Cô gái mang trái tim đá- Full - Chương 7
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
126


Cô gái mang trái tim đá- Full


Chương 7


“Ngày xửa ngày xưa, có một con rồng tên là La Gargouille sống ở Pháp, bên dòng sông Seine. La Gargouille là một con rồng bình thường như bất cứ con rồng nào khác với vảy màu xanh, cổ dài, bộ móng vuốt sắc nhọn và đôi cánh nhỏ tưởng không hỗ trợ mấy cho việc bay nhảy nhưng hóa ra cũng có ích. Như hầu hết các con rồng khác, nó có thể thở ra lửa, phun ra hàng lít nước, xé toạc những thân cây to lớn bằng móng vuốt của mình.“Cư dân của thành phố gần đó, Rouen, căm ghét con rồng và luôn sống trong sợ hãi. Nhưng họ có thể làm gì? Nó mạnh hơn họ rất nhiều, thế là mỗi năm họ phải nộp một vật cúng tế với hy vọng xoa dịu nó. La Gargouille thích các trinh nữ, thói quen cố hữu của loài rồng, nhưng dân làng lại có xu hướng cống nạp bọn tội phạm. Bất luận thế nào, việc con người bị ăn thịt nhìn chung là một chuyện rất khủng khiếp.“Chuyện này kéo dài hàng thập kỷ. Cuối cùng, khoảng những năm 600 sau Công nguyên, một linh mục tên là Romanus đặt chân lên thành phố này. Ông đã nghe kể về con rồng và muốn thử khuất phục con quái thú. Romanus đề nghị, nếu mọi người đồng ý xây một nhà thờ, và nếu dân làng chịu làm lễ rửa tội, ông ta sẽ tiêu diệt con rồng. Dân làng, tất nhiên chẳng ngốc nghếch gì, nhận ra ngay đây là một món hời. Họ có mất mát gì đâu, trừ một con rồng?“Thế là Romanus đi tới bờ sông Seine, mang theo một quả chuông, một quyển Kinh Thánh, một cây nến và một chiếc thập tự giá. Ông ta thắp nến, cắm xuống đất, mở quyển Kinh Thánh ra rồi lớn tiếng gọi La Gargouille. Con ác thú trồi ra từ trong hang chẳng chút ngần ngại; xét cho cùng, nó là một con rồng, việc quái gì nó lại phải sợ một con người tầm thường chứ? Gì thì gì, một vị khách như thế với nó cũng chẳng hơn gì một bữa thịt tươi.“Ngay khi con rồng xuất hiện, Romanus liền rung chuông – như một lời báo tử – và bắt đầu đọc to những lời răn của Chúa.“Con rồng khịt ra những bụm khói nhỏ khi nghe thấy tiếng đọc kinh, như thể chuyện đó làm nó khoái chí lắm, cho đến khi nó nhận ra mình không thể phun lửa tùy thích được nữa. Phổi nó đau rát rồi sau một thoáng bắt đầu xẹp xuống, chẳng còn tí hơi nào.“Nhận ra mình không thể tiêu diệt vị mục sư bằng lửa nữa, La Gargouille phóng vụt tới chỗ ông. Romanus nhấc thập tự giá lên và mạnh mẽ giơ ra trước mặt con quái thú, làm nó không thể tiến thêm được bước nào nữa, như thể có một bàn tay vô hình đang đẩy nó lại phía sau. Dù con vật có xoay chuyển thế nào đi nữa, Romanus cứ lặp đi lặp lại hành động đó, và La Gargouille không thể tiến lại gần người đang tra tấn nó chút nào. Một tay cầm thập tự giá và một tay ôm quyển Kinh Thánh, Romanus tiếp tục đọc kinh với một niềm tin thuần khiết; mỗi tiết như một mũi tên xuyên sâu xuống lớp vảy rồng, và mỗi chương như một ngọn giáo cắm phập vào mạng sườn của nó.“Cả đời La Gargouille chưa bao giờ phải chịu những chuyện như thế này, nó bắt đầu thoái lui. Nó nhìn khắp trái phải nhưng Romanus đã dùng cây thập tự giá đẩy nó về phía sau. Một khi con rồng đã bị kẹt cứng trong hang động của nó, vị linh mục tiếp tục đọc kinh không ngừng nghỉ cho tới khi con rồng khuỵu xuống đầu hàng. Mọi việc chỉ kết thúc khi Romanus gập cuốn Kinh Thánh lại và thổi tắt ngọn nến; nghi thức đã hoàn thành và con quái thú đã bị thuần hóa.“Không còn chút ý chí chiến đấu nào, La Gargouille cúi đầu chấp nhận để Romanus choàng chiếc áo tế của ông quanh cổ nó. Sau đó vị mục sư dùng cây thập tự giá thắt nút dây trói thật chặt, rồi dẫn con rồng thất trận quay trở về thành phố.“Cách duy nhất để giết chết một con rồng là trói nó vào cọc rồi đem đi thiêu sống, tất cả mọi người đều biết chuyện đó, và thế là mọi thứ được tiến hành. La Gargouille rú lên đau đớn, nhưng đối với dân làng âm thanh ghê rợn đó nghe như một thứ nhạc ngọt ngào. Tiếng gào thét vang mãi không ngừng vì đầu và cổ của La Gargouille không chịu cháy rụi – khả năng khạc ra lửa của loài rồng đã tôi luyện cho những vùng đó sức mạnh chống lại sự tàn phá của lửa. Nhưng cuối cùng thì con quái vật cũng chết, và dân làng đã thoát khỏi lời nguyền khủng khiếp của họ.“Người dân thị trấn rất chính trực và họ đã thực hiện đầy đủ bản giao kèo. Tất cả mọi người đều đồng ý làm lễ rửa tội, và họ dựng một nhà thờ. Cái đầu không bị cháy rụi của La Gargouille được treo trên mái và, trong hàng bao thế kỷ tới, sẽ được dùng làm nguyên mẫu cho các loại chimera(14) và gargoyle.”Marianne Engel hoàn toàn chìm đắm trong câu chuyện của mình, cho tôi cơ hội quan sát cô kỹ lưỡng hơn. Mắt cô, hôm nay có màu xanh nước biển, đã thôi đảo quanh cảnh giác với các bác sĩ. Cô nhìn tôi chằm chằm, trực diện, đến mức tôi cảm thấy ngượng. Ánh nhìn đầy nhục cảm và khiêu khích.Cô không phải kiểu phụ nữ bạn có thể liệt vào hạng vẻ đẹp cổ điển. Răng cô hơi nhỏ so với miệng, nhưng tôi luôn thấy những người có hàm răng nhỏ khá quyến rũ. Tôi nghĩ lông mày cô hơi quá rậm rạp so với gu của một số đàn ông nhưng, nói thật nhé, bọn ấy là một lũ ngu. Điểm đáng bàn duy nhất trên khuôn mặt cô là cái mũi, không quá to, tôi phải nhắc các bạn, nhưng chắc chắn không được gọi là thanh thoát. Một chỗ gồ trên sống mũi cho thấy hồi xưa cô từng bị gãy mũi, nhưng tôi nghĩ nó làm cô trông khá cá tính. Người ta có thể kiện rằng lỗ mũi cô trông hơi tẹt, nhưng bất kỳ vị quan tòa sáng suốt nào cũng ném vụ kiện ấy ra khỏi tòa thôi.Da cô xanh xao, như thể bị cớm nắng. Cô có vẻ gầy, dù chiếc áo choàng của cô làm người ta khó phán đoán được đường nét cơ thể. Cô cao hơn hầu hết phụ nữ khác, nhưng không cao đến mức quá khổ. Khá cao, bạn có thể nói vậy. Cô bao nhiêu tuổi? Rất khó nói chính xác, nhưng chắc gần bốn mươi.Rất lâu sau khi cô ngừng nói, tôi mới nhận ra mình vẫn tiếp tục nhìn cô chăm chú và cô mỉm cười đáp lại, không có vẻ khó chịu mà khá hài lòng. Tôi thốt ra điều đầu tiên xẹt qua óc. “Cô vừa bịa chuyện đấy à?”“Không, đó là một truyền thuyết lâu đời.” Cô cười vang. “Tôi không có năng khiếu sáng tác truyện, nhưng tôi nắm khá vững lịch sử đấy. Ví dụ, anh có biết Jeanne d’Arc bị thiêu sống ở Rouen và tro của bà ấy bị ném xuống sông Seine không?”“Không, tôi không biết.”“Suy nghĩ rằng cơ thể bà ấy vẫn là một phần của dòng nước ấy đã giúp tôi thấy thanh thản.”Chúng tôi còn nói nhiều nữa, về khối chuyện. Rồi bác sĩ Edwards, tôi có thể nhận ra tiếng bước chân, bước vào phòng theo lịch trực thường ngày và kéo rèm ra.“Ồ,” bà nói, bất ngờ khi thấy một vị khách. “Tôi có làm phiền không?”Marianne Engel kéo cái mũ trùm đầu lại rồi đứng bật dậy, suýt thì vướng vào tấm rèm nhựa khi vội vã đi qua bác sĩ Edwards. Trên lối ra, cô còn ngoái lại nhìn tôi khẩn khoản, “Đừng nói với ai nhé.”Những ngày sau cuộc viếng thăm của Marianne Engel, Nan bắt đầu dùng một con dao lóc da bằng điện để “thu hoạch” phần da nguyên lành của tôi và ghép sang vết thương. Bà nói với tôi đây là một bước tiến trong quá trình điều trị, nhưng trông chẳng có vẻ gì như thế cả. Vùng da khỏe mạnh vẫn còn những dây thần kinh đang hoạt động, nên mỗi đợt thu hoạch đúng là đã lóc sạch da trên người tôi, để lại phía sau những vết thương hở miệng. Mất khoảng hai tuần để mỗi bộ phận bị lóc da hồi phục trước khi quá trình lặp lại. Vết thương của tôi lên da non chỉ để lại bị lóc đi lần nữa. Tôi là một trang trại hạ bì, còn con dao lóc da bằng điện là cái máy đập lúa.Sau mỗi đợt thu hoạch, tôi được bôi đầy kem và quấn trong những lần băng mỏng. Vài ngày sau, một trong những cô y tá, thường là Beth, sẽ thay băng lần đầu tiên sau mỗi đợt điều trị. Nan sẽ đứng cạnh kiểm tra tỷ lệ da ghép thành công – “tỷ lệ da ghép bám sống” – ước lượng tương đối để tính toán xem quy trình thành công hay thất bại. Tỷ lệ da ghép bám sống khoảng tám lăm phần trăm được coi là tốt; bất cứ tỷ lệ nào dưới mức này đều làm Nan cau mày tặc lưỡi. Dưới sáu mươi phần trăm có nghĩa là bà sẽ phải làm thêm một công đoạn cấy ghép nữa.Ngay cả khi lớp da ghép sống được, sự thiếu hụt tuyến bã nhờn làm phần mô mới cấy luôn trong tình trạng thiếu độ ẩm nghiêm trọng. “Kiến bò dưới da” là một sáo ngữ không những không lột tả được cảm giác, mà còn thiếu tính tượng hình nữa. Bầy mối ăn gỗ vung vẩy cái cưa xích bé tẹo, có lẽ thế; hay lũ cáy khoác chiếc áo lông lá và đi giày bằng sợi thủy tinh; hoặc một quân đoàn chuột con kéo những cái cày nhỏ xíu bằng dây kẽm gai. Đàn gián dưới lớp biểu bì đi giày đá bóng và đeo đinh thúc ngựa của cao bồi nhảy điệu clacket? Có lẽ.Tôi đêm ngày mong đợi Marianne Engel xuất hiện trở lại.Tôi nghĩ về cô quá nhiều, và ý nghĩ ấy chiếm hết thời gian mà lẽ ra tôi đã dành để nuôi nỗi sợ bị cắt lọc hay lập kế hoạch tự tử. Khi bụng bắt đầu cảm thấy đau, tôi tự hỏi liệu mình có nhớ cô thật không, người phụ nữ tôi chỉ mới quen. Đây có phải là nhớ mong trông đợi? Tôi quả thật không biết, vì tôi chỉ có cảm giác thế này những khi đường dây ma túy trong thành phố trong tình trạng cháy hàng.Hóa ra, cảm giác dấy lên trong dạ dày tôi không phải là nhớ nhung gì hết. Bộ ruột bị kích thích của tôi nhanh chóng chuyển từ điệu nhảy flamenco bốc lửa sang một cơn đau nóng rát. Ruột tôi trở nên cay nóng như tiêu ớt và tiếng phách gõ tanh tách trong hậu môn của tôi. Nan chọc tay vào bụng tôi hỏi xem tôi có đau không. Tôi nói với bà là chỗ đó đang diễn ra cuộc Nội chiến Tây Ban Nha chết giẫm. Rất nhanh chóng, vài bác sĩ khác nhảy vào phòng tôi, một hàng áo blu trắng làm tôi nhớ đến bài thơ Flanders Fields. Họ chiếu, chụp và lẩm bẩm gì đó đại loại như “Thật thú vị” và “Hừmmmm.” (Dù có gì thực sự thú vị đi nữa, một bác sĩ không bao giờ, không bao giờ, được phép nói “Thú vị” với lại “Hừmmm” trước mặt bệnh nhân cả.) Thật nhanh gọn, đám bác sĩ thích lẩm bẩm này xác định rằng tôi bị viêm tụy nặng, tình hình nguy kịch đến nỗi rất nhiều mô tụy của tôi đã chết.Quá trình hoại tử tụy có hai loại chính: không nhiễm trùng và nhiễm trùng. Loại của tôi là nhiễm trùng. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, khả năng tôi không qua khỏi là khá cao. Thế là các bác sĩ nói với tôi rằng tôi không có nhiều lựa chọn ngoài việc loại bỏ, càng nhanh càng tốt, một lượng lớn mô tụy. Sao lại không làm theo chứ, tôi nhún vai. Sau năm giờ chẩn đoán, tôi được đưa lên xe đẩy vào phòng phẫu thuật. Bác sĩ gây mê bảo tôi đếm ngược từ mười. Tôi chỉ đếm đến sáu.Bệnh nhân bỏng không được sử dụng loại thuốc gây mê thông thường, thay vào đó là thuốc gây mê ketamine – thường gây ảo giác. Trong một lần được gây mê, tôi đã có một ảo giác vô cùng dễ chịu, một món quà khuyến mãi bất ngờ cho một trải nghiệm lẽ ra thật tê tái. Tôi đang đứng nhìn ra biển, một phụ nữ Anh đáng yêu cạnh bên, và đối với một bệnh nhân bỏng còn gì tuyệt vời hơn giấc mơ về nước?Tôi tỉnh dậy để tiếp nhận thông tin nửa số mô tụy của mình đã bị cắt bỏ. Thêm vào đó, bác sĩ phẫu thuật còn vốc một nắm đầy mô ruột bị tổn thương gần đó. Tôi nghĩ ông cho rằng vì đã mất công mổ phanh ra rồi nên tội gì mà không vơ vét hết. Từng chút từng chút một, tôi trở thành chất thải y tế. Ai mà biết được, có lẽ một ngày nào đó các bác sĩ sẽ khai thác cái mỏ lộ thiên của tôi cạn kiệt tới mức tôi chả còn gì ngoài hư vô nữa.Marianne Engel đang ngồi đọc sách trên chiếc ghế trong góc phòng tôi, khoác trên người thứ gì đó trông rất nhếch nhác. Sau vài giây dụi mắt cho quen với ánh sáng, tôi nhận ra đó là bộ đồng phục dành cho khách thăm bệnh. Khi thấy tôi đã tỉnh, cô liền đi về phía tôi, cuốn sách cô đang đọc có nhan đề Non Omnis Moriar.(15)“Sao cô lại ở đây?” Tôi đợi một câu trả lời sẽ vuốt ve cái tôi ngất ngưởng của mình.“Tôi đến để nhìn anh chịu đau đớn.”“Cái gì?”“Tôi ghen tị điều đó.”Quên cái bệnh tâm thần của cô ta đi: một nạn nhân bỏng sẽ không thể tha thứ cho người dám tuyên bố ghen tị với sự đau đớn của anh ta đâu. Tôi đấu tranh kịch liệt với màn sương thuốc gây mê của mình để tung ra cú phản đòn dữ dội. Tôi không thể nhớ chính xác mình đã nói những gì, nhưng chắc chắn chẳng nhẹ nhàng chút nào.Khi hiểu ra những lời nói của mình xúc phạm tôi đến thế nào, cô cố giải thích. “Tôi ghen tị với tất cả những nỗi thống khổ, vì có thống khổ mới có một tâm hồn đẹp. Nó mang người ta đến gần Chúa hơn. Những người phải chịu đau khổ là những đứa con được Chúa lựa chọn.”“Thế sao cô không đi mà tự thiêu ấy,” tôi nạt, “và thấy mình trở nên đẹp thế nào?”“Tôi quá yếu đuối,” cô trả lời, dường như không để ý tới lời mỉa mai của tôi. “Tôi không chỉ sợ lửa, tôi còn sợ mình sẽ chết mà không kịp trải qua hết mọi khổ đau.”Tác dụng của thuốc giảm đau lên não đã kéo tôi trở lại với bóng tối. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đã thoát khỏi cuộc trò chuyện này.Loại bệnh chính xác mà Marianne Engel mắc phải vẫn còn mù mờ nhưng khi cô gợi ý “những người phải chịu đau khổ là những đứa con được Chúa lựa chọn”, tôi nghĩ nhiều khả năng cô bị tâm thần phân liệt.Những người mắc bệnh tâm thần phân liệt thường phải chịu đựng thời kỳ đặc biệt khó khăn về tôn giáo, vài bác sĩ còn giả định rằng điều này liên quan đến độ tuổi phát bệnh: hội chứng thường phát triển trong khoảng từ mười bảy đến hai lăm tuổi, giai đoạn nhiều người bắt đầu phải đối mặt với vấn đề tôn giáo tín ngưỡng của mình. Người tâm thần phân liệt thường trải qua những giai đoạn nhận thức cao – hay hoàn toàn rơi vào trạng thái ảo tưởng, ví dụ như ảo thanh – mà có thể làm họ tin rằng mình được Chúa đặc biệt chọn lựa. Tình hình trở nên tồi tệ hơn vì họ không hiểu được rằng biểu tượng tôn giáo chỉ mang tính ẩn dụ.Thiên Chúa giáo được xây dựng trên quan niệm Chúa Jesus chết để gánh tội cho toàn nhân loại: để cứu chuộc chúng ta, Người đã bị tra tấn và bị đóng đinh trên cây thập giá. Một người tâm thần phân liệt, trong nỗ lực nắm bắt ý nghĩa câu chuyện, có thể sẽ lý giải như sau: Jesus là người con yêu dấu của Đức Chúa Cha, và Jesus đã phải chịu những đau đớn khủng khiếp, vì thế những người phải chịu những đau đớn khủng khiếp nhất chính là những đứa con được Chúa yêu thương nhất.Có cả một truyền thống lâu đời những người cuồng tín tin rằng đau đớn sẽ mang con người lại gần với Đấng Cứu thế, nhưng một khuôn mặt người thật bao giờ cũng thuyết phục hơn lý thuyết suông. Vì lý do này, cho phép tôi được kể đôi chút về cuộc đời của một ông Heinrich Seuse, tu sĩ người Đức. Sinh năm 1295, Seuse đã trở thành một trong những biểu tượng tôn giáo quan trọng nhất thời bấy giờ, được biết đến như một Minnesanger – “ca sĩ hát về những tình yêu cao đẹp” – vì chất thơ tuyệt diệu trong những tác phẩm của ông.Seuse vào nhà dòng Dominic tại Konstanz năm mười ba tuổi, và theo những ghi chép của chính ông, hoàn toàn không có gì bất thường trong suốt năm năm đầu của cuộc sống tôn giáo. Tuy nhiên, năm mười tám tuổi, ông đã bất ngờ gặp một ảo giác – một cảm giác thần tiên thoát tục mạnh mẽ khiến ông không còn chắc liệu linh hồn mình đã bị tách rời khỏi thân thể hay chưa. Ông xem trọng sự kiện này đến mức đã lấy đó mở đầu cho cuốn tự truyện đời mình, The Life of the Servant (Cuộc đời một bầy tôi của Chúa).Vài học giả nhận xét Cuộc đời một bầy tôi của Chúa là cuốn tự truyện đầu tiên được viết bằng tiếng Đức, trong khi những vị khác cho rằng nó chả phải tự truyện gì sất. Rất nhiều đoạn văn bản được cho là công trình của Elsbeth Stagel, một phụ nữ trẻ đến từ tu viện Toss, cô con gái tinh thần được yêu quý nhất của Seuse. Có vẻ cô đã ghi lại nhiều cuộc đối thoại của họ để làm cơ sở cho cuốn Cuộc đời mà không thông qua Seuse, và khi phát hiện ra những gì cô làm, ông đã đốt một phần bản thảo trước khi “một thông điệp của Chúa” ra lệnh cho ông phải giữ phần còn lại. Không ai biết bao nhiêu phần của tác phẩm Cuộc đời được viết bởi Stagel và bao nhiêu bởi Seuse.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN