều tra án mạng nhưng ông chọn dành chuyện này cho lúc nào thích hợp.

– Lần cuối cùng anh thấy Salander là lúc nào?

Blomkvist ngừng một lúc rồi nói.

– Đây, là thế này. Mùa thu hai năm trước, tôi gặp cô ấy. Quan hệ chấm dứt vào quãng Noel năm ấy. Rồi cô ấy biến khỏi thành phố. Hơn một năm tôi không gặp cô ấy cho tới tuần trước.

Berger nhướng lông mày. Bublanski ngờ ngợ nhưng với chị, đây là tin mới.

– Anh gặp cô ấy ở đâu?

Blomkvist hít một hơi dài rồi thuật vắn tắt lại các sự việc ở Lundagatan. Bublanski càng nghe càng ngạc nhiên, không chắc được có bao nhiêu phần là bịa ở trong chuyện của Blomkvist.

– Vậy là anh không nói chuyện với cô ấy.

– Không, cô ấy biến mất ở mạn trên của đường Lundagatan. Tôi chờ một lúc lâu nhưng cô ấy không quay lại. Tôi viết cho cô ấy một cái thư yêu cầu liên hệ với tôi.

– Và anh hoàn toàn chắc chắn rằng giữa cô ấy và hai người ở Enskede không có liên hệ gì.

– Cái này tôi chắc chắn.

– Anh có thể tả người đàn ông anh trông thấy đánh đuổi cô ấy không?

– Chi tiết thì không. Hắn đánh, cô ấy chống đỡ và chạy. Tôi nhìn thấy hắn ở cách chừng bốn mươi lăm mét. Đêm khuya và trời tối om.

– Anh có bị say xỉn không?

– Tôi có hơi ngà ngà nhưng tôi không say ngã ra. Người đàn ông tóc vàng nhạt và túm đuôi ngựa. Hắn mặc jacket dài sẫm màu. Bụng bự. Khi leo lên cầu thang ở Lundagatan tôi chỉ nhìn thấy hắn ở đằn lưng nhưng hắn quay lại rồi tới tấp đánh tôi. Tôi nhớ hình như mắt hắn mỏng, hai mắt xanh díu lại gần nhau.

– Sao anh không bảo em sớm chuyện này?

Blomkvist nhún vai.

– Vướng vào giữa nghỉ cuối tuần và em thì đi Goteborg tham gia chương trình hội thảo chết tiệt kia. Em đi thứ Hai, thứ Ba chúng ta chỉ gặp nhau có một lúc ngắn. Mà chuyện này xem ra không quan trọng lắm.

– Nhưng xét đến việc xảy ra ở Enskede… thì anh không báo cáo với cảnh sát cái đó… là lạ đấy.

– Tại sao tôi phải nói với cảnh sát việc ấy? Khác nào như nói tôi nên nhắc tới việc một tháng trước tôi bắt được một thằng móc túi định lột tôi tại Ga Trung tâm trong đường xe điện ngầm. Ở giữa việc xảy ra ở Lundagatan với việc xảy ra ở Enskede, tuyệt đối không thể tưởng tượng được ra là có quan hệ gì.

– Nhưng anh không báo cáo với cảnh sát vụ đánh đuổi người ở Lundagatan?

– Không. – Blomkvist ngừng lại. – Lisbeth Salander là người rất kín đáo. Tôi đã toan đến cảnh sát nhưng lại quyết định đó là việc cô ấy làm nếu cô ấy muốn. Và tôi muốn nói chuyện với cô ấy trước đã.

– Và anh đã không làm.

– Tôi đã không nói chuyện với cô ấy từ ngay hôm sau Noel một năm trước đây.

– Quan hệ của anh – nếu chữ quan hệ dùng là đúng – đã chấm dứt như thế nào?

Mắt Blomkvist tối lại.

– Tôi không biết. Cô ấy cắt quan hệ với tôi – thực tế xảy ra chỉ trong một đêm.

– Đã có cái gì giữa hai người?

– Không, nếu như ông muốn nói là cãi cọ hay một cái gì đại loại. Hôm nay là bạn tốt, hôm sau cô ấy đã không trả lời điện thoại rồi. Rồi cô ấy tiêu tan trong không khí, ra khỏi cuộc đời tôi.

Bublanski ngẫm nghĩ lời giải thích của Blomkvist. Nghe nó trung thực và việc Armansky miêu tả chuyện cô ấy biến đi khỏi An ninh Milton cũng với những lời lẽ tương tự đã cho câu nói của Blomkvist có thêm trọng lượng. Rõ ràng mùa đông năm trước đã có một cái gì đó xảy ra với Salander. Ông quay sang Berger.

– Chị cũng có biết Salander?

– Tôi có gặp cô ấy một lần. Ông có thể bảo chúng tôi tại sao liên quan đến Enskede mà ông lại hỏi về cô ấy không?

Bublanski lắc đầu:

– Cô ấy dính líu đến hiện trường gây án. Tôi chỉ nói được có thế thôi. Nhưng phải công nhận là càng nghe về Lisbeth Salander tôi lại càng ngạc nhiên. Cô ấy là loại người như thế nào chứ?

– Về mặt nào? – Blomkvist nói.

– Anh sẽ miêu tả cô ấy ra sao đây nào?

– Nói về nghề nghiệp – một trong những người phát hiện sự việc giỏi nhất mà tôi từng giáp mặt.

Berger liếc Blomkvist và cắn môi dưới. Bublanski đinh ninh trong ván chơi ghép hình này đang có một miếng bị mất và họ có biết một cái gì đó nhưng họ không muốn nói với ông.

– Còn về đời tư?

Blomkvist ngừng một lúc lâu rồi mới nói.

– Cô ấy là một người rất cô độc và kỳ quặc, về xã hội thì hướng nội. Không thích nói về bản thân. Đồng thời là người có ý chí mạnh mẽ. Cô ấy có đạo đức.

– Đạo đức?

– Vâng. Các tiêu chuẩn đạo đức của riêng cô ấy. Ông không thể bảo cô ấy làm một cái gì trái với ý cô ấy. Như lời cô ấy thì sự việc là hoặc đúng hoặc sai, tạm nói như vậy.

Blomkvist cũng lại tả cô gái với những lời lẽ hệt như của Armansky. Biết cô gái, hai người đàn ông có cùng một đánh giá.

– Anh có biết Dragan Armansky không?

– Chúng tôi có gặp nhau vài lần. Năm ngoái tôi có đưa ông ấy ra ngoài uống bia một lần khi cố tìm xem Lisbeth đã đi đâu.

– Và anh bảo cô ấy là một điều tra viên giỏi?

– Giỏi nhất.

Bublanski gõ ngón tay lên bàn và nhìn xuống dòng người đi dưới Gorgatan. Ông cảm thấy bị giằng xé lạ lùng. Các biên bản tâm thần mà Faste lấy được từ Sở Giám hộ đều nói Salander là một người bị rối loạn đầu óc nặng và có khả năng bạo hành, người mà ở mọi ý đồ cũng như mục đích đều có khuyết tật về tâm thần. Điều mà Armansky và Blomkvist nói với ông thì lại vẽ nên một chân dung rất khác với chân dung mà các chuyên gia y tế đã dựng lên qua mấy năm nghiên cứu. Cả hai người đều thừa nhận Salander là người kỳ dị, nhưng cả hai đều coi trọng cô về mặt nghề nghiệp.

Blomkvist còn nói anh “vẫn gặp cô” trong một thời kỳ – điều này chỉ ra một quan hệ tính dục.

Bublanski nghĩ những quy tắc nào đã được áp dụng cho những cá nhân bị tuyên bố là bất lực không tự quản nổi mình. Liệu Blomkvist có thể đã dính líu vào một hình thức lạm dụng nào đó bằng cách khai thác một người đang ở trong địa vị lệ thuộc không?

– Và anh cảm thấy như thế nào về sự bất lợi về xã hội của cô ấy?

– Bất lợi nào?

– Chế độ giám hộ và các vấn đề tâm thần của cô ấy.

– Chế độ giám hộ?

– Những vấn đề tâm thần nào chứ? – Berger nói.

Bublanski ngạc nhiên hết nhìn Blomkvist lại nhìn Berger. Họ không biết. Họ thực sự không biết.

Thình lình Bublanski thấy cáu cả Armansky lẫn Blomkvist, và đặc biệt Berger với bộ quần áo sang trọng cũng như buồng giấy hợp thời trang của chị nhìn xuống Gorgotan. Chị ta ngồi đây bảo mọi người nghĩ thế này thế kia. Nhưng ông chĩa sự khó chịu của ông vào Blomkvist.

– Tôi không hiểu anh và Armansky đã sai ở chỗ nào nữa.

– Thế có nghĩa là quỷ quái gì thế nhỉ?

– Từ khi ở tuổi mười mấy Lisbeth Salander đã ra vào xoành xoạch các cơ sở tâm thần. Một bản đánh giá tâm thần và một phán xét của tòa án quận đã quyết định là cô ấy vẫn chưa thể tự trông nom được bản thân. Cô ấy bị tuyên bố bất lực. Cô ấy có xu hướng bạo lực, điều này đã được đưa vào hồ sơ, và cô ấy đã từng bị rắc rối với nhà chức trách trong suốt đời cô ấy. Còn nay thì cô ấy là nghi can số một trong một cuộc điều tra án mạng. Thế mà anh và Armansky nói về cô ấy cứ tựa hồ cô ấy là công chúa vậy.

Blomkvist ngồi im, nhìn chăm chú Bublanski.

– Tôi sẽ nói theo cách khác. – Bublanski nói. – Chúng tôi đang tìm một liên hệ giữa Salander và hai người bị giết ở Enskede. Quay ra thì anh không chỉ có phát hiện ra các nạn nhân mà còn là mối liên hệ. Anh có gì để nói về chỗ này không?

Blomkvist ngả vào lưng ghế, nhắm mắt lại, cố làm rõ ra đầu đuôi xuôi ngược của tình hình này. Salander bị nghi là giết Svensson và Johansson ư? Điều này là không thể đúng được. Là vô lý. Cô ấy có thể giết người không? Thình lình bằng con mắt của lý trí, Blomkvist nhìn thấy vẻ mặt của cô khi đuổi theo Martin Vanger với cây gậy đánh golf hai năm trước đây. Cô có thể giết hắn, điều đó là không còn một chút nghi ngờ nào nữa. Nhưng cô đã không giết vì cô còn phải cứu cái mạng của ta. Anh bất giác giơ tay lên gáy, nơi đã từng có cái nút thòng lọng của Vanger. Nhưng Svensson và Johansson… điều này xét về lôgic thì không thể có được bất cứ một cái lẽ nào hết.

Anh biết Bublanski đang quan sát ngặt anh. Như Armansky, anh phải có một lựa chọn. Sớm muộn rồi anh cũng phải quyết định đứng ở góc nào của vũ đài nếu như Salander bị kết tội giết người. Có tội hay không có tội đây?

Anh chưa kịp nói gì thì chuông điện thoại bàn làm việc của Berger réo. Chị cầm máy lên, nghe rồi đưa máy cho Bublanski.

– Có người tên là Faste muốn nói với ông.

Bublanski cầm máy nghe chăm chú. Blomkvist và Berger có thể trông thấy vẻ mặt ông thay đổi.

– Họ vào lúc nào?

Im lặng.

– Địa chỉ lần này lại là gì? Lundagatan. Số? OK. Tôi ở gần đấy, tôi đi xe đến ngay.

Bublanski đứng lên.

– Xin lỗi nhưng tôi phải cắt đột ngột cuộc chuyện trò này. Phát hiện ra người giám hộ của Salander bị bắn chết. Cô ấy nay bị chính thức kết tội vắng mặt về ba án mạng.

Berger há miệng ra. Blomkvist nom như thể bị sét đánh.

Xét về chiến thuật, việc chiếm giữ một căn hộ ở Lundagatan không phải là chuyện rắc rối. Faste và Andersson tì người lên đầu mũi xe hơi tiếp tục theo dõi trong khi nhóm vũ trang với vũ khí yểm hộ chiếm lấy cầu thang và kiểm soát tòa nhà cũng như mảnh sân sau.

Nhóm cảnh sát nhanh chóng xác nhận Faste và Andersson đã biết. Không ai trả lời khi họ bấm chuông.

Faste nhìn xuôi xuống đường Lundagatan, nó bị chặn từ đường Zinkensdam đến Nhà thờ Hogalid trước sự khó chịu của hành khách đi trên xe bus số 66.

Một xe bus đã bị kẹt vào bên trong dây chăng cấm đường ở trên đồi, không thể tới lui. Cuối cùng Faste đi đến ra lệnh một cảnh sát tuần tra đứng sang bên và để cho chiếc xe đi qua. Một số lớn dân hiếu kỳ đang ở trên Lundagatan thượng nhìn xuống cảnh rối loạn.

– Phải có cách nào đơn giản hơn chứ. – Faste nói.

– Đơn giản hơn cái gì? – Andersson hỏi.

– Đơn giản hơn việc mỗi khi cần hót đi một đứa ma cô tép riu thì lại phái cảnh sát vũ trang đến.

Andersson kìm lại, không bình luận.

– Dẫu sao cô ả cũng chỉ cao có mét rưỡi và nặng khoảng bốn chục ký.

Đã quyết định không cần phá cửa bằng búa tạ. Bublanski đến với đám họ trong khi chờ một thợ khóa tới khoan khóa ra rồi ông bước sang bên để cho quân đội vào trong nhà. Mất chừng tám giây để chiếm lĩnh lấy bốn mươi bảy mét vuông và xác nhận rằng Salander không có giấu gì hết ở dưới gầm giường, trong buồng tắm hay trong tủ quần áo. Rồi ông nhận được thông báo đã dọn dẹp sạch sẽ hết để mấy người các ông đi vào.

Ba thám tử tò mò nhìn quanh căn hộ được giữ gìn chu đáo và trang bị đồ đạc có thị hiếu. Đồ nội thất đơn giản, các ghế bếp được sơn các màu pastel phấn màu khác nhau. Có những bức ảnh trắng đen hấp dẫn đóng khung treo trên tường. Trong gian sảnh là một ngăn giá với một đầu nghe CD và một bộ sưu tập lớn CD. Mọi thứ từ hard rock đến nhạc kịch opera. Tất cả nom đều rất nghệ. Trang nhã. Có gu.

Andersson kiểm soát gian bếp và không tìm thấy cái gì khác sự thường. Anh xem hết một chồng báo và kiểm tra đỉnh quầy, tủ li, ngăn đá trong tủ lạnh.

Faste mở tủ quần áo và ngăn kéo cái hòm trong phòng ngủ. Ông huýt sáo khi tìm thấy một bộ còng số tám và một số đồ chơi tính dục. Trong tủ quần áo ông tìm thấy vài áo quần bằng cao su mỏng, mẹ ông mà nhìn thấy chắc phải lúng túng.

– Đã có một bữa tiệc ở đây. – Faste nói ra miệng, cầm lên một chiếc váy bằng da sơn mà theo nhãn thì là do “Thời trang Domino” thiết kế – tức là bất kể cái gì cũng có.

Bublanski nhìn vào bàn làm việc trong gian sảnh, ông tìm thấy ở đấy một chồng nhỏ thư chưa bóc gửi cho Salander. Ông xem hết cả chồng và thấy đấy là những biên lai và những bản xác nhận thu gửi tiền của ngân hàng và một thư cá nhân. Đó là của Mikael Blomkvist. Cho tới nay, chuyện của Blomkvist thế là đứng vững. Rồi ông cúi xuống nhặt lên một bưu phẩm trên thảm chùi chân mà cảnh sát vũ trang xéo lên đã để lại dấu chân. Nó gồm có một tạp chí, Võ Thái chuyên nghiệp, báo tự do Tin tức Sodermalm và ba phong bì gửi cho Miriam Wu.

Một mối nghi ngờ thấp thỏm làm cho Bublanski sởn người lên. Ông vào buồng tắm, mở tủ thuốc. Ông tìm thấy một nửa hộp thuốc giảm đau Paracetamol và nửa tuýp Citodon – paracetamol cộng với codeine. Citodon là thuốc mua theo đơn. Có một bàn chải răng ở trong tủ thuốc.

– Faste, tại sao lại đề Salander – Wu ở cửa? – Ông nói.

– Không biết.

– OK, tớ thử nói thế này xem – tại sao lại có bưu phẩm cho Miriam Wu ở trên thảm chùi chân và tại sao ở trong tủ thuốc lại có một tuýp Citodon mua theo đơn kê cho Miriam Wu? Tại sao lại chỉ có một bàn chải răng? Và tại sao – khi cậu tính đến chuyện, theo như thông tin của chúng ta, Lisbeth Salander chỉ cao bằng hai cánh tay giang ngang ra thế này thôi – thì cái quần da mà cậu cầm lên kia nó lại vừa với một người phải là cao ít nhất mét bảy?

Một lúc im lặng ngắn ngủi, bối rối trong căn hộ. Và rồi Andersson phá vỡ nó.

– Hời. – Anh nói.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN