Cô gái mang trái tim đá- Full - Chương 9
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
123


Cô gái mang trái tim đá- Full


Chương 9


Ngày sinh chính xác của tôi giờ cũng chẳng mấy quan trọng, nhưng theo như tôi biết thì nó rơi vào một ngày nào đó năm 1300. Tôi chưa bao giờ biết cha sinh mẹ đẻ của mình là ai, họ đã bỏ tôi trong một cái giỏ tại cổng chính tu viện Engelthal vào giữa tháng Tư khi tôi mới được vài ngày tuổi. Thông thường một đứa trẻ bị bỏ rơi sẽ không được thu nhận và nuôi dạy ở đây – xét cho cùng Engelthal không phải trại trẻ mồ côi – nhưng do số phận, tôi được xơ Christina Ebner và cha Fredrich Sunder tìm thấy vào chính cái đêm họ bàn luận xem cái gì được coi là dấu hiệu của Chúa.Xơ Christina vào tu viện năm mười hai tuổi và bắt đầu thấy ảo giác hai năm sau đó. Khi tìm thấy tôi thì bà mới ngoài hai mươi và là một nhà thần học tiếng tăm. Cha Sunder ngót năm mươi tuổi, là giáo sĩ trong vùng, ông bước vào đời sống tôn giáo muộn hơn hết thảy những người khác. Cho tới lúc đó, ông đã làm giáo sĩ nghe các xơ Engelthal xưng tội được khoảng hai mươi năm. Nhưng điều quan trọng nhất anh cần biết về họ là bản chất gốc của họ, vì nếu họ không quá giàu tình cảm, mọi chuyện có thể đã hoàn toàn khác.Có hai lời nhắn để lại trong cái giỏ chứa tôi. Một viết bằng tiếng Latin, một viết bằng tiếng Đức, nhưng cả hai đều có nội dung như nhau. Một đứa trẻ của định mệnh, đứa con thứ mười trong một gia đình tử tế, được đem tới như món quà dành cho Chúa Cứu thế và tu viện Engelthal. Xin hãy đối xử với con bé như Chúa mong muốn. Rất hiếm người dân thường nào biết viết một ngôn ngữ, nói gì đến hai, vì thế tôi nghĩ bản thân sự tồn tại của hai lời nhắn này đã giúp khẳng định tôi là con nhà lành rồi.Theo tôi biết, xơ Christina và cha Sunder nhanh chóng quyết định rằng sự xuất hiện của một đứa trẻ trong đêm đó chứ chẳng phải đêm nào khác không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên, và cũng chẳng hại gì đến chuyện bản thân xơ Christina cũng là đứa con thứ mười trong gia đình. Khi họ mang tôi tới trước bà trưởng tu viện, bà khá do dự khi phải đối phó với những lý lẽ kết hợp của cả hai người. Liệu bà trưởng tu viện có thể phớt lờ khả năng sự xuất hiện của tôi trước cổng đã được bề trên sắp đặt? Khi phải xử lý những thông điệp của Chúa, tốt nhất cứ cẩn thận là hơn. Hầu hết các xơ trong tu viện đều cảm thấy thế, mặc dù vẫn có một người phản đối quyết liệt việc giữ tôi ở lại. Đó là xơ Gertrud, thủ thư của tu viện – “bậc thầy ghi chép” – cai quản phòng viết ở Engelthal. Anh cần nhớ tên bà ấy, cả tên trợ lý của bà nữa, xơ Agletrudis. Cả hai người đều tác động đến cuộc đời tôi, và thường là những tác động không hay ho cho lắm.Engelthal được coi là một trong những trung tâm tâm linh quan trọng nhất tại Đức. Anh có thể nghĩ điều này khiến thời thơ ấu của tôi bị gò bó, nhưng sự thật không hề như thế. Các xơ chăm sóc tôi rất chu đáo, có lẽ tôi đã giúp họ quên đi những công việc thường nhật. Tôi luôn thấy vui khi làm họ mỉm cười, vì ngay khi nhận ra mình đang cười, họ sẽ cố hết sức để khép miệng lại. Tôi có cảm giác như mình đã phá vỡ một quy tắc nào đó vậy.Tôi luôn cảm thấy gần gũi với xơ Christina và cha Sunder, những người đã trở thành cha mẹ thay thế của tôi, điều này thể hiện trong cách tôi thường dùng để gọi cha Sunder. Theo nguyên tắc, tất cả mọi người phải gọi ông là “cha”, nhưng sự khiêm tốn của ông lớn đến nỗi ông luôn yêu cầu mọi người gọi mình là “huynh”. Vì thế với tất cả những người khác, ông là huynh trưởng Sunder, nhưng với tôi ông luôn là cha. Tôi cho rằng ông cho phép thế có lẽ vì tôi đã thấy được một góc khác trong con người ông mà không ai nhận ra – ừm, ngoại trừ huynh trưởng Heinrich, người sống cùng ông trong căn nhà nhỏ gần ngọn đồi trong rừng. Lúc nào tôi cũng nghe thấy tiếng cười của cha Sunder trong khi hầu hết những người khác chỉ nhìn thấy nét mặt nghiêm nghị của ông.Tất cả những bà xơ khác khi đến tu viện đều đã trải qua thời thơ ấu ở nơi khác, còn từ đầu tiên tôi nói là với cha Sunder. “Gott(18) .” Chúa ơi, thật là lời mở đầu đầy vinh quang cho một ngôn ngữ. Thử nghĩ mà xem, làm sao ông có thể trưng ra với tôi cái mặt nạ mộ đạo khủng khiếp thường sử dụng trước đông người được? Nó chẳng phù hợp chút nào khi ông đang chơi đùa với một em bé, và khi ông nghĩ đã đến lúc cần đeo cái mặt nạ ấy lên với tôi thì đã quá muộn. Nhưng dù chỉ là một đứa trẻ, tôi cũng hiểu rằng ông phải giữ gìn hình ảnh, và bí mật của ông được tôi giữ kín.Cha Sunder luôn mặc áo rơm và rất hay tự xỉ vả bản thân, gọi chính mình là kẻ tội đồ – chủ yếu là vì “những tội ác thời trai trẻ của ông”, gì cũng được – và luôn cầu xin tha thứ. Ông tin rằng mình bị “ô nhiễm” bởi những việc đã làm trước khi theo đạo. Ông không hay làm những trò này trước mặt tôi nhưng, khi ông làm thế, huynh trưởng Heinrich sẽ lặng lẽ đứng nơi góc phòng với đôi mắt long lên sòng sọc.Dù trách cứ bản thân nhưng cha Sunder không bao giờ ngần ngại tha thứ cho người khác. Và ông có giọng nói, giọng nói ngọt ngào nhất bạn có thể tưởng tượng được. Khi ông nói, ta không thể không nghĩ rằng không chỉ mình ông mà cả Chúa cũng yêu ta.Xơ Christina – tôi thậm chí không biết phải bắt đầu từ đâu. Bà quả thật là một người phụ nữ lạ lùng. Bà sinh vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, dấu hiệu đầu tiên của những ân huệ đến trong đời bà. Mọi người đều nói trong tất cả những đại diện của Chúa trên trái đất này, bà là một trong mười lăm người được ưu ái nhất. Khi còn nhỏ, tôi chưa một lần nghi ngờ tính chân thực của điều đó, chỉ đến mãi sau này tôi mới tự hỏi làm sao một điều như thế lại có thể đem ra định lượng được. Những ảo giác và tài văn chương của xơ Christina đã làm tu viện nức tiếng thơm. Bà sáng tác luôn tay và viết nên hai kiệt tác – Khải huyền và Sách về các xơ tại Engelthal, lịch sử về những vị nữ tu có vai trò trọng yếu trước thời chúng tôi. Các tác phẩm của bà đã khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho những người khác trong tu viện. Ví dụ, xơ Gertrud của phòng viết đã cho ra lò Cuộc đời nữ tu Gertrud tại Engelthal với sự giúp đỡ của huynh trưởng Heinrich và huynh trưởng Cunran nhưng, thành thật mà nói, tôi luôn có cảm giác cuốn sách ấy được viết với nỗ lực chính là thêm mắm thêm muối cho cái truyền thuyết của chính bà mà thôi.Gertrud có một thói quen rất kỳ lạ là không ngừng nuốt không khí. Thật không thể không để ý và cũng không thể không ghét được. Người ta nói mẹ bà đã sinh tám cậu con trai trước khi sinh bà, toàn là đẻ khó, nhưng khi sinh Gertrud thì không tốn chút sức lực nào. Có lẽ bạn sẽ băn khoăn chuyện đó thì có ảnh hưởng gì, nhưng ngay từ đầu nó đã đặt Gertrud ngang hàng với Chúa vì sự ra đời của Người cũng được cho là không hề đau đớn – việc sinh nở cũng thuần khiết như sự thụ thai. Mọi người đều nói em bé sơ sinh Gertrud không bao giờ bú mẹ; cô bé có vẻ thích húp không khí soàm soạp như thể đang hút trực tiếp dòng sữa ngọt ngào thần thánh từ đó vậy. Tôi luôn ngờ rằng việc bà cả đời nuốt không khí chẳng qua chỉ để không ai quên được câu chuyện ấy mà thôi.Trong tất cả những cuốn sách được viết vào thời kỳ cảm hứng này, cuốn sách tôi yêu thích nhất là Gnaden(19) – cuộc đời của Friedrich Sunder. Ừm, tôi thích nó nhưng không thích những việc xảy đến với nó chút nào. Sau khi cha Sunder mất, cuốn sách bị đem đi chỉnh lý và rồi toàn bộ phần đề cập đến tôi bị xóa bỏ, ấy là chưa kể còn những gì gì nữa. Không phải lòng tự tôn của tôi bị xúc phạm, mà tôi đã – vẫn đang – bị xúc phạm vì họ đã hủy hoại ý định của ông.Dù thế nào đi nữa, họ là những người sống quanh tôi khi tôi còn nhỏ. Một lần tôi hỏi xơ Christina khi nào tôi sẽ được phép ra ngoài sống, thì bà trả lời là không bao giờ – nhưng đó không phải chuyện đáng phiền não mà là một món quà cần được ăn mừng. Chúa đã rất rộng lượng khi hé lộ kế hoạch của Người cho tôi ngay từ khi tôi mới ra đời, ngay lập tức đặt tôi vào Engelthal. Không một nữ tu nào khác, kể cả bản thân Christina, được phép dành cả đời mình trong vinh quang được phụng sự Chúa. “Con mới may mắn làm sao,” bà nói, báo hiệu câu chuyện đã đến hồi kết thúc.Mọi người đều kỳ vọng khi trưởng thành tôi cũng sẽ bắt đầu cầm bút. Kỳ vọng này được nhen nhóm khi tôi biết nói rất sớm và học tiếng Latin cũng dễ dàng như tiếng mẹ đẻ vậy. Hiển nhiên là tôi không thể nhớ được, nhưng họ nói tôi hầu như không phải tập nói từng từ đơn một trước khi bắt đầu nói một câu hoàn thiện. Anh phải hiểu, thời đó, trẻ con về cơ bản được coi như một người lớn chưa hoàn thiện. Bản chất của một đứa trẻ không phải thứ có thể phát triển, vì tâm tính đã được xác định ngay từ lúc mới sinh; thời thơ ấu là quá trình giúp trẻ bộc lộ bản thân, không phải để phát triển bản thân, vì thế khi khả năng ngôn ngữ của tôi xuất hiện, nó nghiễm nhiên được coi như luôn tồn tại, được Chúa đặt sẵn ở đó, chờ được khám phá mà thôi.Tôi yêu những vị khách đến thăm Engelthal. Dân địa phương đến chữa trị trong bệnh xá, và chúng tôi tất sẽ đón họ vào. Không phải chỉ từ góc độ tình cảm, mà còn là một nhu cầu chính trị nữa. Tu viện phát triển nhanh chóng mỗi khi các nhà quý tộc hiến tặng những vùng đất xung quanh, và chúng tôi cũng thừa hưởng luôn cả các tá điền. Có cả những khách viếng thăm khác, những mục sư lang bạt mong muốn được đến xem Engelthal là chỗ thế nào mà có thể tạo ra những ảo giác kỳ diệu đến thế giữa các nữ tu, hay những người, thực tế hơn, chỉ mong được tá túc qua đêm. Tôi thích một ông nông dân bệnh tật không kém gì một nhà quý tộc, vì mỗi người đều mang đến cho tôi những câu chuyện về thế giới bên ngoài.Xơ Christina thường chiều chuộng tôi mỗi khi có khách. Tôi sẽ được ngồi yên trong góc phòng, chăm chú lắng nghe những cuộc đối thoại, chẳng bị ai để ý. Gertrud phản đối, dĩ nhiên, và luôn khinh khỉnh chõ cái mũi dài mảnh xuống nhìn tôi. Thị lực suy giảm khiến bà khó tỏ vẻ coi thường một cách rõ ràng.Gertrud xem những vị khách này không khác gì những kẻ xâm phạm công việc chính của mình vì, với tư cách nữ thủ thư của tu viện, thỉnh thoảng bà cũng phải dịch. Mà bà lại chẳng giỏi cho lắm – tiếng Pháp và tiếng Ý cố lắm cũng chỉ xoàng xoàng – nhưng vị trí của bà đòi hỏi mấy cái đó. Hầu hết khách đến thăm chúng tôi đều nói được tiếng Latin hoặc tiếng Đức nhưng tôi thích nhất những người mang đến ngôn ngữ lạ. Chính trong những cuộc đối thoại này mà khả năng nghe của tôi được mài sắc. Thử thách đặt ra không chỉ là hiểu được từ mà còn phải nắm được những khái niệm ngoại lai nữa. Ví dụ, tôi biết Giáo hoàng Clement đã chuyển giáo hội đến Avignon – nhưng tại sao? Và nơi đó ở đâu? Trông nó như thế nào? Một đêm tôi tình cờ nghe thấy cuộc cãi vã đầu tiên. Một người khách nước ngoài dám nghi ngờ sự tôn nghiêm của Giáo hoàng quá cố Boniface và Gertrud đã nhảy chồm chồm lên để bảo vệ Đức Giáo hoàng. Đối với một con bé như tôi, chuyện đó thật gây sốc.Tôi nhớ như in cái đêm năng lực của mình được bộc lộ. Một người khách ngoại quốc ngồi giữa chúng tôi và Gertrud, như thường lệ, lại vật vã với việc chuyển ngữ. Tôi chẳng thấy có gì khó hiểu cả, vì tôi có thể nắm được tất cả những gì họ nói. Không quan trọng đó là ngôn ngữ gì, đơn giản là tôi hiểu được thôi. Vào đêm đó vị khách là người Ý, một ông già nghèo khổ, nhếch nhác. Bất cứ ai cũng có thể thấy rằng ông không còn trụ được ở thế giới này lâu nữa, và ông đang nỗ lực hết sức để mọi người hiểu được tình huống ông đang gặp phải. Gertrud vung tay lên đầy khinh bỉ và tuyên bố rằng giọng của ông thô tục đến nỗi không thể hiểu được.Có lẽ vì ông lão trông quá yếu ớt, hay có lẽ vì tiếng nấc hấp hối nơi ngực ông. Có lẽ vì ông vừa húp từng thìa cháo vừa không ngớt lời cám ơn các bà xơ, không thốt lên một lời than trách nào dù chẳng ai hiểu được ông. Hay có lẽ vì tôi có cảm giác là nếu không có ai đó nói chuyện với ông trong cái đêm định mệnh ấy, thì có thể sau này sẽ chẳng có ai nói chuyện với ông nữa. Dù vì lý do gì, tôi cũng đã phá vỡ luật im lặng của mình và bước ra khỏi góc phòng. Dùng phương ngữ Ý của ông, tôi hỏi, “Tên ông là gì ạ?”Ông nhìn lên qua chiếc thìa với một niềm vui khó tả trên khuôn mặt. “Paolo,” ông trả lời, rồi hỏi vì sao tôi hiểu được tiếng địa phương của ông. Tôi không biết bằng cách nào hay tại sao, tôi nói, tôi hiểu được, thế thôi. Tôi nói với ông rằng tôi thường nghe người nước ngoài nói chuyện và sau khi họ đi khỏi tôi sẽ lưu giữ những cuộc nói chuyện bằng ngôn ngữ của họ vào tâm trí trước khi đi ngủ. Ông nghĩ điều đó thật tuyệt vời. Khi tôi hỏi ông từ đâu tới, ông trả lời mình sống phần lớn cuộc đời tại Firenze nhưng ông sinh ra tại miền Nam nổi tiếng với giọng địa phương đặc sệt. Giọng của ông, ông giải thích, là sự kết hợp khủng khiếp của cả hai nơi đó. Ông cười khi nói thế, và tiếng cười làm xơ Christina bừng tỉnh khỏi sự ngạc nhiên tột độ. Bà bắt đầu ướm câu hỏi cho tôi, vừa để kiểm tra kỹ năng dịch của tôi vừa nhằm moi thông tin. Qua tôi, câu chuyện của ông lão được kể lại.Paolo đã sống trọn đời mình với người vợ mà ông rất mực yêu quý. Bà mới mất và ông biết mình cũng sớm đi theo vợ thôi. Đây là lý do cho cuộc hành trình của ông, vì ông chưa bao giờ biết đến những đất nước khác ngoài quê hương mình và ông không muốn chết mà không có bất cứ ý niệm gì về thế giới cả. Ông không sợ cái chết, bởi ông là một con chiên ngoan đạo và đang trông đợi phần thưởng cuối cùng của mình. Ông hỏi xem liệu mình có thể nghỉ một đêm tại tu viện trước khi tiếp tục chuyến đi không. Xơ Christina chấp thuận, vì bà có đủ quyền hạn để ra quyết định nhân danh tu viện trưởng, và Paolo rất cảm kích trước sự tốt bụng của bà. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy mình quan trọng.Paolo lấy một quyển sách từ trong túi ra giơ về phía tôi. Rõ ràng ông muốn trao nó cho tôi. “Tôi chẳng mấy dịp cần đến thứ này nữa đâu.”Xơ Christina bước tới trước để từ chối thay tôi. “Nói với ông ấy rằng ông quá nghèo nên chúng ta không thể lấy những gì ông có được. Nhưng hãy cám ơn ông ấy.” Tôi dịch, và Paolo gật đầu tỏ ý đã hiểu. Ông cảm ơn các xơ lần nữa trước khi đến bên chiếc giường đã được dọn sẵn.Xơ Christina bảo tôi hôm sau đến gặp bà và tu viện trưởng trong phòng tăng hội sau giờ cầu kinh buổi sáng. Tôi hỏi liệu có phải tôi bị phạt vì đã lên tiếng hay không nhưng xơ Christina bảo đảm với tôi là không.Khi tôi đến phòng họp vào sáng hôm sau, tu viện trưởng đang ngồi bên bàn làm việc còn xơ Christina đứng phía sau bà. Gertrud đứng ở góc phòng với vẻ mặt vô tư. Tu viện trưởng là người tốt nhưng bà vẫn làm tôi thấy sợ. Bà đã quá già, cái cằm xị nhăn nheo như da chó săn.“Ta nghe xơ Christina nói là tối qua đã nhận được thiên khải,” bà làu bàu. “Marianne con của ta, không thể hiểu tại sao con lại biết tiếng Ý. Con đã đạt được kỳ tích đó bằng cách nào vậy?”Xơ Christina gật đầu trấn an, làm tôi thêm can đảm. “Khi con nghe các ngôn ngữ, con cứ thế là hiểu được thôi ạ,” tôi nói. “Con không biết tại sao mọi người lại không làm được thế.”“Con cũng hiểu được những ngôn ngữ khác chứ? Đây thật là một khả năng tuyệt vời.”“Cho phép con được nói,” Gertrud xen vào. Bà già gật đầu đồng ý. “Phán xét của Người thật đúng đắn, thưa Tu viện trưởng. Luôn luôn là thế. Nhưng, con nghĩ chúng ta nên cẩn thận xét xem năng lực kỳ dị ấy đến từ đâu. Con cho rằng chúng ta cần phải cẩn trọng, vì chúng ta biết quá ít về sự ra đời của đứa trẻ này. Có gì bảo đảm rằng năng lực này đến từ Chúa, mà không phải từ… một Thực thể khác?”Tôi chẳng có tư cách gì để đấu lại Gertrud trong tình huống này nhưng, thật may mắn, xơ Christina thì có. “Thế xơ nghĩ nó có thể đến từ đâu, thưa xơ Gertrud?”“Những cái tên đó tốt nhất không nên thốt khỏi miệng, nhưng xơ hẳn biết rất rõ rằng có những lực lượng mà những linh hồn chính trực như chúng ta luôn phải đề cao cảnh giác. Tôi không nói đây là trường hợp đó, tôi chỉ đề xuất rằng chúng ta cần phải khôn ngoan xem xét mọi khả năng.”Tu viện trưởng đáp lại lời cáo buộc. “Cho tới khi chúng ta có lý do để tin khác đi, chúng ta hãy cứ cho rằng đây thực sự là thiên khải của Chúa chứ không phải âm mưu của Kẻ thù.”Tôi có thể đoán chắc rằng Gertrud còn muốn nói nữa, nhưng đã biết ý mà dừng lại. “Vâng, thưa Tu viện trưởng. Dĩ nhiên ạ.”Bà già lại tiếp tục. “Ta cho rằng đây không chỉ là một thiên khải mà còn là một lời kêu gọi nữa. Có phải tất cả mọi người đều nói được các ngôn ngữ trên đời không? Có phải tất cả mọi người đều có thể làm phiên dịch không? Không. Khi một tài năng tuyệt diệu như thế được phát hiện, nghĩa vụ của chúng ta là phải đảm bảo rằng nó được đem ra phụng sự công cuộc vinh danh Chúa. Con đồng ý chứ, xơ Gertrud?”“Con đồng ý rằng chúng ta, tất cả mọi người, nên làm những gì có thể để phụng sự Người.” Cách Gertrud rặn những từ này ra khỏi miệng không khác gì một mụ hà tiện nhón từng cắc một ra khỏi ví của mụ vậy.“Ta rất vui khi con nói thế,” tu viện trưởng tiếp tục, “vì ta đã quyết định sẽ để con đưa đứa trẻ vào phòng viết. Rõ ràng con bé có năng khiếu ngôn ngữ, và việc đào tạo sẽ được tiến hành ngay lập tức.”Tôi thảng thốt. Giá có thể thấy trước viễn cảnh mình bị đem cho Gertrud dạy dỗ, tôi sẽ không bao giờ bước ra khỏi góc nhà ấy. Cái mà vị nữ tu viện trưởng coi là “phần thưởng” dành cho tôi thực sự là đòn nặng nề nhất trong tất cả những đòn trừng phạt, và tôi chắc chắn rằng sự phẫn nộ của tôi chỉ thua mỗi của Gertrud thôi. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã có chung một niềm tin: rằng đây đúng là một ý tưởng khủng khiếp.“Marianne chẳng qua chỉ là một đứa trẻ,” Gertrud cự lại, “chắc chắn nó chưa sẵn sàng cho những trách nhiệm ấy. Dù nó có thể có vài kỹ năng cơ bản, nhưng vẫn còn nhiều phẩm chất khác nữa cần cho công việc. Sự kiên nhẫn, ví dụ thế, và sự tập trung chú ý từng chi tiết mà một đứa trẻ chưa thể có được.”“Nhưng con bé sẽ học,” tu viện trưởng đáp lại, “theo con.”“Con khẩn khoản xin được bàn luận thêm về vấn đề này. Con hiểu những gì Người nghĩ nhưng…”Tu viện trưởng ngắt lời bà. “Ta rất vui khi thấy con đã hiểu. Con không muốn ta đi ngược lại ý Chúa chứ con gái, xơ Gertrud?”“Vâng, dĩ nhiên là không rồi, thưa Tu viện trưởng.” Gertrud chắp tay ra sau lưng, và tôi có thể nghe thấy tiếng móng tay bà đâm sâu vào lần vải áo chùng. Xơ Christina tiến lên trước, đặt một bàn tay lên vai tôi, và hỏi xem liệu – với sự cho phép rộng lượng của tu viện trưởng – có thể cho chúng tôi được vài phút riêng tư không. Tu viện trưởng chấp thuận đề nghị rồi rời gót. Gertrud cũng ra khỏi phòng, giận dữ nuốt không khí trong khi cố hết sức không đóng sầm cửa lại trên lối ra. Bà không thành công cho lắm.Xơ Christina nói. “Ta biết con không thích thú ý tưởng này lắm, nhưng ta thực sự tin rằng xơ Gertrud là một phụ nữ tốt và rất thánh thiện, con có thể học được rất nhiều từ bà ấy. Dù bây giờ con chưa thể hiểu được, nhưng tài năng của con rất xuất chúng và bất ngờ. Chúa hẳn đã dành cho con một kế hoạch vĩ đại và lương tâm ta không cho phép mình làm lơ chuyện này. Chúng ta phải tin vào sự soi rạng này và nhớ rằng Chúa không cho phép điều gì xảy ra ngẫu nhiên cả.”Anh có thể hình dung rằng một đứa trẻ làm sao hiểu được những điều như thế, dù nó có được nuôi dưỡng trong tu viện đi nữa. Làm sao mà kế hoạch của Chúa lại bao gồm cả việc cho Gertrud huấn luyện tôi chứ? Tôi rền rĩ cho đến khi mặt đỏ bừng và nước mắt chảy dài xuống má. Xơ Christina cứ để tôi xả ra hết và thậm chí còn chịu ăn mấy cú đấm giận dỗi của tôi nữa. Tuy nhiên, bà cũng tránh mấy cú đá của tôi, thế nên tôi đoán sự tự hy sinh bản thân của bà cũng có giới hạn. Khi cuối cùng tôi cũng kiệt sức và ngồi phịch xuống sàn nhà, bà liền ngồi xuống bên cạnh tôi.Tôi nói với bà là tôi ghét bà, nhưng cả hai chúng tôi đều biết đó không phải sự thật. Bà vuốt tóc tôi và thầm thì với tôi rằng mọi thứ sẽ ổn thôi, chỉ cần tôi tin vào Chúa. Và rồi bà lấy thứ gì đó ra khỏi áo chùng của mình, một cuốn sách bà đã giấu trước đó.“Sáng nay khi đến đánh thức Paolo, ta thấy ông ấy đã ra đi bình an trong giấc ngủ. Không chút đau đớn, ta tin thế, nét mặt của ông rất thanh thản. Nhưng rõ ràng tối qua ông ấy đã muốn con giữ cuốn sách này, nên ta sẽ hoàn thành nốt tâm nguyện cuối cùng của ông là đưa nó cho con bây giờ.”Xơ Christina trao cho tôi một cuốn Kinh Thánh viết bằng tiếng Ý, cuốn sách đầu tiên tôi có thể gọi là của mình. Rồi bà dẫn tôi tới phòng viết, để tôi có thể bắt đầu phụng sự ý Chúa.Chú thích(18) Tiếng Thụy Điển, nghĩa là “tốt đẹp”.(19) Ân điển (tiếng Đức).

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN