Còn Có Thể Bên Người Bao Lâu Nữa - Chương 28: Chờ đợi
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
155


Còn Có Thể Bên Người Bao Lâu Nữa


Chương 28: Chờ đợi


Kiều Già

Là người viết, người làm kế hoạch. Từng làm nhiều nghề, đi qua nhiều thành phố lớn.

Tìm kiếm suốt dọc đường, và cũng đánh rơi suốt dọc đường, vì muốn tìm gặp một bản ngã hoàn toàn mới.

Lực bất tòng tâm, đó chính là sự già nua.

Tưởng rằng đã bước một bước dài, kết quả khi đặt chân xuống đất, cũng chỉ nhích lên một chút xíu; tưởng rằng chân đã giơ đủ cao, thực ra cũng chỉ cách mặt đất chút xíu.

Mỗi người đều sẽ già đi, nếu chúng ta cảm thấy mình kiên cường đối mặt với cuộc sống, điều đó có nghĩa chúng ta vẫn còn trẻ.

Bạn đã bao giờ suy nghĩ kĩ về chuyện “chờ đợi” chưa?

Khi bạn đã sống một thời gian rất dài trên thế giới này, tuần tự làm đi làm lại một số việc nào đó, có thể bạn sẽ phát hiện ra, vận mệnh của mỗi người sớm đã được ngầm báo trước, suốt đời chúng ta sẽ hoàn thành một số sứ mệnh đã được định sẵn từ lâu.

Với tôi mà nói, cuối cùng tôi thừa nhận “chờ đợi” là số kiếp của tôi, cho dù nó từng khiến tôi khủng hoảng một thời gian, thậm chí cho đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn khiến tôi bồn chồn bất an.

Từ khi bắt đầu nhớ được mọi chuyện, tuổi thơ của tôi trải qua trong sự chờ đợi. khi ấy bố mẹ làm kinh doanh bên ngoài, một năm chỉ về nhà mấy lần, mỗi lần gặp nhau đều ngắn ngủi, kì nghỉ dài nhất của bố mẹ phải đợi tới cuối năm. Giống như ngày nay, người Trung Quốc coi trọng ngày tết, coi trọng việc gia đình đoàn viên, vì thế kì nghỉ cuối năm luôn dài. Khi ấy đối với tôi, thời gian bên cạnh bố mẹ dài nhất sẽ được chừng nửa tháng. Và thời gian còn lại dùng để chờ đợi, chờ đời mẹ thỉnh thoảng về thăm tôi.

Tôi sống với ông bà nội.

Thực ra, cháu sống với ông bà là một việc rất may mắn, có câu nói là “cách đại thân”* chính là nói về đạo lí này. Người già không nghiêm khắc như bố mẹ, đặc biệt là bố mẹ thường xuyên không ở cạnh mình, ông bà nội sợ tôi ốm đau vì thế hầu như mọi chuyện đều chiều theo ý tôi.

(*)cách đại thân: là hiện tượng những người già chăm sóc con cháu

Tôi không thể nào nói cho các bạn hiểu ông bà nội tôi là người thế nào, bởi vì tình cảm là một chuyện rất riêng tư, nó chỉ có liên quan tới đương sự, nó không thể như nhân vật trong tiểu thuyết khiến người ta khắc ghi, tán thưởng. những thứ mật thiết ấy đều là tình tiết nhỏ trong quá trình trưởng thành, và tôi không thể kể nó như kể chuyện cho các bạn nghe.

Tôi còn nhớ mùa hè năm ngoái, tôi bị đau răng nên đêm không ngủ được, sau đó lên mạng đọc “Chúng ta gặp nhau trên trời” của đạo diễn Tưởng Lệ Văn. Câu chuyện kể về một cô gái và ông ngoại cô. Nhưng với tôi, những sự việc ấy hầu như đều xảy ra giữa tôi và ông nội, tôi không có ấn tượng gì với ông ngoại. khi tôi chưa đầy hai tuổi, ông ngoại đã mất. ông ngoại cũng là người thân đầu tiên của tôi ra đi. Nhưng với tôi đó chỉ là một việc khách quan, bởi vì bạn không hề trao đi tình cảm thì không thể gọi là mất mát. Vì thế sự trưởng thành của tôi hầu như đều có ông bà nội bên cạnh. Đặc biệt là ông nội, vì ông rất tốt tính, nên dù là những người tầm tuổi bố tôi hay tầm tuổi như tôi, đều rất thân thiết với ông. Nghe nói khi tôi vừa biết nói, câu đầu tiên của tôi là gọi ông nội. có thể thấy duyên phận kiếp này của chúng tôi không hề đơn giản.

Tháng năm năm ngoái, tôi nghỉ việc, về thị trấn nhỏ sống với ông bà một thời gian. Bởi vì khi thấy áp lực công việc lớn, tâm trạng của tôi không được tốt, cộng thêm nghe người nhà nói ông nội ho cả đêm suýt phải nhập viện, còn bị ngất mấy lần. tôi quyết định nghỉ việc về sống với ông bà nội một thời gian ngắn, vì tôi hiểu thứ gì là quan trọng nhất với tôi.

Cứ như vậy, tôi sống với ông bà hai tháng, bắt đầu tìm hiểu cuộc sống của người già từ những chi tiết nhỏ.

Vì chuyển từ nông thôn lên thị trấn nên ông bà nội vẫn giữ nếp sinh hoạt nghỉ ngơi như ở quê trong nhiều năm qua, buổi sáng dậy rất sớm, bảy giờ đã ăn sáng, thu dọn xong ông nội ra công viên dạo chơi, bà nội đi chợ tìm người nói chuyện.

Thực ra, tôi luôn cảm thấy bán cái sân ở quê đi là một điều đáng tiếc, ở đó có quá nhiều í ức của chúng tôi, chí ít là đối với tôi nó rất quan trọng.

Khi trời ấm, trong vườn đã ươm đầy mầm cây. Sáng sớm ông nội dậy tưới nước cho mầm, còn có các loại hoa trong sân nữa, tôi cũng dậy sớm, nhưng nghịch ngợm không chỉn chu tưới nước mà cầm vòi xịt ra vườn. bọt nước trong veo trong nắng sớm. sau đó tôi bị ông mắng vì ông đứng giữa những tia nước, tôi cầm vòi nước đứng cười ngặt nghẽo. sau này nghĩ lại, có lẽ từ khi ấy tôi đã thích dậy sớm và thích các loại hoa cỏ, thích cuộc sống điền viên. Cuộc sống ở nông thôn là một hạt mầm tự nhiên trồng vào cuộc đời tôi những ngày thơ bé.

Ngày bé, tôi giúp ông nội trồng đậu tây, cũng giúp ông đào khoai tây và lạc, trước đó tôi không hề biết khoai tây và lạc mọc dưới đất. tôi nghĩ rằng bây giờ vẫn còn nhiều người không biết điều này. Trên thực tế, tôi luôn nhớ nhung những ngày thơ ấu sống ở quê, chờ đợi khi mạ được gieo xuống ruộng đồng, tôi sẽ đi theo hóng chuyện, sau đó dùng vỏ chai bắt mấy con nòng nọc về. sau mấy trận mưa nòng nọc sẽ biến thành những chú ếch hình thù kì dị, và tôi sẽ lại thả chúng vào sân nhà bà nội. Nếu có kinh nghiệm sống ở nông thôn bạn sẽ biết khi những tiếng ếch mùa hạ đồng thanh kêu vang vọng như thế nào. Thực ra ở thành phố cũng thế chỉ cần mùa hè đủ mưa, trong tiểu khu sẽ có tiếng ếch kêu liên hồi như vậy, chỉ là chúng ta rất ít khi chú ý tới.

Lỗ Tấn từng viết: “Ở bên ngoài bức tường sân sau nhà, tôi có thể thấy có hai cái cây, một cây táo, còn có một cây nữa cũng là cây táo”. Nhưng ở sân sau nhà ông nội chỉ có một cây táo, mọc đã nhiều năm, dường như từ khi tôi hiểu chuyện nó đã mọc ở đó rồi. Tôi đã quên nó ra nhiều quả hay ít, có giòn không, chỉ là thích khi táo chín tôi cầm gậy chọc bừa cho táo rụng.

Lúc đó, thú vui của tôi là cả ngày xoay quanh ông nội, chỉ cần không đi học, chỉ cần không ra ngoài chơi với đám bạn, thì hầu như đều làm cái đuôi bám theo ông nội cả ngày. Có những lúc xung đột, hai ông cháu không phân cao thấp, không ai chịu nói với ai trước, nhưng tôi có cách riêng, đó là chỉ cần chạy lòng vòng quanh ông nội, chạy đến khi ông hoa mắt, hoặc ông sợ tôi xoay vòng tiếp sẽ chóng mặt nên dừng công việc đang làm lại mà nói chuyện với tôi, mỗi lần ông đều cho tôi tiền bồi thường để mua đồ ăn vặt, chiêu này lần nào cũng thành công.

Dưới gốc táo là hoa ông nội trồng, bây giờ nghĩ lại vẫn thấy rất tây, đó là hoa mạn châu sa, loài hoa trong truyền thuyết, nhưng khi ấy không biết nó tên như vậy, ngay cả đến bây giờ, có thể ông nội vẫn không biết ấy tên là hoa mạn châu sa. Làm sao ông biết loại hoa mình trồng là loại hoa vô cùng thần bí được rất nhiều nghệ sĩ trẻ miêu tả trong tiểu thuyết hoặc lời ca chứ? Giống như đã nhiều năm trôi qua, vào một ngày mưa ở một thành phố nhỏ miền Nam, tôi mới biết trúc đào hóa ra chính là trên hai chậu hoa ông nội trồng trước cửa. Cuộc sống và tác phẩm văn nghệ không giống nhau, lúc đầu chúng tôi cho rằng văn nghệ là một việc cao thượng biết bao, nhưng rồi một ngày bạn sẽ hiểu bản thân màu sắc và nghệ thuật của cuộc sống không cần văn nghệ để tô điểm. Giống như ngày hôm nay, sau nhiều năm, tôi thử tự tay trồng mấy cây phượng tiên, sau đó nhuộm móng tay như hồi bé. Nhưng chuyện đó không đơn giản, cần phải có lá, cần phải có phèn chua, mà những thứ đó đối với lớp người chúng ta hiện nay mà nói đều vô cùng xa lạ, đó là tay nghề của lớp người đi trước, là nghệ thuật của bà nội.

Mặc dù là người Đông Bắc nhưng tôi luôn khinh thường môn nghệ thuật Nhị Nhân Chuyển, không thể thưởng thức, trái lại ông bà nội thì rất thích vì thế mỗi ngày vào tối muộn ông bà đều xem Nhị Nhân Chuyển. Tivi mở rất to, bỗng nhiên một ngày nào đó tôi, hiểu ra vì sao ông bà lại thích thứ này. Trên thực tế Nhị Nhân Chuyển ngoài khẩu âm Đông Bắc ra nó không sử dụng từ địa phương như các loại kịch khác, vì thế mọi người nghe đều hiểu, điều này vô cùng quan trọng với những người không biết chữ. Nếu là Dự kịch (ca kịch địa phương vùng Hà Nam, Trung Quốc) hay Việt kịch (một loại kịch phổ biến ở Chiết Giang, Trung Quốc), nếu bạn không biết chữ thì xem rất khó hiểu, hơn nữa cho dù biết chữ thì việc nhìn phụ đề cũng là một việc vất vả với người già. Hơn nữa, tiết tấu của Nhị Nhân Chuyển truyền thống không nhanh, a a ngâm nga một câu cũng kéo dài, như thế người già nghe cũng không mệt. Hơn nữa, phần lớn nội dung đều là đạo lý tình người, đặc biệt là thể loại mẹ hiền con hiếu, đều là những thứ người già thích xem.

Còn nhớ Lưu Dung từng nói một câu: “Nếu có người nói chuyện lớn tiếng với bạn, bạn đừng nóng giận, bởi có thể bản thân người ta thính lực không tốt; nếu có người khi nói chuyện với bạn bị hôi miệng, bạn đừng ghét bỏ, có thể không phải người ta không giữ vệ sinh mà tràng vị không tốt”. Chúng ta luôn có câu nói: “Hãy dành sự hiếu kính cho cả những người lớn trong gia đình lẫn xã hội”, chỉ là khi những hiện tượng ấy của người già thực sự xuất hiện trước mặt chúng ta, chúng ta có thực lòng để tâm quan sát?

Có một lần em họ tôi buột miệng nói với tôi là cô tôi rửa bát cũng không sạch, tôi đã nói bởi vì cô đã bắt đầu hoa mắt, nói xong chúng tôi im lặng đứng ở trong bếp một hồi lâu. Già nua vốn chưa bao giờ là việc trong chớp mắt, không phải tới khi một người cần chống gậy mới chứng tỏ họ bắt đầu già nua.

Có một hôm, tôi theo ông ra ra công viên, ở đó gió lớn, tôi thấy ông vất vả bước đi trong gió, đầu gối khom xuống, thân trên ngửa về phía trước, cổ cố gắng vươn lên trước, tôi đứng bên mắt ươn ướt. trên thế gian này, bất luận là người hay sinh vật khác, già nua luôn là việc mệt mỏi thế này.

Nếu bạn chưa từng tưởng tượng cảm giác khi già nua, bạn có thể bỏ kính cận đi, bạn sẽ thấy mình bỗng chốc lực bất tòng tâm trong thế giới này.

Lực bất tòng tâm, đó chính là sự già nua.

Tưởng rằng đã bước một bước dài, kết quả khi đặt chân xuống đất, cũng chỉ nhích lên một chút xíu; tưởng rằng chân đã giơ đủ cao, thực ra cũng chỉ cách mặt đất chút xíu.

Mỗi người đều sẽ già đi, nếu chúng ta cảm thấy mình kiên cường đối mặt với cuộc sống, điều đó có nghĩa chúng ta vẫn còn trẻ.

Trong tác phẩm “Tiễn bằng mắt”, Long Ứng Đài đã viết mẹ của bạn mình chỉ nhận ra tiền, viết bao nhiêu người già khác đến cuối cùng chỉ tin cảnh sát mặc quân phục chứ không nhận ra con cái mình.

Chúng ta luôn cảm thấy người già phải giữ gìn tuổi thọ, phải an tâm vui vẻ sống qua ngày tháng, nhưng cảm giác bất an của loài người không bao giờ vì sự già nua của một người mà giảm đi mà chỉ tăng thêm mà thôi. Vì thế những người già đều sợ bệnh tật và sợ chết.

Khi bà ngoại mất, tôi ở phương Nam không về, cho đến bây giờ bà ngoại đã mất được sáu năm, nhưng tôi chưa từng tới thăm mộ của bà. Do từ nhỏ tôi được ông bà nội nuôi nấng nên quan hệ với bà ngoại không thực sự thân thiết, sau này khi bà ngoại tới ở cùng nhà tôi thì tôi đã đi học ở bên ngoài, rất ít khi về nhà. Vì thế tôi không tiếp xúc nhiều với bà ngoại. Bà ngoại là người sống giản dị tiết kiệm, lại rất ưa sạch sẽ, bà sẽ mang toàn bộ giẻ lau trong nhà đi giặt sạch cho tới khi sạch như khăn tay thì thôi. Bà ngoại tính tình nhẫn nhịn, ít nói, trước kia từng có xung đột với bà nội tôi nên bà hay bị bà nội mắng mỏ rồi trốn trong phòng mà khóc một mình. Vì thế sau khi bà ngoại mất, mọi người hay nhớ bà, đều nói cả đời bà vất vả, bà là một người tốt.

Giữa mùa hạ ấy, khi đang ở phương Nam, tôi mơ thấy bà ngoại chỉ trích tôi vì không tới viếng mộ bà. Thực ra với chuyện sống chết tôi chỉ có nỗi nhớ nhung của mình, người đã chết không có nghĩa sẽ biến mất, cũng không có nghĩa sẽ mất đi. Chỉ cần người ấy vẫn ở trong tim bạn, ở trong kí ức của bạn, thì họ chưa bao giờ rời đi.

Cùng với tuổi tác tăng lên, nhìn ông bà nội ngày một già đi, cả những bậc cha chú cũng vậy, tôi biết sẽ có một ngày một ai đó ra đi, chẳng có ai là ngoại lệ, bao gồm cả tôi. Vì thế, những điều có thể làm trước mắt chính là trân trọng quãng thời gian ở bên nhau, để người bên cạnh mình vui vẻ, đối xử tốt với họ.

Mà liên quan tới những điều này, từ lúc khó mà chấp nhận tới lúc tâm sinh lãnh ngộ, chúng ta sẽ mất đi bao nhiêu thời gian? Còn nhớ khi nhỏ, mỗi lần có hàng xóm mất, tôi đều khóc theo một hồi, bởi vì tôi sợ một ngày nào đó ông nội cũng bỏ tôi mà đi. Khi ấy tôi quá dựa dẫm vào ông nội, và ông thường nói với tôi: “Nếu có ngày ông chết, cháu sẽ dựa vào ai?”. Tôi vừa khóc vừa kêu gào: “Nếu ông mà chết cháu cũng không sống nữa”. bây giờ nghĩ lại thấy đều là những lời ngốc nghếch, nhưng lúc ấy tôi thực sự nghĩ như thế. Sự dựa dẫm của trẻ con với người lớn luôn sâu đậm hơn chúng ta tưởng tượng nhiều. sau này khi lớn thêm một chút tôi luôn giận dữ nghĩ, sẽ có một ngày mối quan hệ này sẽ đổi vị trí, không phải là tôi mong bố mẹ ở bên tôi vài ngày nữa, không phải là tôi đáng thương hỏi qua điện thoại: “Mẹ có thể về thăm con không?”. Sau này kịch bản của thời gian sẽ lật trang, mọi thứ đều có thể thành sự thật.

Bố mẹ từ nơi xa trở về quê hương, còn con cái lớn lên, sẽ từ quê hương bước đi tới nơi xa.

Đời này tới đời khác, đều như thế.

Cho đến một hôm, khi bố khuyên tôi từ Quảng Châu về phía Bắc, tôi chợt ngẩn ngơ. Bố nói: “Về miền Bắc đi, gần nhà một chút, bố mẹ tuổi tác đã cao, không muốn con đi xa như vậy”. bỗng nhiên tôi nhận ra bố mẹ thực sự đã già rồi, dù cho năm xưa ý chí hăm hở vào Nam ra Bắc thì cũng có một ngày ở bên con cái mình sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Khi những điều tôi tưởng tượng vô số lần đã thành sự thật, sau khi vai trò của chúng tôi hoán đổi, khi người ở lại là cha mẹ, người bước đi là tôi, khi cha mẹ trở thành người có nhu cầu, còn tôi trở thành người quyết định, tôi không hề cảm thấy vui vẻ mà bỗng nhiên cảm thấy bất lực. nếu có thể, nếu cha mẹ có thể luôn giữ được vẻ trẻ trung, khỏe mạnh, tôi chấp nhận cha mẹ lưu bạt khắp nơi, để tôi là người ở lại chờ đợi họ.

Nhưng những điều này lại không thể hoán đổi được nữa, chẳng phải sao?

Là một người viết, mỗi người đều hi vọng dùng cách của mình để ghi lại những chuyện quan trọng và người quan trọng trong cuộc đời, vì thế trong một quãng thời gian nào đó thậm chí tôi đã từng nghĩ sẽ viết sách về ông nội, thậm chí đã đặt xong tên sách.

0

Khi ấy tôi hỏi ông nội rất nhiều chuyện cũ, sau đó phát hiện ra chúng tôi lại xa lạ tới vậy. trong cuộc đời ngắn ngủi của tôi tính tới thời điểm này, ông quán xuyến mọi chuyện, nhưng trong cuộc đời của ông, tôi chỉ là một người bước vào giữa đường, đồng hành trên một lộ trình rất ngắn. Tôi rất khó mang sợi chỉ cuộc đời mình và của ông so sánh ngang hàng, rất khó tưởng tượng một người đàn ông khi năm mươi tuổi đón đứa cháu của mình sẽ có tâm trạng như thế nào.

Tôi nghe kể về quá trình trưởng thành như một cô nhi của ông, giống như đang nghe một câu chuyện rất xa xôi. Còn thời đại ông bị coi là “phái hữu”(có lập trường chính trị phản động) và bị dày vò, đối với tôi cũng xa lại như vậy. Và tôi không thể nào hạ bút được, bởi tôi phát hiện ra mình không hề hiểu gì về con người ông, khoảng cách nửa thế kỷ khiến chúng tôi xa lạ đến vậy.

Khi ấy, tôi nói với ông, cháu muốn viết sách tặng ông. Ông nói viết tặng ông làm gì, ông không phải tướng quân hay nguyên soái, cũng không phải người lãnh đạo. Ông không biết ở thời đại sau này, mỗi người đều muốn viết một cuốn sách, một tự truyện cho bản thân, mỗi người đều vội vã ghi chép chính mình. Nhưng lớp người ở thời đại của ông, họ thật thà chất phác không bao giờ cho rằng một nhân vật bé nhỏ, một người bình thường cũng có thể viết thành sách.

Ông nội không phải tướng quân, không phải nguyên soái cũng không phải hồng quân, cho dù khi còn nhỏ bài hát tôi hát nhiều nhất lại là bài: “Ông nội là hồng quân cũ, ông nội chăm tôi rất thân rất thân…”. Khi ông muốn tham gia quân đội thì người ta không cần ông vì thị lực của ông có vấn đề. Đây có lẽ là một căn bệnh di truyền của nhà tôi, đó là có một con mắt thị lực rất yếu, tới lượt tôi là mắt phải.

Nghĩ tới trong cuốn “Sông dài biển rộng”, Long Ứng Đài viết nhiều thiếu niên đi tòng quân là vì cơm ăn, tôi hỏi ông có phải đi cũng vì thứ này, ông nói đúng thế. Tôi nói vẫn nên chúc mừng, bao nhiêu người năm đó đi và không trở lại, nếu năm đó ông thật sự đi bộ đội thì mọi chuyện sau này đã khác, tôi có lẽ cũng không có cơ hội gặp ông.

Hai hôm trước cuối tuần, tôi gọi điện cho bà nội, bà nói mọi chuyện đều ổn, không cần lo lắng, lại nói thời tiết ấm rồi, ông và bà đều ra ngoài chăm chỉ tập thể dục hàng ngày, bà nói bây giờ không dám bị ốm, bị ốm là thành gánh nặng của con cái. Tôi nghe trong lòng xót xa, bà nội lại dặn dò mấy câu, nếu có thời gian nhất định phải về thăm ông bà. Với người già, ngày tháng dùng để đếm, đếm xem còn mấy ngày con cháu sẽ về. Có điều, lớp người như bà nội còn có mấy đứa con, chứ đợi tới lớp người như tôi già đi, e rằng ngay cả việc đếm ngày tháng cũng thành xa xỉ.

Mấy hôm trước tôi đọc được một câu trên weibo, đại ý là: Chỉ cần trên đời này vẫn còn người bạn yêu, bạn sẽ chẳng bao giờ thoải mái thực sự.

Tôi nghĩ, vận mệnh mang những người thân yêu đến bên bạn, bất luận là buồn hay vui, là phúc hay họa, đó vẫn là duyên phận.

Trong thế giới rộng lớn này, chúng ta có người để chờ đợi, hoặc có người chờ đợi chúng ta, đề là điều may mắn.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN